Sống 365 Ngày Một Năm

TỰA



«Chúng ta đều ráng giữ gìn sức khỏe để được sung sướng, có bao nhiêu người ráng sung sướng để được mạnh khỏe? — FRANK G. SLAWGHTER»
Mười năm trước khi dịch những tác phẩm của Dale Carnegie tôi đã có ý nghĩ rằng chúng ta hiểu biết nhiều hơn cổ nhân nhưng khôn thì chúng ta chưa chắc đã khôn hơn. Hai tác phẩm danh tiếng nhất của ông, tức cuốn “How to win fronds and influence people” và “How to stop worrying and start living”, được hàng triệu độc giả hoan nghinh, thực ra có chứa những tư tưởng nào mới mẻ đâu. Toàn là những lời khuyên của các bậc hiền triết từ hai, ba ngàn năm trước như: Kỷ sở bát dục; vật thi ư nhân. Đắc nhất nhật, quá nhất nhật, Quá tắc quy cung…

Gần đây đọc những sách phổ thông về một môn mới nhất trong y học, môn tâm thân y khoa (médecine psychosomatique), tôi lại thấy chẳng những trong phép xử thế, tu thân mà ngay cả trong cái thuật sống vui vẻ và khỏe mạnh ta cũng cần phải ôn lại những lời của cổ nhân nữa.

Tôi không chối cãi rằng trong một thế kì nay, khoa học đã giúp chúng ta biết thêm nhiều cách vệ sinh, diệt trùng, cách đề phòng những bệnh truyền nhiểm…, nhờ vậy mà số tử giảm đi trông thấy mà đời sống trung bình của chúng ta tăng lên được vài chục năm; nhưng cũng từ khoảng một thế kỳ nay chúng ta mắc thêm nhiều bệnh không thấy được hoặc ít thấy ở thời cổ, như bệnh huyết áp cao, bệnh lở bao tử, bệnh trĩ, bệnh thần kinh suy nhược…, mà nguyên do chỉ tại chúng ta tuy chú trọng đến phép vệ sinh mà không theo phép dưỡng sinh của tổ tiên.

Mới cách đây ba chục năm, các nhà y học và các nhà tâm lý học phương Tây tìm ra được điều này là từ 50% đến 75% bệnh của chúng ta do xúc động chứ không phải do vi trùng gây nên, và muốn tránh bệnh đó (mà người Pháp gọi là maladies d’origine émotive: bệnh do xúc động), thì phải thay đổi cách sống, thay đổi tinh thần con người: Biết tự chủ để làm chủ hoàn cảnh, biết dễ dãi, giản dị, yêu công việc và yêu người chung quanh… Mà biết sống như vậy tức là biết phép dưỡng sinh của người xưa.

Tôi không được rõ phép dưỡng sinh của người phương Tây thời cổ nhưng tôi biết rằng ở phương Đông, hơn hai ngàn năm trước, Trang Tử đã viết hai thiên nhan đề là Đạt sinh và Dưỡng sinh chủ, đại ý là khuyên ta hai điều dưới đây mà các bác sĩ và tâm

lí gia hiện nay đã thí nghiệm và nhận là đúng:

1. Đừng tách rời vật chất với tinh thần, cả hai chỉ là một:

2. Phải sống thuận theo thiên nhiên.

Mà chẳng riêng gì Lão Trang, ngay môn đệ của Khổng giáo cũng có một lối sống khoáng đạt, vui vẻ: về vật chất thì giản dị, quả dục, không để cho vật làm lụy ta; về tinh thần thì khoan hòa, không oán trời, không trách ngươi, làm hết sức mình, rồi mặc cho việc xảy ra sao thì xảy.

Cổ nhân sáng suất thật!

Nhưng như vậy không phải là những sách ngày nay đều vô dụng. Nó vẫn có ích, ta vẫn nên đọc nó vì hai lẽ:

— Nhiều chân lí cổ nhân do trực giác hay kinh nghiệm tìm ra được thì ngày nay những nhà bác học nhờ thí nghiệm mà chứng minh lại được, thành thử đọc sách của những nhà này, ta hiểu rõ hơn, tin chắc hơn. Mà có hiểu rõ, có tin chắc thì mới dễ thực hành. Trí mà càng tinh thì hành càng dị. Chẳng hạn cổ nhân biết rằng có vui vẻ mới khỏe mạnh, nhưng sự lo lắng ảnh hưởng xấu tới cơ thể ra sao thì cổ nhân không biết, hoặc chỉ biết một cách lờ mờ, còn ngày nay nhờ các nhà bác học mà chúng ta biết rằng những xúc động khó chịu ảnh hưởng tới từng quả tuyến, tới hệ thống giao cảm cách nào rồi gây nên những bệnh nào.

— Huống hồ các nhà bác học vẫn phát minh được những điều mớn. Thuyết mặc cảm của Freud, phương pháp trị bệnh do xúc động mà bác sĩ John A. Schindler đề nghị mươi năm nay chẳng hạn đều là những tấn bộ mà ta cần biết để hiểu mình, hiểu người rồi dễ gây hạnh phúc cho mình và cho người.

Từ trên mười năm nay tôi bị vài chứng bệnh khó trị, mãi gần đây tình cờ đọc ít cuốn sách về Tâm thần y khoa của Mỹ mới biết rằng những bệnh đó do xúc động gây ra, và tôi đã áp dụng được một phần những lời khuyên của tác giả những sách đó, nhất là của bác sĩ John A. Schindler, nhờ vậy mà bệnh giảm được ít nhiều, thứ nhất là tôi đã bỏ được cái tâm trạng lo lăng về bệnh mà sống vui hơn, mạnh hơn. Thấy vậy tôi chép lại trong tập này những điều tôi đã hiểu được để giúp độc giả đề phòng những bệnh do xúc động khi bệnh chưa phát, và thay đổi cách sống mà cải thiện sức khỏe khi bệnh đã phát rồi.

Sách tuy mỏng mà vạch cho bạn được một phép dưỡng sinh, cả một nhân sinh quan nữa đây Nhưng nó có ích lợi hay không thì còn tùy bạn có chịu áp dụng nó hay không.

Để viết cuốn này chúng tôi đã dùng tài liệu nhiều nhất trong cuốn How to live 365 days a year của John A. Schindler (Prentice – Hall Inc, New York) nên cũng xin mượn nhan đề cuốn đó để đặt tên.

Sài gòn ngày 1.2.1962


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.