Suy nghĩ và làm giàu
Chương 05 phần 1
Giáo dục – đó là hình tượng riêng của bạn do bạn tự tạo ra. Con người sẽ tự tìm kiếm những kiến thức mà anh ta cần thiết. Hãy theo một kế hoạch đơn giản – và bạn sẽ bắt đầu không phải từ con số không.
BƯỚC THỨ TƯ VƯƠN TỚI CỦA CẢI: KIẾN THỨC ĐẶC BIỆT
Có hai loại kiến thức: kiến thức cơ bản và kiến thức đặc biệt. Những kiến thức cơ bản, tức là kiến thức chung, dù cho có sâu sắc và đa dạng đến đâu đi nữa, cũng sẽ không cần cho bạn trong việc kiếm tiền. Các trường đại học tổng hợp lớn có gần như tất cả các loại kiến thức cơ bản mà nền văn minh nhân loại biết được. Thế mà đa số giáo sư không thuộc số những người giàu nhất trên thế giới. Họ chuyên môn giảng dạy kiến thức, nhưng không ai có thể khẳng định rằng họ chuyên về vấn đề sử dụng kiến thức.
Kiến thức không thể thu hút được tiền bạc chừng nào nó còn chưa được tổ chức một cách thông minh và chưa nhờ một kế hoạch hành động chi tiết để vươn tới mục tiêu nhất định – tích luỹ tài sản. Sở dĩ phải nhắc đến điều đơn giản này là vì hàng triệu người vẫn tiếp tục tin vào điều sai lầm phổ biến, dường như kiến thức – là sức mạnh. Hoàn toàn sai! Kiến thức – chỉ là sức mạnh tiềm năng. Nó chỉ trở thành sức mạnh thực sự khi được xử lý thành kế hoạch hành động rõ ràng và hướng vào kết quả cuối cùng.
Khâu khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục này thể hiện đặc biệt rõ khi các trường đào tạo khác nhau cố bằng mọi cách dạy cho sinh viên của mình tổ chức và sử dụng những kiến thức đã có.
Mọi người nhầm lẫn khi nghĩ rằng Henry Ford là một người thiếu học, vì ông rất ít thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Những người nghĩ như vậy hoàn toàn không hiểu ý nghĩa chân chính của từ giáo dục. Nó xuất phát từ hình tượng, tạo thành, tức là phát triển khả năng và năng khiếu của con người, cho ta cơ sở để nói rằng con người là hình tượng, là đồng dạng của Thượng đế.
Người có giáo dục không nhất thiết phải nhồi nhét đầy các loại kiến thức, cơ bản và đặc biệt. Người có giáo dục – đó là người phát triển được khả năng trí tuệ của mình, người có thể tiếp thu tất cả những gì mình muốn, tất cả những gì mình thấy cần, và không xâm phạm quyền lợi của những người khác.
NHỮNG KẺ NGHÈO NÀN TINH THẦN NGỚ NGẨN
Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất, một tờ báo Chicago cho đăng trên trang nhất một bài báo gọi ngài Henry Ford là kẻ theo chủ nghĩa hòa bình dốt nát. Ngài Ford phản đối cách hành văn xúc phạm như vậy và phát đơn lên tòa kiện tờ báo vu khống. Tại tòa, các luật sư bào chữa của tờ báo đã bắt ngài Ford trả lời với tư cách nhân chứng nhằm mục đích chứng minh với tòa sự dốt nát của ngài. Họ đặt ra cho ngài rất nhiều câu hỏi khác nhau, với ý định chỉ ra cho thấy rằng: vì ngài Ford chỉ biết mỗi một lĩnh vực sản xuất ôtô, cho nên trong các lĩnh vực chính và chủ yếu khác, dĩ nhiên là ngài rất dốt.
Các câu hỏi đại loại như sau: Benedict Arnold là ai? hoặc Nước Anh cử bao nhiêu lính sang Mỹ để trấn áp cuộc khởi nghĩa năm 1776? Câu hỏi cuối cùng ngài Ford trả lời: tôi không biết cử bao nhiêu lính, tôi chỉ biết là số người quay về đến nhà ít hơn rất nhiều.
Cuối cùng ngài Ford cảm thấy mệt mỏi. Đến một câu hỏi đặc biệt xúc phạm, ông lao người về phía trước, chỉ ngón tay vào luật sư và bảo: Nếu tôi thật sự muốn trả lời các câu hỏi ngu ngốc của ngài, thì – cho phép được nói với ngài – chỉ cần bấm nút trong phòng làm việc của tôi, sẽ có hàng loạt chuyên gia có khả năng trả lời tất cả mọi câu hỏi tôi cần có liên quan tới doanh nghiệp mà tôi dành phần lớn nỗ lực của mình. Vậy ngài hãy nói cho tôi biết tại sao tôi lại phải nhồi nhét đầy đầu mình những điều ngớ ngẩn chỉ để chứng minh rằng tôi có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào, trong khi tôi có đủ người đảm bảo cho tôi bất kỳ kiến thức nào tôi cần.
Trong câu trả lời này có một logic thật sự vĩ đại. Và nó đã làm cho luật sư lúng túng. Tất cả những người có mặt tại phiên tòa đều có thể thông qua sự phản ứng tuyệt vời của ngài Ford để thấy rằng trước mắt họ hoàn toàn không phải là một kẻ ngu dốt, mà trái lại, là một người rất có giáo dục. Bạn cũng phải đồng ý rằng nếu một người biết phải lấy kiến thức cần thiết ở đâu, và làm thế nào để biến nó thành kế hoạch hành động cụ thể, thì người đó có thể được coi là người có giáo dục. Nhờ có các chuyên gia trong Trung tâm não bộ của mình, ngài Henry Ford có trong tay những kiến thức đặc biệt, giúp ngài trở thành một trong những người đàng hoàng nhất ở nước Mỹ. Việc những kiến thức này nằm trong cái đầu nào hoàn toàn không có ý nghĩa gì đáng kể.
KIẾN THỨC – ĐIỀU ĐÓ THẬT LÀ DỄ DÀNG
Trước khi bạn muốn đoan chắc ở khả năng biến mong muốn thành tiền bạc của mình, cần nắm được một số kiến thức đặc biệt trong lĩnh vực mà bạn đã chọn. Nhưng hãy đặt giả thiết rằng kiến thức đặc biệt cần có nhiều hơn so với khả năng bạn có thể tiếp thu được, hoặc là bạn không có xu hướng muốn học hỏi. Trong trường hợp đó, Trung tâm não bộ sẽ giúp bạn khắc phục khiếm khuyết nhỏ này.
Muốn có tài sản lớn đòi hỏi phải bỏ ra năng lượng lớn, mà năng lượng này không thể xuất hiện nếu thiếu một hệ thống kiến thức đặc biệt được tổ chức tốt và sử dụng khôn khéo. Tuy nhiên, không nhất thiết người muốn gây dựng tài sản lớn phải có đầy đủ những kiến thức này.
Điều nói trên sẽ mang lại hy vọng cho những người có ước mơ làm giàu, nhưng lại thiếu học để có đủ kiến thức đặc biệt cần thiết. Mọi người thường khổ sở vì cho rằng mình kém giá trị chính vì sự thiếu học này. Nhưng một người có khả năng tổ chức Trung tâm não bộ và điều khiển nhóm, có khả năng sử dụng nhóm đó phục vụ mục tiêu của mình, thì cũng có học như bất cứ thành viên nào trong nhóm.
Thomas A.Edison ngồi trên ghế nhà trường không hơn ba tháng. Nhưng ông không phải là kẻ ngu dốt. Và lúc chết, hoàn toàn không nghèo túng.
Henry Ford chưa học hết lớp sáu, nhưng công việc tài chính của ông hết sức ổn thỏa!
Kiến thức đặc biệt là loại kiến thức tinh tế nhất, và cũng chẳng có gì rẻ hơn! Bạn không tin à? Hãy nhìn vào giấy báo trả tiền của bất cứ trường Đại học tổng hợp nào mà xem! Và lúc đó, ta hãy nói chuyện.
ALÔ! CẦN KIẾN THỨC À?
Trước hết phải xác định xem bạn cần loại kiến thức đặc biệt nào và để làm gì. Nếu như ý định của bạn là nghiêm túc, kế hoạch là lâu dài, thì mục tiêu mà bạn đang tiến tới sẽ giúp bạn xác định. Tiếp theo, hãy quan tâm đến các nguồn kiến thức đáng tin cậy. Quan trọng nhất trong số đó là:
Kinh nghiệm sống riêng và học vấn riêng của bạn.
Kiến thức và kinh nghiệm thu được do tiếp xúc với những người thông minh khác (liên kết trí tuệ).
Các trường cao học và Đại học tổng hợp.
Các thư viện công cộng (sách báo và tạp chí định kỳ mà trong đó tập trung tất cả những kiến thức do nền văn minh nhân loại tích luỹ được).
Các khóa học đặc biệt (các trường buổi chiều và đặc biệt là đào tạo tại nhà).
Kiến thức tự nó không có một giá trị gì. Khi đã có được kiến thức, cần hệ thống hóa và sử dụng nó để đạt mục tiêu cụ thể. Mà để làm được việc này, như bạn nhớ, cần có kế hoạch hành động thực tế.
Nếu bạn nghĩ đến việc học thêm, lúc đầu hãy xác định xem bạn cần cái đó để làm gì, rồi sau đó hẵng tìm xem nên làm việc đó ở đâu. Những người thành đạt trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào cũng luôn quan tâm đến những tài liệu đặc biệt, liên quan tới doanh nghiệp hoặc nghề nghiệp của họ. Có một sai lầm phổ biến ở những người không thành công, ấu trĩ cho rằng họ đã tiếp thu được tất cả mọi kiến thức từ trong trường phổ thông. Thực ra thì hệ thống giáo dục này chỉ chỉ ra một con đường con người có thể có được những kiến thức cần thiết, trong đó có những kiến thức thực tế.
Đòi hỏi của thời đại là chuyên môn hóa! Câu chuyện của ông Robert P.Moor (trước đây là trưởng phòng tổ chức trường Đại học tổng hợp Columbo) đăng trên báo đã khẳng định chân lý này.
CẦN CÓ CHUYÊN GIA
Khi tuyển người vào công ty, có ưu thế hơn cả vẫn là những người tốt nghiệp các trường doanh nghiệp, có thói quen làm việc đúng chế độ báo cáo và thống kê, kỹ sư các ngành nghề khác nhau, phóng viên, kiến trúc sư, các nhà hóa học, và những thủ lĩnh có năng khiếu trong trường hoặc đơn giản chỉ là chàng trai năng động trong năm học cuối cùng.
Trong số các sinh viên có kết quả học tập tốt, có ưu thế hơn cả vẫn là những người trội hơn về tính tích cực trong ký túc xá, vượt hơn hẳn mọi người về phần lớn các chỉ tiêu và nhận thêm công việc thích hợp với trình độ của họ. Nhiều người trong số họ về sau nhận được một lúc vài đề nghị ra làm việc, những người đặc biệt năng khiếu – có khi đến sáu đề nghị.
Một trong những hãng công nghiệp lớn đã mời ngài Moor như sau:
Chúng tôi tìm kiếm những người có năng khiếu quản lý sản xuất. Vì thế chúng tôi đặc biệt coi trọng các phẩm chất về tính cách, cá nhân, trí tuệ, và đánh giá chúng cao hơn nhiều so với học vấn.
THỰC HÀNH TRONG HỆ THỐNG ĐÀO TẠO
Khi đề nghị đưa thực hành tại các văn phòng, cửa hiệu hoặc xí nghiệp sản xuất vào chương trình đào tạo sinh viên trong các kỳ nghỉ hè, ngài Moor xuất phát từ chỗ: sau hai, ba năm học tập trong trường cao học, mỗi một sinh viên cần chọn cho mình một chuyên môn tương lai, còn nếu anh ta bị động hoặc giao động, thì anh ta phải tạm nghỉ học.
Các trường cao học và Đại học tổng hợp đã vấp phải sự cần thiết dạy cho sinh viên thói quen thực hành những nghề nghiệp mà họ đã chọn, – ông khẳng định trách nhiệm trực tiếp của các trường.
Một trong những nguồn kiến thức chuyên môn hóa đáng tin cậy, thuận tiện và dễ tiếp cận là các trường chiều, tồn tại ở tất cả các thành phố lớn. Các trường hàm thụ cung cấp học vấn chuyên ngành bằng phương pháp tăng cường ở cả nước Mỹ. Ưu thế chủ yếu của việc giảng dạy tại nhà – ở tính linh hoạt của chương trình giảng dạy, cho phép tiếp thu kiến thức với tốc độ thuận lợi cho bạn. Ưu thế khác của dạng đào tạo này (tất nhiên nếu chọn đúng trường) là: ngoài khóa chính còn có nhiều buổi phù đạo quý báu, rất cần để có kiến thức đặc biệt. Thuận lợi hơn nữa là không quan trọng bạn sống ở đâu. Và ngoài ra, đóng tiền rồi, bạn có thể học hai, ba người cũng được.
MIỆT MÀI HỌC TẬP VÀ TỰ KIỂM SOÁT
Nếu có cái gì đó trong đời được biếu không hoặc không phải nỗ lực gì nhiều cũng có được, thì thường nó không được đánh giá và không được tin tưởng. Cũng có thể vì thế mà chúng ta ít thu nhận được điều gì ích lợi trong trường phổ thông. Nhưng chính đây lại là một khả năng tuyệt vời biết bao nhiêu! Khi qua một chương trình đào tạo chuyên môn hóa nào đó, tính tự kiểm soát của con người sẽ bù đắp phần nào những điều bỏ sót trong đào tạo miễn phí. Tôi khuyên các bạn nên học các trường hàm thụ doanh nghiệp. Tiền học thấp nên họ bắt phải trả ngay từ đầu. Khi đã phải bỏ ra những đồng tiền đứt ruột của mình, dù muốn hay không thì sinh viên cũng tiếp tục học tập, điểm tốt hay xấu cũng vậy, mặc dầu trong những tình huống khác thì họ đã bỏ lâu rồi. Các trường hàm thụ không quá thiên về việc này, nhưng điều kiện tài chính mà họ đặt ra đã giáo dục được cho con người khả năng ra quyết định, trả tiền đúng hạn, chưa nói đến thói quen phải thực hiện công việc đến cùng.
Điều này tôi rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Sự việc diễn ra từ gần hai mươi lăm năm trước. Sau khi đọc một bản thông báo nào đó, tôi ghi tên vào một khóa học hàm thụ và thực hiện được tám hay mười bài tập gì đó. Sau đó tôi chán và bỏ học. Nhưng nhà trường vẫn đều đặn gửi giấy báo trả tiền đến cho tôi. Tệ hơn nữa, họ đòi tôi phải trả tiền dù có tiếp tục học hay không cũng vậy. Tôi liền quyết định đã vậy thì phải kết thúc khóa học cho bõ số tiền đã chi. Tôi đã khắc phục được bản thân mình và thực hiện công việc đến cùng. Có phải vì tôi đã bị trả tiền hay không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.