Tại Sao Không Là Evans

Chương 3



Cái tai nạn chết người ấy đang được cảnh sát mở cuộc điều tra. Vài hôm sau, vào một buổi sáng Bobby lên đường đi Londres để gặp một người bạn của anh, bàn việc hùn vốn mở một xưởng sửa chữa ô-tô.

Hai ngày sau, khi sự bàn bạc đã thoả thuận xong, Bobby đáp xe lửa về nhà. Anh tới ga Paddington muộn nên phải chạy tắt qua lối đường ngầm phụ trong ga thông lên ke số 3 vừa lúc đoàn tầu chuyển bánh. Bất chấp sự ngăn lại của người soát vé, anh nhảy đại lên toa đầu.

Đẩy mạnh cửa toa tàu và nhảy vội anh ngã dúi xuống sàn toa, thân chống trên hai tay và đầu gối. Cánh cửa toa được người kiểm vé đóng lại. Bobby đứng dậy và thấy mình đang đứng ngay trước một nữ hành khách duy nhất của toa hạng nhất.

Đó là một cô gái trẻ, da nâu, người thon thả, mồm ngậm một điếu thuốc lá. Cô ta mặc một cái váy đỏ, một áo jắc-két xanh, một mũ bon-nê mầu xanh sáng. Ẩn trong bộ quần áo đi đường bình dị vừa kể, là một thân hình duyên dáng có nhiều nét độc đáo cùng với gương mặt đầy đặn có sức quyến rũ.

– Ồ! Là Frankie ư? – Bobby reo lên – Có dễ một thế kỷ rồi chúng ta không gặp nhau!

– Chào anh! – Cô gái đon đả – Nào lại đây, hãy ngồi trước mặt tôi nào!

Bobby nhăn nhó:

– Vé của tôi chẳng đồng mầu với vé hạng nhất.

– Ồ, chuyện vặt. Chuyện ấy giải quyết dễ thôi. Tôi sẵn sàng trả họ tiền chênh lệch.

Vừa lúc đó một nhân viên người to cao, mặc đồng phục mầu xanh xuất hiện ngoài hành lang trước cửa toa tầu.

– Để tôi giải quyết! – Frankie đề xuất.

Cô gái nhoẻn miệng cười rất duyên với người soát vé khi người này buông bàn tan chào khỏi vành mũ kê-pi và bấm lỗ vào chiếc vé của cô ta.

– Đây là anh Jones, bạn tôi vừa vào toa trao đổi với tôi vài lời. Anh cho phép tôi phải không?

– Tất nhiên, thưa nữ hoàng. Tôi hy vọng ông anh chẳng ở đây lâu quá – Anh ta khẽ ho và nói thêm – Tôi sẽ trở lại soát vé lượt nữa trước lúc đến ga Briston.

– Một cô gái xinh đẹp với một nụ cười là giải quyết xong ngay một tình huống!… – Bobby nhận xét sau khi người soát vé rời đi.

Cô nương Frances Derwent gật gù tỏ ý tán đồng ý kiến của anh:

– Đúng là nụ cười thiện cảm biết dùng sẽ đem lại hiệu quả tốt. Với nó, tôi đã góp phần và đã thành công trong việc giúp đỡ cha thu xếp một cách độ lượng những yêu sách của công nhân.

– Tôi tin rằng vừa qua cô rời xứ Galles đi Londres đã giúp ông cụ được nhiều việc tốt?

Cô gái thở phào:

– À! Anh chẳng lạ gì ở thế hệ bố mẹ chúng ta cách giải quyết của các cụ nhiều lúc đã lỗi thời! Người thời nay dường như chẳng còn thích sống ở các vùng quê…

Cô gái chuyển câu chuyện sang vấn đề khác…

– Tuy nhiên, sau nhiều buổi tối ở Londres, nơi tôi vừa sống qua, tôi thường tự hỏi có phải đúng là tôi đã chẳng còn thích cuộc sống ở đồng quê hơn là thành thị như trước đây?

– Điều gì đã làm cho cô chẳng thích thú trong các buổi tối ở thành thị?

– Ồ! Chẳng có gì đặc biệt đâu. Chỉ là những buổi tối như những buổi tối khác. Gặp gỡ nhau ở nhà hàng Savoy vào lúc tám rưỡi chẳng hạn. Cả một nhóm bạn bè. Rồi cùng ăn tối với nhau, đến nhà hát múa rối… đơn điệu và buồn, và cũng đến cả các sàn đấu… còn buồn hơn. Cũng có tối đi chơi và dừng lại trước một gánh cà phê bán rong, ăn bánh rán. Khi trở về nhà ai nấy đều mỏi mệt. Như vậy đấy Bobby ạ, cuộc sống ở thành phố chẳng phải là đều vui thú.

– Tôi cũng có cảm xúc giống như cô.

Tuy nhiên, đối với Bobby, ngay cả ở những lúc chơi ngông nhất anh cũng chưa từng có hoàn cảnh vào những hộp đêm ăn chơi theo mốt như nhà hs2t múa rối hoặc đấu trường.

Mối quan hệ giữa Frankie và Bobby về thực chất khá đặc biệt.

Hồi còn nhỏ Bobby và các anh của mình kết bạn với các cô bé, cậu bé trong lâu đài. Giờ đây đã truởng thành họ ít gặp nhau. Ở những ngày còn nhỏ ấy, chơi với nhau họ thường gọi nhau bằng những cái tên trẻ con. Mỗi khi Frankie ở thành phố về sống ở lâu đài. Bobby và các anh thường hay đến lâu đài chơi tennis, và khi chơi từng cặp họ thường thiếu người cùng chơi là con trai.

Đôi khi con trai con gái chơi với nhau cũng thấy ngượng. Những đứa con nhà Derwent dòng dõi quí tộc luôn bày tỏ sự thân mật để dễ gần quí nhau và cũng để nói lên là chẳng bao giờ họ nghĩ đến sự phân cách giai cấp. Còn những đứa con nhà Jones thì luôn giữ ý tứ để tỏ ra là họ chẳng cần cầu cạnh hay nhờ vả gì. Tuy nhiên Bobby rất quý mến Frankie và lấy làm thích thú khi sự tình cờ đã xui khiến họ gặp nhau.

– Tôi thấy chán ngấy mọi thứ – Frankie tâm sự với một giọng ảo não – Còn anh sao, Bobby?

– Còn tôi? Không đâu, chẳng đến nỗi thế.

– Anh có nhiều may mắn.

– Ô! Tôi chẳng có ý muốn nói là tôi có một cuộc sống như ý muốn.

Hai người nhìn nhau đầy thiện cảm.

– À này! Về chuyện một người đàn ông ngã từ trên vách đá cao xuống vực ra sao?

– Bác sĩ Thomas và tôi phát hiện ra người bị nạn. Tại sao cô biết?

– Tôi đọc tin trên báo. Đây này!

Cô gái lấy ngón tay chỉ vào các cột báo, trên có tít đề: Tai nạn ngã chết người trong sương mù.

Nạn nhân người vùng Marchbolt đã được xác định lai lịch chiều hôm qua, nhờ có tấm ảnh Bà Leo Cayman. Bà đã được gọi tới Marchbolt và đã nhận ra người chết là ông Allex Pritchard chính là em trai bà. Ông Pritchard vừa mới ở Thái Lan về đất nước sau mười năm xa quê hương. Nhà chức trách đang tiến hành điều tra. Buổi họp thẩm vấn sẽ được triệu tập vào ngày mai tại Marchbolt.

Đọc xong bản tin, Bobbty chợt nhớ tới vẻ đẹp quyến rũ trên gương mặt người trong tấm ảnh văng ra từ túi người chết hôm ấy.

– Chắc chắn là họ sẽ mời tôi đến với tư cách là nhân chứng.

– Ồ, thế thì tuyệt. Tôi sẽ tới nghe.

– Tôi chẳng biết gì nhiều lắm để khai báo. Chúng tôi chỉ tình cờ phát hiện ra người bị nạn.

– Phát hiện ra khi anh ta đã chết rồi sao?

– Không. Anh ta chết sau đó mười lăm phút rồi tôi ở lại một mình với anh ta.

Bobbty ngừng một lát rồi lại kể tiếp. Frankie nói:

– Thật kinh khủng!

Cô gái ái ngại thay cho anh, khi nghe anh kể cha anh trách mắng như thế nào.

– Người bị nạn thật đáng thương… một chàng trai khỏe mạnh… đầy sức sống, một bước hụt trên vách đá thế là xong một đời! Trong sương mù…

– Anh đã trông thấy người chị gái nạn nhân chưa?

– Chưa. Tôi thường đi Londres hai ngày. Tôi đến đó bàn bạc với một người bạn mở một xưởng sửa chữa ô-tô. Cô có biết anh ta không: Badger Beadon?

– Tôi chẳng nhớ anh ta. À! Phải. Tôi biết anh nói đến ai rồi. Có phải anh chàng trước đây mở trại chăn nuôi rồi sau đó đi sang Úc làm ăn, không được bao lâu lại trở về nước?

– Đúng vậy! Chả là anh ta sau đó bị phá sản.

– Bobby, tôi hy vọng anh sẽ chẳng đầu tư tiền bạc vào công việc mở xưởng ô-tô?

– Tôi không có tiền, bởi vậy chẳng có gì là mạo hiểm đối với tôi. Nói cho đúng ra thì Badger cũng muốn tìm một người cộng tác hùn vốn với mình, nhưng chẳng phải là tìm được dễ dàng.

– Có phải ai cũng là người ngu ngốc đâu.

– Nhưng Frenkie này, Badger vốn là người thật thà xưa nay…

– Ồ, điều ấy thì chắc chắn rồi… Nhưng anh ta lấy tiền ở đâu ra mà mở xưởng?

– Anh ta được thừa hưởng tài sản của người cô chết đi để lại cho một xưởng với sáu cái ô-tô, một cơ ngơi cửa hàng bên trên ga-ra. Cộng thêm là một trăm bảng nữa do bố mẹ cho, để buôn bán các loại ô tô cũ…

– Tại sao anh xuất ngũ khỏi hải quân. Người ta không thải hồi anh đấy chứ?

Bobby đỏ mặt.

– Tôi rời khỏi vì kém mắt.

– Mắt anh hiện nay vẫn còn phải điều trị phải không?

– Khi khám tuyển quân, mắt tôi đủ tiêu chuẩn… Nhưng vì sau tôi chẳng chịu nổi mặt trời thuộc địa. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa khám cho tôi đều nói rằng chắc chắn mắt tôi sẽ khá hơn. Tôi sẽ lại có thể tiếp tục…

– Trên thực tế, mắt anh hoàn toàn trong sáng – Frankie nhận định sau khi cô nhìn vào đôi mắt nâu hiền từ của Bobby.

Một nhân viên hoả xa xuất hiện ớ cửa ngoài hành lang báo cho hành khách biết:

– Chúng tôi khiếm soát vé tầu!

– Xin mời ông – Frankie nói.

Sau đó hai người cùng đi xuống toa bán hàng trên tầu. Bobby đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược trước lúc người kiểm vé đến.

Khoảng gần năm giờ thì tầu đến sân ga Silaham. Tàu dừng lại để hành khách xuống làng Marchbolt.

– Thật là may cho tôi đi chuyến tầu này nên mới được gặp lại anh.

– Cảm ơn. Như vậy tránh cho tôi phải một mình vác cái va-li chết tiệt này suốt ba cây số.

– Năm cây chứ.

– Không, ba cây thôi, nếu ta đi theo con đường nhỏ chạy ven sân chơi bóng gôn.

– Con đường mà…

– Đúng, con đường mà có người ngã xuống vực hôm vừa rồi.

– Anh có cho rằng có ai đã đẩy anh ta?

– Đẩy anh ta? Lạy chúa, không! Tại sao?

Bằng một giọng nói vô tư, Frankie nói:

– Cũng có thể lắm chứ và điều đó sẽ làm cho vụ án trở thành li kỳ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.