Tại Sao Không Là Evans

Chương 4



Toà án cho mời các nhân chứng và những người có liên quan ngày mai có mặt để làm rõ cái chết của Alex Pritchard. Bác sĩ Thomas được mời đến với tư cách nhân chứng.

Người bác sĩ của toà hỏi ông:

– Có phải khi rơi xuống vực nạn nhân vẫn còn sống?

– Đúng vậy, anh ta vẫn còn thở. Tuy nhiên ở lúc đó anh ta chẳng còn hy vọng sống.

Bác sĩ Thomas trình bày với toà bằng từ ngữ chuyên môn. Người thẩm phán ngành tư pháp diễn giải cho rõ hơn:

– Bằng ngôn ngữ ta thường nói thì cột sống của nạn nhân bị gẫy?

– Đúng vậy, nếu muốn nói như vậy thì cũng được.

– Theo nhận định của ngài, thưa bác sĩ Thomas, tai nạn đã xảy ra như thế nào?

– Nạn nhân lúc đó bất tỉnh chẳng hỏi được anh ta điều gì cả. Tôi cho rằng anh ta bước hụt rồi rơi từ mép vách đá thẳng đứng xuống vực. Lúc đó sương mù từ phía biển bốc lên làm cho anh ta nhìn không rõ con đường nhỏ men theo miệng vực có một chỗ ngoặt đột ngột.

– Bác sỹ đã khám cho anh ta vào lúc đó vậy có thừa nhận là không có dấu hiệu thương tích nào làm cho ta nghĩ đến anh ta có đánh nhau với ai?

– Mọi thương tích trên người anh ta lúc đó chỉ là do bị va chạm vào đá khi rơi từ độ cao từ mười lăm đến hai mươi mét.

– Còn một giả thiết nữa là anh ta tự tử?

– Điều ấy cũng có thể xẩy ra.

Robert Jones Bobby, cũng với tư cách là nhân chứng, trình bày tiếp với Toà về những điều mà anh đã chứng kiến. Anh khai rõ từ lúc chơi bóng gôn ra sao, đánh mạnh văng quả bóng như thế nào. Rồi chợt nghe thấy tiếng ai kêu khiến anh tự hỏi liệu quả bóng có chạm vào ai đó. Tuy nhiên anh không tin là quả bóng có thể lăn tới con đường nhỏ.

– Anh có tìm thấy quả bóng không?

– Có tìm thấy ở một bụi cây cách con đường nhỏ hàng trăm mét.

Anh định kể tiếp thì một nhân viên Cảnh sát tư pháp cho rằng không cần kể thêm về những điều mà bác sĩ Thomas vừa rồi đã khai rõ. Tuy nhiên ông ta hỏi lại anh về tiếng kêu là chính tai anh nghe thấy hay tưởng chừng như nghe thấy, rồi ông ta hỏi:

– Có phải tiếng kêu cứu không?

– Chi là tiếng kêu bình thường.

– Giống như tiếng kêu khi gặp điều gì bất ngờ?

– Vâng giống như vậy.

Sau đó anh khai rõ thêm là người bị nạn đã chết khoảng năm phút sau khi bác sỹ Thomas đi khỏi.

Toà gọi đến bà Léo Cayman.

Nhìn thấy bà ta, Bobby cảm thấy thất vọng. Gương mặt bà ta chẳng hề giống gương mặt kiều diễm trong tấm ảnh văng ra từ túi áo người chết. Chuyện này chắc là có điều gì đó không được minh bạch. Cũng giả thiết tấm ảnh đó là chụp bà ta thực và chụp đã từ nhiều năm thì giờ đây khuôn mặt đã đổi khác đi nhiều, nhưng thật khó mà hình dung nổi, một khuôn mặt với vẻ quyến rũ và đôi mắt đôn hậu mà nay biến đổi thành phu nhân thái độ kiêu căng, phấn son quá mức, mái tóc nhuộm kiểu cách. Thời gian quả là có sức phá hoại tàn bạo. Anh chợt rùng mình khi mường tượng đến sự biến đổi của Frankie trong hai mươi năm tới liệu có diễn ra tương tự?

Thế rồi sau đó Mélia Cayman ở số nhà 17 khu công viên St. Leonard Paddington, tiếp tục khai trước toà.

Người chết, Alexandre Prichard, là người em trai duy nhất của bà. Bà gặp em mình lần cuối cùng vào tối hôm trước ngày xẩy ra tai nạn bi thảm. Người em mới từ Viễn Đông trở về và có nói cho bà biết là có ý định về thăm quê cũ, xứ Galles, đi dạo thăm lại khắp vùng núi non này.

– Bà cho rằng anh ta ở trạng thái bình thường?

– Hoàn toàn bình thường. Em tôi lấy làm thích thú về ý định đi dạo chơi này.

– Bà có thấy anh ta có những khó khăn gì không, chẳng hạn lúng túng về tiền bạc, sự buồn bực?

– Tôi chẳng thể khẳng định được gì về những vấn đề đó. Em tôi xuất ngoại khỏi nước Anh. Đã hơn chục năm tôi không gặp và tính cậu ấy vốn không thích viết thư từ nhiều. Cậu ấy mời tôi đi ăn, đi xem hát nhiều lần và cũng tặng tôi quà nữa cho nên tôi cho rằng cậu ấy chẳng thiếu tiền, cậu ấy tỏ vẻ vô tư, hồn nhiên dường như chẳng có điều gì lo lắng phiền muộn cả.

– Anh ta làm nghề gì bà có biết không, bà Cayman?

Người phụ nữ đang được chất vấn tỏ ra lúng túng trước câu hỏi:

– Tôi chẳng được rõ lắm. Em tôi có nói đến công việc thăm dò khai thác gì đó.

– Bà có nghĩ đến một nguyên nhân nào đó có thể dẫn anh ta đi đến tự sát?

– Tôi cho rằng: không! Tôi không tin là em tôi tự sát. Đó là do tai nạn – tôi nghĩ như vậy.

– Bà có thể giải thích thế nào khi em trai bà không đem theo một thứ hành lý nào… ngay cả đến một cái ba lô cũng không?

– Em tôi chẳng thích mang theo thứ gì cồng kềnh. Cậu ấy nói với chúng tôi là đã gửi trước một gói bưu kiện tới nơi định đi tới. Gói bưu kiện gửi trước hôm ra đi gồm có quần áo ngủ, một đôi tất nhưng có lẽ địa chỉ ghi chẳng được rõ nên đến chậm có thể là đến vào ngày hôm nay cũng nên.

– À! Điều đó hé lộ một điều gì đó chẳng được bình thường – Vị Cảnh sát tư pháp nói sau một lát suy nghĩ.

Bà Cayman kể tiếp: nhờ tấm ảnh có ghi tên văng ra từ thi hài người em tử nạn mà Cảnh sát báo tin được cho bà. Được tin, hai vợ chồng bà đã tới ngay Marchbolt và nhận dạng được thi hài Alexandre. Nhắc đến tên người em của mình bà ta sụt sịt rồi nấc lên vì xúc động.

Người Cảnh sát tư pháp nói vài lời an ủi rồi mời bà về chỗ ngồi.

Quay về phía các vị bồi thẩm ông bày tỏ ý kiến riêng của mình, bước đầu chỉ xác nhận cái chết của nạn nhân mà thôi chứ chưa có kết luận về nguyên nhân cái chết.

Các vị bồi thẩm khác thì có những nhận định đơn giản hơn. Chẳng có ý kiến nào cho rằng Mr Pritchard vì phải đương đầu với những lo lắng hoặc tuyệt vọng bởi những ý nghĩ đen tối mà đi tới tự tử.

Tai nạn dường như được quy cho sương mù buổi chiều hôm đã làm cho con đường nhỏ ven theo vách đá trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Kết luận của Hội đồng bồi thẩm được thông qua mau chóng như sau:

“Hội đồng bồi thẩm nhận định rằng nạn nhân bị chết vì tai nạn và mong muốn Hội đồng thành phố có ngay những biện pháp cần thiết để phòng ngừa tai nạn xẩy ra tiếp, đồng thời cho lập ngay một hàng rào chắn bên mép vách đá nơi có vực sâu nguy hiểm”.

Ông bồi thẩm Cảnh sát tư pháp đồng ý phê chuẩn. Buổi họp của Hội đồng kết thúc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.