Tiền Không Mua Được Gì?
LẬP LUẬN DỰA VÀO THỊ TRƯỜNG
Những câu chuyện chúng ta đề cập ở trên là dấu hiệu của một thời đại mới. Ở sân bay, trong công viên giải trí, tại hành lang Quốc hội hay phòng chờ khám bệnh, quy luật xếp hàng – “đến trước được phục vụ trước” – không còn, thay vào đó là quy luật của thị trường – “tiền nào của nấy”. Và dần dần nó phản ánh một điều còn lớn hơn: tiền và thị trường có phạm vi tác động ngày càng rộng, lên cả những khía cạnh của đời sống vốn không bị chi phối bởi các chuẩn mực thị trường.
Mua bán quyền chen hàng không phải ví dụ đáng buồn nhất của xu hướng này. Nhưng xem xét ưu nhược điểm của hệ thống xếp hàng, đầu cơ vé và các hình thức chen hàng khác có thể giúp chúng ta có ý niệm về sức mạnh tinh thần – và giới hạn đạo đức – của lập luận thị trường.
Thuê người xếp hàng hộ hay đầu cơ vé khám có gì sai không? Phần lớn các nhà kinh tế học đều nói không. Họ không đồng cảm mấy với quy luật xếp hàng. Họ đặt câu hỏi: tôi muốn thuê một người vô gia cư thay mặt tôi đến xếp hàng, có gì mà thiên hạ phải phàn nàn? Tôi muốn bán tấm vé khám tôi kiếm được chứ không muốn dùng nó, tại sao lại không được?
Tình huống quy luật thị trường vượt qua quy luật xếp hàng đã dẫn đến hai lập luận về tôn trọng tự do cá nhân và về tối đa hóa phúc lợi xã hội. Lập luận thứ nhất là của những người theo trường phái tự do. Nó cho rằng con người có quyền tự do mua bán bất cứ thứ gì họ muốn, chừng nào không ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. Phái tự do phản đổi các điều luật cấm đầu cơ vé vì lý do giống như khi họ phản đối các điều luật cấm hành nghề mại dâm hoặc cấm bán các bộ phận cơ thể người: Họ tin rằng những điều cấm ấy vi phạm quyền tự do cá nhân khi can thiệp vào lựa chọn của người đã trưởng thành.
Lập luận thứ hai liên quan đến thị trường, quen thuộc với giới kinh tế hơn với những người khác, là của những ngươi theo tư tưởng vị lợi. Nó cho rằng hoạt động trao đổi trên thị trường khiến người mua và người bán có lợi như nhau, vì vậy phúc lợi của tất cả chúng ta, tức là phúc lợi xã hội sẽ tăng lên. Việc tôi và người xếp hàng thuê cho tôi thỏa thuận được với nhau cho thấy cả hai chúng tôi đều có lợi. Đối với tôi, trả 125 dollar để được xem kịch Shakespeare mà không phải chờ đợi là tốt hơn, nếu không tôi đã không thuê người xếp hàng. Với người xếp hàng thuê, mất vài giờ đồng hồ đứng chờ mà kiếm được 125 dollar cũng tốt, nếu không anh ta đã không nhận việc này. Cả hai chúng tôi đều được lợi khi trao đổi, tức là phúc lợi của chúng tôi tăng lên. Đây là cái mà các nhà kinh tế học muốn nói khi họ phát biểu rằng thị trường tự do luôn phân bổ hàng hóa một cách hiệu quả nhất. Thông qua việc để cho mọi người thực hiện các giao dịch đôi bên cùng có lợi, thị trường đã phân bổ hàng hóa cho người đánh giá hàng hóa cao nhất, và giá trị ấy được đo bằng mức độ sẵn lòng chi trả của người mua.
Đồng nghiệp của tôi, nhà kinh tế học Greg Mankiw là tác giả một trong những cuốn giáo trình kinh tế học phổ biến nhất ở Mỹ. Ông dùng ví dụ đầu cơ vé để minh họa cho ưu điểm của thị trường tự do. Thứ nhất, ông giải thích khái niệm hiệu quả kinh tế nghĩa là hàng hóa được phân bổ sao cho “phúc lợi của tất cả mọi người trong xã hội” đạt giá trị lớn nhất. Rồi ông quan sát và nhận thấy thị trường tự do góp phần đạt được mục tiêu này khi nó phân bổ “hàng hóa được cung cấp cho những người đánh giá giá trị hàng hóa cao nhất, giá trị ấy được đo bằng mức sẵn lòng chi trả của người mua” [53].
Hãy xem những người đầu cơ vé. “Nếu nền kinh tế hoạt động với mục tiêu là phân bổ các nguồn lực khan hiếm sao cho hiệu quả nhất thì hàng hóa phải thuộc về những người tiêu dùng đánh giá giá trị nó cao nhất. Đầu cơ vé là một ví dụ cho thấy thị trường phân bổ hiệu quả như thế nào… Khi đòi mức giá cao nhất mà thị trường có thể chấp nhận được, những người đầu cơ góp phần đảm bảo rằng người tiêu dùng nào có mức sẵn lòng trả tiền mua vé cao nhất sẽ là người mua được vé” [54].
Nếu lập luận về thị trường tự do là đúng thì chúng ta không nên gièm pha giới đầu cơ vé và công ty xếp hàng thuê là họ đã vi phạm nguyên tắc xếp hàng. Mà ngược lại, chúng ta nên ca ngợi họ vì họ đã làm phúc lợi xã hội tăng lên khi đưa những hàng hóa bị thị trường đánh giá quá thấp đến với những người sẵn lòng trả giá cao nhất cho hàng hóa đó.
Chú thích:
[53] N. Gregory Mankiw, Nguyên lý Kinh tế học vi mô, xuất bản lần thứ năm. (Mason, OH: South-Western Cengage Learning, 2009), trang. 147, 149, 151.
[54] N. Gregory Mankiw, Nguyên lý Kinh tế học vi mô, xuất bản lần thứ nhất. (Mason, OH: South-Western Cengage Learning, 1998), trang. 148.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.