Tiền Không Mua Được Gì?
MUA LỜI XIN LỖI VÀ LỜI CHÚC MỪNG ĐÁM CƯỚI
Chúng ta có thể tìm hiểu mối liên hệ nói trên thông qua một số ví dụ nằm giữa hai tình huống tình bạn và quả thận. Bạn không thể mua được tình bạn, nhưng biểu tượng tình bạn hoặc biểu hiện của sự thân tình, yêu thương hay hối hận thì sao?
Năm 2001, báo New York Times đăng tải câu chuyện về một công ty ở Trung Quốc chuyên cung cấp một dịch vụ khác thường: nếu bạn muốn xin lỗi một người – có thể là người yêu đang giận dỗi bạn hay đối tác làm ăn đang bất hòa với bạn, và bạn không thể tự mình nói lời xin lỗi với họ, bạn có thể thuê công ty Xin lỗi Thiên Tân làm hộ bạn. Khẩu hiệu của công ty là: “Thay bạn nói lời xin lỗi”. Theo bài báo, những người xin lỗi chuyên nghiệp là người “ở độ tuổi trung niên, có bằng đại học, mặc bộ vét màu tối. Họ là những luật sư, cán bộ làm công tác xã hội hoặc giáo viên với ‘khả năng ăn nói xuất sắc’, kinh nghiệm sống dày dặn, và còn được đào tạo thêm về cách tư vấn” [139].
Tôi không biết công ty Thiên Tân có thành công không, thậm chí cũng không rõ nó có tồn tại không nữa. Nhưng bài báo khiến tôi tự hỏi: Lời xin lỗi mà đi mua thì có tác dụng không? Nếu có người làm sai hoặc xúc phạm bạn rồi thuê một người đến xin lỗi bạn thì bạn có hài lòng không? Tùy từng trường hợp, hoặc thậm chí có thể tùy vào cả chi phí. Liệu bạn có cho rằng lời xin lỗi đắt tiền thì có giá trị hơn lời xin lỗi rẻ tiền không? Hay hành động xin lỗi của người mắc lỗi mới thực sự thể hiện sự ăn năn, và không thể thuê người khác làm hộ được? Nếu không lời xin lỗi đi mua nào – dù tốn kém đến đâu – có thể thay thế lời xin lỗi của chính người mắc lỗi, thì cũng như bạn bè, lời xin lỗi là cái mà tiền không thể mua được.
Hãy xem một tình huống khác khá gần với tình bạn – lời phát biểu nâng cốc chúc mừng cô dâu và chú rể trong đám cưới. Theo truyền thống, lời chúc mừng này phải ấm áp, hài hước, thể hiện chân thành mong muốn hai người hạnh phúc, và phải do phù rể – thường là bạn thân của chú rể – nói ra. Nhưng không dễ mà nghĩ ra một lời chúc mừng hay trong đám cưới, và nhiều phù rể không tự tin là mình làm được. Vì vậy, một số người phải tìm cách mua trên mạng lời chúc mừng trong đám cưới [140].
ThePerfectToast.com là một trong những trang web hàng đầu cung cấp dịch vụ viết thuê các bài phát biểu trong đám cưới. Nó bắt đầu hoạt động từ năm 1997. Bạn phải trả lời một bảng hỏi trên mạng với những câu hỏi như cô dâu, chú rể gặp nhau như thế nào, bạn mô tả con người họ ra sao, bạn muốn một lời chúc hài hước hay cảm động. Và chỉ trong vòng ba ngày làm việc, bạn sẽ nhận được một bài phát biểu nâng cốc chúc mừng đám cưới dài từ ba đến năm phút, được viết một cách chuyên nghiệp. Giá là 149 dollar, trả bằng thẻ tín dụng. Với những người không đủ tiền để đặt lời chúc mừng viết riêng thì có những trang web khác, chẳng hạn InstantWeddingToasts.com chuyên bán các bài phát biểu chuẩn viết sẵn cho đám cưới với giá 19,95 dollar, kèm theo cam đoan sẽ trả lại tiền nếu không hiệu quả [141].
Giả sử vào ngày bạn thành hôn, phù rể của bạn có một lời phát biểu nâng cốc chúc mừng rất chân thành, xúc động đến mức bạn ứa nước mắt. Nhưng về sau bạn phát hiện ra là cậu ta không tự viết mà mua ở trên mạng, liệu bạn có khó chịu không? Bạn có thấy lời chúc không còn ý nghĩa như ban đầu, trước khi bạn biết nó là của một tay chuyên nghiệp viết thuê? Phần lớn chúng ta hẳn sẽ trả lời là có, lời chúc mừng đám cưới được mua về không có giá trị bằng khi nó được người nói tự viết ra.
Một số người có thể lập luận rằng lời chúc mừng thông thường của các nguyên thủ quốc gia thực chất không phải thông điệp của nhà nước. Nó chỉ là lời thể hiện tình hữu nghị. Mặc dù lời chúc đi mua có thể “tốt” theo nghĩa tạo ra hiệu ứng mong muốn, nhưng nó đạt được một phần nhờ sự lừa dối. Sau đây là phép thử: Giả sử vì quá lo sợ việc phải phát biểu trong đám cưới bạn thân nên bạn đã mua một lời chúc tuyệt hay, xúc động, đầy tình cảm trên mạng. Liệu bạn có nói ra sự thực đó không, hay bạn sẽ tìm cách giấu giếm? Nếu hiệu quả của lời chúc đi mua phụ thuộc vào việc công bố hay giấu giếm nguồn gốc của nó thì có lý do để chúng ta nghi ngờ bản đi mua đã làm xói mòn ý nghĩa của bản tự viết.
Lời xin lỗi và lời phát biểu nâng cốc chúc mừng trong đám cưới là những hàng hóa mà xét từ góc độ nào đó, có thể mua được. Nhưng mua bán sẽ làm thay đổi tính chất, giảm bớt giá trị của chúng.
Chú thích:
[139] Elisabeth Rosenthal. “Công ty ở Trung Quốc sẽ xin lỗi hộ bạn nếu bạn trả phí”, New York Times, 3/1/2001.
[140] Rachel Emma Silverman, “Dành cho những người bạn của tôi – cặp đôi hạnh phúc – bài phát biểu mà tôi mua được: Những phù rể ít nói mua lời chúc mừng cô dâu chú rẻ trên mạng”, Wall Street Journal, June 19, 2002; Eilene Zimmerman, “Lời chúc mừng từ đáy lòng bạn, nhưng do người khác viết ra”, Christian Science Monitor, 31/5/2002.
[141] www.theperfecttoast.com; www.instantweddingtoasts.com.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.