Tiền Không Mua Được Gì?

THƯỞNG TIỀN CHO HỌC SINH ĐƯỢC ĐIỂM CAO



Trả tiền để con người ta triệt sản chỉ là một ví dụ thô thiển. Sau đây là một ví dụ khác: các trường công trên hầu khắp nước Mỹ đang nỗ lực cải thiện kết quả học tập của học sinh bằng cách thưởng tiền cho những em được điểm tốt hoặc đạt điểm cao trong các kỳ thi chuẩn hóa. Ý tưởng của họ là dùng tiền làm động lực có thể cứu vãn được nguy cơ thất bại của trường học đang ngày càng hiển hiện rõ khi tiến hành cải cách giáo dục.
Hồi nhỏ tôi đi học ở một trường công rất tốt và có môi trường rất cạnh tranh ở Pacific Palisades, bang California. Đôi khi tôi nghe nói có những bạn cứ đạt điểm A là được bố mẹ thưởng tiền. Đa số chúng tôi thấy chuyện này khá giật gân. Nhưng chưa bao giờ có học sinh nào lại được nhà trường thưởng tiền khi đạt điểm cao. Tôi nhớ hồi đó đội bóng chày Los Angeles Dodgers có chương trình khuyến mại tặng vé miễn phí cho học sinh trung học đạt kết quả tốt. Tất nhiên chúng tôi không phản đối, và tôi và bạn bè chỉ đi xem rất ít trận đấu. Nhưng không ai nghĩ đây là công cụ khuyến khích học tập cả, nó là một việc mất thời gian thì đúng hơn.
Giờ đây mọi chuyện đã khác. Khuyến khích bằng tiền đang ngày càng được coi là bí quyết để cải thiện chất lượng học tập, nhất là với học sinh của những trường chất lượng kém ở thành phố.
Tạp chí Time gần đây đã đặt câu hỏi thẳng tuột lên trang bìa: “Trường học có nên hối lộ học sinh?” [74] Một vài người cho rằng câu trả lời phụ thuộc vào việc hối lộ có đạt được kết quả như mong muốn không.
Một vị giáo sư kinh tế thuộc Đại học Harvard là Roland Fryer, Jr. đang nỗ lực giải đáp câu hỏi này. Fryer, một người Mỹ gốc Phi đã trải qua tuổi thơ ở những khu vực nghèo đói của bang Florida và Texas tin rằng tiền có thể tạo động lực tốt cho học sinh ở các trường học vùng đô thị. Với sự hỗ trợ của một quỹ tài chính, ông đã thí điểm ý tưởng của mình trên một số trường công lớn nhất nước Mỹ. Từ năm 2007, dự án của ông đã thưởng tổng cộng 6,3 triệu dollar cho học sinh ở 261 trường học vùng đô thị có đa phần học sinh là người Mỹ gốc Phi và người Hispanic, con cái các gia đình có thu nhập thấp.

Ở mỗi thành phố, ông lại sử dụng một cơ chế thưởng tiền khác nhau [75].
• Ở thành phố New York, các trường thưởng cho mỗi học sinh lớp bốn 25 dollar nếu các em đạt điểm cao trong kỳ thi chuẩn hóa. Học sinh lớp bảy được thưởng 50 dollar cho mỗi kỳ thi. Mỗi học sinh lớp bảy trung bình được thưởng 231,55 dollar tổng cộng [76].
• Ở Washington, D.C., các trường trung học cơ sở thưởng cho học sinh tiền mặt khi các em đi học đầy đủ, cư xử đúng đắn và nộp bài tập về nhà. Những em chăm chỉ có thể kiếm được 100 dollar trong hai tuần. Một học sinh bình thường nhận được khoảng 40 dollar vào mỗi kỳ thanh toán diễn ra hai tuần một lần, và sau một năm học thì tổng cộng em đó nhận được 532,85 dollar [77].
• Ở Chicago, các trường thưởng tiền mặt cho học sinh lớp chín nếu các em đạt điểm tốt: 50 dollar cho điểm A, 35 dollar cho điểm B và 20 dollar cho điểm C. Sau một năm học, những em giỏi nhất sẽ có một món tiền khá: 1.875 dollar [78].
• Ở Dallas, học sinh lớp hai được thưởng 2 dollar khi đọc được một cuốn sách. Để nhận được tiền thưởng thì các em phải làm một bài trắc nghiệm trên máy tính để chứng minh rằng mình đã đọc sách thật [79].
Việc thưởng tiền đã đem lại những kết quả trái ngược. Ở thành phố New York, nó không hề làm kết quả học tập của học sinh tốt hơn. Ở Chicago, nó khiến học sinh đi học đầy đủ hơn, nhưng kết quả kỳ thi chuẩn không thay đổi. Ở Washington, nhờ được thưởng tiền mà một số học sinh (các em người Hispanic, các em trai và các em gặp vấn đề về hạnh kiểm) đã có kết quả môn đọc hiểu cao hơn. Cơ chế thưởng tiền hiệu quả nhất là ở Dallas, các em học sinh lớp hai được thưởng 2 dollar khi đọc thêm một cuốn sách đã đạt kết quả tốt trong kỳ thi môn đọc hiểu cuối năm [80].
Dự án của Fryer là một trong rất nhiều nỗ lực thưởng tiền cho học sinh để các em học tốt hơn gần đây. Một chương trình khác tương tự, cũng thưởng tiền cho các em đạt kết quả cao trong kỳ thi AP. Các khóa học AP cho phép học sinh trung học được theo học các khóa toán học, lịch sử, khoa học, tiếng Anh và nhiều môn khác ở cấp độ đại học. Năm 1996, bang Texas đưa ra Chương trình khuyến khích AP, theo đó mỗi học sinh được thưởng từ 100 đến 500 dollar (tùy trường) khi thi đỗ một môn trong kỳ thi AP (từ 3 điểm trở lên). Giáo viên của các em cũng được thưởng 100 đến 500 dollar cho mỗi học sinh của họ thi đỗ, ngoài ra họ còn được thưởng thêm. Chương trình khuyến khích AP hiện đang hoạt động ở 60 trường trung học trong bang Texas, mục tiêu là giúp học sinh thuộc nhóm thiểu số và thuộc các gia đình thu nhập thấp sẵn sàng hơn cho khóa học đại học. Khoảng 10 bang khác cũng đang áp dụng chính sách khuyến khích bằng tiền cho học sinh và giáo viên đạt kết quả tốt trong kỳ thi AP[81].
Một số chương trình khuyến khích không hướng vào học sinh mà vào giáo viên. Mặc dù công đoàn giáo viên tỏ ra dè dặt trước đề xuất thưởng- tiền-theo-kết-quả-học-tập, nhưng ý tưởng thưởng cho giáo viên nếu học sinh đạt kết quả cao giờ đã trở nên phổ biến đối với các cử tri, chính trị gia và một vài nhà cải cách giáo dục. Từ năm 2005, các trường công ở các thành phố Denver, New York, Washington, D.C.; hạt Guilford, bang North Carolina và thành phố Houston đã áp dụng cơ chế thưởng tiền cho giáo viên. Năm 2006, Quốc hội đã thành lập Quỹ Khuyến khích giáo viên để cung cấp nguồn tài chính cho chương trình thưởng-tiền-theo-kết-quả-học-tập cho giáo viên ở những trường nhiều học sinh kém. Chính phủ Obama còn cấp nhiều tiền hơn cho chương trình. Gần đây, một dự án khuyến khích do tư nhân tài trợ ở Nashville đã đề xuất thưởng cho giáo viên dạy toán ở các trường trung học cơ sở khoản tiền lên tới 15.000 dollar nếu cải thiện được kết quả kỳ thi của học sinh [82].
Ở Nashville, mặc dù tiền thưởng có giá trị khá lớn nhưng nó không thay đổi kết quả học tập môn toán của học sinh. Nhưng các chương trình khuyến khích AP ở Texas và nhiều nơi khác đã có tác động tích cực. Ngày càng nhiều học sinh, trong đó có những em thuộc nhóm cộng đồng thiểu số hoặc gia đình có thu nhập thấp đã có động lực theo học các khóa học AP. Rất nhiều em đã vượt qua được kỳ thi chuẩn hóa và được công nhận đã hoàn thành khóa học một số môn ở trình độ đại học. Một tin rất tốt. Nhưng nó không phản ánh quan điểm của kinh tế học về công cụ khuyến khích tài chính rằng học sinh càng nhận được nhiều tiền thì học càng chăm chỉ hơn và đạt kết quả càng tốt hơn. Câu chuyện thực tế phức tạp hơn nhiều.
Những chương trình khuyến khích AP đã thành công là những chương trình không chỉ thưởng tiền cho học sinh và giáo viên mà còn làm thay đổi văn hóa trường học cũng như thái độ của học sinh đối với kết quả học tập. Chương trình đã mở khóa đào tạo đặc biệt cho giáo viên, cung cấp trang thiết bị phòng thí nghiệm, tổ chức các buổi hướng dẫn học sinh ngoài giờ học và vào thứ bảy. Một trường kém ở Worcester, bang Massachusetts đã mở các lớp AP cho mọi học sinh chứ không chỉ cho những em xuất sắc được chọn từ trước. Họ mời gọi học sinh vào lớp AP với những tấm áp phích in hình các ngôi sao nhạc rap, “chúng hấp dẫn đến nỗi các cậu trai chuyên mặc quần bò thụng, thần tượng các ca sỹ rap như Lil Wayne cũng chọn những lớp khó nhất”. Số tiền thưởng 100 dollar mỗi em nhận được khi vượt qua kỳ thi AP cuối năm chính là động lực, và dường như nó hiệu quả vì ý nghĩa của tiền thưởng chứ không phải vì bản thân khoản tiền: “Được nhận tiền thưởng có cái gì đó rất thú vị”, một em học sinh đã thi đỗ nói với báo New York Times. “Một cảm giác cực kỳ đặc biệt”. Các lớp hướng dẫn học tập sau giờ học được tổ chức hai lần một tuần và 18 giờ học vào các ngày thứ bảy cũng có tác dụng tích cực [83].
Một nhà kinh tế học đã nghiên cứu kỹ chương trình khuyến khích AP ở các trường dành cho học sinh từ gia đình có thu nhập thấp ở bang Texas. Ông nhận thấy có một điểm thú vị: chương trình đã thành công trong việc làm kết quả học tập của các em tăng lên đáng kể, nhưng không phải bằng “hiệu ứng giá” thông thường (bạn càng thưởng nhiều thì học sinh càng đạt điểm cao). Mặc dù một số trường thưởng 100 dollar cho những em vượt qua được kỳ thi AP, một số trường khác lại thưởng đến 500 dollar, nhưng kết quả thi cử của học sinh hai nhóm này không khác biệt. Giáo viên và học sinh “không đơn giản là tối đa hóa doanh thu” – như tác giả nghiên cứu C. Kirabo Jackson đã viết [84].
Vậy cái gì đã xảy ra? Tiền có ý nghĩa tinh thần – nó khiến cho kết quả học tập tốt trở thành “sành điệu”. Đó là lý do tại sao số tiền bao nhiêu không quan trọng. Mặc dù ở hầu hết các trường, khuyến khích bằng tiền chỉ áp dụng với các khóa học AP môn tiếng Anh, toán và khoa học, nhưng chương trình này đã làm gia tăng số học sinh theo học các môn học AP khác như lịch sử, khoa học xã hội. Chương trình khuyến khích AP thành công không chỉ nhờ “hối lộ” học sinh để các em học tốt mà còn vì nó thay đổi thái độ của các em đối với thành tích học tập cũng như thay đổi văn hóa trong trường học [85].

Chú thích:

[74] Amanda Ripley, “Có nên hối lộ học sinh để các em học tốt hơn?”,
Time, 19/4/2010.

[75] Kết quả nghiên cứu của Fryer được tóm tắt trong bài báo đã dẫn. Để biết toàn bộ kết quả, bạn đọc có thể xem Roland G. Fryer, Jr., “Công cụ khuyến khích bằng tiền và kết quả học tập của học sinh: Bằng chứng từ các thử nghiệm ngẫu nhiên”, Quarterly Journal of Economics 126 (11/ 2011): trang 1755– 98, www.economics.harvard.edu/faculty/fryer/papers_fryer.

[76] Fryer, “Công cụ khuyến khích bằng tiền và kết quả học tập của học sinh”; Jennifer Medina, “Câu hỏi tiếp theo: Sinh viên có được thưởng vì đạt kết quả xuất sắc không?”, New York Times, 5/3/2008.

[77] Fryer, “Công cụ khuyến khích bằng tiền và kết quả học tập của học sinh”; Bill Turque, “Nghiên cứu của Harvard cho thấy học sinh ở D.C. có phản ứng khi được thưởng tiền”, Washington Post, 10/4/2010.

[78] Fryer, “Công cụ khuyến khích bằng tiền và kết quả học tập của học sinh”.

[79] Tài liệu đã dẫn.

[80] Tài liệu đã dẫn.

[81] Michael S. Holstead, Terry E. Spradlin, Margaret E. McGillivray, và Nathan Burroughs, “Tác động của Chương trình khuyến khích AP”, Đại học Indiana, Trung tâm Đánh giá và Chính sách Giáo dục, Education Policy Brief, tập 8, Mùa đông 2010; Scott J. Cech, “Thưởng tiền theo điểm thi AP như một hình thức khuyến khích”, Education Week, 16/1/2008; C. Kirabo Jackson, “Hiện tại mất ít để tương lai được nhiều: Xem xét Chương trình khuyến khích AP”, Journal of Human Resources 45 (2010), http://works.bepress. com/c_kirabo_jackson/1/.

[82] “Giáo viên giỏi nhất có nên được thưởng nhiều hơn không?”, Governing Magazine, 8/2009; Đề xuất trả tiền để tạo động cơ làm việc, Trung tâm Khuyến khích học tập Quốc gia, Đại học Vanderbilt, www.performanceincentives. org/news/detail.aspx? pageaction=ViewSinglePublic&LinkID=46&ModuleID
=28&NEWSPID=1; Matthew G. Springer và các cộng sự, “Giáo viên được tiền nếu đạt kết quả tốt”, 21/9/2010, www.performanceincentives.org/news/ detail.aspx? pageaction=ViewSinglePublic&LinkID=561&ModuleID=48&N EWSPID=1; Nick Anderson, “Nghiên cứu cắt giảm tiền thưởng giáo viên”, Washington Post, 22/9/2010.

[83] Sam Dillon, “Chương trình khuyến khích AP đã giúp học sinh và giáo viên có tiền”, New York Times, 3/10/2011.

[84] Jackson, “Hiện tại mất ít để tương lai được nhiều: Xem xét Chương trình khuyến khích AP”.

[85] Tài liệu đã dẫn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.