Tiền Không Mua Được Gì?
TIẾP CẬN KHÁI NIỆM SINH MẠNG THEO QUAN ĐIỂM KINH TẾ
Phần lớn các nhà kinh tế học không muốn đưa vấn đề đạo đức vào phân tích, ít nhất khi họ nghiên cứu với tư cách chuyên môn. Họ nói nhiệm vụ của họ là giải thích chứ không phải phán xét hành vi của con người. Họ khẳng định rằng cái họ làm không phải cho chúng ta biết khi làm việc này thì nên theo những chuẩn mực nào hay chúng ta nên đánh giá hàng hóa kia theo cách ra sao. Hệ thống giá cả phân bổ hàng hóa theo sở thích của mọi người; nó không đánh giá sở thích của ai đáng giá hơn, đáng ngưỡng mộ hơn hay phù hợp hơn với hoàn cảnh. Nhưng dù đã lên tiếng phản đối, các nhà kinh tế học vẫn ngày càng vướng vào nhiều câu hỏi đạo đức hơn.
Có hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất phản ánh thế giới đang thay đổi, nguyên nhân thứ hai cho thấy cách hiểu của các nhà kinh tế học cũng đang thay đổi.
Trong vài thập niên trở lại đây, tư duy thị trường và định hướng thị trường đã vươn tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống vốn bị chi phối bởi các chuẩn mực phi thị trường. Chúng ta đang đặt giá thị trường cho ngày càng nhiều hàng hóa vốn không thuộc về thị trường. Mức giá 300 dollar của Harris chính là một ví dụ cho thấy xu hướng này.
Đồng thời, các nhà kinh tế học cũng đang xem xét lại chuyên môn của mình, làm cho nó trừu tượng hơn, thách thức hơn. Trước đây, giới kinh tế học chỉ nghiên cứu những vấn đề kinh tế rõ ràng như lạm phát và thất nghiệp, tiết kiệm và đầu tư, lãi suất và xuất nhập khẩu. Họ giải thích tại sao các quốc gia lại giàu có, hệ thống giá cả giải quyết cung cầu đối với hợp đồng tương lai mua bán thịt ba chỉ và các hàng hóa khác như thế nào.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều nhà kinh tế học đã bước chân vào những dự án tham vọng hơn. Họ cho rằng cái họ đem lại không chỉ đơn thuần là những lập luận giải thích hành vi sản xuất và tiêu dùng hàng hóa vật chất mà còn là khoa học về hành vi của con người. Cốt lõi của môn khoa học là một tư tưởng đơn giản, nhưng có ảnh hưởng sâu rộng:
Trong mọi lĩnh vực đời sống, luôn có thể giải thích hành vi của con người với giả định rằng họ đưa ra quyết định dựa trên việc so sánh lợi ích và chi phí của những lựa chọn mà họ có, và họ sẽ chọn cái mà họ tin là đem lại cho họ lợi ích ròng – hay còn gọi là phúc lợi – lớn nhất.
Nếu tư tưởng này là đúng thì mọi thứ đều phải có giá tiền. Giá tiền có thể hiển thị rõ ràng, như với ô tô, lò nướng bánh hay thịt ba chỉ. Hoặc giá có thể ẩn, như với tình dục, hôn nhân, trẻ em, giáo dục, tội phạm, phân biệt chủng tộc, tham gia chính trị, bảo vệ môi trường, thậm chí sinh mạng con người. Quy luật cung cầu chi phối hầu hết những thứ chúng ta vừa liệt kê cho dù chúng ta có biết sự tồn tại của nó hay không.
Người đưa ra phát biểu nổi tiếng nhất phản ánh quan điểm này là Gary Becker, nhà kinh tế học thuộc Đại học Chicago. Ông đã viết như vậy trong cuốn sách Cách tiếp cận kinh tế đối với hành vi của con người (The Economic Approach to Human Behavior) (1976). Ông phản đối cách nhìn cũ cho rằng kinh tế học “nghiên cứu sự phân bổ hàng hóa vật chất”. Ông phân tích rằng quan điểm truyền thống là cố chấp vì nó “không chịu đưa một số hành vi của con người vào sự tính toán lạnh lùng của kinh tế học”. Becker tìm cách đưa chúng ta thoát khỏi sự cố chấp đó [69].
Theo Becker, con người hành động nhằm mục đích tối đa hóa phúc lợi của mình bất kể họ tham gia hoạt động gì. Giả định này “được sử dụng liên tục và rất tự nhiên, và nó chính là cốt lõi của cách tiếp cận kinh tế” đối với hành vi của con người. Có thể áp dụng cách tiếp cận kinh tế với mọi loại hàng hóa. Nó giải thích từ những quyết định mang tính sống còn đến chuyện bạn “chọn nhãn cà phê nào”. Nó xuất hiện từ trong quyết định chọn bạn đời đến mua thùng sơn. Becker viết tiếp: “Tôi đã đi đến chỗ mà cách tiếp cận kinh tế trở thành một công cụ toàn diện, áp dụng được cho mọi hành vi của con người, cho dù hành vi đó liên quan đến giá tiền công khai hay giá ẩn, quyết định bất chợt hay thường xuyên, quyết định lớn hay nhỏ, mục đích vật chất hay tình cảm, người giàu hay người nghèo, đàn ông hay đàn bà, người lớn hay trẻ em, người thông minh hay kẻ ngốc, bệnh nhân hay bác sỹ, doanh nhân hay chính trị gia, giảng viên hay người học” [70].
Becker không nói rằng bệnh nhân hay bác sỹ, doanh nhân hay chính trị gia, giảng viên hay người học thực tế đều hiểu được rằng quyết định của họ bị chi phối bởi lý do kinh tế, nhưng là vì chúng ta thường không biết nguyên nhân sâu xa của hành động của chính mình. “Cách tiếp cận kinh tế không giả định” rằng con người “luôn ý thức được mình đang nỗ lực tối đa hóa phúc lợi, hoặc có thể phát biểu hay mô tả theo cách thức nào khác” lý do họ hành động. Tuy nhiên, những ai có cái nhìn sắc sảo, thấy được tín hiệu giá ẩn trong mọi tình huống thì đều thấy được rằng mọi hành vi của chúng ta, dù không liên quan gì đến vật chất, cũng đều có thể được giải thích và dự báo dựa trên tính toán hợp lý lợi ích và chi phí [71].
Becker minh họa nhận định của mình với phần phân tích hôn nhân và ly hôn dưới góc độ kinh tế:
Theo cách tiếp cận kinh tế, một người quyết định kết hôn khi lợi ích thu được từ hôn nhân lớn hơn lợi ích thu được khi sống độc thân hoặc khi tìm người yêu khác. Tương tự, một người đã kết hôn sẽ quyết định ly hôn khi lợi ích kỳ vọng có được từ việc quay trở lại cuộc sống độc thân hoặc kết hôn với người khác lớn hơn mất mát người đó phải chịu khi ly hôn, bao gồm mất mát khi phải sống xa con cái, tổn thất khi chia tài sản chung, án phí… Vì có rất nhiều người đang tìm bạn đời nên có thể nói thị trường hôn nhân có tồn tại[72].
Một số người nghĩ quan điểm tính toán làm cho hôn nhân mất cả lãng mạn. Họ cho rằng tình yêu, nghĩa vụ và cam kết là những khái niệm không thể quy thành tiền. Họ nhấn mạnh rằng một cuộc hôn nhân tốt đẹp là vô giá, là cái mà tiền không thể mua được.
Đối với Becker, chính tư tưởng ủy mị đang cản trở chúng ta suy nghĩ một cách rõ ràng. Ông viết: “Với sự khôn ngoan đáng ngưỡng mộ đáng lẽ phải được sử dụng đúng chỗ”, những người không chấp nhận cách tiếp cận kinh tế lại giải thích rằng hành vi của con người là hỗn loạn và khó đoán định; do con người “ngu dốt và hành xử vô lý, thay đổi giá trị thường xuyên một cách khó hiểu, do phong tục tập quán và do sức ép từ chuẩn mực xã hội gây ra”. Becker không thể kiên nhẫn trước lập luận lộn xộn này. Ông tin rằng chỉ cần quan tâm đến hiệu ứng thu nhập và hiệu ứng giá là đủ để có cơ sở vững chắc cho khoa học xã hội [73].
Liệu có thể nhìn nhận mọi hành vi của con người dưới góc độ thị trường? Các nhà kinh tế học, khoa học chính trị, học giả ngành luật và các chuyên gia khác vẫn chưa thống nhất. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là cách nhìn này đang trở nên phổ biến không chỉ trong học thuật mà cả trong đời sống hàng ngày. Trong vài thập niên trở lại đây, chúng ta đang chứng kiến các mối quan hệ xã hội đang thay đổi theo hướng trở thành mối quan hệ thị trường một cách đáng kể. Bằng chứng chính là con người đang sử dụng công cụ tiền tệ để giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng thường xuyên hơn.
Chú thích:
[69] Gary S. Becker, Cách tiếp cận kinh tế đối với hành vi của con người (The Economic Approach to Human Behavior) (Chicago: University of Chicago Press, 1976), trang 3– 4.
[70] Sách đã dẫn, trang 5-8.
[71] Sách đã dẫn, trang 7-8.
[72] Sách đã dẫn, trang 10, từ in nghiêng đúng như nguyên bản.
[73] Sách đã dẫn, trang 12-13.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.