Tiền Không Mua Được Gì?

TRẢ TIỀN ĐỂ SĂN TÊ GIÁC



Giả sử mục tiêu của chúng ta là bảo vệ các loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng, ví dụ tê giác đen. Từ năm 1970 đến 1992, số cá thể tê giác đen ở châu Phi đã giảm từ 65.000 con xuống còn chưa đến 20.000 con. Mặc dù săn bắn các loài động vật bị đe dọa là trái phép, nhưng phần lớn các quốc gia châu Phi đều không thể bảo vệ tê giác trước những kẻ săn trộm để lấy sừng và bán ở châu Á và Trung Đông lấy một số tiền khổng lồ [118].
Vào thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, một vài nhóm bảo tồn đời sống hoang dã và các quan chức trong lĩnh vực đa dạng sinh học Nam Phi bắt đầu xem xét sử dụng công cụ khuyến khích thị trường để bảo vệ các loài vật đang bị đe dọa. Nếu người chủ trang trại tư nhân được phép bán cho thợ săn quyền bắn và giết một lượng tê giác đen nhất định thì chủ trại sẽ có động lực để gây giống, chăm sóc các loài vật và ngăn chặn giới săn trộm.
Năm 2004, chính phủ Nam Phi đã được Công ước quốc tế về Buôn bán các loài động thực vật nguy cấp đồng ý cho phép họ cấp giấy phép săn bắn năm con tê giác đen. Tê giác đen rõ ràng là loài đang bị đe dọa và rất khó bị giết hại; và cơ hội được săn một con được giới thợ săn giải trí định giá rất cao. Tấm giấy phép săn con tê giác hợp pháp đầu tiên trong hàng chục năm qua có giá khá đáng kể: 150.000 dollar, thuộc về một người Mỹ làm việc trong lĩnh vực tài chính. Trong số các khách hàng tiếp theo có một tỷ phú dầu mỏ người Nga, người đã trả tiền để được săn ba con.
Giải pháp thị trường có vẻ hiệu quả. Ở Kenya, nơi vẫn cấm săn bắn tê giác, số cá thể tê giác đen đã giảm từ 20.000 con xuống còn khoảng 600 con khi con người khai hoang đất đai, chuyển đổi thành đất nông nghiệp và chăn nuôi. Tuy nhiên, ở Nam Phi, nơi chủ đất có động cơ kinh tế để dành phần lớn đất trang trại của họ cho sinh vật hoang dã, số lượng cá thể tê giác đen bắt đầu tăng trở lại.
Với những người thấy săn bắn giải trí là bình thường thì việc bán quyền giết một con tê giác đen là giải pháp dựa vào thị trường hợp lý nhằm cứu một loài động vật nguy cấp. Nếu giới thợ săn sẵn lòng trả 150.000 dollar để được săn một con tê giác thì các chủ trang trại sẽ có động cơ để phát triển, bảo vệ đàn tê giác nhằm tăng cung cho thị trường. Đây chính là du lịch sinh thái với chút ngoắt ngoéo bên trong: “Mời bạn đến mua vé để được săn bắn loài tê giác đen đang bị đe dọa. Bạn sẽ có trải nghiệm khó quên, đồng thời góp phần bảo tồn loài động vật này”.
Từ quan điểm tư duy kinh tế, giải pháp dựa vào thị trường có vẻ rõ ràng đã thắng thế. Nó đem lại lợi ích cho nhiều người mà không làm ảnh hưởng đến ai. Chủ trang trại kiếm được tiền, thợ săn có cơ hội săn bắn một sinh vật nhìn đáng sợ, và một loài vật nguy cấp thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng. Còn có gì phải than phiền nữa?
Câu trả lời phụ thuộc vào ý nghĩa đạo đức của trò săn bắn giải trí. Nếu bạn tin rằng hành vi giết hại động vật hoang dã để giải trí là đáng phản đối về mặt đạo đức thì thị trường săn bắn tê giác chính là một thỏa thuận xấu xa, môt dạng tống tiền đạo đức. Bạn có thể hài lòng vì nó có ảnh hưởng tích cực lên quá trình bảo tồn tê giác, nhưng cũng lấy làm tiếc vì kết quả đạt được là nhờ thỏa mãn cái mà bạn coi là thú vui tệ hại của giới thợ săn giàu có. Nó giống như cứu một cánh rừng gỗ đỏ lâu đời bằng cách cho phép dân đốn gỗ bán cho các nhà tài trợ giàu có quyền khắc tên viết tắt của họ lên cây.
Vậy thì chúng ta nên làm gì? Bạn có thể bác bỏ giải pháp thị trường với lý do là hành vi săn bắn giải trí là tồi tệ xét về mặt đạo đức, và nhược điểm này quan trọng hơn lợi ích thu được cho lĩnh vực bảo tồn. Hoặc bạn có thể quyết định chấp nhận bị tống tiền đạo đức và vẫn bán quyền săn bắn một vài con tê giác, với hy vọng sẽ cứu loài vật này khỏi bị tuyệt chủng. Câu trả lời nào đúng phụ thuộc một phần vào việc liệu thị trường có đem lại lợi ích mà nó hứa hẹn hay không. Nhưng phần khác, câu trả lời còn phụ thuộc vào việc liệu các thợ săn có sai không khi coi động vật hoang dã là đối tượng giải trí, và nếu có thì họ sai đến mức độ nào.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy lập luận thị trường là chưa hoàn chỉnh nếu thiếu lập luận đạo đức. Chúng ta chưa thể quyết định có nên mua bán quyền săn bắn tê giác nếu chưa trả lời được câu hỏi đạo đức liên quan đến cách đánh giá giá trị tê giác. Tất nhiên, đây là câu hỏi gây tranh cãi, mọi người luôn bất đồng về câu trả lời. Nhưng với thị trường thì cũng không thể tránh được câu hỏi gây tranh cãi: đâu là cách đánh giá giá trị hàng hóa đúng đắn?
Bản năng giúp các thợ săn thú dữ tóm ngay lấy luận điểm này. Họ hiểu rằng môn thể thao họ chơi (và trả tiền) có phù hợp với đạo đức không phụ thuộc vào một quan điểm cụ thể về cách nhìn nhận thế giới hoang dã. Một số thợ săn tôn kính con mồi của họ, họ cho rằng giết một sinh vật vĩ đại, mạnh mẽ chính là một cách thể hiện sự kính trọng. Một thương nhân người Nga từng trả tiền để được săn tê giác đen vào năm 2007 đã nói: “Tôi bắn tê giác đen vì đây là một trong những cách ca tụng đẹp nhất mà tôi có thể dành cho nó” [119].
Người phản đối sẽ nói rằng giết một sinh vật là cách kỳ quặc để thể hiện sự tôn kính. Cách đánh giá giá trị động vật hoang dã của giới thợ săn giải trí có phù hợp không là câu hỏi đạo đức chủ đạo trong cuộc tranh luận này. Việc có nên tạo ra thị trường săn bắn các động vật đang bị đe dọa hay không phụ thuộc vào kết quả đạt được là số lượng cá thể có tăng lên không cũng như thị trường ấy có thể hiện, có khuyến khích đánh giá giá trị động vật một cách đúng đắn không.
Thị trường tê giác đen thật phức tạp về mặt đạo đức, vì nó hướng tới việc bảo vệ một loài động vật nguy cấp thông qua khuyến khích một thái độ gây tranh cãi đối với động vật hoang dã. Sau đây là một câu chuyện khác cũng về săn bắn, nó dẫn đến bài toán còn khó giải hơn liên quan đến ý nghĩa của lập luận thị trường.

Chú thích:

[118] Brendan Borrell, “Cứu tê giác bằng cách hy sinh chúng”, Bloomberg Businessweek, 9/12/2010.

[119] Tài liệu đã dẫn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.