Tốc Độ Của Niềm Tin
Chương 4. YẾU TỐ CỐT LÕI THỨ NHẤT – SỰ CHÍNH TRỰC
Bạn có phải là người chính trực?
Có ba điều tôi cần xem xét khi tuyển dụng nhân viên. Thứ nhất là tính chính trực, thứ hai là sự thông minh, và thứ ba là tính năng động cao. Nếu bạn không có điều thứ nhất thì hai điều kia sẽ giết chết bạn.
– Warren Buffett, CEO, Berkshire Hathaway
Tại vòng ba giải quần vợt Italia Masters năm 2005 ở Rome, nhà vô địch quần vợt Andy Roddick gặp tay vợt Tây Ban Nha Fernando Verdasco. Bước vào lượt giao bóng kết thúc trận đấu với lợi thế đang nghiêng về tay vợt Roddick, khi Verdasco phát quả giao bóng lần hai, trọng tài biên hô “out”(4) và khán giả bắt đầu reo hò chúc mừng Roddick. Verdasco cũng bước đến sát lưới để bắt tay đối thủ, xem như trận đấu đã kết thúc.
Nhưng Andy Roddick không nhận điểm thắng này mà quả quyết rằng quả bóng đó “in”(5) và đề nghị trọng tài lưu ý đến vết mà quả bóng để lại trên sân đất nện cho thấy quả bóng nằm trên vạch chứ không ra ngoài vạch. Rất ngạc nhiên trước thái độ của Roddick, song trọng tài đã đồng ý với ý kiến của anh và ghi điểm cho Verdasco.
Mọi người hết sức kinh ngạc. Trong một trận đấu mà kết quả không dựa vào danh dự của người chơi mà dựa vào quyết định của trọng tài – Roddick đã đưa ra một quyết định bất lợi cho mình và đã thua trong trận đấu này.
Dù Andy Roddick đã thua trận đấu ngày hôm đó, nhưng phần thưởng anh nhận được còn quý giá hơn rất nhiều, đó là sự tín nhiệm, sự tin cậy của mọi người đối với anh. Làm sao thái độ biểu hiện lòng chính trực đó lại mang đến cho anh sự tín nhiệm? Bạn hãy suy nghiệm theo hướng này: sau này các trọng tài sẽ có thái độ ra sao trước các phản ứng tương tự của Andy Roddick đối với các quyết định của họ? Chắc chắn họ sẽ phải hết sức tôn trọng ý kiến của anh vì uy tín của anh đã được biết đến; sự tín nhiệm sẽ mở đường cho anh.
Bạn cũng thử nghĩ xem Andy Roddick sẽ đánh giá thế nào về bản thân mình? Anh ấy sẽ cảm nhận ra sao nếu như anh chấp nhận điểm thắng ở séc đấu đó khi thừa biết quả bóng thật sự không ra ngoài biên?
Tôi gọi hành vi của Andy Roddick trên sân quần vợt hôm đó là “Sự lựa chọn của Roddick”- thể hiện tinh thần chính trực bất chấp mọi thiệt thòi cho bản thân. Nó cũng thể hiện mối liên quan giữa tính chính trực, sự tín nhiệm và niềm tin với mọi người xung quanh cũng như với bản thân chúng ta.
Đối với tôi, chính trực là từ ngữ thực sự bao quát ý nghĩa về một con người toàn diện, có tính cách, bản chất chu toàn và thánh thiện. Theo tôi, một người chính trực, dù là nam giới hay phụ nữ, phải giữ được sự cân bằng và toàn diện, có tính cách cao đẹp. Đó là mẫu người sống có nguyên tắc.
– HANK PAULSON, CHỦ TỊCH KIÊM CEO, GOLDMAN SACHS
Nói một cách ẩn dụ về các loài thảo mộc, sự chính trực chính là gốc rễ. Dù nó nằm sâu dưới lòng đất và chẳng phải lúc nào cũng được nhìn thấy, nhưng nó đóng vai trò tuyệt đối cần thiết trong việc cung cấp dưỡng chất cho một sức sống mạnh mẽ và giữ thăng bằng cho cây. Chúng ta đã biết đến nhiều người có khả năng chuyên môn cao, thành tích tốt, và đôi khi có cả mục đích cao đẹp, nhưng tiếc rằng họ lại hành động không trung thực hay vô nguyên tắc. Đó là lối tư duy “mục đích biện minh cho phương tiện” dẫn đến các hành vi thao túng, dối trá, gian lận, tống tiền và tai tiếng như các vụ bê bối ở công ty Enron, WorldCom, những cuộc hôn nhân và các quan hệ khác tan vỡ vì bị phản bội.
Trở lại ví dụ nhân chứng về mặt chuyên môn tại tòa án, nhân chứng này không thể được xem là đáng tin cậy nếu phía bị cáo chứng minh được người đó không chính trực.
Mặt khác, một người nếu chỉ có sự chính trực mà không có ba yếu tố cốt lõi còn lại thì họ chỉ đơn thuần là một “người tốt”, thậm chí có thể là người rất trung thực, nhưng chẳng đảm trách được vai trò gì đáng kể. Trong ẩn dụ về cây của chúng ta, người như thế có thể ví như một gốc cây trơ trụi. Bạn có thể tin loại người đó có thể giữ bí mật cho bạn, nhưng không trông mong người đó làm được việc gì có ích hơn. Anh ta trung thực nhưng không thích hợp cho vai trò nào cả.
Như đã nói, tất cả bốn yếu tố cốt lõi này đều cần thiết đối với sự tín nhiệm và việc xây dựng niềm tin.
Khó khăn trong vấn đề khôi phục đạo đức
Vậy Chính trực là gì? Ngày nay, nhiều người đánh đồng tính chính trực với đạo đức. Ít ra sự gia tăng các vụ bê bối cá nhân, chính trị hay tập đoàn kinh tế gần đây cũng kèm theo một hệ quả tốt, đó là nảy sinh nhu cầu chấn chỉnh đạo đức. Hầu như mọi người đều nhận ra rằng sự thiếu đạo đức trên phạm vi thế giới ngày nay đang làm mất đi niềm tin giữa con người với nhau.
Từ đống tro tàn của khủng hoảng, tham nhũng và sự đánh mất niềm tin nơi công chúng, một phong trào làm sống lại đạo đức và tinh thần tự do kinh doanh đang được phát động và thu hút hàng triệu người tham gia.
– PATRICIA ABURDENE, TÁC GIẢ CUỐN MEGATRENDS 2010
Tuy nhiên, điều khó khăn đối với các tổ chức là nhiều giải pháp nâng cao đạo đức đều chú trọng vào thái độ phục tùng mệnh lệnh. Định nghĩa “đạo đức” theo tinh thần phục tùng mệnh lệnh không liên quan gì đến tính chính trực hay tinh thần hòa hợp mà chỉ là một định nghĩa khiên cưỡng chỉ ép buộc con người “tuân thủ các quy tắc”. Vì thế việc rèn luyện đạo đức trong các công ty, tập đoàn cũng chỉ chủ yếu tập trung vào việc tuân thủ Đạo luật Sarbanes – Oxley và các luật lệ khác mà không hề chú trọng đến việc làm rõ giá trị đạo đức hay bổ sung tính chính trực vào các giá trị đạo đức cùng những nguyên tắc bền vững.
Với quan điểm đó, công ty nào cũng có những tập nội quy dày cộm và phức tạp, trong khi nhân viên vẫn có thể gian dối hoặc thậm chí đối xử nhẫn tâm với nhau mà chẳng bị công ty xử lý gì nếu như họ vẫn đạt kết quả trong công việc, trừ phi họ bị phát hiện gian lận tài chính hay vi phạm nội quy cụ thể.
Luật lệ không thể thay thế được đạo đức.
– ALAN GREENSPAN, CỰU CHỦ TỊCH CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ
Như chúng ta sẽ bàn sau ở phần nói về Làn sóng thứ ba – Niềm tin trong Tổ chức, xét cho cùng, những vấn đề chúng ta đang gặp phải trong các tổ chức ngày nay không thể giải quyết bằng biện pháp ép buộc mọi người “tuân thủ luật lệ” với hy vọng dùng hành vi bên ngoài tác động vào ý thức. Như Chris Bauer, một nhà tâm lý học và giảng viên môn đạo đức doanh nghiệp đã nhận xét:
Điều chúng ta đang bàn ở đây không phải là vấn đề thực thi pháp luật hay các quy định, mà là vấn đề tâm lý – đó là sự thiếu vắng những chuẩn mực đạo đức khiến mọi người không biết điều gì đúng nên làm. Tôi thấy có rất nhiều công ty tuyên bố sẽ thắt chặt nội quy mà ít thấy công ty nào bảo sẽ cố gắng xác định rõ những chuẩn mực đạo đức của công ty mình và huấn luyện nhân viên áp dụng những giá trị đó vào hành động cụ thể.
Chỉ khi nào các công ty chú trọng đến vấn đề niềm tin và sự chính trực, vào tinh thần tự giác hơn là sự tuân thủ mệnh lệnh thì họ mới có thể nâng cao sự tín nhiệm và niềm tin đích thực trong công ty. Nói như Albert Camus(6), “Sự chính trực không cần đến luật lệ”.
Định nghĩa về sự chính trực
Hầu hết mọi người hiểu sự chính trực chính là sự trung thực. Tuy nhiên nhiều người không thật sự hiểu rằng sự trung thực không chỉ là nói đúng sự thật mà còn phải thể hiện được sự trung thực đó. Người ta có thể nói đúng sự thật, nhưng lại thể hiện khác đi, và đó không phải là sự trung thực.
Bất cứ ai không trung thực trong việc nhỏ sẽ không được tín nhiệm giao cho việc lớn.
– ALBERT EINSTEIN
Hầu hết các nhà quản lý đều tự cho mình là người trung thực, tuy nhiên kết quả khảo sát cho thấy đa số các nhân viên không tin các cấp quản lý của họ thật sự trung thực hay thành thật trong giao tiếp. Nhà văn Anh, Maria Louise Ramé nói: “Tôi biết có hàng ngàn kẻ tinh quái nhưng chưa bao giờ thấy ai thừa nhận bản chất tinh quái của mình”. Nhận xét của bà đã được đưa vào kịch bản phim “Cướp biển Ca-ri-bê” qua lời nói khôi hài của Thuyền trưởng Jack Sparrow, nhân vật chính trong phim: “Tôi là kẻ bất lương, một kẻ bất lương mà các bạn có thể tin tưởng vào tính bất lương rất trung thực của hắn. Đó là loại người trung thực mà bạn cần cảnh giác, vì bạn không bao giờ đoán được khi nào họ sẽ làm những điều cực kỳ ngu xuẩn”.
Tính chính trực đương nhiên đã bao gồm tính trung thực, nghĩa là nói đúng sự thật và làm người khác hiểu đúng sự thật. Nhưng tính chính trực còn bao hàm ít nhất ba phẩm chất khác cũng quan trọng không kém, đó là:
Sự đồng nhất. Chính trực (integrity) có cùng từ gốc tiếng La-tinh với các từ hợp nhất (integrated) và “trọn vẹn” (integer). Một người được xem là chính trực khi người đó không thể hiện sự khác biệt nào giữa ý định và hành vi, khi họ là một thể thống nhất từ suy nghĩ cho đến hành động, từ trong ra ngoài, mà không có sự sai biệt nào. Tôi gọi đó là sự đồng nhất (congruence). Chính sự đồng nhất này, chứ không phải sự tuân thủ mệnh lệnh (compliance), tạo ra sự tín nhiệm và niềm tin.
Người có sự đồng nhất luôn hành động theo những giá trị đạo đức và niềm tin trong lòng họ. Họ đã nói là làm và luôn nhất quán trong mọi việc. Họ không bị tác động bởi những áp lực bên ngoài, kể cả ý kiến của người khác hay những biện pháp tức thời. Họ chỉ lắng nghe và làm theo tiếng nói của lương tâm.
Một tấm gương về tính cách đồng nhất là Mahatma Gandhi. Có lần, ông được mời đến nói chuyện tại Hạ viện Anh. Không cần chuẩn bị trước, ông diễn thuyết suốt hai giờ liền và làm cho cử tọa thuộc phe đối lập phải đứng lên tán thưởng nhiệt liệt. Ngay sau bài nói chuyện, một số phóng viên đến gặp thư ký của ông là Mahadev Desai, tỏ ý hoài nghi rằng Gandhi làm sao có thể cuốn hút cử tọa trong thời gian dài như vậy mà không cần đến một dàn ý nào. Desai trả lời:
Những điều Gandhi nghĩ, cảm nhận, nói ra và hành động đều giống nhau, nên ông ấy không cần lập trước dàn ý… Còn ông và tôi, chúng ta nghĩ một đằng nhưng cảm nhận một nẻo, nói thế này nhưng lại làm thế khác, do đó chúng ta mới cần dàn ý để không nói mâu thuẫn hay nói sai.
Gandhi không chỉ thống nhất với bản thân mình, mà với cả những nguyên tắc mà ông coi trọng. Có thể nói ông không chỉ có bộ rễ chính trực mà có cả rễ cái cắm sâu vào kho tàng những nguyên tắc trường tồn chi phối cuộc sống của con người.
Cuộc đời tôi là một tổng thể không thể chia cắt, và mọi hoạt động của tôi đều có mối quan hệ đan xen với nhau… vì thế cuộc đời tôi chính là thông điệp mà tôi muốn gửi đến mọi người.
– MAHATMA GANDHI
Dựa vào sức mạnh của những nguyên tắc này và luôn sống theo nguyên tắc, Gandhi đã tạo được những thành tựu vẻ vang cho đất nước Ấn Độ và cho cả thế giới – mặc dù trên thực tế ông chưa từng nắm quyền lực hay giữ một cương vị lãnh đạo chính thức nào.
Khi bạn luôn thể hiện sự thống nhất của nội tâm với niềm tin và những nguyên tắc sống của mình, bạn đang khơi dậy niềm tin trong các mối quan hệ nghề nghiệp cũng như các mối quan hệ cá nhân. Mọi người sẽ cảm nhận được bạn là người đáng tin cậy, và họ tin phong cách sống của bạn chắc chắn đem lại kết quả tích cực và xứng đáng với niềm tin mà họ đã đặt vào bạn.
Tính khiêm tốn. Tính chính trực cũng bao gồm cả sự khiêm tốn. Trong khi tiến hành nghiên cứu để viết cuốn sách Từ Tốt đến Vĩ đại, chuyên gia về lý thuyết kinh doanh nổi tiếng, Jim Collins đã quan sát những công ty hoạt động có hiệu quả tốt chuyển biến thành những công ty đạt thành tích xuất sắc để tìm lý do dẫn đến thành công vượt bậc của các công ty này. Ông đã phát hiện ra hai lý do khiến ông rất ngạc nhiên.
Thứ nhất, mặc dù ông đã có ý định “bỏ qua các nhà quản lý” trong công trình nghiên cứu của mình, nhưng các dữ liệu thu được lại chứng minh rõ ràng rằng vai trò lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Như Collins nhận xét, “Tất cả những công ty khi chuyển biến từ tốt trở thành vĩ đại đều đã đạt đến trình độ lãnh đạo cấp độ 5”.
Thứ hai là điểm đặc trưng của trình độ lãnh đạo “Cấp độ 5”. Collins nói:
Chúng tôi rất ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt khi phát hiện ra một kiểu lãnh đạo cần thiết để biến một công ty hoạt động tốt trở thành xuất sắc. So với những nhân vật thường được nhắc đến trên các hàng tít của báo chí như những siêu sao, thì các nhà lãnh đạo lừng lẫy mang một phong cách khác hẳn. Họ khiêm tốn, ít nói, dè dặt, thậm chí có hơi rụt rè – ở các nhà lãnh đạo này là một sự pha trộn đầy nghịch lý giữa tính khiêm tốn và tham vọng vươn cao trong nghề nghiệp. Họ giống Lincoln và Socrates nhiều hơn là giống Patton hay Caesar.
[phần gạch dưới là của tác giả]
Vậy tính khiêm tốn được thể hiện trong vai trò lãnh đạo và trong cuộc sống như thế nào? Một người khiêm tốn chỉ quan tâm đến hành động đúng hơn là muốn chứng tỏ rằng mình đúng, quan tâm đến việc thực hiện những ý tưởng hay hơn là muốn mình phải có ý tưởng hay, chấp nhận thực tế hiển nhiên hơn là bảo vệ lập trường đã lỗi thời, họ quan tâm đến việc xây dựng tập thể hơn là đề cao bản thân, và họ muốn đề cao sự đóng góp của mọi người hơn là được mọi người công nhận sự đóng góp của bản thân mình.
Thể hiện tính khiêm tốn không có nghĩa là bộc lộ bản chất yếu đuối, dè dặt, hay nhún nhường mà chính là xác định và đặt nguyên tắc sống lên trên bản ngã, bảo vệ nguyên tắc sống ấy dù gặp phải sự phản đối. Chính vì vậy những người khiêm tốn có khả năng đàm phán hiệu quả và thành công trong những cuộc thương lượng gay go nhất. Họ thể hiện lập trường rõ ràng và kiên định khi gặp những tình huống căng thẳng trong quan hệ cá nhân thân thiết. Họ không bao giờ tỏ ra ngạo mạn, tỏ vẻ can đảm hay tham gia những trò tranh giành quyền lực. Họ nhận ra những nguyên tắc bền vững chi phối các tổ chức và các mối quan hệ và họ luôn cố gắng sống theo các nguyên tắc đó. Đặc biệt họ không bao giờ hành động theo ý riêng bất chấp luật lệ hay ý kiến người khác.
Người khiêm tốn hiểu rõ rằng họ không bao giờ đơn độc, mà họ đang được những người đi trước dẫn dắt, và họ chỉ có thể tiến bộ khi có sự giúp đỡ của người khác. Như hoạt động của tổ chức Alcoholics Anonymous(7) giúp đỡ những người nghiện rượu và nhiều chương trình cai nghiện khác đã chứng tỏ vấn đề căn bản để giải quyết những thử thách cam go nhất trong cuộc sống chính là sự khôn ngoan và khiêm tốn để chấp nhận thực tế rằng trong cuộc sống có nhiều việc chúng ta không thể tự mình giải quyết nếu không nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Đối lập với sự khiêm tốn là tính kiêu căng và tự mãn, lấy cái tôi là quan trọng nhất, vượt lên trên mọi nguyên tắc và mọi người xung quanh.
Sự can đảm. Trong chính trực có cả sự can đảm để có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Đó là sự can đảm thể hiện trong hành động của Andy Roddick tại giải quần vợt nhà nghề Italia, hay Sherron Watkins, Cynthia Cooper và Coleen Rowley, ba người đã dũng cảm tố cáo những hoạt động sai trái của Enron, WorldCom và FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ). Cả ba đã được tạp chí Time tôn vinh là Công dân Tiêu biểu của năm 2002.
Chứng kiến những tấm gương dũng cảm của những người sống quanh mình giúp chúng ta trở nên can đảm hơn. Gần đây, tôi được nghe câu chuyện về lòng dũng cảm của một người từng học trường y do vợ anh ấy kể lại như sau:
Vào trường y là phải trải qua một cuộc thi tuyển khá gay go. Sau đó, để học tốt và qua được các kỳ thi tiếp theo là một áp lực lớn khác đối với các sinh viên mới nhập trường. Chồng tôi đã nỗ lực học tập và bước vào kỳ thi đầu tiên. Do trường y khoa rất chú trọng việc xây dựng lòng tự trọng và tự giác cho sinh viên, nên vị giám thị sau khi phát đề xong thì rời phòng thi. Các sinh viên lập tức rút ra những mẩu tài liệu giấu bên dưới giấy làm bài hoặc trong túi quần áo. Vào lúc đó, một anh sinh viên gầy gò, cao lêu nghêu ngồi ở cuối phòng đứng dậy và lên tiếng: “Tôi đã phải rời xa quê nhà để lại vợ cùng ba con nhỏ đang sống trong một căn gác và cố gắng học tập để được vào học trường y. Vì vậy tôi sẽ tố cáo bất cứ kẻ nào gian lận, tôi nói là làm đấy”. Các sinh viên đang quay cóp biết anh ta nói là làm. Nhiều người tỏ vẻ ngượng ngùng, và các mẩu tài liệu lập tức biến mất nhanh chóng như khi chúng xuất hiện. Anh sinh viên ấy đã đặt ra một chuẩn mực cho lớp và nhờ vậy tỷ lệ tốt nghiệp của lớp này đã đạt mức cao nhất trong lịch sử của trường y nọ.
Anh sinh viên đã lên tiếng trong phòng thi hôm đó sau này trở thành một thầy thuốc được nhiều người kính trọng. Hành động của anh hôm đó chắc hẳn không dễ chịu hay dễ dàng gì đối với anh, nhưng nó thể hiện sự can đảm mà một người chính trực cần phải có – sự can đảm của anh đã khẳng định các nguyên tắc bền vững, khích lệ tinh thần người khác, và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả chúng ta vì cuộc sống và sức khỏe của chúng ta luôn cần đến sự trợ giúp của kiến thức và kỹ năng của người thầy thuốc.
Khi tiếp xúc với những người mà bạn cho rằng họ chính trực, bạn có nhận thấy những phẩm chất của tính chính trực được thể hiện trong cuộc sống của họ không? Có thể họ là người trung thực, nhưng liệu họ cũng đồng nhất trong tính cách, khiêm tốn và dũng cảm không? Theo bạn, tính chính trực ảnh hưởng ra sao đến cách đánh giá của họ và của bạn về bản thân họ? Bạn có thừa nhận họ đáng tin cậy không? Và bạn có thể tín nhiệm họ không?
Dù ở trình độ nào, tất cả chúng ta đều có thể nâng cao những phẩm chất này. Và từ đó, chúng ta sẽ nâng cao sự tín nhiệm đối với bản thân mình và cuối cùng làm tăng tốc độ của niềm tin và giảm chi phí của công việc.
Làm thế nào để nâng cao tính chính trực?
Trước hết, chúng ta cần đánh giá mức độ chính trực của bản thân. Để làm việc này, những câu hỏi dưới đây dựa vào phiếu hỏi – đáp tự đánh giá sẽ rất hữu ích cho bạn.
• Bạn có thực sự trung thực khi giao tiếp với người khác không?
• Bạn có luôn nói đi đôi với làm?
• Bạn có nhận thức được các giá trị của bản thân và cảm thấy thích duy trì và phát huy các giá trị đó?
• Bạn có sẵn lòng tiếp nhận những sự thật hiển nhiên mới có thể khiến bạn phải thay đổi quan điểm hay thậm chí xác định lại các giá trị đạo đức của mình?
• Bạn có thường xuyên đặt ra và thực hiện những quyết tâm của mình không?
Tôi khuyên bạn nên đọc kỹ những câu hỏi trên và trả lời một cách thành thật. Bạn cũng có thể lấy ý kiến nhận xét về các phẩm chất nêu trên trong tính cách của bạn từ cấp trên, đồng nghiệp, nhân viên cấp dưới, khách hàng, bạn bè, hoặc người thân trong gia đình, vì chúng ta ai cũng có những nhận thức chủ quan, đôi khi chúng ta đánh giá quá cao hoặc quá thấp những điểm mạnh của bản thân.
Tôi xin giới thiệu ba biện pháp hữu hiệu giúp nâng cao đáng kể tính chính trực.
1. Đưa ra và thực hiện các cam kết đối với bản thân
Không có cách nào giúp bạn nâng cao tính chính trực của mình nhanh bằng cách đưa ra và thực hiện những cam kết với bản thân. Trong phần trình bày về Làn sóng thứ hai – Niềm tin trong các mối quan hệ, chúng ta sẽ bàn về sức mạnh của việc đưa ra và thực hiện những cam kết với người khác, điều mà bạn không thể thực hiện nếu trước tiên bạn không tập đưa ra và thực hiện những cam kết với bản thân mình.
Một trong những câu chuyện được kể lại trong gia đình tôi là câu chuyện khởi nghiệp của chuỗi khách sạn Little America của ông cụ cố tôi, Stephen Mack Covey. Khi còn làm nghề chăn cừu trong thập niên 1890, vào một đêm đông, ông bị kẹt trong một cơn bão tuyết giữa vùng thảo nguyên Wyoming(8) hoang vắng. Dưới cơn bão có tốc độ 50 dặm một giờ và nhiệt độ xuống dưới không, ông thật sự cảm thấy mình khó lòng sống sót. Và ông đã quỳ xuống phát nguyện với lòng mình và với Thượng đế rằng nếu ông thoát nạn, ông sẽ tạ ơn bằng cách xây cho mọi người một nơi trú ẩn ngay tại nơi hoang vắng, âm u này.
Và ông đã bình an qua đêm bão tuyết đó. Mất rất nhiều thời gian và cuối cùng ông đã xây dựng xong chỗ trú ẩn cho mọi người ở nơi xa xôi hẻo lánh ấy như đã hứa. Ngày nay, dù nơi đó chỉ có một trạm xăng và một dãy nhà trọ Little America, nhưng thị trấn Little America, bang Wyoming nay đã có tên trên bản đồ, và trở thành một điểm du lịch được nhiều người biết đến. Nơi đó cũng trở thành địa điểm phát triển một ngành kinh doanh đặc biệt. Trước khi mất, ông cố tôi đã xây dựng được nhiều cơ sở kinh doanh tại địa phương bao gồm khách sạn, căn hộ cho thuê, cơ sở dầu khí và các cơ quan dịch vụ tài chính.
Tôi dám chắc rằng nếu ai ở vào hoàn cảnh của ông cố tôi cũng sẽ nghĩ rằng, “việc xây nhà trọ ở nơi hẻo lánh như thế này là điều thật ngớ ngẩn!” Ngoài ông cố tôi và Thượng đế ra, không ai biết đến lời phát nguyện đó, nhưng vì đã hứa với bản thân mình nên ông quyết tâm giữ đúng lời hứa. Việc ông giữ lời hứa với bản thân đã ảnh hưởng sâu đậm đến các thế hệ con cháu của ông, trong đó có tôi.
Càng trải nhiều kinh nghiệm cả trong nghề nghiệp lẫn trong cuộc sống cá nhân, tôi càng tin vào tầm quan trọng của việc đưa ra và thực hiện những cam kết với bản thân. Đó có thể là những cam kết lớn lao như lời hứa của ông cố tôi, hay chỉ là những cam kết nhỏ nhặt, thậm chí rất nhỏ như việc phải thức dậy khi chuông đồng hồ báo thức reo, hay không được ăn quá nhiều, nói năng phải biết tôn trọng người khác, dù đôi lúc hoàn cảnh khách quan khiến chúng ta có thể phải hành động khác đi. Cứ mỗi lần chúng ta đưa ra và thực hiện được một cam kết với bản thân mình, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều cảm thấy tự tin hơn.
Chúng ta đang xây dựng nền tảng đạo đức cho chính mình. Từ đó chúng ta sẽ có thể đưa ra và thực hiện những lời hứa quan trọng hơn với bản thân mình cũng như với người khác.
Khi tìm cách nâng cao khả năng đưa ra và thực hiện cam kết đối với bản thân, bạn cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây:
Thứ nhất, đừng đưa ra quá nhiều cam kết vì bạn sẽ khó lòng thực hiện được hết. Hãy phân biệt rõ giữa mục tiêu, phương hướng, trọng tâm với một cam kết thực sự. Khi bạn cam kết với bản thân, bạn phải hiểu rằng bạn đang thử thách tính chính trực của mình.
Thứ hai, nên tôn trọng cam kết với chính mình giống như cam kết đối với người khác, cho dù đó là cam kết về thời gian biểu (như giờ tập thể dục, đọc sách hay đi ngủ) hay cam kết ưu tiên cho sức khỏe hoặc một mối quan tâm nào đó.
Thứ ba, đừng đưa ra cam kết một cách tùy tiện, thiếu suy nghĩ. Tôi học được kinh nghiệm đắt giá này từ một cuộc bàn luận trong gia đình chúng tôi về vấn đề sức khỏe. Đó là dịp đầu năm mới, trong câu chuyện chúng tôi cùng đi đến quyết định rằng mọi người nên uống nhiều nước hơn thay vì uống sô đa. Lúc đó tôi đang say sưa với ý thức cải thiện sức khỏe, chẳng chút khiêm tốn, tôi ra vẻ tự tin nói với mọi người: “Mọi người hãy nghe đây, tôi tự hứa với bản thân mình từ nay sẽ không uống bất cứ thứ gì khác ngoài nước trắng trong suốt một năm! Tôi sẽ không uống sô-đa, không uống nước ép trái cây, cũng không uống gì khác!”. Đó là lời hứa điên rồ khiến tôi phải hối tiếc sau đó. Tôi đã cố gắng giữ được lời hứa, nhưng quả thật rất khó khăn. Từ kinh nghiệm này, tôi hiểu ra rằng cần phải thận trọng khi đưa ra một cam kết và cam kết nên xuất phát từ sự khiêm tốn chứ không phải vì sĩ diện.
Cuối cùng, chúng ta nên hiểu rằng khi khó giữ được lời hứa, chúng ta thường ngả theo hai khuynh hướng: hoặc thay đổi hành vi cho phù hợp với cam kết, hoặc hạ thấp các giá trị đã đặt ra để phù hợp với hành vi của mình.
Khuynh hướng đầu tiên tăng cường tính chính trực; khuynh hướng thứ hai làm giảm sự chính trực và mất tự tin vào khả năng đưa ra và thực hiện lời hứa trong tương lai. Hơn nữa, chính khuynh hướng điều chỉnh giá trị đạo đức dù rất nhỏ cũng có nguy cơ khiến chúng ta mất phương hướng và xa rời mục tiêu của mình.
Vì vậy, tôi khuyên bạn nên biết cách đưa ra và thực hiện những cam kết với bản thân một cách sáng suốt. Không có cách nào xây dựng sự tự tin nhanh hơn cả.
2. Chuẩn mực đạo đức
Hãy sống theo giá trị và các nguyên tắc. Phải biết mình đại diện cho những giá trị nào, và luôn sống theo các giá trị đó.
– GEORGE FISCHER, CHỦ TỊCH, EASTMAN KODAK
Chủ tịch kiêm CEO của American Express, Ken Chenault, đã biên soạn một cẩm nang dành cho nhân viên của ông với tựa đề Chương Tiếp Theo, một cuốn sách nêu rõ các mục tiêu của công ty và vạch ra kế hoạch thực hiện. Một trong những nguyên lý cơ bản được viết như sau:
Chuẩn mực đạo đức. Các giá trị đạo đức không thể định lượng. Chúng ta không đạt được thành công bằng mọi giá, mà thành công một cách đúng đắn.
Đó mới là điều quan trọng… Chúng ta cần phải không ngừng chứng minh bằng hành động của mình rằng chúng ta đại diện cho những điều đúng đắn, đó là cam kết phục vụ lợi ích của khách hàng, đó là chất lượng sản phẩm hay dịch vụ, sự chính trực, tinh thần đồng đội, ý thức tôn trọng người khác, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, có ý chí chiến thắng, có trách nhiệm cá nhân, và nhiều giá trị khác nữa.
Nếu bạn muốn trở thành mẫu người chính trực hay người có tính cách đồng nhất, bạn phải có một giá trị cốt lõi và bạn phải là một người chân chính. Bạn không thể cải thiện bản thân từ trong nội tâm nếu bạn không biết tôn chỉ của bạn là gì. Vì vậy bạn cần có một tâm điểm xuất phát. Bạn cần xác định các giá trị đạo đức để biết mình đại diện cho những giá trị nào và bạn cần phải thể hiện mình đang đại diện cho giá trị đó, để mọi người xung quanh thấy được điều đó.
Tin vào một giá trị, nhưng lại không sống theo nó, là không trung thực.
– MAHATMA GANDHI
Jon Huntsman, Chủ tịch của Huntsman Chemical là một tấm gương vĩ đại về sự chính trực, cả trong việc giữ lời hứa và sống theo các giá trị đạo đức. Như ông kể lại trong cuốn Người chiến thắng không bao giờ gian lận (Winners Never Cheat) của mình, sau nhiều cuộc thương lượng giằng co, Huntsman đồng ý bán 40% cổ phần của một bộ phận trong công ty cho Hãng Great Lakes Chemical. Chỉ với một cái bắt tay với Emerson Kampen, Chủ tịch kiêm CEO của Great Lakes, hợp đồng trị giá 54 trịêu đô la đã được thỏa thuận xong.
Tuy nhiên, Great Lakes đã kéo dài thời gian soạn thảo hợp đồng. Trong sáu tháng rưỡi chờ lập hợp đồng, giá nguyên vật liệu giảm mạnh khiến lợi nhuận của Huntsman tăng gấp ba lần và đạt mức cao chưa từng thấy. Giá trị 40% của bộ phận được sang nhượng đã tăng từ 54 triệu đô la lên đến 250 triệu đô la.
Do hợp đồng vẫn chưa được ký chính thức, Kampen gọi điện cho Huntsman bảo rằng ông không thể trả cho Huntsman toàn bộ phần chênh lệch giá phát sinh, mà chỉ có thể trả một nửa, như thế mới công bằng. Nhưng Huntsman đã từ chối đề nghị đó; với lý do hai bên đã bắt tay thỏa thuận mức giá 54 triệu đô la nên ông nhất quyết giữ nguyên mức giá đó.
Kampen e ngại: “Nhưng như thế là không công bằng đối với ông!”.
Huntsman trả lời: “Ông thương lượng vì lợi ích của công ty ông, Emerson ạ, và cứ để tôi thương lượng vì lợi ích của công ty tôi”.
Kampen rất xúc động trước sự chính trực của Huntsman, nên mặc dù hai người chưa từng là bạn thân của nhau, ông đã chọn Huntsman làm một trong hai người sẽ đọc điếu văn trong đám tang của ông sau này.
Jon Huntsman rõ ràng đã sống có lập trường đạo đức. Như ông nói khi viết lại câu chuyện này, “Mặc dù tôi đã có thể ép Great Lakes phải trả thêm 200 triệu đô la để sở hữu 40% cổ phần trong công ty của tôi, nhưng tôi không hề cảm thấy áy náy với lương tâm hay e ngại điều gì. Lời nói của tôi thực sự là một cam kết”.
Jon Huntsman biết rõ điều gì quan trọng đối với ông. Ông xác định rõ những giá trị đạo đức cho bản thân nên ông không bao giờ phải đắn đo mỗi khi gặp những tình huống thách thức những giá trị đó. Rõ ràng, lập trường đạo đức của ông đã tạo được niềm tin nơi người khác.
Khi đã định rõ chuẩn mực đạo đức của bạn thì việc ra quyết định không có gì khó cả.
– ROY DISNEY, CỰU PHÓ CHỦ TỊCH, WALT DISNEY COMPANY
Cách tốt nhất để xác định chuẩn mực đạo đức cho mình là phân tích rõ mục đích sống hoặc các giá trị đạo đức. Tôi thấy không gì tốt hơn là xây dựng tuyên bố sứ mệnh hay phương châm hành động, bất kể là đối với tổ chức, cá nhân hay gia đình. Xây dựng cho mình một lập trường sống sẽ giúp bạn được mọi người tín nhiệm và tin cậy.
Việc xác định bạn là ai, giá trị của bạn là gì và bạn bảo vệ cho những gì, sẽ là chiếc neo định vị, là sao bắc đẩu định hướng cho cuộc sống của bạn. Bạn không thể tìm thấy những điều này trong sách vở, mà từ trong chính tâm hồn của bạn.
– ANNE MULCAHY, CHỦ TỊCH KIÊM CEO, XEROX
3. Tâm hồn rộng mở
Có lẽ bạn đã từng gặp nhiều người bạn cho là bảo thủ hay kiêu ngạo – đó là những người chẳng thèm lắng nghe bạn vì họ nghĩ rằng bạn không biết điều gì mới mẻ hơn họ; đó là những người không chịu chấp nhận những quan điểm mới vì họ tin rằng chỉ có cách suy nghĩ của họ mới đúng; họ là những người tận mắt chứng kiến sự thật nhưng vẫn cố tình bác bỏ vì không muốn chấp nhận có những thực tế, những nguyên tắc mà họ chưa hề biết đến. Thái độ vị kỷ này có ảnh hưởng gì đến quan hệ của bạn với họ? Nó sẽ khiến bạn đánh giá thế nào về khả năng đáng tin cậy của họ? Và nó ảnh hưởng thế nào đến ý muốn trải rộng niềm tin của bạn?
Tâm hồn rộng mở là điều kiện thiết yếu cho sự chính trực. Nó thể hiện cả hai phẩm chất khiêm tốn và can đảm – khiêm tốn để thừa nhận rằng có những nguyên tắc mà bạn chưa biết, và can đảm để áp dụng những nguyên tắc đó vào cuộc sống. Trong suốt lịch sử loài người, hầu hết những thay đổi mô thức tư duy trong khoa học đều bắt đầu từ những thay đổi tư duy truyền thống – những thay đổi này đòi hỏi phải có sự khiêm tốn và lòng can đảm.
Do đó, cách tốt nhất để chúng ta nâng cao tính chính trực là phải tập cho mình một sự rộng mở trong tâm hồn. Hãy xem tấm gương của Anwar Sadat, vị tổng thống thứ ba của Ai Cập từ năm 1970 cho đến khi ông bị ám sát vào năm 1981. Mặc dù được nuôi dạy trong một nền văn hóa rồi lãnh đạo một quốc gia nằm trong số nhiều nước chủ trương bài Do Thái, Sadat đã biểu hiện tinh thần cởi mở khi nghe theo tiếng nói của lương tâm thúc giục ông mưu cầu hòa bình. Bất chấp sự phản đối của các nước Ả Rập láng giềng, ông đã áp dụng bài học mà ông rút ra được khi ngồi trong xà lim của Nhà tù Trung tâm Cairo: “Ai không chịu thay đổi tư duy của mình sẽ không bao giờ thay đổi được thực tế, và do đó sẽ không bao giờ tiến bộ”. Ông đã sang thăm Israel, gặp gỡ Thủ tướng Menachem Begin, và nói chuyện với Hội đồng Lập pháp của quốc gia này. Sau đó, ông tiếp tục sang Mỹ gặp Begin rồi Tổng thống Mỹ đương nhiệm Jimmy Carter. Những cuộc bàn thảo này đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Trại David, và chính sự kiện này đã giúp Begin và Sadat nhận được Giải Nobel Hòa bình.
Cách đây vài năm, hai cha con tôi vinh dự được ăn trưa cùng Jehan, phu nhân góa phụ của Tổng thống Sadat, và được nghe bà kể về chồng mình. Điều tôi nhớ nhất trong câu chuyện là việc ông quyết tâm mở rộng và nhận thức lại những điều ông ngỡ mình đã biết.
Cả Anwar Sadat và Nelson Mandela(9) đều thể hiện cùng một chủ đề mà chúng ta thường gặp trong các quan hệ hàng ngày với đồng nghiệp, người thân trong gia đình và bạn bè. Đó là tinh thần cởi mở để gây tín nhiệm và niềm tin; còn thái độ bảo thủ sẽ chỉ nuôi dưỡng sự hoài nghi và mất tin tưởng.
Để đánh giá mức độ cởi mở của bạn, bạn nên tự hỏi rằng:
• Tôi có tin rằng cách tôi nhìn nhận thế giới là hoàn toàn chính xác và toàn diện? Tôi có thật lòng lắng nghe và cân nhắc những quan điểm và ý tưởng mới?
• Tôi có nghiêm túc xem xét quan điểm của người khác (cấp trên, nhân viên cấp dưới, đồng đội, vợ/chồng hay con cái) và tôi có sẵn sàng tiếp thu những quan điểm đó không?
• Tôi có tin rằng có những nguyên tắc mà tôi chưa biết? Tôi có quyết tâm tìm hiểu và sống theo những nguyên tắc mới đó, bất kể việc này đòi hỏi tôi phải phát triển các mô thức tư duy mới hay thói quen mới?
• Tôi có đánh giá cao và không ngừng học hỏi những điều mới mẻ?
Tùy mức độ cởi mở của bạn đối với những ý tưởng, khả năng và trào lưu mới mà bạn sẽ tạo nên mức cổ tức niềm tin nhiều hay ít; và cũng tùy mức độ bảo thủ, bạn sẽ tạo cho mình một mức thuế niềm tin ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của cả hiện tại và tương lai của bạn.
Sự tác động của niềm tin đến tốc độ và chi phí
Tham lam hủy hoại sự giàu có. Niềm tin và sự chính trực, ngược lại, sẽ nuôi dưỡng sự phồn vinh.
– PATRICIA ABURDENE, TÁC GIẢ QUYỂN MEGATRENDS 2010
Ba yếu tố “gia tốc” – đưa ra và thực hiện đúng cam kết với bản thân, chuẩn mực đạo đức và tâm hồn rộng mở – sẽ giúp bạn tăng cường tính chính trực, đồng thời cũng làm tăng tốc độ và giảm chi phí khi thực hiện những công việc quan trọng trong cuộc sống của bạn.
Mức độ chính trực của bạn càng cao có nghĩa là bạn càng trung thực, đồng nhất trong tính cách, khiêm tốn và can đảm thì bạn càng đáng tin cậy và càng tạo được niềm tin với mọi người. Bạn sẽ càng có nhiều khả năng biến những khoản thuế niềm tin thành cổ tức niềm tin trong mọi mặt của cuộc sống.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.