Tôi Đúng, Bạn Sai - Giờ Thì Sao?

14. LEAP vượt qua phủ nhận



Em không ốm, em không cần giúp đỡ!

– Henry Amador

Từ những người nghiện rượu, chán ăn, mất trí nhớ, trầm cảm cho đến những người rối loạn tâm thần đều là những người luôn gây trở ngại cho chúng ta mỗi khi chúng ta muốn giúp đỡ họ. Tự bản thân kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi đều biết rõ các mối quan hệ sẽ bị thử thách khắc nghiệt đến thế nào – và đôi khi bị đổ vỡ – vì sự bất lực của một người trong việc nhận ra rằng họ bị bệnh. Thời gian đầu trong sự nghiệp của mình, tôi rất cảm thông với những khách hàng phải xử lý tình huống này với những người thân của mình nhưng chưa bao giờ tôi thực sự thấu hiểu sự tuyệt vọng cũng như cảm giác vô dụng cho đến khi tôi cố gắng giúp đỡ em trai Henry của mình và mẹ tôi. Em trai tôi bị rối loạn tâm thần và còn là đệ tử của Lưu Linh[4], mẹ tôi đã phải chịu đựng nỗi đau khổ này. Không ai hiểu rằng họ đang có vấn đề, và chính những kinh nghiệm về sự phủ nhận của họ đã khiến tôi đầu tư vào việc nghiên cứu xem cơ chế tâm lý đó hoạt động như thế nào và làm cách nào để phá bỏ được bế tắc khi ai đó khăng khăng rằng họ không có vấn đề gì và họ không cần giúp đỡ. Tôi đã viết một cuốn sách về cách phá vỡ bế tắc với những người bị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực nên tôi không muốn đi sâu vào những trường hợp đó ở đây nữa. Thay vào đó, tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của chính cá nhân mình về việc thuyết phục người mẹ buồn rầu của tôi chịu đón nhận giúp đỡ cũng như kinh nghiệm của ba người khác đã sử dụng LEAP để vượt qua bế tắc với những người không nhận ra là họ bị Alzheimer[5], chán ăn hoặc nghiện rượu.

[4] Người đời Tấn trong nhóm Trúc Lâm thất hiền (7 người trong rừng trúc). Ông rất thích uống rượu và uống không biết say.

[5] Chứng mất trí phổ biến. Vào năm 1906, lần đầu tiên bác sĩ tâm thần và thần kinh học người Đức Alois Alzheimer đã chỉ ra rằng căn bệnh này không thể chữa được, mang tính thoái hóa và gây tử vong.

TÔI KHÔNG NGHĨ THẾ!

Rất nhiều người có ấn tượng rằng đàn ông ít khi tìm đến sự giúp đỡ hơn phụ nữ khi họ buồn. Điều đó đúng, và đã được các nghiên cứu chứng minh. Nhưng vấn đề tương tự cũng có ở những người ngoài 65 tuổi – những người thường không nhận ra là họ đang bị trầm cảm – dạng bệnh lý chứ không phải bình thường. Mọi người ai cũng có lúc buồn, đó là điều bình thường.

Nhưng khi một người bị trầm cảm lâm sàng, họ sẽ có ít nhất là năm triệu chứng – trong đó dễ nhận thấy nhất là tâm trạng u sầu, mất ngủ, mất ham muốn tình dục, không có khả năng tập trung, sút cân, tuyệt vọng và đôi khi nghĩ đến cái chết hoặc tự sát – những triệu chứng này sẽ tồn tại chừng hai tuần hoặc lâu hơn. Rất khó nhận ra bệnh trầm cảm ở những người đã già bởi vì nó thường biểu hiện thêm vài triệu chứng thể chất ngoài những triệu chứng vừa được nhắc tới. Sự nhầm tưởng này khiến cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều rơi vào một tình huống rất viển vông vì ai cũng dễ bị thuyết phục rằng sự trầm cảm chỉ là một phản ứng bình thường với các căn bệnh thể chất. Đó chính là điều đã xảy ra với người mẹ 72 tuổi của tôi.

Maria Cristina đã sụt mất hơn 13 cân và luôn mệt mỏi vô cùng. Bà lo lắng và vẫn đi khám định kỳ mỗi tuần một lần trong suốt ba tháng. Bà không thấy ngon miệng, không có sức sống, không ngủ được, luôn cảm thấy buồn nôn cũng như chóng mặt. Lúc đó tôi đang ở New York, còn bà ở Arizona nên tôi chỉ nghe lại các triệu chứng qua điện thoại, nhưng giọng nói sợ hãi của bà thì không thể lầm lẫn được. Bà đã nghĩ đến cái chết. Chị tôi và tôi nói chuyện với nhau về các triệu chứng của bà và bắt đầu băn khoăn không biết mẹ tôi có đúng không khi nghĩ rằng bà sắp chết. Theo như chị tôi, bà gầy nhom và nhìn “thật kinh khủng”. Sau khi bà nhập viện hai ngày để thực hiện một loạt xét nghiệm về tiêu hóa, tôi quyết định đến thăm bà. Dựa trên những triệu chứng mà bà mô tả và qua việc các kết quả xét nghiệm của bà đều âm tính với tất cả các vấn đề thể chất, tôi bắt đầu nghi ngờ rằng có thể bà bị trầm cảm lâm sàng.

Maria Cristina là một phụ nữ vô cùng mạnh mẽ. Sinh ra và lớn lên ở Cuba, bà đã mất hầu hết mọi thứ khi gần 40 tuổi. Bố của tôi bị giết bởi chính phủ của Castro, ông bà ngoại tôi cũng qua đời cùng trong năm đó và bà trốn sang Mỹ với bốn đứa con của mình. Chuyến bay đến Miami cấm mang theo giấy tờ, vật tùy thân và tiền bạc – không cả chứng chỉ tiến sỹ giáo dục mà bà đã có từ cả thập kỷ trước trên đất Mỹ, không một xu dính túi và không có bằng chứng về trình độ của mình, bà bắt đầu lại từ việc làm giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha trong một trường trung học. Bà tái hôn và đến trường học buổi tối trong bảy năm để có được bằng thạc sỹ thứ hai, bằng cấp duy nhất bà có thể chứng minh mình có được.

Mẹ tôi có nhiều lý do để buồn rầu về bất kỳ điều gì, nhưng bà luôn yêu đời và rất hiếm khi nói về quá khứ. Người phụ nữ tôi biết không thể bị trầm cảm, nhưng đó không phải là người tôi gặp khi hạ cánh xuống Arizona. Bây giờ, bà chẳng thể nói về điều gì khác ngoài những mất mát và những căn bệnh mà các bác sỹ không thể chẩn đoán ra. Hầu hết thời gian, bà chỉ nói về cái chết.

“Javi,” bà nói, dùng tên gọi ở nhà của tôi: “Mẹ muốn con đến gặp bác sỹ với mẹ ngày mai. Mẹ cần nói chuyện với bà ấy.”

“Có việc gì hả mẹ?” tôi hỏi.

“Về việc những thứ này đang giết dần giết mòn mẹ. Làm ơn đi, Javi.” Rồi bà òa khóc. Trong suốt buổi chiều ấy, tôi hầu như chỉ ngồi cầm tay, cố gắng an ủi bà và bảo đảm với bà rằng bà sẽ không chết đâu.

Khi lái xe đưa bà đến cuộc hẹn khám ngày hôm sau, bà cứ khăng khăng đòi bác sĩ nói chuyện với tôi.

Chúng tôi gặp riêng và khi bà bác sĩ miêu tả về các triệu chứng của mẹ tôi cùng với các khả năng chẩn đoán, tôi chắc chắn hơn rằng đây chính là một dạng rối loạn trầm cảm cơ bản. Tôi hỏi bác sỹ liệu bà đã giới thiệu cho mẹ tôi một nhà tư vấn tâm lý nào chưa. Bà nói rằng có, “nhưng mẹ anh từ chối,” bà giải thích. “Bà ấy rất cứng rắn trong chuyện này và nói rằng bà không bị trầm cảm. ‘Nhưng Maria này,’ tôi bảo bà ấy, ‘nhìn bà buồn rầu lắm.’ Nhưng bà ấy bảo tôi rằng trông tôi cũng sẽ buồn nếu như tôi phải trải qua những gì bà ấy đã chịu đựng và nếu như tôi ốm. Tôi phải nói là, điều này rất có lí với tôi.”

Điều này chẳng có lí gì với tôi cả, nhưng thay vì cãi nhau với bà bác sĩ, tôi quyết định tập trung vào việc nói tới khả năng bị trầm cảm với mẹ tôi. Khi về nhà, mẹ pha café cho cả hai chúng tôi và khi cùng ngồi nhấm nháp tách café , tôi nói rằng tôi muốn kể cho mẹ tôi nghe về cuộc nói chuyện với bác sĩ.

“Mẹ à,” tôi nói giữa hai khoảng nhấm nháp, “Bác sĩ McElroy kể với con là bà đã hỏi mẹ có muốn gặp bác sỹ tâm lý không. Sao mẹ lại không đi?”

“Ôi, lạy Chúa tôi ! Bà ấy là một người tốt nhưng đôi khi rất là khó chịu. Mẹ có bị điên đâu. Nhìn mẹ này! Mẹ đã sút ngần ấy cân Javi ạ. Đi lại cũng khó khăn, chẳng có chút sức sống nào và mẹ chóng mặt kinh khủng! Không phải con cũng định nói mẹ thế đấy chứ!”

“Mẹ à, con có nói là mẹ bị điên đâu!” tôi nói, mặc dù hoàn toàn tin rằng bà bị trầm cảm và thực sự cần phải đi gặp bác sỹ tâm lý. “Con chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra thôi. Mẹ kể cho con nghe được không?”

“Bác sĩ McElroy bảo là mẹ nên uống mấy viên thuốc chống trầm cảm. Mẹ không muốn. Mẹ chẳng làm sao cả.”

“Vậy là bà ấy bảo mẹ cần uống thuốc vì bà ấy nghĩ mẹ bị trầm cảm? Đó có phải điều bà ấy nói không mẹ?”

“Đúng vậy Javi ạ.”

“Mẹ có vẻ giận ạ?”

“Tất nhiên rồi. Suốt ba tháng nay mẹ ốm và vì không thể tìm ra được mẹ bị làm sao nên bà ấy bảo đầu mẹ có vấn đề ư? Nhìn mẹ xem! Đầu mẹ có vấn đề không?” bà hỏi tôi, vẫy tay ra phía trước.

“Không, rõ ràng là vấn đề không nằm trong đầu mẹ rồi,” tôi trả lời vì tôi đồng ý với bà – bệnh trầm cảm lâm sàng không nằm trong đầu; nó là một dạng bệnh lý như kiểu đau tim vậy. “Chắc điều này làm mẹ bớt tin tưởng bà ấy đi. Mẹ sợ lắm phải không?”

“Ừ, mẹ sợ,” bà nói và lại òa lên khóc.

Sáng hôm sau tôi gọi lại cho bà bác sĩ, giờ bà ấy đã biết tôi là một nhà tâm lý học lâm sàng và đã viết một cuốn sách về trầm cảm. Thực tế, khi mẹ giới thiệu chúng tôi với nhau, mẹ đã ghi điểm bằng cách nhắc bà bác sĩ nhớ rằng tôi là con trai của mẹ tôi. Vậy nên tôi nói với bác sĩ McElroy rằng tôi chắc chắn mẹ tôi bị trầm cảm lâm sàng. Sau khi cùng nhau xem xét lại tất cả các triệu chứng tôi nhận thấy, bà cũng đồng ý với tôi. Tôi hỏi là liệu bà có thể sẵn sàng kê ra một đơn các loại thuốc chống trầm cảm cho mẹ tôi mà không cần có một nhà tư vấn tâm lý chuyên ngành khác hay không. Bà hoàn toàn sẵn lòng. Sáng hôm sau, tôi nói chuyện với mẹ với mục tiêu là khiến bà chấp nhận dùng thuốc của bác sĩ. Tôi không cần bà nhận ra rằng bà bị trầm cảm hoặc bà phải đi gặp bác sỹ tâm lý. Những gì tôi cần là bà sẵn sàng uống thuốc. Tôi bắt đầu bằng việc hỏi đêm qua bà ngủ thế nào.

“Kinh khủng. Mẹ không ngủ được chút nào. Con ngủ ngon không?”

“Ngon ạ, cảm ơn mẹ. Nhưng con rất lo về chuyện mất ngủ của mẹ. Không ngủ thì mẹ sẽ không đỡ được đâu.”

“Mẹ biết. Mà mẹ còn không ăn được nữa. Mẹ buồn nôn lắm!”

“Vậy là khi nào cố gắng ăn một chút thì mẹ lại buồn nôn ạ?” Tôi hỏi, kiểm chứng lại những gì bà vừa nói và để xác định vấn đề mà bà đang định nghĩa.

“Ừ, lúc nào cũng vậy.”

“Thật là ác mộng. Mẹ chắc lo lắm.”

“Ừ, ừ. Sao con lại hỏi chuyện này? Con biết cả rồi mà.” Bà có vẻ cáu.

“Con xin lỗi. Chỉ là con vừa nghĩ có lẽ bác sỹ McElroy đã không kê đúng thuốc cho mẹ.”

Bà rạng rỡ lên ngay tức thì – mặc dù tôi không phải là một bác sỹ, mẹ tôi vẫn luôn tin rằng tôi biết về thuốc nhiều hơn bất kỳ bác sỹ nào “khác”

– và bà hỏi: “Bà ấy nên cho mẹ thuốc nào?”

Tôi nói cho bà nghe tên thuốc – một loại chống trầm cảm mà bác sỹ McElroy đã đồng ý kê đơn theo yêu cầu của tôi – và bà quắc mắt lên.

“Đấy là thuốc trầm cảm đúng không?”

“Vâng, nhưng không phải chỉ dành cho trầm cảm. Con nói thêm tác dụng cho mẹ nghe nhé?”

“Được thôi. Nhưng mẹ không cần một bác sỹ tâm lý.”

“Mẹ à, mẹ đâu có cần một bác sĩ tâm lý,” tôi kiểm chứng lại. “Con nghe mẹ mà. Con không cố thuyết phục mẹ đi gặp bác sỹ tâm lý đâu vì con đồng ý là mẹ không cần phải gặp họ thì mới đỡ được.” Khi mọi chuyện đã rõ ràng, tôi sẽ nói cho bà toàn bộ sự thật. Trong trường hợp này, bà không nhất thiết phải gặp bác sỹ tâm lý mới có được các loại thuốc bà cần. “Vậy con nói thêm về các công dụng khác của thuốc này nhé?” tôi hỏi.

“Ừ”.

Tập trung duy nhất vào vấn đề mà bản thân bà đã miêu tả – và trầm cảm không phải là một trong số đó – tôi nói: “Nó cũng giúp người ta ngủ được. Con có những bệnh nhân bị triệu chứng về tiêu hóa giống mẹ đã uống thuốc này và đỡ rất nhiều. Nó có nhiều tác dụng mà.” Tôi lại nói sự thật.

Tôi không hề bảo là bà bị trầm cảm. Không một lần nào. Cũng không nói là bà cần gặp bác sỹ tâm lý.

“Con nghĩ là mẹ có nên thử không?” bà hỏi, vẫn có vẻ rất thăm dò.

“Mẹ thực sự muốn biết ạ?” tôi hỏi, muốn bà cảm thấy rằng tôi chỉ nói ra suy nghĩ của mình vì bà đã hỏi – tôi không định lừa dối gì với bà cả.

“Ừ.”

“Con nghĩ là chắc chắn mẹ nên thử. Thực ra là con đã nói chuyện với bác sĩ McElroy sáng nay và đã nói với bà ấy ý kiến của con. Bà ấy cũng đồng ý.”

“Con thật tốt, Javi ạ,” bà nói. Vì lý do nào đó, mẹ tôi luôn thích tôi nói chuyện với bác sĩ của bà.

Hãy chú ý rằng tôi không hề bảo là bà bị trầm cảm. Không một lần nào. Cũng không nói là bà cần gặp bác sỹ tâm lý. Lúc đầu, tôi mong muốn một cách tuyệt vọng rằng bà nhận thức được về căn bệnh trầm cảm của mình và đi gặp bác sĩ tâm lý, nhưng khi nhận ra rằng những gì tôi muốn sẽ chỉ đâm vào ngõ cụt, tôi tập trung sang việc khác là những gì tôi thực sự cần – đó là bà sẽ nhận sự điều trị để giúp đỡ hơn. Tôi chắc chắn là tôi hiểu và thông cảm với những gì bà đã trải qua về bệnh tật và đã hỏi nhiều nhất những gì có thể để bà có thể cảm thấy rằng tôi tôn trọng bà và để bà chủ động kiểm soát tình huống.

Bà dùng thuốc chống trầm cảm và chúng đã biến đổi được bà. Bà lại lên cân, ngủ suốt cả đêm, cơn buồn nôn biến mất và không còn dằn vặt về quá khứ nữa. Những cơn buồn bực và các chứng bệnh thể chất khác cũng biến mất. Hơn một chục năm qua, cho đến tận khi qua đời, bà vẫn dùng thuốc. Bà lại yêu đời trở lại, yêu con cháu và hoàn toàn khỏe mạnh.

Bảy năm trước, bà thậm chí còn đồng ý đi gặp bác sỹ tâm lý! Thái độ đó của bà thực sự gây sốc cho tôi, nền văn hóa mà bà đã lớn lên ở trong đó, và có lẽ với tất cả những gì bà đã trải qua, chắc chắn sẽ khiến bà không muốn thừa nhận rằng mình gặp vấn đề gì đó như là bệnh trầm cảm. Đầu tiên, bà chịu đi vì bác sĩ McElroy thuyết phục bà rằng bà cần gặp một ai đó có chuyên môn về loại thuốc này. Cuối cùng, mặc dù đã rất nhiều năm trôi qua, bà cũng nhận ra rằng có thể bà cũng bị trầm cảm và cần sự giúp đỡ. Đáng ngạc nhiên hơn là bà rất cởi mở về chuyện này và khuyến khích những người khác cũng nhận sự giúp đỡ.

Bà cũng cho phép tôi nói rộng rãi về căn bệnh trầm cảm của bà và tôi biết bà sẽ hạnh phúc khi tôi kể câu chuyện của bà ra ở đâu nếu như nó có thể giúp cho ai đó.

BÁC SỸ LÀ NHỮNG TÊN NGU!

Hồi còn học đại học, Jenny rất thân với mẹ cô, Tina, và thường gọi điện thoại cho bà mỗi ngày. Trong một lần nói chuyện, cô tâm sự với mẹ rằng cô lo là đã có thai vì cô đã trễ hai kì kinh nguyệt rồi. Điều này rất vô lí với Tina vì bà biết con gái bà luôn thực hiện tình dục an toàn và không quan hệ tình dục bừa bãi. Thực sự là kết quả thử thai của Jenny âm tính. Đến khi cuối cùng cô cũng tới gặp bác sĩ gia đình trong kì nghỉ xuân, chẩn đoán của ông khiến cho cô vô cùng buồn bã.

Tina đang thái hành khi Jenny đi khám về. Cô ngồi phịch xuống chiếc ghế cạnh bàn bếp, thở nặng nề và nói, “Ông ấy thật là một kẻ ngu mẹ ạ. Sao chúng ta lại khám ở đó?” “Bác sĩ Weber?” Tina hỏi.

“Vâng, bác sĩ Weber, còn ai vào đây nữa.”

“Sao ông ấy lại ngu? Ông ấy nói gì?”

“Ông ấy không nghĩ là con có bầu nhưng nghĩ rằng con bị chứng rối loạn ăn uống. Nhìn con vẫn ổn, đúng không?”

Thực sự, Tina nghĩ khuôn mặt con gái mình có vẻ rầu rĩ và quá gầy.

Nhưng bà không hình dung ra người cô như thế nào vì Jenny luôn mặc đồ rộng và áo sơ mi dài tay.

“Mẹ không biết, con yêu. Mẹ không thể nói gì khi con mặc đồ như vậy, nhưng khuôn mặt con có vẻ khác. Mẹ chưa bao giờ thấy mặt con như vậy. Mẹ không biết phải gọi là thế nào, gầy, có lẽ vậy.”

“Mặt con mà gầy? Ôi, mẹ thôi đi!” Jenny mở tủ lạnh và vớ lấy một chai nước khoáng.

“Mẹ xin lỗi nhưng con hỏi mà,” Tina nói, và tiếp tục thái hành. “Con nặng bao nhiêu cân?” Bà không thể kiềm chế.

“41 cân. Nhìn con ổn. Đáng lẽ con có thể sút thêm vài cân nữa. Thẳng thắn mà nói. Ông ta thật chẳng biết gì,” Jenny nói, đứng dậy và sang phòng bên cạnh.

Tina hơi tò mò nên đã nghiên cứu một chút trên Internet và phát hiện ra rằng cảm giác của bà về cân nặng của con mình đã đúng. Cân nặng của Jenny thấp hơn 20% so với chỉ số cân nặng tiêu chuẩn của một cô gái có chiều cao như cô. Một buổi sáng, khi bắt gặp Jenny thoáng lướt qua cửa phòng tắm với chiếc váy để lộ ra đôi chân mà Tina chỉ có thể miêu tả là như cây sậy, nỗi sợ của bà đã được xác nhận. Mấy ngày sau, bà tiếp tục phát hiện ra là Jenny không hề ăn thịt. Bà quyết định gọi cho bác sỹ Weber. Có thể một số người cho là đáng tin, cũng có thể một số khác cho là phi đạo đức, nhưng bác sĩ Weber đồng ý gặp Tina về chuyện con gái bà mặc dù không có giấy ủy quyền của Jenny. Ông biết Jenny từ khi mới sinh và ông cũng rất lo lắng cho cô. Ông xác nhận chẩn đoán của ông về chứng biếng ăn và thêm vào rằng xét nghiệm máu cho thấy lượng điện phân của cô không cân bằng. Ông giải thích điều đó nghĩa là sức khỏe của Jenny gặp vấn đề nghiêm trọng. Thậm chí có thể cô bị suy tim. Ông bảo Tina rằng ông đã giới thiệu với Jenny một chương trình điều trị nội trú và Jenny đã hứa sẽ suy nghĩ về chuyện này. Cô cũng hứa là sẽ nói lại với mẹ.

Tina gọi cho chồng cũ và họ đồng ý rằng họ cần phải đương đầu với Jenny. Vẫn đang giữ ống nghe, Tina gọi Jenny lên gác để nhận điện thoại.

“Con chào bố! Bố khỏe không ạ?” cô mừng rỡ hỏi.

“Vẫn thế cả thôi con yêu. Con thế nào?” Ông hỏi.

“Cứ làm như bố không biết. Mẹ chưa kể cho bố ạ? Con chưa thấy mẹ dập máy. Mẹ vẫn đang nghe đúng không?”

“Ừ, mẹ vẫn ở đây và mẹ đã kể cho bố nghe những gì bác sĩ Weber nói.”

“Bố, con khỏe mà. Mẹ, nhìn con vẫn ổn đúng không?”

“Jen,” bố cô ngắt lời. “Cả bố và mẹ đều lo cho con. Đây là việc nghiêm túc. Con cần giúp đỡ. Con biết thế phải không?” Giọng ông đầy lo lắng.

“Chắc chắn bố ạ. Con sẽ làm thế mà. Bố đừng lo, được chứ?”

“Con sẽ đến chỗ bác sĩ Weber đã giới thiệu chứ?”

Tina hỏi.

“Sao mẹ lại biết chuyện này?” Jenny gặng hỏi.

“Con yêu, sau khi chúng ta nói chuyện, mẹ lo lắng quá nên đã gọi cho bác sĩ,”

“À, tuyệt! Rồi, vậy con sẽ đi tìm sự giúp đỡ. Chào bố. Con sẽ nói chuyện với bố sau.” Cô gác máy.

Vì Jenny không hề chấp nhận sự thật rằng cô bị chứng biếng ăn nên rất dễ hiểu vì sao cô không bao giờ làm theo lời giới thiệu. Theo cô thì mọi người đều phản ứng thái quá. Cô vẫn ổn.

Cô hứa đi hứa lại với mẹ rằng cô sẽ đi tìm giúp đỡ nhưng chỉ là câu kéo thêm thời gian đến khi cô quay lại trường. Nhưng chỉ sau một tháng đi học trở lại, cô đã phải nhập viện vì bị ngất xỉu và đập đầu xuống đất. Trong khi ở phòng cấp cứu, bác sĩ điều trị đã hỏi ý kiến một nhà tư vấn tâm lý. Vị bác sĩ tâm lý xác nhận chẩn đoán của bác sĩ Weber và dự đoán của bác sĩ điều trị trong phòng cấp cứu và vì sức khỏe của cô không ổn định, ông có thể áp dụng điều trị tâm lý cho cô bất kể cô không muốn. Nhưng như ông giải thích cho Tina trong buổi gặp đầu tiên tuần tiếp theo, con gái bà có thể trạng đủ ổn định nên họ định cho cô xuất viện sớm. Tina rất sợ vì như cuộc nói chuyện của bà với Jenny tuần đó, rõ ràng là con gái bà vẫn không tin cô bị chứng biếng ăn. Vị bác sĩ tâm lý nói ông ấy mong có thể làm gì hơn nhưng nếu Jenny không nhận rằng cô bị chứng rối loạn ăn uống thì ông không thể làm gì.

Tina đã đến một trong các buổi hội thảo về LEAP của tôi và khi chúng tôi nói chuyện sau đó, bà đã kể cho tôi câu chuyện mà các bạn vừa đọc, kết thúc là, “Chúng tôi lâm vào ngõ cụt. Con bé về nhà vào mùa hè. Nhìn nó thật kinh khủng và tôi thì sợ không thể tưởng tượng nổi. Tôi nghĩ rằng có thể tôi sẽ bị đẩy đến nước phải ép con bé nhập viện lần nữa.”

Chúng tôi nói chuyện về việc liệu có bao giờ Tina nghĩ rằng LEAP có thể giúp bà chưa, bà nói rằng chưa bao giờ. Tốt nhất, nó cũng là một giải pháp hàn gắn và một thứ gì đó mà bà muốn làm chỉ khi có những mâu thuẫn đã xô đẩy đến lời thú nhận trước đó của Jenny. Bà cũng lo về phản ứng của Jenny trước đề xuất nhập viện như thế của bà. Bà muốn thử một thứ gì đó trước khi mọi chuyện đến mức ấy, đó là lý do vì sao bà đến dự hội thảo hôm ấy.

Khi chúng tôi nói chuyện về việc LEAP có thể giúp được như thế nào, và đặc biệt là bà thực sự cần điều gì ở Jenny, bà đồng ý rằng, bất kể vị bác sỹ tâm lý có nói gì với bà đi nữa thì bà cũng không cần con gái bà nhận rằng nó bị ốm, những gì bà cần là làm cho cô ấy khá hơn. Trong trường hợp này, bà nghĩ chương trình điều trị mà bác sĩ Weber giới thiệu không phải một ý hay vì càng nghiên cứu về nó, bà càng hiểu rằng những người xây dựng chương trình ấy cũng sẽ nói với Jenny những gì mà vị bác sỹ tâm lý kia (và cả vợ chồng bà) đã nói – rằng cô phải nhận là mình bị chứng biếng ăn. Và Tina hiểu được từ kinh nghiệm của mình rằng thông điệp đó sẽ không được đón nhận.

Bà tìm được một chuyên gia về chứng rối loạn ăn uống qua trường đại học mà Jenny đang theo học và gọi cho ông để hỏi một số câu hỏi mà tôi đã đặc biệt nhấn mạnh với những người đang tìm kiếm một nhà trị liệu. Trong đó có câu: “Với những hiểu biết quá nghèo nàn của con bé, ông có nghĩ rằng việc khiến nó thừa nhận mình bị biếng ăn là một ý tưởng tốt không?”

Vì ông đã được đào tạo về phỏng vấn có định hướng, vốn là nền tảng của LEAP, nên ông trả lời không và giảng giải ông sẽ làm gì thay vào đó. Ông sẽ giúp Jenny tìm ra những lý do riêng để tăng cân bất kể cô nghĩ cô có bị rối loạn ăn uống hay không. Dựa vào những gì vừa nghe và cũng từ lời giới thiệu rất tốt của nhân viên tư vấn trong trường, Tina cảm thấy ông là người mà bà muốn con gái mình nói chuyện cùng. Nên mục tiêu của bà – những gì bà thực sự cần – là Jenny đồng ý gặp nhà trị liệu tâm lý này khi quay lại trường vào tháng Chín. Bằng việc sử dụng LEAP, bà đã tìm ra được cách để đạt mục tiêu của mình. Jenny vừa đi chạy bộ về thì Tina gọi cô vào bếp để nói chuyện. Khi họ đã ngồi cạnh nhau bên bàn, Tina bắt đầu. “Jenny,” bà nói, “mẹ muốn nói chuyện với con về việc xảy ra trong bệnh viện. Mẹ hứa là sẽ không cố thuyết phục con là con bị chứng rối loạn ăn uống gì đó. Thành thực mà nói, mẹ không nghĩ là chúng ta cần nói chuyện về nó trừ khi con muốn. Được chứ?”

“Mẹ nghiêm túc chứ?”

“Ừ. Mẹ nghĩ là có vài điều quan trọng hơn mà chúng ta cần nói.” Tina ngừng lại để có điểm nhấn.

“Ví dụ như là gì ạ?” Jenny hỏi, vẻ tò mò.

“Ví dụ như quay lại trường, không vào bệnh viện, sống hạnh phúc hơn.”

“Con hạnh phúc mà mẹ. Mẹ không phải lo đâu.”

“Khi vào viện con có hạnh phúc không?”

“Mẹ có hạnh phúc nếu như thế không?”Jenny hỏi.

“Không. Mẹ sẽ vô cùng căng thẳng nếu bị nhốt lại và có ai đó bảo mẹ bị vấn đề gì đó mà mẹ không bị,” Tina nói, kiểm chứng những gì con gái bà đã nói vài tháng trước khi cô nằm viện và cảm thông với cảm xúc mà Jenny thể hiện.

“Cảm ơn mẹ. Con đã rất căng thẳng,” Jenny nói.

“Ai cũng vậy cả thôi con.”

“Vậy mẹ nghĩ rằng họ đã nhầm?” Jenny hỏi, băn khoăn về sự lắng nghe có cân nhắc cũng như sự cảm thông cùng những đồng ý của mẹ.

“Mẹ nghĩ gì không quan trọng. Mẹ sẽ nói nếu con muốn biết, nhưng, thẳng thắn mà nói, những gì con nghĩ mới là quan trọng. Đúng không nào?”

“Con đoán vậy,” Jenny nói và mỉm cười.

Thành công trong việc trì hoãn đưa ra suy nghĩ của mình và tước bỏ vũ khí cũng như trở thành bạn bè với con gái, Tina đi thẳng đến khu vực đồng ý của hai người. “Mẹ nghĩ rằng tránh xa bệnh viện là mục tiêu mà cả mẹ và con đều thống nhất. Đúng vậy không?”

“Chắc chắn rồi ạ. Nhưng chuyện này không xảy ra nữa đâu,” Jenny nói chắc nịch.

Tina hỏi làm sao cô có thể tin chắc như vậy và Jenny ngây thơ nói rằng cô biết thế, đó là tất cả. Thay vì chống lại sự ngây thơ của cô, Tina hỏi Jenny vì sao cô nghĩ rằng cô sẽ không phải vào viện lần nữa.

“Ồ, nếu con không ngất và ko bị đập đầu thì sẽ chẳng có chuyện gì lặp lại nữa,” Jenny trả lời.

“Vậy là nếu con không ngất và không bị đập đầu, con sẽ không phải nhập viện? Mẹ đồng ý. Nhưng mẹ hỏi con chuyện này được không?”

“Gì ạ?”

“Hàng ngày, có rất nhiều người phải đi cấp cứu vì ở trong tình huống giống như con, nhưng không nhiều trong số họ chấp nhận điều trị tâm lý chống lại ý muốn. Sao con lại nghĩ mọi chuyện như thế?”

“Ông bác sĩ của nợ trong phòng cấp cứu chính là lý do vì sao”.

Tina thực sự tò mò về câu trả lời và cả những gì sau đó. Điều đó dễ dàng hơn những gì bà tưởng vì đây là lần đầu tiên bà thực sự nhận thức được suy nghĩ của con gái bà về quá trình nhập viện, nó thật thú vị nhưng cũng thật phiền nhiễu. Bà nhận ra rằng Jenny đã lờ đi rất nhiều chi tiết trong sự kiện đó và những thiếu hụt trong hiểu biết của cô chính là những gì khiến cô từ chối mạnh đến vậy.

Tina muốn xem xem liệu bà có thể giúp con gái mình lấp đầy những thiếu hụt đó không – kiểm tra điều gì đó cô chưa từng nhìn tới trước khi cô quá bận rộn với việc tự vệ trước những lời cáo buộc “sai lầm” rằng cô bị chứng biếng ăn. Vậy nên bà hỏi cô, với sự trân trọng thật sự ý kiến của cô, rằng liệu có phải là không chỉ có bác sỹ ở phòng cấp cứu mà cả tư vấn tâm lý, bác sỹ tâm lý điều trị nội trú của cô, các y tá và tất cả các nhân viên đều nhầm lẫn không. Bà làm việc này với sự tò mò đích thực và những gì tự bản thân Jenny nghĩ đến đúng là như vậy. Cô vẫn nghĩ rằng họ đã chẩn đoán sai, nhưng cô cũng thừa nhận rằng mình gầy hơn mọi người và bị huyết áp thấp – đó là lý do vì sao cô hay bị choáng – điện phân trong máu không cân bằng và những kỳ lỡ kinh khiến cho tất cả mọi người đều chẩn đoán nhầm.

“Chắc cơ thể con phải siêu nhạy cảm nên mới sụt có một tí cân mà mọi chuyện đã rối beng lên vậy. Nhưng mẹ ạ, con đã nhìn những cô gái bị rối loạn ăn uống thực sự ở đó rồi. Họ phải đặt cả ống xông lên mũi vì bị ép ăn! Con đâu có tệ như vậy,” cô nói.

“Ừ, con không thế,” Tina đồng ý rồi hỏi: “Nhưng có vẻ như con có thể thấy tất cả các bác sĩ đều sai trong ca của con. Con định nói thế phải không?”

“Vậy mẹ cũng nghĩ là họ nhầm à?” Jenny hỏi vẻ hi vọng.

Cảm thấy đã trì hoãn đủ lâu và đã đến thời điểm thích hợp, Tina hỏi: “Con thực sự muốn biết mẹ nghĩ gì à?”

“Vâng ạ.”

Nhớ rằng phải dùng công cụ A, bà nói, “Ồ, đầu tiên mẹ phải xin lỗi con vì những gì mẹ nói sẽ làm con thất vọng và nổi cáu lên với mẹ. Nhưng có thể mẹ cũng sai,” bà nhanh chóng nói thêm để giữ thể diện cho Jenny. “Mẹ hi vọng là mình có thể chấp nhận mâu thuẫn này. Nhưng, ừ, mẹ nghĩ có vẻ đó là chứng rối loạn ăn uống, mặc dù rõ ràng là chưa tệ đến mức như các cô gái con đã thấy.”

“Con đã nghĩ là mẹ đứng về phía con,” Jenny nói vẻ thất vọng.

“Mẹ nghĩ là mẹ có đứng về phía con, ít nhất là mẹ hi vọng là làm được thế, nhưng không phải trong chuyện này. Nhưng chuyện mẹ đúng hay con đúng quan trọng với ai đâu? Mẹ không bao giờ muốn phải cãi nhau về chuyện này lần nữa. Có vẻ như vấn đề quan trọng nhất bây giờ là kết cuộc con sẽ không phải gặp lại mấy tay bác sĩ mắc phải cùng một sai lầm đó lần nữa, được chứ?”

“Chính xác là vậy.”

“Vậy con làm gì để nó không xảy ra nữa?”

Bắt đầu từ những điểm nhất trí chung là kết hợp giữa điện phân máu không cân bằng, huyết áp thấp, lỡ kinh và cân nặng quá nhẹ so với chuẩn dẫn đến những triệu chứng khiến các bác sĩ và y tá tin rằng cô bị chứng biếng ăn – họ đã nói chuyện để lên một kế hoạch hợp tác. Đó là khi Tina bảo Jenny về chuyên gia rối loạn tiêu hóa mà bà đã nói chuyện ở trường cô. Bà thêm vào ngay, “Nhà tư vấn này bảo mẹ rằng ông ấy không quan tâm việc hai người có đồng ý là con bị rối loạn hay không. Ông ấy thậm chí còn nói là không muốn nói về vấn đề này nếu như con không thấy con bị như vậy. Ông ấy nói như thế thật là vô nghĩa.”

“Điên rồ thật! Thế thì ông ấy muốn nói về chuyện gì? Vô lý quá!”

“Ồ, ông ấy biết vô số điều về ăn kiêng lành mạnh và những triệu chứng mà các bác sỹ lưu tâm tới. Ông ấy có thể giúp con đạt được chỉ tiêu cân nặng để cảm thấy khỏe mạnh và cũng giải quyết được luôn các vấn đề khác của con. Nếu con làm được thì mẹ nghĩ con sẽ tránh được tất cả các vấn đề rối loạn ăn uống này. Ông ấy nói ông ấy sẽ làm việc với con vì mục đích của con.”

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra được là nhờ việc né tránh tất cả các câu hỏi về chứng biếng ăn, bằng việc không nói với con bé rằng nó đã sai khi nó bảo nó không hề bị bệnh đó, tôi đã giúp được con bé cải thiện vấn đề này.”

Jenny đã gặp vị tư vấn đó khi quay lại trường và bây giờ, sau hai năm, khi tôi viết những dòng này, cô vẫn đang điều trị cùng với ông ấy. Cô đã lên cân một chút và dần dần, cô gọi rối loạn của cô là “vấn đề chuyển hóa cân nặng.” Tôi nghĩ chắc chắn cô nghĩ rằng không bao giờ cô bị chứng biếng ăn nặng. Mà ai quan tâm đâu? Tina đã nói rất đúng: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra được là nhờ việc né tránh tất cả các câu hỏi về chứng biếng ăn, bằng việc không nói với con bé rằng nó đã sai khi nó bảo nó không hề bị bệnh đó, tôi đã giúp được con bé cải thiện vấn đề này.”

Bằng việc cho con gái thấy là mình được tôn trọng và không phủ nhận ý kiến của cô ấy, suy nghĩ của Tina bắt đầu có ý nghĩa hơn với Jenny. Và vì những suy nghĩ của Tina về Jenny đều dựa trên những gì bản thân Jenny mong muốn nên mọi việc đều suôn sẻ dễ dàng.

CHÌA KHÓA CỦA TÔI ĐÂU?

Ba năm trước, Gerald bị chẩn đoán là mắc bệnh Alzheimer. Ông chưa cần đến y tá chăm sóc thường xuyên, nhưng ông cần ai đó để mắt trông chừng mình, điều mà người vợ từ 30 năm nay của ông vẫn vui vẻ làm. Nhưng bà ấy cũng cần nghỉ ngơi. Con gái họ, Melinda định sẽ đến ở với bố trong một tuần mẹ cô đi nghỉ. Mặc dù cô biết rằng bố mình gặp rất nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ, nhưng cô vẫn không nhận ra nó sẽ khó khăn đến thế nào cho tới khi cô cố gắng chăm sóc ông. Trục trặc là chuyện xảy ra như cơm bữa. Cô viết cho tôi về hai sự việc vừa xảy ra vì cô muốn tôi biết rằng LEAP đã giúp cô đỡ cho cha mình như thế nào. Tôi đề nghị phỏng vấn cô cho cuốn sách này và đây là những gì cô kể lại.

Bố của Melinda đang vừa đập loanh quanh trong bếp vừa nguyền rủa. Cô đến gần cha và hỏi ông có chuyện gì. Ông cúi xuống, hai tay giật tung ngăn kéo và nói “Khốn kiếp! Bố không tìm thấy chìa khóa!”

“Bố tìm chìa khóa gì ạ?” Melinda hỏi:

“Chìa khóa xe? Sao lại không có ở đây? Bố luôn để nó ở đây! Con biết nó đâu không?” Cô biết. Cô cũng biết là cha cô không được phép lái xe nữa gần hai năm nay rồi.

“Bố à, có khi bố quên thôi, nhưng bố biết là bố không được lái xe nữa mà.”

“Con nói cái quái quỉ gì vậy? Bố đã lái xe từ 20 năm trước khi con ra đời rồi.”

“Vâng bố à, con biết. Nhưng bố bị Alzheimer mà. Bố không lái xe lâu rồi vì bố quên mọi thứ mà.”

“Con nói gì vậy? Bố vẫn lái được.”

“Không đâu bố ạ. Con rất tiếc,” Melinda nói, lúc này, Gerald bắt đầu gọi với lên gác tìm vợ. Ông bảo Melinda đi gọi bà và khi cô cố gắng giải thích cho bố rằng mẹ đã đi vắng, ông nói thật là vớ vẩn và lại tìm chìa khóa.

Melinda ghét phải nhìn thấy bố cô giận dữ. Nhận ra rằng họ đang lâm vào ngõ cụt và mọi thứ sẽ dễ dàng trở nên tệ hơn nếu cô tiếp tục cố gắng thuyết phục ông rằng cô đúng, Melinda nhớ đến LEAP. “Bố à, bố tìm chìa khóa trong đó ạ?” cô hỏi.

“Ừ. Con thấy nó không?”

“Con không thấy ạ,” cô nói, sự thật là vậy, vì mẹ cô cất nó trong túi xách của bà. “Con hỏi bố chuyện này được không?”

“Gì?” ông nói, vẫn lục lọi ngăn kéo.

“Bố nhìn con một giây được không nào?” Melinda hỏi để thu hút sự chú ý của ông.

Ông ngừng việc lục lọi và ngẩng đầu lên, có vẻ rất bực bội và đôi chút lo lắng. Melinda cảm thấy ngực mình nhói lên khi cô nói: “Con có thể hỏi bố định đi đâu được không?”

“Con hỏi rồi còn gì.”

“Vâng, thì con đã hỏi,” cô đồng ý, cảm thấy như bị bắt gặp khi đang thò tay vào hộp bánh quy. “Vậy bố định đi đâu ạ?”

“Chúng ta cần sữa và trứng mà.”

“Vậy là bố định lái xe ra cửa hàng để mua sữa với trứng ạ?”

“Ừ,”

Cô nói nhẹ nhàng: “Không thấy chìa khóa làm bố bực quá.”

“Đúng đấy con gái yêu ạ. Bố bực quá!”

“Con cũng bực ấy chứ. Con xin lỗi.”

“Được rồi mà,” ông nói, giọng đã bình tĩnh hơn nhiều.

“Bố đã nhìn qua tủ lạnh chưa?”

“Để tìm chìa khóa à?!” ông hỏi, lông mày nhướng lên và mỉm cười.

“Không! Con có ngốc thế đâu bố ơi. Ý con là nhìn xem có khi mình vẫn còn sữa và trứng ấy ạ.” Và không chờ câu trả lời, cô mở cánh tủ và ở đó, vẫn còn nguyên cả chục trứng và hộp sữa.

“Ồ, chúng ở đây à. Bố đoán là bố quên mất,” Gerald nói, giọng có vẻ lúng túng và có chút khuất phục.

“Con cũng quên suốt ấy mà. Bực mình thật bố nhỉ,” Melinda xót xa. “Thôi nào, bố con mình vào xem TV đã.”

Gerald nhún vai và theo cô vào phòng.

Melinda thuật lại câu chuyện thứ hai khi cô có thể sử dụng lắng nghe có cân nhắc cùng với công cụ cảm thông, đồng ý và hợp tác. Bố cô vẫn cứ nói về vợ ông. Ông vẫn quên là bà đi vắng. “Bà ấy đâu rồi?” ông sẽ hỏi thế và Melinda sẽ nói là bà đi Florida thăm chị gái của bà.

Một lần, Gerald trở nên nghi ngờ. Ông cáu lên với cô: “Bà ấy không bao giờ đi thăm Sally mà không có bố đi cùng. Con đang nói gì vậy?”

“Bố, con nói thật mà. Mẹ đang ở Florida.”

“Vậy sao bố lại không nói chuyện với mẹ được? Sao con cứ ngăn bố nói chuyện với mẹ thế?” Phản ứng tức thì của Melinda là tự vệ – ông vừa nói chuyện với vợ buổi sáng – nhưng cô biết là nó sẽ thành cuộc chiến “Con đúng, Bố sai” và sẽ làm bố cô càng buồn khổ thêm nữa. Vậy nên cô kiểm chứng lại những gì ông vừa nói: “Bố muốn nói chuyện với mẹ và con ngăn không cho bố làm thế, đúng không ạ?”

“À, con nhận rồi nhé. Sao con lại làm thế?”

“Bố à, con không nhận hay chối gì hết. Con chỉ muốn chắc chắn là con hiểu đúng những gì bố nói thôi. Vậy là bố băn khoăn không biết vì sao con không để bố nói chuyện với mẹ, đúng không ạ?” cô hỏi.

“Bố thực sự băn khoăn. Hay bà ấy đi viện? Bà ấy khỏe không?” Ông hỏi, lo lắng thực sự.

“Mẹ khỏe bố ạ,” Melinda nói, cẩn thận để không nhắc đến dì Sally lần nữa vì bố cô không tin là mẹ ở đó. “Bố có vẻ nghi là con nói dối bố phải không ạ?”

“Ồ, bố không biết con có nói dối không? Nhưng sao bố lại không thể nói chuyện với mẹ?!” Thực tế, Melinda đã cố để ngăn bố vì hôm trước ông gọi đến ba lần mỗi ngày khiến mẹ cô lo lắng đến nỗi bà nghĩ có lẽ bà nên về nhà. Cô đã cố thuyết phục bà ở lại nhưng không nghĩ là mình sẽ thành công nếu như ông vẫn tiếp tục gọi đến ba lần mỗi ngày.

Vậy nên cô xác định xem điều cô cần là xoa dịu bố cô và lấy lại lòng tin của ông để ông không gọi nhiều đến thế nữa. Cô nói: “Con thề với bố là mẹ khỏe. Bố tin con được không?”

Cô đã thành công khi bỏ đi nhu cầu được chứng minh là mình đúng và đâm đầu vào đó. Hơn thế, cô còn có thể xoa dịu sự lo lắng của ông bằng cách kết hợp sự lo lắng và nghi ngờ của ông.

“Có thể. Nhưng sao bố lại không thể nói chuyện với mẹ?”

“Bố à, bố có quyền nói chuyện với mẹ, con sẽ không ngăn bố đâu. Như thế thật vô lễ, phải không ạ?” Cô hỏi, nhấn mạnh vào điểm họ có thể đồng ý với nhau.

“Đúng rồi.”

“Tốt quá, bởi vì…”

“Vậy gọi mẹ con đi. Bố có thể nói chuyện với mẹ, đúng không?”

“Bố có thể, nhưng hiện giờ mẹ đang rất bận và sẽ tốt hơn nếu mình gọi cho mẹ muộn hơn.”

“Sao? Bà ấy đang làm gì?”

“Con không chắc lắm,” Melinda trả lời thành thật, “nhưng con biết là mẹ cần được yên tĩnh, không bị làm phiền bây giờ và con hứa với bố là con sẽ gọi cho mẹ sau bữa trưa. Mình đồng ý vậy được không bố?”

“Cũng được thôi, nhưng bố chẳng thích thế.”

“Con cũng không thích, nhưng con mừng vì bố tin con bố ạ. Mình sẽ gọi sau bữa trưa, bố nhé?”

“Được rồi.”

Cách tiếp cận của Melinda thật hiệu quả khi cô luôn nhận thức được suy nghĩ và cảm xúc của bố cô mà không cần đưa ra ý kiến của mình. Cô đã thành công khi bỏ đi nhu cầu được chứng minh là mình đúng và đâm đầu vào đó. Hơn thế, cô còn có thể xoa dịu sự lo lắng của ông bằng cách cùng lo lắng và nghi ngờ với ông. Và cô đã có lại lòng tin của ông, điều đã khiến cho kế hoạch hợp tác của họ thành công – gọi cho mẹ cô sau bữa trưa. Khi mọi chuyện đã rõ ràng, ông không nhắc vấn đề đó nữa đến sau bữa tối. Có thể ông quên hoặc cho qua vì ông đã cảm thấy bớt lo lắng hơn.

TÔI KHÔNG PHẢI LÀ KẺ NGHIỆN RƯỢU!

Raphael và Gary, 44 tuổi là bạn thân từ hồi còn nhỏ. Họ nói chuyện với nhau hàng ngày và gặp nhau ít nhất một lần mỗi tuần. Gary là phù rể trong đám cưới của Raphael. Giờ, Raphael cảm giác chắc chắn rằng Gary đang nghiện rượu và anh rất lo cho bạn mình. Trớ trêu thay, anh đi đến kết luận này dựa trên những gì Gary kể với anh chứ không phải những gì anh tận mắt chứng kiến. Gary không cho rằng những gì mình kể với Raphael là vấn đề nghiêm trọng. Anh đã phản ứng lại quyết liệt ngay lần đầu tiên Raphael đề cập đến việc này.

Họ đang ngồi bên quầy bar, xem một trận bóng rổ và chờ đồ ăn. Gary vừa gọi ly whisky thứ ba; Raphael còn chưa uống xong một nửa cốc bia đầu tiên. “Xem này,” Gary nói, nâng chiếc cốc rỗng không sau lần cố gắng cuối cùng uống cạn chỗ rượu trong đám nước đá. “Tối Chủ nhật, tôi đã thử quán bar mới trên đường 92 và như thế này đây! Cậu phải thử đi. Ý tớ là, đó là tối Chủ nhật và chỗ ngồi đã đặt.” Lắc đầu và cười thầm, anh nói: “Ôi trời, tôi đã say quắc cần câu đến mức không làm nổi việc gì đến tận hôm sau!”

“Ờ!” Raphael nói trong sự thông cảm. “Không phải là lần thứ ba trong mùa hè này cậu bị ốm à?”

“Ừ, thì sao chứ? Mùa hè cơ mà và cậu chỉ sống có một lần thôi.”

Biết rằng có thể nó sẽ xảy ra một tháng một lần bất kể đó là mùa nào và bạn gái của Gary đã chia tay với anh bởi vì anh uống quá nhiều, Raphael thăm dò: “Cậu biết đấy, có lẽ cậu phải xem lại chuyện uống rượu.”

“Khốn kiếp! Cậu đến định nói lại chuyện kiêng rượu đó à?”

“Này, đừng có xếp mình cùng thuyền với bồ cũ của cậu chứ. Mình chỉ định nói là…”

“Cậu vừa nói tôi nghiện rượu. Cũng như cô ta thôi. Và tôi có cùng một câu trả lời. Nghe rõ đây này. Tôi không phải là kẻ nghiện rượu!”

Mặc dù anh không dùng chính xác từ đó nhưng thực sự Raphael định kết luận rằng bạn anh là kẻ nghiện rượu. Gary kể tiếp nhiều câu chuyện về những người mà anh gọi là “đã khiến anh khốn đốn” vì chuyện uống rượu. Và anh miêu tả những sự việc mà có vẻ chứng tỏ rằng họ đúng. Thậm chí giám đốc nhân sự ở chỗ anh làm còn khuyên răn anh rằng anh uống quá nhiều trong hội nghị gần đây của công ty. Câu trả lời của Gary là: “Mọi người đều uống trong những cuộc gặp đó!” Gary không nói ra những gì Raphael nghĩ – nhưng không phải ai cũng bị gọi tới bộ phận nhân sự sau đó. Bác sỹ của anh cũng khiến anh khốn đốn vì chuyện huyết áp cao và tăng cân khi ông ta khuyên anh hoặc ngừng uống rượu hoặc phải giảm đến mức tối đa (Gary đã nói với bác sĩ rằng anh uống mỗi đêm và thường xuyên uống từ ba đến tám hoặc chín ly). Cũng khoảng thời gian đó, anh bị bắt vì tội uống rượu khi đang lái xe. Nghe những câu chuyện được tô điểm thêm bởi những lời phân trần không đâu vào đâu và những tràng cười càng khiến Raphael tin chắc. Câu hỏi duy nhất là cần làm gì bây giờ.

“Đừng bao giờ bảo anh ta có vấn đề về rượu nếu không anh ta sẽ vứt toẹt ý kiến của anh đi trong khi đấm đá và la hét vào mặt anh.”

Raphael đã cố gắng lờ đi vấn đề và vì thế, mâu thuẫn của việc cố gắng đề cập đến nó lại càng mạnh mẽ. Anh đã hi vọng rằng Gary sẽ tự nhận ra được vấn đề của mình nhưng tình huống có vẻ xấu đi. Bây giờ, tự Raphael cảm thấy đang mất đi người bạn của mình mặc dù họ vẫn gặp nhau và trong cùng lúc đó, Gary uống đến mức không biết gì và líu hết cả lưỡi.

Raphael bắt đầu tránh mặt anh và khi anh nói chuyện với vợ mình về chuyện này, cô đã khuyến khích anh nói chuyện với Gary, lần này sử dụng LEAP. Cô đã từng đến một trong các buổi hội thảo của tôi và nghĩ rằng Raphael ở vị trí tốt nhất để giúp Gary ít nhất là ngừng chống đối và nghĩ xem anh uống nhiều đến thế nào. Cô nói cho Raphael nghe về lắng nghe có cân nhắc, cảm thông có chiến thuật, ba chữ A và “quy tắc vàng” mà cô nói là: “Đừng bao giờ bảo anh ta có vấn đề về rượu nếu không anh ta sẽ vứt toẹt ý kiến của anh đi trong khi đấm đá và la hét vào mặt anh.” Raphael thấy cũng có lí và muốn thử, nhưng không phải ở quầy bar hay bất kỳ nơi nào mà Gary có thể uống nhiều. Anh rủ Gary đi leo núi thứ Bảy sau đó.

Công viên bang Harriman chỉ cách New York chừng một giờ nhưng cách đến cả hàng năm ánh sáng về sự ngọt ngào của không khí và những rừng cây xanh tươi trải dài cũng như thanh âm của những con suối chảy từ núi xuống. Sau khoảng hai giờ leo núi, Gary và Raphael đến được đỉnh núi mà họ đã nhắm từ trước. Khi ngồi xuống và dỡ đồ ăn trưa, Raphael thất vọng khi thấy Gary lôi ra một chai bẹt đựng rượu. “Một hơi chứ?” anh hỏi Raphael. “Không, cảm ơn cậu”. Khi họ ăn và nói chuyện, Raphael cố tìm cách mở đầu. Và thời cơ đã đến khi Gary kể: “Tôi đã gặp một gã luật sư siêu cứng đầu hôm qua.”

“Vậy à? Hắn nói gì?”

“Hắn nói mặc dù đây là lần vi phạm đầu tiên nhưng độ cồn trong máu sẽ gây ra rắc rối. Họ sẽ thu bằng lái và chắc chắn sẽ phạt tôi, có khả năng tôi bị tù hai tuần nữa.”

“Độ cồn của cậu bao nhiêu?”

“Chỉ biết là rất cao.”

“Cậu thấy gã luật sư đó thế nào?”

“Tôi thấy hắn là một gã thẳng thắn.”

“Cậu có lo không?”

“Có. Ý tôi là tôi phải có xe để đi làm. Và nếu như họ bắt tôi vào tù hai tuần thì tôi sẽ mất việc. Tôi không thể nói cho họ điều này.”

“Sao không?”

“Sau buổi hội nghị họ thông báo cho tôi, và còn một lần khác mà tôi chưa kể với cậu.”

“Lần nào nữa?”

“Tôi đi họp muộn một buổi sáng.

Hôm đó, tôi đã ra ngoài uống đến chừng 4 giờ sáng. Ý tôi là tôi không định uống muộn như thế nhưng cứ hết ly này lại đến ly khác. Dù sao, họ nói rằng họ có ngửi thấy mùi rượu ở miệng tôi. Có thể tôi cũng hơi có mùi thật, tôi không rõ, nhưng tôi đã đánh răng và súc miệng. Tôi biết cả đống người cũng uống nhiều như tôi. Tôi chẳng hiểu sao tôi lại là người duy nhất bị bắt.”

“Sao cậu không kể tôi nghe chuyện đó?”

“Tôi không muốn cậu lại gây khó cho tôi nữa. Tôi không muốn nghe cậu gọi tôi là kẻ nghiện rượu.”

Raphael muốn kiểm chứng lại vì anh hiểu đó là một phần những trải nghiệm của Gary mà anh cần phải biết. Nên anh nói: “Cậu không nói cho tôi vì cậu nghĩ tôi sẽ gây khó cho cậu và gọi cậu là kẻ nghiện rượu?”

“Ừ. Vậy cậu lại sắp sửa bắt đầu dạy dỗ tôi hả?”

“Tôi sẽ nói cho cậu những gì tôi nghĩ nếu cậu thích, nhưng tôi muốn hiểu rõ ràng những gì tôi nghe trước đã. Tôi hỏi cậu vài câu được không?”

“Tất nhiên.”

“Cậu nghĩ gì?”

“Về chuyện tôi là một kẻ nghiện rượu?”

“Ừ.”

“Tôi không phải kẻ nghiện rượu. Hãy coi bố tôi xem. Giờ ông ấy được gọi là kẻ nghiện rượu. Ông ấy ra ngoài uống mỗi đêm và ông ấy chết vì bệnh gan khi mới 50 tuổi. Tôi không thế.”

“Những gì cậu nói là cậu không giống bố cậu. Cậu không nghiện rượu, đúng không?”

“Chính xác. Tôi không giống ông ấy,” Gary nói, nhìn xuống đất.

“Vậy chắc cậu phải cáu điên khi bị gọi là kẻ nghiện rượu. Ý tôi là, tôi biết cậu ghét điều đó ở bố cậu.”

“Đúng, nó làm tôi phát điên. Vậy cậu nghĩ gì?”

“Tôi không thích từ này nên tôi sẽ không dùng nó. Nhưng những gì tôi nói cũng có thể sẽ khiến cậu phát điên. Tôi hi vọng là không nhưng nếu thế thì tôi xin lỗi. Tôi không biết mọi chuyện, Gary ạ và tôi cũng có thể sai. Nhưng với tôi, có vẻ như việc uống rượu gây cho cậu quá nhiều phiền phức lớn. Cậu không đồng ý vậy sao?”

“Có lẽ phải vậy thôi nếu cậu đã nói thế.”

“Cậu đã thử ngừng lại bao giờ chưa? Ý tôi là, như khi cậu bị cảnh báo lần thứ hai ở chỗ làm ấy?”

“Rồi. Nhưng không thành. Tôi đã cố, cậu biết chứ? Tôi tự hứa là sẽ không uống vào các tối trong tuần nhưng chỉ được có một ngày. Thiếu rượu khiến tôi thật là mệt mỏi.”

“Thế tìm sự giúp đỡ thì sao?”

“Ý cậu là AA[6] ấy hả? Không đời nào!” Gary cười. “Tôi sẽ không đứng trong một cái hầm của một nhà thờ dễ thương nào đó với một nhóm các tên say ôm chặt lấy những chén café Styrofoam, bắt tay nhau và nói: ‘Xin chào, tôi tên là Gary và tôi nghiện rượu.’ Ý tôi là, tôi hiểu nó giúp được rất nhiều người nhưng họ nghiện rượu thật. Nơi đó không dành cho tôi.”

[6] Alcoholics Anonymous: Một tổ chức cho những người nghiện rượu chia sẻ và giúp đỡ những người khác thoát khỏi tình trạng nghiện rượu giống mình.

“Cậu là người nhắc đến AA đấy chứ, không phải tôi. Ý tôi chỉ là giúp đỡ nói chung thôi. Tôi còn không biết là cậu đã định giảm uống. Cậu có thể nói chuyện đó với tôi mà. Có thể gặp một nhà tư vấn nào đó, người sẽ không nói cậu phải ngừng uống. Cậu biết đấy, chỉ là ai đó có thể giúp cậu uống ít đi thôi.”

Những gì Raphael nói với Gary thật vô giá. Những người khác đã thất bại khi cố thuyết phục Gary rằng anh là kẻ nghiện rượu. Họ đã vô tình giữ anh trong bế tắc. Cuộc nói chuyện này là lần đầu tiên Gary thẳng thắn với người khác về chuyện không kiểm soát được việc uống rượu của mình. Raphael đã có thể hạ thấp sự đề phòng của Gary, định nghĩa lại vấn đề trong giới hạn bản thân Gary chấp nhận được và giúp bạn anh bắt đầu nghĩ đến chuyện uống rượu của mình và ảnh hưởng tiêu cực của nó đến cuộc sống của anh. Trước cuộc nói chuyện này, Gary chỉ bảo vệ cho việc uống rượu của mình, việc này gây ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ của anh về nó. Raphel đã cho anh một khoảng trống để thực sự suy nghĩ. Cuối cùng, nó đã dẫn đến sự thật rằng khi vụ lái xe lúc đang uống rượu của anh ra đến tòa, Gary đồng ý nhận tư vấn để không phải vào tù. Anh cũng trở nên cởi mở hơn với Raphael và những người khác về các vấn đề liên quan đến chuyện uống rượu của mình. Và anh càng cởi mở thì càng có cái nhìn sâu sắc hơn và nhiều trách nhiệm cá nhân hơn. Đó là chìa khóa để anh bắt đầu nghiêm túc giải quyết vấn đề này. Sau cuộc nói chuyện đó, Raphael không còn né tránh khi hỏi: “Chuyện uống rượu của cậu đến đâu rồi?” và đề nghị Gary kể cho anh mà không cần chút phòng thủ nào về những mục tiêu mà Gary đạt hoặc không đạt được cho tuần đó.

Bất cứ ai gần gũi với những nghiên cứu về việc phục hồi sau khi nghiện rượu cũng sẽ nói với bạn về dạng nhận thức bên trong này, cùng với khát vọng muốn lập kế hoạch cắt giảm việc uống rượu và một ý chí để làm nó công khai (bằng cách thẳng thắn với bạn bè hoặc nhà tâm lý trị liệu), đều là dấu hiệu tốt cho sự phục hồi.

Trong từng câu chuyện trên và ở chương sau, cánh cửa đã được mở ra, dù chỉ là một chút, để nói về bế tắc. Nhưng sẽ ra sao nếu như một trong hai người đóng sầm cửa lại? Sẽ ra sao nếu như vì cáu giận, vì đề phòng hoặc mong đợi tiêu cực mà người ta từ chối nói chuyện với bạn về vấn đề đó? Trong những tình huống này, công cụ của LEAP mà bạn học được vẫn có thể áp dụng, cùng với một vài công cụ mới để mở những cánh cửa đã đóng ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.