Tôi Đúng, Bạn Sai - Giờ Thì Sao?
15. LEAP xuyên qua những cánh cửa đã đóng
Chướng ngại vật là những điều kinh khủng ta thấy khi không nhìn vào mục tiêu của mình nữa.
– Henry Ford
Thường khi tôi nói chuyện hoặc điều khiển một buổi hội thảo, ai đó sẽ tâm sự với tôi rằng giữa họ và những người thân yêu đã từng có mâu thuẫn và giờ không còn mối quan hệ nào nữa. Thực tế là họ không nói trong đơn vị thời gian tính bằng tuần, bằng tháng hay bằng năm. Mà phải nhiều năm rồi.
Tin tốt lành là hầu như chẳng bao giờ là quá muộn. Ngay cả khi người thân yêu đó tức giận với bạn, không tin bạn nữa hoặc tránh mặt bạn thì bạn vẫn có thể luôn luôn nối lại mối quan hệ mà bạn đã mất. Và nếu bạn có thể không để khát vọng điều khiển mình – nhu cầu chứng minh rằng bạn đúng và người kia sai – bạn sẽ có thể mở lại cánh cửa dẫn đến điều bạn muốn. Liên lạc trở lại và ngay lập tức tước bỏ vũ khí cũng như lấy lại lòng tin của người kia là bước đầu tiên.
Hãy nói “Bạn bè”
Nếu bạn đã đọc truyện hoặc xem bộ phim Chúa tể của những chiếc Nhẫn, có lẽ bạn sẽ nhớ cảnh Frodo và Gandalf đứng bên ngoài hầm Moria, tuyệt vọng vì không thể vào bên trong. Cánh cửa bằng đá đóng chặt. Phía trên đó, một dòng chữ được khắc trên đá “Hãy nói Bạn bè”. Hàng giờ trôi qua, Gandalf cố gắng thử giải nghĩa của câu đó cho đến khi Frodo hỏi, “Trong tiếng Elves thì từ bạn bè là gì?” và khi ông trả lời, cánh cửa cuối cùng cũng chịu mở ra.
Nếu như cánh cửa ngôn ngữ bị khóa, chìa khóa để mở nó là tìm cách để người đối diện coi bạn là bạn bè để họ cảm thấy đủ an toàn cho việc nối lại cuộc đối thoại với bạn. Tôi phải đảm bảo là trước kia họ đã coi bạn là bạn bè rồi đã nhé, như thế bạn đã có một nền tảng để xây dựng lại mối quan hệ, nhưng nếu như giờ họ vẫn từ chối lắng nghe bạn thì sao, làm thế nào để bạn thực hiện được việc đó?
Bạn nên nói gì để mở cửa?
Nói từ “Bạn bè” trong tiếng Elves chắc chắn không có tác dụng rồi. Mà kể cả nó có mở được cửa đi chăng nữa thì nếu người nghe không nhấc điện thoại thì bạn cũng chẳng thể nói được gì. Nói chung, những gì tôi thường khuyên mọi người trong hoàn cảnh này là viết thư hoặc email. Đầu tiên là vì nếu người đó không muốn nói chuyện với bạn, bạn cũng chẳng còn lựa chọn nào khác? Nhưng, hơn thế, quan hệ thư từ không mang tính đe đọa gì. Nó đầy tính riêng tư và được coi như một việc nhàn rỗi. Và người nhận không phải lo lắng về phản ứng của bạn về việc họ đọc thư. Nó rất an toàn.
Vậy thì bạn sẽ viết gì? Đầu tiên, hãy nhắc cho người đó biết rằng bạn yêu quý và nhớ họ, sau đó hãy dùng đến ba chữ A. Nói rằng:
• Bạn rất tiếc vì chuyện đã đi xa đến mức này,
• Có thể bạn đã sai – bạn không phải là người biết mọi thứ;
• Bạn tôn trọng suy nghĩ của họ (điều mà rõ ràng bạn chưa hề làm trong quá khứ) và khẳng định nếu họ đồng ý nói chuyện với bạn, bạn hứa là sẽ không bao giờ nói rằng họ sai lần nữa.
Những điều bạn không muốn nói là bạn ước gì người kia đã làm việc này, việc kia. Đừng trách họ vì phản ứng với bạn và không được nhắc tới suy nghĩ của bạn dưới bất kỳ tình huống nào. Thay vào đó, hãy chỉ tập trung vào lời xin lỗi, vào việc thể hiện khả năng là bạn cũng có thể sai lầm, và hứa rằng không thuyết giáo cũng như áp đặt suy nghĩ của bạn cho họ. Hãy đề nghị chấp nhận những bất đồng.
Larry đã không nói chuyện với cô con gái Jessie của mình gần một năm nay. Họ đã có một trận cãi nhau gay gắt về ý định chuyển nhà sang đầu kia đất nước của cô. Trong suốt cuộc cãi nhau, ông bảo cô rằng cô quá trẻ con, ngốc nghếch và sẽ sống trong hối hận đến cuối đời. Ông cũng cắt nguồn tài chính của cô, từ chối tham gia vào cái mà không may ông đã gọi là “điều ngu xuẩn.” Cả ba chữ E đều đã in đậm dấu trong cuộc cãi nhau độc hại này. Bổ sung thêm vào việc gọi nhau bằng những từ khó nghe (ngây thơ và ngu ngốc), ông còn lan man sang các chuyện khác, nhắc lại tất cả những quyết định sai lầm trước đây của cô trong đời – những chuyện mà ông đúng còn cô đã bị chứng minh là sai. Nhưng tệ hơn tất cả sự leo thang này là việc né tránh và lẫn lộn hoàn toàn. Sau khi cô chuyển đi, Jessie từ chối nhận điện thoại hoặc thư của bố. Mẹ cô nài nỉ cô nói chuyện với bố nhưng Jessie rất kiên quyết. Larry vẫn nghĩ việc chuyển nhà của con gái là một ý tưởng kinh hoàng nhưng ông cũng nhận ra rằng, hơn tất cả mọi chuyện, ông thực sự rất nhớ con gái. Và ngoài ra, không có sợi dây liên lạc nào thì ông cũng không bao giờ có thể thuyết phục cô chuyển về sống gần nhà. Vậy nên ông viết bức thư này:
Jess yêu quí,
Bố không thể nói với con rằng bố tiếc thế nào vì đã quá nghiêm khắc trong việc chuyển nhà của con. Có lẽ bố đã sai. Bố không phải là người biết hết mọi chuyện mà. Mẹ con đã kể cho bố nghe rằng con sống rất vui vẻ ở đó và mọi chuyện đều tốt. Hãy tin rằng nếu con bỏ qua cho bố, bố hứa sẽ không bao giờ nhắc tới chuyện này nữa. Bố có thể tôn trọng quyết định chuyển nhà của con và sẽ không thử thuyết phục con quay về nhà nữa. Bố rất nhớ con.
Bố yêu con,
Bố.
Jessie gọi cho Larry vào ngày cô nhận được lá thư.
Bất kể bạn nói như thế trong một lá thư hay nói trực tiếp, nó cũng sẽ mở cánh cửa ra. Bạn vẫn nhớ Roberta và cô con gái 14 tuổi Amanda chứ? Họ đã cãi nhau kịch liệt về giờ đi ngủ và việc nhắn tin buổi đêm của Amanda. Roberta đã tát con gái mình sau khi Amanda gọi cô là phù thủy, và Amanda đã im lặng từ lúc đó. Khi bắt buộc phải trả lời mẹ, cô bé chỉ vâng dạ với Roberta và rồi làm những gì cô thích (như việc thức quá giờ đi ngủ để nhắn tin cho bạn). Họ đã lâm vào ngõ cụt và mối quan hệ giữa họ thật tồi tệ. Roberta đã sử dụng những công cụ tôi miêu tả để mở lại cuộc đối thoại với con gái. Đây là những gì cô đã miêu tả về cuộc đối thoại đó:
“Mẹ xin lỗi vì đã tát con. Mẹ sai rồi,” Roberta bắt đầu.
“Con xin lỗi vì đã gọi mẹ là phù thủy,” Amanda nhanh chóng đáp lời. “Con đi được chưa?”
“Chưa đâu. Mẹ cũng muốn xin lỗi vì đã không lắng nghe con. Mẹ muốn nói về chuyện giờ đi ngủ lần nữa và mẹ…”
“Con không muốn nói về chuyện đó nữa. Con nghe đủ rồi! Con sẽ đi ngủ vào lúc 11 giờ, thế được chưa?”
“Không hẳn. Mẹ muốn nói về chuyện này theo cách khác. Mẹ không nghĩ là mẹ đã lắng nghe suy nghĩ của con, mà cứ nói là con sai, rằng đang thời gian đi học, mẹ là mẹ của con, mẹ hiểu biết hơn, blah, blah.” Roberta đặc biệt tự hào về cụm “blah, blah” vì cô cảm thấy cô đã đứng đúng ở vị trí của Amanda khi nói thế, và sau khi cô nói thế, Amanda đã mỉm cười một chút. “Amanda,” cô nói tiếp: “Mẹ thực sự xin lỗi và mẹ thực sự muốn nghe con nói.”
“Được rồi mẹ ạ. Chúng ta không cần nói về nó nữa,” Amanda nói, vẫn cố né cuộc nói chuyện. Nhưng Roberta đã sẵn sàng với một lời hứa quan trọng.
“Chờ chút đã nào. Mẹ còn một điều nữa phải nói và rồi con có quyền nói hay không tùy con. Mẹ sẽ tùy con quyết định. Được chứ?”
“Được ạ.”
“Nếu con nói với mẹ về chuyện này, mẹ hứa sẽ chỉ nghe thôi. Mẹ sẽ không dùng bất kỳ điều gì con nói để chống lại con và mẹ sẽ không nói con sai khi nghĩ thế.”
“Nghĩa là mẹ nói con có thể đi ngủ muộn?”
“Không. Chưa đâu. Đầu tiên là mẹ thực sự muốn nghe suy nghĩ của con và mẹ hứa sẽ không nói là con sai hoặc vô trách nhiệm hay những gì tương tự thế. Con có thể nói lại cho mẹ nghe vì sao con muốn thức khuya và vì sao nó không gây hại gì đến việc đi học của con không?”
Như các bạn đã biết, lời xin lỗi và lời hứa này đã có tác dụng mở ra cuộc đối thoại dẫn Roberta đến việc phá bỏ được bế tắc. Thể hiện sự tôn trọng với suy nghĩ của người kia như Roberta làm chính là nền tảng của LEAP. Nếu bạn đã không thể hiện được điều này trong cuộc tranh luận với ai đó và cánh cửa đóng sầm lại vì thế, bạn có thể sử dụng nó bây giờ để mở lại cuộc nói chuyện.
Rất nhiều người ngại ngần trước lời hứa họ sẽ tự nguyện không nhắc tới suy nghĩ của mình lần nữa, nhưng khi nhận ra rằng trong quá khứ, họ đã nói với người kia bao nhiêu lần rằng người ấy sai, và kết quả là như thế nào, thì họ thấy được sự sáng suốt của lời khuyên này.
Nhưng có một điều mà bạn cần phải hiểu là người kia có thể sẽ không dễ dàng tin bạn đột nhiên lại thay đổi 360 độ như thế, và cách tốt nhất để bạn đảm bảo với họ là một lời hứa rằng bạn sẽ không bao giờ áp đặt suy nghĩ của bạn lên họ trừ khi họ muốn thế. Hãy giải thích lý do của bạn. Bạn có thể nói rằng: “Tôi đã cố thuyết phục anh trước kia và tôi chưa bao giờ làm được. Mối quan hệ của chúng ta đối với tôi quan trọng hơn hơn việc thuyết phục anh rằng tôi đã đúng.” Và hãy trao quyền cho họ bằng cách nói rằng: “Và nếu như lỡ tôi buột miệng nói suy nghĩ của tôi ra, tôi sẽ không trách nếu anh bắt tôi câm miệng.” Mục tiêu ở đây là làm cho họ thấy an toàn khi nói chuyện trở lại với bạn cũng như sự chân thành của bạn – bạn không còn quan tâm đến việc mình đúng nữa.
Rất nhiều người ngại ngần trước lời hứa họ sẽ tự nguyện không nhắc tới suy nghĩ của mình lần nữa, nhưng khi nhận ra rằng trong quá khứ, họ đã nói với người kia bao nhiêu lần rằng người ấy sai, và kết quả là như thế nào, thì họ thấy được tính sáng suốt của lời khuyên này. Vậy thì nếu bạn cũng chống lại ý tưởng sẽ hứa hẹn như thế, thì hãy nghĩ lại. Và cũng nghĩ cả về sự thật rằng đó là một người đã quen với suy nghĩ của bạn và không dễ gì quên được nó bất kể bạn có nhắc đi nhắc lại hay không. Nếu muốn, nếu điều đó làm bạn dễ chịu hơn, bạn có thể nói rằng bạn không chắc có thể giữ được lời hứa của mình nhưng bạn sẽ cố. Điều đó là thẳng thắn, nó thể hiện bạn thực sự mong muốn tôn trọng suy nghĩ của người kia và có thể bạn cũng mắc sai lầm. Nếu bạn nói rằng bạn không phải là người hoàn hảo, người ta cũng sẽ dễ dàng chấp nhận điều đó.
Trong bất kỳ tình huống nào, bạn đều biết rằng lý tưởng nhất là không bao giờ nên đưa ra ý kiến của mình trừ khi được đề nghị, và khi sử dụng LEAP, điều đó sẽ xảy ra, ngay cả nếu như bạn phải xúi giục người kia bằng cách hỏi: “Này, tôi có thể nói ra suy nghĩ của mình được không?” Một khi họ đã coi bạn là bạn bè, họ sẽ sẵn sàng nói: “Tất nhiên, anh nói đi.” Vậy nên sự thật là, bất chấp lời hứa của bạn, bạn sẽ vẫn có cơ hội đưa ra ý kiến của mình lần nữa, nhưng với sức mạnh lớn hơn bạn đã có trước kia – đặc biệt nếu như người kia đã từ chối nói chuyện với bạn.
KHI CÔNG VIỆC LÀ VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH
Brad và Jeff là hai anh em cùng làm việc với nhau. Brad cho Jeff vay vài ngàn đô la và anh nghĩ rằng Jeff sẽ trả. Nhưng Jeff lại tin rằng anh đã trả món nợ của mình bằng một công việc đặc biệt đòi hỏi số giờ làm việc kinh hoàng và nhờ thế họ không cần thuê một người ngoài nào làm nữa. Không ai trong hai anh em sẵn sàng cân nhắc suy nghĩ của người kia, và cuối cùng, đơn giản là Brad bảo thẳng Jeff rằng anh đã tự lừa dối mình bằng cách nghĩ rằng Jeff sẽ trả lại khoản vay và theo cách Brad nghĩ thì anh trai đã ăn cắp tiền của mình. Anh đã không thể, không hề tôn trọng suy nghĩ của Jeff một giây nào và kết quả là, khi tôi gặp Brad, hai anh em họ đã không nói chuyện với nhau hơn một năm trời.
Riêng việc hai anh em họ đã từng thực sự thân thiết như thế và đã từng làm việc với nhau lâu như thế giờ lờ nhau đi đã đủ tệ nhưng mọi chuyện còn xấu hơn khi sự xa lánh của họ ảnh hưởng đến cả gia đình. Họ từ chối tham gia những buổi gặp mặt khi có mặt người kia và đều chịu áp lực nặng nề của các thành viên trong gia đình về việc phá bỏ hàng rào ngăn cách giữa họ.
Sau khi giảng giải nguyên tắc cơ bản của LEAP cho Brad, tôi đề nghị anh ta hãy viết cho Jeff một lá thư như lá thư tôi đã miêu tả trên kia. Tôi giải thích rằng với việc xin lỗi và chỉ ra rằng có thể anh đã sai, anh sẽ không chỉ điều khiển được anh trai mình mà còn có thể tạo ra một vài suy nghĩ linh hoạt trong đầu anh ấy và từ đó có thể nhận lại được những điều tương tự bởi vì, như tôi giải thích, mọi người đều có xu hướng đáp trả lòng tốt của người khác. Và cuối cùng, với việc nói rằng có thể anh đã sai, anh để cho Jeff cơ hội giữ thể diện. Đó là một điều rất quan trọng bởi vì khi hai người đang chống cự với lòng kiêu hãnh và tự tôn, sẽ không có khoảng trống nào cho sự tiếp cận nữa.
Tất nhiên là Brad vẫn muốn lấy lại tiền của mình, nhưng mục tiêu của anh là hàn gắn mối quan hệ với Jeff.
Tâm lý học xã hội đã nghiên cứu và kết luận rằng khi chúng ta tặng cho ai đó một món quà, họ sẽ có xu hướng tặng lại cho ta một món quà có cùng hoặc thậm chí là có giá trị lớn hơn. Ví dụ như nếu chúng ta tiết lộ một điều riêng tư nào đó về bản thân mình thì người kia cũng sẽ chia sẻ điều gì đó có tính riêng tư như thế.
Có thể nguyên tắc này giải thích cho một số sự thu hút rất nhiều cảm xúc, mặc dù không phải lúc nào nó cũng có tác dụng theo cách này, của tiên đề “Cho tốt hơn nhận.” Vậy nên Brad viết cho anh trai của mình như sau: “Em thực sự xin lỗi. Em nghĩ giá như em đã lắng nghe anh. Tất cả những gì em làm chỉ là đổ lỗi cho anh, và em xin lỗi vì điều đó. Có lẽ em đã sai rồi. Tất cả những gì em biết chỉ là em nhớ anh, em nhớ quãng thời gian cả gia đình mình bên nhau và em muốn sửa chữa những lỗi lầm đó.”
Tiếp theo là lời hứa: “Em thực sự muốn gặp anh và nói về chuyện này, và em hứa sẽ không bao giờ nói rằng anh nợ em tiền. Anh sẽ không bao giờ nghe lại điều đó từ em nữa, trừ khi anh đề nghị.” Tất nhiên là Brad vẫn muốn lấy lại tiền của mình, nhưng mục tiêu của anh là hàn gắn mối quan hệ với Jeff. Mối quan hệ bất hòa này đã khiến không khí trong gia đình căng thẳng, và anh thực sự yêu quý và nhớ anh trai mình. Còn một sự thật là, nếu họ không nói chuyện với nhau, cũng sẽ không có cơ may nào để Brad lấy lại được tiền của mình.
Anh gửi thư điện tử và nhận được trả lời rằng Jeff sẵn sàng gặp anh. Cuộc gặp gỡ rất cảm động và rõ ràng là sự xa lánh này đều đã khiến cả hai người khổ sở.
Vì tôi đã làm việc cùng với Brad – thử diễn cuộc đối thoại và hướng dẫn anh cách sử dụng công cụ trì hoãn để tránh phải đưa ra suy nghĩ của mình – anh đã giữ lời hứa của mình rất tốt. Và cuối cùng, hai anh em đã có một cuộc nói chuyện hiệu quả về những gì đã phá hỏng mọi thứ dẫn đến sự đứt liên lạc không hay ho đó. Cả hai người đều hối hận về những gì xảy ra giữa họ và đều sẵn lòng chịu trách nhiệm. Jeff nói rằng có lẽ anh cần phải rõ ràng về việc anh tin rằng mình đã trả lại khoản nợ qua công việc làm thêm đó, và Brad bắt đầu nhận ra Jeff có lí khi nghĩ vậy. Cuối cùng, Jeff đã trả một phần lớn khoản tiền đó. Bế tắc duy trì giữa họ suốt một năm qua mang ý nghĩa tình cảm sâu sắc đã được giải quyết chỉ trong vòng một tuần.
KHI THIỆN CHÍ THÀNH ĐIỀU KHÔNG NHƯ MONG ĐỢI
Nếu như hai người về cơ bản là biết điều và có suy nghĩ như Brad và Jeff lại dễ lao vào một cuộc bế tắc hoàn toàn không thể giải quyết được đến như vậy, mọi chuyện sẽ còn khó khăn hơn nhiều trong việc sửa chữa những gì bị phá hỏng khi một trong hai bên có những vấn đề khác.
Chính việc uống rượu của Peter đã tạo nên một rào cản giữa anh ta và bố mẹ. Họ thấy việc đó sẽ phá hỏng cuộc đời anh và bao nhiêu năm qua, họ đã rầy la và cằn nhằn anh để anh tìm kiếm sự giúp đỡ, một liệu pháp hoặc trung tâm phục hồi nào đó. Nhưng Peter vẫn kiên quyết giữ quan điểm rằng anh chẳng có vấn đề gì hết và có thể tự giảm việc uống rượu khi nào anh muốn. Chỉ trừ việc anh hoàn toàn không muốn làm thế.
Cuối cùng, vợ của Peter cũng không chịu được nữa. Cô cương quyết yêu cầu anh ra khỏi nhà và đòi quyền chăm sóc con trai họ, cậu bé Joey.
Ở tuổi 35, Peter vẫn sống một cuộc sống bên lề mọi chuyện và ngày càng chìm sâu hơn vào chứng nghiện rượu của mình. Cho đến một ngày, Joey, đã 12 tuổi đến thăm bố và tự mở cửa vào nhà bằng chìa khóa của mình. Nhưng trong buổi chiều đặc biệt đó, cậu đã phát hiện ra Peter đang nằm sõng soài trên sàn và cậu không thể đánh thức nổi. Joey gọi cấp cứu trong hoảng loạn và gọi cho ông bà nội – cậu không muốn gọi mẹ vì cậu biết mẹ sẽ lo lắng. Bố mẹ của Peter đến phòng cấp cứu ngay lập tức, họ nói với bác sĩ rằng con trai họ đã nói rằng anh ta sẽ tự lo cuộc sống của mình. Họ muốn anh ở lại trong viện, muốn anh có được sự giúp đỡ mà anh vô cùng cần đến và họ hiểu là anh sẽ không bao giờ tự nguyện làm việc này. Cách duy nhất để đảm bảo anh ấy sẽ chấp nhận nhập viện ít nhất ba ngày là nói dối anh nhưng họ mong muốn đến tuyệt vọng giúp con trai họ và họ thực sự sợ rằng anh sẽ tự giết mình, cho dù chỉ là vô ý.
Tất nhiên, Peter cũng ra viện cuối đợt điều trị và từ đó, anh không nói chuyện với bố mẹ nữa. Mọi chuyện tệ hơn khi sau đó, vợ cũ của anh giới hạn những cuộc đến thăm Joey chỉ khi có người giám sát, khiến anh có quá ít liên hệ với con trai mình. Giờ gần như anh đã mất liên lạc với cả gia đình.
Mẹ của Peter đến gặp tôi vì bà vẫn lo cho cuộc sống của con trai mình, và bà biết rằng chừng nào anh còn chưa chịu nói chuyện với bà hoặc chồng bà thì sẽ chẳng có gì giúp nổi anh. Bà vẫn cảm thấy rằng, lúc đó, bà làm một điều đúng đắn cho cả con trai lẫn cháu nội của bà và bà biết rằng nếu chuyện đó xảy ra lần nữa, bà vẫn sẽ làm đúng như vậy. Nhưng khi bà gọi cho Peter, theo gợi ý của tôi, bà không nói với anh như vậy. Thay vào đó, bà nhún mình xin lỗi, nói rằng có thể bà đã mắc sai lầm khi làm vậy. Rồi sau đó bà nói đến mục đích cuộc gọi là vì thực sự mà rất nhớ con trai mình và muốn họ lại liên lạc với nhau. Và bà hứa những điều quan trọng là sẽ không bao giờ phàn nàn hoặc nói về chuyện anh uống rượu nữa trừ khi anh hỏi bà hoặc đó là vấn đề sống còn.
Peter đồng ý nói chuyện với bà và khi ấy, bà phát hiện ra rằng điều đã làm anh buồn khổ nhất là con trai anh không nói chuyện với anh nữa và anh đã mất quyền thăm nom. Anh muốn có lại những điều ấy. Trước đây, cha mẹ anh quá bận rộn cãi nhau với anh về việc uống rượu nên không hề đả động đến Joey, giờ họ có thể đồng ý với anh về chuyện này, cả hai người đều tin rằng mối quan hệ giữa anh với con trai cần được hàn gắn. Và Peter cũng có thể đồng ý rằng cách duy nhất để anh thực hiện nó là đến trung tâm phục hồi (mặc dù anh vẫn không nghĩ rằng anh có vấn đề với rượu).
KHI BẠN LÀ NGƯỜI BỎ ĐI
Trong hai tình huống vừa rồi, người bị đóng sầm cửa vào mặt cuối cùng là người tìm cách mở nó ra. Nhưng nếu như bạn mới là người đã bỏ đi thì sao? Có thể bạn hối hận về cách cư xử bốc đồng của mình, hối hận vì đã để mất người bạn hoặc người mà bạn yêu quý, và muốn lấy lại những gì đã mất.
Đó là tình huống của Annette và Brenda. Họ là bạn thân của nhau từ nhiều năm nay, vừa mới cãi nhau và kết thúc trong bế tắc khi Annette xin lời khuyên của Brenda về chuyện tình yêu của mình. Hầu hết mọi người đều không muốn nghe những điều mà bạn phải nói ra “vì lợi ích của họ” và cho đến khi họ ổn thật và sẵn sàng, bạn sẽ không thể thuyết phục rằng họ đã phạm sai lầm.
Brenda đang hẹn hò với một người đàn ông đã có gia đình, ban đầu, Annette ủng hộ mối quan hệ này vì Brenda đảm bảo với cô rằng người cô yêu đang tìm cách li dị. Nhưng sau hai tháng, khi không có bằng chứng nào rằng anh ta sắp sửa thành một “người đàn ông tự do,” Annette bắt đầu nghi ngờ và thuyết phục Brenda hỏi thẳng anh ta: “Chính xác là việc li dị đã tiến hành đến đâu rồi?”
Khi cô làm theo lời khuyên, Brenda đã sốc khi hiểu rằng không những anh ta chưa hề nộp đơn li dị mà anh ta còn chưa hề nói với vợ mình về ý định đó. “Làm thế rất khó cho anh,” là lời giải thích duy nhất mà anh ta đưa ra được. “Anh thực sự xin lỗi nếu nó gây ra phiền phức gì.” Khi Annette nghe vậy, cô khuyên Brenda rằng cô cần phải từ bỏ mối quan hệ này – và không phải chỉ vì nó tốt cho cô ấy. “Cậu sẽ thấy thế nào nếu cậu là cô vợ tội nghiệp của anh ta?” cô hỏi. Nhưng những gì Brenda hiểu lại là Annette gọi cô là kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.
Lẽ dĩ nhiên là điều này sẽ khiến cô trở nên phòng vệ, và cô trả miếng bằng cách nhắc lại quãng thời gian khi Annette gặp trục trặc trong cuộc hôn nhân của chính mình và đã hẹn hò ăn tối với một người đàn ông khác. Nhưng Annette đã cứu vãn được cuộc hôn nhân đó và cũng chưa bao giờ lặp lại điều đó. Cô ngạc nhiên và cảm thấy bị xúc phạm khủng khiếp trước sự tấn công của Brenda, cô nhận thấy rằng so sánh như thế là khập khiễng và lao ra khỏi căn hộ của Brenda, giận dữ đóng sầm cửa lại.
Sau khi trở về nhà và đã bình tĩnh lại đôi phần, Annette có thể nhận ra vì sao Brenda lại cảm thấy phải tự vệ cho hành động của mình bằng cách tấn công lại cô, và cô hối hận vì cách xử sự của mình. Vậy là cô nhấc điện thoại lên và gọi cho Brenda để xin lỗi. “Mình xin lỗi đã đi về như thế. Thật là thô lỗ.”
“Còn hơn cả thô lỗ. Nó như là sỉ nhục vậy,” Brenda nói.
“Cậu cảm thấy mình xúc phạm cậu à?” Annette kiểm chứng lại.
“Ừ. Cậu biến mình thành gái điếm, một kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Mình không đánh giá cao điều đó tí nào.”
“Mình cũng không thể đánh giá cao được. Mình xin lỗi.”
“Nhưng sao cậu lại nói thế chứ? Sao lại thế?”
“Chắc nó làm cậu tổn thương lắm phải không?” cô đồng cảm và lờ đi câu hỏi.
“Chính xác,” Brenda nói, giọng đã dịu đi. “Nhưng sao cậu lại có thể nói những điều đó? Cậu thực sự tin mình là người như thế ư?”
“Cậu thực sự muốn biết à?” Annette hỏi, làm cho bạn cô phải chịu trách nhiệm về việc cô ấy có muốn nghe ý kiến của cô hay không. “Ừ, mình muốn.”
Sử dụng hai công cụ chữ A, Annette nói, “Được rồi, một lần nữa, mình xin lỗi cậu vì có thể nó sẽ làm cậu tổn thương và mình hi vọng là chúng ta có thể chấp nhận được những bất đồng trong chuyện này, nhưng những gì mình đã nói là mình cảm thấy tệ cho vợ anh ta và mình biết nếu cậu không dính dáng trực tiếp đến chuyện này cậu cũng sẽ thấy tệ cho cô ấy.”
Annette cảm thấy căng thẳng trong khoảng im lặng kéo dài sau đó, nhưng cuối cùng, Brenda cũng nói, “Cậu nói đúng. Mình cảm thấy thật kinh khủng về chuyện này.”
Trong cuộc đối thoại này, họ đã luôn giữ bình tĩnh với người kia, và Brenda bắt đầu nói thêm về cảm xúc của cô đối với người đàn ông đó và tình huống mà cô lâm vào. Khi cô nói và Annette không cãi lại cô, cuối cùng cô thực sự tự nhận thấy đây không phải là một mối quan hệ tốt lành và nó cũng chẳng giúp cô có được điều cô khát khao, đó là có một gia đình riêng cho mình. Tất cả những gì Annette cần làm là lắng nghe và thấu hiểu. Cô không cần thể hiện ý kiến của mình vì thực ra cô đã nói rồi.
LEAP qua cánh cửa trước khi nó đóng sầm lại
Tất nhiên, lí tưởng nhất là bạn muốn tìm cách thoát khỏi bế tắc trước khi cánh cửa dẫn đến cách giải quyết đóng sầm và khóa trái trước mặt, bỏ mặc bạn ở ngoài trong giá lạnh. Đó là cách mà một cặp vợ chồng tôi biết đã làm được với cô con gái tuổi thiếu niên của mình khi chúng tôi gặp nhau trong một bữa tối nọ. Danielle đã vi phạm giờ giới nghiêm 12 giờ và bố mẹ cô bé bảo rằng vì cô đã chứng minh mình là một người vô trách nhiệm nên cô sẽ phải về nhà trước chín giờ. Không ngạc nhiên là Danielle tức giận, buồn kinh khủng và hờn dỗi theo mọi cách của tuổi thiếu niên. Cô không nói chuyện gì với bố mẹ trong liền tù lì ba ngày và không có vẻ gì là sẽ kết thúc cho cách xử sự theo hướng đó. Thực tế, họ đã bắt đầu cáu với cô bé lần nữa. Khi tôi gợi ý với bố mẹ Danielle là họ nên xin lỗi cô bé thì họ đáp lại bằng cách ám chỉ rằng chắc tôi điên rồi. Nhưng tôi giải thích rằng tôi không nói họ đã sai. “Hai người nghĩ rằng mình đúng phải không?” Tôi hỏi. Tất nhiên là họ nghĩ vậy. Ồ, vậy là tôi nói, hai người cần phải cảm thấy thoải mái với chuyện này và cũng không cần thuyết phục Danielle về sự đúng đắn của hai người ngay bây giờ. Những gì hai người cần làm là thuyết phục con bé rằng hai người tôn trọng suy nghĩ của nó, nghĩa là việc con bé vi phạm giờ giới nghiêm không phải chuyện kinh khủng gì và nó vẫn có thể được phép ở ngoài đến nửa đêm. Vì sao lại không thể làm thế? Có gì để mất đâu? Sau tất cả, hai người thực sự có quyền bắt nó làm theo những gì mình muốn và hai người sẽ thực sự cảm thấy chắc chắn về suy nghĩ của mình.
Lời xin lỗi sẽ mở ra mọi cánh cửa bởi vì nó là cách truyền tải sự tôn trọng đối với cách nhìn và cảm xúc của người kia. Và khi người ta cảm thấy được tôn trọng, người ta sẽ thấy dễ dàng đưa lại một điều gì đó hơn.
Nhưng những người bạn của tôi không thể nhìn nhận mọi chuyện theo cách đó. Họ nói rằng họ sợ Danielle sẽ nhầm lẫn và nghĩ rằng họ đã thay đổi ý kiến về giờ giới nghiêm mới của con bé. “Nhưng hai người sẽ không nói thế đúng không nào?” tôi hỏi. Tất nhiên, họ không nói thế.
Tôi phải nói chuyện với họ thêm khá nhiều lần thì họ mới hiểu quan điểm của tôi, nhưng cuối cùng, họ đã xin lỗi và khi con bé nói chuyện với họ thì họ hiểu rằng Danielle không thực sự tức giận về giờ giới nghiêm mới của mình bằng việc bố mẹ cô bé từ chối lắng nghe suy nghĩ của cô. Thực tế, lý do bất mãn chủ yếu của những cô bé, cậu bé tuổi thiếu niên mà tôi đã từng gặp đều là bố mẹ không chịu lắng nghe các em. Lời xin lỗi sẽ mở ra mọi cánh cửa bởi vì nó là cách truyền tải sự tôn trọng đối với cách nhìn và cảm xúc của người kia. Và khi người ta cảm thấy được tôn trọng, người ta sẽ thấy dễ dàng đưa lại một điều gì đó hơn. Trong trường hợp này, món quà Danielle đã tặng bố mẹ là bỏ qua cơn giận của mình và sự im lặng căng thẳng mà cô bé đã tạo ra.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.