Tôi Đúng, Bạn Sai - Giờ Thì Sao?
7. Đồng cảm – để làm bạn
“Con chỉ cần học được một bí quyết đơn giản, Scout, con sẽ sống thoải mái hơn nhiều với mọi loại người. Con không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi con xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó… tức là con sống và cư xử y như anh ta.”
– Atticus Finch trong Giết con chim nhại – Harper Lee
Cảm thông có chiến thuật
Công cụ LEAP thứ hai là Cảm thông – cảm thông có chiến thuật. Có nghĩa là cảm thông với cảm xúc đặc biệt liên quan đến quan điểm của người kia. Nếu vợ bạn đang giận dữ vì cô ấy nghĩ rằng bạn đần độn, hãy cảm thông với cơn giận của cô ấy về sự ngốc nghếch của bạn (“Anh xin lỗi, em yêu, anh tôn trọng suy nghĩ của em, anh hiểu nó làm em giận đến thế nào”). Nếu anh trai bạn thất vọng vì ý kiến mà anh ấy cho là nông cạn của bạn, hãy cảm thông với nỗi thất vọng đó – và bỏ qua phần liên quan đến ý kiến nông cạn. Mục tiêu của cảm thông có chiến thuật là tập trung vào những cảm xúc mà thông thường, bạn sẽ thấy rất khó – thậm chí là quá đau đớn – để thông cảm. Không phải để trở thành một người khắc kỷ, mà là để cho những cảm xúc vốn tạo rào cản giữa bạn và đối phương lên tiếng. Bằng sự cảm thông với những cảm xúc khó chịu này, bạn đã dỡ bỏ được rào cản đó và giảm bớt khả năng rơi vào ngõ cụt.
Rất nhiều người không đồng tình với công cụ này, vì họ nghĩ tôi muốn họ đồng ý với người kia. Hoàn toàn không phải thế. Điều tôi muốn nói là bạn cần cảm thông với cảm giác của người kia theo cách suy nghĩ của họ, ngay cả khi bạn thấy suy nghĩ đó sai lầm thảm hại – hoặc tệ hơn là hoàn toàn điên rồ.
Hãy cùng xem xét một tình huống mà tôi đã từng trải qua, khi một người bạn kết tội tôi là quá lời sau khi tôi bình luận rằng nói chuyện với cô ấy qua điện thoại thật quá khó khăn. Trò chuyện với bạn tôi thường rất căng thẳng vì cô ấy luôn có xu hướng quá hào hứng về những gì mình nói, độc thoại cả đoạn dài (thậm chí đến cả giờ liền), và chỉ cho tôi một vài khoảng trống hiếm hoi để chen vào. Mặc dù tôi rất tôn trọng sự hồ hởi của cô ấy, nhưng tôi vẫn thấy cuộc đối thoại đó mang tính một chiều, vì thế mà rất khó chịu. Lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau, sau một chuỗi mô tả đặc biệt dài dòng về công việc của mình, cô hỏi tôi rằng sao tôi lại im lặng thế. Tôi đã trả lời câu hỏi một cách thành thật. Cô ấy cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương và nổi giận với tôi vì đã “quá lời.” Giờ thì, theo như kết quả của chuyện đã xảy ra, tôi thấy cô ấy quá nhạy cảm với các lời chê bai nên chúng tôi đã có một chút bế tắc trong chuyện ai đúng ai sai. Chúng tôi mắc kẹt trong chuyện này cho đến khi tôi có thể nhìn nhận quan điểm của cô ấy từ vị trí của cô và rồi cảm thông với những cảm xúc của cô ấy về tôi. Mặc dù tôi không đồng ý rằng mình đã chỉ trích cô ấy một cách vô lý (thật ra, tôi nghĩ rằng tôi đã có câu trả lời mà cô rất nên nghe), tôi vẫn có thể cảm thông với cảm xúc của cô. “Xem này, anh có thể hiểu vì sao em lại cảm thấy tổn thương đến vậy.” Khi đã cảm thông được với cảm xúc của cô, tôi thật lòng đồng ý rằng mình cũng sẽ cảm thấy như vậy nếu ở vào vị trí của cô, và vì thế tôi nhìn nhận được mọi chuyện theo cách của cô. Tôi tin rằng đó chính là sự cảm thông của tôi, và lời xin lỗi theo sau đó vì chuyện câu trả lời của tôi làm cô tổn thương thế nào đã khiến cô hỏi tôi, “Anh muốn em làm gì?”
“Ừ thì đáng lẽ anh nên chen vào nhiều hơn,” tôi trả lời, lật ngược câu hỏi. “Và có lẽ em cũng có thể để anh tham gia nhiều hơn.”
Cô đồng ý và những cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên giống một cuộc đối thoại hơn nhiều so với cuộc độc thoại ngày xưa mà tôi gần như phải nghiến răng chịu trận.
Về vấn đề này, tôi muốn chắc chắn rằng chúng ta hiểu nhau hoàn toàn, vì mọi người thường nhầm lẫn cảm thông có chiến thuật với một định nghĩa phổ biến hơn của cảm thông – định nghĩa có liên quan đến sự đồng tình với quan điểm hay lý lẽ, hoặc thể hiện sự đồng cảm. Sự đồng cảm mà tôi đang nói đến không phải cả hai trường hợp trên. Hơn cả cảm giác thông cảm cho người khác, cảm thông có chiến thuật sẽ đặt bạn ở vị trí của người đó để bạn có thể cảm thấy những cảm giác đó cùng với họ hoặc cảm thấy như một với họ. Thực tế, thuật ngữ “cảm thông” (“empathy”) đã xuất hiện từ đầu thế kỷ hai mươi để diễn tả thuật ngữ phân tâm học Einfühlung, theo tiếng Đức có nghĩa là “cảm thấy như một với ai đó.” Và đó chính xác là những gì bạn cố gắng đạt tới khi sử dụng sự cảm thông như một công cụ để phá vỡ bế tắc. Bạn muốn trải nghiệm, càng giống càng tốt, những cảm giác mà đối phương đang có.
Khi lâm vào ngõ cụt, dường như không có chỗ cho sự cảm thông, nhưng thực tế, luôn có những điểm để bạn có thể cảm thông được. Có thể bạn muốn thể hiện sự thấu hiểu của mình đối với những cảm xúc đó theo những cách như, “nếu là anh thì tôi cũng thất vọng,” “tôi nghĩ ai ở vị trí của anh cũng đều sẽ tức giận,” “tôi có thể hiểu vì sao anh hào hứng đến thế với đề nghị này,” và “nếu là anh thì tôi cũng sẽ lo lắng và nghi ngờ như thế.” Nhưng bước đầu tiên luôn là cố gắng thực sự cảm nhận những gì người kia đang cảm thấy. Làm như vậy sẽ giúp hạ bớt hàng rào của chính bạn và khiến cho bạn trở nên thuyết phục hơn rất nhiều khi tới lúc dấn tới để đạt được những gì bạn cần.
Bạn cần cảm thông với cảm giác của người kia theo cách suy nghĩ của họ, ngay cả khi bạn thấy suy nghĩ đó sai lầm thảm hại – hoặc tệ hơn là hoàn toàn điên rồ.
Cảm thông, một dạng giao cảm?
Theo một cách nào đó, sự cảm thông mà tôi mô tả là một dạng giao cảm tinh thần mà bạn vốn đã quen thuộc nhưng có lẽ chưa sử dụng thường xuyên như bạn có thể hoặc nên làm. Hãy nghĩ tới một bộ phim làm cho bạn thực sự hạnh phúc, sợ hãi hoặc buồn bã. Ví dụ, bộ phim kinh điển của Frank Capra,
Một cuộc đời tuyệt diệu[2], bạn có thấy mình mỉm cười, vui sướng hay thậm chí rơi nước mắt khi George Bailey đứng cùng gia đình trước cây thông Giáng Sinh, cười toe toét đến tận mang tai nhưng mắt đẫm lệ, cô con gái nhỏ ngồi gọn trong vòng tay anh giữa một đoàn những bạn bè, láng giềng nối đuôi nhau vào để quyên góp tiền cứu tiệm Bailey Building and Loan và giúp George không phải vào tù? Bạn có cảm thấy những cảm xúc đó khi nhớ lại cảnh phim này không? Nếu có, tôi sẽ nói rằng bạn đã sử dụng một dạng giao cảm. Làm sao bạn có thể cảm thấy
[2] Một bộ phim do Mỹ sản xuất được phát triển từ truyện ngắn “The Greatest Gift” của Philip Van Doren Stern, được 5 đề cử Oscar, được Viện phim Mỹ xếp vào hàng 100 phim Mỹ hay nhất trong 100 năm qua, và đứng ở vị trí thứ nhất trong số những bộ phim truyền cảm nhất mọi thời đại.
– xin được nhắc bạn là thực sự cảm nhận được, không đơn thuần chỉ là xác định – cùng một cảm xúc mà George Bailey đã cảm thấy từ hàng thập kỷ trước? Đó chính là một dạng giao cảm tinh thần vượt thời gian. Nếu bạn chưa xem phim này (hoặc không cảm thấy thế khi xem), thì bây giờ hãy dành chút thời gian để nghĩ về những nhân vật khác trong một bộ phim mà bạn thấy đồng cảm – giận dữ, buồn khổ, sự hãi hoặc vui sướng.
Thành công của một bộ phim hay một tác phẩm văn học phụ thuộc vào khả năng chúng ta thấy và cảm nhận bản thân mình trong các nhân vật họ xây dựng. Qua việc ngồi và xem, do không cần phải có quan hệ tương tác với những người ta gặp trong phim hoặc trên những trang sách hay, chúng ta đều ở trạng thái cởi mở nhất, và vì thế đều có thể khơi dậy khả năng cảm thông tự nhiên của mình. Ý của tôi là bạn có thể và nên làm như vậy ngay cả khi bạn phải đương đầu với đám rối mù của một cuộc tranh cãi gay gắt nhất đi chăng nữa.
Sự đồng cảm tạo ra một chuỗi các trải nghiệm khiến cho ta không thể, cho dù chỉ trong khoảnh khắc, coi đối phương như kẻ thù.
Khi đã thực sự cảm nhận cảm giác của người kia, hàng rào phòng thủ của chính bạn sẽ hạ bớt xuống, làm bạn bớt đáng sợ hơn, và vì thế giúp bạn có thêm sức mạnh để thuyết phục. Có một lí do chính đáng để làm việc này: Khi bạn truyền tải được cho người khác thông điệp rằng bạn hiểu và tôn trọng cảm xúc của họ, bản thân người kia cũng khó có thể tiếp tục nghĩ bạn là kẻ thù. Nếu bạn cảm thấy người kia Einfühlung với bạn – bạn thấy như là một với họ – bạn cũng không thể cảm thấy, dù chỉ trong khoảnh khắc, rằng họ chống lại bạn. Sự đồng cảm tạo ra một chuỗi các trải nghiệm khiến cho ta không thể, cho dù chỉ trong khoảnh khắc, coi đối phương như kẻ thù.
Nghe thì hay đấy, nhưng làm sao mà bạn có thể cảm thông được khi bạn đang giận dữ hoặc đơn giản là phát điên vì lý luận của một ai đó? Thật ra, điều đó rất đơn giản.
Làm thế nào để khơi dậy khả năng tự nhiên của bạn?
Để khơi dậy được khả năng thiên bẩm, trước hết, bạn phải dùng lý trí tách mình ra khỏi cuộc cãi vã. Để làm điều này, tôi muốn bạn tưởng tượng như mình đang ngồi trên một chiếc ghế dễ chịu và đọc một quyển sách hay hoặc một bộ phim cuốn hút. Bây giờ, hãy coi đối phương của bạn như một nhân vật trong đó. Hãy ngồi trên ghế, và tự hỏi, người này đang cảm thấy như thế nào? Nếu can đảm hơn – và tôi hi vọng là bạn như thế – bạn còn có thể đổi vai như trước đây tôi đã đề cập. Giả vờ bạn là diễn viên đang ứng biến trên sân khấu. Hướng đi duy nhất của bạn là sắm vai người mà bạn đang thấy bế tắc với họ và nói to những gì họ sẽ nói về sự bất đồng của bạn. Hãy nghĩ tới ngõ cụt mà bạn đang lâm vào, giờ thì cố gắng nói to – nếu bạn không ở một mình, thì hãy nhắm mắt lại và âm thầm thực hiện những việc này trong đầu – và xem xem liệu bạn có cảm thấy phần nào cảm xúc của đối phương hay không.
Để xem việc này có tác dụng thế nào, hãy nhìn Dan và Rachel, một cặp vợ chồng đang cãi nhau xem họ có chuyển tới Chicago, nơi Dan nhận được một lời mời làm việc hay không. Họ đều đã có việc làm và thu nhập tốt. Nếu chuyển đi, Dan sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng quan trọng là vị trí mà anh được mời chính là công việc mà anh vẫn hằng mơ ước.
Vấn đề của Rachel không phải là cô sẽ phải bỏ việc mà là liệu có nên xáo trộn cuộc sống của hai đứa con đang tuổi đi học của họ hay không. Rachel không muốn làm việc này và bế tắc mà cô và Dan lâm vào thực sự làm hai người rất căng thẳng và đều bị tổn thương sâu sắc. Sự bất đồng giữa họ đã trở nên độc hại. Trong suốt các cuộc cãi lộn, Rachel buộc tội Dan là quá ích kỷ và tầm nhìn hạn hẹp, thêm nữa lại không hề để tâm đến nhu cầu của hai đứa trẻ. Còn về phần Dan, anh cũng buộc tội Rachel là ích kỷ và tầm nhìn hạn hẹp và đã không hi sinh nhiều như anh để giữ cho mối quan hệ của họ được tốt đẹp. Những lời buộc tội không được buông ra trực tiếp và rõ ràng đến như thế, nhưng chúng cũng làm hỏng khả năng phá vỡ bế tắc của Rachel không kém.
Miếng vỡ đầu tiên trên chiếc áo giáp của Dan xuất hiện khi thay vì tiếp tục phản công, Rachel bắt đầu lắng nghe có cân nhắc những gì anh nói, mặc dù cô không đồng ý rằng anh đã hi sinh nhiều hơn cô. Nhờ việc lắng nghe mà không phán quyết gì, cô đã thu hẹp được khoảng cách giữa họ dù vẫn tiếp tục bất đồng. Nhờ suy nghĩ nghiêm túc về những gì Dan nói, cô đã truyền tải được thông điệp rằng cô tôn trọng ý kiến của anh – dù chỉ trong khoảnh khắc.
“Nếu em nghe đúng, thì những gì anh nói là anh đã hi sinh nhiều hơn em cho chúng ta và anh nghĩ bây giờ đến lượt em cần làm thế. Có phải không?” cô hỏi.
“Đừng mỉa anh,” Dan nói, vẫn cảm thấy đề phòng.
Không hề có chút nào hạ mình hoặc mỉa mai, thực sự cảm thấy tò mò, Rachel trả lời, “Em không mỉa anh. Em chỉ thực sự muốn hiểu. Em hiểu anh nói là anh đã từ bỏ nhiều thứ hơn em. Đúng vậy không?”
“Đúng. Như anh nói, khi em nhận được việc làm đầu tiên, anh đã phải chuyển việc vì em.”
“Từ từ đã. Em nghĩ là em đã hiểu. Em có thể nhắc lại những gì em nghĩ là anh vừa nói không?”
“Được thôi,” Dan trả lời, vẫn thấy tức giận và có chút nghi ngờ.
“Thẳng thắn mà nói, Dan, em đang thực sự lắng nghe anh, và có vẻ như anh thấy anh đã từ bỏ nhiều hơn và anh muốn em phải đền đáp lại. Anh thấy em không sẵn lòng làm vậy. Đúng không?”
“Đúng, cơ bản là vậy,” anh nói, có vẻ bình tĩnh hơn nhiều.
Từ lúc đó, mặc dù cô đã hạ nhiệt cuộc cãi vã nhưng Rachel không tin họ đã tiến gần được đến quyết định mà họ phải đưa ra. Cả hai đều vẫn cố thủ với ý kiến của mình về chuyện muốn đi và từ chối không chịu đi. Điểm mà Rachel đã vướng mắc là cô không thể sử dụng công cụ cảm thông. Cô chỉ không nghĩ rằng cô có thể đồng cảm với cảm giác của Dan. “Tôi không cảm nhận được sự giận dữ của anh ấy về chuyện này và tôi cũng không biết làm thế nào để đạt được điều đó vì anh ấy có đúng đâu,” cô nói với tôi.
Mặc dù cô nhận ra rằng chồng mình đang giận dữ nhưng cô vẫn thấy đáng lẽ anh ấy không nên như thế, kết quả là cô không thể thấu hiểu được cơn giận và nhận ra rất ít nguyên nhân gây nên nó.
Tôi chỉ cho cô thấy rằng điều chúng tôi đang giải quyết không phải cảm xúc đó có chính đáng hay không mà đơn giản chỉ là những gì người kia cảm nhận. Người ta không thể kiềm chế được cảm xúc của mình, ít nhất là lúc khởi đầu. Từ chỗ tôi ngồi – một khoảng cách không khác gì với đang xem phim – tôi thấy một điều rất rõ ràng rằng Dan cảm thấy bị tổn thương. Dù đúng hay sai, anh đã nói những điều biểu lộ nỗi buồn khổ. Và cũng giống như với rất nhiều người chúng ta – đặc biệt là đàn ông – thể hiện sự giận dữ dễ dàng hơn rất nhiều nỗi đau ẩn sau nó.
Khi phải đối diện với cảm xúc thì không có đúng hay sai. Chỉ có những gì người khác cảm nhận.
Để giúp cô cảm thông, tôi yêu cầu Rachel hãy tưởng tượng như Dan là một nhân vật trong một cuốn sách, đang kể câu chuyện của mình ở ngôi thứ nhất. Tất cả những gì cô biết về những điều đang diễn ra đều là cách nhìn của anh trong câu chuyện. Tôi đề nghị cô đóng vai Dan ở vị trí người kể truyện trong cuốn sách mà cô tưởng tượng là mình đang đọc, và yêu cầu cô sử dụng cách nói của anh ấy để thuật lại những gì đang xảy ra theo quan điểm của anh. Nhiệm vụ của cô là miêu tả bất kỳ cảm xúc nào mà cô, với vai diễn là Dan, thực sự cảm thấy khi cô kể câu chuyện của anh. Trong suốt vở diễn, Rachel đã kể lại trung thành suy nghĩ của Dan bằng lời của anh. Rồi, sau một thoáng ngập ngừng, cô nói, “Tôi tức giận vì vợ đã không coi trọng mình.”
“Dan, anh có cảm thấy giận dữ vì chuyện gì khác nữa không?” tôi hỏi, muốn cô đào sâu hơn nữa.
“Tôi giận vì vợ tôi nghĩ rằng tôi không quan tâm đến việc bọn trẻ con phải chuyển trường, bởi vì thực sự là tôi có quan tâm. Tôi có thể làm bất cứ điều gì vì bọn trẻ. Tôi có thể chết vì chúng.”
Khi nói điều này, đôi mắt của Rachel ngân ngấn lệ.
“Vậy Dan đang cảm thấy gì?” tôi hỏi.
“Anh ấy – tôi thực sự rất buồn. Tôi cảm thấy tổn thương vì cô ấy lại có thể nói những điều đó về tôi. Tôi cảm thấy tổn thương vì cô ấy lại có thể nghĩ như thế về tôi.”
Nhờ từ bỏ vị trí của mình và đổi vai, Rachel đã có thể khơi dậy dễ dàng hơn khả năng cảm thông của mình. Hơn thế, những trải nghiệm về nỗi buồn của chồng đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của cô về việc nên tiếp tục thế nào. Khi có cơ hội đầu tiên, cô hỏi Dan có phải anh giận không và Dan, tất nhiên, trả lời là đúng. Sau đó, khi cô hỏi anh có cảm thấy tổn thương vì lời buộc tội của cô rằng anh quan tâm đến sự nghiệp nhiều hơn sự phát triển của con cái không, anh trả lời anh không thực sự nghĩ về chuyện này, nhưng đúng là anh có tổn thương.
Sau đó, Rachel kể với tôi rằng cuộc trò chuyện đó đã khiến cô cảm thấy gần gũi với Dan hơn rất nhiều. Từ lúc đó, cô đã có thể dễ dàng nói
“Nếu là anh thì em cũng cảm thấy thế.” Rồi cô thêm vào rằng cô cảm thấy rất có lỗi vì đã nói những điều khiến anh cảm thấy như vậy và rằng cô thực sự tin anh là một người cha tuyệt vời. Chính khoảnh khắc trải nghiệm để rồi thể hiện sự cảm thông đó đã giúp họ tiến lên và phá vỡ bế tắc. Quan trọng hơn, nó giúp họ bắt đầu hàn gắn những đổ vỡ mà những cuộc cãi lộn độc hại đã gây ra cho mối quan hệ của họ.
Trong các chương tiếp theo, bạn sẽ được nghe thêm về cách cuộc nói chuyện này cuối cùng đã khiến Dan cùng Rachel tìm ra và thống nhất được rất nhiều nền tảng chung, từ đó, sử dụng chúng như một cơ sở để tìm ra những lựa chọn mới nhằm giải quyết bế tắc. Khi cô đã hạ thấp sự đề phòng của mình và của Dan, họ đồng ý rằng cơ hội nghề nghiệp của Dan và cảm giác ổn định của bọn trẻ đều rất quan trọng. Từ nền tảng này, họ có thể giải quyết khúc mắc vì họ tin tưởng rằng cả hai đều nghĩ đến những vấn đề chung. Hiện giờ, dù sao, mấu chốt chính là Rachel chỉ có thể liên hệ lại được với Dan sau khi cô thực sự cảm thấy phần nào cảm giác của anh. Trước khi cô lắng nghe và rồi cảm thông với trải nghiệm của Dan – sự thất vọng và tổn thương của anh – họ đã đối mặt với nhau trong một trận đấu gay gắt. Nhưng sau đó, cô ở bên, choàng tay qua vai anh, nói rằng không có gì là ngu ngốc và vô lý hay khó khăn để hiểu được suy nghĩ của anh. Và cô có thể làm vậy mặc dù cô vẫn tin rằng Dan đã sai còn cô mới đúng.
Ngôn ngữ của cảm xúc
Với tư cách là một nhà tâm lý trị liệu – tôi chắc chắn bạn đã có thể đoán được điều này – đôi khi, tôi hỏi mọi người rằng, “Chuyện đó làm bạn cảm thấy thế nào?” Và, trước sự ngạc nhiên không dứt của tôi, tôi thường nhận được những câu trả lời mà chẳng liên quan gì tới cảm xúc cả. Thay vào đó là những câu nói như, “Tôi thấy bối rối” hoặc “Nó làm tôi thấy tự tin hơn” hay “hiểu nhầm” hoặc “do dự” hoặc “rõ ràng”,…
Những trải nghiệm về sự bối rối, hiểu nhầm, tin tưởng, do dự hoặc rõ ràng không phải là một cảm xúc. Có thể bạn nghĩ là do câu hỏi của tôi mơ hồ quá – từ “cảm thấy” thật ra có thể chứa đựng một phạm vi rất rộng những trải nghiệm thể hiện trong những câu trả lời kia – nhưng câu hỏi tiếp theo: “Ý tôi là, bạn cảm thấy cảm xúc nào cơ?” thường vẫn không giúp mọi người tiến gần hơn đến câu trả lời mà tôi tìm kiếm. Những cuộc trao đổi này dạy tôi rằng rất nhiều người không thành thạo ngôn ngữ của cảm xúc như chính họ, và cả tôi nữa, vẫn nghĩ. Cảm xúc bao gồm, nhưng không giới hạn: nỗi sợ hãi, sự giận dữ, nỗi buồn, niềm vui và sự căm phẫn. Mỗi cảm xúc lại có những người anh em họ như sự lo lắng, hoang tưởng, nỗi thất vọng, tổn thương, trầm cảm, hài lòng,…
Hiểu được sự khác biệt giữa cảm xúc và suy nghĩ là rất quan trọng, vì cảm xúc ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta. Cảm xúc có uy lực đến mức các nhà khoa học nhận thức hiện đại đã lý luận rằng nó là yếu tố không thể thiếu đối với tư duy lý trí chứ không đơn thuần chỉ là không thể rách rời. Ngay cả Spock, trong seri phim truyền hình Du hành giữa các vì sao (Star Trek) cũng không tránh được cảm xúc của mình dù được sinh ra và lớn lên giữa những sinh vật không có cảm xúc mà chỉ có lý trí đơn thuần. Tóm lại là Vulcans (tộc người của Spock) và Descartes đã lầm. Bạn không thể tách rời suy nghĩ khỏi cảm xúc. Và quan trọng nữa là thứ này có thể thay đổi thứ kia.
Suy nghĩ có thể thay đổi cảm nhận, và cảm nhận có thể thay đổi suy nghĩ. Suy nghĩ, nhận thức, phán quyết và hành vi của bạn thay đổi, rõ ràng hay mờ nhạt, tùy thuộc vào cảm xúc của bạn. Tôi có thể trích dẫn nhiều tác phẩm lỗi lạc trong chủ đề này, nhưng những tác phẩm khác, trong đó có Daniel Goleman với Trí thông minh cảm xúc, đã bàn luận chi tiết vấn đề này hơn tôi ở đây rất nhiều.
Suy nghĩ có thể thay đổi cảm nhận, và cảm nhận có thể thay đổi suy nghĩ.
Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi không nghĩ là bạn cần phải hiểu về khoa học thì mới đồng ý với nhận định này vì rõ ràng là nó không thể phủ nhận, đúng không nào? Nếu bạn cảm thấy giận dữ với một ai đó, thì liệu bạn có thể nghĩ rằng họ đáng tin hoặc có lý không? Bất kỳ biểu hiện nào cũng đều được lọc qua lăng kính cảm xúc của bạn, nó sẽ bóp méo ngay cả những câu hỏi trong sáng và đầy khuyến khích như “Vậy là bạn vẫn cảm thấy quá tải trong công việc à?” thành một lời buộc tội rằng bạn là người mềm yếu và hay phàn nàn quá.
Đây là một ví dụ khác. Gần đây, tôi đang lái xe thì một chiếc xe khác đột ngột lao ra ngay trước mặt tôi một cách vô cùng nguy hiểm. Tôi giật mình, nhấn phanh, bấm còi và nghe tiếng lốp xe nghiến ken két trên đường, tất cả cùng một lúc. Khoảnh khắc đó, tôi đã giật mình, sợ và giận điên lên nữa.
Vùng hạnh nhân và hệ thần kinh giao cảm của tôi bùng nổ. Điều xảy ra tiếp theo rất thú vị. Tôi càng cáu hơn vì sau đó, người đàn ông tạt ngang xe tôi – tôi đinh ninh, vì một vài lí do nào đó, rằng người lái xe nhất định phải là một người đàn ông – lại lái xe dưới tốc độ quy định đến 16 km/h. Tôi tin rằng anh ta chủ định chạy chậm lại để trả đũa tôi vì đã bấm còi. Nhận thức, niềm tin và phán quyết của tôi đều bị thay đổi bởi cảm xúc. Ngay khi có cơ hội, tôi vượt thằng cha đó (có lẽ bạn hiểu vì sao tôi lại gọi vậy) và nhìn thấy rằng “hắn ta” thực chất lại là một bà lão nhỏ bé, mỏng manh, chừng tám mươi tuổi, đang uốn cong người đằng sau chiếc vô lăng cao như một tòa tháp trước mặt. Bà không phải là một gã thanh niên trẻ tuổi bồng bột; chỉ là một bà lão mỏng manh đang lái xe rất chậm vì phản xạ của bà không còn được như xưa nữa. Bà không định lái chậm lại để trêu tức tôi; bà đang cố gắng bảo vệ tôi.
Vậy thì, hiểu đối phương đang cảm thấy gì sẽ là chìa khóa để hiểu họ nhận thức thế nào về bạn và vị trí của bạn, liệu họ có định đáp lại bạn một cách tích cực hay không, và liệu bạn đã giành được đủ lòng tin để tiến lên giải quyết bế tắc hay chưa. Trở nên thành thạo trong việc nhận ra cảm xúc của người khác để có thể đưa ra được ý tưởng sáng suốt hơn về suy nghĩ của họ là lí do đầu tiên để bạn cần phải học cách sử dụng công cụ cảm thông. Lí do còn lại là để giúp đỡ họ.
Vì sao sự cảm thông có thể biến Thù thành Bạn?
Trong các trường đào tạo cảnh sát, học viên thường được huấn luyện để “ra lệnh và điều khiển” khi đang cố gắng bắt giữ ai đó. Sau khi tốt nghiệp, kỹ năng này thường rất có hiệu quả. Nhưng không phải luôn luôn như vậy. Khi họ đối mặt với tình huống bắt giữ con tin và không thể ngay lập tức kiểm soát tình thế, hoặc khi họ phải đối mặt với một người đang bị rối loạn cảm xúc, có thể vì quá kích động nên không nghe theo ai cả, thì người đó sẽ khó mà tuân theo các mệnh lệnh. Lúc đó, kỹ năng này của các cảnh sát lại đem tới kết quả ngược với mong đợi. Đó là lí do vì sao mà rất nhiều đơn vị cảnh sát có những nhân viên được huấn luyện đặc biệt chuyên để xử lý các tình huống thương lượng bắt giữ con tin hay những người rối loạn cảm xúc. Những nhân viên này cần nhiều công cụ khác nhau ở chiếc thắt lưng – một số được cung cấp trong quá trình học tập ở trường huấn luyện. Trong thời gian tôi dạy LEAP cho một nhóm những nhân viên cảnh sát như vậy, một người, tôi gọi là trung sĩ Scott, đã kể lại cho tôi về một cuộc chạm trán của anh với một phụ nữ đang bị rối loạn cảm xúc dữ dội.
“Khi tôi tới, cô ấy đang nằm sấp xuống sàn nhà, không có vũ khí gì nhưng đang la lét bắt tất cả mọi người phải ‘Lùi hết cả ra!’ Hai đơn vị phản ứng đầu tiên đang đứng dưới và chờ chúng tôi đến. Người chồng đã khóa cửa nhốt cô ấy ở ngoài rồi gọi 911 vì cô ấy liên tục la hét và đập cửa. Anh ta nói cô có vấn đề về tâm thần và anh không muốn để cô đến gần lũ trẻ cho đến khi cô trở lại trạng thái bình thường nên anh đã khóa cửa và bảo cô đến bệnh viện. Những nhân viên đội phản ứng đầu tiên đã cố nói chuyện với cô nhưng cô nổi khùng lên khi họ bảo cô cần phải bình tĩnh lại, thế nên họ gọi đến chúng tôi.”
Sau đó, trung sĩ Scott miêu tả lại cách anh tiếp cận với người phụ nữ này, hai tay không cầm gì theo, bàn tay ngửa lên, và nhẹ nhàng lặp đi lặp lại câu hỏi, “Có chuyện gì vậy thưa bà?” Cô ta bảo chính anh là tất cả vấn đề và “chết tiệt, lùi lại ngay” nếu không cô ta sẽ làm cho tất cả mọi người bị sa thải. Trung sĩ Scott ngừng lại ngay lập tức và lùi lại một bước, rồi nói “Rất tiếc. Tôi chỉ muốn biết có thể giúp được cho cô không thôi.”
“Ông có thể khiến thằng khốn kia mở cửa ra,” cô nói, tuôn ra cả tràng cùng một lúc.
“Có thể tôi làm được, nhưng tôi phải biết chuyện gì đang xảy ra trước đã. Cô có thể kể cho tôi được không?”
“Hắn ta bảo tôi bị bệnh và thằng khốn đó nhốt tôi ở ngoài. Hắn mới là kẻ bị bệnh tâm thần,” cô nói, rồi thêm vào như thể đây là một từ dài, “Mở-khóa-cho-tôi-nhốt-hắn-lại!” Rồi cô cười điên dại, rít lên khiến trung sĩ Scott nghĩ những lời nói của chồng cô về căn bệnh của cô có vẻ chính xác.
Kiểm chứng lại những gì cô nói, anh hỏi, “Vậy là anh ta bảo cô bị bệnh tâm thần và nhốt cô ở ngoài? Và cô muốn chúng tôi bắt anh ta lại? Phải không?”
“Chính xác. Anh định làm gì đây, gã phó cảnh sát trưởng tự mãn[3] kia?
[3] Nguyên văn: Deputy Fife – tên một nhân vật trong chương trình truyền hình của Mỹ: The Andy Griffith Show, có tính cách rất tự mãn và huênh hoang.
Đến đoạn này, trung sĩ Scott kể với mọi người trong cuộc hội thảo, “Cô ta rất giận dữ và thấy bị xúc phạm. Tất cả những gì cô ấy muốn là chúng tôi phải phá cửa để cô ấy vào được trong nhà. Cô ấy thực sự không nghe gì tôi cho đến khi tôi thấy thông cảm với cô ấy. Tôi lùi lại và suy nghĩ. Nếu chuyện này xảy ra với tôi thì tôi sẽ ra sao? Tôi có hai đứa con. Nếu vợ tôi nhốt tôi ở ngoài và bảo tôi bị điên thì tôi sẽ thế nào? Tôi cũng sẽ giận điên lên và thấy mình bị xúc phạm. Vậy nên tôi hỏi xem có đúng cô ấy đang cảm thấy như vậy không và cô ấy bảo, “Mẹ kiếp, chính xác là tôi đang cáu điên lên đây.” Và tôi nói, “Tôi cũng sẽ nổi điên nếu tôi không gặp được con mình và có ai đó bảo tôi bị bệnh tâm thần. Tôi cũng sẽ chửi đổng.” Thế là đột nhiên, mọi chuyện chuyển biến hoàn toàn. Cơn giận dữ biến mất, thái độ của cô ta dịu lại khi nói: ‘Tôi có thể nói chuyện được với người này. Anh ta là người minh mẫn duy nhất trong nhóm!’ và cô ấy để tôi tiếp cận với mình.”
Điều đã làm tiêu tan nhanh chóng cơn giận chính là sự cảm thông có chiến thuật của trung sĩ Scott. Anh thực sự cảm nhận được cơn giận và cảm giác nhục nhã của cô, và dù anh có nhận thức được hay không, thì nó đã thay đổi cử chỉ cũng như âm điệu giọng nói của anh. Sau đó, anh thể hiện sự cảm thông của mình. Tất cả xảy ra chỉ trong một tích tắc. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc đó, người phụ này không thể nhìn nhận anh theo cách nào khác ngoài một người bạn. Từ suy nghĩ này, anh nhanh chóng biến đổi từ một người trong số họ thành một người trong số chúng ta, bởi vì, bất chấp những khác biệt có thể có giữa họ, họ vẫn cảm nhận cùng một cách về tình thế khó khăn của cô.
Khi bạn truyền tải được sự cảm thông, nó sẽ thay đổi cảm giác của kẻ thù về bạn và của bạn về họ. Đó là khoảnh khắc mà một sự liên hệ thuần khiết khiến cho hai người không thể nhìn nhau như kẻ thù. Nó không giải quyết được mọi vấn đề và chỉ mình sự cảm thông thôi sẽ không giúp bạn thoát được bế tắc để đạt được điều bạn cần, nhưng nó là công cụ quan trọng mà bạn muốn sử dụng trong mọi tình huống. Càng nhiều lần bạn và đối thủ cảm nhận được mối liên hệ này, thì cả hai người sẽ càng bớt đề phòng và càng cởi mở hơn để tìm ra giải pháp. Hơn nữa, nếu bạn có chiến thuật trong sự cảm thông của mình theo cách tôi vừa hướng dẫn, người mà bạn cảm thông cũng sẽ cảm thấy bạn có thể hiểu được với những cảm xúc tiêu cực của họ về bạn. Họ sẽ cảm thấy mình không cần tự vệ trước bạn và bạn thực sự tôn trọng họ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.