Tôi Đúng, Bạn Sai - Giờ Thì Sao?
9. Đồng ý – với đối thủ của bạn
Vizzini: THẬT KHÔNG THỂ TƯỞNG TƯỢNG ĐƯỢC!
Inigo Montoya: Anh vẫn nói câu đó. Tôi không nghĩ nó nói đúng những gì anh thấy ở nó.
Phim Nàng dâu công chúa
Giờ khi đã đưa ra ý kiến của mình, bạn lại một lần nữa nhấn mạnh vào vấn đề gây bất đồng. Bạn đã điều chỉnh lại được bất kỳ hiểu nhầm nào bằng cách lắng nghe có cân nhắc, cảm thông và tỏ ra không sẵn lòng đưa ra quan điểm của mình. Có thể bạn băn khoăn không biết liệu bây giờ bạn có đang quay lại tình trạng ban đầu và rồi sẽ không thể có được bất cứ sự nhất trí nào lâu dài hay không. Hoàn toàn không – bởi vì bạn đã biến đổi từ mối quan hệ giữa hai đối thủ thành giữa hai người bạn, hoặc ít nhất là hai cộng sự có thể hợp tác. Bạn bè và cộng sự luôn hiệu quả hơn rất nhiều so với đối thủ trong việc tìm ra giải pháp có lợi. Nhưng trước khi tìm được giải pháp, bạn sẽ cần tìm ra thêm một vài lĩnh vực để cùng đồng ý với nhau.
Với việc sử dụng khái niệm “đồng ý,” tôi không yêu cầu bạn phải thay đổi quan điểm hoặc nói dối về những gì bạn thực sự tin tưởng. Tôi cũng không bảo bạn đi thương lượng những điều như “Bạn muốn một trăm đô la, tôi sẽ bắt đầu từ năm mươi và đưa bạn bảy mươi nhăm đô la.” Những gì tôi nói là, ngay cả trong các tình huống trắng-đen mười mươi, thì vẫn luôn có một vài phần chung, một vài mục đích mà bạn và “người bạn mới tìm thấy” của mình có thể đồng ý với nhau. Tìm được những điểm đồng tình này, dù có thể cũng rất hẹp thôi, là chìa khóa để phát triển những lựa chọn mới. Thiếu đi những lựa chọn vượt qua được tâm lý “chỉ có cách của tôi hoặc cách của anh”, bạn sẽ không bao giờ vượt qua được bế tắc để trở thành cộng sự thay vì đối thủ.
Vì điều này rất quan trọng, tôi sẽ nói lại lần nữa theo một cách khác. Cùng với nhau, các bạn phải tìm ra được mảnh đất chung – những điều mà các bạn đồng tình – bởi vì chỉ thông qua việc cùng đứng trên một mảnh đất, các bạn mới có thể hợp tác cùng nhau để tìm ra giải pháp. Điều này cũng tương tự như việc lập ấp ở vùng Trung tây nước Mỹ thế kỷ mười chín. Trên những cỗ xe ngựa quây kín, các gia đình sẽ chạy đua vào vùng thảo nguyên để xí phần các mảnh đất mà họ sẽ xây nên nhà cửa, trang trại, và tương lai. Nhưng nếu không có một chứng thư được ghi nhận cẩn thận ở văn phòng nhà đất – một thỏa thuận giữa người nhập cư và chính phủ – thì không một viên đá móng nào được phép đặt xuống. Một khi các bạn đã có những lĩnh vực nhất trí được với nhau – chứng thư của bạn – bạn sẽ sử dụng chúng để xây dựng giải pháp cho bất đồng theo cách mà bạn chưa hề nghĩ tới trước kia.
Bạn sẽ vẫn có nhà và mảnh đất bạn muốn ban đầu, nhưng trên một lãnh thổ hoàn toàn mới.
Ngay cả trong các tình huống trắng-đen mười mươi, thì vẫn luôn có một vài phần chung, một vài mục đích mà bạn và “người bạn mới tìm thấy” của mình có thể đồng ý với nhau.
Vậy thì, bạn có thể đồng ý về điều gì? Bạn có thể có được chứng thư trên rẻo đất nào (bất kể nó nhỏ đến đâu)? Nếu có một điều cơ bản mà bạn và đối thủ luôn có thể đồng tình, thì đó là cả hai người đều bất mãn với những gì đã diễn ra trong cuộc tranh luận. Thường thì khi cảm thấy bị ngược đãi, chúng ta sẽ quên mất rằng người kia có thể cũng cảm thấy thế. Có thể bạn cũng đồng ý rằng mọi việc có tiến triển khi bạn bắt đầu lắng nghe, tôn trọng và cảm thông với ý kiến của đối phương. Hơn nữa, dù sao, nếu bạn trở lại và cân nhắc những gì mình thực sự cần, chắc chắn bạn sẽ phát hiện ra có nhiều điều có thể thống nhất được hơn bạn tưởng. Ví dụ, trong cuộc đối thoại của tôi với cô y tá ICU, chúng tôi có điểm chung là đều quan tâm đến sức khỏe của mẹ tôi – tôi với tư cách là con trai, cô ấy với tư cách là y tá. Chúng tôi nhất trí rằng cô ấy phải chấp hành luật. Và chúng tôi đồng ý là tôi, vì có quyền đại diện về mặt sức khỏe cho mẹ tôi, cần phải được thông báo về trường hợp của bà (mặc dù chúng tôi vẫn bất đồng về chuyện liệu cô ý tá có “được phép” fax cho tôi bản ghi lại việc điều trị cho mẹ tôi hay không). Đến khi chúng tôi đã có thể thống nhất ở những điểm cơ bản đó – và khi cả hai người đã có thể hiểu và chấp nhận những gì tôi thực sự cần – chúng tôi có thể tìm ra giải pháp cho bế tắc của mình. Khi đó, vì cô ấy cảm thấy được tôi lắng nghe và tôn trọng, cô ấy không thể không thích tôi dù chỉ là một chút ít, và muốn tìm cách giúp tôi – đó chính là việc cô ấy đọc cho tôi nghe bảng phác đồ điều trị mà cô ấy tin là không được phép fax cho tôi! Nhưng điều thực sự đã mở ra cánh cửa để tôi đạt được những gì mình cần đó là chúng tôi đã đồng ý được với nhau.
Công cụ Đồng ý
Tôi coi công cụ đồng ý của mình như một tấm giấy da được cuộn chặt, cất trong một cái bao da nhỏ đeo ở thắt lưng. Khi cần sử dụng tới, tôi rút nó khỏi bao và mở ra.
Trên đầu trang, tôi viết “Bản Thỏa ước” và ngay phía dưới là dòng chữ “Tôi coi những lẽ phải này là chân lý hiển nhiên,” và liền sau đó là các danh sách niềm tin và mục tiêu của tôi. Nếu tôi sắp vướng vào một cuộc đôi co với đồng nghiệp, danh sách đó của tôi có thể sẽ có những khẳng định như là “Không ai trong chúng ta muốn đốt bất kỳ cây cầu nào,” “Chúng ta đều muốn làm xong việc,” “Bế tắc của ta chỉ tổ làm tốn thời gian và công sức,” và “Cả hai ta đều muốn tiến lên phía trước.” Tùy thuộc vào bản chất của bế tắc mà chúng ta sẽ có những phạm vi đồng tình riêng, ví dụ như trong trường hợp cuộc cãi nhau giữa tôi với cậu em bị bệnh tâm lý của mình. Tôi nghĩ rằng cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng đáng lẽ cậu ấy nên tiêu thêm ít tiền, tránh xa bệnh viện và thoải mái với việc gia đình (bao gồm cả tôi) cố thuyết phục rằng cậu ấy có vấn đề. Bên cạnh mỗi mục trong danh sách đó là một ô vuông. Tôi đặt một dấu kiểm chứng trong ô nằm cạnh mỗi khẳng định mà tôi nghĩ rằng người kia sẽ đồng ý. Đôi khi, để chắc chắn, tôi phải hỏi họ xem những gì tôi tin là phạm vi đồng tình chung của chúng tôi có đúng là một niềm tin hay mục tiêu mà chúng tôi chia sẻ hay không (Anh có đồng ý với tôi rằng…?) Nhiều lúc, những thỏa thuận giữa chúng tôi là điều hiển nhiên (Tôi biết là chúng ta đều quan tâm đến việc…).
Có một ví dụ rất kịch tính khác về tác dụng của việc này mà tôi được nghe khi gặp tác giả Pete Earley, người viết cuốn Bệnh điên: Hành trình tìm kiếm của một người cha qua sự điên rồ về sức khỏe tâm thần của Mỹ. Cuốn sách này lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của bản thân ông sau khi cậu con trai được chẩn đoán là bị bệnh tâm thần. Như Pete kể cho tôi, ông đã khăng khăng tìm cách bắt Mike, cậu con trai của ông, chấp nhận là cậu bị bệnh tâm thần – điều mà Mike không bao giờ chịu làm. Chỉ đến khi Pete và Mike tìm được những điều mà cả hai người đều có thể chấp nhận: Mike không muốn bố mẹ bắt cậu quay lại viện tâm thần và bố mẹ cậu tất nhiên cũng không muốn ép cậu đến đó; Mike muốn đi làm trở lại và bố mẹ cậu cũng nghĩ nếu cậu tìm được việc thì thật là tốt; Mike muốn sống cùng bố mẹ cậu, và họ cũng muốn vậy, bởi vì khi cậu không ở cùng, họ sẽ rất lo lắng. Dựa trên những mục tiêu chung này, bố mẹ của Mike đảm bảo với cậu rằng họ sẽ không đưa cậu quay lại bệnh viện hoặc bắt cậu gặp bác sỹ và rằng cậu có thể sống cùng với họ – chỉ cần cậu thực hiện theo đơn thuốc và uống thuốc đầy đủ, đó chính là điều họ thực sự cần cậu chấp nhận đầu tiên. Mặc dù họ không bao giờ có thể đồng ý với nhau về vấn đề gốc rễ là liệu cậu có bị bệnh tâm thần hay không – nhưng những vấn đề mà họ đồng ý được với nhau đã đưa lại chiếc chìa khóa giúp cả Mike lẫn bố mẹ cậu đạt được điều mà họ đều cần đến.
Sự nhất trí giúp hình thành một đội
Khi bạn lâm vào bế tắc với một ai đó, bất kể bạn có nhận ra hay không, thì cả hai người đã chọn đứng ở phe đối nghịch nhau. Nhưng một khi bạn đã giã từ vũ khí và làm bạn với kẻ thù của mình, bạn có thể bắt đầu một ván chơi mới và thành lập một đội hình mới. Bạn có thể biến tình huống “tôi chống lại anh” thành “chúng ta chống lại họ, hoặc nó.” Cách để đạt được điều đó chính là sự đồng tình. Bạn còn nhớ trường hợp Roberta và cô con gái Amanda cãi nhau về giờ đi ngủ của cô bé, rồi Charles và Thomas cãi nhau về ngân sách cho các việc công ích trong hãng luật của họ không? Bạn nghĩ là họ đã nhất trí được ở điểm nào?
Roberta và Amanda đồng ý rằng họ đều mệt mỏi vì không khí căng thẳng giữa hai người. Roberta hỏi con gái, “Chắc con cũng phát bệnh và mệt mỏi vì mẹ cứ áp đặt giờ đi ngủ của con rồi.”
“Dạ?! Con phát ốm lên vì nó.”
“Mẹ cũng mệt lắm rồi Amanda ạ. Giá mà mẹ con mình đừng có suốt ngày cãi nhau như thế. Con không muốn thế sao?”
“Có, con cũng muốn thế,” Amanda đồng ý.
Họ đều đồng ý rằng bạn bè của Amanda rất quan trọng với cô bé. Roberta nói, “Mẹ biết con thích nói chuyện với bạn, và bạn con cũng thật sự quan trọng. Con có biết là mẹ quen dì Lynndie ở trường trung học không?” Amanda không biết, hoặc quên mất, rằng mẹ cô đã quen người bạn thân nhất của mình ở trường trung học. Và trước sự ngạc nhiên của mẹ, Amanda đồng ý rằng Roberta cũng nên đề ra quy tắc cho cô bé. Roberta đã hỏi cô bé rằng,
“Con có nghĩ là mẹ, với tư cách làm mẹ, phải đề ra các quy tắc cho con không?” Amanda nói, “Con biết đó là việc mẹ cần làm. Con biết là mẹ phải đề ra các quy tắc.” Rồi cô bé cười phá lên và thêm vào, “miễn sao đừng là các quy tắc ngu xuẩn là được!” Roberta cũng cười với cô bé và không say miếng mồi “Mẹ đúng, con sai” vì cô tập trung vào những gì họ có thể đồng ý với nhau – họ mệt mỏi với việc cãi cọ, việc Amanda giữ được liên lạc với bạn bè là có quan trọng, và Roberta cũng cần phải đưa ra các quy tắc. Nói ra những sự đồng tình này mở ra cánh cửa cho một cuộc đối thoại mới về cách giải quyết vấn đề của họ, và cuối cùng khiến cho Amanda tôn trọng giờ đi ngủ mà mẹ cô bé đưa ra.
Bạn có thể biến tình huống “tôi chống lại anh” thành “chúng ta chống lại họ, hoặc nó.” Cách để đạt được điều đó chính là sự đồng tình.
Thế còn Thomas và Charles thì sao? Một khi họ đã có thể bỏ qua được sự đề phòng lẫn nhau và thái độ gạt phăng ý kiến của người kia – những điều đã gây ra cuộc cãi nhau đầu tiên của họ – thì họ có thể có một cuộc đối thoại thực sự về những lý lẽ tán thành hay phản đối việc tăng ngân sách của hãng cho các việc công ích, và khi làm vậy, họ đã tìm ra được vô số điều có thể đồng tình. Họ đồng ý rằng việc công ích là một nghĩa vụ đạo đức mà họ cùng chia sẻ. Họ đồng ý rằng thực tế, trong quá khứ, các việc công ích đã mang lại cho hãng nhiều thương vụ. Và cuối cùng, họ đều đồng ý rằng Thomas cần phải viết một bản tham luận vững chắc và có sức thuyết phục trình bày rõ lí do anh tin rằng phần tăng ngân sách sẽ được bù lại nhờ các mối quan hệ công cộng và các thương vụ mới. Cuối cùng thì Thomas và Charles cũng có thể cộng tác với nhau ở một trong các lĩnh vực mà họ đồng tình để giúp Thomas có được thứ anh cần – lá phiếu của Charles trong cuộc họp ngân sách.
Chúng ta hãy xem tiếp một vài ví dụ về những người có khác biệt không thể hòa giải nổi vẫn tìm ra rất nhiều điều để đồng ý với nhau.
Tăng lương với Không tăng lương
Cristina muốn được tăng lương vì cô đã đạt được đến lễ kỷ niệm năm năm cô làm việc cho công ty và tin rằng cô đáng được thưởng vì đã đạt được mốc này. Peter, sếp của cô, không đồng ý. Ông giải thích rằng cô đã được tăng lương hàng năm rồi và cô đang yêu cầu một việc không có trong chính sách của công ty (mặc dù họ đã tặng cho cô chứng nhận “năm năm cống hiến” trên tường văn phòng cô rồi).
Cristina cãi rằng như thế thật không công bằng; Peter phản bác lại rằng chuyện đó hoàn toàn công bằng và nếu như ông tăng lương cho Cristina thì sẽ thành ra một tiền lệ dành cho tất cả các nhân viên khác trong công ty nhân lễ kỷ niệm năm năm, rồi mười năm hoặc mười lăm năm. Ông kiên quyết không nhượng bộ. Họ rơi vào bế tắc.
Khi nói chuyện với Cristina, tôi hỏi cô vì sao cô lại đưa ra yêu cầu theo cách đó. Cô nói rằng cô bị ức chế và cần một khoản tiền phụ thêm, và vì một người bạn của cô đã được tăng lương dựa trên thâm niên làm việc, điều này làm cô thấy mình có lí khi yêu cầu một phần thưởng dành cho công sức làm việc tận tụy. Thật đáng ngạc nhiên khi cô hầu như không biết gì về quan điểm của Peter trong việc tăng lương ngoài việc ông đánh giá sự thể hiện trong công việc của cô hàng năm và tăng lương cho cô vì cô có một bản tổng kết tốt.
Sau khi gặp ông chủ của cô và lắng nghe – thực sự lắng nghe – quan điểm của ông, Cristina hiểu được điều gì quyết định hành động của ông. Hóa ra là, triết lý của Peter là một nhân viên làm ra được nhiều lợi nhuận hơn thì công ty cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn và ông có khuynh hướng chia sẻ phần lợi nhuận tăng thêm này với những nhân viên có trách nhiệm. Đó là một triết lý định hướng hoàn toàn theo lợi nhuận, trong khi chiến lược của Cristina lại tập trung duy nhất vào việc thưởng cho lòng trung thành dài hạn. Cô nghĩ rằng Peter đã sai vì không thưởng cho lòng tận tụy nhưng cố thuyết phục ông điều ngược lại sẽ không mang lại cho cô những gì cô cần.
Khi đã lắng nghe ông, cô có thể cảm thông với cảm giác của ông (đó là nỗi lo lắng của ông về những chuyện sẽ xảy ra nếu như chấp nhận lời đề nghị của cô) và thấy rằng thực sự họ đã đồng ý được ở vài điểm để lấy đó làm chìa khóa giải quyết bế tắc. Họ đều đồng ý rằng nếu như cô được tăng lương như cô đề nghị, cô có thể bỏ công việc phụ làm bán thời gian của mình. Bớt đi những căng thẳng này và có thêm sự linh hoạt trong thời gian biểu, cả hai người đều tin tưởng rằng cô sẽ làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu như cô không bị bắt buộc phải rời công sở đều đặn vào năm giờ chiều, như hiện tại, cô có thể giúp các việc-khẩn-cấp-cuối-ngày, và nếu cần, cô có thể đến làm cả vào thứ Bảy khi có việc phát sinh phải giải quyết. Bằng việc giúp cho ông tìm ra những lí do cho riêng mình để thực hiện việc này – đó là, cô sẽ làm việc hiệu quả hơn – Cristina đã thuyết phục được Peter tăng lương như cô muốn, mặc dù cô không hề thuyết phục ông rằng ông đã sai khi không thưởng cho cô vì sự tận tụy.
Lướt sóng với Học hành
Dana yêu môn lướt sóng. Cô rất giỏi môn này. Không giỏi đến mức có thể thi đấu chuyên nghiệp nhưng đủ để thu hút ánh nhìn của mọi người khi cô thể hiện. Trong suốt năm đầu ở trường trung học, mẹ cô luôn hỏi cô muốn vào trường đại học nào. Dana không chọn trường nào cả. Kế hoạch của cô là sẽ chuyển đến sống ở Hawaii với người bạn thân nhất của mình và lướt sóng ở đó trong một hoặc hai năm. Cô có thể làm bồi bàn để kiếm sống.
Cuộc tranh luận đầu tiên của họ về chủ đề này đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc cãi cọ độc hại và hoàn toàn bế tắc. Mẹ của Dana nói rằng nếu như cô không đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô sẽ không bao giờ đi được. Dana nói rằng chắc chắn một ngày nào đó cô sẽ đi học, nhưng không phải lúc này. Mẹ cô, dù sao, vẫn không an tâm, và họ tiếp tục bế tắc trong chuyện này hơn một năm sau đó. Hết lần này đến lần khác, cứ mỗi lần mẹ cô cố gắng bẻ cong ý chí của Dana thì giữa họ lại xảy ra những cuộc đụng độ nhỏ, nhưng Dana đã quyết tâm rồi. Dường như giữa họ không có điểm chung nào để đồng ý với nhau được.
Sau khi học về LEAP, mẹ của Dana quay lại với nỗ lực ép buộc con gái mình đi học đại học và bắt đầu lắng nghe cũng như gây dựng lại lòng tin tưởng đã bị xói mòn ít nhiều trong những lần đối đầu. Bà học được rằng thực tế, có rất nhiều điều họ có thể đồng ý với nhau. Bằng cách gạt sang một bên điều bà nghĩ là mình muốn – lời hứa của Dana rằng cô sẽ đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông – bà đã giúp cô hạ bớt sự đề phòng và cởi mở hơn. Người mẹ hiểu ra rằng con gái bà được tiếp thu rất nhiều giá trị của tấm bằng đại học mà bà có. Trong thời gian trưởng thành, Dana đã nghe rất nhiều câu chuyện của mẹ và đã bị thuyết phục rằng một tấm bằng đại học, thực tế, là vô cùng có ích. Cô cũng tin rằng, vì những trải nghiệm của mẹ cô quá tích cực nên đại học là “thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời.” Khi nói về chủ đề này, Dana thừa nhận rằng cô thực sự muốn coi đại học như một mục tiêu để hướng tới – nhưng phải sau khi cô đã thực hiện kỳ nghỉ lướt sóng của mình. Học kỳ cuối cùng ở trường trung học, hai mẹ con đã cùng nhau đi thăm bốn trường. Người mẹ có vẻ thích mê đi.
Những gì bà thực sự cần, nhiều hơn là điều bà nghĩ mình muốn, là cảm thấy bà đã làm đúng trách nhiệm của một người mẹ. Việc nói chuyện cùng con gái, với cơn nóng giận đã được hạ hỏa, hé lộ rằng bà thực sự đã làm được điều đó. Cuộc tham quan qua các trường giúp bà bớt lo lắng về thỏa thuận của Dana trong chuyện học hành. Dana là một cô gái trẻ thông minh, hiểu biết và tự tin. Người mẹ cảm thấy bà đã trao cho con gái mình những kỹ năng sống cũng như giá trị quan trọng nhất, và thực ra bây giờ cô gái hoàn toàn có thể tự tin đi học. Khi – không phải là nếu như – cô sẵn sàng.
Gia đình với Gia đình
Frank, bố của Mike từ chối đến dự đám cưới của anh. Họ đã tranh cãi nhiều lần về chuyện này nhưng vẫn lâm vào ngõ cụt. Theo cách nhìn nhận của Mike thì cha anh, một tín đồ Thiên Chúa Giáo nghiêm khắc về các giá trị cần bảo tồn, đang cố buộc anh phải lựa chọn giữa gia đình mà anh đang cố gắng tạo dựng với gia đình nơi anh được sinh ra. Vợ chưa cưới của Mike, cũng theo đạo Thiên Chúa, đã li dị và nhà thờ từ chối bãi bỏ đám cưới đó của cô. Frank nói rằng ông sẽ không dám làm chứng cho lời thề nguyền hôn nhân không được ban phước của nhà thờ. Không may cho cả hai người, lần đầu tiên nói chuyện về vấn đề này, nền tảng chung hai người thực sự chia sẻ đã bị che khuất ngay lập tức bởi một đám mây dày đặc khí độc.
Những gì xảy ra là vài tháng trước ngày trọng đại của Mike, anh nghe lại được từ mẹ rằng cha anh “có thể không” đến dự đám cưới. Bà không chịu giải thích và bảo Mike đi nói chuyện với cha anh về việc đó. Đầy ngờ vực và giận dữ, Mike đi tìm Frank. “Mẹ nói với con là hai người có thể sẽ không dự đám cưới của con?!”
“Đáng lẽ bà ấy không nên nói với con chuyện này.”
“Sao lại không? Mẹ nói sai gì ạ?”
“Có. Có thể không. Bố mẹ sẽ không đến đám cưới. Ít nhất là bố sẽ không đi, bố không thể nói thay cho mẹ được.”
“Bố đang đùa con phải không?”
“Không, bố hoàn toàn nghiêm túc. Vì con cần phải có một đám cưới thực sự trước Chúa và nhà thờ. Con phải cưới trước một cha xứ. Con hiểu bố cảm thấy thế nào về chuyện này mà.”
“Nhưng chúng con đã cố gắng và nhà thờ vẫn không chấp nhận.”
“Chúa luôn có cách làm mà chúng ta không đoán được.”
Với những lời này thì Mike nổi khùng thực sự. Cuộc tranh luận trở nên gay gắt và kết cục là hai người cùng lớn tiếng, Mike gọi cha cậu là một kẻ đạo đức giả. Tệ hơn, anh còn đưa ra tối hậu thư rằng: “Nếu bố không đến dự đám cưới, con sẽ không bao giờ đặt chân vào ngôi nhà này nữa.”
“Con cứ làm những gì con thấy cần,” Frank trả đũa.
“Nếu bố không đến, con sẽ không bao giờ nói chuyện với bố nữa!” Mike hét lớn thách thức trước khi quay lưng và ào ra khỏi phòng.
Frank tẩy chay đám cưới, và, bất chấp những nỗ lực tích cực nhất của mẹ và anh em trong nhà để hàn gắn sứt mẻ, Mike đã giữ lời hứa. Trong hai năm, anh chỉ tham gia vào các việc gia đình khi nó được tổ chức ở địa điểm trung gian, và ngay cả ở những buổi như thế, anh cũng không chào hỏi gì bố của mình. Frank chịu đựng chuyện này và tuyên bố ông tôn trọng quyết định của Mike.
Bế tắc cứ tiếp tục cho đến khi Mike và vợ của mình có đứa con đầu tiên, một bé trai. Mặc dù bề ngoài tỏ ra cứng rắn, nhưng thật ra Frank rất nhớ Mike, và sự ra đời của đứa cháu đầu tiên chính là một động lực để ông cần phải cố gắng phá bỏ bế tắc này. Ông viết một lá thư đề nghị Mike cho ông đến nói chuyện. Con trai ông đã động lòng.
Nếu như Frank đến gặp để thể hiện sự đúng đắn của ông trong việc tẩy chay đám cưới ngày xưa, “sứ mệnh hòa bình” của ông chắc chắn đã thất bại. Nhưng lần này, Frank chuẩn bị để lắng nghe và thấu hiểu. Ông đã có thể thông cảm với cơn giận của con trai và đến lượt mình nói, ông hỏi liệu ông có thể liệt kê những điều ông đồng ý với anh được không, “Chúng ta đều thống nhất rằng điều này thật tệ cho gia đình mình. Nếu sự chia rẽ này còn tiếp tục thì sẽ ảnh hưởng xấu đến con trai con. Cả con và bố đều không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể kiểm soát những việc sau này. Đồng ý không?”
“Vâng,” Mike trả lời.
“Con không nói nhưng bố tự hỏi con có nhớ bố không. Bố biết là bố nhớ con. Bố nhớ việc được là một phần trong cuộc sống của con.”
“Con thực sự rất nhớ bố, nhưng điều đó không làm cho những gì bố đã làm trở thành một việc đúng đắn.”
“Bố xin lỗi vì những gì bố đã làm. Thành thật xin lỗi. Và bố cũng vui hơn nếu có thể xin lỗi vợ con.”
“Vậy là bố thừa nhận bố đã sai?”
Frank nổi giận nhưng nhớ rằng cần phải nghĩ đến bức tranh lớn là những gì ông cần – xây dựng lại mối quan hệ với con trai – nên ông dùng đến công cụ trì hoãn, vì ông vẫn tin rằng những gì ông làm là hoàn toàn phù hợp với đạo đức. Ông nói, “Chúng ta sẽ nói về chuyện này sau nếu con vẫn khăng khăng muốn biết. Bây giờ, bố chỉ muốn tập trung vào điều chúng ta đang nói. Thế được không, Mike?”
“Con nghĩ là được.”
“Vậy là chúng ta đều nhớ nhau. Chúng ta đều cảm thấy chuyện này thật tệ với gia đình, với vợ con, với mẹ con, và giờ là con trai con. Bố muốn con tha lỗi.”
Cuối cùng, Mike đã thực sự tha thứ cho bố anh, mặc dù sự thật là Frank chưa bao giờ nói ông đã sai vì đã tẩy chay đám cưới. Nhưng nhờ sử dụng thành thạo công cụ trì hoãn, Frank đã có thể tránh những điều đem lại bế tắc mới – chính là bế tắc “Bố đúng, con sai” – để tập trung vào những điều thực sự quan trọng, đó là mối quan hệ của hai bố con.
Bất kể cảm giác của bạn thế nào về quyết định của Frank thì thực tế, ông ấy là một con chiên rất ngoan đạo. Mặc dù điều này làm cõi lòng ông tan nát nhưng ông vẫn tin rằng mình đã hành động đúng. Theo những gì tôi được biết, ông chưa bao giờ dao động trong việc này.
Nhưng ông cũng chưa bao giờ nói rằng ông tẩy chay mối quan hệ giữa Mike và vợ anh, ông chỉ tẩy chay đám cưới thôi. Sự thật là, ông đã rất đau khổ về những gì đức tin dẫn dắt ông. Ông đã cầu nguyện về chuyện này và tìm cách thoát ra khỏi tình trạng khó xử của mình. Lời xin lỗi của ông là dành cho nỗi đau mà ông đã gây ra. Ông thực sự hối tiếc vì điều đó, nhưng ông chỉ có thể đưa ra lời xin lỗi hiệu quả sau khi đã ngừng cố gắng bảo vệ mình. Lúc đó, Mike cũng đã sẵn lòng chấp nhận lời xin lỗi của bố anh vì họ cùng đứng chung trên một mảnh đất.
Mảnh đất chung
Quan trọng không kém những điểm cụ thể mà bạn tìm ra để cùng thống nhất – nơi bạn tìm ra mảnh đất chung – chính là cách bạn đạt được những điểm đó. Bằng cách sử dụng LEAP, bạn tôn trọng cách nhìn nhận của người kia, thể hiện rằng mình cũng có thể sai lầm và cùng nhau tìm một giải pháp cho bế tắc đang gặp phải. Bằng việc làm tất cả những điều này, bạn đã tạo ra một cơ sở lòng tin mạnh mẽ – mảnh đất chung – mà từ đó bạn có thể xây dựng mối quan hệ cộng tác. Lúc này, bạn và đối thủ đã cùng trong một đội, và mảnh đất chung mà hai người đang đứng sẽ là sân chơi của bạn. Bây giờ, hai người có một đối thủ mới – có thể gọi là “vấn đề” mà hai người đang cùng nhau xác định (chi trả cho các việc công ích như thế nào, làm sao để có thời gian nói chuyện với bạn bè, làm sao để quyết định tăng lương,…). Và như một cầu thủ ném bóng đang tìm dấu hiệu từ người bắt bóng, bạn sẽ cùng nhau quyết định đường bóng tiếp theo nên như thế nào.
Đồng ý khi bạn không chấp nhận
Hỏi nhanh. Công cụ ba chữ A là gì? Trả lời: Xin lỗi (apologize) (vì những cảm giác người kia có thể có về suy nghĩ của bạn), thừa nhận (acknowledge) bạn có thể sai (không ai, không phải chỉ có bạn và tôi, là không thể sai lầm), và đồng ý (agree) (đồng ý về những bất đồng trong vấn đề này).
Bạn còn nhớ chữ A thứ hai, thừa nhận bạn có thể sai, chứ? Ngoài việc sử dụng nó bất cứ lúc nào bạn đưa ra một ý kiến trái ngược, bạn có thể dùng nó để thuyết phục người đồng đội mới của mình cộng tác với bạn để đạt được thậm chí là những mục đích mà có thể bạn không hoàn toàn đồng ý. Sau đây là một ví dụ khác từ một thuyết khách vĩ đại nhất mọi thời đại mà tôi vô cùng ái mộ, Ben Franklin. Hiến Pháp năm 1787 đang lâm vào một ngõ cụt. Các đại biểu không thể đồng ý với vấn đề được đưa ra, và Franklin đã được cả những người cùng thời lẫn những lịch sử gia thừa nhận là người đã đưa ra chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề. Đến cuối cuộc bàn cãi, Franklin soạn ra một bài phát biểu đề nghị thỏa hiệp. Nó được đọc bởi một đại biểu khác bởi vì lúc đó, ở tuổi 82, Franklin không đủ sức để tự đọc nó nữa. Trong bài phát biểu, ông đề nghị các đại biểu “tham vấn, chứ không tranh chấp,” và nhận xét về khả năng sai lầm của chính ông: “Tôi thừa nhận là tôi không hoàn toàn [đồng ý với tất cả các điều khoản] trong Hiến pháp lúc này; nhưng, thưa các ngài, tôi không chắc là tôi sẽ không bao giờ [đồng ý với chúng]; vì, đã sống rất lâu rồi, tôi đã có kinh nghiệm về những lần mà bởi vì có các thông tin tốt hơn hoặc cân nhắc đầy đủ hơn, tôi buộc phải thay đổi ý kiến trong cả những vấn đề quan trọng mà tôi đã từng nghĩ là đúng, nhưng hóa ra lại không phải thế.” Nói một cách khác, Franklin đã nói, “tôi cũng có thể sai,” vậy nên tôi sẵn lòng cộng tác với những người còn lại mặc dù chúng ta không hoàn toàn nhất trí về mọi chuyện. Bằng cách nói điều này, ông đã khiến các đại biểu cân nhắc về khả năng sai lầm của chính mình và từ đó gợi ý ra cách để họ cộng tác cùng với ông.
Franklin kết thúc bài phát biểu của mình rằng, “Về tổng thể, thưa các ngài, tôi không thể không mong ước rằng mọi thành viên trong hội nghị, những người vẫn còn chống lại nó, có thể, cùng với tôi, nhân dịp này, nghi ngờ một chút về khả năng sai lầm của chính họ, và để thể hiện sự nhất trí hoàn toàn của chúng ta, ghi tên họ vào tài liệu chính thức này.”
Tôi cũng chỉ có thể mong ước một điều tương tự từ bạn – rằng nếu bạn thấy thật khó cộng tác với một ai đó vì những điểm bất đồng giữa hai người còn quá quan trọng, thì tuy nhiên, bạn vẫn có thể cùng nhau tiến về phía trước, bởi vì thực tế, các bạn thực sự có những phạm trù đồng tình với nhau (trừ khi cả hai người đều không thể sai lầm). Nếu có thể làm vậy thì không có bế tắc nào là không thể vượt qua.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.