Tôi Đúng, Bạn Sai - Giờ Thì Sao?

LỜI GIỚI THIỆU



Tôi thi trượt.

Tôi biết là sẽ trượt vì tôi đã tê liệt ngay từ lúc đọc câu hỏi đầu tiên. Mắt tôi hoa lên, phòng học tối om, chiếc bút chì run bắn lên trực tuột ra khỏi những ngón tay mướt mồ hôi của tôi và tất cả câu hỏi như biến thành chữ tượng hình. Ngay khoảnh khắc kinh hoàng đó, tôi biết là tôi sẽ trượt bài thi cuối cùng của môn Thống kê – hay tôi còn gọi là môn “thống khổ” này. Số phận tôi đã được quyết định, đáng lẽ tôi phải rời khỏi phòng thi ngay lúc đó. Lý do duy nhất khiến tôi không làm vậy là vì người trông thi lại là thầy David, thầy trợ giảng và cũng là gia sư môn Thống kê của tôi từ hai năm nay, thầy đã tin tưởng tôi, và điểm số khá cao mà tôi đạt được tính đến lúc đó chứng minh rằng ông đã đúng.

“Tôi có tin xấu đây”, hai tuần sau, David nói khi thấy tôi trong phòng khám của Đại học New York nơi chúng tôi đến khám cho các bệnh nhân. “Vào phòng hội chẩn nào đó đi rồi chúng ta nói chuyện.”

Tôi suýt nữa thì phì cười vì lựa chọn nơi hẹn của ông để thông báo một tin xấu nhưng tôi đã kịp nén lại. Thay vào đó, tôi nói: “Em biết rồi. Em đã trượt bài thi cuối cùng.”

“Tôi thật sự ngạc nhiên”, ông nói ân cần. “Cậu hiểu mọi vấn đề mà. Đã có chuyện gì vậy?”

“Em bị hoảng loạn. Đầu óc em hoàn toàn tê liệt.”

David khuyên tôi nên gọi cho giáo sư Cohen, giải thích mọi chuyện đã xảy ra và xin thi lại. Thậm chí ông còn gọi trước cho giáo sư Cohen và nói đỡ cho tôi nên tôi nhấc máy lên với một tia hi vọng le lói.

“Xin chào,” một giọng nam trầm cất lên cộc lốc.

“Giáo sư Cohen, em là Xavier Amador. Em nghĩ là thầy David đã nói với thầy là em sẽ gọi” tôi nói nhanh, hơi thở ngắt quãng vì lý do nào đó.

“Có, ông ấy có nói, nhưng tôi không biết có thể giúp gì được cho cậu. Tôi chưa bao giờ đồng ý cho sinh viên nào thi lại bài thi cuối. Việc đó chưa từng xảy ra.”

“Em có thể giải thích cho thầy mọi chuyện trước khi thầy đưa ra quyết định cuối cùng được không ạ?”

“David kể cho tôi rồi”, giáo sư nói với vẻ thiếu kiên nhẫn, “nhưng nếu cậu nhất định phải nói thì cứ kể lại”. Tôi nhắc lại với ông về điểm kiểm tra những bài trước của tôi và kể cho ông vấn đề nho nhỏ của mình – nhưng giờ đã thành chuyện lớn – về nỗi sợ với môn toán. Ông là một nhà tâm lý học, nên tôi hi vọng lời thú nhận của tôi có thể gợi lên chút đồng cảm. Rồi tôi đưa ra những luận điểm mạnh mẽ nhất của mình để xin được thi lại.

“Nếu em trượt môn của thầy, em sẽ phải đóng tiền học lại và chờ một năm nữa mới nhận được bằng tiến sỹ. Em đã qua hết các bài thi khác trong hai năm nay rồi.”

“Xin lỗi cậu, nhưng tôi không thể đặt ra một tiền lệ được. Nếu tôi cho cậu thi lại, tôi sẽ phải làm thế với tất cả mọi người.”

“Nhưng em sẽ bị đình lại một năm! Em đã nhận được lời mời cộng tác từ Đại học Columbia và em phải đến đó ngay,” tôi nài nỉ, giọng vỡ ra.

“Không phải là tôi không thông cảm nhưng như thế sẽ trở thành một tiền lệ, tôi không thể làm thế được.”

“Thầy có thể mà. Thầy có toàn quyền quyết định!”

“Không, tôi không thể.”

“Nhưng em chắc chắn là thầy có thể. Em đã kiểm tra với…”

“Tôi phải đi bây giờ,” giáo sư ngắt lời tôi. “Xin lỗi cậu. Chúc cậu may mắn”. Ông dập máy và cuộc gọi của tôi lâm vào ngõ cụt. Ông sẽ báo điểm bài cuối cùng trong hai tuần nữa và số phận của tôi sẽ được định đoạt, trừ khi, tôi nghĩ, tôi có thể thuyết phục được ông rằng tôi đã đúng còn ông đã sai. Như bạn sẽ thấy, tôi đã không thực sự chứng minh cho ông thấy rằng ông sai, nhưng tôi đã thuyết phục được ông cho tôi thi lại.

Bất kể là vấn đề lớn hay nhỏ thì đây cũng là những điều chúng ta gặp phải hàng ngày. Ta biết rằng ta đúng còn người khác sai. Vấn đề ở chỗ người kia cũng nghĩ rằng họ đúng còn ta mới là người quá ngoan cố không chịu thừa nhận. Ta đụng phải những ngõ cụt này ngay ở nhà, trong công sở, trường học và ở bất kỳ đâu. Đặc điểm và phạm vi của mỗi tình huống có thể thay đổi nhưng động lực cơ bản đều như nhau. Vậy đến giờ ta đã làm gì để có thể khiến người tranh luận cùng nhìn nhận mọi việc theo cách của ta? Tranh luận một cách lý trí? Cố gắng để mỗi người nhận rõ lỗi lầm của mình? Giận dỗi? La hét? Đe dọa? Có ích gì không? Ta có được điều mình muốn không? Và quan trọng hơn – ta có được điều ta thực sự cần không?

Nếu bạn chỉ tập trung vào việc ngay trước mắt là cố ép đối phương nói: “Anh đúng, tôi sai”, điều mà hầu hết chúng ta mong muốn trong suốt cuộc chiến nảy lửa đó, tôi mạo muội đoán rằng 9 trong 10 lần thực hiện bạn không đạt được điều bạn cần, và lần bạn thắng thường phải trả giá bằng chính mối quan hệ đó của mình.

Trừ khi bạn bắt đầu làm một điều gì đó khác đi và tập trung chủ yếu vào những gì bạn thực sự cần – khiến người kia thực hiện điều bạn muốn họ làm – nếu không, những kết quả đó sẽ vẫn chỉ như vậy thôi.

Bạn có thể gặp phải những vấn đề quan trọng như việc con bạn có bỏ học đại học không, cha mẹ đã luống tuổi của bạn có vào nhà dưỡng lão không hay bạn và cộng sự của mình có bán được hợp đồng hay không? Đó cũng có thể là một trong vô số những bế tắc bạn gặp phải hàng ngày khi đang cố gắng dàn xếp những vấn đề nhỏ hơn, như bạn có nên hứa với vợ là sẽ đưa cả nhà ra biển cuối tuần tới khi anh bạn thân lại rủ đi chơi golf, hoặc liệu hãng bảo hiểm sức khỏe có trả chi phí cho đợt kiểm tra sức khỏe như bác sỹ khuyên bạn không.

Tất cả những điều bất đồng này đều có một điểm chung – có thể bạn chưa biết – đó là bạn phải tạo ra được một mối quan hệ tích cực với người kia để đạt được điều bạn cần. Bạn phải biến đối phương trong cuộc tranh luận thành người cộng tác với mình. Bất kể đó là ai, đồng nghiệp, khách hàng, con cái hay vợ/chồng. Bạn có thể sẽ mất năm phút hoặc năm ngày, hoặc thậm chí cả quãng đời còn lại của bạn, nhưng ngay lúc đó bạn cần người ấy hợp tác cùng bạn thay vì chống lại bạn. Để làm được điều này, bạn phải thể hiện được sự hứng thú chân thành của mình với viễn cảnh và nhu cầu của người kia. Trong rất nhiều các cuộc hội thảo về cách phá vỡ bế tắc, tôi luôn luôn hỏi rằng, “Tại sao họ lại muốn nghe anh trong khi họ cảm thấy rằng anh chẳng hề lắng nghe họ? Ăn miếng trả miếng thôi.” Nhân tố tâm lý quan trọng này – hòn đá nền tảng của phương pháp phá vỡ bế tắc – không còn mới mẻ nữa. Hơn hai nghìn năm trước, nhà thơ La Mã Publilius Syrus đã nói: “Ta thích người khi người thích ta”. Những nhà tâm lý học nghiên cứu trong lĩnh vực giải quyết mâu thuẫn của hôn nhân và gia đình đã viết về nhân tố cơ bản này từ hàng thập kỷ nay. Dale Carnegie, tác giả bảy mươi tuổi của cuốn sách bán chạy nhất Làm cách nào để có được bạn bè và ảnh hưởng đến người khác, đã viết, “Các triết gia đã nghiền ngẫm những quy luật trong mối quan hệ giữa con người với nhau từ hàng ngàn năm nay, và có duy nhất một nhận thức quan trọng được đúc kết từ những suy ngẫm đó. Điều đó không hề mới mẻ gì nữa. Nó cổ xưa như lịch sử. Hai nghìn năm trăm năm trước, Zoroaster đã dạy nó cho các học trò của mình ở Ba Tư. Mười chín thế kỷ trước, Jesus cũng dạy nó cho các tông đồ của mình trên các đỉnh đồi đá của Judea. Jesus đã gói gọn nó lại trong một ý tưởng – có lẽ là quy luật quan trọng nhất thế giới: ‘Hãy cư xử với người khác như cách mà bạn muốn người khác cư xử với bạn.’”

Ta thích người khi người thích ta

Gần hơn, các tác giả của Để thành công trong đàm phán, 7 thói quen của người thành đạt, Từ Tốt đến Vĩ đại, Làm cách nào để tranh luận và luôn chiến thắng, cùng rất nhiều những quan sát của người trong cuộc về các mối quan hệ giữa con người với con người đều nhấn mạnh nhân tố cơ bản này trong quá trình thuyết phục. Nhưng bất chấp sự tồn tại lâu đời cũng như sự phổ biến trong thời hiện đại của chân lý đơn giản và logic này, ta vẫn bỏ qua nó khi bị lôi kéo vào tình huống “Tôi đúng, bạn sai” và kết thúc tơi tả như con cá mắc vào chỗ cạn. Hiển nhiên là nếu chúng ta cố gắng đủ mức (nói to hơn hoặc nhắc lại vị trí của ta một lần nữa), chúng ta sẽ chiến thắng. Đôi khi, chúng ta vẫn chiến thắng khi lái được người khác theo ý chí của mình, nhưng không phải là không có thiệt hại gì.

Các mối quan hệ là chìa khóa của mọi vấn đề

Dù trong gia đình hay ở nơi làm việc, khi các mối quan hệ bị phá vỡ – khi lòng tin biến mất và cơn giận đang sôi sục – thì những chuyện không hay sẽ xảy ra. Những mối quan hệ lành mạnh giữa đồng nghiệp với nhau, giữa người cung cấp và khách hàng là trung tâm của việc kinh doanh. Không có những mối quan hệ ấy, không có thương vụ nào có thể tồn tại và không có lợi nhuận. Hơn nữa, dù có tin hay không, thì có một sự thật là giữ gìn sự lành mạnh tích cực trong các mối quan hệ có thể giúp bạn sống lâu hơn. Kết quả một cuộc nghiên cứu 3.862 cặp vợ chồng, được xuất bản trên tờ Y học, đã chỉ ra rằng những phụ nữ luôn nhường nhịn hoặc chịu thua trong các cuộc tranh cãi với chồng có nguy cơ chết yểu gấp 4 lần những phụ nữ tranh luận hiệu quả. Những phụ nữ này cũng có nguy cơ cao sẽ bị trầm cảm và hội chứng rối loạn tiêu hóa. Tác giả của bài nghiên cứu này đã kết luận rằng những cuộc tranh luận tích cực rất tốt cho sức khỏe và giúp tăng cường tuổi thọ. Tôi tuyệt đối đồng ý.

Một trong những ký ức sống động của tôi về sự thất bại – cũng như tính phù phiếm – khi cố gắng tranh luận với ai đó lúc tôi biết rằng mình đúng và người kia sai đã diễn ra hai mươi năm trước. Đó cũng là một điều hổ thẹn gợi tôi nhớ về việc tôi đã cố tình giả điếc như thế nào trước những điều đáng lẽ tôi cần phải nghe. Em trai Henry của tôi vừa về nhà sau đợt điều trị trầm cảm đầu tiên vì một căn bệnh tâm lý nghiêm trọng. Thuốc đã đưa cậu ấy về với thực tế, nhưng trong ngày đầu tiên về nhà, tôi phát hiện ra cậu đã quẳng hết các lọ thuốc vào thùng rác. Rất tự nhiên, tôi hỏi cậu vì sao lại vứt chúng đi. Cuộc đối thoại đã diễn ra đại loại như thế này.

“Giờ em khỏe rồi,” cậu ấy giải thích. “Em không cần đến những viên thuốc đó nữa.”

Ở bệnh viện người ta bảo cậu hoàn toàn ngược lại nên tôi nhắc cậu: “Nhưng bác sĩ bảo em là sau này có thể em vẫn cần dùng thuốc. Em không thể ngừng uống thuốc được.”

“Ông ta không nói thế.”

“Có, ông ấy nói thế. Anh đã ở đó trong cuộc gặp mặt với gia đình, em nhớ chứ?”

“Không, ông ấy nói rằng em chỉ cần uống thuốc khi còn ở trong viện.”

“Vậy họ đưa em những lọ thuốc đó mang về nhà làm gì?”

“Chỉ là đề phòng nhỡ em ốm lại thôi. Giờ em khỏe rồi.”

“Thật nực cười! Đó không phải là những điều ông ấy nói.”

“Có, đúng thế đấy.”

“Sao em ngoan cố vậy nhỉ? Em biết là anh đúng mà.”

“Đây không phải việc của anh.”

“Nếu em ốm thì đó sẽ là việc của anh. Hơn nữa, anh rất lo cho em.”

“Em không muốn nói đến chuyện này nữa. Để em yên.”

Nói xong cậu ấy bỏ đi. Và thật không may, tôi đã đúng. Hai tháng sau, bệnh của cậu tái phát và cậu phải trở lại bệnh viện. Ai cũng có thể thấy (dù lúc đó tôi đã không nhận ra), lý luận “Tôi đúng, bạn sai” của tôi áp dụng cho bất đồng lần đó không đi đến đâu cả. Tất cả những gì nó làm được là thổi bùng lên một cuộc cãi vã, làm cả hai chúng tôi giận dữ và lún sâu vào gót giày của mình hơn. Em tôi không nghe tôi. Và sao cậu ấy lại phải làm thế trong khi tôi cũng không hề lắng nghe cậu ấy? Tôi quá bận rộn với việc nhấn mạnh sự đúng đắn trong ý kiến của mình. Tuy nhiên, tệ hơn thế, “Tôi đúng, bạn sai” đã phá hủy sự tin cậy và mối quan hệ giữa hai chúng tôi. Tôi chẳng bao giờ có được điều mình cần khi không có được một mối quan hệ tin cậy.

Sau cuộc cãi vã đầu tiên đó – với sự bế tắc có thể lường trước – tôi lại không đột nhiên nhớ ra lời khuyên sáng suốt mình trích dẫn trên kia để làm dịu mối quan hệ giữa anh em tôi. Thay vào đó, tôi cứ mắc đi mắc lại sai lầm đó mãi cho đến khi mối quan hệ của chúng tôi giống như một con cá đang quẫy đạp những phút cuối cùng trong hố đất nó mắc cạn. Kiểu như cứ mỗi lần cố nói chuyện về đề tài này thì nó đều kết thúc theo kiểu tương tự hoặc tệ hơn nữa. Cậu trở nên nghi ngờ những động lực của tôi và tôi càng chắc chắn hơn rằng cậu ấy thật cứng đầu và bồng bột. Chúng tôi đã từng rất thân thiết và có thể nói với nhau mọi chuyện, nhưng giờ chúng tôi như hai con bò húc nhau mỗi khi cố gắng dành thời gian bên nhau vì một người hoặc cả hai đều luôn cố đề cập đến vấn đề thuốc thang đó. Đúng như dự đoán, chúng tôi xa nhau dần và tìm cách né mặt nhau. Ngõ cụt này duy trì đến gần 5 năm. Mọi chuyện thay đổi khi tôi tình cờ gặp những kỹ năng mà tôi sẽ chia sẻ với các bạn trong cuốn sách này. Với những công cụ này, tôi có thể biến mối quan hệ đối đầu giữa chúng tôi trở thành mối quan hệ cộng tác gần gũi một lần nữa, đủ làm đòn bẩy tôi cần để thuyết phục cậu uống thuốc.

Ngoài những thành công ban đầu này, tôi vẫn chưa thể đạt được kết quả như mong đợi trong các vấn đề khác – những bế tắc tôi gặp phải trong công việc cũng như trong cuộc sống riêng – bởi tôi chưa có được một chỉ dẫn dễ nhớ, một bản đồ hướng dẫn đường đi nước bước mà tôi có thể tin tưởng. Tôi biết các kỹ năng nhưng không phải lúc nào tôi cũng biết áp dụng chúng một cách hệ thống. Tôi phải mất đến hơn mười năm mới nghĩ ra được phương pháp giải quyết mọi bế tắc, một bản đồ chỉ dẫn đường đi nước bước cho gần như mọi bất đồng – thực sự tồn tại trong các mối quan hệ giữa con người với con người – đó là Lắng nghe – Đồng cảm – Đồng ý – Phối hợp, hay LEAP (Listen – Empathy – Agree – Partner).

Nghe có vẻ đối lập nhưng thực ra không phải thế. Nếu bạn giống với đa số mọi người, những lúc bạn mắc bẫy hoặc lâm vào ngõ cụt bạn sẽ không biết mình cần gì. Bất cứ khi nào chúng ta tập trung chú ý vào một vấn đề hẹp là ai đúng ai sai, chúng ta đã mất đi cái nhìn toàn cảnh của một bức tranh lớn hơn: Cụ thể chúng ta muốn người khác thực hiện điều gì, sự lành mạnh của mối quan hệ, những mục tiêu dài hạn và tương tự thế. Một khi bạn đã hiểu làm thế nào để LEAP, bạn sẽ có khả năng đập tan mọi ngõ cụt và thuyết phục mọi người giúp đỡ bạn đạt được điều bạn thực sự cần. Và, điều quan trọng hơn cả là bạn sẽ làm việc đó mà không trở thành nạn nhân của một cơn giận dữ hoặc thất vọng tiêu cực vốn là nguyên nhân chính phá hủy mối quan hệ của bạn.

Dù đối phương của bạn không phải là một người bạn thân, không phải người yêu hay một thành viên trong gia đình thì mối quan hệ giữa bạn với người đó vẫn quan trọng đối với bạn. Nếu không phải vậy thì bạn đã không coi trọng việc tranh cãi với họ vì bạn luôn sẵn lòng và có thể bỏ đi. Thực tế là có một số cuộc cãi vã về những điều không quan trọng, nhưng ở thời điểm bạn đang tranh luận ấy, bạn không cảm thấy vậy vì thông thường những vấn đề bề nổi lại ẩn chứa trong nó một cuộc tranh luận thực sự. Bạn chỉ có thể đóng vai “ai quan tâm điều anh nghĩ chứ” với một người khác nếu bạn không quan tâm đến họ, không quan tâm xem liệu người đó có để ý đến bạn hay không hoặc không cần bất kỳ điều gì từ người này.

Vậy nên những điều tôi sắp nói với bạn ở đây chủ yếu là giúp bạn duy trì các mối quan hệ và tạo nên những liên minh để bạn đạt được những gì bạn cần. Thực ra, một trong những điều tôi sẽ giải thích là vì sao trước tiên bạn phải giữ gìn các mối quan hệ chứ không phải là đạt được những gì bạn cần. Đó là lý do vì sao LEAP không đơn thuần chỉ là một phương pháp giải quyết mâu thuẫn. Nó là tổng thể những nguyên tắc tâm lý cơ bản và kỹ năng cụ thể đã được nghiên cứu cẩn thận giúp bạn trở nên hoàn thiện hơn trong mọi mối quan hệ.

LEAP còn rất mới, nhưng nó dựa trên những gì đã có từ trước – từ triết học truyền thống, từ khoa học tâm lý và từ những hiểu biết chung. Đó là một phương pháp dễ nhớ và dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Giống như một giai điệu dễ nắm bắt và khó quên, khi bạn đã học được LEAP, bạn sẽ thấy bạn có thể sử dụng nó bất cứ khi nào bạn cần.

Vai trò của bạn ở đây

Tôi đã sử dụng phương pháp này cho chính bản thân mình và dạy nó lại cho rất nhiều người trong các buổi hội thảo của tôi suốt những năm qua. Tác dụng của nó không chỉ dựa trên lý luận khoa học mà đã được thực tế chứng minh. Nó sẽ hiệu quả với bạn như đã hiệu quả với hàng nghìn người khác nếu như bạn luyện tập nó với sự chân thành, thẳng thắn và thực sự mong muốn tiến về phía trước thay vì tắc trong ngõ cụt. Từ khóa ở đây là “luyện tập.”

Luyện tập là điều thiết yếu. Vậy nên mỗi khi bạn đọc xong một chương, hãy thử áp dụng những gì bạn đã học được ngay khi có cơ hội. Bạn hãy đọc quyển sách này với một chiếc bút nhớ dòng trong tay và đọc đi đọc lại những phần mà bạn đã đánh dấu. Hoặc nếu bạn không có thói quen dùng bút nhớ dòng thì hãy gấp mép những trang bạn chắc chắn muốn nhớ. Hãy chắc chắn là bạn đã đánh dấu những trang cần thiết để có thể dễ dàng tìm lại khi bạn cần đến. Khi đã đọc xong quyển sách này, hãy đọc lại những trang bạn đã gấp mép. Và dành năm phút để giở ra và đọc lại những dòng chữ được đóng khung cũng như những danh sách bạn thấy ở những trang tiếp theo đây.

Việc này giống như cách bạn học một bài hát lần đầu tiên. Bạn không học toàn bộ bài hát ngay lần đầu tiên nghe nó. Bạn phải nhẩm đi nhẩm lại đến khi nhớ được toàn bộ ca từ và giai điệu. Nhưng khi nó đã nằm trong đầu bạn thì sẽ không bao giờ bạn có thể quên được.

Vậy điều gì đã xảy ra với bài kiểm tra môn Thống kê của tôi? Tôi về nhà sau cuộc đối thoại kinh hoàng đó, bình tĩnh lại và cân nhắc các lựa chọn. Sáng hôm sau, tôi gọi cho giáo sư lần nữa, chỉ đến lần này tôi mới chuyên tâm vào việc hiểu và đề cao quan điểm của ông hơn là thuyết phục ông với những lý lẽ của mình. Tôi muốn hạ thấp sự phòng thủ của ông và tìm kiếm điều ông ấy thực sự cần thay vì cho tôi những gì tôi cần.

“Xin lỗi thầy, em lại gọi lại,” tôi nói khi ông nhấc máy. “Em chỉ muốn hiểu hơn về vị trí của thầy. Thầy có phiền không ạ nếu em hỏi một vài câu?”

“Vị trí của tôi vẫn vậy,” ông nói vẻ đề phòng. “Tôi sẽ không nói qua nói lại chuyện này nữa.”

“Em hiểu thưa thầy, em hứa là em sẽ không tranh cãi với thầy ạ. Em xin lỗi nếu hôm qua em đã quá lời một chút.”

“Tôi đã nói rồi đấy, tôi rất tiếc cho tình huống của cậu,” ông nói, giọng nhẹ hơn và dùng lời xin lỗi để đáp lại tôi. “Tôi có thể hiểu vì sao cậu thấy cần phải làm việc này. Vậy cậu muốn biết điều gì?”

“Thầy nói là việc cho em thi lại sẽ tạo thành một tiền lệ xấu. Đúng không ạ?” tôi hỏi, kiểm chứng lại những gì tôi nghe ông nói hôm trước.

“Đúng vậy. Tôi chưa bao giờ làm thế và nếu như tôi làm điều này cho cậu thì sẽ không bao giờ chấm dứt được nó.”

“Thế thì thật phiền phức quá,” tôi nói vẻ thấu hiểu những cảm xúc của ông. “Em đã dạy vài khóa đại học và em biết nó phiền toái đến đâu nếu sinh viên nào trượt cũng đòi thi lại.”

“Đúng vậy đấy,” ông đồng ý.

“Em chỉ tò mò là đã có ai đề nghị thầy những điều như em chưa ạ?”

Sau một khoảng im lặng dài như vô tận, ông nói, “Thật sự, trong suốt hai mươi năm dạy học, tôi không thể nghĩ rằng có ai đó lại đề nghị tôi việc này.”

“Ồ, vậy thì có lẽ bởi vì thầy có quy định này và mọi người đều biết rằng không được đề nghị.” Tôi muốn nói rằng nếu không ai đề nghị ông việc này trong suốt hai mươi năm qua thì rõ ràng nó sẽ chẳng phải là một vấn đề gì với ông nếu cho tôi thi lại. Nhưng tôi tự kiềm chế và tập trung vào việc tìm hiểu ông hơn là thách thức ông.

“Có lẽ thế”, ông nói.

“Em có thể hỏi một câu cuối không ạ?”

“Cậu cứ hỏi đi.”

“Nếu như tình cờ trước kia thầy đã từng làm việc này và chỉ là bây giờ không nhớ ra, thì có gì khác đi không ạ?”

“Ồ, nếu đã có tiền lệ thì tôi có thể cân nhắc.”

Tôi cảm ơn ông và chạy đi hỏi David, người đã làm trợ giảng cho giáo sư Cohen trong vài năm. David bảo tôi là 5 năm trước đã có một người trong lớp của giáo sư trượt và được thi lại bài thi cuối. Đó là lý do vì sao ông gợi ý tôi gọi cho giáo sư Cohen để xin một cơ hội thứ hai. David gọi lại cho giáo sư Cohen để nhắc ông về trường hợp này và tôi đã được thi lại vào sáng hôm sau. Tôi đã đỗ với điểm B, tốt nghiệp đúng hạn và bắt đầu công việc mới của mình.

Nếu tôi không gọi lại cho giáo sư với một trọng điểm mới – giảm bớt sự phòng thủ của ông và lắng nghe với mục đích muốn thấu hiểu những gì ông ấy thực sự cần hơn là tranh cãi về tính đúng sai trong trường hợp của tôi – thì ngõ cụt chúng tôi lâm vào trong cuộc đối thoại đầu tiên sẽ là những lời nói sau cùng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.