Tôi Đúng, Bạn Sai - Giờ Thì Sao?
PHẦN BA: LEAP cho nhiều kiểu Bế tắc – 11. LEAP cho một mối quan hệ gia đình bền chặt hơn
Nếu họ đúng thì con đã đồng ý
Nhưng người họ hiểu là họ, không phải con
Giờ thì đã có một con đường và con hiểu rằng con phải ra đi
Con hiểu rằng con phải ra đi.
– Cat Stevens, bài hát Cha và con
Trong chương này và các chương tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu tới bạn những bức tranh về LEAP trong các bối cảnh khác nhau. Những câu chuyện này sẽ cho bạn thấy các công cụ mà bạn đã tiếp nhận có thể được sử dụng kết hợp như thế nào trong những tình huống thực tế. Như bạn thấy, không phải trong trường hợp nào chúng ta cũng phải sử dụng tất cả các công cụ, và đôi khi thứ tự sử dụng chúng cũng sẽ thay đổi. Nhưng nguyên tắc cơ bản – khiến đối phương từ bỏ vũ khí, kết bạn với họ, tìm ra mảnh đất chung của hai người và cùng làm việc với nhau từ mảnh đất chung đó – lại rất rõ ràng trong mỗi câu chuyện bạn sẽ đọc. Với việc quan sát người khác sử dụng những công cụ này thế nào, bạn sẽ phát hiện ra cách thức của riêng mình – những phong cách sử dụng LEAP nào sẽ phù hợp với cá tính cũng như cảm nhận của bạn – và trở nên thành thạo với việc sử dụng tất cả các công cụ trong chiếc thắt lưng của mình.
Như bạn biết, đầu tiên và trước hết, LEAP nhắm đến việc giữ gìn các mối quan hệ – không có điều đó, bạn sẽ không thể vượt qua được các bế tắc. Vậy thì ngoài chính gia đình bạn ra, còn có chỗ nào tốt hơn để bắt đầu quan sát cách một mối quan hệ có thể bị phá hỏng hay được củng cố? Chẳng hạn, nếu bạn nổi khùng với một nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại, có thể bạn sẽ tự làm khó mình trong việc đạt được điều bạn cần từ họ, nhưng có khi bạn sẽ chẳng bao giờ phải nói chuyện lại với họ nữa. Thực tế là bạn có thể cúp máy, ấn nút gọi lại và bắt đầu lại lần nữa với một người khác. Nhưng bạn chỉ có thể có một gia đình nên việc duy trì mối quan hệ nồng ấm yêu thương giữa các thành viên trong đó có lẽ là lí do quan trọng nhất để sử dụng LEAP. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét ba tình huống – bố mẹ và con cái, chồng và vợ, những anh em trưởng thành chăm sóc cha mẹ đã luống tuổi.
KHI CON BẠN MUỐN TRỞ THÀNH NGÔI SAO NHẠC ROCK
Jim và Liz là những người kiềm chế rất kém. Cậu con trai mười sáu tuổi tên là Ben của họ có khả năng bị đuổi học và cậu chẳng mảy may quan tâm đến việc này. Trong suốt sáu tháng vừa rồi, cậu không làm bài tập, trốn học bất cứ khi nào có thể và khi không thể thì, theo lời các thầy cô giáo, cậu chỉ nhìn chăm chăm qua cửa sổ hoặc vào khoảng không. Bố mẹ cậu có nói hay làm gì đi nữa thì cũng không thể khiến cậu thừa nhận rằng mình đang có vấn đề. Tất cả những gì cậu nói chỉ là trường học là một nơi “chán ngắt” và dù thế nào cậu cũng không muốn vào đại học, vậy nên có vấn đề gì đâu nếu cậu bị đuổi. Bố mẹ cậu, cả hai người đều học đại học và đều nhận thức đầy đủ ưu điểm của giáo dục đại học, đã phát sốt lên vì kinh sợ. Nhưng họ càng mắng mỏ thì Ben lại càng để ngoài tai và cuối cùng thì cậu từ chối không nói thêm gì về chuyện này nữa. Lúc đó, họ nhận ra LEAP là cơ hội cuối cùng để họ tác động được đến cậu nên họ quyết định sẽ thử xem sao.
Họ lại ngồi xuống lần nữa cùng với cậu và cố khiến cậu nhìn nhận vấn đề theo cách của họ, chỉ có điều, lần này họ xác định là sẽ làm theo cách khác. Đầu tiên, họ quyết định là để Jim nói chuyện một mình với Ben để Ben không cảm thấy bố mẹ đang kéo bè kéo cánh đàn áp cậu.
Tất nhiên là Ben sẽ bắt đầu với một thái độ đề phòng như mọi khi, “Con không hiểu sao bố lại muốn nói về chuyện này. Dù sao bố cũng không quan tâm con nghĩ gì cơ mà. Bố chỉ muốn con phải đi học và không biến thành đồ cặn bã. Con sẽ đi, nhưng con nói với bố rồi, con không quan tâm tí nào đến trường học hết. Chán ngắt đi được!”
Nhưng lần này, Jim không dính bẫy. Anh không nói với Ben rằng cậu cần phải học vì học là một việc quan trọng. Đó là suy nghĩ của anh nhưng rõ ràng không phải của Ben. Thay vào đó, anh nói, “Được rồi, Ben. Bố hiểu. Học hành không quan trọng với con bởi vì nó chán ngắt và dù sao thì con cũng không muốn học đại học. Bố hiểu thế có đúng không?”
“Vâng,” cậu rầu rĩ nói, nhưng cuối cùng lại thêm vào, “Thật tốn thời gian kinh khủng. Chúng ta đã nói về chuyện này rồi. Rồi bố lại mắng con thôi. Quá là tốn thời gian.”
Không dính bẫy và cũng không nổi cáu, Jim nói, “Đúng, chúng ta đã nói, nhưng bố thề là bố sẽ không mắng con. Bố muốn biết liệu con có cảm thấy rằng ít nhất bố cũng hiểu được suy nghĩ của con không. Con nói rằng trường học chán ngắt, lãng phí thời gian và dù sao con cũng sẽ không học đại học, phải không?” Jim hỏi điềm đạm, không có một chút căng thẳng hay châm chọc nào trong giọng anh cả.
“Vâng, con đoán thế,” Ben trả lời, không hoàn toàn khẳng định.
“Nào, tóm lại là con có nghĩ thế không Ben?” Jim hỏi lại.
“Vâng, có. Con nghĩ thế.”
“Tốt. Vậy bố đã hiểu,” Jim nói mà không phản ứng giận dữ chút nào.
“Giờ, những gì bố thực sự muốn biết, nếu con không ngại nói với bố, là tại sao con lại không muốn học đại học.”
Bố cậu chưa từng hỏi câu này trước kia, nên Ben tự nhiên có đôi chút nghi ngờ, nhưng lúc này thì cậu tính là cứ tiếp tục đã. “Con nói rồi đấy. Lớp học chán ngắt đi được. Nên nếu trường trung học đã chán đến vậy thì con còn lí do gì để muốn học tiếp đại học nữa?”
“Uh-hu. Có lí đấy. Bố đoán là bố cũng sẽ nghĩ như thế về trường đại học nếu bố là con.”
“Sao ạ? Bố cũng thế?”
“Dĩ nhiên. Nếu trường trung học đã chán thì làm sao đại học khác đi được?”
“Vậy thì bố sẽ không bắt con phải khổ sở với việc đi học đại học chứ? Bố đồng ý với con?” Ben hỏi, lúng túng.
“Câu trả lời của bố cho câu hỏi đầu tiên là đúng. Bố sẽ không bắt con phải khổ sở vì nó thêm tí nào nữa. Nhưng bố thực sự không muốn trả lời câu hỏi thứ hai vội vì có vài điều bố muốn biết thêm. Được chứ?”
“Vâng, con nghĩ vậy. Ví dụ như là bố muốn biết gì?”
“Để bắt đầu, con có thể nói cho bố biết con nghĩ làm việc gì thì không chán ngắt không?” Jim cẩn thận để không một chút mỉa mai nào lộ ra trong giọng nói của anh. Rất dễ bị thành như vậy vì anh thực sự muốn nói một câu gì đấy đại loại như, “Con chỉ là một thằng nhóc và con không hề biết mình đang nói gì! Không học đại học thật là ngu xuẩn. Con sẽ đi và sẽ là như thế. Tin bố đi, sau này, con sẽ phải cảm ơn bố.”
Nhưng anh không nói bất kỳ điều gì như vậy vì anh hiểu rằng ép buộc Ben đã chẳng đem lại được điều gì và có thể đây là cơ hội cuối cùng để tác động được đến cậu trước khi quá muộn.
Giờ thì Ben đã thực sự tò mò. Bố cậu đã hỏi cậu về điều cậu muốn làm, thay vì bảo cậu nên làm gì và thậm chí có vẻ bố cậu còn sẵn lòng lắng nghe. Nhưng cậu vẫn không nghĩ rằng bố sẽ nói một điều gì đó tương tự như vừa rồi. “Con muốn chơi trong ban nhạc của con,” cậu nói, gần như là thì thầm.
Tất nhiên là Jim biết Ben đang chơi guitar và hát trong một ban nhạc với cậu bạn Max của mình. Chúng biểu diễn trong các bữa tiệc ở trường và cũng đã cho ra đời hai album nghiệp dư mà chúng bán trong các buổi diễn và trên website của ban nhạc. Ben và Max tự viết các bài hát. Nhưng trong suy nghĩ của Jim, Max cũng là một phần của vấn đề. Nó đã hai mươi tuổi và bị đuổi khỏi trường trung học. Hiển nhiên là nó đã gây ảnh hưởng không tốt đến Ben.
Thực sự Ben là một nhạc sỹ xuất sắc và một tay chơi nhạc cừ khôi.
Cậu đã dành không biết bao nhiêu thời gian để tập luyện và viết nhạc nên kết quả thực sự ấn tượng. Sự thật là đài radio địa phương đã bắt đầu phát thường xuyên một trong các ca khúc của cậu. Khi Ben bắt đầu tập guitar, Jim và Liz vô cùng tự hào về cậu và khuyến khích cậu chơi nhạc. Sau này, họ còn mua các bản sao CD của ban nhạc để tặng cho họ hàng và bạn bè. Nhưng khi họ nhận ra rằng việc này chiếm mất quá nhiều thời gian của cậu, và cậu đã bỏ đội bơi cũng như thời gian tập bóng rổ để tập nhạc thì họ thấy hối hận vì đã khuyến khích cậu.
Tuy nhiên, lần này, Jim đã biết cách nói khéo hơn là câu “Nhưng con không nghĩ rằng việc tốt nghiệp trung học bây giờ quan trọng hơn sao?” Anh biết, từ “nhưng” đó sẽ lại khiến Ben nổi khùng lên và có vẻ như họ đang đạt được một chút tiến triển – ít nhất là Ben đã chịu nói chuyện với anh, hơn là chỉ cãi lại anh. Vậy nên thay vào đó, anh tiếp tục theo hướng câu chuyện của con trai mình, gật đầu và hỏi, “Vậy là con và Max đã lên kế hoạch cho ban nhạc à? Ý bố là như một kế hoạch một, hai hoặc ba năm?”
“Bố sẽ không hiểu đâu.” Ben thở dài, vẻ chán nản.
“Này, bố vẫn đang lắng nghe đấy thôi?” Ben gật đầu và Jim hỏi, “Con có nghĩ là bố hiểu suy nghĩ của con về chuyện trường trung học và đại học không?”
“Con đoán là có.”
“Vậy thì cho bố một cơ hội đi. Chúng ta chưa bao giờ nói chuyện về việc con nhìn nhận chuyện này như thế nào, như bố đã nói đấy, bố sẽ không tiếp tục thúc ép con về chuyện học đại học nữa.”
“Bọn con sẽ thuê một căn hộ ở Manhattan, khu phía Tây và sẽ bắt đầu biểu diễn trong thành phố,” Ben nói một tràng, chờ bố đập tan ý tưởng này.
“Ồ, một căn hộ ở khu phía Tây à? Làm sao bọn con trả nổi tiền được?” Jim bắn trả, phản xạ theo thói quen xấu cũ của mình.
“Con biết là con không nên kể cho bố nghe mà!” Ben cũng phản ứng lại.
“Không, chờ đã. Bố xin lỗi. Bố sai rồi. Không ai hoàn hảo cả. Đúng không?” Jim tự kiềm chế mình, khi thấy sự đề phòng của con trai mạnh thêm, anh nhận ra rằng mình đã phản ứng lại với những gì Ben vừa nói chứ không phải là kiểm chứng lại.
“Được rồi,” Ben nói, lại một vẻ tò mò rõ rệt.
“Nhưng mà sống ở đó rất đắt đỏ, phải không?” Jim cố thử lại.
“Đúng rồi bố ạ, con có phải đứa ngốc đâu. Con biết là sẽ rất đắt.”
“Này, bố chưa bao giờ gọi con là đồ ngốc nhé, và bố đã nói là bố xin lỗi rồi mà. Câu hỏi của bố là, các con đã nghĩ ra cách nào để có thể trang trải cuộc sống ở đó chưa?”
Thực ra, Ben và Max chưa nghĩ ra cách nào để chi trả cho kế hoạch của mình, và sự thật đó đã mang lại một lối thoát quan trọng cho Jim và Liz để đạt được những gì họ cần.
“Vậy thì Ben này,” Jim bắt đầu, “có vẻ như bọn con sẽ cần một chút trợ giúp ban đầu.”
Lúc này, Ben chỉ nhún vai.
Jim nhấn tiếp. “Chắc chắn là bố hiểu được mong muốn của con về chuyện chuyển đến đó. Đó là nơi mọi việc sẽ được tiến hành và, nếu là con, thì bố có lẽ cũng muốn chính xác những điều này.”
“Vâng, đúng vậy.” Ben cười, chế giễu bố. “Bố tốt nghiệp đứng đầu lớp và được vào thẳng đại học. Đời nào bố lại thích việc này.”
“Bố không nói là bố sẽ làm việc đó.”
“Có, bố có nói!” Ben cao giọng. “Bố vừa nói thế xong!”
“Bố giải thích nhé?” Jim hỏi, vẫn nhớ rằng mình cần đưa ra câu hỏi.
“Bố cứ nói đi, nhưng rõ ràng là bố vừa nói thế.”
“Bố sẽ không tranh cãi với con rằng bố có nói hay không, nhưng bố có thể nói cho con hiểu ý bố là gì. Bố hiểu vì sao con muốn làm việc này. Đó là những gì bố muốn nói khi bảo rằng nếu là con thì bố cũng sẽ làm điều tương tự.”
“Vâng, nhưng bố không phải là con và bố cũng có chấp thuận đâu.”
“Thực sự là việc bố có chấp thuận hay không không quan trọng đâu. Ý bố là, bố muốn ý kiến của bố có giá trị với con, nhưng sự thật thì quyết định thế nào là ở con. Và ngay cả khi bố cần phải đồng ý với tất cả mọi việc, thì bố vẫn có thể cố gắng hiểu và tôn trọng nó chứ.”
Mọi chuyện nhẹ đi một cách rõ ràng, Ben nói, “Vậy là bố nói rằng bố có thể thấy – bố hiểu được – vì sao con muốn chuyển vào thành phố, phải không?”
“Chính xác,” Jim nói, cười thầm vì Ben đang làm theo đúng chiến thuật lắng nghe có cân nhắc của anh một cách vô thức.
“Vậy đấy,” Ben nói, vẻ hài lòng. “Mẹ sẽ không bao giờ hiểu được chuyện này.”
Bỏ qua câu hỏi liệu Liz có bao giờ nhìn nhận được mọi việc theo cách của Ben hay không, Jim tiếp tục. “Dĩ nhiên, làm gì có nhạc sĩ nào lại không muốn ở trong một môi trường đầy các câu lạc bộ và là nơi tất cả các video ca nhạc đều được thực hiện chứ? Bố không hoàn toàn cổ hủ đâu, con biết mà!”
“Nhưng bố vẫn nghĩ con nên đi học đại học, phải không? Bố vẫn nghĩ là con sai trong chuyện này.”
Sử dụng công cụ A một cách đầy lý trí, Jim trả lời, “Ben này, nếu con đã hỏi, bố thực sự xin lỗi vì bố nghĩ những gì bố sắp nói ra đây sẽ lại làm con nổi giận, và bố cũng có thể sai, nhưng, ừ, bố thực sự nghĩ rằng học đại học là quan trọng, nên bố hi vọng chúng ta có thể chấp nhận bất đồng này. Con không nghĩ nó quan trọng và bố tôn trọng suy nghĩ của con mặc dù bố không có cùng cách nhìn đó. Con có thể tôn trọng suy nghĩ của bố được không?”
“Vâng, nếu bố đã nói vậy. Ít nhất bố cũng không chặn họng con.”
“Bố không muốn làm thế. Bố hỏi con câu nữa được không?” Jim hỏi.
“Vâng.”
“Bố băn khoăn không biết có cách nào để con có thể vừa chuyển vào thành phố, vừa chơi nhạc, vừa học đại học được không. Có thể nếu con học thứ gì đó mà con thích thì con sẽ không thấy nó nhàm chán. Con nghĩ có thể thế được không?”
“Ví dụ như thế nào ạ?” Ben hỏi.
“Nhạc chẳng hạn?”
“Con học nhạc rồi và nó dở tệ bố ạ. Những gì con học được từ Max và các bạn khác trong tuần đầu tiên chúng con chơi nhạc với nhau còn nhiều hơn tất tần tật những gì con học được trong giờ học nhạc ở trường trung học.”
“Bố tin là vậy,” Jim đồng ý, rồi thêm vào, “Thế các lớp học nhạc ở đại học, ý bố là các trường mà có chương trình dạy nhạc ấy, cũng giống như ở trung học à?”
“Con không biết,” Ben thừa nhận.
“Con có nghĩ là mình nên cùng nhau kiểm tra thử xem không? Có thể lên mạng và xem xem có gì ở đó không? Con hỏi Max cũng được.”
Ben chấp nhận những gợi ý này và phát hiện ra có một chương trình học nhạc mà cậu bạn Max của cậu sẵn sàng “đổi cả tính mạng” để được học, rất phù hợp với mơ ước của Ben. Sau khi Ben chia sẻ thông tin này với bố, Jim nói lại với vợ và quay lại với một đề nghị. “Vậy là,” anh nói với con trai, “ý con thế nào nếu bố nói với mẹ và bố sẵn sàng trả tiền cho căn hộ của con cũng như tiền học ở đại học nếu con chấp nhận theo học ở trường và lớp nhạc cùng lúc? Theo như trang web mà con chỉ cho bố thì họ có chương trình phối hợp đấy.” Giờ thì chuyện này nghe có vẻ giống như một vụ mua chuộc, nhưng thực ra là một lời đề nghị hợp tác hướng tới lợi ích chung của các bên. Thực tế, Jim và Liz đã bàn đến việc giúp Ben dù cho cậu có học đại học hay không. Nhưng vì họ đều có cùng một xuất phát điểm – họ vẫn muốn cậu có được trình độ đại học – họ chắc chắn rằng lời đề nghị đầu tiên của họ sẽ đáp ứng được nhu cầu của mọi người. Nhưng Ben lại không thấy đó là một vụ mua chuộc. Cậu ngạc nhiên nhưng vô cùng phấn khích về đề nghị của bố mẹ mình và hỏi lại, “Bố mẹ nói nghiêm túc đấy chứ?”
“Hoàn toàn nghiêm túc,” Jim trả lời.
“Nhưng điểm của con xấu tệ. Sao bố biết là con sẽ vào được trường?”
“Ồ, Ben này, bố biết là con rất thông minh, và bố biết là nếu cố gắng con sẽ nâng được điểm lên. Có lẽ con cũng có thể ngừng cả việc lúc nào cũng nói từ “tệ” nữa.” Ben cười phá lên với bố cậu. “Bố cũng biết rằng con là một nhạc sỹ thiên tài và bố nghĩ bất cứ trường nhạc nào cũng may mắn nếu tuyển được con. Vậy thì con nghĩ sao đây? Con sẽ thử chứ?”
Ben đồng ý và giờ cậu đã có một lí do thúc đẩy cậu đi học và tăng điểm số. Vì cậu đã có kế hoạch cho một chương trình học nhạc nên kinh nghiệm của ban nhạc thực sự có ích cho cậu hơn hẳn học bơi hay bóng rổ. Vì tập trung hơn trong chuyện điểm số nên tự nhiên cậu cũng dành ít thời gian hơn cho ban nhạc. Mọi chuyện cứ tự nhiên diễn ra mà không cần bất kỳ ai nói rằng cậu nên tập nhạc bớt đi. Cuối cùng, cậu được vào đại học và ở khoa âm nhạc. Hiện tại, cậu là một trong những sinh viên xuất sắc, hứa hẹn một sự nghiệp xán lạn trên con đường âm nhạc và bố mẹ cậu hoàn toàn tin tưởng rằng cậu sẽ tốt nghiệp đại học cũng như có được tấm bằng vốn rất quan trọng với họ.
KHI BỌN TRẺ XEN VÀO GIỮA HAI BẠN
Helen và Daryl đều yêu thương những cô con gái của mình hết mực và đều muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho chúng, nhưng họ không thể đồng ý với nhau trong chuyện học hành của các con. Helen muốn con học ở một trường tư dành cho học sinh nữ được điều hành bởi nhà thờ mà cô đang theo. Còn Daryl thì không đồng ý với hàng đống lý do bao lâu nay không nói ra vì cả anh và Helen đều chưa từng vượt qua được các cuộc cãi nhau xem họ có thể chi trả được học phí ở đó không. Tình huống của họ là một ví dụ điển hình cho việc lâm vào ngõ cụt có thể khiến hai người ngừng cả việc giao tiếp với nhau, ngay cả khi mối quan hệ giữa họ được xây dựng trên cơ sở lòng tin và tình yêu.
Theo Helen thì cứ mỗi lần cô đề cập đến chủ đề trường tư là Daryl lại phản đối với lí do, “Chúng ta không thể trả nổi học phí,” và cuộc cãi vã của họ sẽ diễn ra như thế này:
“Có, chúng ta trả được! Chúng ta không cần mua xe mới trong năm nay. Chúng ta có thể dùng số tiền đó cho học phí của các con.”
“Thứ nhất, chúng ta không có số tiền đó, chúng ta sẽ phải vay một khoản thì mới mua được xe. Thứ hai, ngay cả nếu chúng ta có số tiền đó cho năm học đầu tiên thì chúng ta sẽ làm gì năm sau và năm sau nữa?”
“Chúng ta có thể thế chấp nhà và hoãn việc mua xe lại. Như thế chúng ta sẽ có đủ tiền cho ít nhất vài năm học phí.”
“Helen, chúng ta cần một chiếc xe mới. Không thể chờ thêm được nữa.”
“Thật nực cười. Chiếc xe cũ vẫn tuyệt đối ngon lành. Chỉ là anh cứ muốn tất cả các đồ mới – GPS rồi vệ tinh định hướng và các thứ linh tinh khác.”
“Em không hiểu những chuyện đó đâu.”
“Em hiểu. Các con không có được những gì chúng cần khi học ở trường công và chúng sẽ bị nhiễm rất nhiều ảnh hưởng xấu. Rõ ràng là đối với anh, có một chiếc xe mới quan trọng hơn là chuyện học hành của các con gái anh.”
“Trường công đã đủ cho anh và em, và cũng sẽ đủ cho các con!”
Chúng ta có thể nhận ra là không một lần nào trong cuộc tranh luận này (hay trong tất cả các lần tranh luận tương tự) một trong hai người kiểm chứng lại những gì họ nghe được từ người kia. Thay vào đó, người nào cũng chỉ phản ứng lại với những gì người kia nói (Helen không biết cô đang nói gì và Daryl thì quan tâm đến chiếc xe mới hơn là chuyện học hành của các con) cho đến khi cuộc cãi vã trở nên căng thẳng và cuối cùng là chấm dứt trong ngõ cụt.
Khi tôi gặp Helen, mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng thật ra cô đã thực sự hiểu những gì cô đang nói và rằng cô và Daryl hoàn toàn có thể chi trả cho khoản học phí ở trường tư mà cô muốn các con gái mình theo học. Cô giải thích rằng cả hai người đều có công việc bảo đảm và được trả lương cao, hầu như không có nợ nần gì và sẽ được vay khoảng gần 80% giá trị căn nhà nếu đem thế chấp. Chỉ 20% số đó là đủ để trả học phí cho cả học kỳ. Hơn nữa, cô thậm chí không tìm cách thuyết phục rằng họ nên kéo dài thêm thời hạn trả nợ – đây là kế hoạch dự phòng của cô – và có thể trả học phí bằng cách cắt bỏ một vài chi phí khác, ví dụ như chiếc xe mới chẳng hạn. Khi đã hiểu tương đối, tôi giúp cô hiểu ra rằng chiếc xe mới và khả năng trả học phí không phải là vấn đề và động viên cô ngừng cãi nhau về chuyện này. Tôi dạy cô cách lắng nghe có cân nhắc để cô có thể quay lại vấn đề này lần nữa, lần này đã được trang bị các công cụ mà có thể cô cần tới để hạ bớt sự đề phòng của chồng, tìm hiểu xem thực sự anh phản đối là vì lí do gì và tìm ra một giải pháp nào đó.
Lần nói chuyện tiếp theo về chủ đề này, cô không tấn công thẳng luôn bằng cách lặp lại rằng họ hoàn toàn đủ khả năng trả học phí. Thay vào đó, cô bắt đầu bằng: “Em hiểu những gì anh nói, rằng mình không đủ sức, và em muốn biết rõ hơn về lí do của chuyện đó. Em hứa là em sẽ lắng nghe và em sẽ không nói rằng mình có thể chi trả được.”
Chiến thuật của cô là để tước bỏ vũ khí của Daryl và khiến anh hiểu rằng cô thực sự tôn trọng suy nghĩ của anh. Khi cô đã làm vậy, anh sẽ không cần thấy phải bảo vệ cho nỗi lo lắng của mình nữa và vì thế anh có thể thảo luận về vấn đề tiền bạc mà không bực bội. Nhờ thế, họ được giải phóng để tìm ra mảnh đất chung và thực sự cố gắng giải quyết vấn đề. Helen đề nghị nếu có thể thế chấp nhà, họ sẽ mua được xe và trả học phí cho các con, vì họ cũng đã nhận được khấu trừ thuế trong phần tiền lãi mà họ trả. Daryl phải đồng ý rằng đó là một giải pháp hay và, thực ra, càng nói chuyện, anh càng có thể tự giải phóng mình khỏi nỗi lo tiền bạc. Cuối cùng, Helen cũng có thể nói, “Vậy là anh đồng ý rằng chúng ta có thể làm được việc này đúng không nào?”
Nhưng, khi mọi chuyện đã rõ ràng, Daryl vẫn chưa thể đồng ý vì vẫn như vậy, những gì họ tranh luận hoàn toàn không phải là vấn đề cần giải quyết. Anh trả lời, “Anh vẫn chưa thực sự thoải mái với việc này.” Và khi cô hỏi tại sao, câu trả lời đầu tiên của anh là, “Anh không chắc nữa.” Nhưng anh rút lại câu nói đó rất nhanh và nói, “Không, anh có biết,” và đó là lúc mà cuối cùng họ cũng có thể nói chuyện về vấn đề mà họ thực sự bế tắc.
Daryl không theo nhà thờ của Helen và anh thực sự sợ rằng nếu các con gái mình học ở trường dòng, chúng sẽ được dạy để tin rằng bố chúng là một kẻ tội lỗi và đáng bị đày xuống địa ngục. “Anh không nghĩ là em tin thế,” anh nói, “nhưng đó sẽ là những điều chúng được dạy ở trường dòng, và anh thực sự không muốn tiêu tiền của mình để con cái mình lại được dạy rằng anh là một kẻ tội lỗi.”
Khi nghe những điều thực sự đã làm anh phiền lòng bao lâu nay, Helen nói, “Ôi, lạy Chúa, em không hề nghĩ rằng anh…”
“Sao em lại có thể không hề nghĩ thế?” anh ngắt lời. “Đó là những gì họ dạy đấy! Em nhớ lại mà xem, hồi chúng ta mới cưới nhau, anh đã thử theo nhà thờ đó và thông điệp anh nhận được rất rõ ràng, ‘Hoặc theo con đường của chúng tôi, hoặc là trả giá bằng địa ngục.’”
“Thật không công bằng,” Helen nói, phản bác lại. “Em chưa từng nói thế và anh cũng biết là em không tin vậy.”
“Em đúng và anh không nói rằng em như thế – nhưng họ như thế và anh không muốn con cái mình học những điều này. Anh phát điên lên mỗi khi nghĩ đến việc chúng sẽ học những thứ ấy.”
“Em có thể hiểu vì sao anh lại nổi giận về chuyện đó. Nếu là anh, em cũng sẽ thế,” cô nói đầy thông cảm.
Giờ thì cô đã hiểu vì sao Daryl kiên quyết phản đối ngôi trường này – và vì sao anh nhanh chóng nổi cáu mỗi khi họ thử nói về chuyện đó – nên cô đã có thể trấn anh anh. Cô nói với anh rằng cô không tin anh sẽ xuống địa ngục và cô cùng các con cũng không bao giờ được phép học những điều đó. “Tất nhiên là anh chống lại việc này,” cô nói. “Em xin lỗi vì đã nói là em không hề nghĩ đến. Em yêu quý nhà thờ nhưng những điều này thật không chấp nhận được. Có một số việc chúng ta có thể làm để đảm bảo lũ trẻ sẽ không nhiễm phải những thông điệp đó.”
Giờ thì họ thực sự đã tìm được mảnh đất chung, một việc gì đó mà họ có thể hoàn toàn đồng ý với nhau. Và họ cùng nhau tìm ra một kế hoạch để đảm bảo rằng các con sẽ được tiếp xúc cả với những tôn giáo khác và hiểu niềm tin của bố mẹ chúng về việc Daryl sẽ phải xuống địa ngục chỉ vì anh không theo một tôn giáo cụ thể nào. Cuối cùng, Daryl cũng thấy thoải mái để thử việc này.
Khi Daryl thấy suy nghĩ của anh thực sự được lắng nghe và tôn trọng, anh đã từ bỏ sự phòng ngự của mình và nhờ vậy, anh đã có thể ngừng bảo vệ quan điểm mà ngay từ đầu anh đã không thực sự nghĩ (rằng họ không đủ tiền để trả học phí) và để mình chân thực cũng như cởi mở về điều thực sự làm anh phiền lòng. Nhờ thế, cánh cửa đã mở ra giúp anh và Helen đạt được một thỏa thuận và cùng nhau giải quyết vấn đề thực sự mà không ai muốn có.
Tôi không thể nhấn mạnh việc học cách phân biệt giữa những gì bạn nghĩ là bạn muốn và những gì bạn thực sự cần quan trọng đến mức nào. Trong trường hợp này, Helen nghĩ rằng cô muốn thuyết phục Daryl rằng họ có thể trả được học phí cho các con, còn Daryl cũng thành thực muốn thuyết phục cô rằng họ không thể. Chỉ khi họ đã có thể ngừng cãi nhau về chuyện tiền bạc (thực ra chỉ là cái cớ), họ mới lắng nghe được người kia, phát hiện ra vấn đề thực sự và tìm được cách để có được điều mà cả hai người đều cần. Với Helen đó là một nền giáo dục tốt cho con gái họ, với Daryl đó là sự đảm bảo rằng người ta sẽ không dạy (hoặc, như anh nói, tẩy não) để chúng tin rằng cha chúng là kẻ tội đồ.
KHI ANH EM MỘT NHÀ MÂU THUẪN
Stephanie và Josh là hai chị em. Họ vẫn rất thân nhau nhưng khi đến lúc phải quyết định ai sẽ là người chăm sóc bố mẹ thì họ gần như không còn quan hệ gì nữa. Bố của họ, đã ngoài tám mươi tuổi, bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, và mẹ họ, cũng đã hơn bảy mươi lăm tuổi, vừa bị đau tim. Hai ông bà đều không còn có thể chăm sóc cho nhau và cũng không thể trả nổi các chi phí chăm sóc cần thiết để có thể được ở nhà. Câu hỏi hóc búa đối với Stephanie và Josh là để bố mẹ họ đến trại dưỡng lão hay sống với một trong hai người. Quyết định những việc này thật không dễ dàng cho họ, nhưng cứ mỗi lần Stephanie và Josh gặp nhau, cuộc tranh luận lại nhanh chóng leo thang thành một cuộc cãi cọ độc hại.
Josh nhất định rằng: “Hoặc là họ sống với chị hoặc là đến trại dưỡng lão.”
“Sao em lại đề nghị như thế được?” Stephanie cãi lại. “Chị sẽ không thể tha thứ cho mình nếu chị để bố mẹ sống trong trại dưỡng lão.”
“Thế thì chắc chị là người tốt hơn em.”
“Thật bất công!”
“Sao chị không nói toẹt ra hả Steph? Em không phải là một đứa con tốt, em không yêu Bố và Mẹ.”
“Đó không phải điều chị nói! Em đừng có ra vẻ như là một nạn nhân thế!”
“Quỷ tha ma bắt, không phải thế! Nếu ai đó là nạn nhân thì đó là chị,” Josh nói, càng sa lầy hơn.
Và vì mọi chuyện tiếp diễn như vậy, nên đến một ngày, Stephanie nói, “Thôi, quên chuyện này đi. Họ sẽ sống với chị. Chị không thể cãi nhau với em về chuyện này nữa.”
Giữa những căng thẳng của một cuộc chiến, chúng ta bắt đầu nhìn thấy những điều xấu xa không có trong đó. Chúng ta không chỉ mất đi cái nhìn về một bức tranh toàn cảnh mà còn mất luôn cả nhận thức về việc kẻ thù thực sự của mình là ai.
Vấn đề là vì cô vẫn đang căng thẳng và những lời buộc tội vẫn lởn vởn xung quanh nên Stephanie cảm thấy có lẽ quả là Josh không yêu cha mẹ đủ nhiều. Hiển nhiên Josh nhận ra được sự thay đổi này trong cách nhìn của chị gái mình và tự vệ lại trước lời buộc tội đó mặc dù cô chị chưa bao giờ nói thẳng ra điều đó. Điều kì quặc là ở chỗ trước kia cô không hề nghĩ như vậy, vì Josh luôn luôn là một đứa con rất tình cảm. Tất cả những gì cô phát hiện ra là cơn giận đã khiến cô thấy mình tin, dù chỉ trong chốc lát, những điều mà trong sâu thẳm cô không thực sự tin tưởng. Giữa những căng thẳng của một cuộc chiến, chúng ta bắt đầu nhìn thấy những điều xấu xa không có trong đó. Chúng ta không chỉ mất đi cái nhìn về một bức tranh toàn cảnh mà còn mất luôn cả nhận thức về việc kẻ thù thực sự của mình là ai.
Stephanie không bao giờ quay lại để lắng nghe Josh và có lẽ cũng không thử tìm cách để bố mẹ có thể sống với anh dù chỉ một phần thời gian. Đáng lẽ hiểu anh đến như cô, Stephanie phải đoán được mọi chuyện không thể đơn giản chỉ là anh không yêu quý họ. Nhưng vì đã lâm vào ngõ cụt do hành động nhạo báng anh, cô bắt đầu oán giận gánh nặng mà cô đang mang và càng ngày càng giận anh hơn, và vì thế họ gần như không thể nói chuyện với nhau được nữa.
Bây giờ ai đi đường nấy. Stephanie tự bổ nhiệm mình là người chăm sóc duy nhất, còn Josh thì thấy thật khó khăn khi đi thăm bố mẹ ở nhà chị gái mình. Sự thật là mỗi lần anh đến thăm, không khí giữa họ căng thẳng đến mức không thể làm dịu nổi.
Cả hai người đều không muốn mọi chuyện ra nông nỗi này. Nhưng vì đã phá bế tắc theo cách cô đã làm, Stephanie tin chắc rằng cô sẽ không thể có được điều cô cần – sự tham gia và trợ giúp của em trai mình. Cô cũng rất nhớ cậu em và thời gian trôi qua, cô nhận ra rằng nếu như họ có thể hàn gắn lại, cô sẽ phải là người chủ động trước. Chúng ta sẽ nói chi tiết về cách mở một cánh cửa đang đóng trong chương 15, nhưng những gì Stephanie đã làm là gửi cho Josh một email xin lỗi vì những gì đã diễn ra giữa hai người và thừa nhận rằng có thể cô đã sai. Cô cũng để anh biết là cô tôn trọng suy nghĩ của anh và hứa nếu anh đồng ý nói chuyện, cô sẽ lắng nghe và không bao giờ bảo rằng anh sai một lần nào nữa.
Josh cũng đã rất cô đơn. Anh thấy như mình đã mất cả gia đình và anh sẵn sàng nắm lấy bàn tay mà Stephanie chìa ra nên anh đồng ý nói chuyện với cô.
“Josh,” cô nói. “Chị hiểu em thấy bố mẹ không thể sống cùng em và chị thực sự muốn biết vì sao. Chị biết là em yêu họ, chị hứa sẽ lắng nghe lí do của em và không cãi nhau với em hoặc nói là em đã sai vì nghĩ vậy.”
Đây là những gì mà Josh mong chờ được nghe từ lâu. Bây giờ, vì anh không còn phải phản kháng lại những lời cáo buộc rằng anh không yêu bố mẹ nữa, lần đầu tiên, anh thấy thoải mái để có thể cởi mở và chân thực với chị gái của mình. Anh nói, “Em mừng vì chị đã nhận ra rằng em yêu Bố và Mẹ cũng nhiều như chị vậy và rằng em ước em có thể để bố mẹ sống cùng em. Nhưng sự thật là: Cuộc hôn nhân của em sắp kết thúc và đưa họ đến sống ở nhà em sẽ như là nhát búa đóng chiếc đinh cuối cùng lên quan tài. Chỉ là em không sẵn sàng – em vẫn chưa sẵn sàng – để từ bỏ cuộc hôn nhân này, nên bắt buộc em phải từ chối.”
Đến lúc đó, Stephanie gần như phát khóc. Cô không hề phải cố gắng thông cảm với em trai mình vì trái tim cô thực sự đã xúc động vì chuyện của cậu. Hơn nữa, cô nhận ra rằng vì những cuộc nói chuyện về việc chăm sóc bố mẹ lúc nào cũng nhanh chóng biến thành những cuộc cãi vã kịch liệt nên cô chưa từng cho cậu cơ hội giải thích vì sao cậu từ chối. “Chị rất tiếc về chuyện của em. Chị chẳng biết nói gì nữa. Chắc em phải đau khổ lắm,” cô nói. Josh thú nhận là anh đang hoàn toàn tuyệt vọng, hai người họ nói chuyện về những gì xảy ra trong cuộc hôn nhân của Josh và họ đã nhớ nhau nhiều đến thế nào.
Giờ đây họ đã không còn đề phòng gì nữa, Stephanie đã có thể thú nhận là cô thực sự cần sự giúp đỡ của em trai và Josh cũng đã sẵn lòng nói chuyện với cô về việc tìm ra giải pháp để cả hai người đạt được điều họ cần. Họ đồng ý rằng họ đều muốn giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ bố mẹ, và từ đó, họ có thể tìm ra giải pháp để Josh gánh nhiều trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc bố mẹ mà không cần liên quan đến vợ anh hay phải đưa hai người về sống trong nhà anh. Chính anh đưa ra ý tưởng dành cả ngày Chủ nhật sống cùng họ ở nhà của Stephanie, như vậy, cô có thể có được một ngày nghỉ ngơi. Anh cũng đề nghị để anh thuê người giúp việc, giải phóng cho Stephanie bốn tối mỗi tuần. Stephanie vô cùng cảm kích và quan trọng hơn, hai chị em họ lại có một mối quan hệ tốt đẹp trở lại.
Sự thật là chìa khóa cho lòng tin
Trong mỗi trường hợp trên, những người cãi nhau thực sự là những người thân thiết, và nọc độc từ những cuộc cãi vã của họ trở nên nguy hiểm đến độ có thể phá hỏng mối quan hệ tới mức khó cứu vãn nổi. Trong mỗi câu chuyện, họ đều bắt đầu mất cảm giác về người mà họ đang tranh cãi và nhìn thấy những điều xấu xa không thực sự tồn tại ở đó. Stephanie nhìn thấy một cậu em trai ích kỷ, không yêu thương cha mẹ; Daryl nhìn thấy một người vợ mê tín không hề nghĩ đến việc liệu các con mình có suy nghĩ tàn tệ về người cha tội lỗi của chúng không; và Ben nhìn thấy bố mẹ bảo thủ, những người đã không thể hiểu nổi hoặc khuyến khích cho khát vọng của cậu.
Khi bạn đang trong bế tắc và những lời cay nghiệt đang được tuôn ra, bạn sẽ rất dễ mất đi cảm giác về những gì bạn thực sự đang tranh cãi hoặc bạn sẽ không thể thấy chúng là quan trọng nhất nữa.
Khi sử dụng các công cụ mà LEAP mang lại, bạn sẽ thấy rằng luôn có những khoảnh khắc màu nhiệm khi sự phản kháng nguội đi và sự thật được hé lộ.
Mọi người thường e sợ sự thật và che giấu chúng trước những người mình đang tranh cãi. Nhưng gần như là thường xuyên, như Daryl đã phát hiện ra, họ giấu cả chính mình cái sự thật đó. Vậy nên, hiểu và nói lên sự thật là chìa khóa để tạo dựng lòng tin. Đó là chìa khóa cho sự tin cậy. Và chỉ bằng cách trở nên xứng đáng với sự tin cậy của người kia, bạn mới có thể đề nghị và có được sự giúp đỡ của họ.
Hiểu và nói lên sự thật là chìa khóa để tạo dựng lòng tin.
Những sự thật quan trọng nào mà các thành viên trong gia đình ở những trường hợp này đã được hé lộ với chính bản thân họ? Tôi nghĩ chúng có thể được tổng kết chỉ trong một từ, “điểm yếu”. Jim thừa nhận với Ben, con trai mình, rằng anh cũng có thể và đã từng mắc sai lầm – anh cũng chỉ là con người mà thôi. Josh hé lộ với chị gái mình rằng anh cảm thấy quá lo lắng và buồn khổ vì cuộc hôn nhân thất bại của mình. Daryl đã sợ bị chính các con gái mình tẩy chay.
Gerry Spence, một luật sư bào chữa và một nhà văn, một lần đã kể cho tôi nghe bài học đầu tiên về sức mạnh của việc hạ hết các lớp bảo vệ – bộc lộ tất cả – với người kia. Tôi đã rất sửng sốt, vì cũng như Spence, tôi cũng học một bài học giống hệt như thế hồi tôi năm tuổi. Đằng sau nhà tôi là một kho thóc bỏ không mà chúng tôi hay chơi ở đó. Một ngày, tôi bảo Jenny cho tôi xem cơ thể cô.
“Tớ không cho cậu xem đâu!” cô hét lên, choáng váng nhưng cười khúc khích.
“Nếu tớ cho cậu xem, cậu sẽ cho tớ xem chứ?” tôi nài nỉ, sẵn sàng đổi cả tính mạng để biết liệu những gì anh trai kể với tôi về sự khác biệt giữa các cậu bé và các cô bé có đúng không.
“Cậu cho tớ xem trước à?” cô hỏi lại, vẻ tò mò rõ rệt.
“Ừ!”, tôi hào hứng nói.
“Thề chứ?”
“Tớ thề. Đứa nào nói điêu, đứa ấy là con chó.”
“Được rồi,” cô nói.
Và tôi làm, rồi đến lượt cô.
Sau khi ta đã để lộ hết bản thân, chỗ yếu của mình, có thể nói thế, người khác sẽ cảm thấy an toàn hơn và sẵn lòng làm điều tương tự. Thực sự đã có rất nhiều nghiên cứu về chủ đề này. Những nhà tâm lý học xã hội đã chứng minh trong các nghiên cứu rằng sự tự tiết lộ sẽ dẫn đến sự tự tiết lộ. Nói cách khác, nếu bạn thể hiện chân thực bản thân mình, đặc biệt là những điểm yếu, người khác cũng sẽ làm như vậy. Lí do để làm việc này, tôi tin là, ngoài việc chúng ta luôn cảm thấy an toàn hơn với ai đó thành thật và dễ tổn thương thì chúng ta còn luôn có khát vọng giúp đỡ và thậm chí là bảo vệ con người đó.
Bạn phải cho đi để được nhận lại. Những gì mà các nhân vật đã thành thạo kỹ năng LEAP trong các câu chuyện trên cho đi không phải chỉ là sự lắng nghe, lòng tôn trọng và sự thông cảm mà còn cả những điểm yếu của họ – sự thật về cảm xúc của họ. Và vì thế, họ cũng nhận được những điều tương tự. Và một khi cả hai bên đều cảm thấy tin tưởng và được tin tưởng, thì các giải pháp sẽ dễ dàng được tìm ra.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.