Tôi Đúng, Bạn Sai - Giờ Thì Sao?

PHẦN MỘT: Sẵn sàng để LEAP – 1. Tôi đúng, bạn sai – Làm cách nào để nhận ra lúc bạn lâm vào bế tắc?



Nghi ngờ không phải là một trạng thái dễ chịu, nhưng đinh ninh chắc chắn thì thật là lố bịch.

– Voltaire

Tôi có một người hàng xóm rất hay có ý kiến, đa phần là tiêu cực, về việc phát triển mối quan hệ láng giềng. Con đường ngoại ô nơi chúng tôi ở khá vắng vẻ nên tôi hay cho chú chó nhỏ Carli đi dạo mà không mang theo dây xích. Ông anh họ đến nhà tôi chơi dắt Carli đi và chạm trán người hàng xóm nọ – chúng tôi gọi bà là bà Kravitz – bà hét ầm lên: “Phải xích con chó này lại chứ!” và rồi bà nhắc đứa cháu nhỏ của bà phải “tránh xa con chó này ra nếu không nó cắn đấy!” Khi ông anh thuật lại chuyện này, tôi giận tím người. Carli chưa bao giờ cư xử như thế và tôi định gõ cửa nhà bà Kravitz để nói chuyện cho ra nhẽ.

Tôi phải giải thích một chút về Carli. Khi được tôi nhận nuôi thì Carli đang bị lạc, lang thang trên đường phố New York. Suốt bao nhiêu năm qua, nó đã liếm những giọt nước mắt của tôi khi những người thân yêu qua đời, quẩn quanh từng bước chân tôi khi tôi ở nhà, vật nhau đùa vui với lũ trẻ nhà tôi. Trước khi nuôi Carli, tôi không thể hiểu nổi vì sao người ta có thể yêu thương con chó của mình gần bằng những đứa con, nhưng giờ thì tôi đã hiểu.

Tuy nhiên, ông anh họ của tôi lại không cho rằng việc tôi định sang nhà hàng xóm để nói chuyện là một ý kiến hay. “Để làm gì chứ?”, ông ấy hỏi tôi. Tôi nghĩ một lúc và nhận ra rằng sẽ chỉ có một mục đích duy nhất là nói với Kravitz rằng bà đã nhầm lẫn chết người! Thực tế tôi chỉ cần trút được cơn giận đang bốc hỏa trong mình thôi. Tôi chẳng cần thay đổi suy nghĩ của người hàng xóm và cũng chẳng cần bà ấy cho phép mới được quyền dắt chó đi dạo không cần dây xích. Nếu tôi nói với bà ấy mà chẳng có mục đích nào khác ngoài để trút giận thì chỉ tổ đổ thêm dầu vào lửa. Tôi sẽ nói đại loại như: “Sao bà dám đặt điều trắng trợn như thế về Carli! Bà đã biết nó bảy năm nay và bà không thể moi ra được tên của bất kỳ người nào bị nó cắn. Bà bị cái quái gì vậy?” Thay vào đó, tôi bỏ qua lời buộc tội, tránh xa bà ta và cho qua chuyện này. Tôi biết là tôi đúng và bà ta sai, và tôi có thể làm mọi chuyện rành rẽ như thế. Tôi cũng biết rằng không phải mọi bất đồng đều dẫn đến tranh cãi, và không phải mọi cuộc tranh cãi đều lâm vào bế tắc. Một số bất đồng thuộc dạng “đừng bới rác ra mà ngửi”. Có ngõ cụt, nhưng sẽ chẳng được gì nếu cứ cố phá vỡ nó.

Những cuộc tranh luận lành mạnh

Tuy nhiên, không như chuyện với bà Kravitz, rất nhiều bất đồng khác đòi hỏi được giải quyết triệt để vì có những điều cần hoàn thành, hoặc có những quyết định cần được thực hiện. Chúng ta không thể bỏ qua chúng. Giả sử các cuộc tranh luận đều lành mạnh (nghĩa là hai bên có niềm tin, họ lắng nghe và tôn trọng đối phương), thì chúng không bao giờ kết thúc trong bế tắc. Nếu như thế, bế tắc này cũng sẽ không tồn tại lâu dài và không làm hại mối quan hệ. Chúng ta hãy cùng xem một ví dụ.

Tôi đã từng có bất đồng với một đồng nghiệp, một giảng viên dự bị ở Đại học Columbia về việc có nên cho một nghiên cứu sinh đang phân tích dữ liệu phục vụ cho luận văn của mình được phép nhờ tư vấn từ một chuyên viên thống kê hay không. Tôi gọi anh bạn đồng nghiệp này là Giáo sư David Holt. Giáo sư Holt là chuyên gia trong lĩnh vực thống kê còn tôi thì mù tịt. Thực tế là hơn hai mươi năm qua, khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học ở Đại học New York, giám đốc chương trình đã bảo rằng tôi thực sự là người khác biệt nhờ có điểm toán tệ hại nhất trong suốt lịch sử ba mươi năm tồn tại của chương trình này! Tôi cũng có chút an ủi vì tin rằng thực ra, ông ấy đang ngầm khen những tài năng khác của tôi đã vượt trội để bù đắp được hạn chế này. Nhưng sự thật đơn giản là tôi luôn gặp khó khăn với môn toán.

Trong suốt buổi gặp với nghiên cứu sinh Mary, cô ấy xin chúng tôi được phép thuê một chuyên viên thống kê để giúp cô những phần tính toán phức tạp. Vì bản thân tôi cũng nhờ những người tư vấn thế này nên tôi đồng ý ngay lập lức và hỏi cô định nhờ ai. Cô chuẩn bị trả lời thì Giáo sư Holt vào cuộc.

“Từ từ đã, Mary,” ông nói. “Tôi chưa nói là đồng ý để em thuê ai đó làm việc này.”

“Có vấn đề gì à?” Tôi hỏi.

“Đúng vậy. Một nghiên cứu sinh không nên thuê ai đó giúp hoàn thành luận án tiến sỹ của mình. Như thế không phải lẽ. Anh không nên gợi ý một việc như vậy.”

Mary nhìn tôi lo lắng, hiển nhiên nghĩ rằng tôi đã bị xúc phạm vì những lời buộc tội rằng tôi đã bảo cô ấy làm những việc không phải lẽ.

Nhưng tôi đã biết David từ lâu và không cảm thấy tổn thương hay phải đề phòng gì vì chúng tôi tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi đã mắc bẫy trong tinh thần thoải mái của một cuộc tranh luận khoa học.

“Anh nghĩ việc cô ấy có một chuyên viên thống kê thực hiện các phân tích và viết kết quả cho cô là một dạng đạo văn à?”, tôi hỏi, kiểm chứng lại những gì tôi hiểu.

“Tất nhiên là vậy.”

“Tôi nghĩ là mình phải đồng ý với anh thôi”, tôi nói.

Mỉm cười láu lỉnh vì biết là tôi đang bày một cái bẫy, David nói: “Vậy là chúng ta nhất trí. Mary sẽ không nhờ chuyên viên thống kê.”

Mary có vẻ chưng hửng, vậy là tôi nhảy ngay vào cuộc. “Ông ấy đùa đấy. Chúng tôi đã bàn bạc xong đâu. Giáo sư Holt này,” tôi tiếp tục, sử dụng chức danh của ông để bắt đầu cuộc tranh luận nghiêm túc: “Anh có hình dung được tình huống nào thích hợp cho một nhà nghiên cứu thuê một chuyên viên thống kê phân tích không?”

Ông mỉm cười và đáp: “Anh đã thuê tôi làm cùng anh trong nghiên cứu cho Viện sức khỏe Quốc gia. Tôi không thấy có gì là trái đạo đức ở đây cả vì tôi được in trên báo là đồng tác giả của nghiên cứu này mà.”

“Vậy thì có gì khác biệt?”

“Mary là tác giả duy nhất của luận án. Chuyên viên thống kê mà anh khuyên cô ấy thuê sẽ không phải là đồng tác giả, mà người đó sẽ viết một chút trong luận án để mô tả lại các tính toán. Đó chính là điểm khác biệt.”

“Có lẽ chúng ta bỏ ý tưởng này thôi ạ,” Mary ngắt lời chúng tôi, lo lắng vì không biết chuyện này sẽ đi tới đâu.

“Cứ bình tĩnh đã,” tôi trấn an cô và quay lại với David:

“Không phải anh đã giúp Mary tính toán những phần cuối à?”

“Đúng, tôi làm.”

“Ai ngồi ở bàn phím máy tính? Ai thiết kế các mẫu và thực hiện phân tích?”

“Tôi làm. Tôi biết là anh định nói gì, Xavier, nhưng chuyện này khác.”

“Vì sao?”

“Vì mọi bước thực hiện tôi đều dạy lại cho Mary, giải thích những gì chúng tôi cần làm và vì sao, sau đó – quan trọng nhất, tôi phải nói rõ, tôi yêu cầu cô giải thích lại điều đó cho tôi xem cô đã hiểu chưa.”

“Và đó chính xác là lý do vì sao chúng ta nên để một chuyên viên thống kê cáng đáng những việc này. Nếu Mary không thể tự giải thích với chúng ta những gì cô ấy đã làm và vì sao, thì tôi nghĩ là chúng ta có vấn đề đấy.”

“Thế còn phần viết thực tế thì sao?” David hỏi, định bắt đầu một hiệp đấu mới.

“Bảng kết quả của các tính toán – anh đã đưa cho cô ấy rồi chứ?”

“Tôi đã đưa các kết quả thô, nhưng cô ấy phải kết hợp các bảng lại với nhau và chắc chắn là tôi không viết một dòng nào trong phần kết quả của cô ấy.”

“Vậy thì đó chính là cách chúng ta để chuyên viên thống kê làm việc cho cô ấy, không được sao?”

“Tôi hiểu ý của anh rồi,” David xuống nước. Và rồi, ông mỉm cười với Mary và nói: “Được rồi, em có thể để tôi giúp, đó sẽ là mâu thuẫn đấy nhưng có thể tôi sẽ tiết kiệm được cho em một ít tiền và chúng ta có thể xem xét các tính toán này cùng nhau.”

Đó là cách Mary có được sự giúp đỡ mà cô ấy cần – hoàn toàn miễn phí. Tôi có được sự thỏa mãn vì đã thuyết phục được đồng nghiệp chấp nhận đề nghị của tôi, và giáo sư Holt tiếp tục tư vấn cho Mary. Tại sao bất đồng ban đầu của chúng tôi lại biến thành một cuộc tranh luận thân thiện và kết thúc tốt đẹp cho tất cả những bên liên quan? Bởi vì nó là một cuộc tranh luận lành mạnh. Chúng tôi tranh luận với sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Nhưng không phải tin tưởng chung chung; chúng tôi thể hiện sự tin tưởng cụ thể, đó là điều tiên quyết đảm bảo cho một cuộc tranh luận kết thúc tốt đẹp. Cả hai chúng tôi đều tin rằng, đầu tiên và trước nhất, chúng tôi sẽ được lắng nghe. Thứ hai, chúng tôi tin rằng đây không phải là công kích cá nhân, chúng ta thường gọi thế, hoặc bất đồng theo những cách khác. Thứ ba, và là điều quan trọng nhất, mỗi chúng tôi đều tin rằng chúng tôi được đối phương nếu không yêu mến thì cũng là quý trọng. David và tôi đều quý nhau thậm chí còn phát triển mối quan hệ này theo chiều hướng một loại tình yêu. Có thể lúc này bạn sẽ thấy khó mà chấp nhận được niềm tin ở dạng sau cùng đó và bạn sẽ phản đối đôi chút. Đó là dạng cảm xúc hơi nhạy cảm! – nhưng đến cuối cuốn sách, bạn sẽ có một ý niệm rõ ràng hơn về khái niệm tình yêu trong tình huống này của tôi và tại sao tôi lại nghĩ đó là kim chỉ nam cho mọi cuộc tranh luận. Khi bạn cảm thấy được tôn trọng, tin tưởng, quý mến và yêu thương, bạn sẽ trở nên cởi mở, ham hiểu biết, linh hoạt và sẵn sàng chia sẻ. Và khi bạn chia sẻ những điều này với tất cả sự chân thành của mình, bạn cũng sẽ nhận lại được đúng những điều tốt đẹp ấy. Khi ấy, chẳng có bế tắc nào là không thể giải quyết.

Khi bạn cảm thấy được tôn trọng, tin tưởng, quý mến và yêu thương, bạn sẽ cởi mở, ham hiểu biết, linh hoạt và sẵn sàng chia sẻ. Và khi bạn chia sẻ những điều này với tất cả sự chân thành của mình, bạn cũng sẽ nhận lại được đúng những điều tốt đẹp ấy. Khi ấy, chẳng có bế tắc nào là không thể giải quyết.

Tôi tham gia các cuộc tranh luận suốt ngày. Bạn cũng vậy. Luật sư nổi tiếng Gerry Spence đã viết trong cuốn sách bán chạy nhất của mình Làm cách nào để tranh luận và luôn chiến thắng rằng “Mọi người đều có nhu cầu tranh luận. Mọi người đều tranh luận. Mọi người đều cần làm thế… Chúng ta phải tranh luận – để giúp đỡ, để cảnh báo, để yêu thương, để sáng tạo, để học hỏi, để tận hưởng sự công bằng – để sống.” Vì hoàn toàn đồng ý với ông nên tôi tích cực làm theo lời khuyên đó. Spence đã chỉ ra cho độc giả thấy cách để chiến thắng những cuộc tranh luận lành mạnh như tôi đã miêu tả trong cuộc tranh luận của mình ở trên. Thực tế, trong phòng xử án – tôi tham gia khá nhiều vụ xử với tư cách là tư vấn pháp lý – có những điều luật được đặt ra để đảm bảo rằng những bên tham gia cãi đều lắng nghe đối phương (trong một thời điểm, chỉ một người được phép nói và từng câu từng chữ đều được ghi âm lại), đều cư xử tôn trọng và không được thóa mạ đối phương. Những cuộc tranh luận này vẫn trở nên độc hại, nhưng hiếm hơn rất nhiều so với bên ngoài phòng xử án, trong cuộc sống thường nhật. Và khi một người làm như vậy, thẩm phán sẽ ngừng phiên tòa và gọi các bên vi phạm vào khu vực dự bị để khiển trách họ.

Dù sao, trong các tình huống bình thường, bạn cũng không có một vị thẩm phán giúp bạn thay đổi cục diện khi cuộc tranh luận chệch hướng. Và bạn cũng chẳng cần đến một vị thẩm phán, vì với LEAP, bạn sẽ có công cụ cần thiết để thổi một luồng không khí lành mạnh vào cuộc tranh luận độc hại, đã bế tắc và phá hoại quan hệ của bạn. Nhưng trước khi có thể sử dụng những công cụ này, bạn phải biết làm cách nào để nhận ra tình huống bạn cần đến chúng. Bạn sử dụng chúng càng sớm thì mối quan hệ của bạn càng ít bị tổn hại và bế tắc của bạn càng sớm được giải quyết.

Những cuộc tranh luận độc hại: Từ cộng tác đến kẻ thù trong sáu giây

Ray và Bob là những người bạn tốt của nhau. Thỉnh thoảng, họ lại làm việc chung. Là chủ hãng, Ray thuê Bob thiết kế một gói phần mềm để bán lại cho khách hàng. Một buổi chiều mùa hè nóng nực, họ đang đứng bên vỉ thịt nướng, mỗi người đã uống chừng sáu lon bia. Bữa tiệc được tổ chức với ý định chúc mừng thương vụ, nhưng khi Ray thông báo phần của Bob trong số tiền bán hàng, không khí đột nhiên trở nên căng thẳng. Bob nhìn không vui vẻ chút nào. Thấy bạn mình hoàn toàn không hài lòng với tin đó, Ray hỏi xem có vấn đề gì không. Bob không thoải mái vì ông đánh giá cao công việc, trả lời rằng có. “Thành thực mà nói, đó không phải những gì tôi trông đợi.”

“Ồ, tôi mừng vì cuối cùng anh cũng thành thật,”, Ray nói. “Vậy chính xác anh muốn điều gì?”

Một chút ngập ngừng vì câu mỉa mai của bạn, Bob đi thẳng vào vấn đề. “Khi bắt đầu, anh nói với tôi rằng tôi sẽ nhận 10% số tiền bán được, và bây giờ thì anh lại nói tôi chỉ được một nửa chỗ đó.”

“Tôi chưa bao giờ nói vậy!” Ray đột nhiên nói to, bia phun cả ra từ miệng ông.

“Chắc chắn là anh đã nói vậy. Thôi nào. Anh thực sự nghĩ rằng tôi sẽ bỏ mọi thứ để hùng hục làm việc này trong hai tuần nếu anh không hứa về phần tiền thưởng hay sao?”

“Ý anh là tôi nói dối?”

“Không. Có thể anh chưa nhớ ra thôi.”

“Tôi đã nói với anh rằng tôi muốn làm hợp đồng đàng hoàng, nhưng anh nói rằng không cần thế. Giờ thì có lẽ tôi đã hiểu vì sao.”

“Tôi không quên điều gì cả. Mười phần trăm là mười phần trăm!”

“Tôi nói rằng anh sẽ được mười phần trăm lợi nhuận chứ không phải tiền bán,” Ray tuyên bố chậm rãi như thể ông đang nói với một đứa trẻ.

“Đó không phải những gì anh đã nói Ray ạ.”

“Vậy anh cho là tôi nói dối!”

Chúng ta hãy tạm ngừng ở đây và nhìn lại những gì đã xảy ra. Sự lành mạnh trong cuộc tranh luận này đã biến mất nhanh chóng. Bê tông trong ngõ cụt đã bắt đầu đông cứng lại. Bob và Ray đã đấu hết hiệp này đến hiệp khác – tôi đếm ra được bốn lần – mỗi người buộc tội người kia phạm phải sai lầm chết người và duy trì sự đúng đắn tuyệt đối của mình. Không có nếu như, và, hay nhưng gì ở đây cả. Đáng lẽ họ phải ngừng lại ngay từ ngõ cụt đầu tiên, ngay từ “Tôi đúng, anh sai” đầu tiên:

Bob: “Khi bắt đầu, anh nói với tôi rằng tôi sẽ nhận mười phần trăm số tiền bán được, và bây giờ thì anh lại nói tôi chỉ được một nửa chỗ đó.”

Ray: “Tôi chưa bao giờ nói vậy!”

Bob: “Chắc chắn là anh đã nói vậy.”

Thay vào đó, cứ mỗi lần nói qua lại thì cuộc tranh cãi càng trở nên dữ dội hơn và cả hai người bạn đều cảm thấy bị xúc phạm rồi lại đáp trả bằng một lời xúc phạm. Ray cảm thấy mình bị gọi là kẻ dối trá. Đáng lẽ Bob nên dừng ngay tại thời điểm ông nghe thấy điều này; nhưng ông lại tiếp tục sa lầy và nói: “Có thể anh chưa nhớ ra thôi.” Lúc này, câu nói có vẻ như làm giảm mối nghi ngờ và thực sự ông có ý đó. Nhưng đó cũng là cách khác để khẳng định “Tôi đúng” có hàm ý xúc phạm, bởi vì dù không nói rõ ra nhưng nó đã ngầm buộc tội Ray rằng ông đã vô tình bóp méo tình huống. Ông đã hồn nhiên quên mất những gì mình hứa. Đó là một dạng hành động gọi là – anh đã cố tình muốn lừa tôi lúc đầu khó phát hiện ra vì nó rất tinh tế. Nói theo một cách nhẹ nhất thì nó không phải là một lời khen và chỉ như đổ thêm dầu vào lửa.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào kết quả. Ray đã có phản ứng thế nào với tuyên bố mà có thể Bob đã quên mất? Và ông đã đáp trả cảm giác xúc phạm mà bạn mình mang lại bằng câu: “Tôi đã nói với anh rằng tôi muốn làm hợp đồng đàng hoàng, nhưng anh nói rằng không cần thế. Giờ thì có lẽ tôi đã hiểu vì sao.” Bất kể là bạn ông thực sự có ý đó hay không thì Ray đã nghe câu “Anh chưa nhớ ra” như lời buộc tội rằng ông đã thay đổi giao kèo, cho dù chỉ là vô tình đi chăng nữa. Vậy nên ông cũng lăng mạ bạn mình mà chẳng kiêng dè gì. Cách xử sự này của ông đã mở ra một trận chiến mới. Ray đã muốn viết ra các điều khoản của thỏa thuận, nếu làm thế sẽ tránh được chuyện phiền phức này. Ai cũng dễ dàng tưởng tượng ra suy nghĩ của ông thế này, “Ồ khôôông, anh không muốn thế. Giờ thì có lẽ tôi hiểu tại sao!” Ý của Bob về việc Ray có lẽ đã quên không phải là một ý tồi, nhưng nói nó ra vào lúc này, theo cách này đã đẩy đến một cuộc tranh cãi độc hại.

Bảy thói quen cho một cuộc tranh cãi lành mạnh

Khi bạn thắng một cuộc tranh cãi, có thể bạn cảm thấy thân thiết và tin tưởng hơn với người mình vừa tranh luận, nhưng cũng có thể bạn thấy mất lòng tin và xa cách. Tôi luôn nói với mọi lứa đôi rằng nếu như cuộc tranh cãi của họ lành mạnh thì nó sẽ làm họ gần nhau hơn. Và nếu như đó là công việc hay một dạng quan hệ khác thì một cuộc tranh luận lành mạnh sẽ làm cho các bên cảm thấy tôn trọng và tích cực hơn về đối phương. Và đây sẽ là bảy thói quen cho một cuộc tranh cãi lành mạnh. Giống như tập thể dục và ăn kiêng vì bệnh tim mạch, những thói quen này không chỉ giúp bạn có một cuộc tranh luận lành mạnh mà còn giúp bạn tránh khỏi những cuộc cãi lộn độc hại.

Bảy thói quen cho một cuộc tranh cãi lành mạnh

1. Ngừng khẳng định rằng bạn đúng.

2. Không xúc phạm hay thóa mạ người khác.

3. Chọn đúng thời điểm.

4. Không bao giờ khẳng định tuyệt đối.

5. Không lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia.

6. Lắng nghe và đừng chống chế.

7. Kiểm chứng lại những gì bạn nghe.

Để minh họa rõ hơn cho tầm quan trọng của bảy thói quen này, chúng ta hãy cùng xem xét thêm một ví dụ về cuộc tranh luận còn độc hại hơn. Tôi gặp Kimberly và Jason khi làm bộ phim tài liệu cho hãng tin ABC về chủ đề các cuộc cãi vã đã đẩy hôn nhân đến đường cùng như thế nào. ABC đã ghi lại được hơn năm mươi giờ cãi nhau giữa Kimberly và Jason trong vài tháng bằng các camera bí mật giấu trong nhà họ. Kimberly là người phụ trách chương trình phát thanh của New York còn Jason thì chỉ ở nhà trông cô con gái 8 tuổi tên là Chloe. Gia đình chuyển đến đây vì yêu cầu công việc của Kimberly và Jason vô cùng bực bội vì anh phải bỏ việc để trông Chloe. Đây là trích đoạn một cuộc cãi vã của họ khi Jason nói rằng anh không nghĩ là Kimberly đánh giá đúng những gì anh đã làm vì cô ấy và vì gia đình:

JASON: Tôi thành một ông bố nội trợ cù lần mà chẳng được gì, và tôi nhẫn nhịn mọi thứ, tôi bị bẽ mặt, mọi thứ.

KIMBERLY: Anh biết gì không? Anh đã có thể đi làm từ một năm trước.

JASON: Một năm trước? Thật à! Ở đâu?

KIMBERLY: Bất cứ nơi nào anh muốn làm.

JASON: Ở đâu? Nào, nói tôi nghe.

KIMBERLY: Tôi không biết!

JASON: Ồ, thôi nào, Bà-Biết-Tuốt, nói tôi nghe!

KIMBERLY: Tôi không phải chịu trách nhiệm vì việc đó. Sao tôi lại phải chịu trách nhiệm với anh?

JASON: Cô có câu hỏi và hiển nhiên là cô biết câu trả lời, vì chính cô là người gây ra chuyện này.

KIMBERLY: Anh chỉ ngồi đó mà rên rỉ.

JASON (gắt lên): Tôi được gì? Tôi được gì nào?

KIMBERLY: Và tự hỏi vì sao không ai cho anh cái gì?

JASON (gắt lên): Tôi, tôi chỉ là kẻ nô lệ khốn nạn cho mọi người.

KIMBERLY: Được rồi. Được rồi. Tôi nghĩ là chúng ta đang cãi nhau trước mặt Chloe đấy.

JASON: Ồ, vậy tôi được gì?

KIMBERLY: Ồ, vậy thì lại có ai mắc nợ anh cái gì chứ hả Jason?

JASON (gắt lên): Hiển nhiên cô biết câu trả lời.

KIMBERLY: Không, chẳng ai nợ nần gì anh cả.

JASON: Tôi chưa bao giờ nói ai đó nợ gì tôi cả.

KIMBERLY: Ồ, vậy thì đừng có than thân trách phận nữa. Tội nghiệp cho tôi!

JASON: Được rồi. Vậy thì cô cuốn xéo đi!

Trong đoạn băng này, các bạn có thể thấy Chloe thở dài nặng nhọc. Ta thu được điều gì, nếu có, qua cuộc trao đổi này? Có thể ai đó cho rằng Jason và Kimberly đều muốn trút giận nên mới thế. Nhưng thực tế, cả hai đều thừa nhận rằng họ giận dữ hơn rất nhiều so với lúc bắt đầu tranh cãi. Vậy ta nhìn xem họ đã bỏ qua những thói quen lành mạnh nào?

1. Ngừng khẳng định rằng bạn đúng

Kimberly và Jason hết lần này đến lần khác, nhắc đi nhắc lại hoàn cảnh của mình và càng khiến ngõ cụt mà họ lâm vào trở nên vững chắc hơn. Hoàn cảnh của Jason là vợ anh không coi trọng anh, nhất là khi anh đã từ bỏ sự nghiệp của mình vì cô; Kimberly lại cho rằng anh ta quá cường điệu và hay rên rỉ – anh ta đã sai vì nếu muốn thì anh ta hoàn toàn có thể làm việc. Cứ lòng vòng như vậy thì thu được gì? Chẳng gì cả.

Bất cứ khi nào bạn khẳng định là bạn đúng thì bạn chỉ đạt được mục đích duy nhất là làm tăng thêm sự phòng thủ cũng như tính ngoan cố của đối phương về quan điểm của họ.

Nếu bạn thấy mình đang không được yêu cầu mà cứ nhắc đi nhắc lại vị trí của mình nghĩa là bạn đang khẳng định rằng bạn đúng. Nếu bạn lên giọng để diễn đạt cách nhìn nhận của mình, cũng mang lại hiệu quả tương tự. Và bất cứ khi nào bạn khẳng định là bạn đúng thì bạn chỉ đạt được mục đích duy nhất là làm tăng thêm sự phòng thủ cũng như tính ngoan cố của đối phương về quan điểm của họ.

2. Không xúc phạm hay thóa mạ người khác

Mặc dù câu buộc tội “anh chỉ ngồi một chỗ rên rỉ” không hẳn là một dạng xúc phạm “anh là đồ nọ đồ kia” – cô ấy không hề nói “anh đúng là đồ hay rên rỉ” – nhưng tôi chắc chắn là Jason nghĩ như vậy. Sau này, anh cũng tiết lộ rằng anh đã nghe câu “thôi đừng có than thân trách phận nữa. Khổ thân tôi!” như một lời lăng mạ khác. Anh cảm thấy như Kimberly đã gọi anh là đồ tử vì đạo. Khi anh gọi cô là “Bà-biết-tuốt,” Jason đã xúc phạm trực tiếp hơn cả Kimberly. Và chúng ta hoàn toàn có thể đoán trước được là cô cảm thấy bị anh buộc tội là ngạo mạn và quá quắt.

Dù bạn nghĩ là ai đúng ai sai trong trường hợp này thì cũng không quan trọng. Điều quan trọng là việc chúng ta gọi đối phương là “đồ nọ, đồ kia”, ta cũng làm cho họ phản ứng mạnh hơn, giận dữ hơn và tàn nhẫn hơn.

Đôi khi việc gọi người khác là “đồ nọ, đồ kia” lại quá rõ ràng. Khi bạn thấy mình đang gọi ai đó là đồ ngu, ích kỷ, vô tâm… thì bạn chỉ còn cách trông đợi họ sẽ phản ứng mạnh hơn và sẽ nhận lại hậu quả của việc ném qua ném lại những lời lăng mạ. Cũng có khi việc gọi “đồ nọ, đồ kia” khó nhận thấy hơn. Khi bạn thấy mình đang coi ý kiến của đối phương là ngờ nghệch, ngớ ngẩn hay khờ dại thì tôi chắc chắn rằng anh ấy sẽ hiểu những tính từ đó là để chỉ đích danh anh ấy. Và còn nữa, chúng ta ai cũng có những “điểm đen” mà chẳng may chạm phải nó thì sẽ làm chúng ta hóa điên. Giống như chồng của bạn tôi khi cãi nhau với cô ấy về chuyện tiền bạc thì hay nói, “cô giống hệt như mẹ cô.” Không hẳn đây là một lời lăng mạ… trừ khi bạn biết mẹ cô ấy!

Bất kỳ khi nào ta gọi đối phương là “đồ nọ, đồ kia”, ta cũng làm họ phản ứng mạnh hơn, giận dữ hơn và tàn nhẫn hơn.

3. Chọn đúng thời điểm

Họ cãi nhau vào thời điểm kinh khủng là khi cả hai đều đã mờ mắt vì cơn giận. Kể cả không cần cuốn băng ghi lại thì có lẽ bạn cũng hiểu họ đã giận đến thế nào thì mới nói năng như thế (“cù lần”, “cô xéo đi”), vấn đề là họ liên tục ngắt lời và chặn họng nhau, họ gọi nhau bằng những cái tên khác và điều tệ hại nữa là họ tiếp tục cãi nhau trước mặt con gái, ngay cả sau khi đã nhận ra mình đang làm gì.

Nói một cách tích cực hơn, họ không lôi kéo con gái vào việc đứng vào phe nào. Tuy nhiên, sau đó, khi được hỏi về nhận thức của họ đối với sự có mặt của Chloe, họ đều đồng ý rằng điều này không tốt cho cô bé và sự hiện diện của cô bé làm cho họ cảm thấy cần phòng bị nhiều hơn.

Đừng đưa ra vấn đề có nguy cơ gây nổ khi bạn bước chân ra cửa đi làm hay khi trở về nhà sau một ngày làm việc dài mệt mỏi hoặc khi đối phương của bạn đang cực kỳ cáu kỉnh. Có thể không có thời điểm nào là lý tưởng, nhưng bạn phải biết rằng có những thời điểm tốt hơn thời điểm khác và có những thời điểm sẽ trở thành thảm họa nếu bạn đưa ra vấn đề tranh luận.

4. Không bao giờ khẳng định tuyệt đối

Kimberly và Jason đều rất thích những câu khẳng định tuyệt đối. “Cô luôn luôn blah, blah, blah…”, Jason nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc cãi lộn. “Anh chưa bao giờ nghĩ đến tôi; anh chỉ nghĩ đến anh thôi,” cũng là một trong những câu thần chú của Kimberly. Những câu đáp cho những lời khẳng định tuyệt đối kiểu này bao giờ cũng đầy tính phòng vệ. Trong suốt cuộc cãi lộn, cứ khi nào Kimberly nói: “Luôn là một điều gì đó, anh không bao giờ biết vừa lòng…,” thì Jason lại có ngay một kiểu phòng vệ nào đó. Chắc chắn là vậy. Dường như anh ta chỉ nghe được duy nhất hai từ “luôn luôn” và “không bao giờ”. Anh coi nó là lời chỉ trích, và thực chất chúng là vậy. Nhưng không may, lúc đó anh quá giận và tính phòng thủ quá cao nên anh chẳng nghe được gì ngoài hai từ đó. Kết quả là một ngõ cụt.

Đưa ra những khẳng định tuyệt đối cũng giống như ta ấn nút “im lặng” trong đoạn băng thu âm của mình. Môi của chúng ta vẫn mấp máy nhưng không có âm thanh nào phát ra cả.

Để công bằng, tôi sẽ giới thiệu một tình huống khác mà hai vợ chồng cãi nhau vì Jason mong muốn có nhiều hơn một “đêm vui chơi” trong tuần đó. Khi Jason nhắc lại những từ của Kimberly đã nói, “luôn luôn” và “không bao giờ” trở thành một điệp khúc khó chịu. Kimberly nổi cáu, mặt cô sa sầm lại ngay khi Jason buộc tội rằng cô không bao giờ hài lòng với anh và luôn tìm cách quản lý anh. Và cô đã phản ứng thế nào? Máu nóng của cô sôi sùng sục và cô bắt đầu nổi điên.

Khi chúng ta dùng những lời khẳng định tuyệt đối, khi chúng ta buộc tội ai đó là không bao giờ làm việc này, việc kia hoặc chắc chắn sai lầm, chúng ta đã không nói sự thật (không ai là thế nào đó 100% cả) và tức khắc một chuỗi phản ứng sẽ được ném trả. Đối phương cũng sẽ không nghe chúng ta nói nữa. Dùng những lời khẳng định tuyệt đối cũng giống như ta ấn nút “im lặng” trong đoạn băng thu âm của mình. Môi của chúng ta vẫn mấp máy nhưng không có âm thanh nào phát ra cả.

Benjamin Franklin là bậc thầy về ngoại giao với nghệ thuật phá vỡ bế tắc để tìm kiếm những giải pháp đôi bên cùng có lợi. Trong cuốn tự truyện của mình, Franklin viết: “Tôi đề ra một quy tắc phải dung hòa mọi mâu thuẫn trực tiếp về cảm xúc của mọi người và tránh mọi khẳng định tuyệt đối của riêng tôi. Thậm chí tôi còn cấm mình không được dùng bất cứ từ ngữ hay lời nói nào có thể mang hơi hướng một ý kiến chắc chắn như là “hiển nhiên,” “không nghi ngờ gì nữa,”… Đầu tiên, tôi phải áp dụng cách này một cách hơi thô bạo cho tính khí tự nhiên của mình, sau dần cũng dễ hơn và rồi thành thói quen. Vì thế mà trong suốt 50 năm qua, không có ai nghe thấy một lời giáo huấn nào thoát ra từ miệng tôi cả.” Nói một cách ngắn gọn, vì Franklin hiểu rõ ràng rằng, chắc chắn 100% về điều gì đó hay sử dụng các khẳng định tuyệt đối sẽ làm cho đối phương không có cơ hội nào để phản bác – cũng có nghĩa là không có cách nào để giữ thể diện – và không có lựa chọn nào ngoài việc châm lửa ném trả lại bạn.

Nếu bạn thấy mình đang buộc tội ai đó là luôn luôn hoặc không bao giờ làm việc gì thì bạn đang sử dụng các khẳng định tuyệt đối đấy. Và nếu, không giống như Benjamin Franklin, bạn cảm thấy bắt buộc phải chuyển tải được 100% niềm tin vào ý kiến của mình bằng những cụm từ như “không còn nghi ngờ gì nữa,” “chắc chắn là,” và “hiển nhiên là,” thì bạn chỉ có thể mong đợi đối phương của mình trở nên phòng ngừa hơn và càng bám chặt hơn vào ý kiến của họ.

5. Không lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia

Kimberly và Jason đều sa lầy vào việc lan man: Họ không tập trung vào một chủ đề. Thay vào đó, họ lại làm tổn thương nhau, cáo buộc nhau và quên mất những mâu thuẫn âm ỉ ban đầu. Ví dụ, Jason thấy sau khi Kimberly đi làm về và cả nhà đã ăn tối cùng nhau thì đáng lẽ cuối ngày anh phải được tụ tập ở quán bar với mấy người bạn láng giềng. Anh muốn trong tuần phải có được năm tối như vậy và tin rằng đó là quyền được giao tiếp xã hội sau cả một ngày chỉ loanh quanh trong nhà. Anh rủ Kimberly đi cùng nhưng vì hôm sau cô còn phải dậy sớm đi làm nên thường khi anh chuẩn bị ra ngoài thì cô đi ngủ. Kimberly không bằng lòng với việc Jason đi bar và cô cũng lo lắng có thể anh sẽ lừa dối cô. Đó mới là bế tắc cơ bản với những vấn đề nghiêm trọng ẩn phía sau. Jason nghĩ rằng anh có thể ra ngoài thoải mái như anh muốn sau khi vợ đã đi ngủ, còn Kimberly thì nghĩ anh không nên ra ngoài quá một lần trong tuần. Không ai trong hai người muốn nhượng bộ nhau. Mỗi lần chủ đề này được nêu ra là Jason lại lặp lại chuyện vì hỗ trợ cho sự nghiệp của vợ mà anh phải từ bỏ công việc yêu thích của mình. Vì lý do này cũng như hàng loạt hi sinh khác mà anh có thể liệt kê, anh thấy việc ra ngoài là “quyền lợi chính đáng” của anh. Về phần mình, Kimberly cố gắng chống lại bất cứ lời buộc tội nào mới xuất hiện. Và như thế, thay vì chỉ cãi nhau trên một mặt trận đơn lẻ, họ đã kết thúc bằng một cuộc chiến trên nhiều chiến tuyến cùng một lúc, và thường quên khuấy mất mâu thuẫn ban đầu là gì.

Nếu bạn chợt thấy rằng mình không nhớ nổi vì sao lại cãi nhau, bạn đã bị chuyện nọ xọ chuyện kia và sẽ chẳng đến được đâu cả ngoài việc đi càng ngày càng xa khỏi giải pháp.

Nếu bạn chợt thấy rằng mình không nhớ nổi vì sao lại cãi nhau, bạn đã bị chuyện nọ xọ chuyện kia và sẽ chẳng đến được đâu cả ngoài việc đi càng ngày càng xa khỏi giải pháp.

6. Hãy lắng nghe và đừng chống chế

Nhìn lại những đoạn trích trên, tôi không tìm được một đoạn nào mà người này nghe người kia một cách rõ ràng mà không có cảm giác đang bị ép phải tự vệ và chống trả lại. Jason có nghe một lời nào vợ mình nói không? Cô đã nói với anh rằng bản thân cô cũng cảm thấy không được coi trọng, và câu trả lời của anh là buộc tội cô đã chỉ trích anh. Anh không thực sự lắng nghe những gì cô nói; anh phản ứng lại với nó – một cách đầy phòng ngự. Vì Kimberly không thấy mình được lắng nghe nên cô nói to lên và cứng rắn hơn đồng thời cố gắng tự vệ trước những lời buộc tội tiếp theo của chồng. Nhưng bản thân Kimberly cũng không khá gì hơn Jason trong việc lắng nghe mà không phòng thủ hay không chống trả lại. Cô chẳng thu được gì khi tự vệ trước những lời buộc tội của Jason cho rằng cô chính là nguyên nhân nỗi bất hạnh của anh. Và niềm tin của họ, sự tôn trọng lẫn nhau cũng như khả năng kiểm soát cơn giận của mình, càng ngày càng mòn đi.

Nếu bạn thấy mình nói “nhưng mà”, nghĩa là bạn đang tìm cách chống chế hơn là lắng nghe, kiểu như “tôi hiểu những gì anh nói, nhưng tôi…” Nếu bạn nhận ra đối phương của bạn cũng đang tìm cách phòng thủ thì rất có thể bạn cũng vậy.

7. Kiểm chứng lại những gì bạn nghe

Kiểm chứng những gì ai đó nói với bạn là một công cụ hiệu quả. Thực tế, đó chính là nền tảng của phương pháp LEAP. Đó là cách để người khác biết rằng bạn nghe những gì họ nói và bạn hiểu ý tưởng của họ.

Đó cũng là một cách đơn giản để hạ nhiệt cuộc cãi nhau cũng như xây dựng niềm tin giữa hai bên. Nhưng công cụ này thường bị bỏ qua. Kimberly và Jason không phải là ngoại lệ. Nếu xem lại trao đổi của họ, bạn sẽ không thấy một đoạn nào họ kiểm chứng lại những gì người kia nói. Mỗi lời gây tổn thương, mỗi ý kiến hay câu phàn nàn đều xuất hiện rồi bị bỏ qua. Người nói không hề biết rằng người nghe có thực sự lắng nghe và hiểu mình không. Để tôi nói rõ hơn cho các bạn.

JASON: Tôi thành một ông bố nội trợ cù lần mà chẳng được gì, và tôi nhẫn nhịn mọi thứ, tôi bị bẽ mặt, mọi thứ.

KIMBERLY: Anh biết gì không? Anh đã có thể đi làm một năm trước.

Bạn có nghĩ là Jason thấy Kimberly hiểu anh không? Chắc chắn cô có nghe anh nói vì sự tự vệ và chống trả của Kimberly dựa trên đó. Nhưng cô có hiểu anh không? Cô có kiểm chứng lại những gì cô nghe thấy, đại loại như: “Nếu em hiểu đúng thì anh thấy tủi thân vì anh phải làm một ông bố nội trợ. Phải thế không?” Tôi không phải băn khoăn về phản ứng của Jason khi nghe cô nói những lời này vì không lâu sau khi tôi hướng dẫn Kimberly cách kiểm chứng lại những gì cô nghe thấy thì kết quả là những gì tôi đã chứng kiến vô số lần. Jason đã bớt giận dữ, cảm thấy gần gũi hơn với Kimberly, và sẵn sàng lắng nghe cô hơn. Anh thấy cô hiểu suy nghĩ của anh – không phải là cô đồng tình – vì thế anh bớt cảm giác phòng ngự.

Nếu đối phương buộc tội bạn là không lắng nghe và không thấu hiểu họ, họ đã đúng. Đây là một trong số những lý do khiến thẩm phán và bồi thẩm đoàn chỉ tập trung vào người có vẻ hiểu nhầm hoặc không lắng nghe. Nếu ai đó nói: “Anh không hiểu rồi” thì có thể là bạn đã không kiểm chứng lại những gì bạn nghe được.

Nếu đối phương buộc tội bạn là không lắng nghe và không thấu hiểu họ, họ đã đúng.

Bảy thói quen lành mạnh này có thể áp dụng cho mọi cuộc tranh luận và thực sự quan trọng nên tôi sẽ dẫn lại ở đây lần nữa.

1. Không nên khăng khăng rằng mình đúng – cứng rắn thì chẳng thu được gì và còn làm cho đối phương cứng đầu hơn.

2. Không dùng những câu hàm ý xúc phạm hoặc những kiểu thóa mạ “đồ nọ, đồ kia” – điều đó chỉ làm cho mọi người chống trả quyết liện hơn, giận dữ hơn và tàn nhẫn hơn.

3. Hãy chọn đúng thời điểm – hãy thận trọng nếu như đối phương đang quá giận, quá bực bội, quá mệt mỏi hoặc căng thẳng nên không thể tiếp thu được ý kiến của bạn.

4. Không bao giờ khẳng định tuyệt đối – mọi người trở nên phòng ngự hơn khi chúng ta sử dụng những khẳng định tuyệt đối chống lại họ.

5. Không lan man chuyện nọ xọ chuyện kia – những chuyện trong quá khứ sẽ làm cho cơn giận và sự chống chế leo thang đồng thời làm lệch hướng các vấn đề ngay tập lức.

6. Hãy nghe và đừng chống chế – khi bạn chống chế, đối phương sẽ không cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu và bản thân họ cũng trở nên phòng thủ hơn.

7. Kiểm chứng lại những gì bạn nghe được – đây là một trong những cách hiệu quả nhất để hạ nhiệt cuộc cãi nhau và đồng thời làm cho đối phương cởi mở hơn với quan điểm của mình.

Những cuộc tranh cãi độc hại:

Cẩn thận với ba chữ E

Bây giờ bạn đã có bức tranh toàn cảnh về những thói quen lành mạnh, vậy làm sao bạn có thể nhận ra khi nào mình bỏ lỡ chúng? Có ba dấu hiệu cảnh báo rằng một cuộc tranh cãi đang trở nên độc hại và chắc chắn sẽ phá hỏng mối quan hệ của bạn. Tôi gọi chúng là ba chữ E: Lẩn tránh (Evasion), Leo thang (Escalation) và Lộn xộn (Entropy).

• Lẩn tránh (Evasion): Một trong hai hoặc cả hai người đều tránh thảo luận cùng nhau về một vấn đề nào đó vì chắc chắn chúng không đi đến đâu và sẽ làm bạn hoàn toàn nản chí.

• Leo thang (Escalation): Bất kỳ khi nào nói về chuyện này, mọi thứ đều xấu đi – hai người – buộc tội nhau, rồi gán ghép những cái tên “đồ này, đồ nọ” – và kết thúc là bạn thấy giận dữ hơn hoặc thất vọng hơn lúc ban đầu. Không may là Kimberly và Jason đều như vậy, họ đều rất lão luyện trong việc leo thang.

• Lộn xộn (Entropy): Một cuộc tranh cãi độc hại sẽ cướp đi mất của cả hai bên năng lượng cần thiết để giải quyết mâu thuẫn. Không có việc gì được thực hiện và không ai còn năng lượng để quay lại vấn đề này lần nữa.

Cách ứng xử này nghe có vẻ hơi trẻ con đối với bạn nhưng khi trưởng thành, chúng ta lại cư xử giống trẻ con hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Khi một người vợ “quên” không lấy bộ complet của chồng ở tiệm giặt vì người chồng đã “quên” không lấy sữa; hoặc khi chúng ta cãi nhau với một người bạn và bắt đầu đặt trò ngớ ngẩn là xem ai sẽ phải là người xuống nước gọi điện trước, chúng ta đều đang thể hiện ít nhất một chữ E trên kia.

Người ta thường xuyên tham gia vào các cuộc chiến gay gắt này, giống như một vết thương bị nhiễm trùng, nó sẽ mưng mủ cho đến khi tẩm độc vào mối quan hệ. Đó là lý do vì sao việc nhận ra khi nào cuộc tranh cãi bắt đầu trở nên độc hại là rất quan trọng, vậy nên bạn có thể điều chế thuốc giải độc trước khi chất độc lan rộng. Đây là ví dụ thực tế từ cuộc sống cá nhân của tôi khi có thể nhận ra dễ dàng cả ba chữ E.

Tôi có bốn anh em trai. Một em tôi vừa cai nghiện rượu về, tên là Sam. Bây giờ tôi rất tự hào về Sam. Cậu ấy rất đúng mực và hoàn toàn cởi mở về chuyện cậu đã từng nghiện rượu. Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng thế.

Mấy năm trước, mẹ tôi gọi điện và nói là Sam sẽ đến ở nhờ nhà mẹ vì cậu đang chờ việc. Tôi phản đối ngay lập tức.

“Mẹ,” tôi nói, “Nó không chỉ chờ việc thôi đâu! Nó lại uống rượu và con nghĩ đó là một ý tưởng chẳng hay ho gì đâu.”

“Ôi, lạy Chúa tôi!”, bà buột miệng nói tiếng Tây Ban Nha, mỗi lần thất vọng bà đều thế. “Nó là em của con, con không nên nói vậy!”

“Nhưng đó là sự thật. Đêm qua nó gọi con và lè nhè. Mẹ phải biết là nó uống rượu trở lại rồi.”

“Nó nói với mẹ là nó không hề uống. Con không nên nói vậy.

Không ra dáng một ông anh tốt chút nào. Gia đình phải bảo vệ nhau chứ.”

“Con là một ông anh quá tốt mẹ ạ. Mẹ nhìn xem, trước kia nó đã nói với con là nó không uống và rồi sau đó mẹ đã thấy nó say khướt – thôi nào, mẹ đừng phủ nhận thế!”

Không có lời đáp. Và tôi nghe thấy tiếng mẹ nấc. Tôi nói: “Con biết là mẹ không muốn nghe điều này, nhưng chỉ một hai tuần nữa, mẹ sẽ lại gọi con và bảo con nói chuyện với nó vì nó lại uống rượu. Mẹ sẽ lại nói với con là mẹ không thể sống nổi với nó khi nó như thế và bảo con nói nó chuyển đi. Mẹ không thể giúp nó nếu cứ chối bỏ sự thật thế này.”

“Thôi đủ rồi!” mẹ tôi hét vào điện thoại. “Em con nói rằng nó không uống và mẹ tin nó. Đủ rồi.” Tôi lại nghe tiếng bà nấc lên lần nữa và tôi dừng cuộc đối thoại: “Được rồi, tùy mẹ nhưng đừng bảo con giúp nếu mẹ lại thấy nó uống và say khướt.”

Chúng tôi đã lâm vào ngõ cụt. Tôi chắc chắn là tôi đúng, còn bà thì chắc chắn là tôi sai. Cả hai chúng tôi đều nổi giận. Mặc dù cơn giận của bà cũng lắng xuống khi tôi xin lỗi bà nhưng lời xin lỗi của tôi không giải quyết được bế tắc.

Mấy tuần sau đó chúng tôi đều lẩn tránh. Chúng tôi nói về mọi chuyện trừ những gì dính đến Sam. Rồi một ngày bà gọi tôi và gần như thú nhận là có thể nó lại uống rượu nhưng bà không nghĩ thế. Vẫn bế tắc trong việc muốn mình đúng – thay vì tập trung vào những gì tôi cần đó là khiến bà đặt ra vài giới hạn cho em trai tôi – tôi lại một lần nữa đối đầu với sự phủ nhận của bà. Đúng như dự đoán, cuộc gọi lại biến thành một cuộc cãi nhau mà một lần nữa cả hai chúng tôi đều leo thang bằng cách gán cho nhau những cách gọi rất khó nghe (bà là người từ chối sự thật và tôi là một thằng anh tồi), không lắng nghe, và tất nhiên không kiểm chứng lại những gì mình hiểu về ý kiến của người kia. Dù sao, bà là mẹ Sam nên để nhận ra và chấp nhận những gì đang xảy ra đối với bà thực sự khó khăn hơn là đối với tôi. Mẹ tôi kiên quyết bảo vệ cho con trai mình. Bà không chấp nhận một lời nói xấu nào về những thiên thần của bà – trong đó có cả tôi. Nhưng lúc đó, tôi đã không sử dụng vai trò người trong cuộc nhằm làm mình dịu xuống để sử dụng bất kỳ thói quen lành mạnh nào trong tranh luận – mặc dù tôi biết rõ chúng.

Và chỉ sau vài lần nói qua nói lại, sự lộn xộn diễn ra rất nhanh. Chúng tôi tránh chủ đề này. Mãi cho đến khi Sam tái nghiện thực sự và phải tham gia một đợt điều trị. Không may, lúc đó, cãi nhau chẳng để làm gì nữa – tôi không có nhu cầu được khẳng định mình đúng, và mối quan hệ giữa hai mẹ con chúng tôi đã bị tổn thương mặc dù đến sau này tôi cũng có thể hàn gắn lại.

Hãy luyện tập bảy thói quen cho một cuộc tranh luận lành mạnh cũng như học cách nhận ra ba chữ E. Như thế, bạn sẽ bắt đầu điều khiển được cơn thủy triều và dựng ra vũ đài để đạt được những gì bạn cần. Bây giờ, bạn đừng nghĩ mình phải có được điều đó ngay. Hoặc thậm chí là bạn có thể làm được việc đó. Có thể là vì bạn đã cãi nhau theo cách truyền thống quá lâu. Nhận ra điều này, và hiểu rằng nóng lòng cố gắng thuần thục một kỹ năng mới ngay lập tức chắc chắn sẽ là cách ngắn nhất để đảm bảo bạn sẽ lâm vào một ngõ cụt vĩ đại với chính bản thân mình. Vậy thì hãy nhớ lại một vài trận cãi vã của bạn với bạn bè hoặc những người thân yêu – những trận lớn nhất và cả những trận không quá lớn. Bạn nhận ra điều gì? Bạn có cảm giác như mình đã dùng đến những khẳng định tuyệt đối, do đó làm họ trở nên xa cách không? Bạn có cố gắng để tranh luận những chuyện quan trọng nhất ở những thời điểm tồi tệ nhất, và chẳng đảm bảo được điều gì ngoài những cơn giận dữ và mệt mỏi không? Có thể bạn khẳng định bản thân mình và rồi thay vì lắng nghe đối phương, bạn lại chỉ chực chờ đến lượt mình để nói tiếp? Hoặc có thể bạn chỉ cố né tránh vấn đề, hi vọng mọi thứ sẽ trở lại trạng thái ban đầu, ngay cả khi từ sâu thẳm trái tim mình, bạn biết rằng chuyện đó sẽ không xảy ra. Bất kể thói quen của bạn là gì, bạn thuộc kiểu người nào, hiểu điều này nhờ sự cảnh giác trước các dấu hiệu cảnh báo và phát triển kỹ năng tranh cãi lành mạnh thì bạn đã đi đúng con đường đạt được những gì bạn cần và củng cố các mối quan hệ của bạn.

Những công cụ mà tôi cung cấp cho bạn trong những trang tiếp theo sẽ giúp bạn làm được điều này, và còn hơn thế nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.