Vì sao ông Ackroyd chết

Chương mười hai



Bà Ferrars và ông Ackroyd được an táng vào buổi sáng hôm sau. Sau lễ an táng, Poirot kéo tôi sang một bên. Tôi sợ ông ta trách tôi đã tiết lộ chuyện về chiếc nhẫn vàng, do đó mà tất cả thị trấn này đều biết; nhưng tôi đã nhầm.

– Tôi muốn ông giúp tôi một việc – Poirot nói – Tôi định hỏi một người đàn ông và sẽ làm cho hắn ta vì sợ hãi mà phải nói ra tất cả mọi chuyện.

– Người đó là ai? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

– Parker! Tôi đã yêu cầu hắn ta tới nhà tôi vào lúc 12 giờ trưa nay.

– Ông nghĩ là Parker đã dọa dẫm bà Ferrars à?

– Tôi không biết – Poirot trả lời và nghiêm chỉnh nói thêm – Tôi cũng đoán là hắn ta.

Mười hai giờ trưa hôm đó, đúng hẹn, Parker tới nhà Poirot. Với một nụ cười trên môi, người đàn ông quốc tịch Bỉ mời Parker ngồi; đột nhiên, nụ cười biến mất và thay vào đó là một câu hỏi:

– Ông có nhiều kinh nghiệm trong việc đe dọa người khác có phải không?

– Thưa ông? – Parker bật đứng lên.

– Đừng hồi hộp quá ông bạn ạ – Poirot bình tĩnh nói – Ông có nên giả vờ không hiểu câu hỏi vừa rồi của tôi?

– Thưa ông, tôi, tôi không bao giờ! Parker lắp bắp đáp lại.

– Tại sao ông lại tỏ ra lo lắng khi nghe trộm câu chuyện ở phòng làm việc của ông Ackroyd vào buổi tối hôm trước, sau khi ông đã được nghe những lời đe dọa?

– Tôi… không… tôi…

– Ai là người chủ cuối cùng của ông trước khi ông đến làm cho ông Ackroyd? – Poirot ngắt lời.

– Thưa ông, thiếu tá Ellerby.

– Phải, thiếu tá Ellerby, một người đàn ông buôn thuốc phiện. Ông đã từng theo ông ta đi nhiều nơi. Ở châu Mỹ, các ông có gây ra một việc không hay ho gì. Một người đàn ông bị giết và thiếu tá Ellerby, ông chủ của ông, cũng có một phần tội lỗi trong đó phải không? Thiếu tá Ellerby đã trả ông bao nhiêu tiền để bịt kín miệng ông lại, ông Parker?

Parker nhìn Poirot với cặp mắt đầy sợ hãi, khuôn mặt trở nên trắng nhợt và khó khăn lắm mới mở mồm ra được:

– Đúng, thưa ông, những lời ông nói là đúng sự thật – Parker thú nhận – Nhưng tôi không bao giờ làm hại đến một sợi tóc trên đầu ông Ackroyd. Ông Poirot, có Chúa chứng giám, tôi không giết ông Ackroyd đâu.

– Tôi sẵn sàng tin ông – Poirot trở lại vấn đề – Ông không có can đảm để làm điều đó. Tốt, thế thì ông hãy nói tất cả cho tôi nghe đi.

– Thưa ông, đúng là tôi đã nghe trộm ở ngoài cửa – Parker khốn khổ nói – Tôi đã nghe thấy những lời đe dọa, thưa ông, và tôi đã nghĩ là ông Ackroyd đã bị đe dọa.

– Ông có thể nói rõ điều đó hơn được không?

– Thưa ông, tôi đã không có đủ thời gian để nghe được hơn nữa. Lúc đầu, tôi định nghe thì bác sỹ Sheppard ra và suýt nữa bắt gặp tôi. Sau đó đến lượt ông Raymond đi qua về phía phòng làm việc của ông Ackroyd. Khi tôi cầm chiếc khay tới thì cô Flora đã ngăn tôi lại.

– Ông có đem ví tiền của ông đến đây không? – Poirot hỏi.

– Có, thưa ông, đây.

Hắn ta đưa cho Poirot ví tiền: tập tiền trong ví rất mỏng, rõ ràng đây không phải là kết quả của một sự đe dọa, Poirot trả lại ví cho Parker và nói hắn ta có thể về được.

– Chúng ta hãy tới thăm ông Hammond đi – Poirot yêu cầu tôi sau khi Parker đi khỏi – Rõ ràng là Parker nghĩ rằng ông Ackroyd bị đe dọa và hắn ta không biết tí gì về bà Ferrars cả.

Ở trong phòng luật sư, sau một vài trở ngại, chúng tôi đã phát hiện ra rằng số tiền mà bà Ferrars đã phải rút ra trong vòng một năm sau khi ông chồng chết, lên tới hai mươi nghìn bảng.

– Trời ơi, hai mươi nghìn – Tôi thốt lên – Trong vòng một năm!

– Tuy rất giàu – Poirot chậm rãi nói – vậy mà sự đe dọa của thằng giết người đối với bà Ferrars cũng không lấy gì làm dễ chịu cho lắm.

Khi trở về, Poirot nói với tôi:

– Ông bạn này, không biết bây giờ Parker sẽ làm gì với hai mươi nghìn bảng? Hắn ta có thể cứ giữ mãi địa vị của một người hầu nữa không? Còn lại những người khác trong nhà ấy, Raymond và thiếu tá Blunt thì sao nhỉ?

– Nhưng Raymond có nói với ông là anh ta không có khó khăn về tài chính với một khoản tiền hơn 500 bảng cơ mà – Tôi nhấn mạnh – và tôi không thể tin là ông Blunt có tham gia vào đấy.

– Tôi đã tiến hành điều tra – Poirot ngắt lời – của hồi môn của thiếu tá Blunt đúng là 20 nghìn bảng.

– Không thể được – Tôi nói – Một người đàn ông như Blunt ư?

– Ai mà biết được? Thú thực là tôi đã lấy làm khó nghĩ khi coi Blunt là người đã đe dọa bà Ferrars. Song, có một khả năng khác là ông Ackroyd có thể đã tự hủy cái bức thư ấy và vứt nó vào trong lò sưởi.

– Tôi không nghĩ như thế đâu – tôi chậm rãi nói – Việc đó chỉ xảy ra khi ông ấy thay đổi ý nghĩ của mình mà thôi.

Về tới nhà, chúng tôi gặp Caroline.

– Chào ông Poirot, ông đã tìm thấy Ralph chưa? – Caroline hỏi Poirot – Hình như là ông đã đi đến Cranchester rồi nhỉ?

– À, cái việc ấy à? Đúng là tôi đã đi đến Cranchester, song, tôi đã tới đó để nhổ một chiếc răng sâu.

Caroline bất mãn nhìn Poirot; sau đó chị tiếp tục nói:

– Tôi không bao giờ tin kẻ giết người lại ở ngay trong nhà ông Ackroyd – Caroline nói – Tất cả bọn họ giống như những kẻ đồng lõa trừ Flora và Ralph; hai người này không làm điều đó đâu, tôi chắc chắn như vậy.

– Ralph là một con người rất yếu đuối – Tôi nói thêm – song, anh ta không phải là một người xấu.

– Thế thì sự yếu đuối sẽ kết thúc ở đâu? – Poirot hỏi.

– Rất chính xác – Caroline phụ họa – Hãy xem James đây này, yếu như sên ấy, nhưng James rất hạnh phúc. Tôi hơn James có 3 tuổi và tôi phải trông coi James đấy.

– Đừng có nói linh tinh, chị Caroline – Tôi hơi khó chịu.

– Chúng ta hãy đề cập tới một người đàn ông – Poirot nói bằng một giọng lạ lùng và xa xôi – Đó là một con người bình thường, không có ý thức của một con người trong trái tim anh ta. Nhưng ẩn sâu trong lòng của con người đó, thể hiện qua vẻ bên ngoài, người ta thấy một sự yếu đuối nào đó. Đột nhiên có một chuyện gì đó xảy ra, và rất tình cờ, anh chàng kia biết được hoàn toàn một câu chuyện bí mật; một câu chuyện bí mật có nghĩa là sự sống hay cái chết của một người khác. Đầu tiên, anh chàng đó muốn khơi câu chuyện bí mật ra, nhưng sau đó, cái yếu trong con người anh ta đã ngăn ý định đó lại. Rồi sau đấy, anh ta nhận ra dịp để kiếm tiền, không những thế mà còn nhiều tiền nữa là đằng khác. Song anh bạn đó không thể dùng áp lực mãi với kẻ xấu số nọ được nữa. Cái gì cũng vậy, đều phải có giới hạn. Cuối cùng, kẻ biết chuyện bí mật kia phải nói ra sự thật. Và bây giờ thì người đàn ông của chúng ta đã phải đối mặt với sự nguy hiểm, nếu như những bí mật về việc anh ta từng làm bị lộ ra. Anh chàng ấy không thể chịu đựng nổi sự thất bại, và như vậy, con dao đã đâm vào tội lỗi. Sau đấy, người đàn ông đó lại trở lại như những con người bình thường khác. Nhưng nếu cần thiết, anh ta sẽ lặp lại sự việc một lần nữa.

– Ông đang nói về Ralph Paton phải không? – Caroline hỏi – Có thể ông đúng, và cũng có thể ông sai, nhưng ông không thể buộc tội cho một con người mà ông không hề quen biết.

Ngay lúc đó, có tiếng chuông điện thoại. Tôi ra nghe điện thoại và chạy vào ngay để báo cho Poirot và Caroline tin tức tôi vừa nhận được.

– Cảnh sát vừa bắt được một người đàn ông ở Liverpool – Tôi nói – Tên hắn là Charles Kent. Họ mời tôi đi ngay Liverpool bây giờ để nhận dạng xem hắn có phải là kẻ lạ mặt đã tới Fernly Park vào buổi tối hôm ấy không.

Một tiếng rưỡi đồng hồ sau, thanh tra Raglan, Poirot và tôi đã ở trên chuyến tàu đi Liverpool. Thanh tra Raglan rất hồi hộp, ông ta hy vọng có thể phát hiện ra những điều quan trọng.

Tại đồn cảnh sát, người ta đưa Charles Kent vào cho chúng tôi gặp. Đó là một thanh niên mới lớn, cao, gầy và tóc đen.

– Ông bác sỹ, đây có phải là người đàn ông mà bác sỹ đã gặp không?

– Người đàn ông hôm đó cũng cao lớn bằng chừng này – Tôi nói – Có lẽ đúng là người này.

– Thế này là thế nào nhỉ – Kent kêu lên – Ông có cớ gì để buộc tội tôi? Nói đi! Nói tất cả đi! Tôi đã làm gì để các ông bắt?

– Đúng, đây chính là người đàn ông xuất hiện vào buổi tối hôm ấy – Tôi xác nhận – tôi đã nhận ra tiếng nói của anh ta.

– Nhận ra tiếng nói của tôi à? Tôi đã gặp ông bao giờ đâu. Ông đã nghe giọng nói của tôi ở đâu?

– Thứ sáu tuần trước, vào buổi tối, ngoài hàng rào ở Fernly Park tại thị trấn King Abbot – Tôi đáp – Anh đã hỏi đường đến Fernly Park.

– Đúng, đúng là tôi.

– Anh đã thú nhận đều đó phải không? – Thanh tra Raglan hỏi.

– Tôi không thú nhận gì hết cả. Các ông buộc cho tôi tội gì?

– Những ngày gần đây anh có đọc báo không? – Poirot hỏi.

– Tôi có đọc, có một ông già bị giết chết, có thế thôi. Sao nữa? Ông cho rằng tôi giết phải không?

– Tối hôm đó anh có mặt ở đấy – Poirot lặng lẽ khẳng định.

– Sao ông biết?

– Bằng cái này đây – Poirot rút ra chiếc lông ngỗng mà ông nhặt được ở ngôi nhà nghỉ mùa hè.

– Trong báo có nói là ông già kia bị giết vào khoảng giữa 22 giờ kém 15 và 22 giờ phải không?

– Đúng – Raglan đáp.

– Nếu đúng như vậy thì các ông không có lý lẽ nào để giữ tôi ở đây cả. Tôi có mặt ở Fernly Park trước 21 giờ 20. Sau đó tôi đi uống rượu tại một khách sạn trên đường đi Cranchester, cách Fernly Park một dặm. Lúc 22 giờ kém 15, tôi có gây ra một vụ xô xát tại đó; các ông có thể hỏi khách sạn, người ta sẽ xác nhận cho tôi ngay.

– Tại sao anh lại tới Fernly Park? – Raglan hỏi.

– Để gặp một người và người đó thì không có gì liên quan đến các ông. Tôi rời Fernly Park trước khi xảy ra vụ án – và đó là tất cả những gì các ông quan tâm đến.

Chúng tôi rời đồ cảnh sát và ăn trưa tại một khách sạn. Bây giờ tôi mới biết là toàn bộ vụ án đã được phơi bày ra trước mắt Poirot; ông ta đã thu được những điều cuối cùng mà ông ta muốn.

Nhưng tôi cũng tin chắc rằng những gì khiến tôi không thể nào hiểu được thì cũng khiến cho Poirot không biết được, thí dụ như sự có mặt của Charles Kent ở Fernly Park. Tôi hỏi Poirot nghĩ gì về việc này.

– Ồ, ông bạn thân mến của tôi ơi, không phải tôi nghĩ mà là tôi biết tất cả cơ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.