Vụ Giết Người Trên Sân Golf

CHƯƠNG HAI MƯƠI LĂM



Sáng hôm sau chúng tôi có mặt trong buổi hỏi cung Jack Renauld. Mặc dù mới qua một thời gian ngắn, nhưng người tù trẻ thay đổi rất dữ. Tôi rất ngạc nhiên trước hình dáng bề ngoài của anh ta. Người hốc hác, đôi mắt thâm quần, trông anh ta như bị kiệt sức, chịu nhiều đau khổ và trầm uất như một người suốt mấy đêm liền mất ngủ.

Người bị bắt và trạng sư của anh ta, ngài Grosier đã ngồi xuống. Người lính canh, có bộ mặt làm người khác phải khiếp sợ, đeo thanh kiếm sang trọng đứng cạnh cửa. Nhân viên tốc ký ngồi vào chỗ, cuộc hỏi cung bắt đầu.

– Renauld – viên dự thẩm bắt đầu – anh phủ nhận việc anh có mặt ở Merlinville đêm xảy ra tội ác?

Jack không trả lời ngay, còn khi lên tiếng thì thật đau lòng vì thấy ngay sự thiếu kiên quyết của anh ta.

– Tôi… tôi… đã nói với ông rằng tôi ở Cherbourg.

Ngài Grosier cau mày và thở dài. Tôi lập tức hiểu rằng Jack Renauld ngoan cố làm theo ý mình, đưa trạng sư vào tình thế tuyệt vọng.

Dự thẩm viên quay lại đột ngột:

– Cho dẫn hai nhân chứng ngoài ga vào.

Sau một hai phút, cửa mở và một người đàn ông mà tôi nhận ngay ra là nhân viên ga Merlinville bước vào.

– Ông trực nhật vào đêm rạng ngày 7 tháng 6?

– Thưa ông, vâng.

– Ông có mặt khi tàu đến hồi 11 giờ 40?

– Thưa ông, vâng.

– Hãy nhìn người bị bắt. Ông có nhận ra anh ta là một trong số hành khách xuống tàu chuyến này không?

– Có, thưa ông dự thẩm.

– Ông không lầm chứ?

– Không, thưa ông. Tôi biết rõ ngài Jack Renauld.

– Ông không thể nhầm chứ?

– Thưa ông, không. Bởi vì đúng sáng hôm sau, ngày 8 tháng 6, chúng tôi nghe nói về vụ giết người.

Người ta còn dẫn vào một nhân viên đường sắt nữa, người này xác nhận lời khai của người trước. Dự thẩm viên nhìn Jack Renauld.

– Những người này quả quyết nhận ra anh. Anh có thể nói gì?

– Không nói gì cả.

Hautet nhìn sang người ghi tốc ký, khi người này ghi câu trả lời.

– Anh Renauld – dự thẩm viên tiếp tục – anh có nhận ra cái này không?

Ông ta cầm một vật gì đó để trên bàn và chìa ra cho người bị bắt.

Tôi run lên khi nhận ra con dao bằng sắt máy bay.

– Xin lỗi – ngài Grosier kêu to – Tôi phải nói chuyện với thân chủ của tôi, trước khi anh ta trả lời câu hỏi này.

Nhưng Jack Renauld hoàn toàn không chú ý đến tình cảm của ngài Grosier bất hạnh. Anh gạt ông ta ra và điềm tĩnh trả lời.

– Tất nhiên là tôi nhận ra. Đó là vật kỷ niệm mà tôi đã tặng mẹ tôi.

– Thế con dao này có bản thứ hai không?

Ngài Grosier lại toan can thiệp, nhưng Jack đã nói trước ông ta:

– Theo như tôi biết thì không có. Tôi tự làm ra nó.

Ngay đến viên dự thẩm cũng há mồm vì kinh ngạc khi nghe câu trả lời táo bạo này. Hình như Jack vội vã đương đầu với số phận của mình. Lẽ tất nhiên tôi hiểu là vì Bella mà anh ta rất cần giấu một sự thật là còn có một bản thứ hai của con dao này. Cho đến khi người ta chỉ nói đến một con dao thì sự nghi ngờ vị tất đã có thể rơi vào Bella, là người có con dao thứ hai. Jack che dấu một cách cao thượng người con gái mà trước đây anh ta đã yêu, nhưng bằng cái giá đắt như thế nào? Tôi biết là tôi đã đặt lên đầu Poirot một nhiệm vụ nặng nề như thế nào. Không dễ gì đạt được kết quả là người ta tha tội cho Jack Renauld mà không phải nói ra toàn bộ sự thật.

Hautet lại lên tiếng:

– Bà Renauld nói với chúng tôi rằng đêm hôm xảy ra vụ án, con dao nằm trên bàn trang điểm của bà. Nhưng bà Renauld là một người mẹ. Tất nhiên anh sẽ ngạc nhiên, anh Renauld, nhưng tôi cho rằng rất có thể mẹ anh lấm và anh có thể vì sơ suất đã mang con dao đi Paris. Rõ ràng anh sẽ phản đối tôi…

Tôi nhìn thấy hai tay bị còng của anh thanh niên căng ra. Mồ hôi vã trên trán khi anh ta hết sức cố gắng ngắt lời Hautet bằng một giọng khàn khàn:

– Tôi sẽ không phản đối ông. Điều đó có thể…

Mọi người đều kinh ngạc. Ngài Grosier nhảy phắt lên phản đối:

– Thân chủ của tôi bị chấn động thần kinh quá mạnh. Tôi đề nghị ghi lại rằng, không thể coi anh ta có trách nhiệm về những điều anh ta nói.

Viên dự thẩm giận dữ ngắt lời trạng sư. Trong một lúc dường như bản thân ông cũng nghi ngờ lời nói của người bị bắt. Jack Renauld rõ ràng là cường điệu. Dự thẩm viên nhoài người về phía trước và dán mắt vào người bị bắt một cách tò mò:

– Anh Renauld, anh có hoàn toàn hiểu rằng, dựa trên các câu trả lời của anh, tôi chẳng có cách gì khác là đưa anh ra tòa không?

Bộ mặt tái mét của Jack bỗng đỏ bừng. Nhưng ông ta vẫn không rời mắt khỏi anh.

– Ngài Hautet, tôi thề rằng tôi không giết cha tôi.

Nhưng khoảnh khắc nghi ngờ ngần ngại của viên dự thẩm đã trôi qua. Ông ta bật lên tiếng cười ngắn, khó chịu:

– Rõ ràng, rõ ràng… họ bao giờ cũng vô tội, những người bị bắt của chúng ta. Anh đã tự kết án mình. Anh đã không đưa ra một cách bảo vệ nào, anh không có tình trạng ngoại phạm… chỉ có những tờ cam đoan đến trẻ con cũng không bị lừa. Anh đã giết cha anh, ông Renauld, một cách tàn ác và đê tiện, vì những đồng tiền mà anh nghĩ rằng sẽ chuyển sang tay anh khi bố anh chết. Mẹ anh cũng trở thành tòng phạm sau khi tội ác xảy ra. Rõ ràng tòa án có thể khoan hồng cho bà ta, vì hành động của bà ta là do trái tim của người mẹ xui khiến, nhưng anh thì không thể hy vọng vào sự khoan dung được đâu, và điều đó là hoàn toàn công bằng. Tội trạng của anh thực khủng khiếp, nó làm cho Chúa và mọi người phải kinh tởm! – Hautet say sưa với sự hùng biện của mình – Anh đã giết người và anh phải bị trừng phạt vì việc đã làm. Tôi nói với anh không phải nhân danh con người, mà nhân danh công lý. Công lý vĩnh cữu, cái mà…

Bài nói của Hautet, thật là buồn cho ông ta, đã bị ngắt quãng bởi tiếng ồn ào trong hành lang. Cửa bỗng mở toang.

– Ngài dự thẩm, ngài dự thẩm – người giúp việc nói ngắc ngứ vì hồi hộp – ở kia có một bà tuyên bố… bà ta tuyên bố…

– Ai ở ngoài kia và nói gì? – Viên dự thẩm quát lên – Đó là điều tuyệt đối không chấp nhận được. Tôi cấm, tôi cấm để người ngoài vào đây!

Nhưng một thân hình nhỏ bé, cân đối đã đẩy người cảnh sát khỏi cửa. Một người đàn bà mặc toàn đồ đen, mặt che tấm mạng dài, lao vào phòng.

Tôi cảm thấy tim mình đau nhói. Dù sao cô ta cũng đã tới! Mọi cố gắng của tôi té ra vô ích. Và dù sao tôi cũng không thể không thán phục sự dũng cảm đã buộc cô ta làm việc kiên quyết như vậy.

Người phụ nữ bỏ mạng che mặt và tôi suýt nữa thì nghẹt thở. Mặc dầu hai chị em giống nhau như hai hạt đậu, nhưng đây không phải là Cinderella. Bây giờ, khi nhìn thấy cô gái này không mạng bộ tóc giả màu sáng như khi biểu diễn trên sân khấu thì tôi nhận ra cô chính là người trong tấm ảnh mà Poirot đã lấy trong phòng của Jack Renauld.

– Ông là Hautet? Ông đang tiến hành điều tra? – Cô gái hỏi, giọng hổn hển.

– Phải, và tôi cấm…

– Tôi là Bella Duveen. Tôi thú nhận đã giết ông Renauld.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.