Vụ Giết Người Trên Sân Golf
CHƯƠNG MƯỜI HAI
– Anh đo áo bành tô làm gì? – Với vẻ tò mò không dấu giếm, tôi hỏi Poirot khi chúng tôi đi chậm rãi trên con đường nóng bỏng.
– Khỉ gió! Để biết nó dài bao nhiêu chứ còn để làm gì? – Poirot giận dữ trả lời.
Tôi rất tức. Thói quen không sửa được của Poirot là giữ bí mật cả những điều vớ vẩn đã làm tôi giận. Tôi im lặng và để cho những ý nghĩ của mình được tự do phát triển. Tôi nhớ lại lời bà Renauld nói với con trai: “Thế ra con không đi” – bà ta nói và sau đó nói thêm – “Rốt cuộc bây giờ điều đó không còn ý nghĩa gì ”.
Bà ta muốn nói đến điều gì vậy? Có thể là bà ta biết nhiều hơn chúng ta tưởng chăng? Bà ta khẳng định rằng, mình không biết tí gì về nhiệm vụ bí mật mà chồng đã tin cậy giao cho con trai. Nhưng thực tế có phải bà ta không biết như bà giả vờ không? Liệu bà ta có thể làm sáng tỏ điều bí mật nếu bà ta muốn, và sự im lặng của bà có phải là một phần của kế hoạch được suy nghĩ và chuẩn bị cẩn thận không?
Càng nghĩ về điều đó tôi càng tin tưởng nhiều hơn là mình đúng. Bà Renauld biết nhiều hơn là bà ta kể. Sự ngạc nhiên của bà ta khi nhìn thấy con đã phản lại mình. Tôi tin rằng bà ta biết, nếu không là hung thủ thì ít ra cũng là những nguyên nhân của vụ giết người. Nhưng những lý do xác đáng nào đó buộc bà phải im lặng.
– Anh bạn nghĩ gì thâm thúy thế? – Poirot nhận xét, làm đứt đoạn dòng suy nghĩ của tôi – Điều gì đã khêu gợi sự tò mò của anh ghê thế?
Tôi kể về những kết luận của mình, mặc dù cho rằng Poirot có thể cười nhạo những mối ngờ vực của tôi. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Poirot đăm chiêu gật đầu.
– Hastings ạ, anh hoàn toàn có lý. Ngay từ đầu tôi đã tin là bà Renauld che dấu một điều gì đó. Thoạt đầu tôi đã nghi là nếu bà ấy không đóng kịch thì ít ra cũng dung túng cho sự phạm tội.
– Anh nghi bà ta à? – tôi thốt lên.
– Lẽ tất nhiên. Thực tế là bà ta có lợi lớn nhờ tờ di chúc mới. Bà ta là người duy nhất nhờ bản di chúc mà được lợi to. Vì thế ngay từ đầu tôi đã đặc biệt chú ý đến bà ta. Có lẽ anh cũng nhận thấy là, ngay khi có điều kiện là tôi xem xét hai tay bà ta. Tôi muốn xác định xem liệu có phài bà ta tự nhét giẻ vào mồm mình, rồi tự trói tay chân mình không. Nhưng than ôi, lập tức tôi thấy rằng dây trói cột chặt đến nỗi thít vào da thịt. Điều này loại trừ khả năng bà ta một mình phạm tội. Nhưng dù sao vẫn còn khả năng bà ta dung túng sự phạm tội hoặc xúi giục phạm tội và bà ta có kẻ tòng phạm. Ngoài ra lời kể của bà ta tôi cảm thấy quen thuộc một cách khác thường: những người đàn ông mang mặt nạ mà bà không nhận ra được, việc nhắc đến “giấy tờ bí mật” – tất cả những điều này tôi đã nghe hoặc đã đọc trước đây. Còn một chi tiết nhỏ nữa củng cố niềm tin của tôi là bà ta không nói sự thật. Đó là chiếc đồng hồ đeo tay. Hastings ạ, chiếc đồng hồ đeo tay!
Lại đồng hồ đeo tay! Poirot tò mò nhìn tôi.
– Anh có cảm thấy thế không, anh bạn? Anh có hiểu không?
– Không! – tôi trả lời giận dữ – Tôi không cảm thấy và không hiểu. Bao giờ anh cũng có những câu đố rắc rối mà anh không muốn giải thích. Bao giờ anh cũng thích dấu giếm một điều gì đó đến cùng.
– Đừng nổi nóng, anh bạn – Poirot cười nói – Nếu anh muốn tôi sẽ giải thích. Nhưng đừng nói gì với Giraud, anh có thỏa thuận thế không? Anh ta nói với tôi như với một ông già lú lẫn. Nhưng để rồi xem! Vì lợi ích công việc, tôi đã khuyên anh ta. Nếu anh ta không nghe thì đó là việc của anh ta.
Tôi cam đoan với Poirot là, anh có thể tin vào sự im lặng của tôi.
– Được! Khi đó ta hãy động não một chút nhé. Anh bạn của tôi, theo anh thì tấn bi kịch xảy ra lúc nào?
– Sao lại lúc nào? Vào lúc hai giờ, hoặc trước, sau lúc đó – tôi ngạc nhiên trả lời – Anh hãy nhớ là bà Renauld đã nói là bà ta nghe thấy tiếng đồng hồ điểm hai giờ khi bọn người đó ở trong phòng mà.
– CHhính thế! Và dựa trên cơ sở đó các anh – anh, dự thẩm viên, Bex, và mọi người khác – không hỏi gì thêm, đã xác định thời điểm phạm tội. Nhưng tôi, Hercule Poirot, tôi nói rằng bà Renauld nói dối. Tôi phạm xảy ra ít nhất là hai giờ trước đó.
– Nhưng bác sĩ…
– Sau khi khám nghiệm tử thi họ tuyên bố là nạn nhân chết trước đó từ 7 đến 10 giờ. Anh bạn, vì những nguyên nhân nào đó mà hung thủ rất cần phải tạo ra ấn tượng là tội phạm xảy ra sau đó, xảy ra muộn hơn là trong thực tế. Anh đã đọc những chuyện nói về những chiếc đồng hồ đeo tay và đồng hồ báo thức bị đập tan ghi lại thời gian phạm tội chưa? Để thời gian được xác định không chỉ dựa trên lời khai của bà Renauld, một kẻ nào đó đã vặn chiếc đồng hồ đeo tay nhanh lên hai giờ và lấy hết sức đập xuống sàn. Nhưng hắn đã không đạt được mục đích của mình, như điều đó vẫn thường xảy ra. Kính vỡ, nhưng máy vẫn chạy tốt. Về phía các hung thủ, đó là một bước đi hấp tấp. Bởi vì điều đó tạo căn cứ để giả định rằng, một là, bà Renauld nói dối và, hai là, hung thủ cần phải thay đổi thời gian tội ác xảy ra.
– Nhưng những nguyên nhân nào có thể dẫn đến việc đó?
– Ồ, đó là toàn bộ vấn đề, toàn bộ bí mật phải tìm. Hiện nay tôi chưa giải thích được điều đó. Tôi chỉ có một ý nghĩ có thể quan hệ đến việc này.
– Thế ý nghĩ đó thế nào?
– Chuyến tàu cuối cùng rời Merlinville lúc 12 giờ 17 phút.
Tôi bắt đầu đoán ra một cách chậm chạp.
– Có nghĩa là nếu tội ác diễn ra hai giờ sau đó thì bất kỳ người nào đi chuyến tàu đó cũng có bằng chứng không chối cãi được là mình vô tội chứ gì?
– Tuyệt, Hastings ạ! Anh đoán rất đúng.
Tôi đứng phắt dậy.
– Chúng ta phải thu thập tin tức ở nhà ga. Chắc có lẽ họ nhận thấy hai người nước ngoài đi chuyến tàu này. Chúng ta phải đến đó ngay.
– Anh nghĩ như thế à, Hastings?
– Lẽ tất nhiên. Ta đi thôi.
Poirot làm nguội lạnh sự hăng hái của tôi khi khẽ đụng vào tay tôi:
– Nào, thì đi, nếu anh bạn muốn thế, nhưng đừng có nói đến những dấu hiện đặc biệt của hai người nước ngoài đấy.
Tôi nhìn chằm chằm vào Poirot, còn anh thì sốt ruột hỏi:
– Ô la la, thế anh tin vào sự bịa đặt về những người mang mặt nạ và toàn bộ câu chuyện này à?
Lời nói của anh làm tôi lúng túng đến nỗi tôi không biết trả lời thế nào. Còn Poirot chậm rãi tiếp lời.
– Anh có nghe thấy tôi nói với Giraud là mọi chi tiết của vụ án tôi đều đã quen không? Vậy thì tôi đã rút ra kết luận sau đây: hoặc là người thực hiện tội ác thứ nhất đã thực hiện cả tội ác mới này, hoặc là trong trí nhớ của kẻ giết người còn ghi lại trong tiềm thức tin tức về một vụ án vang dội và điều này gợi ra cho hắn kế hoạch phạm tội. Tôi có thể nói dứt khoát điều này khi… – Poirot im lặng một lát.
Tôi ngẫm nghĩ mọi điều Poirot nói:
– Nhưng còn bức thư của ngài Renauld? Trong đó rõ ràng có nhắc đến điều bí mật về Santiago?
– Rõ ràng là trong cuộc đời của ông Renauld có một bí mật, mà không thể không tin điều này. Mặt khác, chuyện Santiago theo tôi là tin vịt thường gặp trên đường, được tung ra để đánh lạc hướng chúng ta. Có thể nó được dùng để hướng sự nghi ngờ của ông Renauld đi xa hơn đây. Ôi, Hastings anh hãy tin rằng điều nguy hiểm đang đe dọa ông ta không phải ở Santiago, mà ở gần thôi, ở ngay nước Pháp này.
Poirot nói nghiêm trang, tin tưởng đến mức tôi không thể không tin. Nhưng tôi định phản đối lần cuối cùng:
– Còn que diêm và mẩu thuốc lá tìm thấy bên cạnh xác chết? Ta giải thích chuyện đó ra sao đây?
Nét mặt Poirot sáng lên niềm khoái trá thật sự:
– Chúng được để lại! Chúng được cố ý ném lại cho Giraud và những người giống anh ta. Ôi, Giraud tinh ranh, anh ta biết đạt tới cái của mình. Cũng giống như một con chó săn tốt, anh ta rất bằng lòng về mình. Anh ta bò sấp hàng giờ đồng hồ. “Hãy xem cái tôi tìm thấy này” – anh ta nói. Và sau đó lại nói: “Các anh nhìn thấy gì ở đây?” Còn về phần tôi, tôi hoàn toàn chân thành trả lời: “Chả thấy gì cả”. Còn Giraud, Giraud vĩ đại thì cười, anh ta tự nghĩ: “Ôi, lão già này mới ngốc làm sao”. Nhưng chúng ta còn xem xem đã…
Lập tức những ý nghĩ của tôi hướng vào sự kiện chính.
– Thế thì tại sao có toàn bộ câu chuyện với những người mang mặt nạ này?
– Câu chuyện được bịa ra để làm rối trí mọi người.
– Thế điều gì đã xảy ra trong thực tế?
Poirot nhún vai:
– Chỉ có một người có thể nói lại được điều đó là bà Renauld. Nhưng bà ta không nói. Những lời đe dọa và cầu khẩn không làm bà ta lay chuyển. Bà ta là một phụ nữ cực kỳ, Hastings ạ. Khi tôi vừa nhìn thấy bà ta, tôi đã hiểu rằng tôi đã gặp mặt một phụ nữ có tính cách khác thường. Lúc đầu, như tôi đã nói với anh, tôi thiên về nghĩ bà ta bị lôi kéo vào cuộc giết người. Sau này tôi đã thay đổi ý kiến. Đó là nỗi đau chân thành của bà ta khi nhìn thấy chồng. Tôi có thể thề rằng trong tiếng kêu của bà ta là cả một nỗi đau khổ thật.
– Được – tôi trầm ngâm đồng ý – ở chỗ này không được mắc sai lầm.
– Xin lỗi anh bạn, lúc nào cũng có thể phạm sai lầm được. Anh hãy xem một nữ diễn viên cỡ lớn mà xem, phải chăng cách thức người đó diễn tả nỗi đau lại không thu hút và chinh phục chúng ta bằng tính hiện thực của mình sao? Không, dù niềm tin của tôi có mạnh đến đâu chăng nữa thì trước khi cho phép mình rút ra kết luận, tôi cần có những bằng cứ xác đáng. Một tên tội phạm lớn cũng có thể là một diễn viên cỡ lớn. Niềm tin của tôi vào việc này không chỉ dựa trên cảm xúc, mà trên một sự thật không thể bác bỏ được, là bà Renauld thật sự ngất xỉu. Tôi đã nhìn dưới mi mắt bà ta và bắt mạch bà ta. Tôi thấy không có sự lừa dối, ngất xỉu là thật. Vì thế tôi tin là nỗi đau thật sự chứ không phải giả vờ. Ngoài ra, một chi tiết nhỏ, phụ, nhưng đáng chú ý là bà Renauld không nhất thiết phải biểu lộ nỗi đau không kìm được. Bà ta đã bất tỉnh nhân sự khi được tin chồng mình đã chết, và chẳng có gì cần phải diễn lại việc đó lần thứ hai, khi nhìn thấy xác chồng. Không, bà Renauld không phải là kẻ giết chồng mình. Nhưng tại sao bà ta nói dối? Bà ta nói dối về chiếc đồng hồ đeo tay, về những người đeo mặt nạ, và còn về một điều gì đó nữa. Hastings, anh hãy cho biết anh giải thích thế nào về việc cửa ra vào để mở.
– Chà – tôi hơi lúng túng – Tôi cho rằng sự sơ suất. Chúng quên không đóng cửa.
Poirot lắc đầu và thở dài:
– Đó là sự giải thích của Giraud. Điều đó không làm tôi thỏa mãn. Chiếc cửa để ngỏ này có một ý nghĩa mà hiện nay khó xác định được. Tôi tin một điều: Chúng không đi ra qua cửa ra vào. Chúng leo qua cửa sổ.
– Cái gì?
– Chính thế!
– Nhưng ở luống hoa phía dưới không có dấu vết.
– Không thấy, nhưng chúng phải có. Hãy nghe đây, Hastings. Ông già làm vườn Auguste, như anh đã nghe nói, đi trồng luống hoa này một ngày trước khi xảy ra vụ giết người. Trên luống hoa này còn có nhiều dấu giày lớn, ở luống thứ hai không có dấu vết nào cả. Anh có hiểu không? Một kẻ nào đó đã đến đây để xóa dấu vết và dùng cào san phẳng mặt luống.
– Nhưng chúng lấy cào ở đâu?
– Ở chính nơi chúng đã lấy xẻng và bao tay làm vườn – Poirot sốt ruột nói – Điều đó là cơ bản.
– Thế cái gì buộc anh nghĩ rằng chúng trèo qua bằng đường này? Có lẽ chắc chắn hơn là chúng vào bằng cửa sổ và ra bằng cửa ra vào…
– Lẽ tất nhiên có thể như vậy. Nhưng dầu sao tôi hầu như tin rằng chúng ra qua cửa sổ.
– Theo tôi, anh sai lầm đấy.
– Có lẽ, anh bạn ạ.
Tôi suy nghĩ về những sự kiện mới được mở ra trước mắt tôi nhờ những kết luận của Poirot. Tôi nhớ lại tôi ngạc nhiên như thế nào trước những nhận xét bí ẩn của Poirot về luống hoa và chiếc đồng hồ đeo tay. Những nhận xét của Poirot lúc đó vô nghĩa làm sao, còn bây giờ tôi đã hiểu là nhờ những chi tiết rất nhỏ, Poirot đã đoán ra một cách thật tuyệt nhiều điều bí mật đang bao trùm vụ án này. Tôi tỏ lòng tôn kính bạn tôi, dù có hơi muộn.
– Tuy thế – tôi nói vẻ tiếc rẻ – mặc dù chúng ta biết nhiều hơn trước, nhưng chúng ta chưa tiến gần đến chỗ đoán ra được kẻ nào đã giết ông Renauld.
– Đúng – Poirot nói sảng khoái – Về cơ bản, hiện chúng ta còn lâu mới đoán định được.
Hình như sự thật đó làm cho Poirot hài lòng một cách kỳ lạ. Tôi kinh ngạc nhìn chằm chằm vào Poirot. Anh hiểu cái nhìn của tôi và cười.
Bỗng nhiên sự sáng ý nảy ra trong óc tôi.
– Poirot! Bà Renauld! Bây giờ thì tôi hiểu. Nhất định bà ta bảo vệ một người nào đó.
Poirot bình thản đón nhận ý kiến của tôi làm tôi hiểu rằng anh cũng có ý nghĩ như vậy.
– Đúng – anh đăm chiêu nói – Bảo vệ hoặc che dấu một người nào đó. Một trong hai trường hợp.
Sau đó, khi chúng tôi về đến khách sạn, Poirot ra hiệu cho tôi im lặng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.