Vụ Giết Người Trên Sân Golf
CHƯƠNG MƯỜI MỘT
Khó có thể nói câu chuyện sẽ tiếp tục phát triển ra sao, bởi vì lúc đó của mở đột ngột và một chàng thanh niên cao to bước nhanh vào phòng.
Thoạt đầu tôi có ý nghĩ vô lý là người chết sống lại. Sau đó tôi nhìn kỹ người vừa bước vào phòng một cách bất nhã, thấy anh ta có mái tóc đen chưa hề điểm một sợi bạc nào. Thực tế đó là một thanh niên tương đối đáng chú ý. Anh ta lao thẳng về phía bà Renauld, không chú ý gì đến những người có mặt.
– Mẹ!
– Jack! – bà ôm lấy Jack – Con thân yêu của mẹ. Nhưng tại sao con lại ở đây? Con phải từ Cherbourg đáp tàu Aurora đi từ cách đây hai ngày kia mà?
Sau đó bỗng nhớ đến những người có mặt, bà Renauld quay lại với lòng tự trọng:
– Giới thiệu với các ngài, đây là con trai tôi.
– Rất thú vị – Hautet nói, đáp lại cái chào của chàng trai – Như vậy là anh không đi tàu Aurora?
– Thưa ông, không ạ. Tàu Aurora khởi hành chậm 24 giờ vì động cơ bị trục trặc. Tôi phải ra đi tối qua thay cho tối hôm kia, nhưng ngẫu nhiên mua được số báo buổi chiều, tôi đọc được tin nói về tấn bi kịch khủng khiếp của gia đình chúng tôi – giọng nói của anh ta bị đứt quãng, và mắt ứa lệ – Cha tội nghiệp của con, người cha đáng thương của con.
Nhìn chằm chăm vào Jack như thể trong giấc mơ, bà Renauld nhắc lại:
– Thế là con không đi à? – Và sau đó với sự mệt mỏi vô hạn, bà nói nhỏ dường như với bản thân mình – Rốt cuộc, bây giờ điều đó không có ý nghĩa gì.
– Mời anh ngồi, anh Renauld, xin mời anh – Hautet nói, tay chỉ chiếc ghế – Tôi hết sức thông cảm với anh. Đây quả là một đòn khủng khiếp, cần phải biết mọi chuyện như anh đã tìm hiểu. Tuy nhiên, có lẽ may là anh không phải đi. Tôi hy vọng rằng anh có thể cho chúng tôi biết chính xác những điều sẽ giúp làm rõ bí mật này.
– Tôi sẵn sàng tuân lệnh ông. Xin cứ hỏi những gì ông muốn.
– Trước hết, chuyến đi này có lẽ là do yêu cầu của cha anh?
– Thưa ông, hoàn toàn đúng như thế. Tôi nhận được bức điện trong đó cha tôi yêu cầu tôi lập tức đó Buenos Aires, từ đó vuột qua dãy Andes đi Valparaiso và đi tiếp đến Santiago.
– Được. Vậy mục đích chuyến đi là gì?
– Tôi không có chút khái niệm nào cả.
– Thật thế không?
– Đúng. Mời ông xem bức điện đây.
Dự thẩm viên cầm bức điện và đọc to:
– “Đi ngay khỏi Cherbourg, đáp tàu Aurora hôm nay đi Buenos Aires. Đích cuối cùng là Santiago. Những chỉ thị tiếp sau con sẽ nhận được ở Buenos Aires. Đừng để nhỡ tàu. Công việc cực kỳ quan trọng. Renauld ”. Thế trước đó anh và cha anh có nói chuyện với nhau về việc này không?
Jack Renauld lắc đầu:
– Không. Lẽ tất nhiên tôi hiểu rằng cha tôi sống lâu ở Nam Mỹ và cha tôi có vốn đầu tư. Nhưng trước đây chưa bao giờ cha tôi bảo tôi đi tới đó cả.
– Anh Renauld, tất nhiên anh đã đến Nam Mỹ nhiều lần chứ?
– Tôi đã ở đó khi còn nhỏ. Tôi học ở Anh và phần lớn thời gian tôi sống ở nước này. Vì thế trong thực tế tôi biết về Nam Mỹ ít hơn rất nhiều so với mức mà người khác tưởng. Ông phải biết là chiến tranh bắt đầu khi tôi mới mười bảy tuổi.
– Anh đã phục vụ trong không quân Anh?
– Vâng, thưa ông.
Giraud gật đầu và tiếp tục hỏi cung, nêu ra những câu hỏi mà chúng tôi biết khá rõ. Jack Renauld tuyên bố hoàn toàn rõ rằng, anh không biết gì về các kẻ thù có thể xuất hiện tại nơi ở của cha anh ở Santiago hay ở một nơi nào khác tại Nam Mỹ, rằng trong thời gian gần đây anh không nhận thấy một thay đổi nào trong hành vi của người cha và anh chưa bao giờ nghe cha mình nhắc đến những “giấy tờ bí mật” nào đó. Anh cho rằng chuyến đi Nam Mỹ là do những nguyên nhân thuần túy mang tính chất kinh doanh.
Hai dự thẩm viên im lặng một lát, Giraud cất tiếng nói bình thản.
– Về phía mình, tôi cũng muốn có một vài câu hỏi, ông dự thẩm ạ.
– Tất nhiên là được thôi, ông Giraud – dự thẩm viên nói giọng lạnh lùng.
– Anh Renauld, quan hệ giữa anh và cha anh tốt đẹp chứ?
– Lẽ tất nhiên – chàng thanh niên tự hào trả lời.
– Anh khẳng định điều đó chứ?
– Vâng.
– Hai cha con anh không cãi nhau bao giờ à?
Jack nhún vai, bất giác lúng túng:
– Người ta ai chẳng có những bất đồng ý kiến đôi lần với nhau.
– Chính thế, chính thế. Nhưng nếu có ai bắt đầu khẳng định rằng hôm anh đi Paris anh và cha anh cãi nhau to, thì rõ ràng là kẻ đó nói dối à?
Tôi không thể không thán phục óc sáng trí của Giraud. Lời khoe khoang của ông ta: “Tôi biết tất cả mọi chuyện” không phải là lời nói trống rỗng. Jack Renauld rõ ràng bị lúng túng trước câu hỏi.
– Chúng… tôi… có cãi nhau – anh ta thừa nhận.
– Như thế có nghĩa là có cãi nhau. Và trong lúc cãi nhau, anh có nói câu này: “Khi nào ông chết, tôi muốn làm gì thì làm” có phải không?
– Có lẽ – Jack lẩm bẩm – tôi không nhớ.
– Có phải cha anh đã trả lời câu nói của anh: “Nhưng tao còn chưa chết kia mà!” – đáp lại, anh đã nói: “Còn tôi thì mong muốn điều ấy”, đúng không?
Chàng trai không trả lời. Hai tay anh ta lật đi lật lại những đồ vật trên bàn một cách cáu kỉnh.
– Hãy nói đi, anh Renauld, tôi yêu cầu anh phải trả lời – Giraud nói gay gắt.
Mất tự chủ, chàng thanh niên có một cử chỉ thiếu thận trọng và đánh rơi xuống sàn con dao rọc giấy bằng sừng.
– Điều đó có ý nghĩa gì? – Anh ta thốt lên – các ông chắc chắn đã biết tất cả rồi. Đúng, giữa tôi và cha tôi thực sự có một cuộc cãi nhau. Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã nói tất cả những lời như thế. Tôi giận dữ đến mức tôi không thể nhớ là tôi đã nói gì. Tôi rất giận dữ, lúc đó suýt nữa thì tôi đã giết cha tôi. Các ông hãy rút ra kết luận của mình đi – Toàn thân đỏ bừng vì xúc động, Jack ngã người trên lưng ghế.
Giraud cười, sau đó khẽ đẩy ghế, nói:
– Tôi không hỏi gì nữa. Còn ông, ông Hautet, rõ ràng ông còn muốn tiếp tục hỏi cung?
– Ồ vâng, chính thế – Hautet nói – Thế nguyên nhân làm anh và cha anh cãi nhau là gì?
– Tôi từ chối không trả lời.
Hautet đứng thẳng lên:
– Anh Renauld, không được đùa với pháp luật! – giọng ông dự thẩm gầm lên – Nguyên nhân cuộc cãi nhau là gì?
Chàng thanh niên Renauld tiếp tục im lặng. Anh ta ngồi trông dữ tợn và rầu rĩ. Nhưng một giọng nói khác, giọng của Hercule Poirot, vang lên điềm tĩnh và không chút bối rối.
– Nếu ngài muốn, tôi sẽ nói cho ngài rõ điều đó, thưa ngài.
– Ông biết à?
– Lẽ tất nhiên là tôi biết. Đối tượng của cuộc cãi nhau là Marthe Daubreuil.
Vô cùng kinh hãi, Renauld-con nhảy chồm lên. Ngài dự thẩm nhích lên một chút.
– Đúng thế ư, anh Renauld?
Jack gật đầu.
– Đúng, anh ta nói. Tôi yêu cô Daubreuil và muốn lấy cô ta. Khi tôi nói điều đó với cha tôi, ông nổi giận. Lẽ tất nhiên tôi không thể nghe cha tôi xúc phạm đến người con gái mà tôi yêu, và tôi cũng nổi xung lên.
Hautet nhìn bà Renauld:
– Bà có biết về… sự gắn bó này của con trai bà không?
– Tôi sợ điều đó – bà Renauld trả lời đơn giản.
– Mẹ! – chàng thanh niên kêu to – Và mẹ cũng thế? Marthe vừa hiền vừa đẹp. Sao mẹ lại chống lại cô ta?
– Mẹ không có ý gì chống lại cô Daubreuil. Nhưng mẹ thích con lấy một người Anh hơn, còn nếu lấy một phụ nữ Pháp thì không phải là người có bà mẹ mang một quá khứ đáng ngờ như thế.
Trong giọng nói của bà Renauld rõ ràng có chứa đựng một sự thù địch giấu kín đối với bà Daubreuil, và tôi bắt đầu hoàn toàn hiểu rằng, khi bà ta biết về việc đứa con trai duy nhất của mình say mê con gái của kẻ tình địch thì đối với bà ta, đó là một đòn nặng nề.
Bà Renauld quay về dự thẩm viên tiếp tục nói:
– Có lẽ tôi nên nói điều đó với chồng tôi, song tôi kỳ vọng rằng đó chỉ là thói trăng hoa của tuổi trẻ, nó sẽ chấm dứt nhanh hơn nếu ta không chú ý đến nó. Bây giờ tôi thấy mình có lỗi khi im lặng, nhưng chồng tôi, như tôi đã nói với ông, tỏ ra lo lắng và dằn vặt, thay đổi đến mức tôi cố không làm cho ông ấy nói chung phải lo lắng.
Hautet gật đầu và hỏi Jack:
– Khi anh nói với cha anh về những dự định của mình đối với cô Daubreuil, cha anh có ngạc nhiên không?
– Đối với cha tôi, đó hoàn toàn là điều bất ngờ. Ông dứt khoát ra lệnh cho tôi phải vứt bỏ chọn lựa này ngay. Ông thề rằng không bao giờ đồng ý với cuộc hôn nhân ấy. Tôi bị thương tổn và muốn biết tại sao cha tôi lại phản đối cô Daubreuil. Cha tôi không thể đưa ra một lời giải thích thỏa đáng. Ông chỉ giới hạn trong những lời ám chỉ về một bí mật vây quanh cuộc sống của hai mẹ con. Tôi trả lời rằng tôi sẽ cưới Marthe chứ không phải cưới nguồn gốc của cô ấy. Song cha tôi bắt đầu quát tôi và khước từ không thảo luận vấn đề đó nữa. Tôi phải quên cô gái đó. Sự bất công và độc đoán làm tôi tức giận, đặc biệt bởi vì bản thân cha tôi thì lại đối xử với cô và bà Daubreuil một cách lịch thiệp khác thường và thường xuyên yêu cầu mời hai mẹ con đến thăm chúng tôi. Tôi không tự chủ được và chúng tôi đã cãi nhau kịch liệt. Cha tôi nhắc tôi nhớ rằng, tôi hoàn toàn phụ thuộc vào ông và có thể để đáp lại lời nhắc nhở đó, tôi có thể làm gì mình muốn sau khi cha tôi chết.
Poirot ngắc lời Jack bằng câu hỏi bất ngờ:
– Có nghĩa là anh biết nội dung tờ di chúc của cha anh?
– Tôi biết rằng cha tôi để lại cho tôi một nửa gi sản, nửa khác để dưới sự bảo trợ của mẹ tôi, mẹ tôi sẽ chuyển cho tôi sau khi mất – chàng trai trả lời.
– Anh kể tiếp đi – dự thẩm viên yêu cầu.
Sau đó chúng tôi cãi nhau kịch liệt cho đến khi tôi sực nhớ là có thể nhỡ chuyến xe lửa đi Paris. Thời gian còn lại rất ít và tôi phải chạy bộ ra ga. Tôi vẫn còn chưa bình tĩnh lại. Nhưng, khi đi khỏi nhà, tôi dần dần bình tâm. Sau đó tôi viết cho Marthe biết tất cả những gì xảy ra. Thư trả lời của cô ta cũng an ủi tôi. Cô ta viết rằng chúng tôi phải cứng rắn và kiên trì và khi đó mọi sự chống đối sẽ bị bẻ gẫy. Cần lấy thời gian để thử thách tình cảm của chúng tôi đối với nhau và khi nào cha mẹ tôi hiểu đó không phải là sự say mê hời hợt của tôi thì nhất định hai người sẽ dịu đi. Lẽ tất nhiên tôi không báo cho Marthe biết chi tiết về lý do phản đối chủ yếu của cha tôi chống lại cuộc hôn nhân của chúng tôi. Dần dần tôi hiểu rằng sự bướng bỉnh chẳng đem lại kết quả gì cả.
– Để kết thúc xin hỏi một câu nữa. Hãy cho biết anh có quen ai tên là Duveen không, anh Renauld.
– Duveen? – Jack nhắc lại – Duveen? – Anh chậm rãi cúi xuống và cầm con dao rọc giấy lên, con dao anh đánh rơi lúc nãy. Khi anh ngẩng đầu, cái nhìn của anh bắt gặp cái nhìn chăm chú của Giraud – Duveen? Không, tôi không biết.
– Anh Renauld, anh đã đọc bức thư này chưa? Và anh cho biết, anh có biết người viết bức thư cho cha anh là ai không?
Jack Renauld cầm bức thư và đọc từ đầu đến cuối. Anh bỗng đỏ mặt.
– Viết cho cha tôi? – Trong giọng nói của anh rõ ràng có sự lo lắng và bực tức.
– Đúng, chúng tôi tìm thấy bức thư này trong túi áo ngoài của ông.
– À… – Jack ấp úng, liếc nhanh về phía bà mẹ.
Dự thẩm viên hiểu rằng Jack thương mẹ và hỏi:
– Anh có giả định gì về tác giả bức thư không?
– Tôi không có chút khái niệm nào cả.
Hautet rùng mình:
– Một việc hết sức bí ẩn. Thôi được, chúng ta có thể để lại vấn đề bức thư. Như vậy chúng ta dừng lại ở chỗ nào nhỉ? Ồ, công cụ giết người! Tôi sợ điều này có thể làm cho anh đau lòng, anh Renauld ạ. Theo như tôi biết, đó là món quà của anh tặng mẹ.
Jack Renauld nhoài người về phía trước, nét mặt đỏ bừng khi đọc thư giờ trở nên tái mét.
– Ông muốn nói rằng cha tôi đã bị giết chính bằng… con dao tự tạo từ sắt máy bay này ư? Song điều này không thể xảy ra được! Bằng một thứ đồ trang sức để rọc phong bì!
– Than ôi, anh Renauld, hoàn toàn đúng như vậy. Tôi sợ rằng đó là một vũ khí lý tưởng. Một thứ vũ khí sắc và tiện sử dụng.
– Con dao ấy đâu? Tôi có thể xem nó được không? Con dao vẫn còn… ở thi thể cha tôi?
– Ồ không, con dao đã được lấy ra. Anh muốn nhìn thấy nó à? Để tin là thật? Có thể điều đó là tốt, mặc dù bà cụ đã nhận ra con dao. Dù sao… Ngài Bex, có thể phiền ngài được không?
– Tất nhiên. Tôi sẽ đi lấy nó ngay.
– Có lẽ tốt hơn, nếu anh Renauld tự mình đến nhà kho chăng? – Giraud nói ngọt xớt – Rõ ràng là anh ấy cần trông thấy thi thể cha mình.
Sau khi rùng mình, chàng thanh niên làm một động tác không đồng tình, và dự thẩm viên, người lúc nào cũng thích làm trái ý Giraud khi nào có thể được, đã trả lời:
– Không, không phải lúc này. Chúng ta nhờ đến sự giúp đỡ của ông Bex, ông ấy sẽ mang con dao tới đây.
Viên cảnh sát trưởng ra khỏi phòng. Stonor đến gần Jack và xiết chặt tay anh ta. Poirot đã kịp đứng lên sửa lại những chiếc chân đèn hơi bị lệch. Dự thẩm viên đọc lại bức thư tình bí ẩn đến lần thứ mấy rồi, bám một cách tuyệt vọng vào giả thuyết đầu tiên của mình cho nguyên nhân của vụ giết người là do ghen tuông.
Bất ngờ cánh cửa mở toang, và viên cảnh sát trưởng chạy bổ vào phòng.
– Ông dự thẩm! Ông dự thẩm!
– Có tôi đây. Chuyện gì đã xảy ra thế?
– Con dao! Con dao không có ở đó nữa!
– Sao lại không có được?
– Bị mất! Biến đi rồi. Chiếc bình thủy tinh đựng con dao khi trước trống rỗng.
– Sao?! – Tôi kêu lên – Không thể như thế được. Chính sáng nay tôi vừa trông thấy… – câu nói bỗng dừng lại trong cổ họng tôi.
Tôi đã làm mọi người có mặt phải chú ý đến.
– Đúng, tôi đã nhìn thấy con dao ở đó sáng nay – tôi nói chậm rãi – Đúng hơn là cách đây một giờ rưỡi.
– Có nghĩa là ông đã vào nhà kho? Ông lấy chìa khóa ở đâu?
– Tôi mượn chìa khóa ở người cảnh sát.
– Và ông đã đi đến đó? Để làm gì?
Tôi lưỡng lự, nhưng cuối cùng quyết định tốt nhất là nên nói hết sự thật.
– Ông Hautet – tôi bắt đầu – Tôi đã phạm một sai lầm nghiêm trọng mà tôi phải xin ngài lượng thứ cho.
– Ông nói tiếp đi.
– Vấn đề là ở chỗ – tôi nói, muốn chui xuống một chỗ nào đó hơn là ở đây – là tôi đã gặp một cô gái trẻ quen biết. Cô ta tỏ ý thiết tha muốn nhìn thấy mọi cái có thể, và tôi… Thôi, nói tóm lại tôi mượn chìa khóa và cho cô ta xem tử thi.
– Ồ! – Dự thẩm viên giận dữ kêu to – Điều mà ông đã làm là một sai lầm nghiêm trọng , đại úy Hastings ạ! Nói chung, điều đó ngược lại mọi nguyên tắc. Ngài không được phép có một hành động ngu ngốc như vậy mới phải.
– Tôi biết – tôi nói ngắn – Mọi điều ông nói ra đều không phải là quá khắt khe đâu, ông dự thẩm.
– Ông không mời cô ta tới đây?
– Tất nhiên là không. Tôi bắt gặp cô ta hoàn toàn ngẫu nhiên. Cô ta là người Anh và ghé lại đây trên đường đi Merlinville, mặc dù tôi không biết điều đó trước cuộc gặp gỡ bất ngờ của chúng tôi.
– Được, được – dự thẩm viên đã có phần dịu đi – Đó là sự vi phạm mọi thể lệ, nhưng rõ ràng là cô gái trẻ và đẹp. Trẻ là như thế đó! – và ông ta thở dài đầy tình cảm.
Nhưng viên cảnh sát trưởng ít lãng mạn hơn và thực tiễn hơn, trở lại vấn đề:
– Nhưng phải chăng ông không khóa cửa khi rời nhà kho?
– Vấn đề chính là ở chỗ đó – tôi nói chầm chậm – Chính vì thế tôi tự trách mình rất nhiều. Cô bạn quen của tôi có bộ mặt ưu phiền. Cô ta đã gần ngất đi. Tôi mang lại cho cô ta cốc nước pha rượu mạnh, còn sau đó khẩn khoản được tiễn cô ta về thị trấn. Vô cùng lo lắng, tôi quên khóa cửa. Tôi chỉ làm việc đó khi quay về lâu đài.
– Khi ấy nhà kho không khóa ít nhất là hai mươi phút… – viên cảnh sát trưởng chậm rãi nói và lại im lặng.
– Chính thế – tôi xác nhận.
– Hai mươi phút – viên cảnh sát trưởng đăm chiêu nhắc lại.
– Thật đau buồn – Hautet kết luận với sự nghiêm nghị đã trở lại – Thật chưa từng thấy.
Bỗng nhiên một tiếng nói mới cất lên:
– Ông cho rằng điều đó là đau buồn? – Giraud hỏi.
– Tất nhiên.
– Còn tôi cho đó là đáng khâm phục – Giraud nói một cách điềm tĩnh.
Sự xuất hiện của người đồng minh bất ngờ làm tôi bối rối.
– Đáng khâm phục à, ông Giraud? – dự thẩm viên hỏi lại, thận trọng nhìn ông ta bằng khóe mắt.
– Chính thế đây.
– Nhưng tại sao?
– Bởi vì hiện nay chúng ta biết rằng thủ phạm hoặc kẻ tòng phạm một giờ trước đây còn ở quanh biệt thự này. Sẽ thật kỳ lạ nếu đã biết như vậy mà chúng ta không mau chóng tóm hắn – trong giọng nói của ông ta chứa đựng một sự đe dọa. Giraud tiếp tục nói – Hắn rất mạo hiểm để đoạt lấy con dao. Có thể hắn sợ người ta tìm thấy đấu tay.
Poirot quay về phía Bex:
– Có lẽ ông đã nói rằng không có dấu tay nhỉ?
Giraud nhún vai:
– Có thể, con dao đã được xem xét chưa thật cẩn thận?
Poirot nhìn ông ta:
– Ông không đúng, ông Giraud ạ. Thủ phạm mang găng tay, hắn phải tin tưởng chứ.
– Tôi không nói rằng đó chính là kẻ giết người. Đó có thể là kẻ tòng phạm không biết rõ điều đó.
Người giúp việc dự thẩm viên thu thập giấy tờ trên bàn, Hautet nói với chúng tôi:
– Công việc của chúng ta hôm nay kết thúc. Anh Renauld, nếu muốn, anh có thể tìm hiểu những lời khai của anh. Tôi có ý định tiến hành điều tra trong hoàn cảnh không chính thức trong chừng mực có thể được. Người ta gọi những phương pháp của tôi là độc đáo, nhưng tôi khẳng định rằng, để bảo vệ tính độc đáo có thể nói nhiều điều. Công việc hiện nay đang nằm trong hai bàn tay khéo léo của ông Giraud nổi tiếng. Rõ ràng ông ta nổi bật. Trong thực tế thật đáng ngạc nhiên là thủ phạm vẫn chưa nằm trong tay ông ta. Bà Renauld, cho phép tôi một lần nữa biển lộ sự thông cảm chân tình của chúng tôi đối với bà. Chúc các ngài thành công.
Có người giúp việc và viên cảnh sát trưởng đi kèm ông ta rời khỏi phòng.
Poirot kéo chiếc núm đồng hồ to của mình ra và nhìn nó.
– Này anh bạn, ta quay về khách sạn ăn trưa thôi – Poirot nói – Và anh hãy kể chi tiết cho tôi nghe về những hành vi nông nổi của mình ban sáng. Không ai nhìn chúng ta đâu. Chúng ta có thể ra về không cần chào.
Chúng tôi lặng lẽ ra khỏi phòng. Dự thẩm viên vừa mới đi về bằng xe của mình. Tôi đang định bước xuống cầu thang thì tiếng nói của Poirot giữ tôi lại:
– Đợi mấy phút, anh bạn.
Anh nhanh nhẹn lấy trong túi ra chiếc thước dây và dáng điệu nghiêm túc bắt đầu đo cái áo bành tô treo ở hàng lang lớn. Trước đây tôi không nhìn thấy cái áo đó ở đây và đoán rằng đó là áo của Stonor hoặc Jack Renauld.
Sau đó miệng khẽ hát thầm một điệu gì đó, Poirot cất thước vào túi và bước theo tôi ra ngoài.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.