Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc

Chú ý nghỉ ngơi giữa giờ làm việc



Một trong những thói quen xấu nhất tôi mắc phải trong thời kỳ bắt đầu sự nghiệp đó là không chú ý nghỉ ngơi đầy đủ. Lúc đó, tôi cảm thấy thật lãng phí khi dành thời gian cho việc nghỉ ngơi. Tôi bỏ qua thời gian nghỉ giữa giờ để hoàn thành nhiều công việc hơn – nghĩa là tạo được lợi thế trước các đồng nghiệp. Thời gian đó, tôi toàn làm việc xuyên trưa và hiếm khi nghỉ giữa giờ.

Mãi đến những năm gần đây, tôi mới nhận ra rằng bỏ qua thời gian nghỉ giữa giờ là một sai lầm lớn. Nó không chỉ khiến ta mệt mỏi mà còn giảm hiệu quả lao động. Có thể bạn chẳng nhận ra, nhưng một cách chầm chậm, việc này sẽ khiến bạn kiệt sức và cáu bẳn. Bạn không còn nhẫn nại và chú tâm như trước, khả năng tập trung và lắng nghe của bạn cũng giảm đi. Và tôi bảo đảm rằng về lâu dài, chúng sẽ ngày càng trở nên trầm trọng. Bạn đốt sức lực của mình càng nhanh thì khả năng sáng tạo và hiểu biết của bạn càng suy giảm.

Bạn không cần phải nghỉ ngơi quá lâu. Sau khoảng một giờ làm việc, chỉ cần bạn dành ra vài phút thả lỏng đầu óc, hít thở sâu, duỗi thẳng tay chân và thư giãn. Khi quay trở lại với công việc, bạn sẽ cảm thấy phấn chấn hơn, tập trung hơn và hăng hái hơn, tựa như bạn vừa bấm vào nút “khởi động lại” vậy.

Giống như hầu hết mọi người, thỉnh thoảng tôi cũng chăm chú làm việc đến độ quên cả nghỉ ngơi. Tôi ngồi hàng giờ để viết sách hay làm công việc gì đó. Cuối cùng khi đứng lên, tôi cảm thấy nặng nhọc và mệt mỏi kinh khủng. Lúc đó, tôi mới sực nhớ rằng mình đã không nghỉ ngơi giữa giờ. Dù có một vài ngoại lệ nhưng hầu như mỗi khi nhìn vào kết quả công việc của những lần ấy, tôi nhận thấy nó không phải là tốt nhất.

Suy nghĩ về bí quyết này, hẳn bạn sẽ đồng ý với ý kiến cho rằng:

“Nhiều không phải lúc nào cũng tốt”. Khi làm việc ít hơn vài phút mỗi ngày, tôi cảm thấy mình sáng suốt hơn và gặt hái được nhiều thành quả hơn. Và bởi vì đã tiết kiệm được nhiều năng lượng mỗi ngày nên tôi có thể kéo dài thời gian làm việc của mình thêm vài năm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.