Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc

Giữ tâm trí trung lập



Một trong những điều đầu tiên mà tôi quan sát thấy trong quá trình học thiền định là cuộc sống của tôi dường như trở nên chậm rãi hơn. Mặc dù tôi vẫn có chừng đó công việc phải làm, chừng đó trách nhiệm phải gánh vác và chừng đó rắc rối phải đối phó, nhưng tôi có cảm giác như mình có nhiều thời gian hơn. Theo đó, công việc của tôi trở nên dễ dàng và thú vị hơn.

Dù vẫn bị bủa vây bởi nhiều điều hỗn độn, nhưng tôi không còn bị ảnh hưởng xấu vì chúng nữa. Mặc dù thiền định không dành cho tất cả mọi người nhưng có một liệu pháp thay thế hợp lý có thể mang lại lợi ích lớn lao: học cách giữ cho tâm trí trung lập. Bạn có thể xem đây là một dạng của “thiền năng động”. Không giống như những kiểu thiền định truyền thống khác yêu cầu bạn ngồi xuống, nhắm mắt và tập trung vào hơi thở, “thiền năng động” là liệu pháp mà bạn có thể áp dụng trong cuộc sống thường ngày của mình. Có những lúc bạn “thiền năng động” nhưng lại không nhận ra bởi nó không diễn ra rõ ràng. Chính vì thế, bạn chưa học được cách sử dụng sức mạnh của nó.

Về cơ bản, giữ tâm trí trung lập nghĩa là bạn xóa bỏ đi những suy nghĩ tập trung trong tâm trí mình. Thay vì chủ động suy nghĩ, tâm trí bạn trở nên tĩnh lặng hơn và đang trong tình trạng thư giãn. Khi tâm trí bạn trong tình trạng trung lập, bạn không cần phải nỗ lực suy nghĩ nhưng vẫn hoàn toàn ý thức được những điều đang xảy đến tại thời điểm đó.

Những lần viết sách hiệu quả nhất của tôi thường là những lần tâm trí tôi ở trạng thái thanh thoát, nghĩa là khi tôi không thật sự cố gắng. Khi tôi thả lỏng tâm trí thì việc viết sách gần như tự nó hoạt động. Thay vì gò ép ý tưởng, tôi để cho những suy nghĩ tự động tìm đến với mình. Hẳn bạn cũng thấy rằng những khi bạn bất thình lình nhớ lại một số điện thoại quan trọng, một cái tên, một mật mã hay nghĩ ra một ý tưởng mới thường là những lúc tâm trí đang thư giãn và thoải mái. Những lúc căng thẳng, càng cố gắng ép buộc tâm trí, bạn sẽ càng u mê. Một khi quá gắng sức hoặc tập trung vào suy nghĩ của mình, bạn đã quay lưng với những suy nghĩ thông thường hoặc suy nghĩ sáng suốt.

Sở dĩ hầu hết mọi người không sử dụng suy nghĩ trung lập là vì họ không nhận ra sức mạnh của nó, thậm chí không xem nó là một cách thức suy nghĩ. Nó bị xem thường và hầu như luôn bị bỏ qua.

Tâm trí trung lập không chỉ giúp bạn giảm căng thẳng và cảm thấy thư giãn mà còn ẩn chứa nhiều sức mạnh. Nó giúp những suy nghĩ tìm đến bạn một cách bất ngờ. Những ý tưởng và cách nhìn nhận mới trở thành một phần cuộc sống bởi khi được thư giãn, tâm trí của bạn trở nên rộng mở hơn và dễ tiếp nhận những điều sáng suốt và vĩ đại.

Tất nhiên, có những lúc việc đặt tâm trí vào trạng thái trung lập là không hợp lý và không hữu dụng. Khi nhiệm vụ của bạn đòi hỏi sự tập trung, hay khi bạn đang học những kiến thức mới, thì tốt nhất là bạn hãy suy nghĩ trong trạng thái truyền thống, có phân tích trước sau. Nhưng với đa số các tình huống trong cuộc sống thì nó sẽ làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Bất cứ khi nào cảm thấy căng thẳng hay tiêu tốn quá nhiều năng lượng tinh thần, bạn nên xem xét và quyết định xem liệu mình có cần suy nghĩ trung lập hay không. Bạn có thể sử dụng suy nghĩ trung lập như một công cụ giúp giảm căng thẳng, để thư giãn hoặc để tìm thấy những ý tưởng sáng tạo hơn.

Cách đặt tâm trí vào trạng thái trung lập rất đơn giản. Bạn chỉ cần chọn một trong hai trạng thái để đặt tâm trí của mình vào đó, hoặc trung lập hoặc chuyển động. Giống như một máy thu phát xách tay, bạn có thể chọn “thu” hoặc “phát” chứ không thể chọn cả hai cùng một lúc. Vậy thì, khi bạn có thể từ bỏ hoặc tạm ngừng những suy nghĩ phân tích của mình, tâm trí bạn sẽ tự động chuyển sang trạng thái trung lập. Một khi bạn đã chấp nhận trạng thái trung lập là một kiểu thức bình thường khác của suy nghĩ, phần việc còn lại sẽ rất dễ dàng. Tôi hy vọng bạn có thể học được bí quyết này để sớm cảm thấy thư giãn hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.