Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc
Thừa nhận đó là lựa chọn của bạn
Khi đối diện với một thực tế khó chấp nhận, rất nhiều người trong chúng ta đã chọn cách phủ nhận nó.
Đó là một tâm lý bình thường. Tuy nhiên, nếu đủ sức chấp nhận một thực tế không như mong đợi, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi ngay lập tức. Bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn, ít khổ sở hơn, như thể bạn giành được quyền chủ động trong cuộc sống vậy.
Sự chấp nhận mà tôi muốn nói tới là những lựa chọn của bạn trong công việc. Bạn phải thừa nhận rằng cho dù công việc của mình chứa đầy rắc rối, chẳng hạn như giờ làm việc nhiều, đồng nghiệp khó tính, tiêu cực nội bộ…, thì bạn vẫn phải tiếp tục nó vì đó là lựa chọn của bạn.
Thế nhưng, nhiều người đã phản ứng với tôi rằng: “Khoan đã nào, tôi đâu có được lựa chọn. Tôi buộc phải làm công việc này đấy chứ”. Cũng có thể như vậy, nhưng nếu nhìn nhận vấn đề một cách kỹ lưỡng, bạn sẽ nhận ra rằng đó thật sự là lựa chọn của mình.
Khi đề nghị bạn thừa nhận những điều này, tôi không có ý bảo bạn là nguyên nhân gây ra các rắc rối trong công việc hoặc cổ vũ bạn chọn công việc khác. Tôi chỉ muốn bạn hiểu rằng sau khi xem xét tất cả các vấn đề liên quan (bao gồm hoàn cảnh, tiêu chuẩn sống, nhu cầu kinh tế cũng như tính toán đến nhiều khả năng khác), chính bạn mới là người quyết định công việc phù hợp với mình.
Chris – nhân viên một công ty quảng cáo lớn – kiên quyết phản đối bí quyết này. Bằng giọng gay gắt, anh bảo tôi: “Thật là lố bịch! Tôi chẳng chọn làm việc 12 giờ một ngày với những chiến dịch quảng cáo dở hơi này. Tôi buộc phải làm vậy. Nếu không nỗ lực, tôi sẽ bị đánh giá là lười biếng và chẳng đi đến đâu trong cái ngành này cả”.
Bạn có nhận ra người đàn ông này đã tự dồn mình vào góc tường như thế nào không? Dù đang là một người phụ trách giỏi giang, anh vẫn cảm thấy phẫn uất như thể mình là nạn nhân của nghịch lý “cuộc đời đặt đâu ta ngồi đấy” vậy. Anh không nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong lựa chọn nghề nghiệp cũng như sự vất vả của công việc hiện tại.
Dù lên án công việc nhưng Chris vẫn cảm thấy đáng để nỗ lực làm việc 12 giờ một ngày. Sau khi xem xét mọi khả năng, anh vẫn quyết định thà ở nguyên vị trí hiện tại còn hơn là phải khổ sở, mạo hiểm tìm một công việc khác, kiếm ít tiền hơn, mất đi quyền lực cũng như bỏ lỡ những cơ hội phát triển sự nghiệp. Tôi không thể nhận xét quyết định của Chris là tốt hay xấu, nhưng đó rõ ràng là lựa chọn của anh.
Megan, một bà mẹ đơn thân, đang là y tá nhưng lại mơ trở thành nhân viên hành chính trong bệnh viện. Khi gặp tôi ở một buổi ký tặng sách, cô thú nhận rằng suốt tám năm qua, cô cảm thấy mình là nạn nhân của công việc hiện tại. Cô thường than thở với mọi người rằng: “Tôi muốn theo đuổi giấc mơ của mình lắm chứ. Nhưng hãy nhìn cuộc sống hiện tại của tôi mà xem, làm sao tôi có thể làm được điều đó chứ”.
Tất nhiên, những khó khăn trong cuộc sống của cô là điều có thật. Nhưng cản trở lớn nhất của cô là việc cô không sẵn sàng thừa nhận rằng chính cô đã lựa chọn nghề nghiệp của mình cũng như quyết định ở nguyên vị trí hiện tại. Rõ ràng, cô có khả năng đi học ở một trường tốt, thay đổi công việc với sự giúp đỡ của bạn bè. Thế nhưng cô vẫn cảm thấy không thể.
Khi nghe cô than phiền như vậy, một người bạn đã khuyên cô đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh nữa. Và cuối cùng, cô đã nghe theo lời khuyên của bạn và chấp nhận thay đổi. Cô cho biết: “Ngay khoảnh khắc tôi thừa nhận mình chính là người chọn lựa công việc cho mình, mọi thứ đã thay đổi. Tôi có thể thu xếp để tham gia chương trình học buổi tối và hiện nay tôi đã hoàn thành được một phần ba khóa học. Bây giờ nghĩ lại thời gian trước tôi cảm thấy thật hãi hùng. Tôi nhận ra rằng nếu không thay đổi thì tôi sẽ làm công việc đó suốt cả đời mất”.
Xưa nay, hầu hết chúng ta đều bị vướng vào cái bẫy của niềm tin rằng ta không thể kiểm soát được tình trạng của bản thân. Tuy nhiên, nếu có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, bạn có thể giải phóng bản thân khỏi suy nghĩ “tội nghiệp cho mình” và trở nên chủ động hơn. Một khi áp dụng bí quyết này, bạn sẽ cảm thấy ít căng thẳng và thành công hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.