Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc
Tranh đua từ trái tim
Tranh đua là một thực tế cuộc sống. Trốn tránh hoặc chối bỏ nó là một quyết định sai lầm. Tôi luôn yêu thích sự tranh đua. Ngày còn bé, tôi là vận động viên điền kinh nhanh nhất của trường đồng thời còn là tay vợt hàng đầu khu vực Bắc California ở nhóm tuổi của tôi. Tôi học ở trường All-American Athlete và sau đó thì nhận được học bổng đại học nhờ vào môn quần vợt. Ở đại học, tôi đã chơi ở vị trí số một và trở thành đội trưởng khi còn rất trẻ. Tôi đã tham gia ba cuộc đua marathon; và có lần đã hoàn thành cuộc thi trong vòng ba tiếng.
Khi trưởng thành, tôi vẫn yêu thích sự tranh đua, không chỉ trong thể thao mà còn trong kinh doanh. Tôi tin rằng mình có khả năng thiên bẩm về tiếp thị. Ngành xuất bản đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Tôi thích nhìn những cuốn sách của mình bán chạy và cảm thấy rất vui khi được khen ngợi sau mỗi lần diễn thuyết. Tôi tin rằng nếu không tranh đua để đạt được thành công, tôi đã không thể giúp được nhiều người như vậy. Chính vì thế, theo tôi, tranh đua là điều quan trọng.
Sở dĩ tôi kể ra những chuyện này bởi nhiều người cho rằng tôi sống thư thả nên không thể thuộc tuýp người cạnh tranh. Nhưng bạn thấy đấy, rõ ràng không phải vậy. Khi dùng cụm từ “tranh đua bằng trái tim”, tôi không muốn gieo trong bạn ấn tượng rằng bạn không thể tranh đua hiệu quả hoặc ít có khả năng chiến thắng nếu là người điềm đạm. Tôi chắc bạn có thể chiến thắng và thành công về tài chính, vẫn tranh đua hết mình nhưng không bao giờ thay đổi nhìn nhận của bản thân về những điều quan trọng nhất – sự đóng góp cho xã hội, cảm giác hài lòng và khả năng kiểm soát cuộc sống của mình.
Tranh đua bằng trái tim không phải là sự tranh đua liều lĩnh hay điên cuồng đạt được mục đích bằng mọi giá. Nó phải bắt nguồn từ đam mê của bản thân bạn đối với những điều mình đang làm. Bạn hoàn toàn đắm chìm và mê mải với công việc hiện tại – một thỏa thuận kinh doanh, đàm phán, giao tiếp hay bất cứ thứ gì. Khi tranh đua bằng trái tim, sự hài lòng chính là điều bạn muốn đạt được đầu tiên, sau đó mới đến chiến thắng. Nếu nhìn tranh đua bằng cái nhìn lành mạnh, đời sống công việc của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn thể hiện sự kiên cường của mình, giữ gìn năng lượng để chờ đợi những cơ hội ẩn giấu. Bạn học hỏi từ những sai sót và thất bại của mình để rồi tiến về phía trước.
Có câu nói rằng: “Chiến thắng không phải là tất cả, nó chỉ là một trong những thành quả”. Với tôi, chiến thắng tuyệt đối chẳng có ý nghĩa gì. Tâm lý “chiến thắng là tất cả” bắt nguồn từ nỗi lo sợ rằng nếu ta không chiến thắng bây giờ thì sẽ chẳng còn cơ hội nữa. Dù đã giành được nhiều giải thưởng, đạt được thành công về tài chính nhưng tôi không bao giờ cho mình là người chiến thắng. Tôi không thấy bất kỳ thành tựu nào của mình có ý nghĩa nếu trái tim tôi không cảm thấy mãn nguyện về chúng, hay nếu tôi quên đi những phẩm giá thật sự của mình.
Ed đã làm việc năm năm cho một công ty kỹ thuật sinh học. Một phần công việc của anh là tìm cách cắt giảm chi phí để giúp công ty tiết kiệm tiền. Anh kể tôi nghe về một vài việc làm tồi tệ của mình: “Thật xấu hổ khi thừa nhận rằng ngày trước, tôi từng cảm thấy rất phấn khích mỗi khi sa thải ai đó. Tôi không nghĩ mình là người xấu xa nhưng tôi cảm thấy những đợt cắt giảm như vậy ảnh hưởng đến tôi còn hơn những người bị sa thải. Tôi chỉ chăm chăm chú ý đến hiệu quả công việc của mình chứ chẳng hề bận tâm đến nỗi sợ hãi của những người bị sa thải. Tôi cũng không quan tâm đến việc họ sẽ làm gì để chăm sóc con cái hay trả tiền thuê nhà. Nhưng một ngày tôi bị ‘gậy ông lại đập lưng ông’. Hoàn toàn bất ngờ, tôi bị sa thải. Tôi nghĩ chắc nhiều người rất vui khi thấy tôi bị như vậy. Tôi cảm thấy ê chề nhưng cũng thật đáng đời mình. Nhưng anh biết không, một thời gian sau, tôi lại thấy đây có lẽ là điều tuyệt vời nhất từng xảy đến với mình. Sự kiện này đã giúp tôi biết cảm thông hơn với mọi người. Và tôi không bao giờ đối xử với mọi người như trước đây nữa”.
Quan điểm “tranh đua bằng mọi giá” dẫn đến những hệ quả xã hội xấu. Khi tranh đua chỉ để chiến thắng, cả người chiến thắng và người thất bại đều đáng thương như nhau. Lúc này bạn cảm thấy mình buộc phải chiến thắng, nếu không thì sẽ phải đón nhận cảm giác ê chề. Nó gửi một thông điệp nguy hiểm đến trẻ em và tạo nên cảm giác thiếu lành mạnh về tính tự cao tự đại.
Bạn nghĩ thế nào về thông điệp thay thế sau đây: “Cố gắng hết sức, tranh đua quyết liệt, tận hưởng mọi khoảnh khắc, nhưng nếu thua cuộc cũng vẫn hạnh phúc”? Đây chính là “tranh đua bằng trái tim” đấy bạn ạ. Nó là món quà không chỉ dành cho một cá nhân nào mà còn cho cả thế giới. Khi tranh đua một cách lành mạnh, bạn sẽ đạt được cả hai kết quả lý tưởng: thành tựu và tầm nhìn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.