Ban Ki Moon

Lời bạt



Cầu chúc thành công cho một nhiệm kỳ mới của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon – niềm tự hào mới của người Hàn Quốc

Ngay sau khi Bộ trưởng Ban Ki Moon giành thắng lợi trong đợt tranh cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông đã mời các phóng viên đến dự buổi tiệc chia tay. Để góp vui cho không khí buổi tiệc, tôi đã đọc cho mọi người nghe một bài báo giả tưởng do mình viết ra. Bài báo mang thông điệp cầu chúc một nhiệm kỳ thành công của ông.

Dưới đây là nguyên văn bài báo giả tưởng được hoàn thành vào mùa thu năm 2011:

“Hôm nay, các quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thống nhất tái bổ nhiệm ông Ban Ki Moon làm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho nhiệm kỳ tiếp theo. Theo đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành các thủ tục nhậm chức cho Tổng thư ký Ban Ki Moon vào thứ 4 tuần sau. Tổng thư ký Ban đọc bài diễn văn nhậm chức và bắt đầu nhiệm kỳ mới với 5 năm tiếp theo.

Thật ra, việc tái bổ nhiệm Tổng thư ký Ban Ki Moon đã được dự báo từ trước đó rất lâu. Vào ngày 1/1/2007, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thư ký đã cho thành lập Tổ chức Hòa bình Bắc Bán đảo Triều Tiên, thuyết phục Bắc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán 6 bên về cuộc khủng hoảng hạt nhân vốn đang bế tắc. Vào năm tiếp theo, Bắc Triều Tiên đã chấp thuận Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT và chịu sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA, và vào năm 2009, Bắc Triều Tiên tuyên bố giải trừ chương trình hạt nhân và vũ khí hạt nhân. Theo đó, bàn đàm phán 6 bên được thay thế bằng cơ quan thường trực với tên gọi “Diễn đàn Hòa bình Đông Bắc Á” và Hàn Quốc là chủ tịch của cơ quan này.

Tổng thư ký Ban Ki Moon không chỉ góp phần vào việc gìn giữ hòa bình khu vực bán đảo Triều Tiên, ông còn đóng vai trò to lớn trong việc gìn giữ hòa bình khu vực Trung Đông, nơi đang là chảo lửa của thế giới. Ông đã đóng vai trò mang tính quyết định trong việc kết thúc giao tranh giữa Israel và Palestine đồng thời thuyết phục hai bên ký kết Hiệp định hòabình vĩnh viễn vào ngày 24/12/2011. Dư luận thế giới ca ngợi rằng đây là một mùa Giáng sinh nhiều ý nghĩa nhất kể từ khi Chúa Giê-su ra đời. Vì thế, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon là ứng cử viên nặng ký nhất cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Tổ chức cá cược hàng đầu của Anh là Ladbrokes đã đánh giá khả năng chiến thắng của Ban Ki Moon lên đến 83%. Điều này thậm chí tạo nên nhiều ý kiến phê phán, đặt ra nghi vấn rằng, liệu Ladbrokes có chịu sự tác động của chính phủ Hàn Quốc hay không.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cũng đang thể hiện năng lực vượt trội với vai trò là trung gian hòa giải của thế giới khi góp phần giải quyết mâu thuẫn về chủng tộc giữa Kosovo và Rwanda… Rwanda đã hết lời mời Tổng thư ký Ban Ki Moon trở thành Tổng thống của nước họ nhưng Tổng thư ký đã một mực từ chối lời đề nghị trên.

Quốc gia có tranh chấp đảo Dokdo với Hàn Quốc là Nhật Bản cũng cho thấy thái độ thận trọng trong những năm gần đây. Nguyên nhân được giới phân tích đưa ra khá thuyết phục là vì “họ nhận thức được vai trò của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi ông là người Hàn Quốc”.

Mặt khác, Tổng thư ký Ban Ki Moon còn có biệt danh là “con lươn” (slippery eel) được Từ điển Webster định nghĩa là người luôn biết cách giải quyết công việc một cách gọn gàng nhưng vẫn tránh được những vấn đề nhạy cảm. Từ điển cũng đưa ra ví dụ, “Anh ấy giải quyết công việc trơn tru” (he did it like a slippery eel) và còn viện dẫn thêm “Đây là biệt danh của Tổng thư ký thứ 8 của Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon”.

Thời gian qua đã có tin đồn về việc các phóng viên Liên Hợp Quốc vốn không ưa Tổng thư ký Ban sẽ “sờ gáy” ông. Phóng viên “muốn gì viết nấy” của tờ New York Times nói sẽ cho mọi người “biết tay” và mỗi lần tổ chức họp báo đều hăm dọa sẽ ra tay nhưng cuối cùng đã không thể viết được bài báo nào phê phán ông nên đành chấp nhận thất bại. Hơn nữa, họ còn thể hiện thái độ nể trọng năng lực các phóng viên Hàn Quốc đã từng viết bài về Tổng thư ký Ban tại Hàn Quốc trong thời gian qua.

Những thành quả vẻ vang của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon tỉ lệ nghịch với những điều tiếng về “vị đắng” mà nhân viên của ông rỉ tai nhau. Các nhân viên người gốc Ý và Tây Ban Nha vốn có thói quen ngủ trưa luôn than phiền “Đời mất vui vì Tổng thư ký Ban” và vài nhân viên đã xin từ chức. Các nhân viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc theo ông đến Liên Hợp Quốc làm việc cũng truyền nhau khẩu hiệu “Hãy làm việc bằng nửa Tổng thư ký Ban”.

Khi nghe tin Tổng thư ký Ban đặt mục tiêu giúp các nước châu Phi có GDP trên đầu người đạt 30.000 đô-la Mỹ, ai nấy đều căng thẳng “Phen này chúng ta đi tong thật rồi”.

Giới giáo dục của Hàn Quốc cũng có sự biến chuyển do chịu sự ảnh hưởng của hình mẫu thành công Ban Ki Moon. Ước mơ số một của giới trẻ đã chuyển từ nghề diễn viên sang nhà ngoại giao và cuộc thi tuyển công chức ngành ngoại vụ nâng số lượng nhân viên được chọn lên hàng trăm người nhưng tỉ lệ cạnh tranh là 1/1.500 người. Vì thế, các trường đại học đua nhau mở ngành đào tạo quan hệ quốc tế thay vì ngành luật. Bộ giáo dục đang xem xét việc đưa môn chính trị quốc tế vào sách giáo khoa, còn Học viện Daechidong thì đang đề xuất mức lương cao ngất, hàng trăm triệu won mỗi năm, nhằm săn lùng các phóng viên từng làm việc với Bộ Ngoại giao.

Chính phủ Hàn Quốc lại rất thận trọng phân tích khả năng thăng cấp hàm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lên bậc Phó Thủ tướng trước những thành công của Tổng thư ký Ban và đánh giá thời lượng dành cho công việc của ông sẽ còn tăng lên trong 5 năm tới”.

Bộ trưởng Ban Ki Moon không thể ngưng cười trong khi tôi đọc bài báo giả tưởng của mình. Ngay sau khi tôi đọc xong, ông đã đưa ra đề nghị:

“Nhà báo Shin, cảm ơn anh. Tôi có thể giữ bài này để làm tư liệu tham khảo trong quá trình làm việc sắp tới không?”

Việc ông đón nhận bài báo vốn được viết ra để tạo không khí vui vẻ của tôi một cách nghiêm túc như thế khiến tôi không khỏi ngượng ngùng. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng chỉ cần quyết tâm, ông hoàn toàn có thể làm được mọi việc như những gì tôi đã tưởng tượng ra.

Nhìn lại 5 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thư ký Ban, có nhiều việc đã diễn ra giống như bài báo, vài điều chưa được thực hiện và cũng có những việc đang trong quá trình thực hiện.

Thời báo kinh tế của Mỹ, Forbes, vào năm 2011 đã bầu chọn các nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, trong đó, Tổng thư ký Ban giữ vị trí thứ 38. Vị trí số một là Tổng thống Mỹ Obama, thứ hai là Tổng thống Nga Putin, thứ ba là Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Chủ tịch Kim Jung Il của Bắc Triều Tiên giữ vị trí thứ 37, trên Tổng thư ký Ban một bậc.

Tổng thư ký Ban đã tăng ba bậc so với năm 2010. Và nếu giữ đúng đà này, hẳn là 5 năm sau, ông sẽ lọt vào top 10 những nhân vật gây ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Xét về mặt cá nhân, tôi không thích việc bầu chọn thứ hạng con người một cách ngẫu nhiên nhưng vẫn kỳ vọng một ngày ông sẽ được người dân thế giới xếp vào top 10 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.