Ban Ki Moon

Tình yêu và đam mê dành cho ngành ngoại giao



Học tiếng Pháp khi rảnh rỗi

Tiếng Anh, thứ ngoại ngữ mà Ban Ki Moon đã say mê học tập, mang lại cho ông rất nhiều cơ hội trong đời. Không chỉ nổi tiếng học giỏi tiếng Anh từ thời còn ngồi ghế nhà trường mà ngay cả trong Bộ Ngoại giao, ông cũng được biết đến như một bậc thầy về tiếng Anh. Vì vậy, ông đã đảm nhiệm đa phần những vị trí cần dùng đến tiếng Anh – thứ ngôn ngữ được xem là chủ đạo trong Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Vào năm 1979, sau khi đã hoàn thành nhiệm kỳ tại Ấn Độ, ông bắt đầu làm việc với vị trí Thư ký thứ nhất tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Nếu trước đây, Ban Ki Moon từng cảm thấy việc học thêm một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh là cần thiết thì kể từ khi làm việc tại New York, ông càng cảm thấy nhu cầu đó là bức thiết. Các nhân viên làm việc tại đây, bất kể quốc tịch nào, đều sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ chính nên ông không gặp phải trở ngại nào. Thế nhưng, ông càng ngày càng cảm thấy không thoải mái khi bản thân chỉ biết duy nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh. Là một nhà ngoại giao, ông nghĩ mình cần biết dùng ngôn ngữ của các quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế, chính trị toàn cầu, và thỉnh thoảng, ông còn cảm thấy ghen tị với các đồng nghiệp biết nhiều thứ tiếng hơn mình.

Các nhà ngoại giao đến từ các nước phương Tây ngoài tiếng mẹ đẻ, họ dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và còn thông thạo thêm một, hai ngoại ngữ khác. Những ngoại ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp hay tiếng Đức đều cùng một hệ ngôn ngữ nên khi tiếng mẹ đẻ là một trong các thứ tiếng này thì việc học các thứ tiếng còn lại khá dễ dàng. Người ta thường nói rằng ngoại giao là một cuộc chiến không có tiếng súng, nhà ngoại giao là các chiến binh phải chiến đấu tay không, vì thế, có thể coi ngoại ngữ chính là vũ khí duy nhất của họ.

Mỗi người có một định nghĩa riêng về thuật ngữ ngoại giao, nhưng đối với Ban Ki Moon, “ngoại giao là kết bạn” và để kết bạn thì hai người phải “có chung tiếng nói”. Cho dù không là bạn đi nữa, việc thông thạo ngoại ngữ thuộc nhóm tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha sẽ giúp hòa hợp với nhóm nhà ngoại giao sử dụng ngôn ngữ này và dễ dàng thu thập thông tin. Thêm nữa, phải thành thạo ngôn ngữ của họ thì đôi bên mới có thể giao tiếp hiệu quả được. Và việc giao tiếp được với họ còn mang lại khá nhiều điều bổ ích.

Điều này giống như việc người nước ngoài tại Hàn Quốc cho dù không thạo tiếng Hàn, nhưng chỉ cần họ biết được vài ba tiếng cũng đủ gây thiện cảm cho chúng ta.

Do luôn bận rộn với công việc nên ngài Ban quyết định học tiếng Pháp vào giờ nghỉ trưa. Tiếng Pháp là một ngôn ngữ rất quan trọng đối với một nhà ngoại giao bởi nó là thứ tiếng được dùng nhiều trên vũ đài ngoại giao chỉ đứng sau tiếng Anh. Và do đặc trưng động từ được biến thể đa dạng tùy theo nhân xưng nên so với ngôn ngữ khác, nó có thể mô tả tình huống một cách khoa học và chính xác hơn.

Việc học ngoại ngữ chưa bao giờ dễ dàng, và tiếng Pháp cũng không phải là một ngoại lệ. Đối với người Hàn Quốc, tiếng Pháp lại càng khó hơn, nhất là về phát âm và ngữ pháp đặc biệt là các biến thể của động từ. Đó là thứ ngôn ngữ mà người học ban đầu cảm thấy dễ, nhưng càng đào sâu lại càng cảm thấy khó. Mỗi ngày, Ban Ki Moon dành vài chục phút, tranh thủ thời gian nghỉ để bắt đầu học tiếng Pháp nhưng ông học rất chăm chỉ, đều đặn. Cuối cùng, ông đã lấy được chứng chỉ tiếng Pháp cao cấp của Liên Hợp Quốc. Khả năng dùng tiếng Pháp từ việc tận dụng thời gian rảnh cho việc học đã hỗ trợ ông rất tích cực trong công việc của một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sau này.

Việc bầu chọn vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được quyết định bởi 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an. 5 Ủy viên thường trực là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp. Theo đó, những quốc gia này có quyền dùng quyền phủ quyết11. Pháp là quốc gia có niềm tự hào mạnh mẽ về văn hóa, đặc biệt là về ngôn ngữ của họ. Hơn nữa, tình yêu đối với ngôn ngữ của người Pháp rất mãnh liệt vì có sự cạnh tranh trong ảnh hưởng văn hóa với các nước dùng tiếng Anh, vì thế, họ không chấp nhận việc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc không nói được tiếng Pháp.

Dĩ nhiên, ban đầu khi học tiếng Pháp, Ban Ki Moon đã không nghĩ rằng mình sẽ trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nhưng chính việc biết thêm ngoại ngữ này đóng một vai trò to lớn trong quá trình trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc của ông. Năm 2006, sau khi quyết định tham gia ứng cử vào vị trí Tổng thư ký, ông đã bắt đầu học lại tiếng Pháp khi đã bỏ bẵng hơn 30 năm. Giao tiếp thông thường bằng tiếng Pháp không phải là vấn đề đối với ông nhưng do đã quá lâu không dùng đến nên ông cần phải học thêm nếu muốn sử dụng nó trong quá trình tranh cử và hoạt động sau này. Lúc này, khi đang giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao với lịch trình làm việc luôn dày đặc, nên hầu như không có thời gian học lại tiếng nhưng ông vẫn cố gắng thu xếp dành một tiếng vào buổi sáng mỗi cuối tuần để học thêm tiếng Pháp từ gia sư.

Một ngày nọ, khi biết ông đang học thêm tiếng Pháp, một trợ lý của ông hỏi.

“Thưa Bộ trưởng, dạo này Bộ trưởng vẫn học tiếng Pháp chứ ạ? Xin Bộ trưởng đừng cố sức quá.”

“Tôi bỏ tiếng Pháp một thời gian lâu quá rồi. Đáng ra tôi phải học đều đặn mới phải, thế nên giờ tôi phải tích cực học thôi.”

Ông trả lời bằng giọng tiếc nuối như đang tự nhủ với chính mình. Người trợ lý không thốt nên lời và thầm cảm phục ngài Bộ trưởng dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài học hỏi và luôn sống hết mình từng giây từng phút.

Cuối cùng, bằng đam mê, ông đã lấp đầy những hạn chế của bản thân và những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng.

Sức mạnh của đam mê vượt lên cả tài năng

Sau khi Ban Ki Moon tham gia ứng cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, vào tháng 7/2006, Liên Hợp Quốc đã tổ chức kỳ bỏ phiếu bầu chọn lần thứ nhất. Nước Pháp lúc này đang giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã liên lạc với ông, báo là sẽ thông tin kết quả trực tiếp. Tuy không ngừng nỗ lực học tiếng Pháp nhưng ông vẫn rất lo lắng bởi khả năng giao tiếp bằng tiếng Pháp qua điện thoại của ông còn hạn chế. Việc trao đổi qua điện thoại khó khăn hơn gặp mặt trực tiếp do hạn chế về ngôn ngữ hình thể và sắc thái biểu đạt trên khuôn mặt. Vì thế, Ban Ki Moon đã tìm gặp Chánh văn phòng Giao lưu hòa bình Cheon Young Woo, một người rất giỏi tiếng Pháp.

“Nếu họ gọi qua mà tôi không nghe được thì anh nhớ bảo tôi biết nhé.”

“Vâng, thưa ngài.”

Ngay khi có tiếng chuông điện thoại, hai chiếc điện thoại được nhấc lên cùng một lúc từ đầu dây phía Hàn Quốc. Nhưng may mắn thay, ông có thể nghe hiểu toàn bộ nội dung của cuộc hội thoại bằng tiếng Pháp hôm đó. Hơn nữa, đó là một cuộc điện thoại báo tin vui. Họ cho biết ông đã đạt được số phiếu bầu cao nhất trong đợt bầu chọn lần thứ nhất này.

Trong quá trình vận động tranh cử cho vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki Moon đã ba lần gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, ngài Philippe Douste Blazy. Vào lần gặp cuối cùng, ngài Philippe đã không tiếc lời khen ngợi khả năng tiếng Pháp của ông.

“Bộ trưởng Ban, ngài quả là người thông thạo tiếng Pháp nhanh nhất mà tôi từng gặp. Tôi gặp ngài ba lần trong năm nay, lần đầu tiên mới chỉ là các câu chào hỏi xã giao thông thường, lần thứ hai, ngài đã có thể trao đổi được những nội dung đơn giản. Nhưng lần này, ngài đã có thể nói thành thạo cả về nghiệp vụ ngoại giao. Ngài khiến tôi thật bất ngờ.”

Ban Ki Moon đem câu chuyện này kể cho mọi người nghe nhiều lần.

“Chẳng phải chính Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp đã nhận xét về tôi như thế. Tôi không hề quá lời chút nào đâu nhé.”

Rất hiếm khi Ban Ki Moon nói về bản thân như vậy, nhưng lần này hẳn là ông cũng thấy mình xứng đáng được khen ngợi trong khi phải vất vả lắm mới dành thời gian cho việc học và thành quả đó đã được công nhận. Niềm vui của Ban Ki Moon là có thể trông thấy được sự tiến bộ của mình qua quá trình phấn đấu.

Ngay cả Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng công nhận khả năng tiếng Pháp của ông.

Trong một bữa tiệc nhỏ, ông đã gặp mặt Tổng thống Pháp Jacques Chirac nhưng bấy giờ ngài Tổng thống không mấy để tâm đến ứng cử viên của vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Nhưng sau đó khi chứng kiến Ban Ki Moon dẫn chương trình bằng tiếng Pháp ngài Tổng thống đã vô cùng ngạc nhiên trước khả năng nói tiếng Pháp vô cùng lưu loát của vị ứng cử viên này. Tổng thống Pháp Jacques Chirac quay sang Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton nói nhỏ:

“Người đang dẫn chương trình là ứng cử viên cho vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lần này đấy. Tiếng Pháp của ông ta khá quá.”

Mọi người cũng hiểu được nỗ lực to lớn của Ban Ki Moon trong việc học tiếng Pháp. Đó là khoảnh khắc khiến tinh thần tự hào dân tộc của người Pháp được đáp lại. Và lẽ đương nhiên, họ cũng dành niềm tin và cảm tình đặc biệt cho Ban Ki Moon.

Ngoài ra, Ban Ki Moon còn bắt đầu học tiếng Đức vào năm 1998 khi ông giữ vị trí Đại sứ Hàn Quốc tại Áo bởi ông muốn kết giao với Đại sứ của các nước dùng tiếng Đức. Về sau, khi có dịp diễn thuyết bằng tiếng Đức tại cuộc gặp mặt dành cho Đại sứ các nước nói tiếng Đức, ông đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho mọi người.

Đối với Ban Ki Moon, việc học tốt ngoại ngữ không bắt nguồn từ tài năng thiên bẩm mà từ niềm đam mê mãnh liệt, điều vốn đã trở thành động lực giúp ông lấp đầy những hạn chế của bản thân.

Khi đã bắt đầu học thì không gì có thể ngăn cản nổi

Vào năm 1983, khi ở cương vị Chánh văn phòng tại Liên Hợp Quốc, Ban Ki Moon có cơ hội du học tại Mỹ. Ông đã chọn theo học trường Harvard Kennedy. Đây là nơi đào tạo ngành Hành chính thuộc Đại học Harvard và là nơi sản sinh ra nhiều quan chức cấp cao của Mỹ với quy trình tuyển sinh vô cùng khó khăn.

Ban Ki Moon đưa vợ và ba con đến Boston. Ông cảm thấy lòng bồi hồi khó tả khi được trở lại thời sinh viên. Đây là cảm giác lâu rồi ông mới có được. Ngôi trường mang tên Kennedy, khiến cho ông nhớ đến khoảnh khắc gặp mặt Tổng thống Kennedy 20 năm trước. Việc nhập học đã khó khăn, nhưng để theo kịp bài giảng trên lớp còn khó khăn hơn gấp bội. Dù có giỏi tiếng Anh đến mấy thì bài học ở trường vẫn không hề dễ dàng. Hơn nữa, đây là nơi tụ hội những học viên ưu tú của các nước trên thế giới nên việc cạnh tranh diễn ra vô cùng quyết liệt.

Một ngày nọ, You Soon Taek gọi điện về Hàn Quốc cho cô em chồng là Ban Cheong Ran. Giọng bà đầy vẻ lo lắng như chực khóc.

“Dạo này chị lo lắng quá.”

“Có chuyện gì thế chị?”

Cheong Ran rất ngạc nhiên bởi chị dâu cô vốn dĩ ít nói, điềm đạm không phải là người ưa chia sẻ những lo âu như thế. Bà là người hiếm khi để lộ ra những lo lắng của bản thân. Vì thế, cô lấy làm lạ liền hỏi:

“Anh cả của cô học hành vất vả đến kiệt sức mất thôi. Một ngày anh ấy chỉ ngủ được hai, ba tiếng, thời gian còn lại đều vùi đầu vào việc học hành. Hôm nay, anh ấy đã bị chảy máu cam nhiều lắm. Cô gọi điện nói chuyện và khuyên anh ấy giúp chị.”

Cô em gái Ban Cheong Ran hiểu rất rõ sự ham học của anh trai mình nên không dám can ngăn.

Vì vậy, cô chỉ an ủi chị dâu, “Chị đừng lo nghĩ quá, anh là người rất biết chăm sóc cho bản thân. Vả lại, tính anh ấy vốn ham học có ai cản nổi đâu chị.”

Ban Ki Moon “học đến quên ăn, quên ngủ”. Cuối khóa học, ông đã giành được điểm A+ cho tất cả các môn tại trường Kennedy và nhận bằng khen Chữ thập đỏ vào lễ tốt nghiệp. Đó là cơ hội tốt để học hỏi thêm nhiều điều mới lạ, cho nên dù có vất vả đến mấy ông vẫn nỗ lực học tập hết mình.

Ban Ki Moon cùng gia đình trong thời gian du học tại trường Harvard Kennedy. Sau quá trình vất vả học tập, chỉ ngủ khoảng hai ba tiếng một ngày, ông đã đạt điểm A+ cho toàn bộ các môn học và cuối khóa ông được nhận bằng khen Chữ thập đỏ của trường.

Dù luôn bận rộn với việc học hành, nhưng Ban Ki Moon vẫn không quên làm tốt vai trò của một nhà ngoại giao. Boston có nhiều trường đại học danh tiếng như Harvard, MIT,… Vì thế, ở đây có nhiều kiều bào và du học sinh người Hàn Quốc. Lúc bấy giờ, tại Boston chưa có Lãnh sự quán của Hàn Quốc, cho nên thực chất, Ban Ki Moon đã đóng vai trò một Tổng lãnh sự tại Boston đối với kiều bào và du học sinh Hàn Quốc.

Thời bấy giờ, Hàn Quốc có nhiều du học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hơn ai hết, Ban Ki Moon hiểu được sự vất vả của các sinh viên nghèo, vì thế, ông thường xuyên gặp gỡ để động viên các du học sinh và cả các kiều bào, rồi mời họ đến nhà dùng bữa, quan tâm, gần gũi như anh em trong nhà. Bấy giờ, điều kiện gia đình ông cũng không mấy dư dả và lại thêm phải tập trung học hành nên ông không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Vì thế, ông luôn cảm thấy có lỗi với người vợ đảm đang đã không quản ngại khó khăn theo ông đến nơi đất khách quê người, một mình chăm lo cho ba đứa con và quán xuyến cả những công việc hậu phương cho ông. Vì thế, khi có thời gian rảnh rỗi hay khi mời khách đến nhà dùng bữa ông vẫn thường đỡ đần việc nhà để thể hiện tấm lòng của mình đối với vợ.

Cuối những năm 1980 là thời kỳ ông giữ vị trí Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Washington. Ông thường dành thời gian giúp đỡ các kiều bào sinh sống tại đây từ những việc nhỏ nhất. Ông thường dành khoảng thời gian cuối tuần cho việc thăm hỏi, giúp đỡ các kiều bào và du học sinh. Vì thế, các kiều bào từng gắn bó với ông vẫn gọi ông là “Tổng lãnh sự Ban Ki Moon” ngay cả khi ông đã trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hay khi ông trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sau này. Họ mãi mãi ghi nhớ hình ảnh “một Tổng lãnh sự” luôn tận tình giúp đỡ họ bất cứ chuyện gì.

Trong thời gian du học tại Mỹ, Ban Ki Moon thường giành phần việc rửa chén bát giúp vợ mình, người vốn vất vả vì vừa nuôi dạy các con, vừa cùng chồng chăm lo đời sống cho du học sinh và kiều bào tại Mỹ.

 

Ai bảo “khúc gỗ” Ban Ki Moon không thể khiêu vũ?

Niềm đam mê học hỏi để lấp đầy những hạn chế của bản thân ở Ban Ki Moon không chỉ dừng ở việc học ngoại ngữ. Khi đảm nhiệm vai trò Đại sứ tại Áo, Ban Ki Moon đã quyết định học khiêu vũ. Dù từ nhỏ, những môn ca vũ không phải là sở thích của ông, nhưng giờ đây khiêu vũ là hoạt động thiết yếu đối với một cán bộ ngoại giao như ông. Ông vốn còn có biệt danh “khúc gỗ” bởi từ khi học tiểu học, ông đã bắt đầu né tránh môn âm nhạc.

Nhưng Áo là mảnh đất của nghệ thuật, là quê hương của Mozart, là cái nôi của điệu Waltz, là nơi sản sinh dàn nhạc Wien Philhamonic nổi tiếng. Tại thủ đô Viên của Áo, những sự kiện đi kèm tiệc khiêu vũ thường xuyên diễn ra. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, các buổi tiệc trong lĩnh vực ngoại giao không thể thiếu tiết mục khiêu vũ. Đây là một vấn đề nan giải đối với người không biết khiêu vũ như Ban Ki Moon. Tuy có thân hình cân đối rất phù hợp với khiêu vũ như nghệ sỹ Fred Astair (1899-1987, diễn viên nhạc kịch Mỹ, nổi tiếng với điệu nhảy clacket), nhưng mỗi khi đứng trên sàn khiêu vũ, ông lại trở nên luống cuống, động tác, không ăn nhập gì với nhịp điệu.

Lần đầu tiên nhận được lời mời tham dự tiệc khiêu vũ, ông đã rất bàng hoàng. Thậm chí, ông không thể bắt chước được động tác hay bước nhảy nào, người đầm đìa mồ hôi vì lo lắng. Cũng từ đó, ông bắt đầu lo ngại khi được mời dự tiệc.

Thế nhưng, ông sớm nhận ra rằng một đại sứ Hàn Quốc tại Áo mà lại vụng về đến mức đáng xấu hổ trong các buổi tiệc và không thể hòa nhập với sinh hoạt văn hóa của nước sở tại thì không phải là một nhà ngoại giao đúng nghĩa. Vì vậy, để khắc phục hạn chế này của mình, ông quyết tâm học khiêu vũ.

Ban Ki Moon cùng vợ đăng ký học khiêu vũ tại một trung tâm khiêu vũ trong nội thành. Đây là một trung tâm khiêu vũ nổi tiếng từng đào tạo khiêu vũ cho nhóm vũ công nữ của Kim Nhật Thành. Ông hy vọng có thể cùng với vợ mình tìm ra một sở thích mới.

“Ôi, tôi ngại quá mình ạ.”

Tuy nói thế nhưng vợ ông vẫn lựa chiều theo ý ông. Bởi bà hiểu vợ của một nhà ngoại giao cũng không được quá tuềnh toàng. Vốn là phu nhân của một nhà ngoại giao nên bà thường xuyên phải cùng chồng có mặt trong các bữa tiệc ngoại giao và tham gia nhiều hoạt động từ thiện cùng chồng. Vì thế, phu nhân của các nhà ngoại giao cũng được xem là “các nhà ngoại giao”.

Thế nhưng, cho dù đã theo học khá lâu nhưng cả hai vẫn chưa thể bắt được nhịp điệu Waltz một cách tự nhiên. Ông và bà vừa phải nhẩm đếm “một hai ba, hai hai ba quay, hai hai ba, đổi tay và quay”, vừa phối hợp nhịp chân và động tác. Cứ thế, sau nhiều nỗ lực, họ đã khắc phục được cảm giác lạc lõng khi đứng trên sàn khiêu vũ.

Thủ đô Viên của Áo được xem là kinh đô âm nhạc cổ điển của châu Âu với truyền thống lâu đời. Đây là thành phố có văn hóa trình diễn nghệ thuật phát triển cao khi các nghệ sỹ và những buổi công diễn luôn là những chủ đề được quan tâm bậc nhất và đặc biệt, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, du khách từ khắp nơi trên thế giới lại đổ đến đây để xem các chương trình biểu diễn. Giới nghệ sỹ ở Viên thường xuyên giao lưu với giới ngoại giao và rất trọng thị họ. Dù thời thế thay đổi, nhưng truyền thống này vẫn được duy trì. Tại các sân khấu lớn, họ dành những chỗ ngồi riêng cho Đại sứ các nước, những người vốn bận rộn với lịch làm việc dày đặc để họ có thể đến xem bất cứ khi nào có thời gian. Ban Ki Moon vô cùng thích thú điều này. Ông tham dự đều đặn các buổi công diễn lớn. Nhờ thế, ông bắt đầu hiểu hơn về nghệ thuật opera. Và ông đã xây dựng thành công hình ảnh của một nhà ngoại giao yêu nghệ thuật.

Opera là bộ môn nghệ thuật không hề đơn giản. So với nhạc kịch, opera thuộc một nhánh chuyên sâu hơn nhiều. Đối với người lần đầu xem nhạc kịch, họ sẽ không cảm thấy khó tiếp nhận. Ánh đèn sân khấu rực rỡ cùng với những điệu nhảy, những bài hát du dương gây mê hoặc thính giác và thị giác, khiến người xem phải hòa mình vào thứ thanh sắc quyến rũ đó. Nhưng opera có những khác biệt đến mức được xem là tinh túy của âm nhạc cổ điển. Thêm vào đó, nó đòi hỏi người nghe phải hết sức kiên nhẫn. Đa phần các bản opera đều được trình diễn bằng tiếng Ý vốn khó nghe và nhịp điệu cũng khá chậm rãi. Không những thế, khán giả phải mặc trang phục lịch sự khi đến xem và phải tuyệt đối giữ im lặng. Tuy nhiên, càng thưởng thức, khán giả sẽ càng bị lôi cuốn và sẽ cảm nhận được sức hút mãnh liệt của opera.

Thế nhưng, đa phần mọi người sau khi xem xong một hai phần của một vở opera sẽ cho rằng “chắc hẳn nó không hợp với mình” và từ bỏ. Xét ở góc độ này, opera là môn nghệ thuật đòi hỏi ở người nghe sự kiên trì và khả năng cảm thụ âm nhạc, và ở Ban Ki Moon người ta thấy rõ hơn hết điều này. Ông luôn tâm niệm rằng nhà ngoại giao giỏi cần phải có con mắt nghệ thuật. Và ông đã từng bước đến với thế giới nghệ thuật. Dù đó là một thế giới vô cùng mới mẻ với ông nhưng một khi bước vào rồi, như một lẽ tự nhiên, bản thân ông nảy sinh những ý tưởng hành động với tư cách của một nhà ngoại giao đích thực. Ở Viên có rất nhiều du học sinh Hàn Quốc theo học ngành âm nhạc. Ban đầu, ông cũng nghĩ rằng các du học sinh này hẳn là gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Nhưng sau khi tiếp xúc với họ, ông mới phát hiện ra mình đã nhầm. Ngoài giờ học ở trường, các du học sinh phải tham gia thêm các khóa phụ đạo với học phí tốn kém khiến cho nhiều người trong đó không đủ điều kiện trang trải.

Để giúp đỡ những sinh viên này phần nào, Ban Ki Moon nảy ra ý tưởng làm cầu nối cho các du học sinh Hàn Quốc với các nghệ sỹ nổi tiếng của Áo. Và ông là người đã giữ vai trò chủ đạo trong việc thành lập dàn nhạc Hàn Quốc – Áo. Lúc bấy giờ, có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng những sáng kiến này sẽ chẳng đi đến đâu nhưng thực tế hiện nay cho thấy để được tham gia vào dàn nhạc, bạn phải đối mặt với rất nhiều đối thủ đáng gờm.

Đối với một người từng không có khái niệm gì về âm nhạc lại bước chân vào thế giới âm nhạc trọn vẹn và được Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice gọi là “một người đàn ông đích thực” như Ban Ki Moon, thì chỉ có một lý do duy nhất. Đó chính là niềm đam mê lấp đầy những hạn chế của bản thân. Đó là điểm khởi đầu cho mọi hành động. Con người ai cũng có những hạn chế riêng. Việc thành công hay thất bại không phải có căn nguyên từ những hạn chế đó, mà là tùy thuộc vào việc có hay không niềm đam mê khắc phục chúng và cải thiện bản thân. Chúng ta đều biết rằng Ban Ki Moon đã không giỏi tiếng Pháp ngay từ đầu và âm nhạc còn là môn học mà ông luôn cố né tránh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Công việc được ưu tiên hàng đầu

Sau khi ước mơ làm nhà ngoại giao trở thành hiện thực, lẽ ra Ban Ki Moon đã có thể tự cho phép mình lười biếng một chút, nhưng ông đã không làm vậy. Khi làm việc ông còn chăm chỉ hơn cả khi học hành. Ông luôn đến cơ quan sớm nhất, làm việc không quản ngại giờ giấc. Ông làm việc ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào. Một câu chuyện kể về sự chăm chỉ và ham mê công việc đến mức đến mức suýt nguy đến tính mạng.

Đó là vào năm 1980, khi ông còn là một Chánh văn phòng tại Liên Hợp Quốc. Đây là giai đoạn mà mối quan hệ với các nước phi đồng minh đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Các quốc gia trong khối phi đồng minh hay các quốc gia trung lập, không thuộc phe chủ nghĩa tư bản do Mỹ đứng đầu và cũng không thuộc phe chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô đứng đầu. Đây là thế lực hùng mạnh được hình thành với hơn 120 quốc gia thành viên, đa phần là các quốc gia châu Á, châu Phi và theo đó, mối quan hệ với khối quốc gia này đang được Hàn Quốc coi trọng. Sau khi trở về từ chuyến công tác sang Ấn Độ, Ban Ki Moon bị mắc chứng đau đầu, ớn lạnh và sốt cao đến mức không đủ sức làm việc. Đó là chứng bệnh sốt Rickettsia. Mọi người trong văn phòng đều khuyên ông nên nằm viện điều trị nhưng Ban Ki Moon nhất định không nghe.

“Thưa Chánh văn phòng, cứ thế này thì nguy hiểm lắm. Ngài phải ưu tiên sức khỏe chứ ạ. Ngài đi khám ngay đi.”

“Tôi không sao đâu. Vừa công tác về nên tôi còn nhiều việc cần giải quyết.”

Ông vừa làm việc vừa đáp bằng giọng yếu ớt. Dù đau đến mức không nói nên lời và biết rõ rằng nếu như không trị liệu kịp thời, căn bệnh sẽ biến triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng nhưng Ban Ki Moon vẫn quyết làm nốt việc trước khi đến bệnh viện. Sau đó, ông đã kiệt sức đến mức ngất xỉu ngay tại bàn làm việc và được các nhân viên đưa vào viện. Ông đã say mê công việc đến mức mê muội như thế.

Khi đi công tác nước ngoài, bao giờ ông cũng lên kế hoạch làm việc qua đêm. Chẳng hạn như kế hoạch làm việc cho 5 ngày 3 đêm hoặc 8 ngày 6 đêm… Ông bỏ hai đêm trong lịch trình vì dự định sẽ dành thời gian cho việc nghỉ ngơi khi ở trên máy bay để tiết kiệm tiền phòng khách sạn. Nhưng ngay cả khi ở trên máy bay ông cũng không nghỉ ngơi đúng nghĩa. Ông thường chỉ chợp mắt một lát và dành thời gian còn lại cho công việc.

Ông đã tận dụng khoảng thời gian này trên máy bay để rà soát lại lịch làm việc, những việc cần làm, nội dung các cuộc hội đàm sắp tới… Quả thật, ông có sức làm việc như một “siêu nhân”.

Vào tháng 9/2006, với vai trò Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ban Ki Moon đã tháp tùng Tổng thống Rho Moo Hyun trong các chuyến viếng thăm châu Âu và châu Mỹ với lịch trình làm việc 26 ngày 24 đêm. Đó là thời điểm cùng lúc ông phải tham gia vào lịch làm việc với Tổng thống và dự hội nghị của Liên Hợp Quốc nhằm vận động tranh cử cho vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Trong đợt công tác này, ông phải trải qua hàng chục chuyến bay, làm việc liên tục và không mấy khi chợp mắt trong giờ bay. Trong những tình huống như thế này, ông phải tự mình xử lý nhiều việc cho dù có trợ lý và thư ký tháp tùng. Ngoài ra, việc di chuyển thường xuyên đến những địa điểm khác nhau với sự chênh lệch múi giờ khiến cơ thể khó lòng thích nghi kịp.

Giới chuyên gia từng có cuộc khảo sát thực nghiệm về áp lực và khả năng thích nghi với sự khác biệt múi giờ. Cuộc thực nghiệm này tiến hành liên tục trong 8 tuần với sự khác biệt múi giờ là 6 tiếng. Kết quả là một phần ba số người tham gia đã bỏ cuộc. Đây là kết quả cho thấy áp lực to lớn của sự cách biệt về múi giờ đối với cơ thể con người. Ấy vậy mà mỗi khi lên máy bay Ban Ki Moon lại bắt đầu làm việc. Đương nhiên là các nhân viên tháp tùng cũng mệt nhoài do phải nỗ lực hết mình để phối hợp hỗ trợ cho ông trong suốt quá trình làm việc.

Nói như vậy không có nghĩa là Ban Ki Moon đã khiến các nhân viên của ông mệt mỏi vì “ngập trong núi công việc”. Ông đã làm việc miệt mài không nghỉ trong suốt thời gian tại nhiệm vị trí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại (năm 2000), nhưng ông chưa từng tạo áp lực cho nhân viên cấp dưới. Vào mỗi cuối tuần, ông thường lặng lẽ đến văn phòng làm việc mà không để ai biết.

Tuy có thói quen không lãng phí thời gian từ nhỏ, nhưng nếu thiếu đam mê và tình yêu to lớn dành cho công việc của một nhà ngoại giao, thì đây quả là một việc làm bất khả thi.

Trong khoảng thời gian 2 năm 10 tháng ở vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại, Ban Ki Moon đã có các chuyến viếng thăm đến 111 quốc gia. Với tổng số ngày công tác nước ngoài là 357 ngày, tương đương với 1/3 thời gian tại nhiệm. Ông đã tham gia 374 cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng, và vô số các cuộc họp báo với giới báo chí. Rõ ràng, trong vai trò Bộ trưởng, Ban Ki Moon đã để lại những kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Cuộc đời nhiều đau buồn và mất mát của một nhà ngoại giao

Khi nói về nhà ngoại giao, thường thì ai cũng sẽ liên tưởng đến hình ảnh một người ăn mặc sang trọng và thường xuyên gặp gỡ các nhân vật quan trọng trong các bữa tiệc. Nhưng thực tế không phải vậy. Nhà ngoại giao là chiến binh dùng lời nói làm vũ khí trên chính trường. Cuộc sống sinh hoạt ở nước ngoài được ví như hành trình của kẻ lang thang. Họ phải đến những miền đất lạ và phải rời đi khi vừa tạm thích nghi với nó. Sau vài năm trở lại, đất nước nơi họ sinh ra lại trở nên lạ lẫm vì những đổi thay. Cho dù có làm việc trong nước cũng không ngoại lệ. Nghề này đòi hỏi phải làm việc và đi công tác nước ngoài thường xuyên khiến cho nhà ngoại giao không có nhiều thời gian dành cho gia đình hay bạn bè. Và những lá thư hay những cuộc điện thoại là mối dây liên lạc duy nhất với người thân, khiến họ không khỏi nặng lòng.

Vào tháng 12/1991, Ban Ki Moon đến Bàn Môn Điếm để tham dự buổi lễ ký kết thỏa thuận “Tuyên ngôn chung về phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” cùng phía Bắc Triều Tiên. Sau sự kiện ngày 25/6, bề ngoài, bán đảo Triều Tiên có vẻ hòa bình nhưng thực tế, tình hình bất ổn có thể diễn ra bất cứ lúc nào do hai nước vẫn đang ở tình trạng đình chiến. Việc đối thoại với Bắc Triều Tiên trong buổi lễ ký kết thỏa thuận không hề dễ dàng. Trong khi mọi người tạm nghỉ giải lao và xem xét các vấn đề nghị sự thì trợ lý ngoại giao lại gần Ban Ki Moon với sắc mặt tái nhợt. Viên trợ lý ấp úng không nói nên lời.

Bố của Ban Ki Moon đã đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Ông nghe như sét đánh ngang tai, dường như không thể tin nổi lời của viên trợ lý. Đến lúc quay trở lại bàn hiệp thương, ông đã không thể không tập trung vào cuộc trao đổi giữa hai bên. Nước mắt ông như đang chực trào ra. Phải mất vài tiếng sau, một phần nội dung mới được thông qua.

Sau đó, Ban Ki Moon đã ngay lập tức đáp chuyến bay về Choongjoo để chịu tang bố. Vừa về đến nơi, ông òa khóc. Ông luôn ưu tiên việc quốc gia lên trên tất cả. Ông trách móc bản thân đã không thể chăm sóc, gặp gỡ những người thân yêu nhất của mình. Ông cảm thấy mình là đứa con bất hiếu khi không thể ở cạnh bố trong giờ phút ông lâm chung, nhưng còn tệ hại hơn khi nghe tin bố mất, ông đã không thể về ngay.

Bố ông đã qua đời vì tai nạn giao thông khi đang đạp xe về nhà, và thủ phạm đã cao chạy xa bay. Người thân trong gia đình đã tổ chức tang lễ cho ông cụ mà không biết kẻ nào đã gây ra tai nạn ấy. Ban Ki Moon đã chia sẻ sự tiếc nuối từ tận đáy lòng với một người bạn đến chia buồn:

“Lúc này tôi mới thấy hối hận vì đã chọn nghề ngoại giao. Tôi đã đánh mất quá nhiều thứ quý giá trong đời. Quanh năm suốt tháng ở nước ngoài, tôi đã mất nhiều người bạn thân thiết và cũng chẳng chăm lo được cho người thân. Giờ cả cha tôi cũng qua đời rồi.”

Ông nghẹn ngào trong nước mắt.

Sau lễ tang không lâu, thủ phạm gây tai nạn giao thông đã bị bắt. Và khi sự thật được phơi bày, ai nấy đều kinh ngạc bởi thủ phạm không ai khác chính là người đóng vai “người tốt” đưa bố Ban Ki Moon đến bệnh viện. Đó là người đã nhận cả tiền rửa xe do vết máu của cha ông vương vãi trên hàng ghế sau. Hắn còn nói dối trắng trợn khi gia đình ông nói lời cảm ơn, “Tôi thấy ông ấy nằm sõng soài, thật tội cho ông quá”.

Gia đình và mọi người thân thích đều vô cùng giận dữ và quyết buộc hắn phải chịu hình phạt thích đáng. Nhưng mẹ của Ban Ki Moon đã đề nghị mọi người tha thứ cho hắn.

“Mẹ! Làm sao có thể làm vậy? Tuyệt đối không được.”

“Không đâu con. Dù các con có làm gì thì bố con cũng không sống lại được nữa. Các con thử nghĩ xem nếu bố con còn sống, ông ấy sẽ xử sự như thế nào.”

Anh em nhà Ban Ki Moon đã không nói thêm được lời nào. Ai nấy đều im lặng nhìn nhau. Ai cũng biết cả cuộc đời bố mình đã sống thế nào. Nước mắt họ không ngừng tuôn rơi, nỗi hận trong lòng cũng không thể nguôi ngoai ngay nhưng mọi người không còn cách nào khác ngoài việc tha thứ cho thủ phạm.

Khi mẹ vợ ông qua đời, ông cũng không được kề cận bên bà. Đó là vào tháng 4/2006, lúc đang có mặt tại Ý trong chuyến công du 6 nước châu Âu với vai trò Bộ trưởng Ngoại giao, ông nhận được tin dữ từ Seoul. Đối với ông, bà là người phụ nữ mẫu mực, luôn thấu hiểu và cảm thông với công việc bộn bề khó khăn của nhà ngoại giao. Ban Ki Moon vô cùng tiếc thương và đau lòng vì đến phút cuối ông cũng không ở bên bà.

Trước khi vợ chồng Ban Ki Moon kết hôn, bà gọi hai con đến và căn dặn con gái:

“Con à, người đàn ông mà về nhà trước khi mặt trời lặn thì chỉ có thể là do anh ta không có việc gì để làm hoặc không có chí tiến thủ. Vì thế, sau này đừng than phiền gì nếu như con rể Ban đi làm về muộn nhé.”

Lời nói của bà khiến Ban Ki Moon vô cùng kinh ngạc, bởi ông cho rằng bà sẽ lo lắng con gái mình sẽ phải vất vả khi lấy chồng làm ngoại giao. Nhờ những lời động viên ấy mà ông cảm thấy yên tâm phần nào trong suốt những năm tháng bôn ba ở nước ngoài vì công việc.

Lòng ông rối như tơ vò, chỉ mong mau trở về Hàn Quốc để lạy chào bà lần cuối dù có muộn màng. Nhưng, khi máy bay cất cánh chưa được bao lâu, viên trợ lý chạy đến chỗ ông và báo:

“Thưa Bộ trưởng, có một sinh viên trên máy bay vừa bị ngất. Em ấy đã được chăm sóc ổn định nhưng tình trạng sức khỏe không được tốt lắm.”

“Thế à? Dù sao tính mạng người vẫn quan trọng nhất. Anh hỏi phi hành đoàn xem có thể quay lại hay không.”

Cơ trưởng nhận được chỉ đạo từ Ban Ki Moon đã quyết định quay về sân bay gần nhất là sân bay Praha của Cộng hòa Séc. Máy bay đã nạp đầy nhiên liệu trước khi cất cánh, nhưng buộc phải xả nhiên liệu để giảm trọng lượng và hạ cánh. Vì thế, cơ trưởng bắt đầu xả nhiên liệu từ trên không trung. Chi phí cho nhiên liệu bỏ đi lúc ấy mất đến cả mười triệu won. Ban Ki Moon gọi viên trợ lý đến và yêu cầu:

“Sinh viên ấy cần phải được chữa trị ngay. Anh gọi điện cho Đại sứ quán Hàn Quốc tại Cộng hòa Séc và yêu cầu họ chuẩn bị xe cấp cứu ngay đi.”

Máy bay hạ cánh tại sân bay Praha Cộng hòa Séc khoảng một giờ sau đó. Xe cấp cứu đã chờ sẵn tại sân bay và đưa sinh viên bị ngất đến bệnh viện. Thế nhưng, thật đáng tiếc, người sinh viên ấy đã không qua khỏi cơn nguy kịch. Ban Ki Moon cảm thấy đau lòng khôn xiết mỗi khi người dân Hàn Quốc tại hải ngoại gặp hoạn nạn hoặc bỏ mạng nơi xứ người. Bởi ông xem việc chăm lo và đảm bảo an toàn cho kiều bào ở nước ngoài là trách nhiệm của mình. Một trong những sự kiện làm ông đau lòng nhất là lúc Kim Sun Il bị bắt cóc và giết hại.

Đó là vào năm 2004 khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng sau khi thôi chức Thứ trưởng vào năm 2001. Toàn khu vực Trung Đông rơi vào hỗn loạn do cuộc chiến tranh Iraq. Sau khi cuộc đối đầu với các lực lượng vũ trang Hồi giáo đã kết thúc, tình hình chiến sự lẻ tẻ trên đường phố và các cuộc khủng bố vẫn diễn ra khiến cho nhiều quân nhân và dân thường thiệt mạng. Bộ Ngoại giao của Hàn Quốc đã điều động di tản kiều bào tại Iraq và các khu vực lân cận và hạn chế việc xuất cảnh đến các khu vực có chiến sự. Thế nhưng lúc bấy giờ, có một thanh niên tên là Kim Sun Il đang làm việc cho một công ty thương mại tại Iraq đã bị một nhóm vũ trang bắt cóc. Bộ Ngoại giao đã tìm mọi cách để cứu chàng thanh niên ấy nhưng cuối cùng, Kim Sun Il đã bị sát hại một cách dã man. Toàn thể người dân Đại Hàn Dân Quốc bấn loạn và sửng sốt. Thêm nữa, dân chúng đã kịch liệt phê phán Bộ Ngoại giao do ban đầu Bộ đã đưa ra cách xử lý chủ quan. Khó khăn lại thêm chồng chất khi vào mùa đông năm ấy, Indonesia đã xảy ra thảm họa sóng thần. Có rất nhiều người dân Hàn Quốc đang du lịch hoặc hưởng tuần trăng mật ở đây đã mất mạng. Niềm tin của người dân đối với Bộ Ngoại giao ngày càng lung lay.

Nỗi đau này quá lớn đối với Ban Ki Moon, không chỉ trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà với tư cách một con dân của Hàn Quốc. Ông cảm thấy mình thật thiếu năng lực. Nhưng ông không thể chỉ ôm ngực mà nuối tiếc. Việc người dân Hàn Quốc xuất cảnh ra nước ngoài ngày càng nhiều nên không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn những việc tương tự diễn ra. Ông đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và lên tiếng kêu gọi cải thiện hoạt động của lãnh sự tại nước ngoài. Và sau vài tháng lên kế hoạch và tiến hành thực hiện, Bộ Ngoại giao cho đã bắt đầu mở các trung tâm dịch vụ hỗ trợ (Call Center). Đây là hệ thống hỗ trợ cho kiều bào ở nước ngoài khi có sự cố khẩn cấp, họ có thể gọi điện thoại liên hệ trực tiếp đến các trung tâm và nhận được sự hướng dẫn về phương thức đối ứng phù hợp. Thông thường, khi yêu cầu, người dân sẽ được lãnh sự quán tại nước sở tại hỗ trợ, nhưng ít ai nhớ được số điện thoại của lãnh sự quán trước khi lên đường. Vì vậy, đây là phương án hỗ trợ hiệu quả khi người dân gặp sự cố tại nước ngoài gọi điện thoại về Hàn Quốc. Sáng kiến Call Center này đã trở nên nổi tiếng đến mức Bộ Ngoại giao của các nước khác cũng học hỏi để áp dụng theo.

Một sự thoái lui không đẹp. Cú sốc và thử thách.

Người đời hay nói hoạn nạn thường đột ngột ập đến không ai có thể dự đoán được. Và trường hợp của Ban Ki Moon đã minh chứng cho điều đó. Vào tháng 2/2001 khi ông đang giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, một hội nghị thượng đỉnh đã diễn ra giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhằm chuẩn bị cho hội nghị diễn ra thành công, cả Bộ Ngoại giao đã rất gấp rút chuẩn bị từ vài tháng trước đó. Thế nhưng, sai sót đã phát sinh bất ngờ. Hai nước đã phát biểu tuyên ngôn chung trong buổi tọa đàm, trong đó, phía Hàn Quốc đã đề cập đến nội dung ủng hộ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM, Anti-Ballistic Missile).

Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo được ký kết năm 1970 giữa Mỹ và Nga với mục đích dự phòng chiến tranh hạt nhân. Theo Hiệp ước này, hai nước Mỹ và Nga đã thỏa thuận không tổ chức hệ thống phòng ngự bằng tên lửa đạn đạo và không sở hữu trên 100 tên lửa. Đây là ý tưởng nhằm ngăn chặn việc một phía nào tấn công trước hòng đề phòng sự tấn công phục thù của đối phương nếu như giới hạn hệ thống tên lửa đạn đạo vốn có khả năng vũ trang hóa bằng các tên lửa khác trên không trung. Nhưng vào năm 2000, dự báo khả năng bị Bắc Triều Tiên, Iraq… tấn công, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước này và phát động Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Hoa Kỳ (NMD, National Missile Defence). Vấn đề là nếu như Hàn Quốc ủng hộ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo thì điều đó đồng nghĩa với việc phản đối Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Hoa Kỳ. Các cơ quan ngôn luận của Mỹ như tờ New York Times đã đồng loạt đưa tin Hàn Quốc đã quay lưng với Mỹ và bắt tay với Nga. Sự việc này đủ gây hiểu lầm cho phía Mỹ mặc dù chính phủ Hàn Quốc không có ý định như thế. Đáng lý ra Bộ Ngoại giao đã phải xem xét tình hình chính trị quốc tế một cách thấu đáo trước khi soạn thảo tuyên ngôn chung giữa hai nước Nga và Hàn Quốc.

Tổng thống Kim Dae Jung đã phải gấp rút gặp mặt Tổng thống Mỹ Bush để xin lỗi về vấn đề này. Và chính phủ phải thực hiện việc quy trách nhiệm cho Bộ Ngoại giao để thể hiện mối quan hệ giữa hai nước Hàn – Mỹ không có gì thay đổi. Ban Ki Moon chính là người bị quy trách nhiệm và buộc thôi việc. Xét trong tình huống này, việc bị buộc thôi việc là hợp lý nhưng hơn hết, Ban Ki Moon là người làm việc hết mình và ưu tiên công việc hơn cả bản thân mình. Vì thế, ông đã trải qua một cú sốc nặng nề.

Và Ban Ki Moon đã không thể giấu được tâm trạng rối rắm của mình trong cú sốc này.

Ở dốc bên kia của cuộc đời

Ban Ki Moon đã thật sự “trắng tay” khi thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Một người anh thân thiết cùng quê đã tặng ông vé tàu điện định kỳ và khuyên Ban Ki Moon nên đón nhận mọi việc một cách tích cực hơn. Ông thầm cảm ơn tấm lòng của người anh nhưng tâm trạng vẫn không khỏi muộn phiền. Thậm chí bấy giờ, bảo hiểm y tế của ông cũng không còn. Ông phải đăng ký cho con trai thuộc diện phụ thuộc gia đình nhằm nhận được hỗ trợ từ cơ quan bảo hiểm y tế.

Dẫu biết rằng cuộc đời không thiếu những gian nan, thử thách nhưng Ban Ki Moon vẫn khó lòng chấp nhận sự thật đã xảy ra. Ông không cam tâm vì cả cuộc đời công chức đầy tự hào đã kết thúc một cách tủi nhục chỉ bởi một lần sai sót. Dù biết việc xảy ra phải có người đứng ra chịu trách nhiệm nhưng nỗi khổ tâm này không thể nói hết bằng lời. Ông không muốn gặp mặt ai. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, ông dần thay đổi suy nghĩ khi nghĩ đến một con người mà ông quý trọng như một tài sản lớn của đời mình, đó chính là người thầy No Shin Young.

“Anh bạn yêu quý của tôi, cuộc đời ấy mà, có lúc phải cật lực lắm mới leo lên được đỉnh núi, nhưng cũng có những chỗ quanh co, mình phải bước xuống chứ không có cách nào khác. Vả lại, càng ở vị trí cao, người ta càng dễ dàng gặp những trở ngại như thế. Tôi biết anh ấm ức nhưng đây đâu phải dấu chấm hết cho cuộc đời anh, vì thế đừng quá đau lòng. Vấn đề là vào những lúc như thế này, anh phải sống cho tốt hơn. Người ta dễ dàng sống tốt vào những lúc xuôi chèo mát mái. Nhưng chính những lúc gian nan thế này mới cần đến nghị lực phi thường của con người đấy, anh bạn ạ.”

Ban Ki Moon điềm tĩnh lắng nghe những lời chỉ dạy của thầy No Shin Young. Trước khi tìm đến gặp No Shin Young, ông đã có ý định từ bỏ con đường ngoại giao để tìm một công việc khác. Nhưng sau khi nghe No Shin Young khuyên bảo, ông đã thay đổi ý định. “Mình sẽ trở lại”, ông nghĩ. Ông quyết định thôi suy nghĩ, buồn lòng về chuyện đã qua và nhận một công việc trong Viện Nghiên cứu An ninh Ngoại giao. Ông dự định vừa làm công việc nghiên cứu vừa chờ thời điểm thích hợp để trở lại với nghề ngoại giao.

4 tháng sau, ông nhận được liên lạc từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Han Seung Soo (Bộ trưởng thứ 30, nhiệm kỳ 2001-2002). Ban Ki Moon đã cùng làm việc với Han Seung Soo khi ông này giữ vị trí Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ. Han Seung Soo dành rất nhiều thiện cảm cho Ban Ki Moon vì năng lực làm việc và cảm thấy vô cùng tiếc nuối về việc Ban Ki Moon phải nghỉ việc một cách tủi hổ như thế.

“Tôi sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, tôi muốn anh về làm Chánh văn phòng thư ký cho tôi. Vì cùng lúc phải đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng nên hẳn là tôi sẽ không ít lần vắng mặt ở Liên Hợp Quốc. Nếu có anh để giao phó công việc, tôi cũng an tâm hơn nhiều.”

Tuy rất biết ơn Han Seung Soo đã không quên mình và gọi ông về hỗ trợ nhưng đây là một việc quan trọng không thể quyết định vội vàng. Bởi chức vụ Chánh văn phòng thư ký của Chủ tịch ngang bậc với cấp Cục trưởng, thấp hơn nhiều so với chức vụ Thứ trưởng trước đây Ban Ki Moon từng đảm nhiệm. Han Seung Soo cũng cảm thấy ngại cho Ban Ki Moon trong việc này.

“Anh cũng đừng lấy làm buồn lòng vì tôi giao cho anh chức vụ chỉ ngang cấp Cục trưởng trong khi anh đã từng giữ chức Thứ trưởng khá lâu. Không phải là tôi không nghĩ đến việc này, nhưng tôi thấy hiện tại, rời Hàn Quốc và làm việc ở nước ngoài sẽ tốt hơn cho anh. Anh đừng để tâm đến dư luận làm gì, cứ tin và làm theo tôi lần này đi.”

Ban Ki Moon quyết định chấp nhận lời đề nghị đó của Han Seung Soo. Như những lời Han Seung Soo nói, ông quyết tâm bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của nhiều người và bắt đầu cho một khởi đầu mới.

Ban Ki Moon thường hay tự nhủ với bản thân mình rằng, “Mình không phải là người kiệt xuất. Mình không làm việc vì mong muốn một vị trí nào cụ thể. Mình chỉ cần hết lòng làm công việc mà mình được giao.”

Ban Ki Moon quyết định làm việc cật lực, hết mình cho công việc được giao và phó mặc vận mệnh cho ý trời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.