Ban Ki Moon

Phụ lục



Về ngoại giao và Liên Hiệp Quốc

Nhà ngoại giao là ai?

Nhà ngoại giao là một công chức nhà nước đại biểu cho một quốc gia. Cũng như định nghĩa “nhà ngoại giao là chiến binh không súng”, nhà ngoại giao đóng vai trò bảo vệ và tăng cường lợi ích quốc gia trước các quốc gia khác trên thế giới. Thông thường, khi nói về nhà ngoại giao, người ta không khỏi hình dung về những nhân vật thường xuyên tham gia các buổi lễ đón tiếp trọng thể và các chuyến công du đến nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Nhưng đó chỉ là bề nổi của công việc này. Hằng ngày, nhà ngoại giao phải xử lý rất nhiều công việc dù đó là công việc nhỏ nhặt nhất, phải làm việc ở những quốc gia có ngôn ngữ và văn hóa khác biệt, ở những vùng đất xa xôi của châu Phi và khó được ổn định trong cuộc sống vì phải thường xuyên di chuyển. Đây là một nghề vất vả, nhiều khó khăn nếu như nhà ngoại giao không xác định sứ mệnh “xông xáo hoạt động ở đầu chiến tuyến vì lợi ích quốc gia”. Nhưng cũng chính vì thế, nghề này mang lại nhiều thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Công việc của nhà ngoại giao là gì?

Công việc chính của một nhà ngoại giao là đại diện cho quốc gia đàm phán với nước khác về các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia. Trường hợp nhà ngoại giao sống ở nước ngoài, nhiệm vụ của họ là nắm bắt thông tin và tìm hiểu về văn hoá, tinh thần của quốc gia đó trong mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội…, bảo vệ quyền lợi cho kiều bào, tăng cường phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với nước sở tại…

Các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài bao gồm Đại sứ quán (Embassy) và Lãnh sự quán (Consulate General).

Các cấp bậc của nhân viên làm việc trong Đại sứ quán gồm có: Đại sứ, Công sứ, Tham tán, Bí thư…Các nhân viên ngoại giao này đảm nhiệm công việc có liên quan đến chính phủ nước sở tại. Nhà ngoại giao là người truyền đạt đến chính phủ nước sở tại quan điểm của chính phủ nước nhà về chính sách và các vấn đề mà hai nước cùng quan tâm, đề ra chính sách ngoại giao phù hợp, đồng thời phải chịu trách nhiệm thông tin cho cơ quan chủ quản nếu như có những biến cố lớn về chính trị, kinh tế xảy ra ở nước sở tại. Ngoài ra, nhà ngoại giao phải thực hiện những việc công, tư khác nhau như duy trì các mối quan hệ gần gũi với nhiều nhân vật quan trọng của nước sở tại nhằm củng cố uy tín của quốc gia.

Các cấp bậc của nhân viên ngoại giao làm việc trong Lãnh sự quán gồm có: Tổng lãnh sự, Lãnh sự, Phó lãnh sự… Công việc của họ thường liên quan đến kiều bào ở nước sở tại. Nhiệm vụ chính của họ là đảm bảo an toàn và bảo vệ lợi ích của kiều bào và doanh nghiệp Hàn Quốc tại các quốc gia trên thế giới. Họ còn xử lý những việc khác như là cấp hộ chiếu cho kiều bào hoặc cấp thị thực cho người nước ngoài muốn đến tham quan Hàn Quốc…

Cần phải làm gì để trở thành nhà ngoại giao?

Tuy khả năng ngoại ngữ xuất sắc là yếu tố cơ bản, nhưng để trở thành nhà ngoại giao chúng ta cần đến rất nhiều kỹ năng chứ không nên chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực. Bởi nghiệp vụ ngoại giao đòi hỏi kiến thức và sự hiểu biết trên mọi lĩnh vực và năng lực đàm phán sắc sảo cũng như khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ hữu hảo. Vì thế, ngay từ thời còn học cấp hai và cấp ba, chúng ta cần phải vừa tập trung học hành, vừa chủ động đọc tài liệu, sách báo liên quan đến nhiều lĩnh vực, vừa vun đắp kinh nghiệm xã hội bằng cách tham gia các hoạt động xã hội nhằm nuôi dưỡng khả năng tư duy và phán đoán.

Đồng thời, để trở thành một nhà ngoại giao, mỗi bạn trẻ cần chuẩn bị cho mình những hành trang sau:

Thứ nhất, cần có tình yêu Tổ quốc và tinh thần phụng sự đất nước và nhân dân.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà ngoại giao là bảo vệ quyền lợi của kiều bào tại nước sở tại. Vì thế, lòng yêu nước, thương dân và tinh thần sẵn sàng phụng sự rất quan trọng. Hơn nữa, nếu như không có lòng tự hào dân tộc và sự tự tin, chúng ta không thể trở thành nhà ngoại giao xuất sắc được.

Thứ hai, ngoài ngôn ngữ bắt buộc là tiếng Anh, cần thông thạo thêm một, hai ngoại ngữ khác.

Khả năng ngoại ngữ là điều kiện thiết yếu mà nhà ngoại giao phải có nhằm hiểu rõ hơn về nước bạn và nắm rõ những nội dung đàm phán.

Thứ ba, ngoài việc nắm rõ về chính trị, kinh tế, pháp luật, chúng ta cần hội đủ kiến thức về mọi lĩnh vực xã hội, văn hoá, lịch sử, nghệ thuật…

Đưa ra một phương án giải quyết hiệu quả nhất về một vấn đề cụ thể, khả năng tư duy mang tính tổng hợp dựa trên nền tảng tri thức rộng thuộc nhiều lĩnh vực là vô cùng cần thiết.

Thứ tư, cần có khả năng phán đoán thực tế và khả năng quan sát nhạy bén.

Nếu như trước đây, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, nhà ngoại giao cần đưa ra phương án quan trọng dựa trên năng lực phán đoán của bản thân do sự hạn chế về nguồn thông tin thì ngày nay, giữa rất nhiều nguồn thông tin, nhà ngoại giao cần phải có khả năng phán đoán và khả năng quan sát để có thể tìm ra nguồn thông tin hữu ích cho việc tăng cường lợi ích nước nhà.

Tổ chức Liên Hợp Quốc là gì?

Tổ chức Liên Hợp Quốc là một tổ chức quốc tế được thành lập nhằm duy trì hòa bình và phòng chống chiến tranh giữa các quốc gia. Hội Quốc Liên được thành lập năm 1920 nhưng đã không làm tròn vai trò của mình dẫn đến Chiến tranh Thế giới II bùng nổ. Trong quá trình diễn ra Thế chiến II, các quốc gia đã nhận thức được sự cần thiết của một tổ chức quốc tế mới nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Và vào năm 1942, thuật ngữ “Liên Hợp Quốc” (United Nations) lần đầu tiên được sử dụng bởi Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Hiện tại, tổ chức có 193 thành viên, hai miền bán đảo Triều Tiên đã cùng gia nhập vào năm 1991.

Vai trò chính của Liên Hợp Quốc có thể tóm tắt là nhằm duy trì hòa bình, tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội…, ngăn ngừa các vấn đề đe dọa an ninh thế giới bằng luật pháp quốc tế…

Những công việc chính của Liên Hợp Quốc là gì?

Tổ chức Liên Hợp Quốc đóng vai trò ngăn ngừa các cuộc chiến trên quy mô lớn như Chiến tranh Thế giới II và can thiệp vào các cuộc phân tranh giữa các quốc gia để tìm ra phương án giải quyết mang tính hòa bình. Liên Hợp Quốc thành lập nên các cơ quan như Ủy ban Giải trừ Vũ khí…, phái các đoàn giám sát đến các quốc gia và thực hiện các hoạt động theo dõi, khống chế nhằm đề phòng việc sở hữu và phát triển vũ khí hạt nhân. Hiện nay, Tổ chức Phát triển Năng lượng Triều Tiên KEDO đã được thành lập và đi vào hoạt động với sự tham gia chủ lực của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật… Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng tổ chức những hoạt động nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, nhân đạo. Đặc biệt, nhằm giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, Liên Hợp Quốc đã thành lập Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển UNCTAD vào năm 1964, trong đó áp dụng các điều khoản giảm thuế quan đối với các sản phẩm xuất khẩu của các nước đang phát triển…

Liên Hợp Quốc có những tổ chức nào?

Có 6 tổ chức chính, quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc, bao gồm: Đại hội đồng, Ban thư ký, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Hội đồng Ủy trị, Tòa án Quốc tế. Dưới các tổ chức này có rất nhiều các cơ quan trực thuộc và 16 cơ quan chuyên môn.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (General Assembly): là cơ quan tối cao của Liên Hợp Quốc với sự tham gia của tất cả các thành viên. Cơ quan này nắm giữ quyền hạn thẩm tra và kiểm soát mọi hoạt động của Liên Hợp Quốc, như là vấn đề tài chính, việc gia nhập hội viên mới của các quốc gia, việc ứng cử của các quốc gia vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc…

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Security Council): là cơ quan phụ trách các công việc liên quan đến duy trì an ninh và hòa bình thế giới. Cơ quan này có quyền chủ động tước quyền hội viên hoặc một số quyền nhất định của các nước thành viên. Ngoài ra, cơ quan này có quyền bầu chọn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế.

Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (Economic and Social Council): là một trong những cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các ban về kinh tế – xã hội. Hội đồng còn đóng vai trò là một diễn đàn thảo luận các vấn đề kinh tế và xã hội quốc tế và đưa ra các kiến nghị chính sách tới các quốc gia thành viên và cho toàn hệ thống Liên Hợp Quốc.

Hội đồng Ủy trị Liên Hợp Quốc (Trusteeship Council): là cơ quan được thành lập nhằm đảm bảo những lãnh thổ ủy trịđược quản lý với những lợi ích tốt nhất dành cho cư dân nơi đấy cũng như an ninh và hòa bình quốc tế. Nó đồng nghĩa với việc tìm ra những giải pháp an ninh về chính trị bằng việc tạm thời điều hành những khu vực có nguy cơ xảy ra bạo loạn chính trị. Vào thời kỳ đầu khi Liên Hợp Quốc mới được thành lập, có 11 khu vực tại châu Phi và châu Á Thái Bình Dương nhận được sự ủy trị. Đến tháng 10/1994, lãnh thổ ủy trị cuối cùng là quần đảo Palau đã tuyên bố tách khỏi sự kiểm soát của Mỹ, đánh dấu việc hoàn thành sứ mệnh của Hội đồng này và vì thế, tổ chức được giải tán.

Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice): là cơ quan pháp lý của Liên Hợp Quốc, nơi được xem là “toà án thế giới”, giữ vai trò giải quyết các vấn đề phân tranh quốc tế bằng pháp luật. Tòa án có 15 thẩm phán, nhiệm kỳ kéo dài 9 năm nhưng có thể được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ.

Ban thư ký Liên Hợp Quốc (Secretariat): ngoài nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy Lực lượng Gìn giữ Hòa bình, đây là cơ quan giữ vai trò điều tra nguyên nhân và có hành động thích hợp đối với các phân tranh quốc tế.

Cần phải làm gì để có thể làm việc tại Liên Hợp Quốc?

Có bốn cấp bậc nhân viên tại Liên Hợp Quốc, bao gồm: cấp giám đốc (Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký, Trợ lý Tổng thư ký), cấp quản lý, cấp chuyên viên, cấp nhân viên. Trong đó, cấp giám đốc và cấp quản lý thường được nội bộ bầu chọn, cấp nhân viên thường tuyển dụng người dân nước sở tại.

Để có thể trở thành nhân viên của tổ chức quốc tế, các ứng viên thường phải có học vị trên Thạc sỹ liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển và phải có kinh nghiệm làm việc phong phú tại các công ty quốc tế hoặc tổ chức của chính phủ nước ngoài liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển. Điều kiện quan trọng nhất là khả năng thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Ứng viên sẽ giành ưu thế nếu biết thêm các ngoại ngữ được sử dụng tại Liên Hợp Quốc như tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập…

Quy trình tuyển dụng gồm có: thẩm định hồ sơ xin việc – thi viết – phỏng vấn (bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp). Nếu vượt qua được vòng phỏng vấn, ứng viên sẽ nhận được thư mời tiếp nhận công việc trong vòng một năm nếu như Liên Hợp Quốc có nhu cầu tuyển dụng. Ngoài phương thức tuyển dụng công khai, các nhân viên có thể được tuyển dụng làm việc tại Liên Hợp Quốc thông qua các chương trình khác như là: kỳ thi tuyển chuyên viên sơ cấp, chương trình chuyên viên trẻ, chế độ thực tập sinh, tuyển dụng khi Liên Hợp Quốc có vị trí trống, hình thức đăng ký ứng cử của Bộ Ngoại giao…

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được bầu chọn như thế nào?

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cơ quan nắm quyền bầu cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Sau khi tổ chức bỏ phiếu kín đối với từng ứng cử viên, ứng cử viên nào nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ được Hội đồng Bảo an đề xuất lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Cho đến nay, chưa có trường hợp ứng cử viên được Hội đồng Bảo an đề xuất bị từ chối bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Vì thế, có thể nói vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là do Hội đồng Bảo an quyết định. Vị trí Tổng thư ký với nhiệm kỳ 5 năm được bầu chọn luân phiên giữa các đại lục là một trong những thông lệ được thực thi nghiêm túc trong thời gian qua.

Vị trí và vai trò của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là gì?

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là chức danh đứng đầu Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc. Trên thực tế, Tổng thư ký cũng đồng thời là người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc, là một công chức quốc tế không chịu sự ảnh hưởng hay chỉ thị của bất cứ quốc gia hay tổ chức nào. Tổng thư ký luôn nhận được sự đón tiếp của các nguyên thủ quốc gia hoặc cấp Thủ tướng. Đồng thời, Tổng thư ký nắm quyền điều hành nhân sự đối với 40.000 nhân viên Liên Hợp Quốc và quyền quyết định về tài chính của Liên Hợp Quốc. Nhiệm kỳ là 5 năm nhưng Tổng thư ký có thể được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ.

Quyền hạn chủ đạo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là đóng vai trò trung gian hòa giải và ngăn chặn nguy cơ các cuộc phân tranh quốc tế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có thể đề xuất ý kiến đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các vấn đề được phán đoán là uy hiếp đến duy trì an ninh và hòa bình thế giới. Ngoài ra, Tổng thư ký có thể cử Lực lượng Gìn giữ Hòa bình đến các khu vực phân tranh và thuyết phục các bên đi đến thỏa thuận mang tính hòa bình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.