Ban Ki Moon

Sự trong sáng mang đến những điều tốt đẹp



Đừng gọi đó là “kết thúc”, hãy gọi nó là “sự khởi đầu lại”

Từ khi bắt đầu lại sự nghiệp với chức vụ Chánh văn phòng thư ký cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ban Ki Moon đã làm việc với quyết tâm rất cao. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là thu thập ý kiến của các quốc gia thành viên. Đã từng trải qua vị trí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nên Ban Ki Moon có mối quan hệ rất rộng rãi, và điều này có tác động tích cực đối với công việc mới của ông. Với khả năng giải quyết công việc trực tiếp với Đại sứ của các nước, Ban Ki Moon đã đẩy nhanh tiến độ xúc tiến công việc với hiệu quả cao và giúp các vấn đề nghị sự được quyết định sớm. Cũng giống như thời kỳ còn làm việc trong Bộ Ngoại giao, Ban Ki Moon được đánh giá là người làm việc hiệu quả trong văn phòng Liên Hợp Quốc.

Lúc bấy giờ, tại Liên Hợp Quốc đã diễn ra hội nghị quốc tế liên quan đến quyền lợi trẻ em. Liên minh các quốc gia Ả Rập viện cớ vào sai sót trong quy trình đã phản đối sự tham gia của Israel trong hội nghị này. Vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Israel, phía Mỹ đã gây áp lực cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về sự có mặt của quốc gia này. Liên minh các quốc gia Ả Rập cũng ngầm thông báo: “Nếu như có Israel, chúng tôi sẽ không tham gia”. Ban Ki Moon đã tìm gặp từng thành viên của Liên minh này để thuyết phục. Nói thì dễ nhưng việc thuyết phục đại diện của từng quốc gia này không hề đơn giản.

“Hội nghị lần này không phải là hội nghị mang tính chính trị. Đây chỉ là hội nghị đơn thuần vì quyền lợi của trẻ em nên mong các vị bỏ qua những sai sót về mặt quy trình. Chẳng lẽ các vị muốn lôi các em nhỏ vào những vấn đề chính trị của người lớn sao?”

Bằng việc nhắc đến mục đích cuối cùng của hội nghị, Ban Ki Moon đã khiến các đại diện của các quốc gia thuộc Liên minh phải đồng tình. Không chỉ Liên minh các quốc gia Ả Rập cảm phục nhiệt tâm của ông, cả Israel và các nước khác đều đánh giá ông là người có nhiệt tình lớn lao trong công việc và có khả năng xúc tiến mạnh mẽ.

Ban Ki Moon rất quan tâm đến các quốc gia nhỏ yếu trên diễn đàn quốc tế như các nước Trung Đông và châu Phi. Đặc biệt, vấn đề về Palestine luôn là nghị sự hết sức nhạy cảm trên diễn đàn chính trị quốc tế. Các quốc gia khác thường tránh xa họ vì lo ngại ảnh hưởng nhưng Ban Ki Moon thì khác. Ông thường xuyên gặp gỡ đại diện của Palestine tại Liên Hợp Quốc và lắng nghe câu chuyện của họ, đồng thời khích lệ, động viên họ. Cũng giống như khi ở Hàn Quốc, Ban Ki Moon được xem là “nhà ngoại giao thật sự” vì không có kẻ thù nào trên vũ đài quốc tế. Và kỳ diệu thay, các mối nhân duyên này về sau đều trở thành nguồn hỗ trợ tích cực cho Ban Ki Moon.

Khi trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ban Ki Moon đã đồng thời thực hiện các chuyến viếng thăm đến Palestine và Israel. Trên vũ đài chính trị, nhà ngoại giao cần xem xét động thái của Israel trong mâu thuẫn với Palestine để tiếp cận Palestine. Ngược lại, muốn tiếp cận Israel, họ cần phải dè chừng động thái của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tại khu vực Trung Đông, và đương nhiên trong đó có cả Palestine. Chính vì điều này, các nhà ngoại giao thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhưng Ban Ki Moon thì khác. Với mối quan hệ thân thiết được thiết lập trong thời kỳ làm việc tại Liên Hợp Quốc, ông dễ dàng nhận được sự thông hiểu của cả hai quốc gia.

Đại diện của Palestine tại Liên Hợp Quốc năm xưa – người từng sẻ chia tâm sự cùng Ban Ki Moon – về sau đã trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Palestine, và khi đến viếng thăm Israel, ông còn nhận được lời cảm ơn về sự giúp đỡ của mình trong quá khứ tại Liên Hợp Quốc. Thật ra, Ban Ki Moon đã làm việc cật lực khi còn giữ vị trí Chánh văn phòng thư ký cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không phải vì mục đích cá nhân. Ông chỉ làm việc như cách mình đã từng làm việc tại Hàn Quốc. Phải chăng đây là nguyên lý của cuộc đời, khi làm việc hết lòng bằng sự vô tư, trong sáng không một chút toan tính, chúng ta sẽ nhận lại những thành quả tốt đẹp? Những mối nhân duyên này về sau đều đóng vai trò ủng hộ tích cực cho Ban Ki Moon khi ông tranh cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Quả là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Sau khi kết thúc quá trình làm việc tại Liên Hợp Quốc, ông đã trở lại làm việc cho Bộ Ngoại giao. Và vào năm 2004, ông đã được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại, vị trí mà bất cứ nhà ngoại giao nào cũng đều mơ ước.

Từ một nhà ngoại giao Hàn Quốc đến một đại thống lĩnh thế giới

Dự án SG Wannabe

Từ năm 2005, giới ngoại giao truyền tai nhau câu chuyện về kỳ vọng ứng cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho nhiệm kỳ tới. Chính phủ Hàn Quốc cũng tích cực ủng hộ việc này. Bởi nếu một người Hàn Quốc nắm giữ vị trí quan trọng này, trong tương lai 10 năm tới, vấn đề nhạy cảm trên bán đảo Triều Tiên sẽ được giải quyết thuận lợi hơn trên vũ đài chính trị thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã chọn Ban Ki Moon với hơn 30 năm kinh nghiệm dày dặn trong ngành ngoại giao cùng với vị trí vững chắc trong trên chính trường và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc tại Liên Hợp Quốc làm ứng cử viên chính thức cho vị trí này. Kể từ đó, giới ngoại giao và giới phóng viên thường nói với nhau về “dự án SG Wannabe” như một cụm từ cửa miệng.

“SG Wannabe” là tên của một nhóm nhạc nam nổi tiếng Hàn Quốc, nhưng nó cũng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa “muốn trở thành đôi song ca nổi tiếng của Mỹ, Simon & Garfunkel”. Nhưng cụm từ “SG Wannabe” mà giới ngoại giao và giới truyền thông nhắc đến mang hàm ý hoàn toàn khác. SG là cụm từ viết tắt của từ Secretary Genernal (Tổng thư ký). Vì thế, nhắc đến cụm từ này tức là nói đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ban Ki Moon, ứng viên của vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Sau khi chọn được ứng cử viên cho vị trí này, chính phủ Hàn Quốc ra “lệnh cấm vận” trong vòng ba tháng. Lệnh cấm vận có nghĩa là thực thi cấm vận xuất nhập khẩu và khống chế hoạt động truyền thông. Vì thế, trong giới truyền thông, lệnh cấm vận này được áp dụng trong vòng ba tháng, theo đó, các cơ quan ngôn luận không được phép đưa thông tin nào liên quan về vấn đề này. Không cơ quan nào được tiết lộ thông tin trên. Tuy nhiên, vài phóng viên đã vi phạm lệnh cấm trên. Phóng viên của một cơ quan ngôn luận nọ đã sử dụng mưu mẹo để không thực thi lệnh của chính phủ. Họ đã gián tiếp rò rỉ thông tin về quyết định chọn ứng cử viên cho vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Nhưng Bộ Ngoại giao đã ra chỉ thị yêu cầu mọi cơ quan ngôn luận tuân thủ lệnh cấm vận đến cùng vì lợi ích quốc gia. Các phóng viên đều đồng lòng chờ đợi trong ba tháng và tự nhủ “phải giữ đúng kế hoạch lần này”.

Sau ba tháng hết hiệu lực “cấm vận”, vào tháng 12/2005, chính phủ Hàn Quốc một lần nữa lại tiếp tục ra lệnh “cấm vận truyền thông”. Hiệu lực lần này là 2 tháng. Đương nhiên, lần này, những tiếng nói phản kháng đã bắt đầu rộ lên. Hơn nữa, không ít các phóng viên tỏ ra hoài nghi về phương thức tranh cử được tiến hành trong bí mật như thế này:

“Thông báo ứng cử viên cho mọi người biết đến và tích cực vận động còn chưa biết có trúng cử hay không, đằng này tranh cử mà im như thóc thế kia?”

Thật ra, vào thời điểm ấy, giới báo chí cũng như các công chức chính phủ chịu trách nhiệm xúc tiến việc tranh cử cũng không kỳ vọng nhiều về khả năng thắng cử của Ban Ki Moon. Vài cơ quan ngôn luận tuyên bố sẽ lên tiếng thay vì chờ đợi thêm nữa.

Thật ra, lệnh cấm vận này được thực hiện đúng theo kế hoạch và chiến lược cụ thể của chính phủ. Bởi chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc vận động tranh cử tiến hành trước khi công bố trước các cơ quan ngôn luận sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn. Chính phủ đã chọn phương thức tìm kiếm tư vấn để chuẩn bị cho một hình ảnh gần gũi hơn trước khi công bố với công chúng. Trước khi tuyên bố ứng cử chính thức, nếu như cử tri được hỏi “Tôi muốn ứng cử lần này, không biết ý kiến của mọi người thế nào?” hay “Mong mọi người góp ý cho tôi trong những kế hoạch hành động trong lần ứng cử này”, ứng cử viên sẽ tạo được hình ảnh khiêm tốn và thận trọng, đồng thời, tạo cho người nghe cảm giác mình được tôn trọng và có quyền đóng góp ý kiến. Vì thế, so với việc các cơ quan ngôn luận công bố trước, như “Mọi người hẳn đều biết là tôi sẽ ra ứng cử lần này? Vì thế, bằng mọi giá, mọi người hãy giúp đỡ tôi”, sẽ hiệu quả hơn nhiều. Chiến lược vận động tranh cử này khá tương đồng với bản tính của Ban Ki Moon. Thế nhưng, không ai có thể biết được rằng liệu chiến lược tranh cử giống như khí chất quyết liệt mà khiêm tốn của Ban Ki Moon có hiệu quả trên vũ đài chính trị quốc tế hay không.

Ngày 14/2/2006, cuối cùng lệnh cấm vận cũng được gỡ bỏ. Ban Ki Moon đã đọc diễn văn với vẻ mặt đầy quyết tâm trước máy ghi hình. “Kể từ hôm nay, tôi sẽ bắt đầu tranh cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tôi nghĩ rằng chính phủ Đại Hàn Dân Quốc được thành lập cùng tổ chức Liên Hợp Quốc đã phát triển thành một quốc gia kiểu mẫu theo các mục tiêu mà tổ chức Liên Hợp Quốc theo đuổi. Giờ đây, Đại Hàn Dân Quốc mong muốn cùng chung tay với tổ chức Liên Hợp Quốc bằng năng lực quốc gia ngày càng vững mạnh và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tôi xin được đón nhận một cách khiêm nhường việc đề cử của chính phủ cho việc tranh cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của người dân Hàn Quốc, cũng như của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và của cộng đồng quốc tế.”

Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo cho chính phủ Bắc Triều Tiên về việc tranh cử của Ban Ki Moon bằng phương thức ngoại giao. Việc làm này nhằm thể hiện hy vọng nhận được sự quan tâm của chính phủ Bắc Triều Tiên vì lý do khi một người Hàn Quốc được bầu vào vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, điều này sẽ mang đến hiệu quả tích cực đối với vấn đề hòa bình trên báo đảo Triều Tiên. Phía Bắc Triều Tiên đã không có phản ứng gì đặc biệt. Điều này được ngầm hiểu là sự đồng ý trong im lặng.

Ban Ki Moon đã trực tiếp đến Quốc hội để tìm kiếm sự ủng hộ bởi lúc bấy giờ, ông vẫn đang giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Hành động này nhằm ngăn chặn khả năng phê phán mang tính tiêu cực từ các nghị sỹ của Đảng đối lập trong thời điểm tranh cử trọng đại khiến cho toàn bộ kế hoạch có khả năng đổ vỡ. Các nghị sỹ Quốc hội không phân biệt Đảng phái nào đã thống nhất ủng hộ ông tranh cử vì đây là một dự án trọng đại của quốc gia.

Ban Ki Moon bắt đầu tham gia vận động tranh cử một cách tích cực. Các quốc gia có quyền quyết định bầu chọn vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là các nước ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 5 Ủy viên thường trực là Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp và 10 Ủy viên không thường trực (các Ủy viên không thường trực có nhiệm kỳ hai năm). Ban Ki Moon không vận động tranh cử bằng việc tập trung vào các nước này mà đặt mục tiêu tiếp cận mọi thành viên của Liên Hợp Quốc với mong muốn thuyết phục họ thành đồng minh của mình. Đó là một kế hoạch tranh cử đầy tham vọng. Từ đó trở đi, Ban Ki Moon đã phải theo đuổi một lịch trình tranh cử “siêu nhân”. Mọi người đều lo ngại về khả năng thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ như kế hoạch đề ra, nhưng với nội lực dày dặn được tôi rèn từ những ngày còn chập chững vào nghề đến nay, Ban Ki Moon đã hoàn toàn đủ khả năng thực hiện những công việc lớn lao mà mình đã đặt ra.

Bầu cử trù bị lần thứ nhất

Hình thức bầu cử Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khá đặc biệt. Có hai đợt bầu cử trù bị (cuộc bỏ phiếu thăm dò không chính thức) mang tên Straw Poll trước khi diễn ra bầu cử chính thức. Bầu cử phi chính thức được chia làm hai đợt. Trong đợt một, các Ủy viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành bầu chọn bằng cách ghi vào phiếu bầu 1 trong 3 lựa chọn: ưu tiên, không ưu tiên hoặc bỏ phiếu trắng. Sau khi kết thúc, ban tổ chức sẽ công bố kết quả ứng cử viên của quốc gia nào nhận được nhiều phiếu bầu nhất và ít phiếu bầu nhất, nhưng giữ bí mật về nội dung bầu chọn của các quốc gia.

Trong đợt hai, các Ủy viên thường trực và không thường trực sẽ bầu chọn bằng hai loại giấy có màu khác nhau. Và họ được quyền lựa chọn giữa 1 trong ba hình thức: đồng ý, phản đối hoặc bỏ phiếu trắng. Kể từ lúc này, sức ảnh hưởng của các Ủy viên thường trực thể hiện rõ nét. Bởi các quốc gia Ủy viên thường trực có thêm quyền phủ quyết. Nếu toàn bộ 14 nước còn lại đều tán thành, nhưng chỉ cần một Ủy viên thường trực dùng quyền phủ quyết, thì cuộc bầu cử phải được tiến hành lại. Đợt bầu cử thứ hai tuy không chính thức nhưng có để đoán được các quốc gia đồng ý hoặc phản đối. Theo đó, cuộc bầu cử sẽ được tiến hành liên tục cho đến khi đạt được 9 phiếu thuận, trong đó phải có sự tán thành của 5 Ủy viên thường trực. Đó là nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối của Liên Hợp Quốc. Vì thế, các ứng cử viên phải chờ đợi kết quả trong trạng thái bồn chồn, thấp thỏm không yên.

Đợt bầu cử lần thứ nhất cho vị trí Tổng thư ký thứ 8 của Liên Hợp Quốc được tiến hành vào tháng 7/2006. Đến tận trước ngày bầu cử, dư luận thế giới cũng như trong nước không hề tỏ ra quan tâm đến ứng cử viên Ban Ki Moon. Bởi đây là vị trí không ai dám nghĩ tới với thái độ thiếu tự tin của Bộ Ngoại giao trong thời gian qua. Cuộc bầu cử đã được tiến hành vào lúc 10 giờ sáng theo giờ Mỹ, tức 11 giờ đêm tại Hàn Quốc. Và kết quả là ứng cử viên Ban Ki Moon của Hàn Quốc đã có được số phiếu bầu cao nhất. Đây là kết quả bất ngờ ngoài mong đợi. Kết quả được thông báo đến các nước thông qua các đặc phái viên thường trực tại Liên Hợp Quốc. Trong số 15 quốc gia ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có 13 quốc gia bỏ phiếu tán thành cho ứng cử viên Ban Ki Moon, một phiếu phản đối và một phiếu trắng. Ban Ki Moon đã nhận được cao hơn ứng cử viên đang tạm giữ vị trí thứ hai là Shashi Tharoor, Phụ tá Bộ trưởng Thông tin của Ấn Độ, 2 phiếu. Dư luận Hàn Quốc bắt đầu dậy sóng. Các đài truyền hình đồng loạt đưa tin khẩn, các cơ quan báo chí ồ ạt đăng tin trên trang nhất. Thế nhưng, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Việc tìm hiểu quốc gia nào đã bỏ phiếu phản đối Ban Ki Moon vô cùng quan trọng. Bởi nếu đó là quốc gia thuộc số 5 Ủy viên thường trực thì Ban Ki Moon không thể trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Nguyên Tổng thư ký thứ 7 của Liên Hợp Quốc Kofi Annan cũng từng có những trải nghiệm cay đắng khi vấp phải sự phản đối của Pháp. Cuối cùng, ông đã trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhờ sự thuyết phục của các quốc gia khác để Pháp từ bỏ quyền phủ quyết của mình.

Dù sao đi nữa, kết quả đứng đầu của Ban Ki Moon là điều đáng mừng cho dù đây chỉ là đợt bầu cử phi chính thức lần thứ nhất. Nhưng trước khi đợt bầu cử thứ hai diễn ra, một ứng cử viên mới đã xuất hiện. Đó là Hoàng tử Zaid của Jordan, người đang là Đại sứ tại Liên Hợp Quốc. Zaid là nhân vật có kinh nghiệm hoạt động tích cực tại Tòa án Hình sự Quốc tế ICC và Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp Quốc PKO. Jordan tuy là quốc gia thuộc khu vực Trung Đông nhưng tại Liên Hợp Quốc, quốc gia này được xếp cùng nhóm các quốc gia châu Á. Điều mà chính phủ Hàn Quốc luôn lo ngại chính là sự xuất hiện của người đến sau, được xem là dark horse12.

Vì sự xuất hiện của ứng cử viên mới này, cuộc bầu cử phải được tiến hành lại. Các cơ quan ngôn luận nước ngoài cho rằng sự xuất hiện của Zaid là một ẩn số lớn. Liên tục nhiều bài báo mang hơi hướng tiêu cực về ý nghĩa của cuộc bầu cử đợt một vừa qua. Ban Ki Moon không khỏi lo lắng bất an và buồn lòng về cách nhìn nhận sự việc của các cơ quan ngôn luận. Thông qua trợ lý đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc lập tức đưa ra chỉ thị khẩn cấp cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

“Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục vận động tranh cử bằng nỗ lực hết mình vì sự cạnh tranh công bằng.”

Tuyên bố của chính phủ Hàn Quốc tuy mang tính thận trọng nhưng vẫn cho thấy quyết tâm rất lớn. Chính phủ liên tục tiến hành vận động tranh cử dựa trên phán đoán về ưu thế của ứng cử viên nước nhà. Ban Ki Moon đã theo Han Seung Soo vào làm việc tại Liên Hợp Quốc năm 2001 và dù ít hay nhiều, những mối quan hệ mà Ban Ki Moon thiết lập được cũng đóng vai trò tích cực trong quá trình vận động tranh cử cho vị trí Tổng thư ký lần này. Tất cả các Đại sứ của các nước tại Liên Hợp Quốc đều nhớ đến ông như một người chân thành, nhiệt tâm và có khả năng xử lý công việc rất tốt. Những người đã từng làm việc với Ban Ki Moon đều đánh giá tích cực về khả năng trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc của ông. Hơn nữa, đa phần các Đại sứ từng làm việc tại Liên Hợp Quốc năm xưa đều đã trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của nước mình với tầm ảnh hưởng ngày càng to lớn. Đặc biệt, các quốc gia châu Phi và Trung Đông bao gồm Qatar, Congo, Tanzania là các nước nắm quyền bầu chọn đều thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với Ban Ki Moon. Đó là kết quả được hình thành từ quá trình nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao với khu vực Trung Đông và châu Phi khi ông làm việc ở Bộ Ngoại giao. Đó là một hành trình vất vả nhưng càng lúc, ông càng tự tin và muốn thử sức trong những công việc của mình.

Bầu cử trù bị lần thứ hai và ba

Ngày 14/9/2006, cuộc bầu cử trù bị đợt một được tiến hành lại. Từ đây, dư luận trong và ngoài nước đã bắt đầu quan tâm hơn đến sự kiện này. Kết quả lần này cũng được công bố rất nhanh. Ban Ki Moon đứng đầu với 14 phiếu thuận, 1 phiếu chống. Đứng thứ hai là Chánh văn phòng thư ký của Liên Hợp Quốc, một người gốc Ấn Độ, Shashi Thadoor, với 10 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Zaid chỉ đạt 6 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 5 phiếu trắng. Kết quả cho thấy Zaid không phải là biến số lớn trong đợt bầu cử lần này. Tất cả đều xem như Ban Ki Moon đã hoàn toàn có khả năng thắng cử. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc vẫn tỏ ra thận trọng.

Cuộc bầu cử trù bị đợt hai diễn ra sau đó hai ngày. Có ý kiến cho rằng cần tiến hành phương thức bầu cử phân biệt giữa các nước Ủy viên thường trực và không thường trực. Tuy nhiên, quy định của Liên Hợp Quốc vẫn là một biến số khi cho phép tiến hành bầu cử lại nếu như có ứng cử viên mới tham gia trước cuộc bầu cử trù bị 48 tiếng. Và đúng như dự đoán, lại có thêm một ứng cử viên mới tham gia. Lần này, ứng cử viên là nữ Tổng thống của Latvia, bà Vaira Vike Freiberga. Đây lại là một nhân vật không thể xem nhẹ bởi bà là ứng cử viên nữ trong thời điểm nữ quyền được coi trọng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên có một ứng cử viên đến từ một quốc gia không thuộc nhóm các quốc gia châu Á. Lúc bấy giờ, Mỹ không sẵn sàng chấp nhận việc chọn ứng cử viên châu Á cho vị trí Tổng thư ký thứ 8 của Liên Hợp Quốc. Với luận điệu ưu tiên cho ứng cử viên có năng lực chứ không phải chỉ từ châu Á, thực ra, trong thâm tâm, Mỹ đang mong muốn có một Tổng thư ký đến từ Đông Âu. Ngoài ra, việc có thêm ứng cử viên mới khác là hiệu trưởng một trường đại học của Afghanistan. Nhưng đây là ứng cử viên không nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, việc có thêm ứng cử viên đồng nghĩa với việc cạnh tranh quyết liệt hơn, đồng thời, có thông tin cho hay quốc gia bỏ phiếu phản đối Ban Ki Moon chính là Anh. Đây là tình huống thật sự nghiêm trọng. Bởi vì cho dù 14 quốc gia còn lại có tán thành, với quyền phủ quyết của quốc gia thường trực như Anh, Ban Ki Moon cũng không thể được chọn làm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Thế nhưng, bầu không khí chiến thắng đã đến gần. Ở lần bầu cử thứ ba, kết quả đối với Ban Ki Moon vẫn là 13 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Ứng cử viên Thadoor đã mất thêm 2 phiếu thuận, chỉ còn 8 phiếu thuận. Điều đó có nghĩa là chỉ còn Ban Ki Moon có hơn 9 phiếu thuận, đủ tiêu chuẩn cho cuộc bầu cử quyết định. Chỉ đến lúc này, Ban Ki Moon mới bắt đầu thể hiện sự tự tin của mình. Các phóng viên túc trực trên đường ứng cử viên Ban Ki Moon đến sở làm. Gương mặt ông lộ vẻ tươi tỉnh khác thường.

“Xin ông cho biết ý kiến về kết quả bầu cử lần này?”

“Tuy đã giảm một phiếu thuận nhưng khoảng cách giữa tôi và các ứng viên khác đã được nới rộng thêm. Tôi cảm nhận được sự ủng hộ dành cho mình đang ngày càng vững chắc hơn.”

Ngoài Ban Ki Moon, không có ứng cử viên nào có khả năng chiến thắng trong cuộc tranh cử này. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu lần thứ ba được công bố, ứng cử viên Thái Lan là Surakiat đã tuyên bố rút lui. Vậy là từ 7 người, con số đã giảm đi 1 người. Một vài cơ quan ngôn luận của phương Tây vốn thiếu thiện cảm với ứng cử viên Hàn Quốc đã bắt đầu dự đoán khả năng thắng cử của Ban Ki Moon. Lần bầu cử tiếp theo sẽ dựa trên phương thức phân biệt giữa các Ủy viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc dồn tổng lực cho cuộc bầu cử Tổng thư ký Liên Hợp Quốc

Bộ Ngoại giao bất ngờ nhận được chỉ thị của chính phủ.

“Chính phủ quyết định hoãn việc bầu cử vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bởi nếu tiến hành hoạt động này cùng lúc với hoạt động tranh cử Tổng thư ký là không đủ sức.”

Vào năm 2001, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ tiến hành ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2007. Nhưng kể từ khi chọn Ban Ki Moon là ứng cử viên cho vị trí Tổng thư ký, chính phủ đã phải dồn tổng lực cho đợt tranh cử này nên không thể không gác lại kế hoạch cũ. Các viên chức chính phủ không khỏi nuối tiếc vì việc “trì hoãn” nhưng thực ra là “từ bỏ” này.

Hơn nữa, dư luận quốc tế sẽ không ủng hộ việc Hàn Quốc vừa trở thành Ủy viên không thường trực, vừa trúng cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, không thể bỏ qua động thái của Indonesia và Nepal là các quốc gia đang nỗ lực chạy đua cho chiếc ghế vị trí Ủy viên không thường trực của Liên Hợp Quốc.

Đây là việc làm bất khả kháng nhằm chiếm được thiện cảm của châu Á. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố rút lui khỏi vị trí ứng cử Ủy viên không thường trực dù không biết đến bao giờ cơ hội này mới trở lại. Vì thế, Ban Ki Moon cảm thấy trọng trách của mình càng thêm lớn. Nhưng kết quả đã cho thấy chính sách dồn tổng lực của chính phủ là một lựa chọn đúng đắn.

Vào thời điểm này, trong nước bắt đầu có đề xuất Ban Ki Moon thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đề xuất này nhằm vào mục tiêu để ông tập trung cho cuộc tranh cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, thay vì vướng bận trăm công nghìn việc liên quan đến vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng quan điểm của chính phủ Hàn Quốc lại khác. Với chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ban Ki Moon mới có ưu thế hơn trong quá trình tranh cử.

Nếu chỉ với tư cách ứng cử viên cho vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki Moon sẽ gặp bất lợi trong cuộc vận động các quốc gia có quyền bầu cử. Càng cần nắm bắt động thái các quốc gia tranh cử khác, ông càng không thể có hành động khinh suất. Với vai trò là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ban Ki Moon vừa có thể tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ của các nước sau khi kết thúc hội nghị. Đây là một phán đoán hợp lý. Tranh cử với vị thế của một Bộ trưởng mang lại nhiều lợi ích thực tế hơn.

Vào tháng 9/2006, Ban Ki Moon đã tháp tùng Tổng thống Roh Moo Hyun trong chuyến viếng thăm ngoại giao các nước châu Âu và châu Mỹ. Ban Ki Moon đã không bỏ lỡ việc tận dụng cơ hội vàng này để vận động tranh cử.

Theo đúng kế hoạch, Ban Ki Moon đã có cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ George Bush tại Nhà Trắng. Tổng thống Bush đã ướm hỏi ông, “Nếu trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông sẽ làm gì?” Ban Ki Moon chia sẻ qua về kế hoạch làm việc mà ông đã vạch ra từ lâu và nhận được thái độ hài lòng từ Tổng thống Bush. Ban Ki Moon đã tạo được ấn tượng về một con người chu toàn trước Tổng thống Bush. Tuy từng có thái độ không đồng tình về ứng cử viên châu Á trong cuộc tranh cử vị trí Tổng thư ký, nhưng sau cuộc gặp gỡ với Ban Ki Moon, Mỹ đã dần tin tưởng hơn về khả năng của một trong những ứng cử viên tiềm năng nhất cho vị trí đại thống lĩnh thế giới.

Trúng cử

Đợt bầu cử lần thứ tư được thực hiện với sự phân biệt phiếu bầu giữa các Ủy viên thường trực và không thường trực. Đây là lúc có thể nhận biết quốc gia nào đã bỏ phiếu phản đối Ban Ki Moon. Cuộc bầu cử đã diễn ra vào lúc 5 giờ sáng ngày 3/10 theo giờ Hàn Quốc. Rất nhiều phóng viên các báo đài đã có mặt trước văn phòng của Bộ Ngoại giao từ 4 giờ rưỡi sáng để chuẩn bị lấy tin.

“Chẳng biết lần này có kết thúc được không đây? Ngài Kofi Anna cũng phải mất 7 lần bầu chọn đấy thôi.”

“Cũng có thể lắm chứ. Hôm nay mới tiến hành bầu cử chính thức lần đầu mà, chắc phải trải qua một vài lần nữa?”

Nhưng dự đoán của các phóng viên đã sai lầm hoàn toàn. Hôm đó, Ban Ki Moon đã thức dậy từ rất sớm, thắt cà vạt, mặc áo vét chỉnh tề và ngồi chờ kết quả tại văn phòng chính phủ cấp cao ở khu Hannamdong. Các trợ lý cũng có mặt cận kề trong tâm lý hồi hộp chờ đón kết quả. Sau khoảng 10 phút từ khi cuộc bầu cử được tiến hành, Đại sứ của Nhật đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lúc bấy giờ là ông Osima Kenzo đã có cuộc điện đàm với Ban Ki Moon. Đó là cuộc điện thoại thông báo kết quả bầu cử. Ban Ki Moon đạt 14 phiếu thuận, 1 phiếu trắng và không có phản đối nào từ các Ủy viên thường trực. Với chiến thắng mang tính áp đảo, cuối cùng, Ban Ki Moon đã trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ông đã phát biểu cảm tưởng của mình trong niềm xúc động:

“Tôi rất lấy làm vinh dự và xin chân thành cảm ơn sự tin tưởng và ủng hộ của các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tôi nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình trong việc nỗ lực hết mình cho công cuộc bảo vệ nhân quyền và hòa bình của cộng đồng quốc tế, đồng thời giải quyết vấn đề cải tổ Liên Hợp Quốc trong thời gian tới. Tôi cũng xin cảm ơn nhân dân Hàn Quốc đã ủng hộ tôi trong suốt cuộc tranh cử vừa qua.”

Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, ứng cử viên người Ấn Độ, Thadoor, đã tuyên bố rút lui và ủng hộ Ban Ki Moon trong thời gian tới. Các ứng cử viên còn lại lần lượt thoái lui và công nhận chiến thắng của Ban Ki Moon. Đây là một chiến thắng hoàn toàn.

Mối nhân duyên với Condolizza Rice bắt nguồn từ sự chân thành, tốt bụng và hết lòng vì người khác của Ban Ki Moon. Từ đó, Condolizza Rice luôn tin tưởng Ban Ki Moon và ủng hộ ông ngay cả khi bà đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ.

Giới chức trách trong nước đều ca ngợi rằng: “Đây là niềm vui to lớn nhất kể từ khi vua Dangun lập quốc 5.000 năm trước đến nay”. Đây quả không phải là một lời ca tụng phù phiếm.

Vài ngày sau, Ban Ki Moon đã đáp máy bay sang New York để đến trụ sở chính Liên Hợp Quốc. So với lần đến tham dự hội nghị của Liên Hợp Quốc khi còn là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, lần này, ông được đón tiếp vô cùng khác biệt. Nhưng Ban Ki Moon vẫn luôn thể hiện sự khiêm tốn và chân thực như trước khi trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Con người ông khó có thể thay đổi.

Thật ra, cuộc thử sức này của Ban Ki Moon ngay từ đầu đã được cho là không có nhiều khả năng chiến thắng. Thế nhưng, đến khi chính thức tham gia tranh cử, công chúng mới thấy được có rất nhiều người ủng hộ ông. Đặc biệt, những mối quan hệ lớn nhỏ được hình thành trong thời gian ông làm việc tại Liên Hợp Quốc với vị trí Chánh văn phòng thư ký cho Chủ tịch Đại hội đồng đã đồng thời trở thành chỗ dựa vững chắc cho ông. Mối quan hệ với Ngoại trưởng Condolizza Rice của Mỹ cũng được gây dựng khi cả hai cùng đồng hành trong một dự án tại thời điểm ông làm việc ở Liên Hợp Quốc. Ban Ki Moon với bản tính thân thiện và luôn vì người khác đã không thể ngờ rằng nhân vật này về sau trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Bà Rice đã đánh giá cao Ban Ki Moon, một nhân vật hội đủ cả tài và đức. Và về sau, bà đã đóng vai trò to lớn trong việc tác động tích cực đến Tổng thống Bush về Ban Ki Moon trong quá trình bà làm việc dưới thời vị Tổng thống này.

Nguồn gốc những thành tựu to lớn của Ban Ki Moon mà không ai có thể dự đoán được chính là thái độ sống dựa trên các nền tảng đạo đức, luôn chân thành quan tâm đến người khác, bất kể họ là ai và luôn coi trọng mọi mối quan hệ dù lớn hay nhỏ. Những việc làm dựa trên sự chân thành, không toan tính sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho bản thân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.