Ban Ki Moon

Nuôi dưỡng ước mơ thêm lớn mỗi ngày



Trái tim thổn thức khi nghe ba tiếng “nhà ngoại giao”

Thầy Kim Sung Tae tập trung các học trò giỏi hoặc gương mẫu và kết nạp họ vào Hội Chữ thập đỏ Thanh thiếu niên bởi theo thầy, cần phải xây dựng tinh thần biết phụng sự xã hội và nhân loại ngay từ buổi đầu cho những học sinh ưu tú bởi họ chính là động lực phát triển của nước nhà trong tương lai. Buổi đầu, Ki Moon khá miễn cưỡng gia nhập Hội Chữ thập đỏ Thanh thiếu niên bởi cậu khá nhút nhát, nhưng thầy Kim Sung Tae đã hết mực khuyến khích. Chính nhờ tham gia các hoạt động của Hội mà cậu đã có những trải nghiệm vô cùng bổ ích. Ở đó, Ki Moon đã được gặp gỡ nhiều người bạn tốt cũng như bước đầu nhen nhóm trách nhiệm đối với xã hội và đất nước. Những trải nghiệm này đã trở thành kiến thức nền tảng cần thiết và hữu ích cho Ki Moon trong quá trình hoạt động ngoại giao sau này.

Thầy Kim Sung Tae luôn kỳ vọng vào cậu học trò chăm chỉ và trung thực của mình đồng thời luôn dõi theo từng hoạt động hàng ngày cũng như thái độ học tập của Ki Moon. Một hôm, thầy đã gọi Ki Moon đến và nói.

“Ki Moon này, em đã chọn cho mình nghề nghiệp trong tương lai chưa?”

Ki Moon không vội vàng trả lời ngay.

“Em cũng biết rằng thầy từng theo học ngành ngoại giao chính trị đúng không? Vì thế thầy cũng muốn nói với em rằng nếu em làm một nhà ngoại giao thì rất tuyệt. Em giỏi tiếng Anh, tính tình lại hòa nhã, không ưa tranh cãi với người khác.”

“Vâng, em cảm ơn thầy vì đã khen ngợi và cho em lời khuyên. Nhưng đúng là em chưa bao giờ nghĩ đến nghề nghiệp cụ thể nào trong tương lai thầy ạ. Nhà ngoại giao ư…”

Ki Moon cảm thấy ngượng ngùng khi được thầy hết lời khen ngợi. Đúng là vào thời bấy giờ, ngoại giao là một nghề mới lạ nhưng dường như đã từ lâu, Ki Moon bắt đầu nhen nhóm ước mơ này. Tuy nhiên, trong đầu cậu chưa bao giờ định hình khái niệm “nhà ngoại giao” một cách rõ ràng  cụ thể. Bởi đó là thời điểm khó có thể hình dung ra con đường trở thành nhà ngoại giao là như thế nào. Hơn nữa, bấy giờ Ki Moon còn chưa từng đặt chân đến Seoul chứ nói gì đến nước ngoài. Trong khi các bạn học của cậu thường xuyên được lên Seoul thăm họ hàng vào các kỳ nghỉ hè hay nghỉ đông, thì hai bên họ hàng của Ki Moon lại toàn sống ở Choongchungdo. Vì thế, bàn đến việc này giống như đang nói chuyện gì xa xôi lắm. Mặc dù vậy, trái tim cậu vẫn loạn nhịp khi nghe đến ba tiếng “nhà ngoại giao”.

Bước ra khỏi lớp học, Ki Moon vừa đi vừa lẩm nhẩm cụm từ “nhà ngoại giao”. Đúng là một cụm từ mới mẻ nhưng cũng không quá lạ lẫm với cậu và đó là cụm từ đã từng khiến trái tim cậu bồi hồi.

Có một chuyện đã xảy ra từ khi Ki Moon còn học tiểu học. Lúc bấy giờ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Byun Young Tae (Bộ trưởng Ngoại giao thứ ba, nhiệm kỳ 1951-1955) đã ghé thăm trường Tiểu học Kyohyun, Choongjoo trong loạt chương trình viếng thăm và phát biểu diễn văn tại các trường tiểu học trên cả nước. Ở trường Ki Moon, ai cũng tất bật chuẩn bịđể tiếp đón vị khách nổi tiếng này. Tất cả các học sinh tập trung tại sân vận động theo chỉ thị của các giáo viên. Hôm đó, Bộ trưởng Byun Young Tae thay vì chia sẻ về ngành ngoại giao, ông đã có bài diễn văn đề cập đến tầm quan trọng của sức khỏe đối với học sinh. Ông nói, “Các cháu là tương lai của Đại Hàn Dân Quốc chúng ta. Vì thế, hãy siêng năng rèn luyện thể lực bởi sức khỏe chính là nguồn lực của quốc gia.” Nói rồi ông cởi áo, nâng tạ và phô diễn thân hình chắc nịch của mình. Lũ học trò giương mắt tò mò nhìn ngài Bộ trưởng. Những trò yêu thể thao tỏ ra thích thú vô cùng. Nhưng với cậu học trò Ki Moon vốn không giỏi thể thao, cậu cảm thấy việc trở thành người tài giỏi, đi khắp nơi để phục vụ đất nước giống như Bộ trưởng Byun Young Tae thật là kỳ diệu. Và cậu nhớ mãi câu nói của ông, “các cháu hãy học hành thật chăm chỉ để lớn lên thành tài phục vụ đất nước.” Sau cuộc viếng thăm và phát biểu của Bộ trưởng, Ki Moon thường nói với gia đình và bạn bè xung quanh rằng “Ki Moon cũng muốn làm công việc phụng sự đất nước.”

Và cậu cũng đã có cơ hội được thể hiện quan điểm của mình về vấn đề thời sự quốc tế.

Đó là năm Ki Moon học lớp sáu ở trường tiểu học. Cậu đã viết thư kiến nghị gửi đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lúc bấy giờ là Dag Hammarskjold2 liên quan đến phong trào khởi nghĩa của nhân n Hungary.

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, Hungary chịu ách thống trị của Liên Xô. Đảng cầm quyền lúc bấy giờ là Đảng Lao động đã bị chia bè phái dưới sự ảnh hưởng của nhà độc tài Xô Viết Stalin. Tự do biến mất và nền kinh tế ngày càng khó khăn. Sau đó, vào năm 1953, sau khi Stalin mất, tại các quốc gia Đông Âu vốn oán thán về thể chế thống trị độc tài quân sự của Stalin đã nổi lên dư luận phê phán và nhiều phong trào đấu tranh chỉ trích Stalin đã diễn ra. Đồng thời, khát vọng tự do của nhân dân ngày một trỗi dậy mạnh mẽ. Ngày 23/10/1956, cuộc khởi nghĩa chống chế độ độc tài của Đảng Cộng sản đã diễn ra tại Hungary. Đương nhiên, người kế nhiệm Stalin lúc bấy giờ là Khrushchev3 không thể nhắm mắt làm ngơ. Ông đã huy động xe tăng và tiến hành tấn công vũ lực đối với Hungary. Nhân dân Hungary đã không chịu khuất phục và suốt 13 ngày đêm liên tục đấu tranh, hô vang khẩu hiệu “Hãy trao trả tự do”. Tuy nhiên, phong trào khởi nghĩa của nhân dân Hungary đã kết thúc trong thất bại. Hơn 2.500 người thiệt mạng và 20.000 người bị thương dưới cuộc tấn công của binh đoàn thiết giáp Liên Xô. Cuối cùng, đa phần những người sống sót phải lưu vong sang các nước khác để lánh nạn.

Ki Moon đã đứng trước toàn thể học sinh của trường và đọc bức thư thể hiện thái độ chỉ trích cuộc tấn công phi nghĩa của Liên Xô đối với Hungary.

“Kính thưa Ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Hammarskjold! Nhân dân Hungary đang đối đầu với Chủ nghĩa Cộng sản để đấu tranh đòi quyền tự do. Ngài cần phải có hành động giúp đỡ họ vì hòa bình thế giới.”

Ngay khi Ki Moon đọc rành rọt bức thư của mình, các thầy cô đã kêu gọi toàn thể học sinh vỗ tay tán thưởng. Đối với bọn trẻ, những vấn đề như tự do dân chủ của Hungary hay ngài Hammarskjold không có gì thú vị. Ki Moon hẳn không hiểu rõ về cuộc cách mạng Hungary hay tổ chức Liên Hợp Quốc, công việc của ngài Tổng thư ký hay những vấn đề thời sự chính trị quốc tế nhưng cậu có thể phán đoán được đúng sai. Cậu không thể nào lý giải nổi lý do của việc huy động binh đoàn thiết giáp đến nước khác và sát hại người dân của họ. Cậu phải hành động, phải lên tiếng vì chính nghĩa. Đối với một học sinh tiểu học, suy nghĩ này có vẻ “quá sức”.

Và thú vị thay, mối nhân duyên lại kéo dài thật lâu sau đó. Đúng 50 năm sau, Ban Ki Moon đã được chính phủ Hungary trao tặng “Huy chương vì Tự do của Hungary”.

Mùa thu năm 2006, trong buổi lễ nhậm chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc của mình, Ban Ki Moon đã nhắc đến câu chuyện nhỏ này trong bài diễn văn và nhận được sự đánh giá cao từ chính phủ Hungary. Ai biết được rằng một hành động nhỏ của cậu học trò năm xưa sẽ được trao tặng huy chương 50 năm sau đó?

Thử sức với chương trình tham quan Hoa Kỳ VISTA

Khi ước mơ trở thành nhà ngoại giao đang ngày một lớn dần trong Ki Moon, thì bỗng một hôm, thầy Kim Sung Tae gọi Ki Moon đến và bảo:

“Ki Moon này, có một cơ hội đi tham quan nước Mỹ, em thử sức xem nào.”

“Nước Mỹ ạ?”

Ki Moon không tin vào tai mình phải hỏi lại thầy. Thầy vỗ vai Ki Moon và cười lớn “Cậu nhóc này, em làm gì phải giật mình thế!” Sau đó, thầy giải thích về Chương trình tham quan nước Mỹ dành cho học sinh quốc tế – VISTA (Visit of International Student to America) cho cậu học trò Ki Moon đang ngạc nhiên đến mức không nói nên lời. Lúc bấy giờ, hàng năm, Hội Chữ thập đỏ Mỹ đều tổ chức chương trình tham quan tìm hiểu nước Mỹ bằng việc mời các thanh thiếu niên quốc tế đến thăm đất nước họ trong vòng một tháng. Với tư cách là quốc gia đồng minh của Mỹ, đương nhiên, Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc cũng nhận được lời mời tham dự. Hội Chữ thập đỏ đã gửi công văn đến các Sở giáo dục địa phương để thông báo về chương trình này. Vốn rất quan tâm đến tương lai của học trò, không lý nào thầy Kim Sung Tae lại bỏ qua tin tức này. Thầy biết rằng chỉ cần đạt giải trong kỳ thi tiếng Anh sắp diễn ra tại Seoul là học sinh có thể tham gia chương trình VISTA.

Việc Ki Moon ngạc nhiên như vậy không có gì khó hiểu. Vào thời điểm đó, chưa có ai ở Choongjoo từng được đặt chân đến Mỹ. Thêm vào đó, làm sao có thể tưởng tượng nổi viễn cảnh cậu học trò cấp ba với mái tóc húi cua này có thể đượcđến Mỹ!

Thầy Kim ôn tồn nói với Ki Moon, lúc này đang không thốt nên lời:

“Dĩ nhiên, không dễ gì có được cơ hội đến Mỹ. Nhưng thầy chưa từng thấy học sinh nào đam mê tiếng Anh và học hành chăm chỉ như em. Cho nên thầy nghĩ em là người xứng đáng hơn cả.”

Lúc này, Ban Ki Moon mới bình tâm lại và lấy hết can đảm trả lời thầy:

“Vâng, em sẽ thử sức một lần xem sao thầy ạ.”

Thầy Kim đã đoán trước được rằng Ki Moon sẽ chấp nhận đề nghị này. Dù khá kiệm lời và sống nội tâm nhưng thầy hiểu Ki Moon là một chàng trai biết cầu tiến và bản lĩnh so với lứa tuổi của mình. Dù chỉ là cậu học sinh lớp 12 nhưng thầy tin Ki Moon không phải là đứa học trò có thể dễ dàng bỏ qua cơ hội này.

Ở Seoul, các trường phổ thông trung học danh tiếng tiêu biểu như trường Kyungki, Seoul, Kyungbook… đều là những đối thủ đáng gờm. Thầy Kim Sung Tae cho dù có là giáo viên dạy giỏi ở trường đi chăng nữa thì thầy cũng không thể phủ nhận sự hạn chế của bản thân. Mặc dù vậy, thầy vẫn tự tin cho rằng nên để Ki Moon, cậu học trò xuất sắc của mình thử sức.

Sắp bước vào năm cuối cấp, lại phải chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Anh nên Ki Moon rất bận rộn. Thế nhưng, qua quá trình chuẩn bị cho cuộc thi, Ki Moon đã học hỏi được nhiều điều bổ ích không ngờ, dĩ nhiên, phải kể đến việc nâng cao khả năng tiếng Anh của cậu. Thầy Kim đã gợi ý Ki Moon nên đọc báo tiếng Anh và tập trung vào mảng thời sự:

“Em nên nhờ ai có việc đi Seoul mua giúp các tờ báo tiếng Anh, như tờ Korean Times chẳng hạn.”

“Vâng ạ.”

Kể từ đó, nhờ đọc báo tiếng Anh, Ki Moon không những trở nên quen thuộc với văn phong đa dạng, sinh động trong tiếng Anh, mà cậu còn được mở mang tầm nhìn về thế giới rộng lớn. Đối với cậu, việc học tiếng Anh qua báo chí quả thậtrất thú vị.

Trước vòng chung kết cuộc thi tiếng Anh sắp diễn ra tại Seoul, dĩ nhiên, Ki Moon đã được chọn làm gương mặt đại diện cho trường Choongjoo. Đó là vì tất cả các học sinh khác trong trường đều có suy nghĩ rằng “Sao có thể thắng được học sinh Seoul”, hay “Kỳ thi khó thế, làm sao giành giải được?” nên không cậu bạn nào của Ki Moon đăng ký tham gia. Dù trở thành đại diện của trường Choongjoo tham gia cuộc thi, Ki Moon luôn tâm niệm rằng “Chỉ cần làm thật tốt, mình sẽ có cơ hội tham gia chương trình tham quan nước Mỹ”. Nhưng đồng thời, cậu cũng không khỏi lo lắng khi sắp phải đối đầu với rất nhiều các bạn học giỏi khác tại Seoul. Thế nhưng, không phí thời gian cho những lo lắng không đâu như thế, cậu thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn.

“Mình đã quyết định thử sức thì phải tham gia đến cùng. Cho dù kết quả ra sao, thì đây cũng là dịp để mình cọ xát và biết thêm về năng lực của các bạn ở Seoul. Vả lại, nếu có thất bại đi nữa thì cứ xem như đây là một chuyến tham quan Seoul vậy.”

Nghĩ vậy, Ki Moon thấy lòng mình thư thái hơn  tinh thần chuẩn bị cho cuộc thi cũng thêm phấn chấn.

Đề bài của cuộc thi này được một giáo sư đại học nổi tiếng đưa ra. Các thí sinh giỏi tiếng Anh trên cả nước đều tề tựu đông đủ. Ki Moon lướt nhìn các bạn thí sinh cùng tham dự kỳ thi và cậu chợt thấy mình thật nhỏ bé khi đứng trước các thí sinh của Seoul. Nhưng không vì thế mà cậu bị phân tâm trong quá trình làm bài. Thật may là không có từ vựng hoặc cấu trúc nào mà cậu chưa biết.

Kết thúc cuộc thi, vừa trở về trường, các thầy cô cùng các bạn đã vồn vã hỏi han Ki Moon “Em thi thế nào, có tốt không?” Ki Moon chỉ khiêm tốn trả lời:

“Em làm bài cũng tạm được ạ.”

Thông thường, khi trả lời như thế tức là Ki Moon có nhiều khả năng được điểm tuyệt đối. Thầy Kim Sung Tae chắc mẩm “chắc chắn là em ấy làm tốt.” Thế nhưng, chờ mãi trường vẫn chưa nhận được kết quả của cuộc thi. Cảm thấy có điều gì không ổn, thầy Kim tìm gặp thầy hiệu trưởng.

“Thưa thầy hiệu trưởng, tôi muốn trao đổi với thầy về kết quả thi của Ki Moon.”

À đấy, kết quả kỳ thi có vẻ được thông báo chậm quá nhỉ? Sao đến giờ vẫn chưa có tin gì?”

“Theo tôi thì hẳn là có vướng mắc gì đó thầy ạ. Phiền thầy hỏi giúp việc này được không?”

“Đúng là tôi cũng thấy hơi lo, nhưng anh cũng đừng vội vàng quá. Biết đâu Ki Moon không làm tốt như chúng ta nghĩ? Chúng ta rối lên sẽ khiến em nó cảm thấy nặng nề, vậy nên cứ chờ thêm đã.”

Tuy cố gắng động viên thầy Kim như vậy nhưng thầy hiệu trưởng cũng không khỏi bồn chồn, lo lắng. Bởi nếu Ki Moon được chọn tham gia chương trình VISTA, không những cuộc đời Ki Moon sẽ bước sang một trang mới, mà còn là cơ hội tốt để trường Phổ thông trung học Choongjoo có cú nhảy vọt từ một trường làng trở thành trường danh tiếng của cả nước.

Chờ thêm vài ngày, thầy hiệu trưởng cảm thấy không yên tâm nên đã quyết định lên Seoul và trực tiếp tìm đến đơn vị tổ chức cuộc thi. Thấy thầy hiệu trưởng đích thân đến hỏi về kết quả cuộc thi của cậu học trò Ki Moon, người phụ trách cuộc thi tỏ vẻ rất ngạc nhiên.

“Ban Ki Moon? À, là em học sinh đó ưĐúng là đã có kết quả rồi thưa thầy.”

Người phụ trách thủng thẳng trả lời. Ông ta tránh cái nhìn của thầy hiệu trưởng với giọng điệu bàng quan.

“Ban Ki Moon có cái nốt ruồi to lồ lộ trên sống mũi như thế nên không thể đại diện cho nước nhà thầy ạ.”

Thầy hiệu trưởng nghe thấy thế liền đứng bật dậy:

“Thầy bảo sao? Cái nốt ruồi thì ảnh hưởng gì đến danh dự nước nhà?”

Ban Ki Moon được chọn tham gia chương trình VISTA của Mỹ. Cậu vượt qua rất nhiều thí sinh của cả nước và đoạt giải nhất. Ảnh chụp cùng các bạn được chọn tham gia VISTA trước khi lên đường

Thầy hiệu trưởng và người phụ trách đang nói chuyện thì điện thoại văn phòng đổ chuông liên hồi. Lắng tai nghe, thầy nhận ra đó là cuộc điện thoại nhờ vả người phụ trách vớt điểm cho học trò. Đó là chuyện mà ngày nay khó lòng xảy ra, mà nếu có xảy ra thì sớm muộn gì cũng sẽ bị phát hiện nhưng nó lại là vấn đề bức thiết thời bấy giờ. Đó là thời điểm mà mọi việc có thể được giải quyết bằng mối quan hệ quen biết. Bàng hoàng với việc đánh trượt Ki Moon chỉ vì lý do không đâu, thầy hiệu trưởng quyết tâm tung lá bài cuối cùng:

“Tốt thôi. Nếu em không đỗ, tôi cũng vẫn muốn xem em ấy được bao nhiêu điểm để báo cho các thầy cô và học sinh của trường?”

Không còn cách nào khác, người phụ trách đành đưa ra bảng điểm của các thí sinh. Ki Moon là thí sinh đứng đầu với 80 điểm, bỏ xa thí sinh xếp thứ hai với khoảng cách 10 điểm. Thầy hiệu trưởng cảm thấy vô cùng tự hào về Ki Moon. Cậu đã làm bài thi rất tốt và thầy đã không uổng công lặn lội lên tận Seoul. Và thầy tự nhủ sẽ phải đấu tranh để lấy lại công bằng cho cậu học trò nhỏ thay vì khoanh tay đứng nhìn Ki Moon chịu thiệt thòi chỉ vì… chiếc nốt ruồi. Thầy quyết không chịu thua trong tình huống như thế này. Sau khi trở về Choongjoo, thầy liên tục gửi đơn kiến nghị. Các kỹ sư người Mỹ ở nhà máy phân bón Choongjoo cũng góp sức bằng cách liên hệ đến Đại sứ quán Mỹ. Và cuối cùng, những nỗ lực của họ đã được đền đáp, Ki Moon cùng một bạn nam  hai bạn nữ khác được chọn tham gia chương trình VISTA của Mỹ.

Đứa trẻ học giỏi đến từ được đi Mỹ

Việc Ki Moon được chọn là một trong 4 học sinh nhận học bổng chương trình VISTA không chỉ là tin mừng của trường Phổ thông trung học Choongjoo mà là niềm tự hào của cả thành phố Choongjoo. So với việc cậu học trò giỏi đã đánh bại mọi học sinh ưu tú về tiếng Anh trên cả nước để giành thứ hạng cao nhất, thì việc “đứa trẻ đến từ vùng quê Chungcheongdo được đi Mỹ” khiến họ ấn tượng hơn nhiều.

Người lớn thì tự hào bảo nhau “Choongjoo quê mình có nhân tài xuất hiện rồi” còn lũ trẻ thì bắt đầu ấp ủ ước mơ “mìnhcũng phải học giỏi để được đi Mỹ như Ban Ki Moon”. Lũ trẻ con trong làng đi đâu cũng tự hào khoe “Ban Ki Moon là người làng mình đấy”. Quả thực Ki Moon đã mang lại niềm tự hào cho cả vùng Choongjoo.

Cạnh trường Phổ thông trung học Choongjoo là trường nữ Choongjoo. Các bạn nữ ở đây đã tự tay làm các túi cầu may để tặng cho Ki Moon mang đi làm quà trong chuyến đi Mỹ sắp tới. Người đại diện các bạn trường nữ Choongjoo mang quà tới cho Ki Moon là bạn You Soon Taek, người bạn cùng tham gia Hội Chữ thập đỏ Thanh thiếu niên với Ki Moon.

“Chào Ki Moon. Chúc mừng cậu nhé. Cậu thật cừ! Biết là cậu giỏi tiếng Anh nhưng mình không ngờ là giỏi đến mức này đâu. Chúc cậu lên đường mạnh giỏi nhé.”

Ki Moon đỏ bừng mặt. Ki Moon gặp Soon Taek lần đầu tiên năm lớp 11 khi cả hai cùng tham gia hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Thanh thiếu niên. Soon Taek là một cô gái xinh xắn, điềm đạm nên được rất nhiều bạn trai quý mến. Soon Taek cũng là hội trưởng hội học sinh của trường nữ Choongjoo. Qua quá trình cùng học cùng, tham gia hoạt động với Soon Taek, Ki Moon đã đem lòng cảm mến Soon Taek. Cậu thầm nghĩ, “Soon Taek quả là một cô gái ngoan lại còn xinh xắn nữa. Ước gì mình được kết bạn với cô ấy. Mình sẽ cùng Soon Taek đi thư viện và cả hai sẽ học tập cùng nhau.” Vậy mà giờ đây cô gái mà cậu cảm mến ấy đang đứng trước mặt cậu, cười thật tươi và còn chúc mừng cậu nữa chứ, trái tim cậu không loạn nhịp sao được.

“Ừ, Soon Taek à. Tụi mình kết bạn nhé !”

Thực lòng Ki Moon muốn nói với Soon Taek như thế nhưng không hiểu sao, cậu lại buột miệng: “Ừ, cảm ơn cậu nhé. Đẹp quá… Các bạn thật khéo tay…”

Ki Moon đã thật sự trở thành “ngôi sao” của trường. Thầy cô trong trường cũng hết mực ưu ái cho phép cậu để tóc dài thay vì phải theo quy định không được để tóc dài quá một centimét. Lý do là “đại diện cho cả quốc gia, bay sang Mỹ mà để cái đầu húi cua thế này thì trông quê mùa quá.” Có nghĩa là nhà trường khuyến khích cậu để tóc dài hơn, trông bảnh bao hơn vì thể diện của quốc gia, dân tộc. Vì thế, cả thành phố Choongjoo khi ấy chỉ có Ki Moon là nam sinh được để tóc dài.

Vài tuần trước khi Ki Moon đi Mỹ, học sinh cả trường mặc đồng phục chỉnh tề chụp ảnh lưu niệm. Có một cậu bạn nghịch ngợm vốn chỉ thích gây sự với bạn bè và yêu đương nhăng nhít, thường ôm đàn ghi-ta hát nghêu ngao đã rất ghen tị với Ki Moon về việc được để tóc dài hơn quy định đã trêu chọc cậu:

Các bạn cùng trường Choongjoo chụp ảnh lưu niệm chúc mừng Ki Moon được học bổng VISTA

“Này, Ban Ki Moon, học sinh gương mẫu mà lại để tóc dài sao? Cậu tưởng thế là hay à?”

“Các thầy cô khuyên mình đấy chứ mình có tự ý làm đâu.”

Ki Moon đáp lời tròng ghẹo ác ý của cậu bạn bằng vẻ mặt tiu nghỉu. Bây giờ khi nghĩ lại chuyện đó, ông vẫn không khỏi bật cười.

“Cu cậu chả thèm ghen tị cả khi mình được bằng khen. Nhưng mà thật tình, chỉ vì học giỏi tiếng Anh mà được nuôi tóc dài thì cũng buồn cười thật.”

Nếu hàng ngày chỉ lẳng lặng dõi theo việc học của con thì hôm Ki Moon lên đường sang Mỹ, bố mẹ cậu cũng tạm gác công việc để tiễn con trai đến tận sân bay Kim Po. Trước khi lên Seoul vài ngày, mẹ Ki Moon chuẩn bị cho cậu 30 đô-la dằn túi tiêu vặt. Đó là một số tiền lớn tương đương với hai bao gạo to thời bấy giờ.

“Ki Moon này, con cầm tiền theo, muốn ăn gì thì cứ tiêu con nhé.”

Vừa nói, mẹ cậu vừa khâu cho cậu cái túi vải đeo bên trong người để đựng tiền. Rồi bà cẩn thận nhét tiền vào đó.

Bố mẹ Ki Moon chưa bao giờ ép cậu phải học hành thật giỏi. Ngược lại, có lúc ông bà còn cảm thấy xót con khi cậu học đến tận khuya. Ai cũng biết tuổi mười sáu, mười bảy đang là tuổi ăn tuổi lớn, Ki Moon học bài tới khuya thì đói là chuyện đương nhiên. Mẹ cậu hay luộc khoai lang hay khoai tây cho cậu ăn thêm buổi khuya, nhưng cứ nghĩ tới việc không có món nào ngon cho con tẩm bổ là bà lại xót xa. Thấy Ki Moon luôn tự giác học hành và lại giỏi giang bố mẹ cậu không khỏi tự hào nhưng cũng cảm thấy rất có lỗi với con.

Sau khi tiễn con ra sân bay, bố mẹ Ki Moon và các phụ huynh khác cùng nhau vào một nhà hàng sang trọng của Seoul để dùng bữa. Thế nhưng, hai vợ chồng quê mùa vùng Chungcheongdo nhìn thực đơn mà không biết phải gọi món gì. Cũng may là cuối cùng, ông bà nhận ra món cơm chiên trứng quen thuộc và gọi cho mình, trong khi nhìn sang chung quanh, các phụ huynh khác đang dùng dao xắt miếng thịt bò trông thật ngon lành. Trước cảnh đó, bố mẹ Ki Moon lại không khỏi ngậm ngùi: “Con trai mình học hành vất vả cũng phải được ăn uống thoải mái như thế mới phải”. Đúng là làm cha làm mẹ bao giờ cũng chỉ nghĩ cho con.

Vẽ nên bản họa đồ của ước mơ qua cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Kennedy

Ki Moon trải qua một tháng trong chương trình VISTA vào kỳ nghỉ hè cuối cùng của thời trung học vào năm 1962. Có cả thảy 117 học sinh đến từ 43 quốc gia tham gia chương trình VISTA với các hoạt động đa dạng từ tham quan, homestay (sống cùng các gia đình người Mỹ), những khoá đào tạo tiếng Anh ngắn, các hoạt động từ thiện, các buổi trình diễn nghệ thuật… Ki Moon không chỉ được tiếp xúc với các bạn đến từ các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Canada, Đức, Ý mà còn gặp gỡ các bạn đến từ những nước nhỏ hơn như Chilê, Yugoslavia, Panama. Ki Moon được ở nhà thầy hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Patterson và nhà của John Barett, một ông chủ trang trại. Khi sống cùng các gia đình người Mỹ, Ki Moon nhận thấy người Mỹ sống rất vui vẻ và lạc quan. Đúng là họ có phần ổn định về vật chất n, nhưng về bản chất, họ luôn vui vẻ sống như câu ngạn ngữ “gia hòa vạn sự thành”4. Thêm vào đó, cậu rất ấn tượng trước cách người lớn luôn tôn trọng không gian riêng của con cái, khác hẳn với các gia đình phương Đông.

Nhưng Ki Moon cũng không hoàn toàn đánh giá tích cực về điều này. Vì cậu nghĩ để cho con cái quá nhiều tự do có thể sẽ khiến con trẻ trở nên phóng túng, buông thả.

Ki Moon rất ngạc nhiên bởi không chỉ các bạn học sinh của các nước khác mà cả học sinh ở Mỹ cũng đều không biết gì về đất nước Đại Hàn Dân Quốc. Thậm chí họ còn hỏi những câu hết sức “ngớ ngẩn”, kiểu như “Where is Korea?” (Hàn Quốc ở đâu?) “Is there any university in your country?” (Ở nước bạn có trường đại học nào không?). Ki Moon với tư cách là đại diện nước nhà đã rất cố gắng trong việc giới thiệu về đất nước mình cho bạn bè thế giới. Cậu vận dụng hết vốn từ mình có và cả ngôn ngữ hình thể để giải thích cho các bạn về Hàn Quốc đồng thời tự nhủ, “đây chính là công việc của một nhà ngoại giao.”

Trong tất cả các hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình, cậu học trò Ki Moon vẫn ấn tượng nhất với cuộc gặp mặt Tổng thống Mỹ Kennedy. Trong chuyến tham quan Nhà Trắng, Ki Moon vô cùng hồi hộp với ý nghĩ mình sắp được gặp mặt ngài tổng thống. Khi mọi người ổn định chỗ ngồi, Tổng thống Kennedy xuất hiện. Quan sát ở vị trí gần, Ki Moon nhận thấy tổng thống không quá cao lớn nhưng ở ngài toát ra một nguồn năng lượng rất mạnh mẽ. Tổng thống Kennedy đã có bài diễn văn ngắn trong khoảng 3 phút. Ki Moon say sưa với phong thái của ngài Tổng thống nên không mảy may nhớ gì về nội dung bài diễn văn. Cậu chỉ nhớ loáng thoáng đôi ba câu: “Nhiệt liệt chào mừng các bạn đến Hoa Kỳ và tôi mong chúng ta hãy cùng nỗ lực vì sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia với tinh thần của Hội Chữ thập đỏ.” Kết thúc bài diễn văn, Tổng thống rời bục phát biểu để tiến tới bắt tay các bạn học sinh. Ki Moon cố gắng để được bắt tay nhưng không được. Bởi vì hàng ghế đầu tiên được dành cho các bạn nữ theo đúng tinh thần “lady first” của Mỹ. Cậu bỗng thấy hụt hẫng. Có lẽ Tổng thống Kennedy cảm nhận được tình cảm của Ki Moon, hoặc là vì ông ấn tượng với cậu thanh niên cao lêu nghêu mà tiến tới hỏi Ki Moon ước mơ trong tương lai của cậu, Ki Moon không hề do dự đã trả lời rành rọt rằng: “Ước mơ của cháu là trở thành nhà ngoại giao ạ.”

Nghe xong câu trả lời của Ki Moon, Tổng thống Kennedy mỉm cười như khích lệ. Riêng đối với Ki Moon, cậu cảm thấy có điều gì đó được vẽ nên thật rõ ràng, chính xác vào thời khắc thiêng liêng ấy. Một tâm trạng thật lạ lùng, cậu vừa nghĩ vừa lặp đi lặp lại trong đầu câu nói, “Phải rồi, ước mơ của mình chính là trở thành nhà ngoại giao.” Đó là nghề nghiệp mà khi thầy Kim Sung Tae nói đến, cậu đã tỏ ra vụng về đến mức thầy phải bật cười. Vào thời khắc mà Ki Moon nói “Ước mơ của cháu là trở thành nhà ngoại giao”, cậu đã vẽ nên trong đầu mình đường nét ngang – dọc của tấm bản đồ ước mơ đang dần hình thành qua thời gian. Cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Kennedy lúc đó đã khắc thêm một vạch đậm nét vào tấm bản đồ ước mơ của chàng thanh niên 19 tuổi Ban Ki Moon.

Nuôi dưỡng ước mơ

Sau khi trở về từ chương trình tham quan nước Mỹ, Ki Moon vẫn vấn vương với những trải nghiệm trong suốt một tháng qua. Thế nhưng, cậu sớm nhận ra phải nhanh chóng xếp qua một bên những ký ức tươi đẹp về chuyến đi để bắt tay vào việc chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp sắp tới bởi chuyến đi kéo dài cả tháng trời đã khiến cậu mất khá nhiều thời gian cho việc ôn luyện.

Một người bạn đã hỏi Ki Moon với giọng nửa đùa nửa thật:

“Này, cậu đi chơi cả tháng như thế thì liệu có vào được trường Seoul không đấy? Cậu không sợ quá sức à?”

“Mình cũng không rõ nhưng phải cố gắng chứ biết làm sao. Nếu nỗ lực hết sức mà vẫn không đạt thì đành chấp nhận thôi.”

Ôi trời, cậu vô tư quá đấy.”

Cậu bạn nọ đâm ra e ngại trước thái độ dửng dưng của Ki Moon.

Bố mẹ của Ki Moon chưa từng yêu cầu con phải thế này thế kia trong việc học bao giờ. Nhưng có phần cảm thấy lo lắng cho tương lai của con trai nên bố Ki Moon đã gọi cậu vào hỏi chuyện.

“Ki Moon này, con thấy thế nào nếu theo ngành y? Con cũng biết là ông nội là một bác sỹ Đông y. Bố đã rất hối tiếc khi không thể nối nghiệp ông nên bố muốn con theo nghề bác sỹ cho ổn định.”

Ki Moon im lặng lắng nghe lời chỉ dạy của bố. Sau đó, cậu nhẹ nhàng trả lời:

“Thưa bố, nghề y đúng là một nghề rất tốt, nhưng con thấy mình không phù hợp bởi con sợ nhìn thấy máu. Con thích làm nghề có thể dùng đến tiếng Anh hơn. Con muốn theo học ngành quan hệ quốc tế để làm nhà ngoại giao bố ạ.”

Đúng là Ki Moon giỏi tiếng Anh từ bé và luôn muốn làm việc để phụng sự quốc gia, nhưng đây là lần đầu tiên bố Ki Moon nghe cậu chia sẻ về mơ ước làm nhà ngoại giao. Ông nghi ngại về việc chuyến đi tới Mỹ đã nhất thời tác động đến con trai mình, nên vội vàng hỏi:

“Có phải vì chuyến đi Mỹ mà con ganh đua với các bạn không?”

“Thưa bố, không phải vậy đâu ạ. Đó là ước mơ của con từ lâu rồi. Thầy giáo tiếng Anh cũng khuyên con như vậy. Thầy nói rằng con sẽ làm tốt công việc nếu theo nghề ngoại giao.”

“Vậy sao? Thầy giáo chắc nắm được năng lực của con hơn bố rồi. Nhưng nghề này cũng không dễ dàng đâu con ạ. Cố gắng nhé.”

Bố Ki Moon gật gù. Ông dường như đã đồng ý để cậu làm theo ý mình. Bởi ông hiểu rằng dù Ki Moon là đứa trẻ có tính khí rất ôn hoà, dễ bảo, nhưng nếu đã quyết tâm làm việc gì thì không dễ khiến cậu đổi ý.

Dù đã thuyết phục được bố nhưng Ki Moon cảm thấy rất lo lắng bởi biết đâu nghề bác sỹ hoặc nhân viên ngân hàng lạicó công việc ổn định hơn. Dẫu vậy, lúc này cậu đã biết rõ mình muốn làm gì.

Việc Ban Ki Moon đứng đầu khối xã hội ở trường Choongjoo không hề đảm bảo cho việc cậu có thể đỗ vào Đại học Seoul. Hơn nữa, ngành quan hệ quốc tế lúc bấy giờ là ngành thời thượng nên tỷ lệ cạnh tranh rất cao. Ki Moon rất lo lắng nhưng cậu luôn tự động viên bản thân phải cố gắng tập trung vào bài vở và nỗ lực hơn nữa. Lúc đấy, cậu em trai đến gần và nói gọn lỏn:

“Ngành quan hệ quốc tế trường Seoul ư? Phải rồi, đằng nào cũng trượt cho nên phải chọn ngành nào thật oách thì mới có cớ mà biện minh chứ nhỉ. Cố lên anh nhá!”

“Nhóc con, dám trọc anh à, dám trọc thằng anh từng đi Mỹ gặp Tổng thống Kennedy này à?”

Miệng thì nói như thế nhưng trong lòng cậu không dám chắc chắn về khả năng thi đỗ vào trường Seoul.

Chế độ thi cử thay đổi thường xuyên khiến các thí sinh gặp nhiều khó khăn. Ki Moon không còn cách nào khác phải tập trung hết sức để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Dù lo lắng như vậy nhưng Ki Moon đã đỗ ngành quan hệ quốc tế của Đại học Seoul với điểm số an toàn vào năm 1963. “Cùng với việc cậu bạn thân Her Moon Young cũng đỗ vào ngành kỹ thuật Đại học Seoul, hẳn là các thầy cô trường Choongjoo rất đỗi tự hào bởi đây là lần đầu tiên trường có tận hai học sinh đỗ vào Đại học Seoul.

Nếu cậu học trò trường làng Ban Ki Moon không gặp được người thầy tiếng Anh tận tâm như Kim Sung Tae, nếu chàng thanh niên 19 tuổi không được đi Mỹ, và nếu không được gặp Tổng thống Kennedy, thì hẳn hạt giống ước mơ trong cậu sẽ mãi không thể nảy mầm. Thế nhưng, may mắn thay, Ban Ki Moon đã gặp được những người phù hợp, ươm mầm ước mơ và giúp nó lớn lên mỗi ngày trong cậu.

Hồi ký về chương trình VISTA của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon

Những việc đáng nhớ về các bạn bè quốc tế

Ban Ki Moon, học sinh lớp 12 trường Phổ thông trung học Choongjoo.

15 giờ 45 phút ngày 30/7, tôi rời sân bay quốc tế Kim Po cùng với bạn nam Kwak Young Hoon của trường Kyungki, bạn nữ Jeong Young Ae của trường nữ Kyungki và bạn nữ Shin Eun Joo của trường nữ Kyungnam trong lòng phơi phới niềm vui nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng vì không biết ứng xử sao cho phải phép.

Đoàn chúng tôi đến San Francisco sớm nhất trong tổng số 42 đoàn đến từ 25 quốc gia. Sau màn chào hỏi, chúng tôi được chia thành nhóm, trong đó, nhóm tôi có các bạn đến từ Canada, Chilê, Thổ Nhĩ Kỳ, Panama, Ấn Độ, Đức, Yugoslavia, New Zealand, Ý và Hàn Quốc.

Chúng tôi được đi tham quan các khu phố của San Francisco, được đi xem các thắng cảnh như cây cầu Cổng Vàng dài nhất thế giới, cầu Bay hay công viên Golden Gate. Đặc biệt, vẻ hùng tráng của cây cầu Cổng Vàng chìm trong làn sương phủ mờ vẫn hiển hiện trước mắt tôi sau nhiều năm.

Sau ba ngày dừng chân ở San Francisco, chúng tôi đến Marine County. Đầu tiên tôi được ở homestay tại gia đình thầy hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở, thầy Robert A. Patterson. Ban đầu, tôi cảm thấy rất khó khăn bởi không thể nghe rõ mọi người nói . Thêm vào đó, do chưa quen với văn hóa và nền nếp của gia đình nên tôi thậm chí còn không biết dùng những câu xã giao thông thường như “cảm ơn” hay “xin lỗi” cho đúng với ngữ cảnh. Thậm chí, tôi run đến mức mãi mới nói được câu “xin lỗi” sau khi người đi bên cạnh bị tôi va phải lên tiếng xin lỗi trước.

Nếp sinh hoạt gia đình của người Mỹ vô cùng hiện đại và vui vẻ. Họ thường có những hoạt động thú vị như đi dạo trên bãi biển hay cưỡi ngựa vào cuối tuần. Ngày thứ Hai và thứ Ba là những ngày dành cho hoạt động thực tế. Tôi chọn đề tài liên quan đến quan hệ quốc tế  giáo dục.

Hoạt động của các thành viên Hội Chữ thập đỏ Thanh thiếu niên của Mỹ có thể tóm gọn như sau:

Các hoạt động chủ đạo bao gồm trao quà hỗ trợ cho các vùng, các gia đình khó khăn, gây quỹ hỗ trợ và trao đổi các sản phẩm nghệ thuật. Nhưng điều gây ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là:

Thứ nhất, đó là hoạt động hiến máu nhân đạo. Nếu ở Hàn Quốc, hoạt động này mới được triển khai vài năm trở lại đây và không mấy thu hút thì ở Mỹ, đây là hoạt động được thực hiện hết sức hiệu quả. Đó là nghĩa cử cao đẹp giúp người cũng như giúp mình.

Tôi đã chứng kiến cảnh rất nhiều người tập trung tại một bệnh viện để hiến máu. Tôi nghĩ rằng đây chính là hành động cao quý mà Henri Dunant5 đã phát động trong cuộc chiến tranh Solferino.

Thứ hai, đó là hoạt động thiện nguyện. Các tình nguyện viên đã để ấn tượng sâu sắc trong tôi. Họ thật cao quý và đáng trân trọng vì những hành động quên mình mà dành nhiều công sức và thời gian để giúp đỡ người khác cả về vật chất lẫn tinh thần. Có khoảng 3.600 chi nhánh của Hội Chữ thập đỏ tại Mỹ, trong đó, mỗi chi nhánh có khoảng 900 tình nguyện viên tương đương với khoảng gần 3 triệu người tham gia hoạt động. Có thể nói 90% hoạt động của Hội Chữ thập đỏ ở nước này được các tình nguyện viên thực hiện.

Tiếp đến là nếp sinh hoạt gia đình của người Mỹ. Điều tôi ấn tượng nhất ở người Mỹ là lối sinh hoạt cởi mở, tươi vui. Có sự khác biệt rất lớn về phương pháp dạy con giữa xã hội Mỹ và Hàn Quốc, nhất là việc phụ huynh phương Đông thường áp đặt con cái theo ý mình. Tôi nhận thấy mối quan hệ giữa mọi người trong gia đình người Mỹ rất cởi mở và dựa trên nền tảng của sự tôn trọng tự do cá nhân. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực, văn hóa gia đình Mỹ không phải không có những mặt trái của nó. Theo tôi, xã hội Mỹ trao cho thanh thiếu niên ở độ tuổi đang trưởng thành quá nhiều tự do. Cha mẹ tôn trọng quyền tự do của con cái đến mức để các con có thể thoải mái làm những gì mình thích thậm chí những hành động đó đi ngược lại với quan điểm của cha mẹ hoặc lề thói xã hội.

Sau bảy ngày ở Marine County, chúng tôi đến Portland thuộc quận Cam. Tại đây, tôi được sống cùng gia đình ông John Barett, một hộ đang phát triển kinh tế trang trại.

Tôi không khỏi ngạc nhiên về sự thiếu thông tin của người Mỹ cũng như đại biểu đến từ các quốc gia khác về Hàn Quốc. Họ đã hỏi những câu khiến tôi hết sức bất ngờ, đại loại như nước bạn có từ điển không, có trường đại học không, hay là các cặp đôi có hẹn hò không…

Tại Portland, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người thổ dân da đỏ, nhờ đó, được mục sở thị những bài hát và điệu nhảy truyền thống của họ trong những trang phục độc đáo.

Sau khi dừng chân tại Portland, chúng tôi lại lên đường đến Spokane, Washington. Đời sống sinh hoạt của người Mỹ ởđây gắn liền chiếc xe ô tô. Theo quan sát của tôi thì có vẻ họ không rời xe phút nào. Vì lý do đó mà ở đây có rất nhiều bãi chiếu phim drive-in hay nhà hàng drive-in phục vụ cho những khách hàng ngồi trong ô tô.

Dịch vụ “drive-in” cho phép khách hàng lái xe vào bên trong rạp chiếu phim hay nhà hàng để xem phim hoặc dùng bữa. Câu chuyện có vẻ thật lạ lùng nhưng phải công nhận rằng đối với người Mỹ thời bấy giờ, máy móc, công nghệ là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Ngày 22/8, tức một tuần sau đó, chúng tôi đến với thủ đô Washington. Tại đó, 117 đại diện của 43 quốc gia tề tựu đông đủ. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời tại Washington. Tất cả chúng tôi,đến từ nhiều quốc gia với sự đa dạng về chủng tộc và văn hóa đã ở chung trong ký túc xá của Viện nghiên cứu Thần học Wesley thay vì ở tại các gia đình như trước. Chúng tôi dùng bữa cùng nhau, tạo nên một không khí thật ấm cúng, thân mật.

Trong khoảng thời gian này cũng diễn ra sự kiện Đêm hội quốc tế (International night).

Tiết mục múa quạt của bạn Yang đại diện cho Hàn Quốc được nhiều người yêu thích và nhận được không ít những tràng pháo tay nồng nhiệt tán thưởng.

Sau đó, bạn Kwak đã sáng tác bài ca VISTA (VISTA Song) để mọi người hợp ca khiến cho hình ảnh về đất nước Hàn Quốc đến gần hơn với bạn bè thế giới. Vào ngày thứ Hai và thứ Ba, chúng tôi tham gia thảo luận. Vào ngày thứ Hai, chúng tôi được tùy ý chọn hai trong số các chủ đề nghị luận như Nhiệm vụ của các tình nguyện viên, Nhiệm vụ của mối quan hệ mang tính giáo dục, Quan hệ quốc tế về an toàn và tai nạn,…

Trong ngày thứ Ba, chúng tôi được quyền chọn 2 trong số các chủ đề như Kỹ thuật nông nghiệp, Luật quốc tế, Đời sống tôn giáo, Giáo dục để nghị luận. Tôi chọn Nhiệm vụ của tình nguyện viên, Nhiệm vụ của mối quan hệ mang tính giáo dục và Luật quốc tế.

Là đại diện của Hàn Quốc, tôi đã cố gắng hết sức để thể hiện niềm tự hào dân tộc và giới thiệu đất nước mình đến với bạn bè quốc tế. Và một ngày trọng đại với chúng tôi đã đến. Chúng tôi được gặp Tổng thống Kennedy vào lúc 11 giờ cùng ngày sau khi tham quan Nhà Trắng.

Kết thúc bài diễn văn dài chừng ba phút, Tổng thống Kennedy bước tới bắt tay các bạn nữ ở hàng ghế đầu. Tôi cố gắngđể được bắt tay ngài Tổng thống nhưng xem ra mọi nỗ lực đều công cốc.

Vào 7 giờ tối, chúng tôi có bữa tiệc chia tay tại Bon Voyage.

Bài diễn văn của Hội trưởng Grunther khiến mọi người thật sự xúc động. Sau khi dự buổi lễ bế mạc chương trình, các thành viên tham gia đều ôm nhau thật chặt, bịn rịn không rời  những giọt nước mắt đã tuôn rơi. Chúng tôi đã thật sự trở nên thân thiết như anh chị em một nhà.

Ngày hôm sau, chúng tôi nói lời chào tạm biệt toàn thể các thành viên tham gia chương trình, những thành viên của Hội Chữ thập đỏ Mỹ, những người bạn Mỹ thân thiện và chào nước Mỹ để trở về.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.