Ban Ki Moon

Người soi đường cho ước mơ của thế hệ trẻ



Cuốn sách Ban Ki Moon – Hãy học như kẻ ngốc và mơ ước như thiên tài ra đời mới đó đã 5 năm. Trong thời gian đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã bôn ba khắp nơi vì hòa bình thế giới và vì những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, vấn nạn đói nghèo,… Và bằng những nỗ lực đó, ông được tín nhiệm tái đắc cử vị trí này nhiệm kỳ thứ hai.

Hơn nữa, thế hệ trẻ Hàn Quốc đã không do dự bình chọn Ban Ki Moon là nhân vật được tôn kính nhất tại đất nước này.

Tôi được biết Ban Ki Moon từ 15 năm về trước. Lúc bấy giờ, tôi có cơ duyên được sống cùng một tòa nhà chung cư với ông tại phường Songpagu, Seoul. Thời điểm đó đã xảy ra một sự kiện an ninh ngoại giao làm chấn động Hàn Quốc. Tiếp sau, cảnh sát đã có mặt thường trực trước khu chung cư này để bảo vệ ông, lúc bấy giờ đang giữ vị trí Chủ tịch An ninh Ngoại giao của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống). Tuy nắm giữ trọng trách nhưng ông và gia đình luôn sống bình lặng, khiêm nhường đến mức hàng xóm chỉ biết đến sự hiện diện của ông qua sự kiện này và không khỏi ngạc nhiên.

Sau đó, với vai trò là phóng viên của kênh truyền hình chuyên về Tin tức Cập nhật 24 giờ của Đài YTN, tôi đã liên hệ để được làm việc với Bộ Ngoại giao – Thương mại và có dịp gặp lại ông. Quá trình lấy tư liệu phục vụ công việc kể từ khi ông tranh cử cho đến khi trúng cử vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã giúp tôi tiếp cận gần hơn với ông và những gì tôi thu thập được quả là trên cả mong đợi. Có thể nói, con người ông thật giống với những hình tượng lý tưởng trong sách vở – điều có thể khiến chúng ta cảm thấy thiếu thú vị. Thế nhưng, tôi cũng nghĩ rằng, vào thời điểm báo chí đưa tin hàng ngày về hành vi tham ô, tham nhũng của các nhân vật thuộc tầng lớp lãnh đạo của đất nước, thế hệ thanh thiếu niên của Hàn Quốc khó lòng tìm được một nhân vật đáng trọng đến thế. Vì lẽ đó, tôi quyết định kể câu chuyện về Ban Ki Moon – về duyên do của việc một con người sinh ra và lớn lên ngay sau chiến tranh có thể trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc như ngày nay.

Có ba điều tôi muốn nhấn mạnh như sau:

Thứ nhất, chúng ta có thể thấy rất nhiều người có “Tài” nhưng không dễ tìm được người hội đủ hai yếu tố “Tài” Đức”. Thế nhưng, rõ ràng là đất nước Hàn Quốc đã hun đúc nên một con người như thế, điều này được cả thế giới công nhận. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, vì tương lai của đất nước, thế hệ trẻ ngày nay cần phải trưởng thành theo tiêu chí đó.

Thứ hai, tôi muốn nói về bí quyết tự học tiếng Anh từ thời niên thiếu của Ban Ki Moon, hơn 50 năm trước, khi ông còn ở ngôi làng hẻo lánh tại Hàn Quốc; và điều đã giúp ông tự tin trò chuyện cùng Tổng thống Mỹ Kennedy. Đó là phương thức học tập trí tuệ, khác xa kiểu học vẹt vô thức của một số bạn trẻ ngày nay.

Thứ ba, tôi muốn nói về ước mơ và khát khao đạt được chúng. Cuộc đời của những người luôn theo đuổi ước mơ có rất nhiều điểm khác biệt. Tôi mong rằng hình ảnh cậu thiếu niên Ban Ki Moon cùng hành trình theo đuổi ước mơ trở thành nhà ngoại giao có thể giúp độc giả nhìn lại bản thân mình.

Trong lần tái bản có sửa chữa này, tôi đã bổ sung phần thành quả và tầm nhìn trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. Với những nỗ lực của mình, tôi hy vọng có thể truyền tải được những thông tin bổ ích để khôngphụ lòng tin yêu  khích lệ của độc giả trong thời gian qua.

Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, đồng nghiệp của ông trong ngành ngoại giao, cùng thân mẫu ông – bà Shin Hyun Soon và gia đình, đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình tìm tư liệu để hoàn thành cuốn sách này.

Cuối cùng, tôi muốn thể hiện tình yêu của mình đến những người thân, bố mẹ, vợ cùng hai con sinh đôi Soo Min và Soo Kyo của chúng tôi.

Tháng 1 năm 2012

Shin, Woong-Jin


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.