Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

3. Biết tự ôn tập mới được coi là đã học đại học



“Tất cả những người đáng giá đều có phần tự lập trong học vấn của mình.”

– W alter Scott

Nhiều bạn có tâm thế lên đại học phải yêu đương, chơi bời tận hưởng cho thật đã, bõ công những ngày tháng ôn luyện vất vả. Các bạn ấy coi mục đích của việc học đại học rất đơn giản: Xã hội đánh giá con người dựa vào thành tích, chẳng phải học 4 năm đại học để nhận được tấm bằng đẹp đẽ rồi đem đi gõ cửa xin việc ư?

Học đại học rồi lấy bằng là tất yếu, nhưng chừng đó thôi chưa đủ. Nếu bạn tiêu tốn bao nhiêu thời gian, công sức và của cải chỉ để lấy một tờ giấy “Bằng tốt nghiệp” có dấu đỏ thì việc học đại học thật vô nghĩa.

Trong xã hội ngày nay, dám suy nghĩ độc lập, chủ động, dám thể hiện mình còn khó khăn hơn việc nhận tấm bằng đại học. Tôi cho rằng bài học suy nghĩ độc lập tốt nhất và đầu tiên là tự giác học tập. Tự giác học tập là kỹ năng quan trọng nhất trong thời kỳ sinh viên.

Khả năng tự học phải bắt đầu từ việc xử lý, phân loại hệ thống kiến thức, với mỗi kiến thức khác nhau cần có những phương pháp học tập và ôn tập khác nhau.

Những kỹ năng và kiến thức cần học trong thời gian học đại học có thể chia thành 3 loại: kiến thức thông thường, phương pháp tư duy và năng lực thông dụng.

Hầu như công việc nào cũng phải dựa trên nền tảng các kiến thức liên quan đến tiếp thị, quảng cáo, tâm lý học, quản lý học, xã hội học và lịch sử – đó là những kiến thức thông thường. Dù cho tương lai bạn làm nghề nào thì những kiến thức này đều có thể dùng đến.

Nhiều bạn sinh viên gặp khó khăn với các môn chuyên ngành. Thực ra không phải do kiến thức chuyên ngành khó nắm bắt, mà là vì phương thức tư duy của họ quá hạn hẹp.

Đáng tiếc là các trường đại học hiện nay của chúng ta chỉ coi trọng việc giáo dục chuyên ngành mà lơ là giáo dục thường thức. Nếu bạn muốn cho mình thêm nhiều cơ hội hơn khi xin việc ở những lĩnh vực khác nhau, hãy chủ động học tập nhiều hơn khi còn học đại học.

Khi học đại học, chúng ta chưa chắc đã có cơ hội để biến những kiến thức thông thường kia thành thực tiễn. Bạn có thể đọc nhiều thể loại sách, tích cực ghi chép tích lũy để có thể sử dụng chúng trong công việc tương lai.

Bạn có thể đọc những tác phẩm kinh điển phương tây, nếu như khả năng ngoại ngữ tốt, bạn nên đọc nguyên tác để rèn luyện thêm, sẽ rất thú vị đấy.

Chuẩn bị được một chút kiến thức thông thường không có nghĩa là bạn có năng lực giải quyết vấn đề. Để có thể giải quyết được vấn đề, bạn cần có phương pháp. Khi vấp phải những tình huống mới, điều quan trọng là đừng hoang mang lo sợ, rồi sau đó mới suy nghĩ tìm ra những đối sách và hành động phù hợp.

Phương pháp tư duy thành công là phải đưa ra những đối sách hợp lý khi phải đối diện với vấn đề mới. Phương pháp tư duy này bạn có thể tự mình rèn luyện, ghi nhớ hoặc học hỏi từ người khác.

Nếu như gặp phải những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà bạn chưa từng biết đến, hãy thử sử dụng công thức:

Phân tích bối cảnh – Tìm đúng vấn đề – Đưa ra đối sách – Hành động – Đánh giá hiệu quả.

Với những vấn đề có phương hướng rõ ràng, bạn nên sử dụng công thức:

Xác định mục tiêu rõ ràng – So sánh các đối sách có thể được đưa ra – Xác định kế hoạch hành động chi tiết – Tìm kiếm những yếu tố thích hợp để hoàn thành – Kiểm soát, đánh giá hiệu quả kế hoạch và điều chỉnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.