Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

30. Chậm một chút để lấy đà vươn tới thành công



“Bí quyết của thành công là hãy bắt đầu. Bí quyết để bắt đầu là chia nhỏ các công việc nặng nề, phức tạp thành những việc nhỏ dễ quản lý hơn, rồi bắt đầu với việc thứ nhất ”

 Mark Twain

Trong các trường đại học, có khoảng 10% sinh viên vô cùng xuất sắc, luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, chuẩn bị tích cực cho tương lai; 10% sinh viên không quản lý được bản thân, phó mặc ngày tháng trôi qua trong an nhàn hưởng thụ; và 80% còn lại thuộc dạng trung bình, thi thoảng rất quyết tâm, nỗ lực, nhưng thường bỏ dở giữa chừng. 80% này thường sống và học tập một cách tùy hứng, không có mục đích cụ thể. Là sinh viên đã đủ trưởng thành để bạn tự học cách quản lý bản thân.

Mục tiêu của việc học đại học không đơn giản và rõ ràng như thời cấp ba. Nếu không xác định được chuyên ngành mình theo đuổi sau này, không hoạch định trước được tương lai, bạn dễ lâm vào trạng thái mất mục tiêu phấn đấu. Ngoài ra, lên đại học cũng là quãng thời gian quý báu để chúng ta thử thách bản thân khi phải đối diện với những cám dỗ.

Muốn kỳ thi đạt điểm cao, tối nay nên lên thư viện ôn tập hay ngồi nhà chơi mấy ván game cùng bạn bè? Sự phân vân này chính là cám dỗ.

Muốn trang bị thêm kỹ năng mềm, sáng mai nên ngủ nướng hay mua sách kỹ năng để tự học? Sự phân vân này chính là cám dỗ.

Muốn trở nên khỏe đẹp hơn, bây giờ nên ăn bánh ngọt hay luyện tập thói quen ăn uống một cách khoa học? Sự phân vân này chính là cám dỗ.

Đương nhiên, một người mà cả đời không bao giờ bị lôi kéo bởi những cám dỗ cũng chẳng có gì đáng tự hào. Chỉ khi trải qua sự thất bại trước cám dỗ, phát hiện ra giới hạn trong tính cách của mình, chúng ta mới biết nên làm thế nào để quản lý nhược điểm của bản thân.

Các bạn sinh viên đã năm lần bảy lượt bị rơi vào cám dỗ, dù lớn dù nhỏ, việc mất tinh thần, phương hướng, mất hứng thú học hành là điều khó tránh khỏi. Trong một chặng đường dài, chẳng ai có thể giữ mãi thái độ tích cực được, trở nên lười biếng trong một thời gian nào đó cũng là một phương thức để trưởng thành. Khi chưa đánh mất bản thân, chúng ta sẽ không thực sự hiểu được chính mình. Đánh mất bản thân là một phương pháp kỳ lạ, nó có thể giúp chúng ta hiểu về một khía cạnh khác của bản thân, nhưng làm cách nào để đứng dậy, không bị nhấn chìm mãi mãi trong đó mới là điều quan trọng nhất.

Nhà sáng lập hãng điện tử danh tiếng Apple – Steve Jobs cũng từng trải qua cuộc sống trụy lạc vô độ ở tuổi thanh niên. Nhưng sau khi vượt qua, ông đã có cái nhìn sâu sắc hơn về bản chất con người, điều này đã phát huy tác dụng lớn trong sự nghiệp sau này của ông.

Trong giai đoạn đại học, hầu hết các bạn sinh viên đều chưa tìm ra phương hướng phát triển cho bản thân, bản thân tôi cũng vậy. Đó là vì chúng ta không có khả năng tự khống chế tốt, rất dễ từ bỏ, sợ hãi đối mặt với hiện thực và luôn cần người cổ vũ động viên bên cạnh.

Sau khi tốt nghiệp cấp ba, rất nhiều bạn hoàn toàn mơ hồ về cái gọi là sự nghiệp, không hoạch định được tương lai của chính mình, thậm chí không biết mình thích làm nghề gì. Việc chọn trường thi đại học chỉ là “nước chảy bèo trôi”, nghe theo cha mẹ hoặc bạn bè mà hoàn toàn không có chủ kiến cá nhân.

Nếu thi đỗ đại học, sau phút giây hào hứng ban đầu, đa phần chúng ta sẽ trở nên chán nản. Có nhiều bạn nói với tôi rằng, dù đã học hành rất chăm chỉ và thực sự cầu tiến, nhưng sau 2 năm đầu đại học, tinh thần đã đi xuống. Bạn bè xung quanh chơi bời, yêu đương, thi cử thì quay cóp, chạy điểm… khiến bạn không còn muốn sống tích cực nữa. Khi sống xa gia đình, việc quản lý bản thân càng trở nên khó khăn và chệch choạc.

Đến khi ra trường, một bài toán nan giải khác sẽ lập tức ập đến với bạn, đó chính là xin việc. Việc thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cho công việc và cuộc sống (mà bạn hoàn toàn có thể bồi dưỡng trong thời gian học đại học) như kỹ năng giao tiếp, kiến thức chuyên ngành, kỹ năng sống, khả năng lập kế hoạch và hoàn thành kế hoạch… sẽ khiến bạn gặp vô vàn khó khăn và trở ngại. Xét cho cùng, nguyên nhân của những trở ngại này bắt nguồn từ việc bạn đã không xác định được mục tiêu tương lai của mình ngay khi vừa bước chân vào đại học, không biết bản thân thực sự muốn gì và không có khả năng thoát khỏi những cám dỗ trên con đường thực hiện mục tiêu ấy.

Vì vậy, tôi có một lời khuyên dành cho những bạn sinh viên năm đầu: thời gian học đại học vô cùng quý giá. Các bạn hãy dành thời gian để phát hiện và rèn luyện những thế mạnh của bản thân. Hãy nhớ rằng: “Thành công của con người được xây dựng dựa trên niềm hứng thú và sự chăm chỉ”. Nếu không có hứng thú với điều mình đang làm, bỏ cuộc là viễn cảnh tất yếu; có hứng thú mà không chăm chỉ thì cũng chẳng thể bền lâu.

Tất nhiên, bạn không thể đưa mình vào khuôn khổ trong ngày một ngày hai. Điều chúng ta cần làm ngay là từng bước chiến thắng bản thân, đặt ra cho mình một mục tiêu rõ ràng và kiên trì thực hiện nó. Đừng đợi đến khi tốt nghiệp đại học, vì lúc đó đã quá muộn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.