Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học
2. Niềm hứng khởi sẽ giúp ích cho bạn suốt đời
– Albert Camus
Nhiều bạn sinh viên nói rằng tính cách của mình không phù hợp với chuyên ngành hiện tại. Hầu hết họ đều muốn tiếp xúc với những thứ mới lạ, thích du lịch, giao tiếp với những người khác nhau, nên không muốn làm những công việc khô khan liên quan đến kỹ thuật, muốn tìm một công việc có thể phát huy sở trường của bản thân.
Khi còn trẻ, tôi cũng từng hy vọng được làm công việc mà mình thấy hứng thú. Cho đến khi bước chân vào công việc, tôi mới hiểu ra rằng những người có thể biến công việc thành hứng thú vô cùng ít ỏi. Phương thức hữu hiệu để phá hủy hứng thú chính là biến nó thành công việc của mình.
Một người bạn làm kinh doanh thường rủ rê tôi góp vốn làm ăn chung. Anh chàng này hát hay, biết uống rượu, biết nhảy cổ điển, giỏi chơi bài. Chỉ có điều anh ta lại biến những sở trường này thành một công việc làm ăn, trói công việc và sở trường lại với nhau, nếu chẳng may không thành công thì cũng không còn chút hứng thú nào nữa. Đây chính là một bài học cảnh tỉnh cho các bạn, kết hợp công việc và hứng thú lại với nhau sẽ dễ khiến bạn tự hủy hoại hứng thú của chính mình.
Thực ra, trong học tập hay công việc, 80% thời gian của chúng ta dùng để làm những việc đơn giản nhưng lặp đi lặp lại. Một cuộc sống trùng lặp, đơn điệu và chẳng có gì thay đổi sẽ làm chúng ta phát điên. Vì vậy, chúng ta cần tìm những niềm vui khác để cân bằng cuộc sống. Sự cân bằng này thường bắt nguồn từ những thú vui và niềm đam mê đặc biệt của bạn. Nếu không có nó, mỗi ngày chỉ bắt đầu với việc học hành, làm việc như một cái máy, bạn sẽ chẳng cảm thấy hạnh phúc.
Công việc có thể mang lại thu nhập, địa vị và danh tiếng, nhưng nó không thể mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc. Nếu bạn có thể tìm và nuôi dưỡng một hứng thú nào đó ngoài công việc, thì khi gặp phải nhiều áp lực, bạn sẽ có một phương thức xả stress hiệu quả. Tạo cho mình những mối quan hệ mới khi theo đuổi đam mê, nói về những chủ đề mới lạ, hiểu về những cuộc đời khác nhau, phát hiện ra những thế giới khác nhau, không cần phải quá thực dụng, cũng không cần phải quá mất công, và khiến bạn thực sự vui vẻ, bởi nó xuất phát từ niềm đam mê.
Theo đuổi niềm đam mê khác biệt với công việc bạn đang làm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công việc của bạn.
Einstein là một nhà vật lý đại tài, ông có một sở thích khác là chơi violin. Tương tự như vậy, rất nhiều bạn cũng có niềm đam mê liên quan tới nghệ thuật, thể thao, văn học. Chính niềm đam mê trong các lĩnh vực này có thể kích hoạt não phải của con người, bồi dưỡng cho khả năng tư duy sáng tạo, khiến chúng ta làm việc hiệu quả hơn.
Khi làm việc, niềm đam mê này có thể biến thành sở trường của bạn trong việc tổ chức hoạt động, hoặc trở thành một tấm danh thiếp tốt nhất khi bạn giao tiếp bên ngoài xã hội. Những mối quan hệ thông qua việc có chung niềm đam mê thường có rất ít tính thực dụng nhưng cũng mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Nhưng đôi khi hứng thú có thể trở thành danh vọng, đam mê sẽ trở thành nghề nghiệp.
Có một cậu bé rất thích nghịch bong bóng xà phòng, khi lớn lên, mỗi khi rảnh rỗi, cậu ấy lại làm ảo thuật với bong bóng và hàng ngày đều có rất nhiều người mời cậu biểu diễn. Niềm đam mê không chỉ mang đến cơ hội cho cậu ấy, mà còn mang lại niềm vui cho người khác.
Thế nhưng, tôi hy vọng các bạn đừng biến niềm đam mê của mình trở thành một loại vũ khí thực dụng, mà hãy biến đam mê trở thành niềm vui trong cuộc sống bận rộn hàng ngày.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.