Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

7. Không có ý tưởng? Hãy bắt đầu từ việc mô phỏng



“Không phải là chúng ta cần ý tưởng mới, mà chúng ta cần phải ngừng có những ý tưởng cũ.”

 Edwind Land

Khi bạn không tìm ra ý tưởng cho một việc nào đó, có một giải pháp là hãy mô phỏng nó.

Mô phỏng không phải sao chép, mà là mượn phương pháp của người khác để vận dụng linh hoạt vào công việc của mình. Nếu như bạn không thể học giỏi một môn nào đó, hãy hỏi cách học của những bạn có thành tích tốt trong lớp, sau đó, bạn có thể học hỏi theo. Nếu như bạn không biết tổ chức một hoạt động nào đó, hãy học hỏi từ phương pháp của những bậc tiền bối, sau đó áp dụng để tự tổ chức.

Mô phỏng được nhận diện trên 3 điểm chính:

Thứ nhất, tự mình làm, không được trực tiếp lấy nội dung của người khác chỉnh sửa một chút rồi biến thành của mình – mô phỏng khác với sao chép.

Thứ hai, lựa chọn đối tượng thích hợp để mô phỏng. Ví dụ, bạn muốn học một điệu nhảy đường phố, đầu tiên bạn phải mô phỏng các động tác nhập môn, sau đó mới học lên các động tác phức tạp hơn, không thể học theo kiểu “nhảy cóc” được.

Thứ ba, nhất định phải mô phỏng một cách đầy đủ, nếu không hiệu quả mô phỏng sẽ bị giảm sút rất nhiều.

Khi học làm tạp chí, tôi đã bắt đầu bằng cách mô phỏng. Có nhiều bạn nghĩ rằng “Cứ lên mạng tải về vài ba tạp chí mẫu, ghép nội dung của mình vào, chẳng có gì phức tạp cả.” Thực ra sao chép và mô phỏng là hai cấp độ khác nhau và cần được phân biệt rõ ràng.

Tôi mô phỏng nên tôi không lấy y nguyên sản phẩm đã có mà tự tay tạo ra sản phẩm tương tự như vậy. Tôi mô phỏng hình thức nhưng cũng cần đến sự động não để tự hoàn thành từng công đoạn. Quá trình mô phỏng này tuy không cần đến sự sáng tạo nhưng nó giúp tôi thành thục các kỹ năng thực hiện.

Còn nếu chỉ đơn thuần là sao chép, não bộ của chúng ta hoàn toàn không được khai thác và rèn luyện bất cứ điều gì. Rèn luyện kiểu này thì dù có làm thêm 100 năm nữa, trình độ của bạn vẫn chẳng tiến triển thêm chút nào.

Hơn nữa, trong quá trình mô phỏng, nếu như phát hiện thấy hình thức mình mô phỏng không được bắt mắt, tôi lại so sánh và từ từ điều chỉnh. Quá trình mô phỏng như vậy sẽ giúp bạn lý giải chuyên ngành một cách tốt hơn. Không ngừng mô phỏng, tích lũy và tự tạo cho mình niềm hứng thú khi tìm ra những điều nhỏ nhặt nhất, bạn sẽ tiến bộ rõ ràng trong khoảng thời gian rất ngắn.

Một “cao thủ” mô phỏng từng bật mí cho tôi 8 bước để hoàn thiện trong quá trình học tập, đó là: Thử mô phỏng (phải hiếu kỳ) → Phát hiện sự chênh lệch (cần tỉ mỉ) → Mô phỏng tác phẩm (phải nhẫn nại) → Nhờ vả các “cao thủ” (cần khiêm tốn) → Liên tục trau dồi trong thời gian dài (bắt buộc phải kiên trì) → Hình thành phong cách (cần chuyên tâm) → Chia sẻ những điều tâm đắc (để cảm thấy vui vẻ) →Nhận được sự góp ý để cải tiến chỉnh sửa (chủ động hoàn thiện mình). Với kinh nghiệm này, chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng trong rất nhiều công việc trong cuộc sống.

Bạn không có ý tưởng gì khi phải viết luận văn? Điều đó không đến mức quá nghiêm trọng, hãy lên mạng tải về những bài luận văn theo chủ đề gần với chủ đề của mình, nghiên cứu tỉ mỉ bước lựa chọn đề tài, phương pháp phân tích, quá trình thực nghiệm, phong cách viết của họ, sau đó mô phỏng và làm theo. Ban đầu sẽ không được hoàn hảo, nhưng nếu thực sự nỗ lực và kiên trì, chắc chắn bạn sẽ làm được.

Một ngày nào đó, những hành động và thói quen tư duy mà bạn được rèn luyện trong quá trình mô phỏng sẽ trở thành một kỹ năng thực tiễn đáng quý vô cùng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.