Sử Ký Tư Mã Thiên
HẠNG VŨ BẢN KỶ (tiếp theo)
B ái Công bèn ra đi, sai Trương Lương ở lại để xin lỗi. Lương hỏi :
Đại Vương đến đây có mang theo gì không ? Bái Công nói :
Ta mang theo một cặp ngọc bạch bích, muốn để hiến Hạng Vương, một đôi chén ngọc muốn để biếu Á phụ. Ta thấy họ nổi giận nên không dám hiến. Nhà ngươi hiến hộ ta.
Trương Lương nói :
Xin vâng.
Bấy giờ quân của Hạng Vương đóng ở Hồng Môn, quân của Bái Công đóng ở Bá Thượng , cách nhau bốn mươi dặm . Bái Công bỏ xe lại, một mình cưỡi ngựa đi thoát thân, bốn người : Phàn Khoái, Hạ Hầu Anh, Ngân Cương, Kỷ Tín, mang gươm và khiên chạy bộ theo (miêu tả cách chạy trốn rất tỉ mỉ và cụ thể ). Họ men theo chân núi Ly Sơn, đi qua Chỉ Dương, theo con đường nhỏ. Bái Công dặn Trương Lương :
Đi theo con đường này đến quân ta chỉ mất hai mươi dặm thôi. Tính chừng khi nào ta đã về đến quân doanh rồi thì nhà ngươi hãy vào.
Sau khi Bái Công chừng đã đi theo con đường nhỏ về đến trong quân. Trương Lương bước vào xin lỗi, nói :
Bái Công quá chén, không thể vào từ biệt, có sai thần là Lương, dâng một đôi ngọc bích để kính dâng đại vương, một đôi chén ngọc đến kính dâng đại tướng quân.
Hạng Vương hỏi :
Bái Công đâu rồi ?
Nghe đại vương có ý trách tội, Bái Công đã trốn thoát đi một mình, nay đã về đến quân doanh.(Nhấn mạnh ý sau để nói Hạng Vũ bây giờ không làm gì được nữa.)
Hạng Vương bèn nhận ngọc bích đặt ở chỗ ngồi. Á Phụ cầm chén ngọc đặt xuống đất, tuốt kiếm đập chén vỡ tan, nói :
Chà ! Thằng trẻ con (Đây là nói Hạng Trang, nhưng thực ra là ám chỉ Hạng Vũ) không thể cùng bàn mưu kế! Người đoạt thiên hạ của Hạng Vương nhất định là Bái Công. Bọn ta sẽ bị bắt làm tù hết.
Bái Công về đến quân doanh, lập tức giết Tào Vô Thương (Đoạn này nổi tiếng trong văn học gọi là đoạn “ăn yến ở Hồng Môn”).
2. Mấy ngày sau, Hạng Vương đem binh về hướng tây làm cỏ thành Hàm Dương, giết vua Tần đã đầu hàng là Tử Anh, đốt cung thất nhà Tần, lửa cháy liền ba tháng không tắt, thu của cải châu báu, phụ nữ đem về đông. Có người (Theo Tiền hán thư, thì người thuyết khách này là Hàn Sinh, Hán Sở Xuân Thu gọi là Thái Sinh.) nói với Hạng Vương :
Đất Quan Trung bốn phía có núi sông che chở, đất đai phì nhiêu, có thể đóng đô ở đấy để xây dựng nghiệp bá.
Hạng Vương thấy cung thất nhà Tần đều bị đốt phá, lòng chạnh nhớ, muốn về miền đông, liền nói :
Được phú quý mà không trở về làng cũ thì cũng như mặc áo gấm đi đêm, còn ai biết gì ?
Người ấy nói :
Người ta nói rằng, “Người nước Sở giống “những con khỉ đội mũ người” (Con khỉ đội mũ người thì trong chốc lát sẽ vứt mũ và bản tính của nó sẽ lộ ra, ý nói tính tình thay đổi nhanh), quả thực là đúng!”
Hạng Vương nghe vậy, bỏ người đó vào trong vạc dầu.
Hạng Vương sai người xin mệnh lệnh của Sở Hoài Vương, Hoài Vương nói :
Cứ theo như lời ước cũ (Hạng Vương hy vọng Sở Hoài Vương sẽ cho mình làm vương ở Tần, nhưng Sở Hoài Vương muốn giữ lời giao ước để Bái Công làm vương, vì Bái Công đầu tiên vào Quan Trung).
Hạng Vương bèn tôn Hoài Vương lên làm Nghĩa Đế. Hạng Vương muốn tự xưng vương nên trước tiên phong các tướng văn võ làm vương. Hạng Vương nói :
Khi thiên hạ mới bắt đầu khởi sự thì tạm thời lập các chư hầu để đánh Tần, nhưng việc mình mặc áo giáp, tay cầm gươm dáo gánh vác việc lớn, ba năm xông pha ở chiến trường, diệt nhà Tần và bình định được thiên hạ đều là công lao của các vị tướng, các quan văn võ và của Tịch này. Nghĩa Đế tuy không có công, nhưng cũng chia đất đai mà phong vương cho ông ta.
Các tướng đều nói :
Phải đấy !
Hạng Vương bèn chia thiên hạ, lập các tướng làm vua các nước chư hầu.
Hạng Vương và Phạm Tăng lo ngại Bái Công sẽ lấy thiên hạ; nhưng trót đã điều đình xong, không muốn bội ước, sợ chư hầu làm phản, cho nên bí mật bàn nhau : đất Ba và đất Thục đường xá hiểm trở, nhà Tần đày người đến ở đất Thục, bèn nói :
Đất Ba và đất Thục cũng là đất Quan Trung (Vì bất đắc dĩ phải phong vương cho Bái Công, lại phải phong ở Quan Trung theo lời giao ước, cho nên hai người tìm cách “đày” Bái Công đi Ba và Thục, và nói rằng Ba và Thục cũng là Quan Trung). Cho nên lập Bái Công làm Hán Vương cai trị đất Ba, đất Thục và đất Hán Trung, đóng đô ở Nam Trịnh. Hạng Vương chia Quan Trung làm ba phần, phong vương cho các tướng Tần đã đầu hàng, để họ chẹn đường của Hán Vương.
Hạng Vương lập Chương Hàm làm Ung Vương, cai trị từ Hàm Dương sang phía tây, đóng đô ở Phế Khâu. Trưởng sử Hân xưa làm quan coi ngục ở Lịch Dương vốn có ơn với Hạng Lương; đô uý Đổng Ế trước đã khuyên Chương Hàm đầu hàng nước Sở, cho nên Hạng Vương lập Tư Mã Hân làm Tắc Vương, cai trị từ phía đông Hàm Dương cho đến Hoàng Hà, đóng đô ở Lịch Dương; Đổng Ế được làm Địch Vương ,cai trị đất Thượng Quận, đóng đô ở Cáo Nô. Hạng Vương để Nguỵ Vương là Báo làm Tây Nguỵ
Vương, cai trị đất Hà Đông, đóng đô ở Bình Dương. Thân Dương ở Hà Khâu là người tôi yêu của Trương Nhĩ, đã lấy được quận Hà Nam, và đóng quân Sở trên Hoàng Hà, cho nên được lập làm Hà Nam Vương , đóng đô ở Lạc Dương.
Hàn Vương tên là Thành vẫn ở đất cũ, đóng đô ở Dương Định. Tướng nước Triệu là Tư Mã Ngang đã lấy được Hà Nội và đã có nhiều lần lập công, cho nên được lập làm Ân Vương, cai trị ở đất Hà Nội, đóng đô ở Triều Ca. Hạng Vương đổi Triệu Vương tên là Yết làm Đại Vương. Thừa tướng nước Triệu là Trương Nhĩ vốn hiền lại theo Hạng Vũ vào Quan Trung cho nên được lập làm Thường Sơn Vương cai trị đất Triệu đóng đô ở Tương Quốc. Đương Dương Quân Kình Bố làm tướng nước Sở, thường lập công đầu trong quân đội, cho nên được lập làm Cửu Giang Vương, đóng đô ở Lục. Ngô Nhuế làm lệnh ở Bà Dương, thường đốc suất Bách Việt (tên chung để chỉ tất cả Việt tộc, ở dãy núi Ngũ Lĩnh, sau khi nước Việt bị nước Sở diệt. Vào cuối đời Chiến quốc có Âu Việt ở phía nam Chiết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Dương Việt ở Quảng Đông.) để giúp chư hầu, lại theo Hạng Vũ vào Quan Trung cho nên được lập làm Hành Sơn Vương, đóng đô ở đất Trâu. Cung Ngao làm trụ quốc của Nghĩa Đế, đã đem quân đánh Nam Quân, lập được nhiều công cho nên được làm Lâm Giang Vương, đóng đô ở Giang Lăng. Hạng Vương đổi tên Yên Vương Hàn Quảng làm Liêu Đông Vương. Tướng nước Yên là Tang Đồ đã theo Sở cứu Triệu, sau đó lại theo Hạng Vũ vào Quan Trung cho nên được lập làm Yên Vương, đóng đô ở đất Kế. Hạng Vương đổi Tề Vương là Điền Thi làm Giao Đông Vương.
Tướng nước Tề là Điền Đô đã cùng Hạng Vương cứu Triệu, sau đó lại theo Hạng Vương vào Quan Trung cho nên được lập làm Tề Vương, đóng đô ở Lâm Tri. Điền An, cháu của Tề Vương Kiến bị Tần giết khi Hạng Vũ vượt qua sông cứu Triệu. Điền An đã lấy lại được mấy thành ở Tế Bắc rồi đem binh đầu hàng Hạng Vũ, cho nên được lập làm Tế Bắc Vương, đóng đô ở Bắc Dương .
Điền Vinh đã mấy lần không nghe theo Hạng Vương, lại không chịu đem binh theo quân Sở đánh Tần cho nên không được phong đất. Thành An Quân Trần Dư bỏ tướng ấn mà đi, không theo Hạng Vương vào Quan Trung, nhưng nghe nói ông ta là người hiền, có công với nước Triệu, lại nghe tin ông ta lúc bấy giờ ở Nam Bì, cho nên phong cho ba huyện ở xung quanh đấy. Tướng của Phiên Quân là Mai Quyên lập được nhiều công, cho nên được phong thập vạn hộ hầu.
Hạng Vương tự lập làm Tây Sở Bá Vương, cai trị chín quận, đóng đô ở Bành Thành. Năm thứ nhất, tháng tư, đời nhà Hán (206) các chư hầu đều bãi binh và trở về nước mình. Hạng Vương về nước, sai người đổi Nghĩa Đế đi nơi khác, nói :
– Các vị đế vương ngày xưa nước vuông ngàn dặm đều ở thượng lưu dòng sông.
Cho nên Hạng Vương sai đổi Nghĩa Đế đi Trường Sa, ở Sâm Huyện. Hạng Vương lại giục Nghĩa Đế đi. Quần thần của Nghĩa Đế dần dần trở mặt, Hạng Vương bèn bí mật sai Hành Sơn Vương và Lâm Giang Vương giết Nghĩa Đế ở trên Trường Giang, Hàn Vương là Thành không có quận công, Hạng Vương không cho về nước, đưa về Bành Thành, lại sai người giết đi. Tang Đồ về nước mình, muốn đuổi Hàn Quản đi Liêu Đông, nhưng Quảng không nghe, Tang Đồ giết Quảng ở Vô Chung và lấy luôn đất của Quảng để làm vương.
Điền Vinh nghe tin Hạng Vũ đã đổi vua Tề là Thị đi Giao Đông, và lập tướng nước Tề là Điền Đô làm Tề Vương, liền nổi giận, không cho Tề Vương đi Giao Đông, rồi giữ lấy nước Tề làm phản, và đón đánh Điền Đô. Điền Đô bỏ chạy sang Sở. Tề Vương là Thị, sợ Hạng Vương nên bỏ trốn về nước mình là Giao Đông. Điền Vinh nổi giận, đuổi theo, giết Tề Vương ở Tức Mặc. Vinh bèn tự lập làm Tề Vương, đem quân về hướng tây, giết vua Tề Bắc là Điền An, làm vua cả Tam Tề (tức Tề, Tề Bắc và Giao Đông.)
Vinh giao ấn tướng quân cho Bành Việt, ra lệnh cho y làm phản ở đất Lương. Trần Dư ngầm sai Trương Đống, Hạ Duyệt nói với vua Tề là Điền Vinh :
– Hạng Vương làm chúa tể thiên hạ, nhưng không công bình. Ông ta cho tất cả các vua cũ làm vương ở những đất xấu, còn cho quần thần, tướng tá của ông ta làm vương ở những nơi đất tốt, đuổi chủ cũ của mình là Triệu Vương lên phía Bắc, ở đất Đại. Dư này cho là không hợp lý. Nghe tin đại vương khởi binh, lại không chịu nghe lối xử trí bất nghĩa, xin đại vương giúp binh lính cho Dư này. Tôi xin đánh Thường Sơn để phục lại Triệu Vương. Tôi xin lấy nước ấy làm rào giậu cho nước đại vương.
Tề Vương bằng lòng, liền sai quân đi đến Triệu. Trần Dư đem tất cả quân của ba huyện cùng hợp sức với Tề Vương đánh Thường Sơn, phá tan quân của Thường Sơn Vương. Trương Nhĩ bỏ chạy theo Hán, Trần Dư đón Yết, trước đấy làm Triệu Vương ở đất Đại, đưa về Triệu Vương bèn lập Trần Dư làm vương đất Đại (Đoạn 7- Hạng Vũ diệt nhà Tần, phong vương cho các tướng. Sau đó Vũ giết Nghĩa Đế và các tướng phản lại Vũ).
Bấy giờ Hán quay về bình định Tam Tần (Tam Tần : ba nước Ung, Tắc và Địch, ở trên đã nói, Hạng Vũ chia đất Tần làm ba phần, phong cho các tướng cũ của Tần). Hạng Vương nghe tin Hán Vương đã lấy được Quan Trung, lại đem quân về hướng đông nước Tề, nước Triệu làm phản chống lại mình, liền nổi giận, bèn phong Trịnh Xương trước kia làm huyện lệnh đất Ngô, làm Hàn Vương để chống lại Hán, sai bọn Tiêu Công Giác đánh Bành Việt. Bành Việt đánh lại bọn Tiêu Công Giáo. Hán Vương sai Trương Lương đi chiêu hàng ở Hàn, và đưa thư cho Hạng Vương, nói :
Hàn Vương không được đối xử như lời giao ước cho nên muốn lấy Quan Trung. Nay được như lời giao ước cũ thì thôi, không dám đem quân sang hướng đông (Tức là đã được làm vương ở Quan Trung (Tam Tần) như lời hứa của Sở Hoài Vương) nữa.
Hán Vương lại lấy thư của Tề và Lương làm phản đưa cho Hạng Vương và nói : – Nước Tề muốn cùng hợp sức với nước Triệu để tiêu diệt nước Sở.
Vì vậy, Sở không có ý định đem quân về hướng tây; lại đem quân về hướng bắc để đánh Tề. Sở đòi Cửu Giang Vương Bố đem binh đi theo, Bố cáo bệnh không đến, sai tướng mang mấy ngàn quân lại. Vì vậy Hạng Vương oán Bố.
Mùa đông năm thứ hai nhà Hán (205), Hạng Vương đem quân về hướng bắc, đến Thành Dương. Điền Vinh cũng đem binh đến giao chiến. Điền Vinh đánh không lại, chạy đến Bình Nguyên. Dân Bình Nguyên giết Điền Vinh. Hạng Vũ bèn đem quân đi theo phía bắc, san phẳng và đốt thành quách nhà cửa của Tề, chôn sống tất cả quân lính của Điền Vinh đầu hàng, trói và bắt những người già cả, đàn bà con gái làm tù, lấy đất từ Tề đến Bắc Hải, tàn sát rất nhiều. Người Tề hợp nhau lại làm phản. Vì vậy, em của Điền Vinh là Điền Hoành, thu thập được mấy vạn lính Tề đã đi trốn từ trước, làm phản ở Thành Dương. Hạng Vương vì vậy phải dừng lại, đánh mấy trận, nhưng không hạ được.
Mùa xuân, Hán Vương cầm quân của năm nước chư hầu, tất cả năm mươi sáu vạn người, kéo về hướng đông để đánh Sở. Hạng Vương nghe vậy bèn sai các tướng đánh nước Tề, còn mình thì đem ba vạn tinh binh đi về hướng nam do đất Lỗ, qua thành Hồ Lăng. Tháng tư, quân Hán đều đã vào Bành Thành, thu của cải châu báu, gái đẹp, ngày nào cũng đặt tiệc rượu hội họp linh đình. Hạng Vương bèn đem quân về hướng tây, sáng sớm đi qua Tiêu huyện, đánh quân Hán, rồi kéo về hướng đông đến Bành Thành. Giữa trưa, Hạng Vũ phá tan quân Hán; quân Hán đều bỏ chạy, xô nhau nhảy xuống sông Cốc và sông Tứ. Hạng Vương giết hơn mười vạn quân Hán, quân Hán đều bỏ chạy sang hướng nam về phía núi. Quân Sở lại truy kích đến phía đông Linh Bích, trên sông Tuy Thuỷ. Quân Hán rút lui bị quân Sở đánh ráo riết, giết rất nhiều. Hơn mười vạn quân Hán đều nhảy xuống sông Tuy Thuỷ. Nước sông vì vậy không chảy được. Hạng Vương vây quân Hán ba vòng. Lúc bấy giờ, có một trận gió to thổi từ phía tây bắc, bẻ gãy cây, lật thốc mái nhà, làm bay cát đá, ban ngày tối đen. Gió thổi thẳng vào quân Sở, quân Sở rối loạn, tan rã. Nhờ thế, Hán Vương mới trốn thoát với mấy người kỵ binh. Hán Vương muốn đi qua đất Bái để đem cả gia đình về hướng tây. Quân Sở cũng cho người đuổi theo đến Bái, bắt gia đình Hán Vương, cả nhà đều trốn và không gặp Hán Vương. Hán Vương đến gặp Hiếu Huệ (1), Lỗ Nguyên (1), ở trên đường cái bèn mang lên xe cùng đi. Kỵ binh của Sở đuổi theo. Hán Vương vội vã quá đẩy Hiếu Huệ và Lỗ Nguyên xuống xe. Đằng Công bước xuống đưa hai người lên xe, làm như thế ba lần (2).
Đằng Công nói :
Tuy gấp, không thể đi nhanh, nhưng lẽ nào lại bỏ đi ?
—————————-
1. Hiếu Huệ sau này nối ngôi Lưu Bang tức là Huệ Đế. Lỗ Nguyên là con gái Lưu Bang. Những tên Hiếu Huệ, Lỗ Nguyên đều là đặt sau khi chết, lúc bấy giờ Hiếu Huệ tên là Doanh.
2. Chi tiết điển hình, nêu rõ sự vội vã và hoảng hốt của Lưu Bang.
—————————-
Thế rồi trốn thoát được. Hán Vương cho tìm Thái Công và Lữ Hậu, nhưng không gặp. Thẩm Tự Cơ theo Thái Công và Lữ Hậu lén lút đi tìm Hán Vương, không ngờ gặp quân Sở. Quân Sở bèn đưa họ về báo với Hạng Vương. Hạng Vương giữ họ lại ở trong quân.
Bấy giờ, anh của Lữ Hậu là Chu Lữ Hầu làm tướng Hán, đóng quân ở Hạ Ấp. Hán Vương lẻn đến đó theo Chu Lữ Hầu, dần dần thu lại được quân sĩ. Khi đến Huỳnh Dương, các quân bại trận trước đều tập hợp lại. Tiêu Hà cũng điều động tất cả những người già trẻ không đúng tuổi đăng binh ở Quan Trung đến Huỳnh Dương. Thế quân Hán lại mạnh. Quân Sở xuất phát từ Bành Thành, thừa thắng đuổi theo, cùng quân hán đánh nhau ở phía nam Huỳnh Dương, giữa miền Kinh ấp và Sách Đình. Quân Hán đánh quân Sở thua. Vì vậy, Sở không thể đem quân đi về hướng tây.
Trong khi Hạng Vương cứu Bành Thành, đuổi Hán Vương đến Huỳnh Dương, thì Điền Hoành cũng nhân đấy thu phục được nước Tề, lập con của Điền Vinh là Quảng làm Tề Vương. Sau khi Hán Vương thất bại ở Bành Thành, các nước chư hầu lại theo Sở mà chống lại Hán. Hán đóng quân ở Huỳnh Dương, xây đường ống ra đến Hoàng
Hà để lấy lúa ở kho Ngao Thương.
Năm thứ ba nhà Hán (104), Hạng Vương mấy lần đem quân đánh cướp đường ống của Hán. Hán Vương thiếu lương thực, lo sợ xin hoà, cắt đất từ Huỳnh Dương sang phía đông về Hán. Hạng Vương muốn nghe theo. Lịch Dương Hầu là Phạm Tăng nói :
Đối phó với Hán thì dễ thôi ! Nay bỏ cơ hội này mà không lấy, về sau sẽ hối hận. Hạng Vương bèn cùng Phạm Tăng vây Huỳnh Dương rất gấp. Hán Vương lo lắng, bèn theo kế của Trần Bình ly gián Hạng Vương. Hạng Vương sai sứ giả đến. Hán Vương sai làm cỗ thái lao (ngày xưa làm cỗ có thịt bò, thịt dê, thịt lợn thì gọi là cỗ thái lao; đây ý nói một bữa tiệc long trọng.) đem đến, có vẻ muốn mời sứ giả ăn. Nhưng khi thấy sứ giả thì giả vờ kinh ngạc mà rằng :
Ta tưởng là sứ giả của Á phụ, lại hoá ra sứ giả của Hạng Vương !
Liền bưng cỗ đi, đem thức ăn tồi ra cho sứ giả của Hạng Vương ăn, sứ giả về báo với Hạng Vương. Hạng Vương bèn nghi Phạm Tăng tư thông với Hán nên tước bỏ quyền của Tăng. Phạm Tăng giận lắm , nói :
Việc thiên hạ đã bình định xong rồi ! Xin quân vương tự lo lấy. Cho phép thần được mang xác về làm một người lính.
Hạng Vương bằng lòng. Phạm Tăng đi chưa đến Bành Thành, nổi ung ở lưng mà chết !
Tướng của Hán là Kỷ Tín, nói với Hán Vương :
Nay việc đã gấp ! Xin cho tôi vì nhà vua mà giả làm vua để lừa quân Sở. Như thế nhà vua có thể cải trang mà trốn thoát.
Hán Vương bèn đang đêm cho đưa con gái ra cửa đông Huỳnh Dương và hai ngàn người mang áo giáp, quân Sở đánh vào bốn mặt. Kỷ Tín cưỡi xe Hoàng Ốc (Xe nhà vua lợp vải, màu vàng nên gọi là hoàng ốc.) cắm cờ tả đạo (cái cờ bằng lông chim treo ở bên trái xe nhà vua), nói :
Trong thành lương hết ! Hán Vương xin hàng !
Quân Sở đều hô “vạn tuế!”
Hán Vương cùng vài mươi kỵ binh do cửa tây thành mà ra, chạy đến Thành Cao. Hạng Vương thấy Kỷ Tín liền hỏi :
Hán Vương ở đâu ? Kỷ Tín nói :
Hán Vương đã ra rồi !
Hạng Vương thiêu sống Kỷ Tín.
Hạng Vương sai ngự sử đại phu là Chu Hà, Tung Công và Nguỵ Báo giữ Huỳnh Dương. Chu Hà và Tung Công bàn nhau :
Khó lòng giữ nổi thành trì với một ông vua phản quốc (Nguỵ Báo trước kia đã có lần làm phản chống lại Lưu Bang).
Bèn cùng nhau giết Nguỵ Bào. Quân Sở hạ thành Huỳnh Dương, bắt sống Chu Hà. Hạng Vương bảo Chu Hà :
Nếu ngươi chịu làm tướng của ta, ta sẽ cho ngươi làm thượng tướng quân, và phong cho ba vạn hộ.
Chu Hà đáp :
Mày nếu không đầu hàng Hán, thì Hán sẽ cầm tù mày! Mày không địch nổi Hán đâu! Hạng Vương nổi giận, bỏ Chu Hà vào vạc sôi và giết luôn cả Tung Công. Hán Vương thoát khỏi Huỳnh Dương, chạy về phía nam, vào đất Uyển và đất Diệp, gặp Cửu Giang Vương là Kình Bố. Hán Vương thu thập quân đội, lại vào giữ Thành Cao.
Năm thứ tư nhà Hán (203), Hạng Vương tiến quân vây Thành Cao, Hán Vương bỏ trốn ra khỏi cửa bắc Thành Cao với Đằng Công, vượt qua Hoàng Hà, chạy đến Tu Vũ, nhập vào quân của Trương Nhĩ, Hàn Tín. Các tướng đều dần dần ra khỏi Thành Cao, đi theo Hán Vương. Quân Sở lấy được Thành Cao, muốn đi về hướng tây. Hán sai quân chống lại ở đất Củng, làm cho quân Sở không đi về hướng tây được.
Bấy giờ, Bành Việt đã vượt qua Hoàng Hà, đánh đất Đông A của Sở, giết tướng của Sở là Tiết Công. Hạng Vương liền thân hành đem quân về hướng đông đánh Bành Việt. Hán Vương được binh của Hoài Âm Hầu (tức Hàn Tín lúc ấy chưa phong, đây là nhà làm sử theo tước phong sau mà chép) muốn vượt qua Hoàng Hà đi về Nam. Trịnh Trung nói Hán Vương dừng lại, đóng quân ở Hà Nội, sai Lưu Giả đem quân giúp Bành Việt, đốt lương thực của Sở. Hạng Vương đem quân về hướng đông, đánh phá quân Bành Việt, Bành Việt bỏ chạy. Hán Vương đem quân vượt qua Hoàng Hà, lấy lại được Thành Cao, đóng quân ở Quảng Vũ, lấy lương thực ở kho Ngao Thương. Sau khi đã bình định xong miền đông, Hạng Vương đem binh sang hướng tây gặp quân Hán ở Quảng Vũ, hai bên giữ nhau mấy tháng.
Lúc bấy giờ , Bành Việt thường làm phản ở đất Lương, cắt đứt lương thực của Sở. Hạng Vương lo lắng, dựng một cái thớt cao, đặt Thái Công lên trên, và sai người nói với Hán Vương :
Nếu không đầu hàng ngay thì ta nấu chết Thái Công. Hán Vương nói :
Ta và Hạng Vũ đều ngoảnh mặt về hướng bắc, chịu mệnh lệnh của Hoài Vương và đã “giao ước làm anh em”, cha ta tức là cha ngươi, ngươi muốn nấu cha ngươi thì chia cho ta một bát canh với !
Hạng Vương giận, muốn giết Thái Công. Hạng Bá nói :
Việc thiên hạ chưa biết như thế nào, vả chăng người đã lo việc thiên hạ thì không nhìn đến việc nhà, có giết ông ta cũng vô ích, chỉ tăng thêm tai hoạ mà thôi.
Hạng Vương nghe theo.
Quân Sở và quân Hán giằng co nhau, chưa ai thắng ai, trai tráng khổ sở vì phải đi lính, người già yếu mệt nhọc vì lo vận tải lương thực, Hạng Vương nói với Hán Vương :
Mấy năm nay, thiên hạ xao xuyến khốn khổ, chỉ vì hai chúng ta.
Hạng Vương muốn cùng Hán Vương khiêu chiến, quyết một phen sống mái, không nên làm khổ nhân dân thiên hạ nữa.
Hán Vương cười mà rằng :
– Ta chỉ đấu trí, không thèm đấu lực.
Hạng Vương sai tráng sĩ ra khiêu chiến. Hán Vương có viên tướng giỏi bắn là Lâu Phiền. Ba lần quân Sở ra khiêu chiến, đều bị Lâu Phiền bắn chết. Hạng Vương trợn mắt quát (một chi tiết điển hình của Hạng Vũ khi chiến đấu). Lâu Phiền mắt không dám nhìn, tay không dám bắn, liền bỏ chạy vào thành, không dám ra nữa. Hán Vương sai người lẻn ra để hỏi, thì biết đó là Hạng Vương. Hán Vương hoảng sợ.
Thế rồi Hán Vương và Hạng Vương gặp nhau ở khe Quảng Vũ và nói chuyện với nhau. Hán Vương kể tội Hạng Vương. Hạng Vương nổi giận, muốn đánh nhau một trận, Hán Vương không nghe. Hạng Vương dùng cái nỏ ngầm bắn trúng Hán Vương. Hán Vương bị thương chạy vào Thành Cao.
Hạng Vương nghe tin Hoài Âm Hầu đã lấy được Hà Bắc, phá được Tề, Triệu, lại muốn đánh Sở, bèn sai Long Thư đến đánh, Hoài Âm Hầu cùng kỵ tướng là Quán Anh đánh quân Sở thua to, giết Long Thư. Hàn Tín nhân đó tự lập làm Tề Vương. Hạng Vương nghe tin quân của Long Thư thua trận, sai Vũ Thiệp, người Vu Thai, đến khuyến dụ Hoài Âm Hầu, Hoài Âm Hầu không nghe (Xem Hoài Âm Hầu liệt truyện). Bấy giờ Bành Việt lại làm phản, lấy được đất Lương, cắt đứt lương thực của Sở. Hạng Vương bảo bọn Hải Xuân Hầu, đại tư mã là Tào Cửu rằng :
Phải giữ Thành Cao cho cẩn mật ! Nếu quân Hán khiêu chiến, thì chớ đánh nhau với chúng, chỉ đừng cho chúng đi về hướng đông mà thôi. Sau mười lăm ngày, nhất định ta sẽ giết Bành Việt, bình định được đất Lương, và lại về đây với tướng quân.
Hạng Vương đem quân về hướng đông đánh thành Trần Lưu, Ngoại Hoàng. Thành Ngoại Hoàng không hạ được. Phải đánh mấy ngày mới đầu hàng. Hạng Vương giận, bắt buộc tất cả con trai từ mười lăm tuổi trở lên, đều phải đến phía đông thành ấy, muốn chôn sống họ. Con trai của huyện lệnh Ngoại Hoàng mới mười ba tuổi, đến nói với Hoàng Vương :
Bành Việt cưỡng ép, Ngoại Hoàng sợ nên phải hàng, chờ đợi đại vương. Nếu đại vương đến lại chôn sống họ, trăm họ còn lòng nào muốn theo đại vương nữa ! Nếu làm thế thì từ đây về hướng đông còn hơn mười thánh của đất Lương sẽ đều sợ hãi, không ai chịu đầu hàng đâu.
Hạng Vương cho là phải, bèn tha những người ở Ngoại Hoàng khỏi bị chôn sống. Thế rồi các thành từ đó sang phía đông cho đến Tuy Dương nghe vậy đều tranh nhau đầu hàng Hạng Vương.
Quả nhiên, Hán mấy lần khiêu chiến với quân Sở, quân Sở không chịu ra. Hán sai người mắng nhiếc năm sáu ngày. Đại tư mã giận đem quân vượt qua sông Tự Thuỷ, quân lính vừa mới ra giữa sông, bị quân Hán đánh úp phá tan quân Sở, lấy tất cả của cải tiền bạc của nước Sở. Đại tư mã là Cữu, trưởng sử là Ế, Tắc Vương là Hân đều đâm cổ chết giữa sông Tự Thuỷ. Đại tư mã Cữu nguyên trước làm quan coi ngục ở đất Kỳ, trưởng sử Hân cũng là quan coi ngục ở đất Lịch Dương, hai người trước có ơn với Hạng Vương cho nên được Hạng Vương tín nhiệm. Lúc bấy giờ, Hạng Vương ở Tuy Dương, nghe tin Hải Xuân Hầu thua, liền đem quân về. Quân Hán đang vây Chung Ly Muội ở phía đông Huỳnh Dương, Hạng Vương đến, quân Hán sợ Sở chạy vào nơi hiểm trở hết. Lúc bấy giờ bên Hán quân thịnh, lương nhiều, quân của Hạng Vương mệt nhóc, lương hết. Hán sai Lục Giả nói với Hạng Vương xin Thái Công. Hạng Vương không nghe. Hán Vương bèn giao ước với Hán Vương chia giữa thiên hạ : từ Hồng Câu về tây là thuộc Hán, từ Hồng Câu về đông là thuộc Sỏ, liền cho cha và vợ Hán Vương về. Quân sĩ đều hô : “Vạn tuế !” Hán Vương bèn phong Hầu Công làm Bình Quốc Công. Hầu Công từ đó bị yên trí, không được yết kiến nữa.
Hán Vương bảo :
Đó là kẻ biện sĩ giỏi nhất thiên hạ, ở đâu thì nước ấy sẽ nghiêng đổ, cho nên hiệu là Bình Quốc Quân (Tình hình chiến sự giữa Hán và Sở trong bốn năm).
Hạng Vương sau khi đã giao ước, rút quân về hướng đông. Hán Vương muốn đi về hướng tây, Trương Lương, Trần Bình nói :
– Hán đã có được hơn một nửa thiên hạ, chư hầu đều theo. Nước Sở quân sĩ mệt, lương thực hết, chính là lúc trời làm mất nước Sở. Chi bằng nhân cơ hội này mà đánh lấy. Nay tha không đánh, tức như lời người ta nói, “nuôi hổ để lại gây mối lo cho mình về sau” !
Hán Vương nghe theo.
Năm thứ năm nhà Hán (- 202), Hán Vương theo đánh Hạng Vương đến phía nam Dương Hạ, đóng quân lại đấy, hẹn với Hoài Âm Hầu Hàn Tín, Kiến Thành Hầu Bành Việt hiệp sức để đánh quân Sở. Hán Vương đến Cố Lăng, nhưng binh của Tín và Việt không đến. Quân Sở đánh quân Hán thua to. Hán Vương lại vào thành, đào hào sâu để giữ. Hán Vương bảo Trương Tử Phòng :
– Chư hầu không theo lời giao ước, làm thế nào bây giờ ? Tử Phòng nói :
– Quân Sở sắp vỡ, nhưng Tín, Việt vẫn chưa được phong đất, họ không đến là phải. Nếu nhà vua biết chia thiên hạ cho họ thì gọi họ sẽ đến ngay. Không làm được thế, đại sự chưa biết như thế nào. Nếu nhà vua có thể phong cho Hàn Tín các miền từ đất Trần sang phía đông cho đến biển; phong cho Bành Việt các miền từ phía bắc Tuy Dương cho đến Cốc Thành để cho họ tự chiến đấu, thì dễ đánh bật Sở lắm .
Hán Vương nói : – Phải đấy !
Hán Vương bèn sai sứ giả đến nói với Hàn Tín, Bành Việt :
– Hãy chung sức đánh Sở. Nếu phá được Sở thì từ đất Trần về phía đông cho đến biển sẽ phong cho Tề Vương; từ phía bắc Tuy Dương cho đến Cốc Thành sẽ phong cho Bành tướng quốc.
Sứ giả đến, Hàn Tín, Bành Việt đều báo :
– Xin tiến quân tức thì .
Hàn Tín bèn từ Tề đến, hội với quân Lưu Giả, từ Thọ Xuân xuất phát rồi cùng kéo đi, làm cỏ Thành Phu và đến Cai Hạ. Đại Tư Mã Chu Ân phản lại Sở, lấy quân của đất Thư đến tiêu diệt đất Lục, lại điều động cả quân Cửu Giang theo Lưu Giả và Bành Việt. Tất cả đều họp ở Cai Hạ, hướng vào phía Hạng Vương.
Hạng Vương đóng quân ở trong thành Cai Hạ, binh ít, lương hết ! Quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng Vương nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở, Hạng Vương liền kinh hoảng nói :
– Hán đã lấy được Sở rồi sao ? Sao mà người Sở đông như thế ?
Đang đêm Hạng Vương thức dậy, uống rượu trong trướng. Có mỹ nhân thường đi theo tên là Ngu, có con ngựa thường cưỡi tên là Chuy, Hạng Vương đau đớn, cảm khái làm bài thơ :
Sức nhổ núi, khi trùm đời,
Ngựa Chuy chùn lại, bởi thời không may!
Ngựa sao chùn lại thế này ?
Nàng Ngu, biết tính sao đây hỡi nàng ?
Hạng Vương ca mấy lần, mỹ nhân hoạ theo (sau lúc hát, Ngu Cơ tự sát). Hạng Vương khóc chảy nước mắt ! Tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng đầu lên nhìn !
Hạng Vương bèn lên mình ngựa, tráng sĩ cưỡi ngựa ở dưới cờ hơn tám trăm người , đang đêm phá vỡ vòng vây, xông ra phía nam, phi ngựa chạy. Đến tảng sáng, quân Hán mới biết, sai kỵ tướng là Quán Anh mang năm ngàn kỵ binh đuổi theo. Hạng Vương vượt qua sông Hoài, quân kỵ theo kịp chỉ còn hơn trăm người.
Hạng Vương đến Âm Lăng lạc đường, hỏi một cụ già làm ruộng. Cụ già nói dối, bảo :
– Đi qua bên trái !
Hạng Vương rẽ qua bên trái, sa vào trong đồng lầy, cho nên quân Hán đuổi kịp. Hạng Vương lại đem quân đi về phương đông, đến Đông Thành, bấy giờ chỉ còn hai mươi tám kỵ binh. Kỵ binh Hán đuổi theo mấy ngàn. Hạng Vương tự liệu chẳng thoát được, bảo các kỵ binh :
Ta từ đi dấy binh đến nay đã tám năm trời, mình trải qua hơn bảy mươi trận, ai chống cự thì bị đánh bại, đánh đâu thì họ phải chịu phục, chưa từng thua chạy bao giờ. Rốt cục làm bá thiên hạ. Thế mà nay phải chịu khốn khổ ở đây, đó là trời hại ta, chứ không phải tội ta đánh không giỏi. Ngày nay thế nào cũng chết, ta nguyện vì các ngươi quyết chiến, nhất định phải thắng ba lần, vì các ngươi, phá vòng vây, chém tướng, chặt cờ, để các ngươi biết rằng đấy là trời hại ta chứ không phải lỗi tại ta đánh không giỏi.
Hạng Vương bèn chia kỵ binh ra bốn đội, quay về bốn phía. Quân Hán vây Hạng Vương mấy vòng. Hạng Vương nói với các kỵ binh :
Ta xin các ngươi giết tên tướng kia !
Hạng Vương sai phi ngựa xuống cả bốn mặt, hẹn xông qua phía đông núi rồi tập hợp làm ba nơi. Hạng Vương bèn thét lớn, phi ngựa xuống, quân Hán đều giạt ra một bên, Hạng Vương chém một viên tướng Hán. Bấy giờ Xích Tuyền Hầu làm tướng Hán đuổi theo Hạng Vương. Hạng Vương trợn mắt quát, Xích Tuyền Hầu người ngựa đều hoảng kinh, chạy lui đến mấy dặm.
Hạng Vương cùng quân kỵ tập hợp lại làm ba nơi khác nhau, quân Hán không biết Hạng Vương ở đâu, bèn chia quân làm ba và vây lại lần thứ hai. Hạng Vương bèn phi ngựa chém một viên đô uý, giết mấy trăm người, rồi hợp các kỵ binh lại thì chỉ mất hai kỵ binh mà thôi. Hạng Vương bèn hỏi các kỵ binh : – Thế nào ?
Kỵ binh đều cúi rạp xuống thưa :
– Đúng như lời đại vương đã nói .
Hạng Vương muốn đi sang phía đông, vượt sông Ô Giang. Người đình trưởng Ô
Giang cắm thuyền đợi, bảo Hạng Vương :
Giang Đông tuy nhỏ, đất hàng ngàn dặm, dân vài mươi vạn, cũng đủ làm vương. Xin đại vương mau mau vượt sông. Nay chỉ một mình thần có thuyền, quân Hán đến không có cách gì vượt qua.
Hạng Vương cười mà rằng :
Trời hại ta, ta vượt qua sông làm gì ! Vả chăng Tịch này cùng tám ngày con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng tây, nay không còn lấy một người trở về ! dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta cũng còn mặt mũi nào mà thấy họ nữa. Dù họ không nói, Tịch này há chẳng thẹn trong lòng sao ?
Bèn bảo đình trưởng :
Ta biết ông là bậc trưởng giả, ta cưỡi con ngựa này, năm năm nay đi đến đâu cũng vô địch, thường một ngày đi ngàn dặm, ta không nỡ giết, xin biếu ông.
Hạng Vương bèn sai kỵ binh đều xuống ngựa đi bộ, cầm khí giới ngắn để tiếp chiến. Một mình Tịch giết mấy trăm quân. Hạng Vương thân bị hơn mười vết thương, quay lại thấy kỵ binh tư mã của Hán là Lữ Mã Đồng, bèn nói :
Ông có phải là người cố nhân của ta đó không ?
Lữ Mã Đồng quay mặt nhìn Hạng Vương và chỉ cho Vương Ế nói :
Hạng Vương đó kìa ! Hạng Vương nói :
Ta nghe Hán mua đầu ta ngàn vàng, phong ấp vạn hộ. Ta làm ơn cho nhà ngươi đây. Nói rồi, Hạng Vương tự đâm cổ chết (đoạn miêu tả cái chết của Hạng Vũ cũng là một đoạn rất nổi tiếng. Lời lẽ sinh động mãnh liệt như anh hùng ca. Đoạn này nhấn mạnh cái mà Vũ gọi là “chiến đấu giỏi”).
Vương Ế lấy đầu, các kỵ binh khác giày xéo lên nhau dành Hạng Vương, giết nhau mấy mươi người (chi tiết tuy nhỏ, nhưng đầy tính chất châm biếm). Mãi về sau lang trung kỵ là Lữ Thắng, Dương Vũ đều mỗi người được một phần. Năm người họp nhau chắp lại xác thì thấy ăn khớp. Vì vậy, chia đất phong ra làm năm : Lữ Mã Đồng được phong làm Trung thuỷ hầu, Vương Ế làm Đỗ diễn hầu, Dương Hỷ làm Xích tuyền hầu, Dương Vũ làm Ngô phòng hầu, Lữ Thắng làm Niết dương hầu.
Hạng Vương chết rồi, đất Sở đều hàng Hán, riêng Lỗ không chịu hàng. Hán liền đem quân cả thiên hạ đến muốn tiêu diệt dân Lỗ. Nhưng vì Lỗ biết giữ lễ nghĩa, vì chúa chịu chết để giữ khí tiết, Hán Vương bèn sai cầm đầu Hạng Vương đến cho dân Lỗ xem. Phụ huynh nước Lỗ bèn đầu hàng. Lúc đầu, Sở Hoài Vương phong Hạng Tịch làm Lỗ Công, đến khi Tịch chết, nước Lỗ đầu hàng cuối cùng cho nên chôn cất Hạng Vương ở Cốc Thành theo lễ Lỗ Công, Hán Vương cử ai, khóc, rồi đi.
Dòng họ Hạng Vương đều không bị Hán Vương giết. Hán Vương phong Hạng Bá làm Xạ dương hầu. Đào hầu, Bình cao hầu, Huyền vũ hầu đều người họ Hạng, cho đổi họ làm họ Lưu.
Thái Sử Công nói : tôi nghe Chu Sinh nói : “Mắt vua Thuấn có hai con ngươi (1). Lại nghe nói mắt Hạng Vũ cũng có hai con ngươi. Phải chăng là dòng dõi của vua Thuấn ! Sao mà nổi lên nhanh chóng như vậy ! Nhà Tần làm hỏng mất chính sự. Trần Thiệp đầu tiên khởi nghĩa, hào kiệt nổi lên như ong, tranh dành nhau không thể kể xiết. Hạng Vũ trong tay không có quyền binh gì, thừa thế nổi lên nơi thảo dã, trong ba năm liền đem năm nước chư hầu để tiêu diệt Tần, phân chia thiên hạ, phong các vương hầu, ban ra chính lệnh và tự xưng là bá vương, địa vị tuy không trọn vẹn nhưng từ cận cổ đến nay, chưa hề có người nào như thế. Đến khi Vũ bỏ Quan Trung, nhớ đất Sở, đuổi Nghĩa Đế để tự lập, thế mà lại trách các vương hầu phản mình thì thực cũng khó vậy. Tự khoe khoang công trạng, chỉ dùng cái trí của mình mà không chịu bắt chước người xưa, nói rằng có thể lấy võ lực dẹp yên thiên hạ, dựng nghiệp bá vương. Nhưng chỉ được năm năm thì mất nước, thân chết ở Đông Thành, thế mà còn chẳng tỉnh ngộ, không tự trách mình, thật là có lỗi. Lại còn có câu, “Trời hại ta chứ không phải đánh không giỏi, há chẳng lầm sao !” (2).
————————-
Tư Mã Thiên nhắc đến một câu chuyện hoang đường, truyền ngôn chứ không phải cho là đúng sự thực.
Đoạn 10 – Tác giả không giấu giếm sự thán phục của mình đối với Hạng Vũ “từ cận cổ đến nay chưa có ai như thế”, và nguyên nhân thất bại của Hạng Vũ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.