Sử Ký Tư Mã Thiên

Liêm Pha, Lạn Tương Như Liệt Truyện



L iêm Pha là viên tướng giỏi nước Triệu. Năm thứ mười sáu đời Huệ Văn Vương nước Triệu (283 trước Công nguyên), Liêm Pha làm tướng nước Triệu, đánh Tề, phá tan quân Tề lấy ấp Dương Tân, được làm thượng khanh, nổi tiếng dũng khí ở các nước chư hầu. Lạn Tương Như là người nước Triệu, làm môn hạ của người cầm đầu các hoạn quan nước Triệu là Mục Hiền.

Đời vua Huệ Văn Vương, nước Triệu được viên ngọc bích của họ Hoà(l) ở nước Sở, vua Chiêu Vương nước Tần nghe tin, sai người đưa thư cho vua Triệu, xin đem mười lăm thành để đổi lấy viên ngọc bích. Vua Triệu cùng đại tướng quân Liêm Pha và các vị đại thần bàn: Nếu cho Tần ngọc bích thì sợ không được thành của Tần, chỉ bị lừa thôi, nếu không cho thì lại lo binh Tần đến đánh. Kế chưa quyết định, tìm người có thể sang trả lời Tần, tìm mãi chưa được.

Viên hoạn quan Mục Hiên nói:

– Môn hạ của thần là Lạn Tương Như có thể đi được. Nhà vua hỏi:

– Tại sao nhà ngươi lại biết? Mục Hiền đáp:

-Thần đã từng có tội, trộm nghĩ muốn chạy trốn sang đất Yên,môn hạ của thần là Tương Như cản lại mà rằng: “Ngài làm sao mà biết vua Yên?”.Thần nói: “Tôi từng theo đại vương hợp với vua Yên ở biên giới,vua Yên nắm tay tôi mà nói: “Xin kết làm bạn ! Vì vậy tôi biết ,nên muốn trốn sang. Tương Như bảo thần: “ Vì nước Triệu mạnh, nước Yên yếu,cho nên vua Yên muốn kết bạn với ngài.Nay ngài bỏTriệu trốn sang Yên thì Yên sợ Triệu, nhất định không dámgiữ ngài mà sẽ trói ngài nộp cho Triệu. Chi bằng ngài hãy cởitrần, phục bên lưỡi rìu mà xin tha tội, may ra được thoát thân!”. Thần nghe theo kế ấy, may sao đại vương tha tội.Thần trộm nghĩ người ấy là bậc dũng sĩ, có mưu trí, có thế sai đi được.

Nhà vua liền cho mời đến, hỏi Lạn Tương Như:

Vua Tần dem mười lăm thành đổi lấy viên ngọc của quả nhân, nên cho hay không? Tương Như nói:

Tần mạnh, Triệu yếu, không cho không được.

-Họ lấy ngọc ta mà không cho ta thành thì làm thế nào?

Lạn Tương Như nói:

Tần đem thành đổi lấy ngọc mà Triệu không cho, thìđiều trái là ở Triệu. Triệu cho ngọc mà Tần chẳng cho thành thì điều trái là ở Tần. Xét lại kế đó thì thà cho ngọc để Tần chịu phần trái.

Nhà vua hỏi:

Ai có thể sai đi sứ?

Nếu nhà vua thiếu người, thần xin mang ngọc bích đi sứ. Thành có về tay nước Triệu thì ngọc mới ở lại đất Tần.Nếu thành không về, thần xin giữ nguyên vẹn viên ngọc đem về Triệu.Triệu Vương bèn sai Tương Như mang ngọc sang hướng Tây vào đất Tần.

3. Vua Tần ngồi ở “Chương đài” tiếp kiến Tương Như. Tương Như mang ngọc bích dâng vua Tần. Vua Tần mừng rỡ trao cho các mỹ nhân và các quan hầu xem, các quan hầu đều hô:

Vạn tuế!

Tương Như thấy vua Tần không có ý trả thành cho Triệu, bèn tiến lên nói:

– Ngọc bích có vết, tôi xin chỉ cho bệ hạ xem.

Vua trao ngọc bích, Tương Như nhân cầm ấy ngọc, đứng lùi tựa vào cột, nổi giận, tóc dựng ngược, nói với vua Tần:

Đại vương muốn được ngọc, sai người đem thư đến vua Triệu. Vua Triệu cho mời quần thần bàn bạc, tất cả đều nói: nước Tần tham, cậy mình mạnh, đem lời nói suông để cầu lấy ngọc, chưa chắc đã trả thành cho ta”. Họ bàn không muốn đưa ngọc bích cho Tần. Thần cho rằng kẻ áo vải chơi với nhau còn không dối nhau, huống nữa là nước lớn. Vả chăng vì một viên ngọc mà làm nước Tần mất vui thì không nên. Vì vậy nên vua Triệu trai giới năm ngày, sai thần mang ngọc bích đi, vái mà đưa ở giữa triều đình. Tại sao thế. Vì trọng cái uy của nước lớn để tỏ lòng tôn kính vậy. Nay thần đến đại vương tiếp thần ở một nơi tầm thường, lễ tiết rất khinh mạn. Được ngọc, đại vương đưa cho các mỹ nhân để đùa bỡn thần. Thần xem đại vương không có ý trả thành ấp cho vua Triệu, cho nên thần lấy ngọc về. Nếu đại vương cứ muốn bức bách thần, thì đầu thần và viên ngọc đều vỡ ở cái cột này.

Tương Như cầm viên ngọc, lượm cái cột, muốn đập đầu vào cột. Vua Tần sợ ông ta đập vỡ viên ngọc nên từ tạ cố xin, gọi quan đương sự cầm địa đồ đến chỉ cắt mười lăm thành từ chỗ này trở đi để cho Triệu. Tương Như đoán vua Tần chỉ lừa dối mà thôi, tuy giả vờ cho Triệu thành, nhưng thực ra thì không thể được thành, bèn bảo vua Tần:

Ngọc bích họ Hoà thiên hạ đều nhận là của báu, vua Triệu sợ không dám không dâng. Khi đưa ngọc, vua Triệu trai giới năm ngày, nay đại vương cũng nên trai giới năm ngày, đặt lễ cửu tân(2) ở sân thì thần mới dám dâng ngọc.

Vua Tần xem chừng không có cách gì ép được, bèn hứa trai giới năm ngày, cho Tương Như ở lại quán tân khánh Quảng Thành. Tương Như xem chừng vua Tần tuy trai giới, nhưng thế nào cũng bội ước không trả thành, nên sai kẻ đi theo mình mặc áo ngắn, mang viên ngọc đi theo đường tắt, trốn về nộp trả ngọc bích cho Triệu. Vua Tần sau khi trai giới năm ngày bèn đặt lễ cửu tân ở triều đình để tiếp sứ nước Triệu là Lạn Tương Như. Tương Như đến, nói với vua Tần:

Nước Tần từ đời Mục Công đến nay, hơn hai mươi đời vua, chưa từng có ai giữ trọn lời hứa. Quả thực, thần sợ bị nhà vua lừa, lại phụ lòng nước Triệu, nên đã sai người cầm ngọc lẻn về đến nước Triệu rồi. Vả lại, Tần mạnh mà Triệu yếu, đại vương sai một người sứ giả đến Triệu thì Triệu lập tức đem ngọc sang dâng. Nay mạnh như nước Tần mà lại cắt trước mười lăm thành để cho Triệu thì Triệu đâu dám giữ ngọc bích để mắc tội với đại vương Thần biết rằng lừa dối đại vương tội đáng chết. Thần xin vào vạc nước sôi. Xin đại vương và quần thần bàn bạc kỹ cho.

Vua Tần và quần thần nhìn nhau cùng hậm hực. Các quần thần muốn kéo cổ Tương Như đi. Vua Tần nhân đó nói:

-Bây giờ giết Tương Như cũng không lấy được ngọc, mà chỉ làm tuyệt tình giao hảo giữa Tần và Triệu. Chi bằng nhân việc này mà hậu đãi ông ta, cho ông ta về Triệu. Vua Triệu há vì một viên ngọc bích mà lừa dối Tần sao?

Do đó, vua Tần vẫn tiếp Tương Như ở triều đình, lễ xong cho về. Sau khi Tương Như về, vua Triệu khen Tương Như là một quan đại phu giỏi, đi sứ không khuất nhục với chư hầu, bèn phong Tương Như làm thượng đại phu. Kết quả Tần cũng không đổi thành cho Triệu. Triệu cũng không đem ngọc bích cho Tần.

Về sau, Tần đánh Triệu, lấy Thạch Thành (năm 282 trước Công nguyên). Năm sau lại đánh Triệu, giết hai vạn người. Vua Tần sai sứ giả nói với Triệu Vương muốn họp nhau ở Dẫn Trì, ngoài Tây Hà để giảng hoà. Vua Triệu sợ Tần, định không đi. Liêm Pha, Lạn Tương Như bàn mưu:

– Nhà vua không đi thì tỏ ra nước Triệu yếu và nhát.

Vua Triệu bèn đi, Tương Như đi theo, Liêm Pha tiễn đến biên giới, từ biệt nhà vua nói:

Nhà vua đi, tính đường đi về cùng hội họp, chẳng quá ba mươi ngày, nếu ba mươi ngày không về, xin lập thái tử làm vua để cho Tần hết hy vọng(3).

Nhà vua nghe theo. Bèn họp với vua Tần ở Dẫn Trì. Vua Tần uống rượu say, nói:

Quả nhân trộm nghĩ Triệu Vương giỏi nhạc, xin gảy đàn sắt cho nghe.

Vua Triệu gảy đàn sắt. Ngự sử nước Tần tiến lên chép:

Ngày… tháng… năm… vua Tần cùng vua Triệu hội họp uống rượu, khiến vua Triệu gảy đàn sắt.

Tương Như tiến lên nói:

Vua Triệu trộm nghe nói vua Tần giỏi về âm nhạc nước Tần, xin bưng cái vùa sành đến vua Tần gõ để cùng vuivới nhau(4).Vua Tần giận không chịu. Nhưng Tương Như cứ tiến lên dâng cái vùa. Nhân quỳ xuống mời vua Tần, vua Tần không chịu gõ, Tương Như nói:

Ở trong năm bước, thần xin được phép lấy máu ở cổ làm bẩn người đại vương.

Tả hữu muốn chém Tương Như. Tương Như trợn mắt quát tả hữu đều dạt ra. Vua Tần không vui, đành gõ vùa một cái. Tương Như quay lại gọi ngự sử nước Triệu viết:

Năm . . . tháng. . . ngày. . . vua Tần gõ vùa cho vua Triệu nghe.

Quần thần nước Tần nói:

Xin đem mười lăm thành nước Triệu để chúc thọ vua Tần.

Lạn Tương Như cũng nói:

Xin lấy Hàm Dương của Tần để chúc thọ vua Triệu. Vua Tần xong tiệc rượu, chẳng tranh hơn được với vua Triệu. Nước Triệu cũng đặt sẵn nhiều quân lính để đợi Tần.Tần không dám động. Tan hội về nước, vua Triệu cho rằng Tương Như có công to, phong làm thượng khanh, địa vị ở trên Liêm Pha. Liêm Pha nói:

Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận có công to, trái lại Tương Như chỉ nhờ miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta.

Và rêu rao:

Ta gặp Tương Như, quyết làm nhục ông ta.

Tương Như nghe vậy, không chịu hội họp với Liêm Pha. Mỗi lần có buổi chầu, Tương Như thường cáo bệnh không muốn tranh ngôi thứ với Liêm Pha. Một hôm, Tương Như đi ra trông thấy Liêm Pha, Tương Như quay xe trốn tránh. Những người môn hạ bèn cùng nhau can:

Chúng tôi sở dĩ bỏ thân thích đến thờ ngài chỉ vì mến cao nghĩa của ngài. Nay ngài và Liêm Pha cũng ngang hàng. Liêm Pha rêu rao nói xấu mà ngài lại sợ trốn tránh ông ta, sợ sệt quá đáng, người thường còn lấy làm xấu hổ, huống hồ là bậc tướng quốc, tướng quân! Bọn thần bất tài, xin từ giã về.

Tương Như cố cản lại, nói:

Các ông xem Liêm tướng quân có bằng vua Tần không?

Không bằng.

Oai như vua Tần mà Tương Như dám gào thét ở giữa triều đình, làm nhục cả quần thần. Tương Như tuy hèn nhát há sợi Liêm tướng quân sao. Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi.

Liêm Pha nghe vậy, cởi trần mang roi nhờ tân khách đưa đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, nói:

Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế !

Rồi cùng nhau vui vẻ làm bạn sống chết có nhau!

Năm ấy Liêm Pha đem quân về Đông đánh Tề, phá một đạo quân của Tề. Hai năm sau (276), Liêm Pha lại đánh thành Kỳ của Tề, lấy được thành. Ba năm sau, Liêm Pha đánh đất Phòng Lăng, An Dương của Ngụy, lấy được. Bốnnăm sau, Lạn Tương Như làm tướng đánh Tề đến Bình ấp rồi về. Năm sau nữa, Triệu Xa phá quân Tần ở vùng Ứ Dự.

Triệu Xa là một viên lại thu thuế ruộng ở Triệu. Xa thu tô thuế, nhưng nhà Bình Nguyên Quân không chịu nộp. Xa lấy phép trị, giết người quản lý của Bình Nguyên Quân. Bình Nguyên Quân giận toan giết Xa. Xa nhân nói với Bình Nguyên Quân:

Ngài là vị quý công tử ở Triệu, nay ngài lại dung túng người nhà không theo phép công, thì pháp luật mất hiệu lực, pháp luật mất hiệu lực thì nước yếu, nước yếu thì chư hầu đem quân đến đánh, thế là không còn nước Triệu nữa. Ngài làm sao giữ được giầu có này, ngài là người quý mà theo lẽ công, tuân pháp luật thì trên dưới được công bình. Trên dưới công bình thì nước mạnh. Nước mạnh thì nước Triệu vững, ngài lại là quý thích, có phải kẻ tầm thường trong thiên hạ đâu?

Bình Nguyên Quân cho là người hiền, nói với nhà vua, dùng Xa coi việc thuế má trong nước. Thuế má rất công bình, dân giàu và kho tàng đầy đủ.

Tần đánh Hàn, đóng quân ở Ứ Dự. Vua cho mời Liêm Pha đến hỏi:

– Có thể cứu không? Liêm Pha nói:

– Đường xa hiểm trở và hẹp, khó cứu.

Vua lại cho gọi Nhạc Thừa đến hỏi. Nhạc Thừa cũng đáp như Liêm Pha. Lại cho gọi Triệu Xa, Xa đáp:

– Đường xa hiểm trở và hẹp, cũng như hai con chuột đánh nhau trong hang, bên nào dũng cảm sẽ thắng.

Vua bèn sai Triệu Xa làm tướng cứu Hàn. Binh đi cách Hàm Đan ba mươi dặm. Xa ra lệnh trong quân:

Kẻ nào dám lấy việc quân sự can ngăn thì xử tử. Quan Tần đóng ở phía Tây Vũ An. Quan Tần reo hò tiến, tất cả các ngôi nhà ở thành Vũ An đều rung động.Trong quân có một người nói phải cứu gấp Vũ An. Triệu Xa liền chém ngay. Cứ cố thủ giữ thành đứng lại hai mươi tám ngày không đi. Lại xây thêm thành lũy. Một tên thám thính của Tần trà trộn vào, Triệu Xa cho ăn ngon và thả cho về. Y lẻn về báo với tướng Tần, tướng Tần mừng rỡ nói:

Rời khỏi nước ba mươi dặm mà quân lại không đi, còn xây thêm thành lũy thì Ứ Dự không phải là đất của Triệu rồi.

Sau khi đã cho tên thám thính của Tần đi, Triệu Xa bèn đem quân cướp giáp rảo chạy, hai ngày một đêm đến nơi,sai những người bắn giỏi đi cách

Dự năm mươi dặm mà đóng quân. Thành lũy của quân đã đắp xong, quân Tần nghe tin đem cả toán quân đến. Binh sĩ là Hứa Lịch xin can về việc quân sự. Triệu Xa nói:

– Cho vào. Hứa Lịch nói:

– Quân Tần không ngờ quân Triệu đã đến đây. Nó đến đây khí thế hùng mạnh, tướng quân phải tập trung đội ngũ lại mà đợi, nếu không thì chắc sẽ thua.

Triệu Xa nói:

– Xin vâng lệnh! Hứa Lịch nói:

– Xin chịu tội chết.

Triệu Xa nói:

– Hãy đợi lệnh sau xem.

Khi lâm trận, Hứa Lịch lại nói:

Ai chiếm được đỉnh núi phía Bắc sẽ thắng, ai đến sau sẽ thua.

Triệu Xa cho là phải, liền cho một vạn người rảo bước lên trên núi. Quân Tần đến sau, tranh ngọn núi nhưng không lên được. Triệu Xa thả quân đánh, phá tan quân Tần.

Quân Tần bị đánh tan bỏ chạy, bèn giải vây Ứ Dự mà trở về.Huệ Văn Vương nước Triệu phong cho Xa hiệu là Mã Phục Quân, cho Hứa Lịch làm quốc úy(5).Do đó, Triệu Xa cũng ngang hàng với Liêm Pha, Lạn Tương Như.

1. Bốn năm sau, Huệ Văn Vương nước Triệu chết.

Con là Hiếu Thành Vương lên ngôi (270 trước Công nguyên). Bảy năm sau, quân Tân và quân Triệu chống nhau ở Trường Bình. Bấy giờ Triệu Xa đã chết. Lạn Tương Như lại mắc bệnh nặng, Triệu sai Liêm Pha cầm quân đánh Tần, quân Tần mấy lần đánh bại quân Triệu, quân Triệu cố thủ giữ thành không đánh. Quân Tần mấy lần khiêu chiến, Liêm Pha vẫn không chịu đánh. Vua Triệu nghe lời bọn tay chân của Tần nói: “Tần chỉ sợ một mình Triệu Quát, con Mã Phục Quân Triệu Xa mà thôi”. Vua Triệu bèn cho Quát làm tướng thay Liêm Pha, Lạn Tương Như nói:

Nhà vua dùng Quát cũng chỉ vì nghe danh ông ta cũng như gắn trục đàn mà gảy đàn thôi. Quát chỉ biết đọc sách của cha để lại, không biết ứng biến.

Vua Triệu không nghe, bèn cho Quát làm tướng.

Triệu Quát từ lúc nhỏ học binh pháp, nói việc binh cho thiên hạ không ai bằng mình. Y thường cùng cha là Xa bàn việc binh, Xa không thể bắt bẻ được, nhưng vẫn không cho là phải. Mẹ Quát hỏi Xa tại sao thế, Xa nói:

– Việc binh là nơi chết người mà Quát nói một cách khinh thường quá, nước Triệu không cho Quát làm tướng thì thôi, chứ nếu cho nó làm tướng, thì người phá vỡ quân Triệu nhất định là Quát.

Khi Quát sắp đi, người mẹ dâng thư nói với nhà vua:

– Không để cho Quát làm tướng được.

Vua hỏi:

Tại sao? Người mẹ thưa:

Xưa kia thiếp thờ cha nó. Trong thời cha nó làm tướng, hạng người ông ta thân hành bưng cơm nước, cho ăn có đến hàng chục, hạng ông ta xem là bạn có đến hàng trăm. Đại vương và tôn thất thưởng cho cái gì thì đưa tất cả cho các quân lại và sĩ phu. Ngày được nhận mệnh lệnh làm tướng, không hỏi đến việc nhà. Nay Quát mới làm tướng mà ngồi ngoảnh mặt về hướng Đông để tiếp khách(6), quân lại không ai dám ngẩng lên nhìn, vàng lụa nhà vua cho đều đem về cất ở nhà, hàng ngày xem có nhà cửa ruộng vườn gì có lợi, nên mua thì mua. Nhà vua xem nó có bằng cha nó không? Cha con bụng dạ khác nhau, xin nhà vua chớ sai đi.

Nhà vua nói:

Bà đừng nói nữa, ta đã quyết định rồi. Mẹ Triệu Quát nói:

Nếu nhà vua vẫn sai nó đi, nhưng làm không nổi việc, thiếp có thể khỏi tội không?

Nhà vua nói:

Được.

Sau khi Triệu Quát đã thay thế Liêm Pha, bèn thay đổi tất cả những luật lệnh, thay đổi nhiều người quân lại.Tướng Tần là Bạch Khởi nghe vậy, thả kỳ binh, giả vờ thua chạy cắt đứt đường vận lương của Triệu, chia cắt quân Quát làm hai, quân sĩ rời rạc. Được hơn bốn mươi ngày, quân sĩ đói khổ, Triệu Quát đem quân tinh nhuệ ra đánh quân địch.Quân Tần bắn chết Triệu Quát. Binh của Quát bị bại, mấy chục vạn người đầu hàng Tần, Tần đều chôn sống hết. Triệu trước sau mất bốn mươi lăm vạn quân. Năm sau quân Tần vây Hàm Đan hơn một năm, suýt nữa thì nước Triệu không khỏi bị tiêu diệt. Nhờ có các chư hầu Sở, Ngụy đến cứu nên mới giải được vây ở Hàm Đan. Vua Triệu cũng vì mẹ Quát trước kia đã nói nên không giết.

Sau khi giải vây Hàm Đan được năm năm, nước Yên dùng mưu của Lật Phúc, nói:

– Những người trai tráng của Triệu đều chết ở Trường Bình, bọn con mồ côi chưa lớn…

Bèn đem quân đánh Triệu. Triệu sai Liêm Pha làm tướng đánh tan quân Yên ở Hạo, giết Lật Phúc, bèn vây Yên.Yên cắt năm thành để cầu hoà, Triệu mới nghe. Triệu lấy đất úy Văn, phong cho Liêm Pha làm Trú Bình Quân, làm quyền tướng quốc(7).

Sau khi Liêm Pha không được cầm quân ở Trường Bình phải về, ở vào lúc thất thế, khách khứa đều bỏ đi hết. Đến khi lại làm tướng quân thì khách khứa lại đến, Liêm Pha nói:

Các vị hãy rút lui cho ! Khách nói:

Ô ! Sao ngài thấy việc muộn thế, Đạo bạn bè trong thiên hạ, kết bạn với nhau như lối con buôn, trò giao dịch ngoài chợ. Khi ngài có thế thì chúng tôi theo, ngài không có thế thì chúng tôi đi, cái đó là lẽ dĩ nhiên chứ có gì đáng giận!

Được sáu năm (năm 245 trước Công Nguyên), Triệu sai Liêm Pha đánh đất Phồn Dương của Ngụy, lấy được Phồn Dương.

Vua Hiếu Thành Vương nước Triệu mất, con là Điệu Tương Vương lên ngôi (năm 244 đến năm 236 trước Công nguyên), sai Nhạc Thừa thay Liêm Pha, Liêm Pha giận đánh Nhạc Thừa. Nhạc Thừa bỏ chạy. Liêm Pha bèn chạy sang đất Đại Lương của Ngụy. Sang năm sau, Triệu bèn sai Lý Mục làm tướng đánh Yên, lấy được Vũ Toại, Phương Thành.Liêm Pha ở Lương một thời gian lâu, Ngụy không tin dùng.Nước Triệu thường bị khốn về quân Tần. Vua Triệu lại nghĩ đến việc dùng Liêm Pha. Liêm Pha cũng muốn lại đắc dụng ở Triệu. Vua Triệu sai sứ giả xem Liêm Pha còn dùng được nữa hay không. Kẻ thù của Liêm Pha là Quách Khai cho sứ giả nhiều vàng bảo nói xấu ông ta. Sứ giả của Triệu ra mắt Liêm Pha. Liêm Pha vì vậy ăn một đấu gạo, mười cân thịt trong một bữa cơm, mặc áo giáp lên ngựa để tỏ rằng mình còn dùng được. Sứ giả nước Triệu về báo với nhà vua:

Liêm tướng quân tuy già, ăn còn khoẻ, nhưng khi cùng thần ngồi trong khoảnh khắc thì ba lần đi đại tiện.

Vua Triệu cho rằng ông ta già cho nên không triệu về. Nước Sở nghe tin Liêm Pha ở Ngụy, ngầm cho sứ đón về. Liêm Pha làm tướng nước Sở không lập được công lao, nói:

Ta ước được dùng người Triệu?(8). Liêm Pha chết ở Thọ Xuân(9).
5. Lý Mục là viên tướng giỏi ở biên giới phía Bắc nước Triệu. Mục thường ở Nhạn Môn, đất Đại, phòng bị Hung Nô. Mục được phép tiện nghi đặt quan lại, tất cả tô thuế ở thành thị đều đưa vào trong dinh, để chi tiêu quân phí. Mỗi ngày giết mấy con bò để nuôi quân tập bắn cung, cưỡi ngựa, canh gác cẩn thận, dùng nhiều người thám thính, hậu đãi chiến sĩ. Ra hiệu lệnh:

Hung Nô mà vào cướp thì phải lập tức thu thập, bảo vệ ai dám bắt quân giặc thì chém?

Hung Nô mỗi lần vào, canh gác cẩn thận, mọi người lập tức thu thập gìn giữ không dám chiến đấu. Như vậy mấy năm cũng không mất mát gì, nhưng Hung Nô cho Lý Mục là nhát, đến cả binh sĩ ở biên giới cũng cho vị tướng của mình là nhát. Vua Triệu trách Lý Mục, Lý Mục vẫn thế. Vua Triệu giận, đòi về, sai người khác làm tướng thay. Được hơn một năm, Hung Nô mỗi lần đến là ra đánh.Đánh nhiều lần không lợi, tổn thất nhiều, ở biên giới không thể làm ruộng chăn nuôi. Vua lại mời Lý Mục, Lý Mục đóng cửa không ra, cố xưng bệnh, vua Triệu bèn ép nài ông ta dậy để cầm quân, Mục nói:

Nếu nhà vua nhất định dùng thần, thì thần có được làm như trước mới dám vâng lệnh.

Nhà vua bằng lòng.

6. Lý mục vẫn theo lối làm như cũ. Hung Nô mấy năm không được gì, kết quả cho ông ta nhát gan.

Quân sĩ ở biên giới được thưởng nhiều mà không được dùng, muốn đánh một trận. Bấy giờ Lý Mục mới chọn đủ một nghìn ba trăm cỗ xe, chọn được ba ngàn con na, năm vạn tráng sĩ đáng thưởng mỗi người là năm lạng vàng(10), mười vạn người thiện xạ, tất cả đều học tập chiến đấu, cho súc vật ăn cỏ khắp nơi, nhân dân ở đầy đồng. Hung Nô vào ít, giả chạy không đánh thắng, vất cho nó mấy ngàn người. Thiền Vu nghe thấy vậy đem tất cả quân đến. Lý Mục bày ra nhiều trận đánh úp,đem hai cánh tả hữu đánh vào, phá, giết hơn mười vạn kỵ binh của Hung Nô; diệt Đan Lam(11), phá Đông Hồ(12), bắt Lâm Hồ đầu hàng(13), Thiền Vu bỏ chạy. Sau đó hơn mười năm, Hung Nô không dám đến gần biên giới nước Triệu.

Năm thứ nhất thời Điệu Tương Vương nước Triệu (năm 244 trước Công nguyên) sau khi Liêm Pha đã trốn vào Ngụy, Triệu sai Lý Mục đánh Yên, lấy Vũ Toại, Phương Thành. Được hai năm, Bàng Noãn phá quân Yên, giết Kịch Tân(14). Bảy năm sau, Tần phá Triệu, giết tướng Hỗ Thiếp ở Vũ Toại, chém mười vạn người. Triệu bèn cho Lý Mục làm đại tướng quân, đánh quân Tần ở Nghi An, phá tan quân Tần, tướng Tần là Hoài Nghị phải bỏ chạy. Vua Triệu phong cho Lý Mục làm Vũ An Quân. Được ba năm, Tần đánh Bàn Ngô. Lý Mục đánh phá quân Tần, phía Nam chống lại Hàn, Ngụy.

Năm thứ bảy, đời vua Triệu tên là Thiên (Năm đến năm 238 trước Công nguyên) Tần sai Vương Tiễn đánh Triệu, Triệu sai Lý Mục, Tư Mã Thượng chống lại, Tần cho người tôi yêu của vua Triệu là Quách Khai nhiều tiền làm phản gián, nói Lý Mục, Tư Mã Thượng muốn làm phản. Vua Triệu bèn sai Triệu Thông và tướng Tề là Nhan Tụ thay Lý Mục. Lý Mục không vâng mệnh. Vua Triệu sai người tìm bắt được Lý Mục, giết ông ta, bỏ Tư Mã Thượng. Ba tháng sau, Vương Tiễn nhân đánh Triệu gấp, phá tan quân Triệu, giết Triệu Thông, bắt Triệu Vương là Thiên cùng với tướng của vua Triệu là Nhan Tu, bèn diệt nước Triệu.

Thái sử công nói:

Biết chịu chết tất phải là dũng cảm, cái chết không phải là khó, cái khó là ở chỗ xử trí cái chết.

Khi Lạn Tương Như giơ ngọc bích mắt liếc nhìn cột trụ, tình thế chẳng qua chỉ bị giết là cùng. Những kẻ sĩ hoặc vì nhát gan mà không dám làm. Tương Như chỉ một lần biểu lộ dũng khí của mình mà nước địch sợ uy, sau đó, rút lui, nhường Liêm Pha mà danh tiếng trọng như thái sơn, có thể gọi là người khéo sử dụng cả trí lẫn dũng vậy.

……………………………………………….

(1). Biện Hòa nước Sở được hòn đá có ngọc ở trong núi, đem dâng Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem, thợ ngọc nói: “Đó là đá”. Vua cho Biện Hoà nói dối, chặt một chân Hòa. Vũ Vương lên, họ Hòa lại dâng, kết quả bị chặt thêm một chân nữa. Biện Hoà ôm hòn đá mà khóc. Vua sai xem lại, biết hòn đá có viên ngọc bích rất quý. Vì vậy viên ngọc này được gọi là “ngọc bích họ Hòa”.

(2). Cửu tân là cái lễ ngoại giao rất long trọng, trong buổi lễ có đến chín người chiêu đãi, kế tiếp nhau phục dịch.

(3). Đề phòng nhà Tần giữ Triệu Vương lại dể hòng yêu sách này nọ.

(4). Nguyên là chữ bồn phẫu, một thứ đồ sành để đựng rượu.

(5). Chức quan võ ở dưới chức tướng quân.

(6). Ngày xưa vua ngồi hướng Bắc quay mặt hướng Nam, tướng quân và tể tướng ngồi hướng Tây quay mặt về hướng Đông.

(7). Bấy giờ tướng quốc Lạn Tương Như đã chết. Liêm Pha làm tạm để thay Tương Như.

(8). Ý nói không lập được công vì quân Sở không theo.

(9). Thuộc đất Sở.

(10). Quản Trọng có câu “Kẻ nào có thể phá quân địch, bắt tướng địch thì thưởng một trăm lạng vàng” .

(11). Tên nước Hồ ở phía Bắc đất Đại.

(12). Tên nước còn gọi là Tiên Tỵ.

(13). Một chi nhánh của Hung Nô.

(14). Tướng Yên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.