Sử Ký Tư Mã Thiên

Kình Bố liệt truyện



K ình Bố (1) người huyện Lục, họ Anh. Thời Tần, Bố làm người áo vải. Lúc còn nhỏ, có người khách xem tướng Bố, nói:

– Anh sẽ bị hình phạt rồi làm vương.

Đến khi lớn bị tội. Kình Bố hớn hở cười và nói:

Có người xem tướng tôi bảo tội bị hình phạt, rồi làm vương, có lẽ thế chăng ? Những người nghe nói vậy đều cười Bố.

Bố bị tội đày đi Ly Sơn. Những người đi đày ở Ly Sơn có mấy chục vạn. Bố giao kết với những người cầm đầu trong đám tù bị đày và những người hào kiệt. Sau đó Bố cầm đầu bè lũ trốn trên sông Dương Tử làm thành một toán cướp.

2. Khi Trần Thắng nổi lên, Bố yết kiến Phiên Quân (2) cùng đồ đảng của mình phản lại nhà Tần, số binh sĩ tụ tập lên đến mấy nghìn. Phiên Quân bèn gả con gái cho Bố. Khi Chương Hàm diệt Trần Thắng, phá tan quân của Lữ Thần thì Bố đem binh về phía Bắc quấy rối hai cánh quân tả và hữu của quân Tần, phá quân Tần ở Thanh Ba rồi đem quân đi về hướng Đông.

Nghe nói Hạng Lương đã bình định được Giang Đông, Cối Kê, Bố bèn vượt qua Trường Giang đi về hướng Tây. Trần Anh cho họ Hạng đời đời làm tướng nước Sở, liền đem binh của mình thuộc vào Hạng Lương, đem quân vượt phía Nam sông Hoài. Anh Bố, Bồ tướng quân cũng đem quân của mình theo Hạng Lương. Hạng Lương vượt qua sông Hoài đi về hướng Tây, đánh bọn Cảnh Câu, Tần Gia. Bố thường cầm những toán quân đi trước.

Hạng Lương đến đất Tiết nghe tin Trần Vương đã chết, bèn lập Sở Hoài Vương. Hạng Lương hiệu là Vũ Tín Quân, Anh Bố làm Đương Dương Quân. Hạng Lương bại trận chết ở Định Đào, Hoài Vương dời đô đến Bành Thành. Anh Bố và các tướng đều giữ Bành Thành. Lúc bấy giờ, Tần vây Triệu rất gấp. Triệu mấy lần sai người đến xin cứu viện. Hoài Vương sai Tống Nghĩa làm thượng tướng quán, Phạm Tăng làm mạt tướng, Hạng Tịch làm thứ tướng, Anh Bố và Bồ tướng quân đều làm tướng quân, tất cả đều ở dưới quyền Tống Nghĩa, đem quân về hướng Bắc để cứu Triệu. Đến khi Hạng Tịch giết Tống Nghĩa trên sông Hoàng Hà, Hoài Vương nhân đấy cho Tịch làm thượng tướng quân. Các tướng đều ở dưới quyền Hạng Tịch. Hạng Tịch sai Bố vượt Hoàng Hà để đánh quân Tần. Bố đánh thắng mấy lần, Tịch bèn đem tất cả binh sĩ qua Hoàng Hà. Sau đó Tịch phá quân Tần, bắt bọn Chương Hàm phải đầu hàng. Binh Sở đánh thắng luôn, công cao nhất trong chư hầu. Quân của chư hầu đều phục và theo Sở, đó là nhờ Bố mấy lần với một số quân ít đánh bại một kẻ địch đông. Hạng Tịch đem binh về hướng Tây, đến Tây An, lại sai bọn Bố đang đêm đánh và chôn sống hai mươi vạn binh của Chương Hàm. Tịch đến cửa Hàm Cốc không vào được, lại sai bọn Bố đi trước theo con đường tắt đánh phá quân ở cửa ải. Tịch bèn vào ải đi đến Hàm Dương. Bố thường làm tiên phong.

Hạng Vương phong các tướng, cho Bố làm Cửu Giang Vương, đóng đô ở Lục. Năm thứ nhất nhà Hán tháng tư, chư hầu đều bãi binh, ai nấy về nước của mình. Họ Hạng lập Hoài Vương làm Nghĩa Đế, dời đô đến Trường Sa, lại ngầm ra lệnh cho Cửu Giang Vương là Bố đánh Nghĩa Đế trên đường đi. Tháng tám năm ấy, Bố sai tướng đánh Nghĩa Đế, đuổi theo Nghĩa Đế và giết ở Sâm Huyện. Năm thứ hai nhà Hán, vua Tề là Điền Vinh làm phản, Sở Hạng Vương đến đánh nước Tề, đòi Cửu Giang Vương đem binh đến giúp. Cửu Giang Vương Bố cáo bệnh không đến, sai viên tướng đem mấy ngàn quân đi. Khi quân Hán bị thua ở Bành Thành, Bố lại cáo bệnh không giúp Sở. Vì vậy Hạng Vương giận Bố. Mấy lần sai sứ giả trách Bố, mời Bố đến, Bố càng sợ không dám đến.

Hạng Vương bấy giờ phía Bắc đang lo về các nước Tề, Triệu; phía Tây lo về Hán, người theo chỉ có một mình Cửu Giang Vương. Hạng Vương lại quý cái tài của Bố, nên muốn hậu đãi Bố, vì vậy chưa đánh. Năm thứ ba nhà Hán, Hán Vương đánh Sở, đại chiến ở Bành Thành. Đánh thua, Hán Vương ra khỏi đất Lương, đến thành Ngu nói với các quan hầu:

Không thể bàn kế thiên hạ với bọn bay được. Tùy Hà làm yết giả tiến lên nói:

Không hiểu bệ hạ muốn nói gì ?

Ai có thể vì ta đi sứ Hoài Nam khiến cho Hoài Nam đem binh phản lại Sở, giữ Hạng Vương ở Tề vài tháng, thì chắc chắn thế nào ta cũng lấy được thiên hạ.

Tùy Hà nói:

Tôi xin đi.

Tùy Hà bèn cùng hai mươi người đi sứ Hoài Nam. Khi đến đấy, quan thái tể cho ở trong nhà, nhưng đợi ba ngày vẫn không được yết kiến. Tùy Hà nhân nói với quan thái tể:

Nhà vua không tiếp tôi, chắc hẳn vì cho Sở mạnh mà Hán yếu. Tôi sở dĩ phải đi sứ chính là vì việc ấy đấy. Ông hãy cho Hà này được yết kiến. Nếu lời nói mà phải, thì đó là điều đại vương muốn nghe, còn lời nói không phải thì cứ bắt bọn Hà hai mươi người chịu tội búa rìu ở chợ Hoài Nam để chứng tỏ đại vương chống lại Hán mà theo Sở.

Thái tể bèn nói với Hoài Nam Vương. Vương tiếp Tùy Hà. Tùy Hà nói:

Hán Vương sai tôi kính dâng thư cho đại vương. Tôi trộm lấy làm lạ tại sao đại vương vẫn thân thiết với Sở như thế

Hoài Nam Vương nói:

Quả nhân quay mặt về hướng Bắc thờ Hạng Vương như tôi thờ vua.

Tùy Hà nói:

– Đại vương với Hạng Vương địa vị đều là chư hầu như nhau. Đại vương quay mặt về hướng Bắc thờ ông ta thì chắc hẳn vì cho rằng nước Sở mạnh có thể gửi nước của mình. Hạng Vương đánh Tề, thân hành mang ván mang chày để làm gương cho binh sĩ, đáng lý đại vương phải đem tất cả dân chúng Hoài Nam, thân hành làm tướng cầm đầu họ để làm đội tiên phong cho quân Sở, thế mà đại vương lại chỉ phái bốn ngàn người giúp Sở. Ngoảnh mặt về hướng Bắc thờ người ta mà lại làm như thế à ? Khi Hán Vương đánh ở Bành Thành, Hạng Vương chưa ra khỏi nước Tề, đáng lý đại vương phải vét tất cả binh Hoài Nam vượt qua sông Hoài, ngày đêm cùng chiến đấu ở gần Bành Thành mới phải, thế mà đại vương lại giữ đạo quân một vạn người không cho một người nào vượt qua sông Hoài, ngồi yên khoanh tay đợi xem ai thắng. Gửi nước mình vào người ta mà lại làm như thế à ? Đại vương chỉ có cái tiếng suông là theo Sở mà lại muốn được hậu đãi. Tôi trộm cho làm như thế là không phải. Nhưng sở dĩ đại vương không phản lại Sở là vì đại vương cho rằng Hán yếu. Kể ra binh Sở mạnh đấy, nhưng bị thiên hạ đổ cho cái tiếng là bất nghĩa, vì Sở đã phản lại điều giao ước và giết Nghĩa Đế. Sở Vương cậy mình đánh thắng cho là mình mạnh. Hán Vương tập hợp chư hầu, quay về giữ Thành Cao, Huỳnh Dương, đem thóc lúa từ đất Thục, đất Hán xuống, đào hào sâu, đắp thành chắc, chia binh sĩ giữ các nơi, canh phòng ở biên giới. Quân Sở muốn về thì phải đi qua đất Lương, đi sâu vào nước địch tám, chín trăm dặm, muốn đánh không được, muốn lấy thành thì không đủ sức. Người già, kẻ yếu phải lo chuyên chở lương thực ở ngoài ngàn dặm. Quân Sở đến Huỳnh Dương, Thành Cao, quân Hán giữ vững thành không làm gì. Quân Sở tiến không dược, rút lui thì không thể ra khỏi. Cho nên nói quân Sở không đáng sợ. Nếu như Sở thắng Hán thì chư hầu sẽ cảm thấy nguy đến mình, họ đều sợ mà cứu nhau. Cái mạnh của Sở chỉ tổ làm cho quân của thiên hạ đến đánh mà thôi; cho nên Sở không bằng Hán, cái thế rất dễ thấy. Nay đại vương lại không theo Hán vạn toàn mà tự gửi thân vào Sở trong cảnh bị nguy vong, tôi trộm cho đại vương làm như vậy là lầm. Không phải tôi nói quân của Hoài Nam có thể tiêu diệt được Sở đâu ! Nếu đại vương cử quân đánh lại Sở thì Hán Vương có thế lấy thiên hạ một cách chắc chắn. Tôi xin cùng đại vương cầm kiếm về với Hán. Hán Vương thế nào cũng cắt đất phong cho đại vương, chứ không phải chỉ có đất Hoài Nam. Đất Hoài Nam dĩ nhiên là của đại vương rồi. Hán Vương kính sai tôi đem ngu kế dại nói với đại vương, xin đại vương lưu ý.

Hoài Nam Vương nói:

– Xin vâng mệnh.

Hoài Nam Vương ngầm theo Hán, phản lại Sở nhưng chưa dám tiết lộ. Bấy giờ sứ giả của Sở ở đấy giục Anh Bố đem binh giúp Sở, còn nghỉ ở tại trạm xá. Tùy Hà đi thẳng vào ngồi ở trên ghế sứ giả nước Sở và nói:

Cửu Giang Vương đã theo Hán ? Sở còn muốn bảo ông ta đem quân đi thế nào được?

Bố hoảng sợ, sứ giả nước Sở đứng dậy. Hà nhân nói với Bố:

Việc dã đến thế này, nên giết sứ giả nước Sở chớ để cho về, và phải mau mau hợp lực với Hán.

Bố nói:

Xin vâng theo lời dạy của sứ giả đem binh đánh Sở.

Bố bèn giết sứ giả rồi đem binh đánh Sở. Sở sai Hạng Thanh, Long Thư đánh Hoài Nam. Hạng Vương ở lại Tề đánh Hạ Ấp. Sau mấy tháng, Long Thư đánh Hoài Nam, đánh bại quân của Bố. Bố muốn đem quân bỏ chạy về với Hán Vương, nhưng sợ vua Sở giết, nên lẻn đi cùng với Tùy Hà về Hán. Hoài Nam Vương đến, nhà vua đang ngồi xổm trên giường rửa chân, gọi Bố vào yết kiến. Bố cả giận, hối hận, muốn tự sát. Bố đi ra, về đến nhà mình thì màn trướng, đồ ăn uống, các quan hầu đến như chỗ Hán Vương ở. Bố lại cả mừng vì được quá điều mình mong ước.

Bố bèn sai người vào Cửu Giang. Bấy giờ Sở đã sai Hạng Bá thu binh sĩ Cừu Giang, giết tất cả vợ con Bố. Tuy vậy sứ giả của Bố vẫn thu thập được những người quen biết cũ và những bầy tôi trước kia được yêu quý, đem mấy nghìn người quay về với Hán.

Hán Vương cho Bố thêm quân và cùng Bố đi về hướng Bắc đến Thành Cao. Tháng bảy, năm thứ tư, Hán Vương lập Bố làm Hoài Nam Vương cùng Bố đánh Hạng Tịch. Năm thứ năm, Bố sai người vào Cửu Giang lấy được mấy huyện. Năm thứ sáu, Bố và Lưu Giả vào Cửu Giang dụ đại tư mã của Sở là Chu Ân. Chu Ân phản lại Sở, đem quân của Cửu Giang cùng Hán đánh quân Sở thua to ở Cai Hạ.

Hạng Tịch chết, thiên hạ bình định xong, nhà vua đặt tiệc rượu, coi thưởng công lao của Tùy Hà, gọi Tùy Hà là hủ nho “bọn hủ nho không có ích gì cho thiên hạ”. Tùy Hà quỳ xuống nói:

Khi bệ hạ đem quân đánh Bành Thành, vua Sở chưa rời khỏi Tề, bệ hạ đem năm vạn bộ binh, năm nghìn quân kỵ đi có lấy dược Hoài Nam không ?

Nhà vua nói:

Không lấy được.

Bệ hạ sai Hà cùng hai mươi người đi sứ Hoài Nam, đến làm được đúng ý muốn của bệ hạ, như thế tức là công của Hà hơn năm vạn bộ binh, năm nghìn quân kỵ. Tại sao bệ hạ lại bảo Hà là “hủ nho không có ích lợi gì cho thiên hạ”.

Nhà vua nói:

Ta đang tính đến công lao của nhà ngươi đây.

Bèn cho Tùy Hà làm hộ quân trung úy và Bố được cấp phù làm Hoài Nam Vương, đóng đô ở Lục. Các quận Cửu Giang, Lư Giang, Hành Sơn, Dự Chương đều thuộc Bố. Năm thứ bảy, Bố vào chầu vua Hán. Năm thứ tám chầu ở Lạc Dương. Năm thứ chín chầu ở Trường An. Năm thứ mười một, Cao Hậu giết Hoài Âm Hầu. Bố do đó trong lòng lo sợ. Mùa hạ, nhà Hán giết Lương Vương là Bành Việt, muối thịt ông ta rồi phân phát cho tất cả chư hầu. Khi người đem thịt muốn đến Hoài Nam thì Hoài Nam Vương đang đi săn. Hoài Nam Vương thấy thịt muối thì sợ quá, sai bộ hạ tập hợp binh sĩ chờ khi các quận bên cạnh có việc nguy cấp.

Người thiếp Bố yêu quý mắc bệnh, xin đến nhà thầy thuốc điều trị. Nhà thầy thuốc đối diện với nhà quan trung đại phu Bồn Hách. Người thiếp mấy lần đến nhà thầy thuốc, Bồn Hách thân hành theo hầu. Bồn Hách tặng nhiều lễ vật và cùng người thiếp ăn uống ở nhà thầy thuốc. Khi về nhà, người thiếp nhân lúc nhàn rỗi thường cứ khen ngợi Bồn Hách là người trung hậu. Vương giận nói: – Mày làm sao mà biết được?

Người thiếp kể lại tất cả tình hình. Vương nghi ngờ người thiếp của mình tư thông với Hách. Hách sợ cáo bệnh. Vương càng giận, muốn bắt Hách. Hách nói có việc biến cố lên xe trạm đi Trường An. Bố sai người đuổi theo nhưng không kịp. Hách đến Trường An báo với nhà vua rằng Bố đã có mầm mống mưu phản và phải giết trước khi Bố khởi sự.

Nhà vua đọc thư của Hách, bàn với tướng quốc Tiêu Hà. Tướng quốc nói:

Bố chưa chắc đã làm điều đó. Tôi sợ đó là do thù oán vu càn, xin trói Hách lại và sai sứ giả dò xét Hoài Nam Vương.

Hoài Nam Vương Kình Bố thấy Hách có tội bỏ trốn đi báo có việc nguy biến, cho nên đã ngờ sẵn sàng Hách báo những việc bí mật quốc gia. Lại thấy sứ giả của Hán đến có vẻ dò xét mình, bèn giết cả nhà Hách, đem binh làm phản. Khi thư báo có tin Bố làm phản đưa lên, nhà vua bèn tha Bồn Hách, cho làm tướng quân. Nhà vua triệu các tướng nói:

Bố làm phản, bây giờ nên làm như thế nào?

Chỉ có cách đem binh đánh hắn, chôn sống thằng nhãi ấy đi mà thôi. Hắn làm nên trò trống gì?

Nhữ Âm Hầu là Đằng Công mời viên lệnh doãn trước kia của Sở đến hỏi. Viên lệnh doãn nói:

Cố nhiên là phải làm phản.

Đằng Công nói:

Nhà vua cắt đất phong ông ta làm vương, chia tước làm cho ông ta sang, ông ta ngoảnh mặt về hướng Nam mà đứng, làm vị vua có vạn cỗ xe, tại sao lại làm phản ? Lệnh doãn nói:

Năm vừa rồi giết Bành Việt, năm ngoái giết Hàn Tín. Ba người này là một, công lao như nhau, ông ta nghi tai họa sẽ đến thân, cho nên làm phản đấy thôi.

Đằng Công nói với nhà vua:

Người khách của tôi là Tiết Công trước đây làm lệnh doãn nước Sở có nghĩ ra một kế. Xin bệ hạ hỏi ông ta.

Nhà vua bèn mời vào yết kiến, hỏi Tiết Công. Tiết Công đáp:

Việc Bố làm phản không có gì đáng lạ, nhưng nếu Bố theo cái kế hay nhất thì đất Sơn Đông sẽ không phải là của nhà Hán; nếu hắn theo cái kế vừa thì việc thắng hay bại chưa có thể biết; còn hắn theo cái kế kém thì bệ hạ có thể gối đầu lên gối mà nằm. Nhà vua hỏi:

Thế nào gọi là kế hay nhất?

Phía Đông lấy đất Ngô, phía Tây lấy đất Sở, thôn tính đất Tề, lấy đất Lỗ, truyền hịch cho các nước Yên, Triệu, cố thủ ở chỗ của mình. Như thế thì đất Sơn Đông sẽ không phải là của nhà Hán.

Thế nào là kế hay vừa?

Phía Đông lấy Ngô, phía Tây lấy Sở, thôn tính Hán lấy Ngụy, giữ lúa ở Ngao Thương, chặn cửa Thành Cao, như thế thì ai thắng ai bại chưa có thể biết được.

Thế nào gọi là kế kém?

Phía Đông lấy Ngô, phía Tây lấy Hạ Thái, chú trọng về phía Việt, tự mình về Trường Sa. Như thế bệ hạ có thể gối đầu mà nằm. Nhà Hán vô sự !

Nhà vua nói:

Hắn sẽ theo kế nào? Lệnh doãn đáp:

Sẽ theo cái kế kém.

Tại sao lại bảo hắn bỏ cái kế hay nhất và kế vừa mà lại theo cái kế kém? Lệnh doãn nói:

Bố vốn là một người bị đày ở Ly Sơn, tự mình làm nên ông vua có vạn cỗ xe. Điều đó đều do chỗ hắn chỉ nghĩ đến thân hắn mà không nghĩ đến trăm họ và vạn đời sau này. Vì vậy cho nên hắn sẽ theo cái kế kém.

Nhà vua nói:

Phải lắm?

Bèn cấp cho Tiết Công một ngàn hộ làm đất phong và lập hoàng tử Trường làm Hoài Nam Vương. Nhà vua bèn đem quân, tự mình làm tướng đi về hướng Đông đánh Bố. Lúc đầu, Bố làm phản, nói với viên tướng của mình:

Nhà vua già rồi, chán việc binh, thế nào cũng không thể đến mà sai các tướng. Trong các tướng ta chỉ ngại có Hoài Âm Hầu và Bành Việt mà thôi, nay hai người này đã chết, ngoài ra không ai đáng sợ.

Cho nên Bố làm phản. Đúng như Tiết Công đã trù tính. Bố phía Đông đánh Kinh. Kinh Vương Lưu Giả bỏ chạy, chết ở Phù Lăng. Bố cướp tất cả binh của đất Kinh, vượt qua sông Hoài đánh Sở, Sở đem binh đánh nhau với Bố, đánh ở giữa huyện Từ và huyện Đông, Sở chia làm ba đạo quân, muốn để cứu lẫn nhau, cho là hay. Có người nói với tướng Sở:

Bố thạo về việc dùng binh, dân vốn sợ Bố. Vả lại, theo Binh pháp nói: “Khi nào chư hầu đánh ở đất mình thì có nguy cơ bị đánh tan”(3). Nay ông lại tách ra làm ba cánh quân, nếu nó đánh bại một cánh quân của ta, thì hai cánh quân kia đều bỏ chạy, làm sao có thể cứu nhau được ?

Viên tướng Sở không nghe. Quả nhiên thấy Bố đánh tan một cánh quân, hai cánh quân kia đều bỏ chạy toán loạn. Bố bèn đi về hướng Tây gặp quân của nhà vua ở Tụy phía Tây thành Kỳ. Quân Bố rất tinh nhuệ. Nhà vua bèn xây thành lũy tại Dung Thành, trông thấy quân của Bố dàn trận như quân của Hạng Tịch. Nhà vua căm ghét, nhà vua và Bố nhìn thấy nhau, nhà vua từ xa gọi:

Nhà ngươi khổ cực gì mà lại làm phản? Bố nói:

Ta muốn làm hoàng đế đó thôi.

Nhà vua nổi giận mắng Bố. Trận chiến đấu lớn diễn ra. Quân Bố thua, bỏ chạy, vượt qua sông Hoài. Mấy lần quân Bố dừng lại đánh nhưng không lợi. Bố cùng hơn trăm người chạy đến Giang Nam. Bố vốn là bà con bên vợ với Phiên Quân cho nên Ai Vương làm Trường Sa Vương sai người giả vờ cùng chạy trốn với Bố và dụ Bố chạy vào đất Việt. Bố tin theo, vào Phiên Dương. Người Phiên Dương giết Bố ở cái nhà trong đồng quê.

Nhà vua bèn diệt Kình Bố lập hoàng tử Trường làm Hoài Nam Vương, phong Bồn Hách làm Kỳ Tư Hầu, các tướng phần lớn được phong tùy theo công lao của mình.

5. Thái sử công nói:

Tổ tiên của Anh Bố phải chăng là người họ Anh ở nước Lụt, con cháu của Cao Giao đã bị quân Sở diệt từ thời Xuân Thu ? Thân mình bị hình phạt nhưng tại sao lại nổi lên nhanh như vậy ? Họ Hạng chôn sống và giết người hàng ngàn, hàng vạn và Bố thường là người bày đầu những việc bạo ngược ấy. Công Bố cao nhất trong chư hầu. Nhờ cách đó, Bố được làm vương, nhưng cũng không khỏi chết, bị đời mắng nhiếc. Tất cả tai họa sinh ra từ người thiếp yêu. Cái ghen gây nên tai họa, cuối cùng đưa đến chỗ nước bị tiêu diệt.

……………………………………..

(1). Tên là Anh Bố, nhưng bị chạm (Kình) vào mặt cho nên gọi là Kình Bố. Lời nói này ngụ ý chê bai.

(2). Xem Hạng Vũ bản kỷ

(3). Binh sĩ dễ tan vì nhớ nhà.

o0o


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.