Sử Ký Tư Mã Thiên
Nhạc Nghị Liệt Truyện
T ổ tiên của Nhạc Nghị là Nhạc Dương. Nhạc Dương làm tướng của Ngụy Văn Hầu đánh lấy được nước Trung Sơn. Ngụy Văn Hầu đem đất Linh Thọ phong cho Nhạc Dương. Nhạc Dương chết chôn ở Linh Thọ. Con cháu về sau sống ở đấy. Trung Sơn về sau lại được lập thành một nước. Đến đời Vũ Linh Vương (325-299 trước Công nguyên) nước Triệu, Vũ Linh Vương lại diệt Trung Sơn.
Nhạc Nghị là con cháu họ Nhạc. Nhạc Nghị là người hiền, thích việc binh. Người Triệu quý trọng Nghị. Đến khi Vũ Linh Vương gặp nạn ở Sa Khâu, Nghị bèn rời khỏi nước Triệu đến nước Ngụy.
Nghị nghe nói Yên Chiêu Vương vì loạn Tử Chi, nên quân Tề đánh quân Yên thua to. Yên Chiêu Vương oán giận, không ngày nào quên báo thù nước Tề. Yên là nước nhỏ nơi xa xôi hẻo lánh, sức không đủ chống cự, cho nên nhà vua nhún mình, quý trọng kẻ sĩ. Trước tiên lấy lễ đối xử với Quách Ngỗi (l) để vời những người hiền. Nhạc Nghị bèn làm sứ giả cho Ngụy Chiêu Vương sang nước Yên. Vua Yên lấy lễ đối đãi với khách để tiếp đãi Nhạc Nghị. Nghị trước từ chối vinh dự ấy rồi sau chịu làm tôi. Yên Chiêu Vương cho làm á khanh. Như thế trong một thời gian dài.
2. Lúc bấy giờ Tề Dẫn Vương mạnh, phía Nam, đánh bại tướng nước Sở là Đường Muội ở Trọng Khâu; phía Tây, đánh lại quân Tam Tấn ở Quan Tân rồi cùng Tam Tấn đánh Tần, giúp nước Triệu diệt nước Trung Sơn, phá nước Tống, mở rộng đất đai hơn ngàn dặm, tranh nhau với Tần Chiêu Vương để làm đế, được ít lâu Tề Dẫn Vương lại trở về nước.Chư hầu đều muốn phản lại nước Tần theo Tề.
Dẫn Vương kiêu ngạo, trăm họ không chịu không nổi. Yên Chiêu Vương hỏi về việc đánh Tề, Nhạc Nghị thưa:
Nước Tề kế thừa cơ nghiệp để lại của một nước đã làm bá
(2), đất rộng, người đông, khó lòng một mình đánh được. Nếu nhà vua quả thực muốn đánh Tề thì không gì bằng liên minh với Triệu, Sở và Ngụy.
Yên Chiêu Vương bèn sai Nhạc Nghị giao ước với Huệ Văn Vương nước Triệu. Lại sai những người khác đi liên kết với Sở, Ngụy và nhờ Triệu thuyết phục Tần về cái lợi trong việc đánh Tề. Chư hầu ghét Tề Dẫn Vương kiêu ngạo, tàn bạo, đều tranh nhau hợp tung cùng nước Yên đánh Tề. Nhạc Nghị quay về báo, Yên Chiêu Vương đem tất cả quân, sai Nhạc Nghị làm thượng tướng quân, Huệ Văn Vương nước Triệu trao ấn tướng quốc cho Nhạc Nghị. Nhạc Nghị bèn cầm đầu tất cả quân các nước Triệu, Sở, Hàn, Ngụy, Yên hợp nhất đánh bại quân tề ở Tế Tây. Quân chư hầu bãi binh rút về nhưng quân của Yên dưới quyền Nhạc Nghị vẫn một mình đuổi theo đến Lâm Tri (3).
Sau khi bị thua trận ở Tế Tây, Tề Dẫn Vương chạy vào thành Cử. Nhạc Nghị một mình ở lại đi khắp nước Tề. Các thành của Tề đều lo chống giữ. Nhạc Nghị đánh vào thành Lâm Tri lấy tất cả những đồ quý báu, của cải, đồ cúng tế của Tề, sai chở về Yên.
Yên Chiêu Vương cả mừng thân hành đến sông Tề để úy lạo, khao thưởng quân sĩ, phong cho Nhạc Nghị huyện Xương Quốc, hiệu là Xương Quốc Quân.
Yên Chiêu Vương sau khi đã thu của cải lấy được của Tề thì quay về, sai Nhạc Nghị lại đem binh đánh lấy những thành của Tề chưa lấy được. Nhạc Nghị ở lại Tề trong năm năm, đánh lấy hơn bảy mươi thành của Tề, biến tất cả những thành này thành quận huyện nước Yên, chỉ còn thành Cử và Tức Mặc là chưa chịu hàng.
Vừa lúc ấy Yên Chiêu Vương chết, người con được lập làm Yên Huệ Vương. Huệ Vương từ khi còn làm thái tử thường không thích Nhạc Nghị. Đến khi Huệ Vương lên ngôi, Điền Đan nước Tề nghe tin ấy bèn tung phản gián sang nước Yên nói:
Nước Tề chỉ còn hai thành không bị lấy nữa mà thôi. Sở dĩ những thành này không bị lấy là vì nghe nói Nhạc Nghị có hiềm khích với vị vua mới ở Yên, muốn giữ tất cả binh lưu lại ở Tề, quay mặt về hướng Nam mà làm vua nước Tề. Điều nước Tề lo ngại chỉ là sợ có viên tướng khác đến.
Yên Huệ Vương vốn đã nghi ngờ Nhạc Nghị, nghe những lời phản gián của Tề bèn sai Kỵ Khiếp làm tướng thay Nghị và mời Nhạc Nghị về. Nhạc Nghị biết Yên Huệ Vương không thích mình nên cho người thay thế, sợ bị giết, bèn di về hướng Tây theo nước Triệu.
Triệu phong Nhạc Nghị ở Quan Tân, hiệu là Vọng Thư Quân, tôn trọng và yêu quý Nhạc Nghị làm cho các nước Yên, Tề lo sợ. Sau đó Điền Đan nước Tề đánh nhau với Kỵ Khiếp. Điền Đan bày mưu lừa quân Yên đánh bại Kỵ Khiếp ở dưới thành Tức Mặc, đuổi theo quân Yên đến tận Hà Thượng, thu lại tất cả những thành của Tề và đón Tương Vương ở thành Cử vào Lâm Tri.
Sau đó Yên Huệ Vương lại hối hận về chỗ mình sai Kỵ Khiếp thay thế Nhạc Nghị cho nên quân bị bại, tướng bị giết, bỏ mất nước Tề. Lại oán Nhạc Nghị đã đầu hàng Triệu, sợ Triệu dùng Nhạc Nghị để dành
Yên nhân lúc nước Yên gặp cảnh khó khăn. Huệ Vương bèn sai người trách Nhạc Nghị và đồng thời xin lỗi. Bức thư viết:
“ Tiên vương đem cả nước giao cho tướng quân, tướng quân vì nước Yên đánh phá quân Tề trả cái thù của tiên vương, thiên hạ đều rung động. Quả nhân đâu dám một ngày quên cái công của tướng quân ! Gặp lúc tiên vương bỏ bầy tôi, quả nhân mới lên ngôi, các quan tả hữu lừa quả nhân, quả nhân sai Kỵ Khiếp làm tướng thay tướng quân. Vì thấy tướng quân đã lâu phải dầm sương giãi nắng ở ngoài nên quả nhân có ý muốn triệu tướng quân về để nghỉ.
Tướng quân quá nghe lời không hay, cho rằng quả nhân có điều hiềm khích với tướng quân bèn bỏ nước Yên theo nước Triệu. Việc tướng quân tự lo cho mình thế cũng được nhưng làm thế nào để báo đáp cái lòng tốt của tiên vương đối với tướng quân ? ”.
Nhạc Nghị viết thư trả lời Yên Huệ Vương như sau:
“ Thần là người bất tài, không thể vâng theo mệnh lệnh của nhà vua và làm vừa lòng những người xung quanh nhà vua. Thần sợ. làm tổn thương đến sự sáng suốt của tiên vương, hại đến cái nghĩa của nhà vua, cho nên chạy trốn sang Triệu.
Nay nhà vua sai người trách tội thần, thần sợ các quan hầu cận không xét nguyên do vì sao tiên vương lại nuôi và yêu quý thần; lại không bày tỏ cái lòng thần thờ tiên vương, cho nên đánh bạo viết thư trả lời.
Thần nghe vị vua hiền thánh không lấy lộc cho riêng những người thân. Ai có nhiều công thì được thưởng, ai có năng lực thì cho làm ở địa vị xứng dáng. Cho nên, xét năng lực mà giao quan chức, đó là việc làm của vị vua lập nên công trạng; bàn việc làm rồi mới kết giao đó là việc làm của kẻ sĩ lập nên danh tiếng. Thần trộm xem việc làm của tiên vương, thấy tiên vương có cái lòng của vị vua cao quý nhất trên đời, cho nên mặc dầu là sứ thần của Ngụy, thần đã mượn cờ tiết của nước Ngụy để qua nước Yên và được nước Yên xét đến. Tiên Vương cất nhắc thần vượt bực cho ở vào hàng tân khách, cho đứng ở trên quần thần, không bàn với cha, anh, cho thần làm á khanh. Thần trộm tự biết mình vâng lệnh trên, nghe theo lời dạy, có thể may mà được vô tội (4). Cho nên nhận được mệnh mà không dám từ chối. Tiên vương dạy “ Ta có oán thù sâu sắc, chồng chất đối với nước Tề ”. Thần nói: “ Nước Tề, kế thừa cái cơ nghiệp để lại của một nước bá, lại là nước trước kia đánh thắng tất cả, giỏi về việc binh, quen việc chiến đấu, tấn công. Nếu nhà vua muốn đánh Tề thì thế nào cũng phải cùng thiên hạ mưu việc ấy. Muốn cùng thiên hạ mưu việc ấy thì không gì bằng liên kết với nước Triệu. Vả lại, đất Hoài Bắc và đất Tống là những đất mà các nước Sở và Ngụy đều muốn (5).Nếu Triệu bằng lòng mà ta lại giao ước với bốn nước đánh Tề, thì có thể đánh bại được Tề ”. Tiên vương cho là phải, trao cho thần phù, cờ tiết, phía Nam sai đi sứ thần ở Triệu. Khi thần về phụng mệnh thì liền đem binh đánh Tề.
Nhờ đạo trời, nhờ uy linh của tiên vương, đất Hà Bắc theo tiên vương. Sau đó đem quân đến sông Tế. Quân ở Tế được lệnh bèn đánh quân Tề thua to. Đem quân tinh nhuệ đuổi theo mãi đến nước Tề. Vua Tề bỏ trốn chạy vào thành Cử chỉ thoát được thân. Còn châu ngọc, của cải, xe cộ, binh khí, đồ quý báu hết thảy đều bị đưa về Yên. Đồ tế lễ của Tề bày ở điện Ninh Đài, chuông Đại Lữ bày cung Nguyên Anh, vạc cũ (6) lại về cung Ma Thất, trúc sông Vấn đem về trồng ở Kế Khâu (7). Từ thời Ngũ Bá đến nay không có ai công lớn bằng tiên vương.
Tiên vương cho là thực hiện được cái chí của mình nên cắt đất phong, khiến cho thần có thể được sánh với nước chư hầu nhỏ bé (8). Thần trộm không biết tự mình, cho rằng mình vâng lệnh, nghe lời dạy có thể may mà được vô tội, cho nên nhận mệnh trên mà không từ. Thần nghe nói vị vua thánh hiền lập được công mà công không bị bỏ, cho nên được phép vào Xuân thu, kẻ sĩ biết nhìn trước làm nên danh mà cái danh không bị mất, cho nên được đời sau khen. Như tiên vương báo oán, rửa cái sỉ nhục của mình, san phẳng được cái nước mạnh có vạn cỗ xe, thu của cải tích luỹ tám trăm năm đến ngày rời bỏ quân thần, lời giáo huấn sót lại vẫn còn chưa phai. Kẻ bày tôi cầm quyền giữ chức vụ trau dồi pháp lệnh, cẩn thận đối với dân chúng, uy đức lan đến cả những người tôi tớ Những điều đó đều có thể dạy đời sau.
Thần nghe kẻ mở đầu tốt chưa chắc đã có kết quả tốt. Ngày xưa Ngũ Tử Tư nói được Hạp Lư nghe nên dấu chân vua Ngô đi xa đến tận thành Sính. Phù Sai thì không thế, cho xác ông ta vào cái túi da ngựa và thả trôi trên sông Giang. Vua Ngô không hiểu theo lời bàn của Tử Tư có thể lập được công, nên dìm xác Tử Tư mà không hối hận. Tử Tư không biết nhìn trước nhà vua không cùng bàn bạc với mình để đến nỗi vào sông Giang mà không được giải thoát (9).
Thần khỏi tội, lập nên công trạng để làm sáng cái dấu vết của tiên vương, đó là cái kế cao nhất của thần. Mắc phải việc gièm pha, nhục nhã làm hỏng mất cái danh của tiên vương đó điều thần rất sợ.
Đã chịu cái tội không thể lường được, may được lợi mà thoát khỏi, nhưng thần mang nặng ân nghĩa của tiên vương, thần tuy ở nước ngoài mà lòng vẫn không rời bỏ nước Yên.
Thần nghe nói “ Người quân tử ngày xưa tuy không đi lại với nhau nữa nhưng cũng không nói xấu nhau, kẻ trung thần bỏ nước ra đi không nên chê bai vua để sạch cái danh ”. Thần tuy bất tài cũng đã từng được học với người quân tử. Thần sợ những người hầu hạ thân cận với nhà vua, những người xung quanh nói, không xét cái cách cư xử của thần ở nơi xa xôi, nên mạo muội dâng thư cho nhà vua biết. Xin nhà vua lưu ý cho ”.
Yên Vương bèn cho con của Nhạc Nghị là Nhạc Can lại làm Xương Quốc Quân. Còn Nhạc Nghị lại đi lại với nước Yên. Nước Yên và nước Triệu đều cho Nghị làm khách khanh. Nhạc Nghị chết ở Triệu.
Nhạc Can sống ở Yên hơn ba mươi năm. Yên Vương là Hỷ dùng kế của tướng quốc là Lật Phúc muốn đánh Triệu, hỏi Xương Quốc Quân Nhạc Can. Nhạc Can nói:
– Triệu là nước phải đánh với địch cả bốn mặt (10). Dân ở đấy quen việc binh. Không thể đánh. Yên Vương không nghe, đánh Triệu. Triệu sai Liêm Pha đánh, phá tan quân của Lật Phúc ở Hao, bắt sống Lật Phúc, Nhạc Thừa. Nhạc Thừa lại họ hàng với Nhạc Can.
Nhạc Can bèn bỏ trốn sang nước Triệu. Nước Triệu vây nước Yên. Nước Yên lại phải cắt đất cho Triệu để giảng hoà, Triệu mới rút quân về. Vua Yên hối hận không dùng Nhạc Can. Vì Nhạc Can đã ở Triệu, nhà vua bèn gửi cho Nhạc Can, bức thư nói:
“ Trong thời của Trụ, Cơ Tử không được dùng, nhưng vẫn can gián mãi không thôi, hy vọng nhà vua sẽ nghe mình. Thương Dung không được vua nghe, thân mình bị nhục, mong chờ nhà vua thay đổi. Đến khi nước loạn, lòng dân ly tán hướng về nước ngoài, các quan cầm quyền chính bỏ pháp luật, hai người mới rút lui về ở ẩn. Cho nên mặc dầu chịu cái nạn của vua Kiệt bạo ngược, hai người vẫn không mất cái tiếng là trung là thánh. Tại sao ? Vì họ hết lòng lo lắng vậy. Nay quả nhân tuy ngu nhưng không tàn bạo như vua Trụ, dân nước Yên tuy loạn nhưng không đến nỗi tệ hại quá như dân nhà Ân. Trong nhà có lời qua tiếng lại không nên nói hết với làng bên cạnh. Về hai điều trên, quả nhân không cho ông làm là đúng ”. Nhạc Can và Nhạc Thừa oán vua Yên không nghe theo kế của mình, rốt cuộc ở lại nước Triệu. Triệu phong Nhạc Thừa làm Vũ tướng quân. Năm sau Nhạc Thừa, Liêm Pha vì Triệu vây Yên. Yên đem lễ hậu đến để xin giảng hoà, sau đó quân Triệu mới về. Năm năm sau, Hiếu Thành Vương nước Triệu mất, Tương Vương sai Nhạc Thừa thay Liêm Pha, Liêm Pha đánh Nhạc Thừa, Nhạc Thừa bỏ chạy. Liêm Pha bỏ trốn sang nước Ngụy. Sau đó mười sáu năm, nước Tần diệt Triệu (năm 228 trước Công nguyên). Hai mươi năm sau, Cao Đế đi qua Triệu hỏi Nhạc Nghị có con cháu gì không
Người ta trả lời: – Có Nhạc Thúc.
Cao Đế phong cho Thúc huyện Nhạc Hương, hiệu là Hoa Thành Quân. Hoa Thành Quân là cháu Nhạc Nghị. Dòng họ Nhạc có Nhạc Hà Công, Nhạc Thần Công. Khi nước Triệu bị nước Tần diệt, họ trốn sang Tề vào thành Cao Mật. Nhạc Thần Công thích theo đạo Hoàng Đế, Lão Tử, nổi tiếng ở Tề, được gọi là “ hiền sư ”.
Thái Sử Công nói:
– Kể từ Khoái Thông cho đến Chủ Phụ Yên nước Tề đọc bức thư Nhạc Nghị gửi vua Yên đều không lần nào không gấp thư lại mà khóc. Nhạc Thần Công học đạo Hoàng Đế, Lão Tử, ông thầy chính của ông ta gọi là “ Hà thượng trượng nhân ”. Nguồn gốc của người này không rõ ở đâu.
“ Hà thượng trượng nhân ” dạy An Kỳ Sinh; An Kỳ Sinh dạy Mao Hấp Công; Mao Hấp Công dạy Nhạc Hà Công; Nhạc Hà Công dạy Nhạc Thần Công; Nhạc Thần Công dạy Cái Công; Cái Công dạy ở đất Cao Mật và Giao Tây tại nước Tề, làm thầy học của tướng quốc Tào Tham.
……………………………………….
(1). Yên Chiêu Vương hỏi Quách Ngỗi: “ Quả nhân nước hẹp, dân ít, quân Tề lấy tám thành ở kề, quân Hung Nô ruổi ngựa ở dưới thành Lâu Phiền, quả nhân là người kém cỏi được thờ tôn miếu, sợ xã tắc bị nguy, có cách gì bảo tồn xã tắc không ?”. Ngỗi nói: “ Bầy tôi của các đế bề ngoài là tôi, nhưng thực là bạn, bầy tôi của các bá tên là tôi nhưng thực là tôi tớ, bầy tôi của một người bị nguy khốn tên là tôi nhưng thực ra là tù. Nhà vua nghe theo cho Ngỗi làm thượng khách.
(2). Ý nói Dẫn Vương là con cháu Tề Hoàn Công. Hoàn Công làm bá chư hầu, đầu tiên trong số Ngũ Bá.
(8). Kinh đô của Tề.
(4). Nhạc Nghị khi nói đến mình chỉ dùng chữ vô tội còn quy tất cả công lao cho nhà vua.
(5). Sở muốn lấy đất Hoài Bắc, Ngụy muốn lấy đất Tống. Cả hai miền này đều thuộc Tề.
(6). Trước kia vạc của Yên bị Tề lấy.
(7). Ý nói biên giới của Yên mở rộng. Kế Khâu là kinh đô của Yên. Vấn Thủy là sông của nước Tề.
(8). Nhạc Nghị được phong làm Xương Quốc Quân.
(9). Ý nói Tử Tư oán giận vua Ngô nên tuy chết rồi nhưng vẫn vương vất trên sông Giang. Các nhà phê bình đời sau khen lời thư trung hậu, không khoe công trạng, không oán trách vua. Chỉ nói vì thế bức mà phải trốn, luôn luôn nhận tội của mình.
(10). Triệu là nước không có biên giới hiểm trở, phía Đông là Yên, phía Tây là Tần và Lâu Phiền, phía Nam là Hàn, Ngụy, phía Bắc là Hung Nô.
o0o
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.