Sử Ký Tư Mã Thiên

Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện



T rương Nhĩ, người thành Đại Lương, lúc nhỏ làm tân khách ở nhà công tử nước Ngụy là Vô Kỵ. Trương Nhĩ có lần trốn đi chơi Ngoại Hoàng. Ở Ngoại Hoàng có người con gái nhà giàu rất đẹp, lấy một người chồng đầy tớ tầm thường. Liền trốn chồng về nhà người khách của cha. Người khách của cha cô vốn biết Trương Nhĩ, bèn nói với người con gái:

– Nếu cô muốn tìm người chồng tài giỏi thì hãy theo Trương Nhĩ!

Người con gái nghe theo. Sau đó người khách của chacô ta bèn giúp cô ta bỏ đứt chồng và lấy Trương Nhĩ. Trương Nhĩ bây giờ thoát khỏi cảnh nghèo, đi chơi. Nhà người con gái đối đãi chu cấp cho Trương Nhĩ rất hậu. Trương Nhĩ nhờ thế có thể làm cho khách ở xa ngàn dặm đến nhà. Ông bèn làm quan lệnh ở Ngoại Hoàng danh tiếng từ đó càng nổi.

Trần Dư cũng là người Đại Lương, thích Nho thuật,hay đi chơi đất Khổ Hình ở Triệu. Có người giàu là họ Công Thừa gả con gái cho. ông ta cũng biết Trần Dư không phải là con người tầm thường. Dư ít tuổi, xem Trương Nhĩ như cha, hai người làm bạn sống chết có nhau.

Khi nhà Tần diệt Đại Lương thì nhà Trương Nhĩ ở Ngoại Hoàng. Cao Tổ lúc còn là kẻ áo vải thường hay đến làm du khách ở nhà Trương Nhĩ, ở đấy mấy tháng. Khi nhà Tần đã diệt được nước Ngụy mấy năm, nghe tin hai người này là hai danh sĩ ở Ngụy, bèn trao giải thưởng người nào bắt được Trương Nhĩ thì thưởng ngàn lạng vàng, bắt được Trần Dư thì thưởng năm trăm lạng. Trương Nhĩ, Trần Dư đổi tên họ cùng đến Trần làm người giữ cổng làng để kiếm ăn. Hai người cãi nhau, viên lại trong làng đi qua, liền lấy roi đánh Trần Dư. Trần Dư muốn đứng dậy. Trương Nhĩ dẫm vào gót chân bảo Dư cứ chịu đòn đi. Viên lại ra đi,Trương Nhĩ bèn kéo Trần Dư xuống gốc cây dâu mà trách, nói:

Lúc đầu tôi nói với anh như thế nào? Nay mới bị một cái nhục mà muốn giết viên lại sao?

Trần Dư cho là phải.

Tần ban chiếu tìm hai người. Hai người trái lại dùng chức giữ cổng để ra lệnh trong làng.

Trần Thiệp nổi lên ở đất Kỳ, khi vào đất Tần thì số quân đã vài vạn. Trương Nhĩ, Trần Dư đến yết kiến Trần Thiệp. Trần Thiệp và các quan hầu ngày thường đã nhiều lần nghe nói Trương Nhĩ, Trần Dư là người hiền nhưng chưa gặp mặt. Nay được gặp, họ rất mừng. Các bậc hào kiệt và những người già cả ở đất Trần bảo với Trần Thiệp:

Tướng quân thân hành mang áo giáp, cầm binh khí,dẫn đầu binh sĩ để đánh nhà Tần bạo ngược, dựng lại xã tắc nước Sở, dựng lại cái nước đã mất, nối lại dòng dõi đã bị đứt, công đức đáng làm vua. Vả chăng, cai quản các tướng trong thiên hạ, nếu không làm vua thì không được. Xin tướng quân tự lập làm vua nước Sở.

Trần Thiệp hỏi hai người. Hai người đáp:

Nhà Tần làm việc vô đạo, phá nước nhà người ta, diệt xã tắc của người ta, cắt đứt dòng dõi người ta, làm cho trăm họ mệt sức hết của. Tướng quân trợn mắt, cả gan xông vào nơi muôn chết không để ý đến một sống, vì thiên hạ trừ bọn tàn bạo. Nay tướng quân mới đến đất Trần mà đã tự xưng làm vua, tức là nêu rõ với thiên hạ rằng mình nghĩ đến điều riêng. Xin tướng quân chớ có làm vua, mau mau đem binh đi về hướng Tây sai người lập con cháu sáu nước để dựng bè đảng cho mình. Như thế nhà Tần càng thêm nhiều kẻ địch.Quân địch của Tần đông thì sức của nó bị chia. Cùng mưu với nhiều người thì binh lực mạnh. Như vậy ở ngoài đồng không gặp cảnh binh sĩ đánh nhau, trong các huyện thì không ai giữ thành, tướng quân diệt nhà Tần bạo ngược,chiếm lấy Hàm Dương và ra lệnh cho chư hầu. Chư hầu trước đây đã mất nay lại được lập lên. Tướng quân dùng đức để làm cho họ phục, như thế có thể làm nên cơ nghiệp đế vương. Nay tướng quân một mình xưng vương ở Trần, tôi sợ thiên hạ tan rã mất.

Trần Thiệp không nghe theo bèn tự lập làm vua. Trần Dư lại thuyết phục Trần Vương nói:

Đại vương đem binh của Lương Sở đi về hướng Tây, cốt vào Quan Trung nhưng chưa kịp lấy Hà Bắc. Tôi thường đi chơi ở đất Triệu, biết những người hào kiệt và địa thế ở đấy Xin nhà vua cho tôi một đạo kỳ binh(1), đi về phía Bắc lấy đất Triệu.

Trần Vương bèn cho người bạn thân của mình là Vũ Thần, người đất Trần, làm tướng quân, Thiệu Tao làm hộ quân, Trương Nhĩ và Trần Dư là tả hiệu úy và hữu hiệu úy cùng ba nghìn quân để đi về phía Bắc lấy đất Triệu. Bọn Vũ thần đi từ bến Bạch Mã, vượt qua sông Hà, đến các huyện thuyết phục những người hào kiệt ở đấy, nói:

Nhà Tần theo lối chính sự bạo ngược, hình phạt tàn khốc để giết hại thiên hạ đã mấy mươi năm nay; phía Bắc phải đi Trường thành, phía Nam phải đi đồn thú ở Ngũ Lĩnh,trong ngoài nháo nhác, trăm họ mỏi mệt rã rời, cứ theo đầu người mà nộp thóc, vơ vét để cung cấp quân phí. Tiền của hết, sức dân kiệt không sống nổi. Đã thế lại còn thêm pháp luật hà khắc, hình phạt nặng, làm cho cha con trong thiên hạ không thể sống yên. Trần Vương hăng hái nổi lên vì thiên hạ mở đầu, làm vương đất Sở, đất vuông hai ngàn dặm,không ai không hưởng ứng. Nhà nào cũng vì mình mà nổi dậy, người nào cũng vì mình mà đánh, báo oán cho mình, và tấn công quân thù của mình. Các huyện giết quan lệnh, các quận giết quan thú và quan úy. Nay đã nên danh hiệu “Đại Sở”, làm vương ở Trần(2), sai Ngô Quảng, Chu Văn cầm trăm vạn quân đi về hướng Tây đánh Tần. Gặp thời cơ này mà không làm nên sự nghiệp phong hầu thì không phải là con người hào kiệt. Xin các vị thử bàn tính xem: thiên hạ đồng tâm và khổ sở vì nhà Tần đã lâu rồi. Dùng sức mạnh của thiên hạ mà đánh ông vua vô đạo, trả thù cho cha anh để lập nên cái sự nghiệp được cắt đất phong hầu, đó chính là thời cơ của kẻ sĩ ngày nay.

Các hào kiệt đều cho là phải. Bọn Vũ Thần bèn tập hợp binh sĩ được vài vạn người, gọi Vũ Thần là vũ Tín Quân lấy được hơn mười thành của đất Triệu. Những thành còn lại đều cố giữ không chịu đầu hàng. Bọn Vũ Thần bèn đem quân đi về phía Đông Bắc đánh Phạm Dương. Khoái Thông người đất Phạm Dương đến du thuyết viên lệnh ở Phạm Dương như sau:

Tôi trộm nghe ngài sắp chết cho nên đến điếu. Tuy vậy tôi mừng ngài gặp được Thông nên sống.

Viên lệnh ở Phạm Dương hỏi:

Tại sao lại điếu?

Pháp luật nhà Tần rất nặng, túc hạ làm quan lệnh ở Phạm Dương đã mười năm nay, ngài giết cha người ta, làm cho con người ta thành mồ côi, chặt chân người ta, khắc chữ vào mặt người ta không kể xiết. Những người cha nhân từ,những người con hiếu vẫn không ai dám đâm mũi nhọn vào giữa bụng ngài, chỉ vì họ sợ pháp luật nhà Tần mà thôi. Nay thiên hạ gặp loạn lớn, pháp luật nhà Tần không được thi hành. Như vậy thì những người cha nhân từ, những ngườicon có hiếu sẽ đâm mũi nhọn vào bụng ngài để lập nên cái danh tiếng của mình, vì thế cho nên tôi đến điếu ngài. Nay chư hầu phản lại nhà Tần, binh của Vũ Tín Quân sắp đến mà ngài lại cố giữ thành Phạm Dương, những người trai tráng đều tranh nhau giết ngài để đầu hàng Vũ Tín Quân.

Ngài hãy mau mau sai tôi đến gặp Vũ Tín Quân thì dịp này có thể chuyển vạ thành phúc đấy.

Viên lệnh ở Phạm Dương bèn sai Khoái Thông đến yết kiến Vũ Tín Quân. Khoái Thông nói:

Nếu túc hạ đòi phải đánh cho thắng rồi sau đó mới cướp đất, phải phá được thành rồi sau đó mới lấy thành thì tôi cho là sai. Nếu ngài biết nghe mưu kế của tôi thì có thể không tấn công mà làm cho thành phải đầu hàng, không đánh mà cướp được đất, chỉ truyền hịch cũng sẽ bình định được ngàn dặm. Như thế được không?

Vũ Tín Quân nói:

Như thế nghĩa là thế nào? Khoái Thông nói:

Hiện nay viên lệnh ở Phạm Dương thế nào cũng phải chỉnh đốn binh sĩ để giữ thành và chiến đấu. ông ta nhút nhát sợ chết, nhưng lại xem trọng việc giàu sang, cho nên muốn đầu hàng trước mọi người nhưng lại sợ ngài cho ông ta là viên quan lại do nhà Tẩn đặt ra nên sẽ giết ông ta như ngài đã giết quan lại mười thành trước đây. Ngày nay, những người trai ở Phạm Dương cũng đang muốn giết viên lệnh của mình để lấy thành mà chống lại ngài. Tại sao ngài lại không trao cho tôi ấn tước hầu để phong cho viên lệnh ở Phạm Dương? Nếu làm thế thì viên lệnh ở Phạm Dương sẽ đem thành đầu hàng ngài, những người trai tráng cũng không dám giết viên lệnh của mình. Thế rồi ngài ra lệnh cho viên lệnh ở Phạm Dương đi cái xe bánh đỏ có trục xe phạm,bảo ông ta ruổi ngựa ở ngoài thành đất Yên, đất Triệu. Những người ở ngoài thành đất Yên, đất Triệu thấy ông ta đều sẽ nói: “Đó là viên huyện lệnh ở Phạm Dương đầu hàng trước đấy”. Thế thì họ sẽ mừng, ngài có thể không đánh mà khiến các thành ở Yên và Triệu đầu hàng. Tôi nói truyền hịch mà bình định được ngàn dặm là như thế đấy.

Vũ Tín Quân nghe theo kế của Khoái Thông, bèn sai Khoái Thông đưa cho viên lệnh ở Phạm Dương ấn tước hầu. Đất Triệu nghe vậy có hơn ba mươi thành không đánh mà đầu hàng.

Khi quân đến Hàm Đan, Trương Nhĩ, Trần Dư nghe tin quân của Chu Chương đã vào cửa ải, nên đến đất Hỉ rồi rút lui, lại nghe nhiều viên tướng đã giúp Trần Vương lấy đất bị gièm pha mà phải tội chết, oán Trần Vương không dùng mưu kế của mình, không cho mình làm tướng lại cho làm hiệu úy, bèn nói với Vũ Thần:

Trần Vương nổi lên ở đất Kỳ, đến đất Trần thì xưng vương; không muốn lập con cháu sáu nước. Nay tướng quân với ba nghìn quân đã hạ được hơn mấy chục thành của nước Triệu, lại chỉ cần lẩn lút ở phía Bắc sông Hà, nếu tướng quân không xưng vương thì còn ai làm. Vả chăng Trần . Vương nghe những lời gièm pha, nếu tướng. Quân quay về báo, tôi sợ tướng quân sẽ không thoát khỏi họa, không bằng lập một nước anh em với Sở, nhưng không lập ngay con cháu nước Triệu. Tướng quân chớ có bỏ thời cơ, thời cơ qua nhanh không chờ đợi được.

Vũ Thần bèn nghe theo, tự xưng là Triệu Vương, cho Trần Dư làm đại tướng quân. Trương Nhĩ làm hữu thừa tướng, Thiệu Tao làm tả thừa tướng và sai người báo với Trần Vương. Trần Vương cả giận, muốn giết tất cả nhà của bọn Vũ Thần và đem binh đánh Triệu. Tướng quốc của Trần Vương là Phòng Quân can:

Nhà Tần chưa mất mà nhà vua lại giết cả nhà bọn Vũ Thần, như thế tức là gây ra một nước Tần thứ hai. Không bằng nhân đấy mà chúc mừng ông ta, sai ông ta mau mau đem binh về hướng Tây đánh Tần.

Trần Vương cho là phải, theo kế của Phòng Quân, dời gia đình của bọn Vũ Thần vào trong cung, phong cho con Trương Nhĩ là Ngao làm Thành Đô Quân. Trần Vương sai sứ giả đến chúc mừng Triệu, giục Triệu mau mau đem binh đi về hướng Tây vào Quan Trung. Trương Nhĩ, Trần Dư nói với Vũ Thần:

Nhà vua làm vua ở Triệu không phải là ý nước Sở muốn thế, mà chỉ dùng mưu kế để chúc mừng nhà vua đấy thôi. Một khi Sở đã diệt xong nhà Tần thì thế nào nó cũng đem binh đến đánh nước Triệu. Xin nhà vua chớ đem binh đi về hướng Tây. Hãy đem binh đi về hướng Bắc lấy các nước Yên, Đại; đi về hướng Nam lấy Hà Nội để mở rộng đất đai của mình. Nước Triệu phía Nam có sông Hà rộng, phía Bắc có đất Yên, đất Đại, thì nước Sở dù có thắng được nước Tần đi nữa cũng không dám khống chế nước Triệu.

Triệu Vương cho là phải bèn không đem binh sĩ về hướng Tây, mà sai Hàn Quảng cướp lấy đất Yên, Lý Lương cướp lấy đất Thượng Đảng. Hàn Quảng đến đất Yên, người Yên nhân đấy lập Quảng làm Yên Vương. Triệu Vương bèn cùng Trương Nhĩ, Trần Dư đi về phía Bắc cướp đất ở biên giới nước Yên. Triệu Vương bất ngờ đi ra bị quân Yên bắt được Tướng Yên bỏ tù Triệu Vương, muốn cùng Triệu Vương chia đôi đất Triệu mới trả Triệu Vương về. Sứ giả Triệu đến, viên tướng quốc nước Yên liền giết chết để đòi dết.

Trương Nhĩ, Trần Dư lo lắng. Có người lính làm việc nấu ăn nói với những người trong nhà:

Tôi xin vì nhà vua thuyết phục tướng Yên rồi sẽ cùng Triệu Vương lên xe về nhà. Những người trong nhà đều cười nói:

Sứ giả đến hơn mười người đều bị giết. Mày làm thế nào có thể đưa nhà vua về được?

Anh ta liền bỏ chạy sang thành nước Yên. Viên tướng nước Yên tiếp anh ta. Anh ta hỏi viên tướng:

Ông có biết tôi muốn điều gì không?

Mày muốn đưa vua Triệu về mà thôi.

Ông cho Trương Nhĩ, Trần Dư là người như thế nào?

Là người hiền.

Ông biết chí họ muốn điều gì không?

Họ muốn nhà vua về chứ gì?

Thế thì ông vẫn chưa biết hai người ấy muốn gì? Vũ Thần, Trương Nhĩ, Trần Dư vẫy roi ngựa lấy được mấy mươi thành của Triệu. Họ người nào cũng muốn ngoảnh mặt về hướng Nam mà làm vua, há chỉ muốn làm khanh, tướng cho trọn đời mình đâu! Phàm việc làm tôi người ta với làm vua người ta là khác nhau một vực một trời. Chẳng qua vì tình thế mới ổn định nên chưa dám chia ba làm vương, cho nên theo thứ tự lớn nhỏ trước tiên lập Vũ Thần làm vương để giữ lòng dân Triệu. Bây giờ đất Triệu đã theo, hai người này cũng muốn chia đất Triệu để làm vương, nhưng thời cơ chưa làm được đấy thôi. Nay ngài lại bỏ tù Triệu Vương, hai người kia về mặt danh nghĩa thì xin Triệu vương, nhưng thực ra muốn nước Yên giết ông ta đi. Hai người này sẽ do đó chia nước Triệu, tự lập làm vua. Mới chỉ có một nước Triệu mà nó đã coi thường nước Yên, lương gì có hai vị vua hiền, giúp nhau lại bắt tội ngài về cái tội giết vua thì việc tiêu diệt nước Yên là rất dễ.

Viên tướng nước Yên cho là phải, bèn thả Triệu Vương.

Người lính làm bếp đánh xe cho vua Triệu trở về.

Sau khi Lý Lương đã bình định được Thường Sơn trở về báo tin, Triệu Vương lại sai Lương đi lấy Thái Nguyên, Lương đến Thạch ấp, quân Tần chặn ở Tỉnh Hình, Lương chưa tiến lên được. Tướng Tần giả vờ nói Nhị Thế sai người đưa cho Lý Lương bức thư không dán, nói Lương trước kia đã từng thờ ta rất được yêu quý, nếu Lương có thể phản lại nước Triệu, theo Tần, thì sẽ tha tội và tôn quý Lương. Lương nhận được thư nghi ngờ không tin, bèn quay về Hàm Đan xin thêm binh sĩ. Lương chưa đến Hàm Đan, đi giữa đường, gặp người chị của Triệu Vương đi ra uống rượu, có hơn một trăm quân y đi theo. Lý Lương đằng xa nhìn thấy, cho đó là Triệu Vương, bèn nằm rạp bên đường để yết kiến. Người chị của Triệu Vương say không biết đó là viên tướng của Triệu Vương, bèn sai quân kỵ từ tạ Lý Lương. Lý Lương vốn là người sang, đứng dậy, mắng những viên quan theo hầu.

Trong số này có một người nói:

Thiên hạ làm phản nhà Tần, ai có tài thì được lập trước. Vả lại, Triệu Vương vốn là người ở dưới quyền tuông quân, nay một người đàn bà mà lại không xuống xe chào tướng quân. Xin tướng quân đuổi theo giết đi.

Lý Lương đã nhận được thư của Tần, muốn phản lại nước Triệu nhưng chưa quyết định. Nhân việc đó, Lý Lương nổi giận sai người đuổi theo giết người chị của Triệu Vương ở giữa đường, rồi cẩm quân đánh úp, Hàm Đan không kịp phòng bị. Lý Lương giết Vũ Thần, Thiệu Tao. Nhiều người nước Triệu là tai mắt của Trương Nhĩ, Trần Dư,

cho nên hai người trốn thoát, tập hợp binh sĩ được vài vạn người. Có người khách nói với Trương Nhĩ:

Hai ông là những người lữ khách muốn giúp Triệu thì khó mà đứng một mình được. Các ông hãy tập hợp con cháu vua Triệu, lấy nghĩa để phò họ thì có thể thành công. Hai người bèn tìm được Triệu Yết, lập làm Triệu Vương đóng ở Tín Đô. Lý Lương tiến quân đánh Trần Dư. Trần Dư đánh Lý Lương thua to. Lý Lương bỏ chạy về với Chương Hàm. Chương Hàm đem binh đến Hàm Đan. Hai người sai dời dân ở đấy đi Hà Nội, san phẳng thành quách. Trương Nhĩ và Triệu Vương Yết chạy vào thành Cự Lộc. Vương Ly vây thành, Trần Dư đi về phía Bắc tập hợp binh sĩ ở Thường Sơn được vài vạn người, đóng quân ở phía Bắc Cự Lộc.

Chương Hàm đóng quân ở phía Nam Cự Lộc, trên cánh đồng Nam Cực, xây đường ống đến sông Hà để vận chuyển lương thực cho Vương Ly. Vương Ly binh sĩ và lương thực đều nhiều, đánh Cự Lộc rất gấp. ở trong thành Cự Lộc binh ít,lương hết, Trương Nhĩ mấy lần sai người đến bảo Trần Dư tiến quân. Trần Dư tự nghĩ quân của mình ít, không đánh lại được quân Tần nên không dám tiến. Tình hình kéo dài mấy tháng. Trương Nhĩ cả giận oán Trần Dư, sai Trương Yêm, Trần Thích đến trách Trần Dư:

Trước kia ta cùng ông làm bạn sống chết cùng có nhau. Nay nhà vua và Nhĩ sớm chiều sẽ chết, thế mà ông cầm quân mấy vạn mà không chịu cứu. Như thế làm sao có thể tin rằng cùng chết với nhau được? Tại sao ông không xông vào quân Tần, cùng nhau chịu chết, như thế ngõ hầu còn có hy vọng cùng sống trong muôn một.

Trần Dư nói:

Tôi tính tiến quân thì cũng không thể cứu được Triệu, mà chỉ mất hết quân. Và lại; sở dĩ Dư này không cùng chết là vì muốn báo thù cho Triệu Vương và Trương Quân. Nay nếu chúng ta cùng chết thì cũng như ném thịt cho hổ đói,phỏng có ích gì?

Trương Yên, Trần Thích nói:

Tình hình đã gấp lắm rồi, xin lấy việc cùng chết để nêu rõ tín nghĩa, còn biết việc tính toán sau này ra sao nữa!

Trần Dư nói:

– Tôi chết thì chỉ vô ích mà thôi, nhưng cũng xin theo như lời ông.

Bèn cho năm nghìn quân, sai Trương Yêm, Trần Thích thử quân Tần trước. Những người này đều bị diệt. Lúc bấy giờ các nước Yên, Tề, Sở nghe tin Triệu nguy cấp đều đến cứu Trương Ngao cũng tập hợp binh sĩ đất Đại ở phía Bắc được hơn vạn người đến. Tất cả đều xây lũy ở cạnh Trần Dư nhưng vẫn chưa dám đánh Tần. Quân của Hạng Vũ mấy lần cắt đứt đường ống của Chương Hàm. Quân của Vương Ly thiếu ăn. Hạng Vũ đem tất cả binh sĩ vượt Hoàng Hà và phá tan quân Chương Hàm. Chương Hàm bèn đem binh chạy. Quân các nước chư hầu mới dám đánh quân Tần đang vây Cự Lộc, rốt cục cầm tù được Vương Ly. Thiệp Nhàn tự sát, cuối cùng bảo tồn được Cự Lộc là do sức của nước Sở. Nhờ vậy Triệu Vương Yết và Trương Nhĩ mới ra khỏi thành Cự Lộc, cảm tạ chư hầu.

Trương Nhĩ gặp Trần Dư, trách Trần Dư không chịu cứu Triệu. Đến khi hỏi Trương Yêm, Trần Thích ở đâu, Trần Dư nổi giận nói:

Trương Yêm, Trần Thích bảo tôi thế nào cũng phải chết, nên tôi sai họ cầm năm nghìn quân để thử sức quân Tần trước. Họ đều chết không thể ra được.

Trương Nhĩ không tin cho là Trần Dư đã giết họ. Hỏi Trần Dư mấy lần. Trần Dư nổi giận nói:

Tôi không ngờ ông oán giận tôi sâu sắc đến thế. Có phải vì tôi tiếc không dám bỏ chức tướng quân đâu?

Trần Dư bèn cởi ấn trao cho Trương Nhĩ. Trương Nhĩ cũng kinh ngạc không dám nhận. Trần Dư đứng dậy đi ra nhà xí, có người khách nói với Trương Nhĩ:

Tôi nghe nói: “Trời cho mà không nhận thì sẽ mang vại” nay Trần tướng quân đã trao ấn cho ngài mà ngài không nhận thì trời sẽ bắt mang vạ đấy. Xin ngài nhận ngay đi.

Trương Nhĩ bèn mang ấn, thu bộ hạ của Dư, nhưng Trần Dư vẫn oán Trương Nhĩ không chịu nhường. Sau đó Trần Dư rảo bước đi ra. Trương Nhĩ bèn thu quân của Trần Dư. Trần Dư một mình cùng với vài trăm người trước đây ở dưới cờ vẫn quen thân, đi săn và đánh cá trong cái đắm trên sông Hoàng Hà. Từ đó giữa Trần Dư và Trương Nhĩ có sự hiềm khích.

Triệu Vương Yết lại ở Tín Đô, Trương Nhĩ theo Hạng Vũ và chư hầu vào Quan Trung. Năm thứ nhất, tháng hai nhà Hán, Hạng Vũ lập chư hầu, Trương Nhĩ vốn giao du rộng, nhiều người nói Trương Nhĩ với Hạng Vũ. Hạng Vũ cũng nhiều lần nghe Trương Nhĩ là người tài giỏi bèn chia đất Triệu, phong Trương Nhĩ làm Thường Sơn Vương, cai trị ở Tín Đô, đổi tên Tin Đô là Trương Quốc. Nhiều người khách của Trương Nhĩ nói với Hạng Vũ:

– Trần Dư và Trương Nhĩ hai người như một, đều có công ở đất Triệu.

Hạng Vũ thấy Trần Dư không theo Hạng Vũ vào Quan Trung, nghe tin Trần Dư ở huyện Nam Bì, liền phong cho Trần Dư ba huyện ở gần Nam Bì và đưa Triệu Vương là Yết đi làm Vua ở đất Đại. :

Trương Nhĩ về nước của mình, Trần Dư càng nổi giận nói:

Trương Nhĩ và ta công lao như nhau, nay Trương Nhĩ làm vua, mà một mình ta làm hầu, như thế là Hạng Vũ không công bình! Đến khi vua Tề là Điền Vinh phản lại nước Sở, Trần Dư bèn sai Hạ Duyệt đến nói với Điền Vinh:

Hạng Vũ là người cầm đầu thiên hạ nhưng không công bình, phong các tướng của mình ở những nơi tốt, còn dời vua cũ thì đi làm vua ở nơi đất xấu. Nay vua Triệu lại ở đất Đại, xin nhà vua cho tôi quân, tôi xin lấy huyện Nam Bì để làm hàng rào che chở cho nhà vua.

Điền Vinh muốn lập bê đảng ở Triệu để phản lại Sở bèn sai đem binh cho Trần Dư. Trần Dư nhân đấy đem tất cả quân ba huyện đánh úp Thường Sơn Vương Trương Nhĩ.

Trương Nhĩ bị thua bỏ chạy nhận thấy trong số chư hầu không thể theo ai, nói:

Hán Vương và ta là chỗ quen biết cũ, còn Hạng Vũ thì mạnh và lập ta(3), ta muốn theo Sở.

Cam Công nói:

Hán Vương vào Quan Trung, năm ngôi sao tụ tập ở Đông Tỉnh, Đông Tỉnh là phần của Tần(4) ai đến trước thì làm bá. Sở tuy mạnh nhưng đến sau thì thế nào cũng phải thuộc về Hán!

Vì vậy Trương Nhĩ chạy về với Hán Vương ,Hán Vương cũng quay về bình định Tam Tần, đang vây Chương Hàm ở Phế Khâu. Trương Nhĩ yết kiến Hán Vương,Hán Vương hậu đãi Trương Nhĩ. Sau khi đã đánh bại Trương Nhĩ, Trần Dư bèn thu lại đất Triệu, đón Triệu Vương ở Đại về làm Triệu Vương như cũ. Để tỏ lòng biết ơn Trần Dư, Triệu Vương lập Dư làm vương đất Đại: Trần Dư cho Triệu Vương yếu, nước Triệu lại mới bình định nên không về nước của mình ở lại giúp Triệu Vương, và sai Hạ Duyệt làm tướng quốc giữ đất Đại.Năm thứ hai nhà Hán, Hán Vương đi về hướng Đông đánh Sở, sai sứ giả nói với Triệu, muốn cùng Triệu đi về

Đông, Trần Dư nói:

Hán Vương có giết Trương Nhĩ thì tôi mới theo.

Hán Vương bèn tìm người giống Trương Nhĩ, chém và mang đầu đưa đến cho Trần Dư. Trần Dư bèn đem binh giúp Hán. Quân Hán bị thua to ở phía Tây Bành Thành, Trần Dư lại biết tin Trương Nhĩ chưa chết nên phản lại nhà Hán.

Năm thứ ba, sau khi Hàn Tín đã bình định đất Ngụy,Hán Vương sai Trương Nhĩ và Hàn Tín đánh phá đất Tỉnh Hình của Triệu, chém Trần Dư ở trên sông Chi Thủy, đuổi giết Triệu Vương Yết ở Tương Quốc. Hán Vương lập Trương Nhĩ làm Triệu Vương.

Năm thứ năm nhà Hán, Trương Nhĩ chết, được tặng tên thụy là Cảnh Vương. Con là Trương Ngao nối nghiệp,được lập làm Triệu Vương. Người con gái đầu của Cao Tổ là công chúa Lỗ Nguyên làm hoàng hậu của Triệu Vương Trương Ngao.

Năm thứ bảy nhà Hán, Cao Tổ từ Bành Thành đi qua Triệu. Triệu Vương sáng chiều cuốn bao tay lên, tự đưa đồ ăn cho nhà vua, rất cung kính, theo lễ của hàng con rể. Cao Tổ ngồi xổm mắng nhiếc, hết sức ngạo mạn khinh thường

Triệu Vương. Bọn tướng quốc nước Triệu là Quán Cao, Triệu Ngọ, hơn sáu mươi người là khách của Trương Nhĩ, vốn bình sinh là người chuộng khí tiết bèn nổi giận, nói:

Vua chúng ta là ông vua nhu nhược! Họ nói với nhà vua:

Những kẻ hào kiệt trong thiên hạ đều cùng nổi lên, ai có tài thì được lập trước, nay nhà vua thờ Cao Tổ rất cung kính mà Cao Tổ lại rất vô lễ, chúng tôi xin vì nhà vua mà giết Cao Tổ? Trương Ngao cắn ngón tay chảy máu, nói:

Tại sao các ông lại nói điều càn rỡ như vậy? Cha tôi trước mất nước, nhờ Cao Tổ nên được trở về nước của mình;ơn đức còn lại đến con cháu, tất cả chân tơ kẽ tóc đều nhờ sức của Cao Tổ. Xin các ông đừng có mở miệng nữa.

Bọn Quán Cao, Triệu Ngọ hơn mười người đều bảo nhau:

Thế là chúng ta trái! Vua chúng ta là người trung hậu không phản bội ơn đức. Nhưng bọn chúng ta nghĩa không chịu nhục, nay chúng ta giận Cao Tổ làm nhục vua chúng ta,cho nên mới giết ông ta, tại sao chúng ta lại làm nhơ bấn đến nhà vua? Nếu như việc thành, chúng ta sẽ về với nhà vua,còn việc bại thì sẽ một mmh chúng ta chịu mà thôi.

Năm thứ năm nhà Hán, Cao Tổ đi từ Đông Viên về,ghé qua nước Triệu. Bọn Quán Cao đặt người ở huyện Bách Nhân ở tường nhà xí muốn để rình giết.Cao Tổ đi qua muốn nghỉ lại, nhưng chột dạ hỏi:

Huyện này tên gì? .

Huyện Bách Nhân.

Cao Tổ nói:

Bách Nhân tức là bị người ta bức bách. Vì vậy Cao Tổ không ở lại mà đi ngay.

Năm thứ chín, một nhà có thù oán với Quán Cao biết mưu ấy bèn tâu lên. Nhà vua bắt tất cả bọn Triệu Vương,Quán Cao.

Hơn mười người đều tranh nhau tự đâm cổ chết. Quán Cao một mình nổi giận mắng họ:

Ai bảo các ông làm điều đó? Nay nhà vua thật không có liên quan gì, nhưng vẫn bị bắt; nếu các ông đều chết thì lấy ai để nói rằng nhà vua không làm phản.Bèn lên xe có ván che kín bốn phía cùng nhà vua đến Trường An. Cao Tổ trị tội Trương Ngao. Chiếu của nhà vua đưa ra nói:

Bầy tôi tân khách nước Triệu, ai dám theo nhà vua đều bị giết cả họ.

Bọn Quán Cao cùng người khách Mạnh Thư hơn mười người đều tự gọt đầu, xiềng cổ, làm nô lệ của nhà Triệu Vương, đi theo đến kinh đô. Quán Cao đến, khai rằng: – Chỉ một mình tôi làm điều đó, nhà vua thực không biết gì.

Viên lại quất mấy nghìn roi, nung sắt dùi vào thịt, thân hình Quán Cao không có chỗ nào lành, nhưng Quán Cao vẫn không nói khác. Lữ Hậu mấy lần nói Trương Vương lấy Lỗ Nguyên công chúa chắc không làm việc đó. Nhà vua nổi giận nói:

– Nếu Trương Ngao lấy được thiên hạ thì nó chê con gái của bà sao?

Nhà vua không nghe. Quan đình úy đem việc Quán Cao tâu lên. Nhà vua nói:

Đó là tráng sĩ? Có ai biết hắn thì lấy tình riêng mà hỏi xem. Tiết Công làm trung đại phu nói:

Nó là người cùng ấp với tôi, tôi vốn biết nó, đó là người trọng danh tiếng và tiết nghĩa của nước Triệu, không làm trái điều đã hứa.

Nhà vua sai Tiết Công cầm cờ tiết đến hỏi Quán Cao ở trước cái xe bằng tre. Quán Cao ngẩng đầu lên nói:

– Tiết Công đấy à?

Tiết Công an ủi Quán Cao vui vẻ như lúc bình sinh.Tiết Công nói chuyện với Quán Cao, hỏi Trương Vương quả thực có dự vào vụ ấy không. Quán Cao nói:

Nhân tình ai lại không yêu cha mẹ vợ con của mình? Nay ba họ của tôi đều bị khép vào tội chết, tôi há vì nhà vua mà coi thường cha mẹ của tôi sao! Nhưng nhà vua thật không làm phản, chỉ có một mình bọn chúng tôi làm mà thôi.

Quán Cao kể lại đầu đuôi đó là ý của mình, nhà vua không biết gì về việc ấy. Tiết Công vào báo lại tất cả. Cao Tổ bèn tha Triệu Vương, Cao Tổ khen Quán Cao là người hiền biết trọng lời mình đã hứa, sai Tiết Công nói dầu đuôi với

Quán Cao:

Trương Vương được thả ra, nhân đấy tha cho Quán Cao.

Vua tôi được ra à? Tiết Công nói:

Phải.

Hoàng đế khen túc hạ cho nên tha túc hạ! Quán Cao nói:

Tôi sở dĩ không liều chết cái thân tàn này là chỉ vì muốn chứng tỏ Trương Vương không làm phản. Nay nhà vua được ra, chức trách của tôi đã trọn, tôi chết không oán hận. Vả chăng, làm tôi mà mang lấy cái tiếng giết vua thì còn mặt mũi nào mà thờ hoàng đế nữa. Dù cho hoàng đế không giết tôi thì tôi chẳng thẹn trong lòng mình hay sao?

Bèn ngẩng dầu lên thắt cổ mà chết. Trong thời bấy giờ, danh tiếng Quán Cao vang dội khắp thiên hạ.

Trương Ngao sau khi được ra, nhờ lấy Lỗ Nguyên nên được phong làm Tuyên Bình Hầu. Cao Tổ khen những người khách tự xiềng cổ làm nô lệ theo Trương Vương vào Quan Trung là những người hiền, nên đều cho làm tướng quốc của chư hầu, hay quan thú ở các quận. Đến thời Hiếu Huệ, Cao Hậu, Văn Đế, Hiếu Cảnh con cháu những người khách của Trương Vương đều được làm quan lương hai nghìn thạch.Trương Ngao chết năm thứ sáu thời Cao Hậu. Người con là Yến nhờ mẹ là con gái Lữ Hậu cho nên được Lữ Hậu phong làm Lỗ Nguyên Vương. Nguyên Vương yếu đuối, anh em ít.Lữ Hầu lại phong hai người anh em cùng cha khác mẹ của Trương Ngao là Trương Thọ làm Nhạc Xương Hầu. Trương Xỉ làm Tín Đô Hầu. Khi Cao Hậu mất, họ Lữ vô đạo, các quan đại thần giết họ Lữ, phế truất Lỗ Nguyên Vương, cùng Nhạc Xương Hầu và Tín Đô Hầu. Khi Hiếu Văn Đế lên ngôi lại phong Trương Yến trước là Lỗ Nguyên Vương, làm Nam Cung Hầu để nối dõi họ Trương. Thái sử công nói:

– Người đời khen Trương Nhĩ, Trần Dư là người hiền.

Tân khách tôi tớ của họ đều là những bậc tuấn kiệt trong thiên hạ, đến ở nước nào cũng đều làm khanh tướng. Tuy vậy, Trương Nhĩ, Trần Dư khi còn nghèo hèn thì tin nhau,không coi cái chết vào đâu. Đến khi giữ nước tranh quyền,rốt cục lại giết lẫn nhau. Tại sao trước kia yêu nhau thành thật mà sau đấy lại phản nhau ác liệt như vậy? Há chẳng phải vì lợi sao? Danh dự tuý cao, tân khách tuy đông, nhưng con đường họ đi thì sai, so với Thái Bá và Quý Tử ở Diên Lăng(5) thì khác hẳn.

…………………………………………………..

(1). Đạo binh đánh quân địch lúc họ không đề phòng.

(2). Xem Trần Thiệp thêgia.

(3). Trương Nhĩ lưỡng lự không biết nên theo Hán Vương là nơi quan biết cũ, hay theo Hạng Vũ.

(4). Theo chiêm tinh cổ, bầu trời chia ra những khu vực khác nhau,mỗi khu ứng với một nước.

(5). Thái Bá và Ngu Trọng là con vua Thái Vương. Thái Vương muốn lập Quý Lịch làm vua. Thái Bá biết ý sang Kinh Man để nhường ngôi cho em, Ngu Trọng cũng theo anh đến đấy. Thái Vương lập người con thứ ba là Quý Lịch làm vua. Người Kinh Man lập Thái Bá làm vua tức Ngô Thái Bá. Quý Lịch là cha của Văn Vương nhà Chu.Quý Tử tức Quý Trát thời Xuân Thu. Quý Trát là con út của vua Ngô Thọ Mộng. Thọ Mộng thấy Quý Trát là người hiền, muốn lập làm thái tử. Quý Trát không nghe.

o0o


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.