Kinh Dịch Trọn Bộ

QUẺ TIỂU SÚC



Tốn trên; Kiền dưới

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ Tiểu súc[1], Tự quái nói rằng: Liền gần với nhau thì phải có sự nuôi chứa, cho nên tiếp đến quẻ Tiểu súc. Các vật gần liền là hợp, hợp tức là chứa. Lại, gần liền với nhau thì chí nuôi nhau, vì vậy quẻ Tiểu súc mới nối quẻ Tỵ. Súc tức là đậu, đậu thì là hợp. Nó là quẻ Tôn trên Kiền dưới, Kiền là vật ở trên, thế mà lại ở dưới Tốn. Ôi chứa đậu sự cứng mạnh, không gì bằng sự nhún thuận; bị sự nhún thuận chứa đậu, cho nên là súc. Nhưng mà Tốn thuộc về Âm, thể nó mềm thuận, chỉ biết dùng sự nhún thuận để làm cho mềm sự cứng mạnh, không phải sức nó có thể ngăn được. Đó là cách chứa còn nhỏ. Lại, hào Tư là một hào Âm, bị năm hào Dương đẹp lòng, được ngôi, tức là được đạo mềm thuận, có thể nuôi được chí ý của các hào Dương, cho nên là súc. Tiểu súc là lấy cái nhỏ mà chứa cái lớn, thì cái chứa hợp cũng nhỏ. Việc nó chứa hợp mà nhỏ, là vì nó thuộc về Âm. Lời Thoán chỉ lấy hào Sáu Tư chứa các hào Dương làm nghĩa thành quẻ, không nói đến hai thể của hai quẻ, ấy là chỉ nói điều trọng yếu hơn.

LỜI KINH

小畜亨, 密雲不雨, 自我西郊.

Dịch âm. – Tiểu súc hanh, mật vân bất vũ, tự ngã tây giao.

Dịch nghĩa. – Chứa nhỏ hanh thông, mây dầy không mưa, tự cõi tây ta.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Mây là khí của Âm Dương, hai khí đó giao nhau mà hoà hợp, thì nó chứa nhau, chắc lại thì thành ra mưa. Dương xướng lên, Âm hoạ theo, là thuận, nên mới hoà hợp. Nếu Âm xướng lên trước Dương, thì là không thuận, nên không hoà hợp, không hoà hợp thì không thể thành mưa. Mây tuy chứa hợp đã dầy mà không thể thành mưa, là vì nó ở cõi Tây. Đông Bắc là phương Dương, Tây Nam là phương Âm, tự Âm xướng lên, cho nên nó không hoà hợp mà không thành mưa. Lấy con mắt người ta mà coi, thì khí mây nổi lên, đều tự bốn chỗ thẳm xa, nên gọi là “giao”. Căn cứ vào hào Tư mà nói, cho nên gọi là “tự ta”. Chứa khí Dương tức là hào Tư, nó là chủ của quẻ Xúc.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Tôn cũng là tên quẻ ba vạch, một vạch Âm núp ở dưới hai vạch dương, cho nên đức nó là nhún, tượng nó là gió, là cây. Tiểu (nhỏ) tức là Âm, xúc (chứa) nghĩa là ngăn lại; trên Tốn dưới Kiền, lấy Âm chứa Dương. Lại quẻ này chỉ hào Sáu Tư là một hào Âm, trên dưới năm hào Dương đều bị nó chứa, cho nên mới là tiểu súc (chứa nhỏ). Lại nữa, lấy Âm chứa Dương, buộc được mà không thể bền, cũng là tượng “cái chứa còn nhỏ”. Trong mạnh ngoài nhún, hào Hai hào Năm đều là Dương và đều ở giữa một quẻ mà làm việc, có tượng “cứng mà lại giữa, chí được thực hành”, cho nên lời chiêm của nó nên được hanh thông. Nhưng, sự chứa chưa được tột bậc, mà cái thi thố chưa được hiển hiện, cho nên có tượng “mây dầy không mưa, ở cõi tây ta”. Bởi vì mây dầy là vật thuộc về Âm, cõi tây là phương thuộc về Âm, ta là Văn vương tự xưng, vua Văn diễn Kinh Dịch ở ngục Dũ Lý[2], coi ra xứ Kỳ Chu[3] thì là phía Tây, chính là thời của quẻ Tiểu súc. Kẻ bói được quẻ này, thì sự chiêm cũng như tượng ấy.

彖曰: 小畜, 柔得位而上下應之, 曰小畜

Dịch âm. – Thoán viết: Tiểu xúc, nhu đắc vị nhi thượng hạ ứng chi, viết Tiểu súc.

Dịch nghĩa. – Lời thoán nói rằng: Quẻ tiểu súc, mềm được ngôi mà trên dưới ứng nó, gọi là chứa nhỏ.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây là nói về nghĩa thành quẻ, lấy hào Âm ở ngôi Tư, lại ở quẻ trên, tức là mềm được ngôi. Trên dưới năm hào Âm đều ứng với nó, vì bị nó chứa. Là một hào Âm mà nuôi đến năm hào Dương, có thể buộc mà không thể bền, nên mới cho là chứa nhỏ. Lời Thoán giải nghĩa thành quẻ mà thêm chữ viết là đều trọng vê tên quẻ, the văn nên the.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây lấy thể quẻ thích nghĩa tên quẻ. “Mềm được ngôi” chỉ về hào Sáu ở ngôi Tư, “Trên dưới” chỉ về năm hào Dương.

LỜI KINH

健而巽, 剛中而志行, 乃亨.

Dịch âm. – Kiện nhi tốn, cương trung nhi chí hành, nãi hanh. Dịch nghĩa. -Mạnh mà nhún, cứng giữa mà chí ý được, thì hành, mới hanh thông.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây là nói về tài quẻ. Trong mạnh mà ngoài nhún, thế là mạnh mà biết nhún. Hào Hai hào Năm đều ở giữa quẻ, thế là cứng giữa. Tính dương tiến lên, mà ở dưới lại là thể Kiền, đó là có chí về đường làm việc. Cứng ở giữa là cứng mà được giữa, lại là ở giữa mà cứng. Nói về sự chứa khí Dương, thì cốt lấy đức mềm nhún; nói về sự được hanh thông, thì cốt ở đức cứng giữa; nói về nghĩa thành quẻ, thì là Âm chứa Dương; nói về tài quẻ thì là cứng giữa. Tài nó như thế, cho nên sự chứa của nó tuy nhỏ, mà cũng có thể hanh thông.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy đức quẻ thể quẻ mà nói, thì hào Dương còn có thể hanh thông.

LỜI KINH

密雲不雨, 尚往也, 自我西郊, 施未行也.

Dịch âm. – Mật vân bất vủ, thượng vãng dã; tự ngã tây giao, thí vị hành dã.

Dịch nghĩa. – Mây dày không mưa, vì còn đi vậy; tự coi tây ta, sự thi thố chưa được thực hành vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đạo “chứa” không thể thành lớn, như mây dày mà không thành mưa. Âm Dương giao nhau được hoà hợp thì nó bền chắc với nhau mà thành mưa. Hai khí không hoà hợp nhau, Dương còn đi lên, cho nên không mưa. Bởi vì do ở khí của phương Âm ta xướng lên trước, nên không hoà hợp, mà không thể thành mưa, ấy là công lao chưa được thực hiện. Chứa nhỏ không thể thành lớn, cũng như mây của côi tây không thể thành mưa.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Còn đi, ý nói sự chứa chưa cùng cực, khí nó còn tiến lên.

LỜI KINH

象曰: 風行天上, 小畜, 君子以懿文德.

Dịch âm. – Tượng viết: Phong hành thiên thượng, Tiểu súc, quân tử dĩ ý văn đức.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Gió đi trên trời là quẻ Tiểu súc, đấng quân tử coi đó mà làm cho tốt đức văn.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Kiền là quẻ cứng mạnh mà bị Tôn chứa. Ôi cái tính cứng mạnh còn có kẻ mềm thuận chứa ngăn được nó. Tuy là chứa ngăn được nó, nhưng mà không thể nén sự cứng mạnh của nó một cách bền chặt, chỉ lấy sự mềm thuận ràng buộc nó lại mà thôi, cho nên mới là chứa nhỏ. Đấng quân tử coi nghĩa chứa nhỏ đó mà làm tốt đẹp đức văn. Chứa hợp có nghĩa là uẩn xúc, cái uẩn xúc của đấng quân tử, lớn thì đạo đức kinh luân, nhỏ thì văn chương tài nghệ. Đấng quân tử coi tượng Tiểu súc để làm tốt đẹp đức văn; việc đó, so với đạo nghĩa, thì là còn nhỏ.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Gió có khí mà không có chất, có thể chứa mà không thể lâu, cho nên là tượng chứa nhỏ. Làm tốt đức văn, ý nói chưa thể chứa chất được hậu, thi hành được xa.

LỜI KINH

初九: 復自道, 何其咎, 吉.

Dịch âm. – Sơ Cửu: Phục tự đạo, hà kỳ cữu? Cát.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Đầu: Trở lại từ đường, còn lỗi gì? Tốt!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Chín Đầu là hào Dương, thể Kiền. Dương là vật ở trên, lại là tài cứng mạnh, đủ để tiến lên, mà lại đồng chí với kẻ ở trên, thì sự tiến lên, tức là con đường của nó. Vì vậy, mới nói “trở lại từ đường”. Trở lại đã từ đường, còn trái lỗi gì, không lỗi mà lại tốt nữa. Các hào nói “không lỗi” đều là “như thế thì không có lỗi”, cho nên nói rằng: “không lỗi là khéo chữa lỗi”, dù cho nghĩa của trong hào vốn hay, nhưng với cái nghĩa “không như thế thì không có lỗi” cũng không hại gì. Hào Chín Đầu này theo đường mà đi, không có trái lỗi, cho nên nói rằng: “còn lỗi gì, đó là không lỗi một cách rất rõ ràng vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Quẻ dưới thể Kiền, vốn đều là vật ở trên, chí muốn tiến lên mà bị các hào Âm ngăn chứa. Nhưng hào Chín Đầu là thể Kiền, ở dưới, được chỗ chính, đằng trước xa với hào Âm, tuy là chính ứng với hào Tư, mà nó có thể tự giữ đường chính, không bị hào kia ngăn chứa, cho nên có tượng “tiến lên, trở lại từ đường”. Kẻ xem như thế thì không có lỗi mà tốt.

LỜI KINH

象曰: 復自道, 其義吉也.

Dịch âm. – Tượng viết: Phục tự đạo, kỳ nghĩa cát dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Trở lại tự đường, thửa nghĩa tốt vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Tài Dương cương, theo đường trở lại, thì nghĩa nó tốt. Hào Đầu với hào Tư là chính ứng khi chứa thì nó chứa nhau.

LỜI KINH

Dịch âm. – Cửu Nhị: Khiên phục, cát.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Hai: Giật trở lại, tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Hai là Dương ở giữa thể dưới, hào Năm là Dương ở giữa thể trên, đều lấy đức Dương cương, ở giữa, bị hào Âm ngăn chứa, và đều muốn trở lại phía trên. Hào Năm tuy là ở trên hào Tư, mà sự bị ngăn chứa thì giống hào Hai, tức là đồng chí với hào Hai. Cùng hoạn nạn thì lo cho nhau, hào Hai với hào Năm đồng chí, cho nên mới có dắt nhau trở lại. Hào hai Dương cùng tiến, thì hào Âm không thể thắng được, mà sự trở lại được toại, cho nên mới tốt. Hỏi rằng: Được toại sự trở lại, thì có thể lìa sự ngăn chứa được chăng? Đáp rằng: Phàm các lời hào đâu bảo: “Hễ mà như thế thì có thể như thế”, nếu mà đã rồi, thì là thì thế đã thay đổi ngầm rồi, còn dạy bảo làm gì? Hỏi rằng: Hào Năm là thể Tốn, Tốn chứa Kiền, mà lại co dắt hào Hai, là sao? Đáp rằng: Tuy là nói về hai thể thì Tốn chứa Kiền, nhưng nếu nói cả quẻ thì là một hào Âm chứa năm hào Dương, trong Kinh Dịch, tuỳ thời lấy nghĩa, đâu như thế.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Ba hào Dương chí giống nhau, mà hào Chín Hai dần dần gần với chỗ hiểm, vì nó cứng giữa, cho nên có thể co dắt với hào Chín Đầu mà đi trở lại, cũng là đạo tốt. Kẻ xem như thế thì tốt.

LỜI KINH

象曰: 牽復在中, 亦不自失也.

Dịch âm. – Tượng viết: Khiên phục tại trung, diệc bất tự thất dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Dắt lại ở giữa, cũng là không tự mất vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây là ở giữa, được chỗ chính, cứng mềm, tiến lui, không sai đạo trung. Hào Dương trở lại, thể nó ắt mạnh, hào Hai vì được ở giữa, cho nên dẫu tiến lên mạnh, cũng không đến nỗi quá cứng, quá cứng thì tự mất. Trong hào chỉ nói về nghĩa dắt lại thì tốt. Lời Tượng lại phát minh thêm cái tốt của sự ở giữa.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Chữ “Cũng” là theo với nghĩa hào

九三: 輿說輻, 夫妻反目.

Dịch âm. – Cửu Tam: Dư thoát bức, phu thê phản mục.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Ba: Xe trụt bánh, chồng vợ trở mắt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Ba là hào ở Dương, ở không được giữa; mà lại liền sát với hào Tự, tức là cái tình Âm Dương tìm nhau; nó lại kề liền mà không chính giữa, đó là nó bị hào Âm ngăn chế cho nên không thể tiến lên, như chiếc xe trụt bỏ cái bánh, không thể đi được. Chồng vợ trở mắt, là hào Âm đáng lẽ bị chế với hào Dương, nay nó lại chế hào Dương như chồng vợ trở mắt. Trở mắt là giương con mắt tức giận nhìn nhau, ấy là không thuận với chồng mà lại đè nén chồng vậy. Đàn bà được chồng yêu thương mê hoặc, rồi đến đè nén lại chồng. Chưa có khi nào chồng không lỗi đạo mà vợ lại đè nén được! Cho nên, những sự “trụt bánh” “trở mắt”, đều là do hào Ba tự mình làm ra.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Chín Ba cũng muốn tiến lên, nhưng nó cứng mà không giữa, gần sát với hào Âm mà lại không phải chính ứng, chỉ vì Âm Dương đẹp lòng nhau mà bị ràng buộc ngăn chứa không thể tự mình tiến lên, cho nên có tượng “xe trụt bánh xe”. Song vì chí nó cứng mạnh, không thể dẹp đi mà còn tranh nhau với hào kia, cho nên lại là cái tượng “chồng vợ trở mắt”. Kẻ xem như thế, thì không thể tiến được mà lại có sự tranh giành.

LỜI KINH

象曰: 夫妻反目, 不能正室也.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Chồng vợ trở mắt, không chính được cửa nhà vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Chồng vợ trở mắt là bởi không thể làm cho cửa nhà chính đính. Hào Ba không biết theo đạo mà tự xử, cho nên hào Tư mới đè nén được, không cho tiến lên. Cũng như người chồng không thế đính chính cửa nhà, đến nỗi để vợ trở mắt vậy.

LỜI KINH

六四: 有孚, 血去, 惕出, 无咎.

Dịch âm. – Lục Tứ: Hữu phu, huyết khứ, dịch xuất, vô cữu.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Tư: Có tin, máu đi, sợ ra, không lỗi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Tư trong thời chứa đựng, ở ngôi gần vua, ấy là kẻ ngăn chứa ông ta. Nếu mà trong lòng có sự tin thành, thì hào Năm sẽ có bụng tin mà để cho nó ngăn chứa. Quẻ này là một hào Âm chứa các hào Dương, treo buộc ở hào Tư, hào Tư nếu muốn lấy sức mà chứa, thì một kẻ mềm đôi địch với nhiều kẻ cứng, ắt bị đau hại, duy có hết lòng thành tín để ứng với nó, thì có thể cảm được nó, cho nên mới xa được sự đau hại mà thoát khỏi sự sợ hãi. Như thế thì có thể không lỗi. Nếu không thế, thì không tránh khỏi tai hại. Đó là cái đạo lấy kẻ mềm mà chứa kẻ cứng. Uy nghiêm như các ông vua, mà bọn bề tôi nhỏ nhặt, có khi ngăn chứa được lòng ham muốn của họ, là vì chúng có sự phu tín làm cho họ cảm.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy một hào Âm chứa mọi hào Dương, vốn vẫn có sự đau hại lo sợ, vì nó muốn mềm thuận được chỗ chính đính, trống rỗng bên trong, lại có hai hào Dương của thể Tốn giúp cho họ, ấy là tượng “có sự tin mà máu đi, sợ khỏi”, không lỗi là phải. Cho nên mới răn kẻ xem cũng có đức ấy thì không có lỗi.

Lời bàn của Tiên Nho. – Hồ Vân Phong nói rằng: Hào Ba là Dương tiến lên hăng mạnh, hào Tư cố gượng ngăn lại, hào Ba tuy bị “trụt bánh xe”, hào Tư cũng không thể không bị thương, cho nên mới nói là “máu” nói là “sợ”, tức là có ý lo thay, ắt phải có sự tin, thì máu có thể đi, sợ có thể khỏi, mới không có lỗi. ấy là răn bảo người ta vậy.

LỜI KINH

象曰: 有学, 惧出, 上合志也.

Dịch âm. – Tượng viết: Hữu phu, dịch xuất, thượng hợp chí dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Có tin, sợ ra, trên hợp chí vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Tư đã có tín, thì hào Năm tin dùng mà hợp chí với nó, vì vậy mới được “sợ ra” mà không lỗi. “Sợ ra” đủ biết là máu đi, lời Tượng chỉ nói “sợ ra” là nói cái nhẹ mà thôi. Hào Năm đã hợp chí, thì các hào Dương đều theo.

LỜI KINH

九五: 有孚攣如, 富以其鄰.

Dịch âm. – Cửu Ngủ: Hữu phu loan như, phú dĩ kỳ lân.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Năm: Có tin, dường co quẹo vậy, giàu vì láng giềng.

Truyện của Trình Di. – Quẻ Tiểu súc là lúc nào hào Dương bị hào Âm ngăn chứa. Hào Năm lấy đức trung chính ở ngôi tôn, có sự phu tín, thì loại của nó đều ứng theo nó, cho nên nói rằng: “dường co quẹo vậy”, – nghĩa là dắt díu nhau mà theo – hào Năm ắt phải co kéo nó đến mà giúp cho nó, thế là “giàu vì láng giềng”, tức là hào Năm phải đem sức của mình để cùng giềng xóm cùng chung. Đấng quân tử bị kẻ tiểu nhân làm khôn, bậc chính nhân bị bọn gian tà làm ách, thì kẻ ở dưới ắt phải vin kéo người trên, hẹn để cùng tiến; kẻ ở trên ắt phải cứu dẫn được dưới, để cùng gắng sức. Không phải chỉ là đem sức mình giúp đỡ cho người mà thôi, cũng phải nhờ về sức kẻ ở dưới giúp đỡ để làm cho thành cái sức của mình nữa.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hai hào thể Tốn, chung sức chứa Kiền, ấy là cái tượng láng giềng, mà hào Chín Năm ở giữa, đứng ngôi tôn, thế nó có thể làm việc để gồm cả trên lẫn dưới, cho nên mới là cái tượng “có sự tin dính chắc dùng sức phú hậu sai khiến láng giềng” Chữ 以(dĩ) này cũng như chữ 以(dĩ), trong những câu “dĩ… sư” của kinh Xuân thu, ý nói có thể sai khiến được nó. Kẻ xem có sự tin thì được như thế.

LỜI KINH

象曰: 有孚攣如, 不獨富也.

Dịch âm. – Tượng viết: Hữu phu loan như, bất độc phú dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Có tin dường co quẹo vậy, là không giàu một mình vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Có tin dường co quẹo vậy, nghĩa là láng giềng loài giống đều co dắt nhau mà theo nó, cùng mọi người chung sự ham thích, không riêng có cái giàu của mình. Đấng quân tử gặp khi nạn ách, chỉ vì có lòng chí thành, cho nên được sức mọi người giúp đỡ mà lại có thể giúp cho mọi người.

LỜI KINH

上九: 旣雨, 旣處, 尚德載, 婦貞厲, 月幾望, 君子征凶.

Dịch âm. – Thượng cửu: Ký vũ, ký xử, thượng đức tái, phụ trinh lệ, Nguyện cơ vọng, quân tử chinh hung.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Trên: Đã mưa, đã ở, chuộng đức chở, đàn bà chính bên, nguy! Mặt trăng hầu đến tuần vọng, đấng quân tử đi thì hung.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Chín Trên, cùng tột sự nhún thuận, ở về trên quẻ, nhằm chót sự chứa, tức là đã từ sự chứa mà đến sự ngăn, nghĩa là nó bị hào Tư ngăn đón.Đã mưu là hòa, đã ở là ngăn.Âm mà chứa Dương, không hòa thì không thể ngăn, đã hòa và đã ngăn, ấy là đạo “chứa” xong rồi. Quẻ Đại súc là sự chứa lớn, cho nên khi đã cùng tột thì tan, quẻ Tiểu súc là sự chứa nhỏ, cho nên khi đã cùng tột thì thành “Chuộng đức chở” nghĩa là hào Tư dùng đức mềm nhún chứa đầy mà đến lúc hoàn thành. Âm mềm chứa Dương, không phải một sớm một tối mà có thể thành, phải do tích lũy mà tới, không thể không răn. “Tái” là chứa chỗ đầy chặt. “Đàn bà chính bền, nguy” nghĩa là kẻ Âm chứa kẻ Dương, kẻ mềm chứa kẻ cứng, đàn bà nếu cứ chính bền mà giữ lối đo, ấy là cách nguy nghèo. Đâu có vợ đè nén chồng, tôi đè nén vua mà có thể yên? Mặt trăng đến tuần vọng thì có thể địch với mặt trời, “mặt trăng hầu đến tuần vọng” ý nói mặt trăng đã thịnh, sắp sửa địch được mặt trời. Âm có thể chứa Dương, mà nói “hầu đến tuần vọng” là sao? Đó là vì Âm mềm nhún chỉ chứa được cái chí của Dương, không phải sức lực có thể chứa nó. Nhưng nếu chứa mãi không thôi, thì nó sẽ thịnh hơn Dương mà thành ra hung. Trong khi hầu đến tuần vọng mà răn sẵn sàng: “Đàn bà sắp địch được mình rồi đấy, đấng quân tử hễ mà hành động thì hung”.Quân tử chỉ về Dương, “chinh” là hành động. “Cơ vọng” là lúc mặt trăng sắp đầy. Nếu đã tuần vọng Dương tiêu rồi, còn răn được sao?

Bản nghĩa của Chu Hy – Sự chứa đã cùng tột mà hoàn thành tức là Âm Dương đã hòa, cho nên là tượng “đã mưa đã ở”.Đớ là vì tôn chuộng âm đức, đến nỗi chứa đầy mà thành ra thế. Bởi tại Âm đặt lên Dương, cho nên tuy chính cũng nguy. Khi Âm đã thịnh mà chống lại khí Dương, thì đấng quân tử không thể làm việc. Lời chiêm như thế, tức là răn bảo sâu lắm.

LỜI KINH

象曰:既雨既處, 德積載也. 君子征凶, 有所疑也.

Dịch âm. – Tượng viết: Ký vũ, ký sử, đức tình tài dã; quân tử chinh hung, hữu sở nghi dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nới rằng: Đã mua, đã ở, đức chứa chở vậy; đấng quân tử đi thì hung, cớ thửa ngờ vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đã mưa đã ở, ý nới đạo “chứa” tích đầy mà thành; Âm hầu thịnh cực, đấng quân tử hành động thì cớ sự hung.Âm chọi được Dương thì làm tiêu Dương, kẻ tiểu nhân chống được đấng quân tử thì ắt làm hại đấng quân tử, lẽ nào mà không nghi ngờ? Nếu biết nghi ngờ từ trước mà răn sợ sẵn, tìm cách để cho nớ đi, thì không đến nỗi phải hung.

Chú thích:

[1] Súc nghĩa là chứa là nuôi.

[2] Văn Vương bị vua Trụ bắt giam ở ngục Dũ Lý.

[3] Nước của vua Văn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.