Kinh Dịch Trọn Bộ

QUẺ LỮ



GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ Lữ, Tự quái nói rằng: Phong là lớn, lớn tới cùng ắt mất chỗ ở, cho nên tiếp đến là quẻ Lữ[1]. Lớn thịnh cùng tột, thì ắt mất nơi yên ở, vì vậy quẻ Lữ mới nối quẻ Phong. Nó là quẻ Ly trên Cấn dưới,, núi thì đậu mà không dời, lửa thì đi không ở, là Tượng “xa đi chẳng ở” cho nên là sự hành lữ. Lại, bám mắc ở ngoài, cũng là Tượng “hành lữ”.

LỜI KINH

旅小亨, 旅貞吉.

Dịch âm.- Lữ tiểu hanh, lữ trinh cát.

Dịch nghĩa. – Quẻ Lữ nhỏ hanh thông sự đi đường chính bền tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây lấy tài quẻ mà nói. Như tài quẻ này có thể hanh thông nho nhỏ được lẽ trinh chính của sự đi đường mà tốt.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lữ là ky lữ, núi đậu ở dưới, lửa bốc ở trên, là Tượng “bỏ chổ ngừng đậu không ở” cho nên là lữ, lấy hào Sáu Năm được chỗ giữa ở ngoài, mà thuận với hào Dương ở trên và dưới Cấn đậu mà Ly thì bám vào chỗ sáng, cho nên lời Chiêm của nó là có thể nho nhỏ hanh thông, mà giữ được chính bền của việc hành lữ thì tốt. Hành lữ không phải chỗ ở thường, hình như có thể cẩu thả, song “đạo” không chỗ nào không ở, cho nên việc hành lữ cũng có chỗ chính của nó, không thể phút chốc mà lìa cái lẽ chính đó.

LỜI KINH

彖曰: 旅小亨, 柔得中乎外而順乎剛, 止而麗 乎明, 是以小亨, 旅貞吉也.

Dịch âm.- Thoán viết: Lữ tiểu hanh, nhu đắc trung hồ ngoại nhi thuận hồ cương, chỉ nhi lê hồ minh, thị dĩ tiểu hanh, lữ trinh cát dã.

Dịch nghĩa. – Lời Thoán nói rằng: Quẻ Lữ nhỏ hanh thông, mềm được giữa ở ngoài mà thuận với cứng, đậu mà mắc với sáng, cho nên nhỏ hanh thông, đi đường chính bền tốt vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Sáu Trên ở ngôi Năm là “mềm được giữa ở ngoài”, nó mắc vào hai hào cứng ở trên và dưới là “thuận với cứng”, dưới Cấn đậu mà trên Ly mắc là “đậu mà mắc với sáng”. Mềm thuận mà được chỗ giữa trong sự ở ngoài, chỗ đậu lại mắc vào thể sáng, cho nên nho nhỏ hanh thông được sự trinh chính của việc đi đường mà tốt. Trong lúc lữ khốn[2], không phải là kẻ Dương cứng trung chính có người giúp đỡ dưới, thì không thể đem đến được sự cả hanh. Gọi là “ chỗ giữa trong sự ở ngoài”, là vì chỗ giữa không phải chỉ có một lối, sự đi đường cũng có chỗ giữa của sự đi đường. Đậu vào chỗ sáng, thì không lỗi mất thì nghi[3] rồi mới đúng với cách xử cuộc hành lữ.

LỜI KINH

旅之時, 義大矣哉.

Dịch âm.- Lữ chi thì nghĩa đại hỹ tai!

Dịch nghĩa. – Thì nghĩa của quẻ Lữ lớn vậy thay!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Việc trong thiên hạ, nên tùy thời mà làm cho việc nào đúng sự “nên phải” của việc ấy, mà riêng việc ky lữ là khó xử hơn, cho nên khen cái thời nghĩa của nó lớn lao.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Thời cuộc của ky lữ là thời khó xử.

LỜI KINH

象曰: 山上有火, 旅, 君子以明順用刑而不留獄.

Dịch âm.- Tượng viết: Sơn thượng hữu hỏa, Lữ quân tử dĩ minh thuận dụng hình nhi bất lưu ngục.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Trên núi có lửa là quẻ Lữ, đấng quân tử coi đó mà sáng ghín[4] dùng hình, mà chẳng để ngục đọng lại.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lửa ở chỗ cao, cái sáng của nó không đâu không soi tới. Đấng quân tử coi Tượng sáng soi đó thì để sáng ghín dùng hình. Cái sáng không thể cậy, cho nên phải lấy sự ghín mà răn. Sáng mà đậu, cũng là Tượng ghín. Coi tượng “lửa đi không ở yên”, thì không để ngục đọng lại. Ngục là cái chẳng đừng được mà đặt ra. Kẻ dân có tội vào đó, há lại có thể để nó lưu đọng chậm trễ?

Bản nghĩa của Chu Hy. – Cẩn thận việc hình như núi, chẳng để đọng trễ việc ngục như lửa.

LỜI KINH

初六: 旅瑣瑣, 斯其所取災.

Dịch âm.- Sơ Lục: Lữ tỏa tỏa, tư kỳ sơ thủ tai.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Đầu: Hành lữ nhỏ mọn, ấy là cái lấy vạ.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Sáu Đầu lấy tài mềm ở thì ky lữ, lại ở vào chỗ dưới thấp, ấy là người nhu nhược, gặp cảnh lữ khốn mà kém ở vào nơi hèn thấp, bụng dạ dơ hèn vậy. Cái người bụng dạ hèn kém, đã ở vào cảnh lữ khốn, thì những sự bỉ ổi nhỏ nhặt, không việc gì mà không làm, đó là cái để đưa sự hối nhục đến mà tự rước lấy vạ lỗi vậy. Đương thời lữ khốn, tài chất như thế, dẫu có ứng viện, cũng không có thể làm gì.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đương thời ky lữ, lấy chất Âm mềm ở ngôi dưới, cho nên Tượng, Chiêm của nó như thế.

LỜI KINH

象曰: 旅瑣瑣, 志窮災也.

Dịch âm.- Tượng viết: Lữ tỏa tỏa, chí cùng tai dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Hành lữ nhỏ mọn, chí cùng hại vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Chí ý cùng gặt càng tự rước lấy tai vạ. Chữ “tai” và chữ “sảnh” đối nhau mà nói thì có phân biệt, nói riêng một mình, chỉ là “vạ lo” mà thôi.

LỜI KINH

六二: 旅即次, 懷其資, 得童僕貞.

Dịch âm.- Lục Nhị: Lữ tức thứ, hoài kỳ tư, đắc đồng bộc trinh.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Hai: Hành lữ tới chỗ trọ, ôm thửa của, được thằng nhỏ, đầy tớ chính bền.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Hai có đức mềm thuận, giữa chính, mềm thuận thì mọi người cùng với, giữa chính thì cư xử không mất lẽ xứng đáng, cho nên mới giữ được cái mình có, mà thằng nhỏ, đầy tớ cũng hết lòng trung tín với mình, dẫu nó không bằng hào Năm có đức văn vẻ sáng sủa kẻ trên người dưới đều giúp, nhưng cũng là kẻ xử cuộc hành lữ được hay. Nhà trọ là nơi mà kẻ hành lữ yên ở; tiền của là vật mà kẻ hành lữ trông cậy, thằng nhỏ đầy tớ là kẻ mà người hành lữ nương nhờ; được tới chỗ trọ, ôm chứa tiền của, lại được thằng nhỏ đầy tớ chính đính lương thiện, đó là cuộc hành lữ rất hay. Mềm yếu ở dưới là thằng nhỏ, khỏe mạnh ở ngoài là đầy tớ, hào Hai mềm thuận ở giữa chính, cho nên được lòng kẻ trong người ngoài. Ở thời ky lữ,cái kẻ gần sát với minh tức là thằng nhỏ đầy tớ. Chẳng nói là tốt, vì rằng trong lúc trọ đậu, được khỏi vạ nguy, đã là hay rồi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Kẻ hành lữ tới nhà trọ thì yên, có mang của thì dư dụ, được thằng nhỏ đầy tớ trinh tín thì không bị lừa dối mà còn có chỗ nương chờ. Đó là sự rất tốt trong cuộc hành lữ. Hào Hai có đức mềm thuận giữa chính, cho nên Tượng, Chiêm của nó như thế.

LỜI KINH

象曰: 得童僕貞, 終無咎也.

Dịch âm.- Tượng viết: Đắc đồng bộc trinh, chung vô cữu dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Được thằng nhỏ đầy tớ chính bền, chọn không lỗi vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Cái người ky lữ, nhờ vào thằng nhỏ đầy tớ, đã được thằng nhỏ, đầy tó trung trinh, thì không oán hối gì nữa.

LỜI KINH

九三: 旅焚其次, 喪其童僕, 貞厲.

Dịch âm.- Cửu Tam: Lữ phần kỳ thứ, táng kỳ đồng bộc, trinh lệ.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Ba: Hành lữ cháy thửa nhà trợ, mất thửa thằng nhỏ, đầy tớ, chính bền nguy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Cách cư xử trong thời ky lữ, lấy sự mềm thuận nhún nhường làm đầu, hào Ba cứng mà không giữa, lại ở trên thể dưới, đóng trên quẻ Cấn, có Tượng tự cao, ở thời kỳ lữ mà cứng quá tự cao, là cách dưa sự khốn hại đến vậy. Tự cao thì không thuận với người trên, người trên không cùng với, mà đốt cháy nhà trọ của nó, tức là mất chỗ ở yên, thể Ly ở trên tức là tương cháy; quá cứng thì tàn bạo với kẻ dưới, cho nên kẻ dưới lìa bỏ mà mất sự trinh tín của thằng nhỏ đầy tớ, tức là mất lòng họ vậy. Như thế thì là đạo nguy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Quá cứng không giữa ở trên thể dưới cho nên Tượng, Chiêm của nó như thế. “Mất thửa thằng nhỏ đầy tớ” thì không những mất lòng của bọn chúng nó mà thôi, cho nên chữ “trinh” phải liền câu dưới mới đúng nghĩa.

LỜI KINH

象曰: 旅焚其次, 亦已傷矣, 以旅與下, 其義喪也.

Dịch âm.- Tượng viết: Lữ phần kỳ thứ, diệc dĩ thương kỹ, dĩ lữ dữ hạ, kỳ nghĩa táng dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Hành lữ cháy thửa nơi trọ cũng đã hại vậy; lấy thì hành lữ cùng với kẻ dưới, thửa nghĩa mất vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Kẻ hành lữ cháy mất nhà trọ, cũng đã khốn hại rồi; lấy thời hành lữ mà cách cùng với kẻ dưới như thế, nghĩa nên mất vậy. Ở thời hành lữ, mà lấy sự quá cứng tự cao đối đãi kẻ dưới, ắt phải mất sự trung trinh của họ, nghĩa là mất lòng họ vậy. Trong thời hành lữ mà mất lòng thằng nhỏ đầy tớ, là đáng lo lắm.

LỜI KINH

九四: 旅于處, 淂其資斧, 我心不快.

Dịch âm.- Cửu Tứ: Lữ vu xử, đắc kỳ tư phủ, ngã tâm bất khoái.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Tư: Hành lữ chưng ở, được thửa của búa, lòng ta chẳng sướng.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Tư là chất Dương cứng, tuy chẳng ở giữa nhưng ở vào ngôi mềm, đứng dưới thể trên, có Tượng “dùng đạo mềm, biết nhún mình”, thế là được sự nên phải của thời hành lữ. Lấy tài cứng sáng được hào Năm cùng với, hào Đầu ứng với, là kẻ ở thời hành lữ rất hay. Nhưng mà ngôi Tư không phải là ngôi chính của nó, cho nên tuy là được nơi ở đậu, mà không bằng hào Hai tới nơi trọ. Có tài cứng sáng lại được trên dưới cùng với mà được nhờ vế của cải, lợi về đồ dùng, tuy ở thời hành lữ là hay, nhưng phía trên không có kẻ Dương cứng cùng với, phái dưới chỉ có kẻ Âm mềm ứng với, cho nên không thẻ trổ hết tài mình, thi hành chí mình, lòng nó không sướng. Rằng “ta” là theo hào Tư mà nói.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy chất Dương cứng ở ngôi Âm, đứng dưới thể trên, là kẻ dùng sự mềm, biết nhún mình, cho nên Tượng Chiêm của nó như thế. Nhưng không phải ngôi chính của nó lại, phía trên không kẻ Dương cùng với, phía dưới chỉ kẻ Âm mềm ứng với, cho nên lòng nó không sướng.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Chu Hy nói rằng: Chữ 資斧 ( tư phủ) có người giải làm 齎斧 (tê phủ). Chữ (tư phủ) nay giải trên quẻ Tốn[5] tự nhiên rõ. Nhưng mà trong chỗ trọ đậu, há lại không có thứ đồ để giã mình? Sắp đặt nó lại như thế nào cho đúng[6].

Từ Tiến Trai nói rằng: Có người bảo rằng: chữ 資 (tư) nên đổi là齎(tư). Xem sách Hán thư, khi Vương Mãng sai Vương Tầm ra đóng đồn ở Lạc Dương, sắp đi thì bị mất lưỡi búa vàng, bộ hạ của hắn là Phòng Dương nói rằng: “Đó tức như ở Kinh Dịch nói 喪其資斧 (táng kỳ tư phủ), ứng Thiện chua rằng: 齎(tư) nghĩa là sắc, đọc như tiếng齋(tư) trong chữ齋衰(tư thôi – áo xổ gấu). Chữ資(tư) với chữ齋(tư) cung âm, cho nên làm ra chữ (tư).

Hồ Song Phương nói rằng: Thuyết “có người bảo” của họ Từ[7] cũng tức như nghĩa “giải làm” 資斧 (tư phủ) của sách Ngữ Lục. Lại xét chữ資 (tư) với chữ資(tư) ở hào Hai, Tượng giống như nhau. “Búa” tức là Tượng “Ly là cái gươm”, cũng là thể “Vàng Đoái đắp đổi ở trên cây Tốn”[8] Ly, Đoái ở hào Tư, cho nên là “được”. Còn như ờ hào Chín Trên quẻ Tốn “mất thửa của, búa” cũng có Tượng Ly, Đoái, Tốn, nhưng đều ở trên, cho nên là “mất”. Hợp cả thái quẻ mà xem, rất rõ.

LỜI KINH

象曰: 旅于處, 未得位也; 得其資斧, 心未快也.

Dịch âm.- Tượng viết: Lữ vu xử, vị đắc vị đã, đắc kỳ tư phủ, tâm vị khoái dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Hành lữ chưng ở, chưa được ngôi vậy, được thửa của búa, lòng chưa sướng vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Tư lấy sự gần vua làm đáng ngôi, ở quẻ Lữ, hào Năm không dùng nghĩa vua, cho nên hào Tư là chưa đáng ngôi. Có người nói rằng: Như thế thì hào Chín ở ngôi Tư, không được chính đính là có lỗi rồi. Đáp răng: Lấy chất cứng ở ngôi mềm là sự “đáng nên” của kẻ hành lữ. Hào Chín là tài cứng sáng, muốn được thời mà thực hành chí mình, cho nên dù được của búa, với cuộc hành lữ là hay mà tâm chí nó chưa sướng.

LỜI KINH

六五: 射雉, 一矢亡, 終以譽命.

Dịch âm.- Lục Ngũ: Xã trĩ, nhất thỉ vong, chung dĩ dự mệnh.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Năm: Bắn chim trĩ, một phát tên mất, chọn lấy khen mệnh.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Ly là chim trĩ, con vật văn vẻ sáng sủa. Bắn chim trĩ là bắt chước cái đạo văn vẻ sáng sủa mà ắt hợp với việc bắn chim trĩ, phát tên làm mất được nó, thế là bắn không phát nào không trúng, sau chót có thể đem đến được khen mệnh vậy. “Khen” là tiếng tốt, “mệnh” là phúc lộc. Hào Năm ở ngôi văn vẻ sáng sủa. Năm là ngôi vua, ông vua không có sự hành lữ là mất ngôi, cho nên không dùng nghĩa vua.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Chim trĩ là vật văn vẻ sáng sủa, tức là tượng Ly. Hào Sáu Năm mềm thuận văn vẻ sáng sủa lại được trung đạo, làm chủ quẻ Ly, cho nên được hào này là Tượng bắn chim trĩ, dù có hao tổn về sự mất tên, mà cái mất không bao nhiêu, sau chót ắt có khen mệnh.

LỜI KINH

象曰: 終以譽命, 上逮也.

Dịch âm.- Tượng viết: Chung dĩ dự mệnh, thượng đãi dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Trọn lấy khen mệnh trên kịp vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Có đức văn vẻ sáng sủa, thì kẻ trên người dưới cùng với, “Kịp” tức là cùng, biết thuận vâng người trên mà người trên cùng với, tức là “được người trên kịp”. Ở ngôi trên mà được lòng kẻ dưới, tức là “được kẻ dưới kịp”. Ở thời hành lữ mà được trên dưới cùng với, vì vậy mới đem được khen mệnh đến.

Bản nghĩa của Chu Hy. – “Kịp” là tiếng khen mệnh tốt của nó đến tai người trên.

LỜI KINH

上九: 鳥焚其巢, 旅人先笑, 後號眺, 喪牛于易, 凶.

Dịch âm.- Thượng Cửu: Điểu phần kỳ sào, lữ nhân tiên tiếu, hậu hào diêu, táng ngưu vu dị, hung!

Dịch nghĩa. – Hào Chín Trên: Chim cháy thửa tổ, kẻ hành lữ trước cười, sau kêu gào, mất trâu chưng dễ dàng, hung!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Chim là giống bay lượn và ở chỗ cao. Hào Chín Trên cứng mà chẳng giữa, ở chỗ rất cao lại thể Ly, đủ biết là sự quá cực, cho nên lấy Tượng con chim. Trong thời hành lữ, nhún mềm ôn hòa, mới giữ được mình, mà quá cứng tự cao, thì phải mất chỗ yên ổn. Tổ là chỗ con chim yên đậu, cháy tổ tức là mất chỗ yên, không đậu đâu được. Ở trên thể Ly là Tượng cháy. Kẻ Dương cứng tự ở vào nơi rất cao, lúc đầu sướng ý, cho nên trước cười, sau rồi không ai cùng với, cho nên kêu gào, khinh dị làm mất đức thuận của mình vì vậy mới hung. Trâu là giống vật hay thuận, (mất trâu chưng dễ dàng) nghĩa là làm mất nết thuận bằng cách khinh rẻ coi thường vậy. Lửa Ly tính hay bốc lên, là Tượng nóng nẩy khinh suất. Tiếp theo câu “Chim cháy thửa tổ” ở trên, cho nên phải có chữ “kẻ hành lữ”. Nếu không nói “kẻ hành lữ”, thì là con chim cười khóc.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Chín Trên cứng ở trên quẻ Lữ và chót thể Ly, kiêu mà không thuận, là đạo hung đó. Cho nên Tượng, Chiêm của nó như thế.

LỜI KINH

象曰: 以旅在上,其義焚也;喪牛于易,終莫之聞也.

Dịch âm.- Tượng viết: Dĩ lữ tại thượng, kỳ nghĩa phần dã; táng ngưu vu dị, chung mạc chi văn dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Lấy kẻ hành lữ ở trên, thửa nghĩa cháy vậy; mất trâu chưng dễ dàng, trọn chẳng nghe vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Là kẻ hành lữ ở trên, mà tự xử bằng cách cao đại, há lại giữ được chỗ ở? Nghĩa nó ắt phải có việc cháy tổ. Đương lấy sự cực cứng tự cao làm đắc chí mà cười, không biết bị mất đức thuận bằng cách nóng nẩy dễ dàng, ấy là “trọn chẳng chưng nghe”. Nghĩa là sau chót vẫn không hề tự mình biết. Nếu nó tự biết thì chẳng đến nỗi quá cực mà phải kêu gào.

Chú thích:

[1] Chữ 旅 (lữ) nghĩa là đường đi, ở trọ, tức là kẻ hành lữ.

[2] Tức là cảnh trọ đậu cùng khốn.

[3] Tức là sự “nên phải” của từng thời.

[4] Tức là cẩn thận.

[5] Coi hào Chín Trên quẻ Tốn ở sau đây.

[6] Chu Hy muốn nói đi đường phải có đồ giữ mình, lại phải có tiền, như thế thì ở câu này, cứ để y nguyên chữ 資 (tư là cửa) cũng được.

[7] Tức là lời bàn của Từ Tiến Trai ở trên.

[8] Quẻ này trên Ly dưới Cấn, nếu bỏ hào trên của thể Ly mà lấy hào trên của thể Cấn phụ vào, thì thành thể Đoái, thế là đắp đổi thể Đoái; nếu bỏ hào dưới thể Cấn mà lấy hào dưới thể Ly phụ vào, thì thành thể Tốn, thế là đắp đổi thể Tốn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.