Dạy Con Làm Giàu – Tập 13

CHƯƠNG 1



Sự thông minh tài chính là gì?

Lúc năm tuổi, tôi được đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Theo như tôi biết, tai tôi bị nhiễm trùng nặng, biến chứng từ bệnh thủy đậu. Mặc dù đó là một trải nghiệm kinh hoàng, tôi có kỷ niệm đầy yêu thương về người cha, em trai và hai người em gái đứng ở bãi cỏ ngoài cửa sổ bệnh viện vẫy chào khi tôi nằm chờ hồi phục trên giường bệnh. Mẹ tôi đã không có ở đó. Bà ấy ở nhà, nằm liệt giường, vật lộn với căn bệnh tim yếu.

Trong vòng một năm sau đó, em trai tôi cũng được đưa tới bệnh viện sau khi bị té chúi đầu từ gờ tường trong gara. Tiếp theo sau đó là em gái của tôi. Em ấy cần phải phẫu thuật ở đầu gối. Và em út mới sinh Beth bị rối loạn nghiêm trọng ở da, điều không ngừng làm đau đầu các bác sĩ.

Đó là một năm đầy khó khăn cho cha tôi, người duy nhất trong sáu người chúng tôi không phải chống chọi với bệnh tật. Điều may mắn là chúng tôi đều hồi phục và sống khỏe mạnh. Mặt tiêu cực là những hóa đơn y tế cứ đến liên tục. Có lẽ cha tôi không bị bệnh vào năm đó nhưng ông ấy mắc một chứng bệnh khác: choáng ngộp trước những khoản nợ từ việc chăm sóc sức khỏe.

Vào lúc đó, cha tôi là một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Hawaii. Ông ấy thông minh nên nhận được bằng cử nhân chỉ trong vòng hai năm và mơ ước một ngày trở thành giáo sư đại học. Với một gia đình có sáu người, một khoản vay cầm cố, những hóa đơn y tế phải trả, cha tôi buộc phải từ bỏ ước mơ của mình và đi làm quản lý các trường học ở thành phố nhỏ Hilo trên đảo Hawaii. Ông ấy phải vay nợ cha ruột của mình để trang trải những chi phí trong gia đình. Đó là một quãng thời gian đầy khó khăn cho ông ấy và cho gia đình tôi.

Mặc dù ông ấy đạt được những thành tựu nghề nghiệp to lớn và cuối cùng đạt được học vị tiến sĩ, tôi nghĩ rằng nếu không thực hiện được ước mơ trở thành giáo sư đại học, cha tôi sẽ bị ám ảnh cho đến những ngày cuối đời. Ông ấy thường nói: “Khi các con lớn và xa gia đình, cha sẽ quay lại trường và làm điều mà mình thích – giảng dạy.”

Tuy nhiên, thay vì đi dạy, cuối cùng ông ấy trở thành chuyên viên giám sát giáo dục cho tiểu bang Hawaii, một công việc hành chính, và sau đó thất bại khi ra tranh cử vị trí Phó thống đốc bang. Ở tuổi năm mươi, đột ngột ông ấy mất việc. Ngay sau cuộc bầu cử, mẹ tôi qua đời ở tuổi 48 vì bệnh tim yếu. Cha tôi vẫn chưa hồi phục sau sự mất mát đó.

Một lần nữa, những rắc rối tài chính lại chồng chất.

Không việc làm, ông ấy quyết định rút tiền tiết kiệm hưu trí và đầu tư vào chuỗi kinh doanh nhượng quyền về kem trên toàn quốc. Ông ấy đã mất hết tiền.

Về già, cha tôi cảm thấy mình tiến chậm hơn bạn bè cùng trang lứa. Ông ấy trở nên cau có với những người bạn cùng lớp giàu có, những người đã đi vào con đường kinh doanh chứ không phải giáo dục như cha của tôi. Trong lúc than vãn, ông ấy thường nói, “Tôi đã cống hiến cả đời vì sự nghiệp giáo dục cho bọn trẻ ở Hawaii, nhưng tôi đã đạt được điều gì? Không gì cả. Những thằng bạn giàu kếch xù cùng lớp càng giàu có hơn và tôi đạt được điều gì? Không gì cả.”

Tôi sẽ chẳng bao giờ biết tại sao ông ấy không quay trở lại trường để dạy. Tôi tin rằng đó là bởi vì ông ấy đang cố gắng trở nên giàu có một cách nhanh chóng để bù đắp cho quãng thời gian đã mất. Ông ấy cố gắng theo đuổi những thương vụ bong bóng và giao du với những tên bịp. Không thương vụ làm giàu nhanh nào của ông ấy thành công cả.

Nếu không làm một số công việc vặt vãnh và lãnh trợ cấp an sinh xã hội, ông ấy có thể đã phải dọn đến ở với một trong số những người con. Một vài tháng trước khi chết vì bệnh ung thư ở tuổi 72, cha đã kéo tôi lại gần giường để xin lỗi vì không có nhiều của cải để dành cho các con của mình. Nắm tay cha, tôi đặt đầu mình lên tay cha và chúng tôi đã khóc.

KHÔNG CÓ ĐỦ TIỀN

Người cha nghèo của tôi có những rắc rối tài chính suốt cuộc đời của mình. Dù cho có kiếm được nhiều tiền bao nhiêu, vấn đề của ông ấy là không có đủ tiền. Không có khả năng giải quyết vấn đề của mình làm ông ấy đau khổ cho đến lúc chết. Bi kịch là ông ấy cảm thấy không chu toàn trong sự nghiệp cũng như trong tư cách một người cha.

Ở trong giới hàn lâm, ông ấy làm mọi thứ để gạt những vấn đề tài chính sang một bên và cống hiến đời mình cho sự nghiệp cao cả hơn là tiền bạc. Ông ây làm hết sức để khẳng định rằng tiền không phải là quan trọng, ngay cả khi chúng là như vậy. Ông ấy là một người đàn ông, người chồng, người cha tuyệt vời và là một nhà giáo dục có tài, tuy nhiên, chính tiền bạc lại là kẻ giết người thầm lặng. Và đau buồn thay, đến cuối đời, tiền lại là thước đo mà ông ấy dùng để đánh giá lại cuộc đời mình. Dù cho thông minh như vậy, cha tôi chưa bao giờ giải quyết được những rắc rối tài chính của mình.
CÓ QUÁ NHIỀU TIỀN
Người cha giàu, người đã bắt đầu dạy tôi về tiền bạc từ khi mới chín tuổi, cũng có những rắc rối về tài chính. Ông ấy đã giải quyết những rắc rối đó rất khác so với người cha nghèo của tôi. Ông ấy thừa nhận tiền là quan trọng và bởi vì nhận thấy điều đó, ông ấy cố gắng tăng cường sự thông minh tài chính, mỗi khi có thể. Đối với ông ấy, điều đó có nghĩa là đối diện để giải quyết rắc rối tài chính và học hỏi từ đó. Người cha giàu của tôi không thông minh về học thuật như người cha nghèo nhưng bởi vì ông ta giải quyết rắc rối theo một cách khác và nâng cao sự thông minh tài chính của mình, vấn đề của ông ấy 1à có quá nhiều tiền.

Có hai người cha, một giàu một nghèo, tôi học được rằng, dù giàu hay nghèo, chúng ta đều có những rắc rối về tài chính.

Rắc rối tài chính của người nghèo là:

1. Không có đủ tiền.
2. Dùng tín dụng để lấp những thiếu hụt về tiền bạc.

3. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

4. Kiếm nhiều tiền hơn, trả thuế nhiều hơn.

5. Lo sợ về những trường hợp khẩn cấp.

6. Những lời khuyên tài chính tồi.

7. Không đủ tiền hưu trí.

Rắc rối tài chính của người giàu là:

1. Có quá nhiều tiền.
2. Cần phải giữ cho chúng an toàn và được đem đi đầu tư.

3. Băn khoăn liệu người khác thích họ hay là tiền của họ.

4. Cần có những chuyên gia tư vấn tài chính thông minh.

5. Dạy dỗ những đứa con hư hỏng.

6. Tài sản thừa kế và lên kế hoạch cho việc thừa kế.

7. Những khoản thuế quá mức của chính phủ.

Người cha nghèo của tôi có những rắc rối tài chính suốt cuộc đời của mình. Dù cho kiếm được nhiều tiền bao nhiêu, vấn đề của ông ấy vẫn là không có đủ tiền. Người cha giàu của tôi cũng có những rắc rối tài chính. Nhưng vấn đề của ông ấy là có quá nhiều tiền. Bạn thích rắc rối nào?
GIẢI PHÁP TỒI CHO NHỮNG RẮC RỐI TÀI CHÍNH

Nhận biết sớm từ đầu là tất cả chúng ta đều có những rắc rối tài chính, dù giàu hay nghèo, là một bài học rất quan trọng cho tôi. Nhiều người tin rằng nếu họ có nhiều tiền, những rắc rối tài chính của họ sẽ chấm dứt. Trong khi đó, ít người trong số họ hiểu rằng có nhiều tiền còn gây ra nhiều rắc rối tài chính hơn nữa.
Một trong những mẩu quảng cáo yêu thích của tôi là đoạn phim quảng bá cho một công ty dịch vụ tài chính bắt đầu với cảnh ca sĩ hát rap MC Hammer nhảy cùng một phụ nữ xinh đẹp, đằng sau là một ngôi biệt thự to quá cỡ – một chiếc Ferran bên cạnh chiếc Bentley. Ở phía nền đằng sau, những món hàng chuyên dụng tối tân đang được khiêng vô nhà. Nhạc nền là bản hit của MC Hammer “U Can’t Touch This”. Sau đó màn hình tối đen và hiện lên dòng chữ “Mười lăm phút sau đó”.

Cảnh tiếp theo sau đoạn MC Hammer ngồi trên vỉa hè của chính ngôi biệt thự lố bịch kia, đầu và tay cùng chỉ hướng một bảng hiệu đề “Phát mãi”. Phát thanh viên lên tiếng: “Cuộc sống thay đổi thật chóng mặt! Chúng tôi ở đây để giúp bạn”.

Cuộc sống có rất nhiều người đồng cảnh ngộ với MC Hammer. Chúng ta đều nghe nói đến những người trúng số hàng triệu đôla và rồi sau đó vài năm ngập chìm trong nợ nần. Hoặc là những vận động viên nhà nghề trẻ tuổi sống trong biệt thự khi còn thi đấu, rồi sau đó lại sống dưới chân cầu khi thời hoàng kim qua đi. Hoặc là những ngôi sao nhạc rock là triệu phú ở tuổi hai mươi nhưng lại đi kiếm việc làm khi lên ba mươi. (Có thể tay rapper kia khi đã hết tiền lại đi quảng cáo cho những dịch vụ tài chính mà anh ta đã từng dùng.)

Tiền bạc không thôi không thể giải quyết những rắc rối tài chính của bạn. Đó là lý do tại sao cho người nghèo tiền cũng không thể giải quyết rắc rối của họ. Trong nhiều trường hợp, việc làm đó chỉ làm cho vấn đề trở nên dai dẳng và tạo ra thêm nhiều người nghèo. Lấy ý tưởng về phúc lợi làm ví dụ. Từ lúc Đại khủng hoảng cho đến năm 1996, Chính phủ đã chu cấp tiền cho người nghèo bất chấp hoàn cảnh, cá nhân. Chỉ cần thỏa mãn chuẩn nghèo, bạn đã đủ điều kiện để nhận tiền trợ cấp mãi mãi. Nếu bạn cố gắng và kiếm được việc làm có thu nhập cao hơn chuẩn nghèo, Chính phủ sẽ cắt giảm phúc lợi của bạn. Dĩ nhiên là người nghèo lúc đó cũng phát sinh những chi phí liên quan đến việc đi làm mà trước đây không có, chẳng hạn như đồng phục, chi phí gửi con cho người khác chăm sóc, chi phí đi lại…

Trong nhiều trường hợp, rút cuộc họ kiếm được ít thu nhập hơn so với lúc thất nghiệp và dĩ nhiên là ít thời gian hơn. Chương trình như vậy chỉ có lợi cho những người lười biếng và gây thiệt hại đối với những người có ý chí vươn lên. Vì vậy nó tạo ra nhiều “người nghèo” hơn.

Làm việc chăm chỉ không giải quyết được những rắc rối tài chính. Thế giới này không thiếu những người làm việc chăm chỉ nhưng không có nhiều tiền để chứng minh cho điều đó, những người làm việc chăm chỉ nhưng lại nợ nhiều hơn để rồi lại cần phải làm nhiều hơn.

Học thuật không giải quyết được những rắc rối tài chính. Không ít những người học hành cao nhưng vẫn nghèo.

Có việc làm cũng không giải quyết được rắc rối tài chính. Đối với nhiều người, những chữ cái trong từ công việc (JOB) là viết tắt của “vượt qua sự túng quẫn” (Just Over Broke). Có hàng triệu người kiếm được tiền chỉ đủ để tồn tại chứ không phải là sống. Nhiều người đi làm nhưng không đủ tiền cho việc mua nhà, chăm sóc y tế, giáo dục hoặc thậm chí không đủ tiền để dành khi về hưu.
ĐIỀU GÌ GIẢI QUYẾT NHỮNG RẮC RỐI TÀI CHÍNH?

Sự thông minh tài chính sẽ giải quyết được những rắc rối tài chính. Nói cho đơn giản, sự thông minh tài chính là một phần của trí tuệ con người mà chúng ta dùng để giải quyết những vấn đề tài chính. Một vài ví dụ về những rắc rối tài chính phổ biến là:

1. “Tôi không kiếm đủ tiền.”

2. “Tôi nợ nần chồng chất.”

3. “Tôi không có khả năng mua nhà.”

4. “Xe hơi của tôi bị hư. Làm sao tôi có tiền để sửa chúng?”

5. “Tôi có 10.000 đôla. Tôi nên đầu tư vào cái gì?”

6. “Con tôi muốn đi học đại học nhưng chúng tôi không có tiền.”

7. “Tôi không có đủ tiền cho khi nghỉ hưu.”

8. “Tôi không thích công việc của mình nhưng không thể xin nghỉ.”

9. “Tôi đã nghỉ hưu và trở nên thiếu tiền.”

10. “Tôi không thể chi trả cho việc phẫu thuật.”

Sự thông minh tài chính giải quyết những vấn đề này và những rắc rối tài chính khác. Không may là, nếu sự thông minh tài chính không được phát triển đủ để giải quyết những vấn đề của chúng ta, chúng vẫn sẽ tồn tại. Chúng không biến mất. Nhiều khi chúng trở nên tồi tệ hơn, gây ra còn nhiều rắc rối tài chính hơn nữa. Ví dụ, có hàng triệu người để dành không đủ tiền cho khi về hưu. Nếu họ không giải quyết vấn đề đó, nó sẽ càng tồi tệ thêm khi mà về già họ cần nhiều tiền hơn cho việc chăm sóc sức khỏe. Muốn hay không, tiền bạc có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, giống như việc có chúng, chúng ta có thể chi trả cho những tiện ích và những lựa chọn mà không cần phải đắn đo. Sự tự do lựa chọn mà tiền mang lại có thể là việc đi xe buýt hay là xin quá giang… hay là đi bằng phi cơ riêng.
GIẢI QUYẾT RẮC RỐI TÀI CHÍNH LÀM CHO BẠN TRỞ NÊN THÔNG MINH HƠN

Khi tôi còn nhỏ, người cha giàu nói với tôi, “Những rắc rối tài chính làm cho con trở nên thông minh hơn nếu con chịu giải quyết chúng.” Ông cũng nói, “Nếu con giải quyết vấn đề, sự thông minh tài chính của con sẽ tăng. Khi đó, con sẽ giàu có hơn. Nếu con không giải quyết chúng, con sẽ nghèo đi. Không được giải quyết, những rắc rối đó sẽ dẫn đến nhiều rắc rối khác. Nếu con muốn tăng sự thông minh tài chính của mình, con cần phải là một người biết giải quyết vấn đề. Nếu không giải quyết, con sẽ không bao giờ giàu. Thực tế là, vấn đề tồn tại càng lâu, con càng nghèo đi.”

Người cha giàu lấy ví dụ về bệnh đau răng để minh họa cách mà một vấn đề dẫn đến nhiều vấn đề khác. Ông nói, “Gặp rắc rối tài chính cũng như bị đau răng. Nếu không chữa, bệnh sẽ làm con khó chịu. Lúc đó, con sẽ không làm việc tốt được bởi vì con thấy khó chịu trong người. Không chữa trị, bệnh đau răng sẽ dẫn đến những biến chứng khác bởi vì vi khuẩn sẽ dễ dàng phát triển và phát tán từ miệng của con. Một ngày nào đó, con sẽ mất việc bởi vì công việc của con trễ nải do bệnh tật triền miên. Không có việc, con sẽ không thể trả tiền nhà, con sẽ phải ra ngoài đường, vô gia cư, sức khỏe kém, ăn thức ăn thừa và vẫn còn bị đau răng.”

Mặc dù ví dụ hơi cực đoan, câu chuyện đó vẫn khắc sâu trong tôi. Tôi học từ khi còn nhỏ tầm quan trọng của việc giải quyết khó khăn và hiệu ứng domino nếu không chịu giải quyết chúng.

Nhiều người không chịu giải quyết những vấn đề tài chính của mình khi chúng còn ít nghiêm trọng, như việc bị đau răng. Thay vì giải quyết chúng, họ làm chúng trở nên tồi tệ hơn bằng cách phớt lờ chúng hoặc không giải quyết nguồn gốc của vấn đề. Ví dụ, khi thiếu tiền, nhiều người sử dụng thẻ tín dụng để bù đắp những khoản thiếu hụt đó. Không lâu sau những hóa đơn yêu cầu thanh toán sẽ chồng chất và chủ nợ tìm kiếm họ đòi trả tiền. Để giải quyết vấn đề, họ vay cầm cố căn nhà của mình để có tiền thanh toán những khoản nợ thẻ tín dụng, vấn đề ở chỗ là họ vẫn tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng. Lúc này họ có một khoản vay cầm cố cần phải thanh toán và nhiều thẻ tín dụng hơn.

Để giải quyết vấn đề tín dụng, họ sử dụng những thẻ tín dụng mới để chi trả cho những thẻ tín dụng cũ. Cảm thấy chán nản do những rắc rối tài chính ngày càng tăng, họ lại sử dụng những thẻ tín dụng mới để đi du lịch. Sớm muộn thì họ cũng sẽ chẳng thể thanh toán khoản vay cầm cố cũng như những thẻ tín dụng và phải tuyên bố phá sản. Vấn đề đối với việc tuyên bố phá sản là nguồn gốc của vấn đề vẫn còn đó, giống như bệnh đau răng. Nguồn gốc của vấn đề là thiếu thông minh tài chính và hậu quả của nó là không thể giải quyết những vấn đề tài chính đơn giản. Thay vì giải quyết nguồn gốc của vấn đề, trong trường hợp này là thói quen tiêu dùng, nhiều người đã lảng tránh nó. Nếu bạn không nhổ cỏ tận gốc và chỉ cắt phần ngọn, nó sẽ lại mọc nhanh hơn và cao hơn. Điều tương tự xảy ra với những vấn đề tài chính.

Mặc dù là những ví dụ có phần cực đoan, chúng không phải là không phổ biến. Điều cần ghi nhận là những vấn đề tài chính không chỉ là vấn đề mà chúng còn là giải pháp. Nếu chúng ta chịu giải quyết, chúng ta sẽ thông minh hơn. Chỉ số IQ tài chính của chúng ta sẽ tăng lên. Một khi đã thông minh hơn, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề to lớn hơn. Nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề lớn hơn, chúng ta trở nên giàu có hơn.

Tôi thích sử dụng toán học làm ví dụ. Nhiều người ghét môn toán. Như bạn biết, nếu không chịu làm bài tập ở nhà, bạn sẽ chẳng bao giờ giải quyết được những vấn đề toán học. Khi đó, bạn sẽ nhận điểm F và không thể đậu bài kiểm tra môn toán. Nhận điểm F cho môn toán đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể tốt nghiệp trung học. Lúc đó bạn chỉ có thể kiếm được công việc trả lương tối thiểu tại McDonald’s. Đây là một ví dụ giải thích cho cách mà một vấn đề nhỏ có thể chuyển thành một vấn đề lớn.

Mặt khác, nếu bạn cẩn thận luyện tập giải quyết những bài tập toán, bạn sẽ càng trở nên thông minh hơn và có thể giải quyết được những phương trình phức tạp hơn. Sau nhiều năm luyện tập chăm chỉ, bạn sẽ trở thành một thần đồng toán học, điều tưởng chừng khó khăn nay đã trở thành đơn giản. Tất cả chúng ta đều bắt đầu từ phép cộng 2+2. Những người thành công không dừng lại ở đó.
NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ NGHÈO ĐÓI
Nghèo đói đơn giản chỉ là có nhiều vấn đề hơn là giải pháp. Tình trạng nghèo đói gây ra bởi tâm lý con người bị choáng ngợp trước những vấn đề mà họ không thể giải quyết. Không phải tất cả nguyên nhân của nghèo đói là do những vấn đề về tài chính. Chúng có thể là do nghiện ngập, kết hôn nhầm đối tượng, sống trong một môi trường đầy tội phạm, không có kỹ năng nghề nghiệp, không có phương tiện để đi làm hoặc là không có khả năng chi trả cho việc chăm sóc y tế.

Một số vấn đề về tài chính hiện nay như nợ quá nhiều và lương thấp được gây ra bởi những tình huống nằm ngoài khả năng giải quyết của một cá nhân, những vấn đề có liên quan nhiều đến Chính phủ và một nền kinh tế bị phù phép.

Lấy ví dụ, một trong những nguyên nhân của lương thấp là do những công việc trả lương cao trong ngành sản xuất được chuyển ra nước ngoài. Ngày nay, có nhiều công việc trả lương cao nhưng thuộc về lĩnh vực dịch vụ chứ không phải sản xuất. Khi tôi còn nhỏ, General Motors là nhà tuyển dụng lớn nhất của nước Mỹ. Hiện nay, Wal- Mart là nhà tuyển dụng lớn nhất. Chúng ta đều biết là Wal-Mart không nổi tiếng về việc trả lương cao hay những chương trình hưu trí hào phóng.

Cách đây 50 năm, một người không được giáo dục nhiều vẫn có thể có thu nhập khá. Ngay cả nếu chỉ có bằng phổ thông trung học, một lao động trẻ có thể kiếm được công việc trả lương tương đối hậu hĩnh trong ngành sản xuất xe hơi hoặc thép. Ngày nay, những công việc đó lại là “sản xuất” burger.

Cách đây 50 năm, những công ty sản xuất có chương trình chăm sóc sức khỏe và phúc lợi khi về hưu. Ngày nay, hàng triệu công nhân có thu nhập thấp đi trong khi đó lại cần nhiều tiền hơn để trang trải những chi phí y tế và tiết kiệm đủ cho khi về hưu. Mỗi ngày qua, những vấn đề tài chính này không được giải quyết, chúng trở nên tệ hơn. Và chúng bắt nguồn từ những vấn đề lớn hơn của quốc gia, nằm ngoài tầm khả năng giải quyết hoặc thay đổi của một cá nhân. Chúng bắt nguồn từ những chính sách kinh tế yếu kém và chủ nghĩa quen biết (cronyism).
NHỮNG QUY LUẬT CỦA TIỀN TỆ ĐÃ THAY ĐỔI

Vào năm 1971, Tổng thống Nixon đã loại bỏ hệ bản vị vàng. Chính sách kinh tế tồi này đã làm thay đổi những quy luật của tiền tệ. Đó là một trong những thay đổi về tài chính lớn nhất trong lịch sử thế giới, tuy nhiên, ít người nhận biết được điều này và tác động của nó lên nền kinh tế thế giới hiện nay. Một trong những lý do mà nhiều người phải vật lộn về tài chính hiện nay là do những chính sách của Nixon.

Năm 1971, đồng đôla Mỹ đã chết bởi vì nó không còn là tiền tệ (money) nữa – nó trở thành phương tiện thanh toán (currency). Có một sự khác biệt lớn giữa tiền và phương tiện thanh toán.

Từ đơn vị thanh toán (currency) có nguồn gốc từ từ lưu chuyển (current), giống như trong cụm từ dòng điện (electrical current) hay hải lưu (ocean current). Từ này hàm chỉ sự dịch chuyển. Theo nghĩa cực giản, tiền cần phải được lưu chuyển. Nếu ngừng lưu chuyển, dần dần chúng sẽ mất giá trị. Nếu sự suy giảm về giá trị quá lớn, người dân sẽ không còn chấp nhận chúng nữa. Nếu người dân ngừng chấp nhận, giá trị của tiền sẽ tiến đến bằng không. Sau năm 1971, giá trị của đồng đôla Mỹ bắt đầu giảm dần đến không.

Về lâu về dài, giá trị của tất cả các loại tiền tệ cuối cùng cũng bằng không. Xuyên suốt lịch sử, các chính phủ đều in tiền. Trong cuộc chiến tranh giành độc lập, Chính phủ Mỹ đã in một loại tiền gọi là Continential. Không lâu sau đó, giá trị của loại tiền này trở về bằng không.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Chính phủ Đức có in một đồng tiền với hy vọng sẽ thanh toán được những khoản chi tiêu của mình. Lạm phát bùng nổ và những khoản tiết kiệm của giới trung lưu Đức dần dần mất giá. Vào năm 1933, khánh kiệt và thất vọng, người dân Đức đã bầu Adolf Hitler lên cầm quyền, hy vọng rằng ông ta sẽ giải quyết được những vấn đề tài chính của mình.

Cũng trong năm 1933, Franklin Roosevelt lập ra chế độ An sinh xã hội để giải quyết những rắc rối tài chính của người dân Mỹ. Mặc dù rất phổ biến, An sinh xã hội và Chăm sóc y tế là những thảm họa về tài chính và có thể sẽ bùng nổ thành khủng hoảng tài chính trên diện rộng. Nếu Chính phủ Mỹ in thêm nhiều đồng tiền khôi hài – nghĩa là thêm nhiều đơn vị thanh toán – để giải quyết hai vấn đề tài chính đó, giá trị của đồng đôla sẽ càng giảm nhanh và vấn đề lại trở nên trầm trọng hơn. Đây không phải là một vấn đề của tương lai mà nó hiện đang xảy ra. Theo báo cáo mới nhất của Bloomberg, đồng đôla đã giảm 13,2% giá trị kể từ khi George W.Bush nhận nhiệm kỳ vào tháng Một năm 2001.

Những thay đổi của Nixon đối với đồng đôla Mỹ là một trong những lý do có nhiều người mắc nợ, cũng giống như Chính phủ mắc nợ. Khi những quy luật tiền tệ thay đổi vào năm 1971, người gửi tiết kiệm trở thành người mất tiền và con nợ thì lại được lợi. Một loại hình chủ nghĩa tư bản mới xuất hiện. Ngày nay, khi nghe ai đó nói: “Bạn cần phải tiết kiệm” hay là “Tiết kiệm cho khi về hưu”, tôi thắc mắc là liệu những người đó có biết rằng những quy luật tiền tệ đã thay đổi.

Theo những quy luật của chủ nghĩa tư bản cũ thì việc gửi tiền tiết kiệm là thông minh. Nhưng theo chủ nghĩa tư bản mới thì đem gửi tiết kiệm một phương tiện thanh toán là một việc làm điên rồ. Không có nghĩa lý gì khi đem đi cất giữ một đơn vị thanh toán. Theo chủ nghĩa tư bản mới, tiền phải được lưu thông. Nếu tiền không lưu thông, càng ngày nó càng mất giá trị. Tiền, giống như một dòng điện, cần phải lưu chuyển từ một tài sản này sang tài sản khác càng nhanh càng tốt. Mục đích của tiền là để mua những tài sản, những tài sản hoặc là sẽ tăng giá trị hoặc là sẽ tạo ra dòng lưu kim. Tiền cần phải được luân chuyển nhanh để mua những tài sản thực bởi vì bản thân tiền cũng đang nhanh chóng giảm giá trị. Giá cả của những tài sản thực như vàng, dầu lửa, bạc, nhà cửa và chứng khoán tăng bởi vì giá trị của tiền đang suy giảm. Giá trị nội tại của chúng không thay đổi mà chỉ là khối lượng tiền cần để mua chúng là thay đổi.

Quy luật Gresham phát biểu rằng: “Khi những đồng tiền xấu đi vào lưu thông, những đồng tiền tốt sẽ chạy trốn”. Vào năm 1971, Chính phủ Mỹ đưa vào nền kinh tế những đồng tiền khôi hài – đồng tiền xấu. Theo chủ nghĩa tư bản mới thì việc vay hôm nay và trả nợ bằng những đồng đôla rẻ hơn ngày mai là thực sự hợp lý. Chính phủ Mỹ đã làm như vậy. Tại sao chúng ta không làm như vậy? Chính phủ Mỹ đang mắc nợ. Tại sao chúng ta không nên mắc nợ? Khi chúng ta không thể thay đổi một hệ thống thì cách duy nhất để thành công là thao túng nó.

Bởi vì sự thay đổi về tiền tệ năm 1971, giá nhà đất tăng vọt khi mà sức mua của đồng đôla suy giảm. Thị trường chứng khoán lên giá bởi vì các nhà đầu tư đang kiếm nơi ẩn nấp an toàn cho đồng đôla của họ. Trong khi các nhà kinh tế gọi đây là lạm phát, nó thực ra là sự mất giá của tiền tệ. Nó làm cho những người sở hữu nhà cảm thấy an toàn hơn bởi vì giá trị nhà của họ trông ra đang tăng giá. Thực sự, sức mua của đồng đôla giảm khi mà tài sản của những người sở hữu nhà tăng giá. Tuy nhiên, giá nhà đất tăng và đồng lương thấp làm cho những người trẻ khó kiếm đủ tiền để mua căn nhà đầu tiên. Nếu những người trẻ không nhận ra rằng những quy luật tiền tệ đã thay đổi, họ sẽ còn gặp khó khăn hơn so với cha mẹ của họ khi mà đồng đôla Mỹ vẫn tiếp tục giảm giá trị.
SỰ THAY ĐỔI KHÁC CỦA QUY LUẬT TlỀN TỆ
Sự thay đổi khác của quy luật tiền tệ xảy ra vào năm 1974. Trước đó, các doanh nghiệp sẽ chăm lo cho nhân viên khi họ về hưu. Các doanh nghiệp đảm bảo rằng người nghỉ hưu sẽ nhận được những khoản chi trả miễn là họ còn sống. Có thể bạn đã biết, những trường hợp như vậy không còn nữa.

Những kế hoạch hưu trí chi trả cho nhân viên cho đến khi mãn đời gọi là kế hoạch trợ cấp lợi ích xác định, còn gọi là DB (difined benefit). Ngày nay, rất ít công ty áp dụng chương trình này. Đơn giản là vì nó quá tốn kém. Sau năm 1974, một loại hình kế hoạch hưu trí mới xuất hiện gọi là kế hoạch Đóng góp xác định, còn gọi là DC (defined contribution). Hiện nay, chúng được biết đến dưới tên gọi 401(k), IRA và Keogh… Nói cho đơn giản, một kế hoạch DC không đảm bảo chi trả trọn đời. Bạn chỉ lấy lại những gì bạn và nhà tuyển dụng đã đóng góp… nếu như bạn và nhà tuyển dụng có đóng góp.

Thời báo USA Today khảo sát được rằng ngày nay nỗi lo lớn nhất của người dân Mỹ không phải là khủng bố mà lo sợ hết tiền trong thời gian về hưu. Một trong những lý do cho lo sợ bao trùm này là sự thay đổi năm 1974 về những quy luật của tiền tệ. Và nỗi lo đó là có cơ sở. Nền giáo dục Mỹ không trang bị cho người dân đủ kiến thức tài chính cần thiết để đầu tư thành công cho lúc nghỉ hưu. Nếu có chăng, trường học chỉ dạy các em cân đối sổ séc, chọn một số quỹ hỗ tương và thanh toán hóa đơn đúng hạn – giáo dục tài chính như thế là chưa đủ để xử lý những vấn đề tài chính mà họ gặp phải. Hơn thế nữa, đa số mọi người không nhận ra rằng những quy luật tiền tệ đã thay đổi và nếu họ còn là người gửi tiết kiệm, họ sẽ là người mất tiền. Kế hoạch hưu trí không được đóng góp đủ sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo của nước Mỹ.
SỰ BẢO VỆ CỦA CHÍNH PHỦ?

Thiếu an toàn tài chính trong tương lai dẫn đến sự ra đời chương trình An sinh xã hội và Chăm sóc y tế – sự bảo vệ của Chính phủ được tạo ra để giúp người dân không thể giải quyết những vấn đề tài chính của riêng mình. Cả hai chương trình đều bị phá sản. Quỹ Chăm sóc sức khỏe đã bị vỡ. Còn quỹ An sinh xã hội sớm muộn gì cũng vỡ. Vào năm 2008, 78 triệu người dân thuộc thế hệ bùng nổ dân số đầu tiên sẽ bắt đầu về hưu và đa số sẽ không đủ tiền lương hưu để sống. Theo thông tin từ Chính phủ Mỹ, nghĩa vụ cho Chương trình An sinh xã hội xấp xỉ 10 ngàn tỉ đôla, nghĩa vụ cho chương trình Chăm sóc sức khỏe là 64 ngàn tỉ đôla. Nếu những con số này là chính xác, điều này có nghĩa là Chính phủ Mỹ mắc nợ người về hưu 74 ngàn tỉ đôla, lớn hơn nhiều giá trị của tất cả thị trường chứng khoán trên thế giới. Đây là một vấn đề lớn mà cần phải có sự thông minh tài chính để giải quyết. Tung thêm tiền để giải quyết vấn đề chỉ làm tồi tệ thêm tình hình. Nó có thể sẽ làm sụp đổ hoàn toàn một hệ thống vốn sẵn có toàn những đồng tiền khôi hài, làm cho đồng đôla càng gần bằng không hơn nữa.
TẠI SAO NGƯỜI GIÀU LẠI TRỞ NÊN GIÀU HƠN

Rằng những quy luật tiền tệ đã thay đổi, rằng những thay đổi đó làm cho bạn trở nên nghèo hơn, rằng chúng ở ngoài tầm kiểm soát của bạn trông có vẻ không công bằng cho bạn. Thực sự nó là như vậy. Mấu chốt để làm giàu là phải nhận ra rằng hệ thống đó là không công bằng, học những quy luật đó và sử dụng chúng một cách có lợi cho bạn. Điều này đòi hỏi sự thông minh tài chính mà sự thông minh tài chính thì chỉ đạt được bằng cách giải quyết vấn đề.

Người cha giàu nói rằng, “Người giàu trở nên giàu hơn là bởi vì họ học được cách giải quyết những vấn đề tài chính. Người giàu xem chúng là cơ hội để học hỏi, trưởng thành, thông minh hơn và để trở nên giàu có hơn. Người giàu biết rằng chỉ số IQ tài chính của họ càng cao, họ càng giải quyết được những vấn đề lớn lao hơn và vì thế họ kiếm được nhiều tiền hơn. Thay vì bỏ chạy, trốn tránh và vờ như những rắc rối tài chính không hề tồn tại, người giàu đón nhận những vấn đề tài chính bởi vì họ biết rằng chúng là cơ hội để trở nên thông minh hơn. Đó là lý do tại sao họ trở nên giàu hơn.”
NGƯỜI NGHÈO GIẢI QUYẾT RẮC RỐI TÀI CHÍNH NHƯ THẾ NÀO
Khi miêu tả người nghèo, người cha giàu nói, “Người nghèo xem rắc rối tài chính chỉ đơn thuần là rắc rối. Nhiều người xem mình là nạn nhân của tiền bạc. Nhiều người nghĩ rằng chỉ có họ mới gặp rắc rối về tài chính. Họ nghĩ rằng nếu họ có nhiều tiền hơn, những rắc rối này sẽ chấm dứt. Họ ít biết được rằng chính thái độ của họ trước những rắc rối mới là vấn đề. Chính thái độ này tạo ra rắc rối. Không có khả năng giải quyết hoặc lảng tránh chỉ làm kéo dài những rắc rối và làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn. Thay vì trở nên giàu có hơn, họ nghèo đi. Thay vì tăng chỉ số IQ tài chính của mình, điều duy nhất họ tăng là những vấn đề tài chính.”
TẦNG LỚP TRUNG LƯU GIẢI QUYẾT RẮC RỐI TÀI CHÍNH NHƯ THỂ NÀO

Trong khi người nghèo là nạn nhân của tiền bạc, giới trung lưu lại là tù nhân của tiền bạc. Khi miêu tả giai cấp trung lưu, người cha giàu nói rằng: “Họ giải quyết rắc rối tài chính của mình theo cách khác. Thay vì giải quyết vấn đề, họ nghĩ rằng mình có thể thông minh hơn những rắc rối. Thông thường họ sẽ bỏ tiền đi học để kiếm một công việc an toàn. Hầu hết đủ thông minh để kiếm tiền và dựng nên một tường lửa, vùng an toàn giữa họ và những vấn đề tài chính. Họ mua nhà, đi làm, kiếm sự an toàn, leo lên những bậc thang nghề nghiệp và tiết kiệm tiền cho khi về hưu bằng cách mua cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Họ tin rằng học thuật hay sự giáo dục về nghề nghiệp là đủ để cách ly họ khỏi sự khắc nghiệt và tàn nhẫn của thế giới tiền bạc.

“Tuy nhiên ở tuổi năm mươi” người cha giàu nói, “nhiều người trong số họ chợt nhận ra mình đang là tù nhân tại chính văn phòng làm việc của mình. Hầu hết họ là những nhân viên được quý trọng. Họ có kinh nghiêm. Họ kiếm đủ tiền và có đủ sự an toàn nghề nghiệp. Nhưng tận sâu đáy lòng, họ biết là mình đang mắc kẹt về tài chính và họ thiếu sự thông minh tài chính để thoát khỏi nhà tù – văn phòng. Họ trông chờ thêm 15 năm nữa cho đến khi 65 tuổi, họ có thể về hưu và dĩ nhiên sau đó bắt đầu sống với một ngân sách eo hẹp.”

Người cha giàu nói rằng, “Giới trung lưu nghĩ rằng họ có thể thông minh hơn những rắc rối bằng con đường học thuật và việc làm. Hầu hết thiếu giáo dục về tài chính, đó là lý do tại sao họ có xu hướng đánh giá cao sự an toàn tài chính hơn chấp nhận những thách thức. Thay vì trở thành một doanh nhân, họ làm việc cho những doanh nhân khác. Thay vì đầu tư, họ giao cho những chuyên gia tài chính để quản lý tiền của mình. Thay vì nâng cao chỉ số IQ tài chính của mình, họ luôn bận rộn và giam mình ở công sở.”
NGƯỜI GIÀU GIẢI QUYẾT RẮC RỐI TÀI CHÍNH NHƯ THẾ NÀO
Khi nói đến sự thông minh tài chính, dễ dàng nhận thấy là có năm loại thông minh cốt lõi mà mỗi cá nhân cần phải phát triển để trở nên giàu có. Cuốn sách này nói về năm loại thông minh về tài chính đó.

Cuốn sách này cũng bàn về sự hoàn thiện (integrity). Khi nói đến từ “integrity”, mọi người đều nghĩ đến nó như là một khái niệm đạo đức. Đó không phải chủ đích của tôi khi dùng từ này. “Integrity” có nghĩa là sự trọn vẹn. Theo như Webster’s, nó được định nghĩa là tình trạng hoàn thiện hay là không bị chia nhỏ. Một người nắm chắc năm loại thông minh tài chính mà tôi đề cập trong cuốn sách này sẽ đạt được sự hoàn thiện về tài chính.

Khi người giàu gặp rắc rối tài chính, họ sử dụng sự hoàn thiện về tài chính, điều được phát triển qua nhiều năm đối diện và giải quyết vấn đề bằng năm loại thông minh tài chính, để giải quyết chúng. Nếu không biết câu trả lời cho những rắc rối đó, họ không quay mặt đi và bỏ cuộc. Họ tìm đến các chuyên gia để giúp mình giải quyết vấn đề. Qua quá trình đó, họ trở nên thông minh hơn và được trang bị nhiều hơn khi gặp những vấn đề mới. Người giàu không bỏ cuộc. Họ học hỏi. Và bằng học hỏi, họ trở nên giàu hơn.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH CỦA NGƯỜI KHÁC
Người cha giàu cũng nói rằng, “Nhiều người làm việc cho người giàu, giải quyết rắc rối tài chính cho người giàu.” Ví dụ như, nhân viên kế toán tính toán tiền bạc cho người giàu. Nhân viên kinh doanh bán sản phẩm của người giàu. Giám đốc văn phòng quản lý công việc kinh doanh của người giàu. Thư ký thì trả lời điện thoại và đối xử tôn trọng đối với khách hàng của người giàu. Nhân viên bảo dưỡng giữ cho văn phòng và máy móc hoạt động bình thường. Luật sư bảo vệ người giàu trước những luật sư khác và các vụ kiện. Một kế toán viên công chứng bảo vệ tài sản của người giàu khỏi thuế lệ. Ngân hàng thì giữ cho tài sản của người giàu an toàn.

Điều mà người cha giàu đang cố giải thích đó là hầu hết chúng ta chỉ đi giải quyết vấn đề của người khác. Vậy thì ai sẽ giải quyết những vấn đề của chúng ta? Nhiều người trong chúng ta khi về nhà lại đối diện với nhiều vấn đề khác, và tiền bạc là một trong số đó. Nếu chúng ta không giải quyết rắc rối tài chính của mình tại nhà thì giống như bệnh đau răng, vấn đề đó sẽ dẫn đến những vấn đề khác.
GIẢI PHÁP CỦA NGƯỜI CHA NGHÈO

Người cha nghèo của tôi cố gắng giải quyết rắc rối tài chính của mình bằng cách quay lại trường. Ông thích trường học, học rất khá và cảm thấy an toàn. Ông học lên cao và trở thành Tiến sĩ. Với bằng cấp cao như vậy, ông tìm kiếm những công việc trả lương cao hơn Ông cố giải quyết rắc rối bằng cách thông minh hơn về học thuật và nghề nghiệp nhưng đã không thông minh hơn về tài chính. Ông là một người được đào tạo tốt và làm việc chăm chỉ. Nhưng không may là, đào tạo tốt và làm việc chăm chỉ không giải quyết được những rắc rối tài chính của ông. Những rắc rối đó chỉ lớn thêm khi thu nhập tăng bởi vì ông đã lảng tránh chúng. Ông đã cố giải quyết những vấn đề tài chính bằng giải pháp học thuật.
GIẢI PHÁP CỦA NGƯỜI CHA GIÀU
Người cha giàu của tôi lại luôn tìm kiếm những thách thức, đó là lý do tại sao ông khởi nghiệp kinh doanh và đầu tư chủ động. Nhiều người nghĩ ông làm việc chỉ vì tiền. Thực tế thì, ông làm vậy là bởi vì ông thích được thử thách. Ông tìm kiếm những vấn đề tài chính để giải quyết, không phải chỉ để kiếm tiền mà còn giúp ông trở nên thông minh hơn và nâng cao được IQ tài chính của mình.

Người cha giàu thường lấy môn gôn làm ẩn dụ để giải thích cho triết lý của ông về tiền bạc. Ông thường nói, “Tiền sẽ là điểm số của cha. Còn báo cáo tài chính là bảng điểm. Tiền và báo cáo tài chính nói cho cha biết mình thông minh và giỏi như thế nào trong cuộc chơi.” Nói cho đơn giản, người cha giàu xem việc kiếm tiền là một cuộc chơi và ông ấy muốn là người chơi giỏi nhất. Càng lớn, ông càng chơi giỏi hơn. Chỉ số IQ tài chính của ông tăng lên và tiền thì cứ thế mà thu về.
TRÒ CHƠI KIẾM TIỀN

Trong những chương sau, tôi sẽ bàn về năm loại thông minh tài chính mà chúng ta cần phải phát triển để tăng cường chỉ số IQ tài chính và đạt được sự hoàn thiện về tài chính. Tuy nó không dễ dàng và có khi cần cả đời người để đạt được, tin tốt lành là rất ít người biết về năm loại thông minh tài chính này và càng ít hơn nữa số người có động lực để phát triển nâng cao chỉ số IQ tài chính và cải thiện điểm số của họ. Chỉ cần nhận biết được những loại thông minh này là bạn đã được trang bị tốt hơn 95% người còn lại trong xã hội để giải quyết những rắc rối của mình;

Cá nhân mà nói, cả cuộc đời tôi luôn cố gắng cải thiện năm loại thông minh tài chính này. Đối với tôi, giáo dục tài chính không bao giờ là đủ. Lúc đầu, việc nâng cao chỉ số IQ tài chính của tôi rất khó khăn và còn vụng về… giống như khi bắt đầu chơi gôn và thất bại, có nhiều mất mát về tiền bạc, nhiều thất vọng và nhiều hoài nghi về bản thân.

Lúc đầu thì những người bạn cùng lớp kiếm được nhiều tiền hơn tôi. Ngày nay, tôi kiếm được nhiều tiền hơn đa số bọn họ. Mặc dù phải thừa nhận là tôi thích tiền, nhưng những gì tôi làm chủ yếu là vì muốn được thử thách. Tôi thích học hỏi. Tôi làm việc bởi vì tôi thích trò chơi kiếm tiền và tôi muốn là người giỏi nhất trong trò chơi đó. Tôi đã có thể nghỉ ngơi từ lâu. Tôi có nhiều tiền hơn cái gọi là vừa đủ. Nhưng tôi sẽ làm gì nếu tôi nghỉ ngơi? Chơi gôn chăng? Gôn không phải là cái tôi yêu thích. Tôi chơi gôn chỉ để giải trí. Kinh doanh, đầu tư và kiếm tiền mới là sân chơi của tôi. Tôi thích cuộc chơi đó. Tôi đam mê chúng. Vì vậy nếu nghỉ ngơi, tôi sẽ mất đi mềm đam mê và cuộc sống sẽ ra sao nếu không có niềm đam mê?
NHỮNG AI NÊN CHƠI TRÒ CHƠI KIẾM TIỀN?

Phải chăng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nên chơi trò chơi này? Câu trả lời là, dù thích hay không, mọi người đều đã và đang chơi trò chơi này. Giàu hay nghèo, tất cả chúng ta đều trong cuộc chơi. Sự khác biệt là có một số người chơi tích cực hơn, nắm luật chơi và vận dụng nó tốt hơn cho mình so với những người khác. Một số người toàn tâm, đam mê hơn, chịu học hỏi và quyết chiến thắng. Nói về cuộc chơi này, đa số mọi người đều đang thi đấu – nếu họ nhận biết là mình đang thi đấu – chỉ để không thất bại chứ không phải để chiến thắng.

Bởi vì dù gì đi nữa, tất cả chúng ta đều trong cuộc chơi, tốt hơn là nên hỏi bản thân:

– Bạn có là môn đồ của trò chơi kiếm tiến?

– Bạn có quyết tâm chiến thắng?

– Bạn có đam mê học hỏi?

– Bạn có muốn chơi hết mình?

– Bạn có muốn trở nên giàu có hết mức có thể?

Nếu câu trả lời là có, hãy đọc tiếp. Cuốn sách này dành cho bạn. Nếu câu trả lời là không, bạn hãy kiếm những cuốn sách dễ hơn để đọc và chơi những trò chơi dễ hơn. Giống như chơi gôn, có rất nhiều tay gôn chuyên nghiệp nhưng chỉ có một số tay gôn chuyên nghiệp giàu có.
TÓM TẮT

Vào năm 1971 và 1974, những quy luật của tiền tệ đã thay đổi. Những thay đổi này phát sinh nhiều vấn đề tài chính nghiêm trọng trên toàn thế giới, đòi hỏi nhiều hơn sự thông minh tài chính để giải quyết chúng. Không may là Chính phủ và trường học không đề cập đến những thay đổi hoặc những vấn đề này. Vì vậy những vấn đề tài chính ngày nay trở nên khổng lồ. Trong cuộc đời mình, tôi chứng kiến nước Mỹ từ một nước giàu có nhất trở thành con nợ lớn nhất của thế giới.

Nhiều người hy vọng là chính phủ sẽ giải quyết những vấn đề tài chính cho bản thân họ. Tôi không thể biết làm sao mà chính phủ có thể làm điều đó khi mà họ không thể giải quyết những rắc rối tài chính của chính họ. Theo tôi, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm giải quyết những rắc rối của mình. Mặt tích cực của điều này là, nếu bạn tự giải quyết chúng, bạn sẽ trở nên thông minh và giàu có hơn.

Bài học cần ghi nhớ từ chương này là dù giàu hay nghèo, chúng ta đều có những vấn đề về tiền bạc. Cách duy nhất để trở nên giàu có và nâng cao sự thông minh tài chính của bạn là chủ động giải quyết những vấn đề của mình.

Người nghèo và giới trung lưu thường né tránh hoặc tự lừa dối bản thân rằng họ không có những rắc rối về tài chính. Tác hại của thái độ này là những rắc rối đó vẫn tồn tại và sự thông minh tài chính của họ, nếu có đi chăng nữa, sẽ phát triển rất chậm.

Người giàu dám đối diện với những khó khăn tài chính. Họ biết rằng, nếu giải quyết chúng, họ sẽ trở nên thông minh hơn và nâng cao được chỉ số IQ tài chính của mình. Người giàu biết rằng, chính sự thông minh tài chính, chứ không phải bản thân tiền bạc, làm cho họ giàu có.

Vấn đề đối với người nghèo và tầng lớp trung lưu là họ không có đủ tiền. Người giàu lại có vấn đề đối với việc có quá nhiều tiền. Cả hai đều thực sự có những vấn đề có lý. Quan trọng là bạn muốn có những vấn đề nào. Nếu bạn muốn gặp vấn đề với việc có quá nhiều tiền, hãy đọc tiếp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.