Dạy Con Làm Giàu – Tập 13

CHƯƠNG 2



Năm chỉ số IQ tài chính

Có năm chỉ số IQ tài chính cơ bản là:

IQ tài chính #1: Kiếm nhiều tiền hơn.

IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn.

IQ tài chính #3: Lên kế hoạch cho tiền.
IQ tài chính #4: Tạo đòn bẩy cho tiền.

IQ tài chính #5: Cải thiện thông tin tài chính.

SỰ THÔNG MINH TÀI CHÍNH VÀ CHỈ SỐ IQ TÀI CHÍNH
Hầu hết chúng ta biết rằng một người với chỉ số năng lực trí tuệ 130 điểm được xem là thông minh hơn người đạt 95 điểm. Điều này tương tự đối với chỉ số IQ tài chính. Bạn có thể là một thiên tài khi bàn về sự thông minh trong học thuật nhưng có thể chỉ là một đứa trẻ khi nói đến sự thông minh tài chính.

Tôi thường được hỏi, “Sự khác nhau giữa thông minh tài chính và chỉ số IQ tài chính là gì?” Câu trả lời của tôi như sau: “Sự thông minh tài chính là một bộ phận của năng lực trí tuệ mà chúng ta sử dụng để giải quyết những vấn đề tài chính. Chỉ số IQ tài chính dùng để đo lường sự thông minh đó. Nó là cách chúng ta lượng hóa sự thông minh tài chính. Ví dụ, nếu tôi kiếm được 100.000 đôla và trả 20 phần trăm thuế, tôi sẽ thông minh hơn so với người cũng kiếm được 100.000 đôla nhưng phải trả tới 50 phần trăm thuế.”

Trong ví dụ này, người kiếm được 80.000 đôla ròng sau thuế có chỉ số IQ tài chính cao hơn người kiếm được 50.000 đôla ròng sau thuế. Cả hai đều có sự thông minh tài chính nhưng người mà giữ lại được nhiều tiền hơn có chỉ số IQ tài chính cao hơn.
ĐO LƯỜNG SỰ THÔNG MINH TÀI CHÍNH

IQ tài chính #1: Kiếm nhiều tiền hơn. Đa số chúng ta đều có đủ sự thông minh tài chính để kiếm ra tiền. Càng kiếm được nhiều tiền, chỉ số IQ tài chính #1 của bạn càng cao. Nói cách khác, một người kiếm được một triệu đôla mỗi năm sẽ có IQ tài chính #1 cao hơn, một cách đo lường được, so với người kiếm được ba mươi ngàn đôla một năm. Và nếu hai người đều kiếm được một triệu đôla một năm, người trả thuế ít hơn sẽ có chỉ số IQ tài chính cao hơn bởi vì anh ta gần đạt đến sự hoàn thiện về tài chính bằng cách sử dụng IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn.

Tất cả chúng ta đều biết rằng một người mặc dù có chỉ số năng lực trí tuệ cao và là một thiên tài trong lớp nhưng có thể sẽ không kiếm được nhiều tiền trong đời sống thực. Tôi thừa nhận rằng, người cha nghèo của tôi, một giáo viên giỏi và một người làm việc chăm chỉ, có chỉ số năng lực trí tuệ cao nhưng chỉ số IQ tài chính thấp. Ông xuất sắc trong môi trường học thuật nhưng lại kém cỏi trong môi trường kinh doanh.

IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn. Sự thật là thế giới này có rất nhiều cái để lấy đi tiền của bạn. Nhưng những người lấy cắp tiền của bạn không chỉ có kẻ cướp hay tội phạm. Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tiền của chúng ta là thuế. Chính phủ có thể lấy tiền của chúng ta một cách hợp pháp.

Nếu một người có IQ tài chính #2 thấp, anh ta sẽ phải trả nhiều thuế hơn. Ví dụ cho điều này là một người trả 20 phần trăm thuế và một người trả 35 phần trăm thuế. Người trả thuế ít hơn có chỉ số IQ tài chính cao hơn một cách có thể đo lường được.

IQ tài chính #3: Lập ngân sách cho tiền. Lập ngân sách cho tiền đòi hỏi rất nhiều sự thông minh tài chính. Nhiều người lập ngân sách cho tiền của mình giống như một người nghèo chứ không phải một người giàu. Nhiều người kiếm được rất nhiều tiền nhưng không thể giữ lại được nhiều tiền đơn giản chỉ vì họ lập ngân sách kém. Ví dụ, một người kiếm được 70.000 đôla một năm và xài hết số đó sẽ có IQ tài chính #3 thấp hơn một người chỉ kiếm được 30.000 đôla một năm nhưng vẫn có thể sống tốt với 25.000 đôla và đem đi đầu tư 5.000 đôla. Vẫn có thể sống tốt và vẫn có tiền để đầu tư bất chấp việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền đòi hỏi rất nhiều sự thông minh tài chính.

Bạn cần phải chủ động lập ngân sách để có được thặng dư. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về điều này ở phần sau cuốn sách.

IQ tài chính #4: Tạo đòn bẩy cho tiền. Sau khi có được thặng dư, thử thách tiếp theo là tạo đòn bẩy cho số tiền đó. Đa số mọi người gửi chúng trong các nhà băng. Đây là một việc làm đúng trước năm 1971 – trước khi tiền trở thành một đơn vị thanh toán. Hơn thế nữa, sau năm 1974, những người làm thuê phải tiết kiệm cho khi về hưu. Hàng triệu người làm thuê không biết nên đầu tư tiền của mình vào đâu, cho nên họ đầu tư số thặng dư đó vào những quỹ hỗ tương được đa dạng hóa và hy vọng rằng chúng sẽ tạo đòn bẩy cho số tiền của mình.

Mặc dù tiết kiệm và đầu tư vào quỹ hỗ tương là một hình thức tạo đòn bẩy cho tiền, có nhiều cách tốt hơn để làm điều này. Nếu thành thật với bản thân, bạn phải thừa nhận rằng không cần phải có quá nhiều sự thông minh tài chính để tiết kiệm và đầu tư vào quỹ hỗ tương. Bạn có thể dạy một con khỉ gửi tiết kiệm và đầu tư vào quỹ hỗ tương. Đó là lý do tại sao từ trước đến giờ, lợi nhuận từ những khoản đầu tư này thấp.

IQ tài chính #4 được đo lường bằng lợi nhuận từ những khoản đầu tư. Lấy ví dụ, một người đầu tư có lợi nhuận 50 phần trăm trên số tiền bỏ ra có IQ tài chính #4 cao hơn một người chỉ có lợi nhuận 5 phần trăm. Và một người lợi nhuận 50 phần trăm nhưng được miễn thuế dĩ nhiên có chỉ số IQ tài chính cao hơn một người lợi nhuận chỉ có 5 phần trăm mà vẫn phải trả 35 phần trăm thuế trên số lợi nhuận đó.

Thêm một điểm nữa, nhiều người nghĩ rằng lợi nhuận đầu tư cao đi kèm rủi ro cao. Điều này không đúng. Trong phần sau của cuốn sách này, tôi sẽ lý giải tại sao tôi có được những suất lợi nhuận cực cao, trả rất ít thuế – gần như là không – mà vẫn ít rủi ro. Đối với tôi, gửi tiết kiệm ở ngân hàng và đầu tư vào những quỹ hỗ tương được đa dạng hóa còn rủi ro hơn những điều tôi làm. Vấn đề nằm ở sự thông minh tài chính.

IQ tài chính #5: Cải thiện thông tin tài chính. Có một câu châm ngôn nói rằng: “Phải học đi trước khi học chạy.” Điều này đúng khi nói về sự thông minh tài chính. Trước khi biết cách kiếm được những suất sinh lời cao (IQ tài chính #4: tạo đòn bẩy cho tiền), bạn cần phải “học đi”, nghĩa là, học những điều cơ bản về sự thông minh tài chính.

Một trong những lý do nhiều người gặp khó khăn với IQ tài chính #4 là bởi vì họ được dạy nên giao tiền cho các “chuyên gia” như ngân hàng, quỹ hỗ tương…

Kết quả là bạn sẽ chẳng học được gì cho mình, không nâng cao được sự thông minh tài chính và không tự mình trở thành chuyên gia tài chính cho mình. Nếu một người khác quản lý và giải quyết những rắc rối tài chính cho bạn, bạn không thể nào nâng cao được sự thông minh tài chính cho mình. Thực tế là bạn đang trả tiền cho những người thay bạn quản lý tiền.

Nếu bạn có thông tin tài chính tốt, việc nâng cao trí thông minh tài chính sẽ trở nên dễ dàng. Nhưng nếu IQ tài chính của bạn thấp thì những thông tin tài chính mới có thể trông rất rối rắm và chẳng có giá trị gì. Hãy nhớ ví dụ của tôi nói rằng những thiên tài toán học cũng cần phải bắt đầu với phép cộng 2+2. Một trong những ích lợi của việc đầu tư cho giáo dục tài chính là qua thời gian, bạn có thể nắm bắt được thông tin tài chính phức tạp hơn, giống như việc các nhà toán học có thể giải được những phương trình phức tạp sau nhiều năm luyện tập. Nhưng, một lần nữa, bạn cần phải học đi trước khi học chạy.

Hầu hết chúng ta đã từng đến lớp, nghe các buổi thuyết giảng hoặc tham gia những cuộc thảo luận mà những thông tin thì cứ tai này sang tai kia. Hoặc là những thông tin trong lớp quá phức tạp đến nỗi càng cố hiểu những gì đang nói làm bạn càng nhức đầu. Có thể là do ông thầy quá khó ưa mà cũng có thể là do bạn cần thêm tí nữa những thông tin cơ bản.

Cá nhân mà nói, bây giờ tôi cảm thấy khá thoải mái đối với những thông tin tài chính. Sau nhiều năm học hỏi, tôi có thể ngồi nghe và hiểu hầu hết những khái niệm tài chính. Nhưng tôi lại là một người mù về công nghệ. Tôi gần như không thể sử dụng điện thoại di động hoặc bật máy tính lên. Tôi không thể nạp đa số những kiến thức về công nghệ vô đầu. Nếu có chỉ số IQ về công nghệ thì của tôi có lẽ là thấp nhất. Mấu chốt của vấn đề là chúng ta cần phải bắt đầu từ một xuất phát điểm nào đó. Nếu tôi tham gia một lớp học về thiết kế trang web, tôi sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn. Bạn cần phải biết cách bật máy vi tính trước khi thử học thiết kế trang web. Những kiến thức căn bản để thành công trong lớp học đó vượt quá khả năng của tôi.

Chủ đích của tôi khi viết cuốn sách này là làm cho thông tin tài chính trở nên càng đơn giản càng tốt. Tôi chủ trương ủng hộ sự thấu hiểu những chiến lược tài chính phức tạp. Trong cuốn sách này, tôi cam đoan rằng những gì tôi viết là những cái tôi đã từng làm hoặc đang làm. Như bạn cũng biết, có nhiều giáo viên và tác giả khuyên bạn nên làm những gì nhưng họ lại không làm như vậy. Họ thực sự không biết rằng liệu những gì họ đề cập đến thực sự có tác dụng hay không. Nói cách khác là họ nói không đi đôi với làm.

Chẳng hạn như, nhiều chuyên gia tài chính khuyên chúng ta nên tiết kiệm và đầu tư vào quỹ hỗ tương. Vấn đề với lời khuyên này là họ không biết được nó có tác dụng qua thời gian hay không. Nó nghe có vẻ hay. Nó cũng đơn giản để thực hiện. Không cần nhiều đến sự thông minh tài chính để làm theo lời khuyên này. Câu hỏi của tôi là: “Liệu những lời khuyên đó có tác dụng? Những chuyên gia tư vấn tài chính có chắc chắn rằng chiến lược như vậy đảm bảo cho bạn về mặt tài chính? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đồng đôla giảm đến 0 và xói mòn tiền tiết kiệm của bạn? Sẽ như thế nào nếu thị trường chứng khoán sụp đổ giống như đã từng vào năm 1929? Bạn sẽ làm gì nếu lạm phát phi mã bởi vì giá trị của đồng đôla suy giảm và một bình sữa giá 100 đôla. Bạn có kham nổi không? Sẽ ra sao nếu Chính phủ Mỹ không chi trả nổi chi phí An sinh xã hội và Chăm sóc sức khỏe cho người già.

Tôi rùng mình mỗi khi nghe một chuyên gia tài chính nào đó nói rằng: “Tiết kiệm và đầu tư vào quỹ hỗ tương.” Tôi muốn hỏi chuyên gia đó rằng, “Liệu anh có đảm bảo là chiến lược đó phát huy tác dụng? Anh có cam đoan rằng nó sẽ giúp tôi và gia đình an toàn về mặt tài chính trong quãng đời còn lại?” Nếu như anh ta thành thật, anh ta sẽ phải nói là, “Không. Tôi không thể đảm bảo là lời khuyên của tôi sẽ giúp anh an toàn về mặt tài chính.”

Bản thân tôi cũng không thể cam đoan rằng những lời khuyên của tôi sẽ giúp bạn và gia đình bạn an toàn về mặt tài chính trong tương lai hay không. Đơn giản là vì có quá nhiều thay đổi và sự bất ngờ phía trước. Thế giới đang thay đổi chóng mặt. Những quy luật đã thay đổi và sẽ còn tiếp tục thay đổi. Công nghệ phát triển đã biến những nước nghèo thành cường quốc về tài chính, tạo ra nhiều người giàu lẫn người nghèo hơn, nhiều cơ hội và khó khăn tài chính hơn.

Lý do tôi viết sách, tạo ra những sản phẩm tài chính và nhấn mạnh tầm quan trọng của năm loại thông minh tài chính là bởi vì tôi tin rằng nước Mỹ và thế giới đang trong một giai đoạn biến động về kinh tế chưa từng có trong lịch sử. Có quá nhiều rắc rối tài chính không được giải quyết. Thay vì dùng trí thông minh, tài chính để giải quyết nó, chúng ta lại quăng những đồng tiền khôi hài vô vấn đề. Chúng ta dùng những tư duy lạc hậu để giải quyết những vấn đề mới. Làm thế chỉ tạo ra những vấn đề mới hơn và phức tạp hơn. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng năm loại thông minh tài chính là cần thiết. Nếu như bạn chịu phát triển chúng, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Bạn sẽ có thể giải quyết rắc rối của mình tốt hơn và nâng cao sự thông minh tài chính.
NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM

Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi chỉ viết ra những gì tôi đã và đang làm. Đó là lý do tại sao phần lớn cuốn sách này viết dưới dạng tường thuật, hơn là dưới dạng những lý thuyết tài chính. Điều này không có nghĩa là tôi khuyên bạn làm giống như tôi và cũng không có nghĩa là những gì tốt đối với tôi cũng sẽ tốt cho bạn. Đơn giản tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn kinh nghiệm bản thân trên hành trình giải quyết những vấn đề tài chính kéo dài đến ngày nay. Tôi chia sẻ với các bạn những điều tôi đã học được với mong muốn là nó sẽ giúp cho bạn nâng cao IQ tài chính #5: cải thiện thông tin tài chính của bạn.

Tôi cũng biết tôi không có câu trả lời cho mọi vấn đề. Tôi không biết liệu mình có thể vượt qua được một thảm họa tài chính trên diện rộng không nữa. Nhưng tôi biết rằng dù cho bất kỳ vấn đề hay thách thức nào xảy ra trong tương lai, tôi cũng chỉ xem đó như là một cơ hội để tôi trở nên thông minh hơn và nâng cao chỉ số IQ tài chính của mình. Thay vì lo sợ, tôi tin là mình có thể thích nghi và thành công nhờ có sự thông minh tài chính. Hy vọng là bạn cũng thế, đó là lý do tại sao công ty The Rich Dad và những sản phẩm của nó ra đời. Nó không chủ đích đưa ra một câu trả lời chính xác mà vấn đề là làm sao để có được năng lực tài chính cần thiết. Như người cha giàu có nói, “Câu trả lời nói về quá khứ, còn khả năng mới chính là tương lai.”
CHÚNG TA CÒN CÓ NHỮNG CHỈ SỐ IQ KHÁC
Tất cả chúng ta đều khác nhau. Chúng ta có những mối quan tâm và những điều không thích khác nhau. Chúng ta có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Chúng ta có những năng khiếu bẩm sinh khác nhau.

Tôi nói như vậy bởi vì tôi không nghĩ rằng thông minh tài chính là quan trọng nhất hay là trí thông minh duy nhất. Tất cả chúng ta đều cần đến sự thông minh tài chính đơn giản bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới sử dụng tiền. Như người cha giàu của tôi đã nói: “Giàu hay nghèo, thông minh hay không, chúng ta đều dùng đến tiền.”

Còn có nhiều loại thông minh quan trọng khác, chẳng hạn như sự thông minh về y học. Mỗi lần đi khám bệnh, tôi cảm thấy biết ơn bác sĩ vì họ đã dành cuộc đời mình để trau dồi nghề nghiệp và năng khiếu bẩm sinh. Mà tôi cũng vui là mình có đủ tiền và bảo hiểm y tế để trang trải cho bất kỳ bệnh tật nào có thể mắc phải, về vấn đề này, người cha giàu nói rằng, “Tiền bạc không phải là cái quan trọng nhất trong cuộc sống nhưng nó có ảnh hưởng đến những cái quan trọng khác.” Nếu suy nghĩ, bạn sẽ thấy rằng tiền bạc ảnh hưởng đến tiêu chuẩn sống, sức khỏe và học vấn của chúng ta. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người nghèo thì sức khỏe kém hơn, học vấn thấp hơn và tuổi thọ cũng ngắn hơn.

Trước khi tiếp tục bàn về cách phát triển năm loại thông minh tài chính, tôi muốn nói rõ rằng tôi không nghĩ là sự thông minh tài chính là cái quan trọng nhất trong tất cả. Tiền bạc không phải là cái quan trọng nhất trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu ngừng lại và suy nghĩ, bạn sẽ thấy rằng sự thông minh tài chính có ảnh hưởng đến nhiều cái quan trọng khác đối với bạn và gia đình bạn.
NHỮNG LOẠI THÔNG MINH KHÁC

Ngày nay, chúng ta cần phải có một số loại thông minh khác nhau để tồn tại trong xã hội. Ba cái quan trọng là:

1. Sự thông minh học thuật. Đây là khả năng chúng ta đọc, viết, làm toán và xử lý số liệu. Nó rất quan trọng. Chúng ta dùng nó để giải quyết những vấn đề như nhận biết khi nào và ở đâu có thể có bão và thiệt hại có thể có là gì.

2. Khả năng nghề nghiệp. Đây là khả năng chúng ta dùng để tiếp thu một kỹ năng mới và kiếm tiền. Ví dụ, một bác sĩ sẽ mất nhiều năm cho kỹ năng rất quan trọng này. Kỹ năng của bác sĩ sẽ giúp họ kiếm được rất nhiều tiền và giải quyết được vấn đề của nhiều người.

Nói đơn giản, khả năng nghề nghiệp là cái chúng ta dùng để giải quyết vấn đề của người khác và được trả tiền cho việc làm đó. Nếu xe bị hư, tôi sẽ sẵn sàng trả tiền cho thợ sửa xe để sửa nó. Tôi cũng rất sẵn sàng trả tiền cho người quản gia của tôi. Bà ấy giải quyết được một vấn đề rất lớn cho tôi và vợ tôi. Bà ấy quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi.

Có nhiều người chịu trách nhiệm những phần khác nhau trong các thương vụ của tôi. Những người này thường có kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng nghề nghiệp rất tốt. Họ, với sự thông minh khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ của tôi. Một bài học quan trọng từ người cha giàu là những thương vụ khác nhau đòi hỏi những kỹ năng khác nhau. Ví dụ, với công ty The Rich Dad, tôi cần những người có kỹ năng kinh doanh và giao tiếp tốt. Còn những thương vụ bất động sản, tôi cần những người có kỹ năng chuyên môn như là thợ điện và thợ ống nước được cấp phép hành nghề.

3. Hiểu biết về sức khỏe. Sức khỏe và của cải có liên quan đến nhau. Chăm sóc sức khỏe đang nhanh chóng trở thành một vấn đề lớn của thế giới. Trong khi An sinh xã hội chỉ cần 10 ngàn tỉ đôla, Chăm sóc y tế lại cần tới 64 ngàn tỉ đôla. Bạn biết đấy, có nhiều người làm giàu bằng cách làm người khác bệnh tật. Kinh doanh thức ăn vặt, nước ngọt, thuốc lá, rượu và được phẩm kê toa là một số ví dụ. Và chi phí cho bệnh tật do những thứ này gây ra bạn và tôi phải gánh chịu dưới hình thức đóng thuế.

Cách đây vài tháng tôi có đến một câu lạc bộ thanh thiếu niên để hỗ trợ cho chương trình giáo dục tài chính. Ở đó, tôi học được nhiều điều mới lạ. Nói chuyện với các nha sĩ, tôi biết được rằng nguyên nhân chính mà nhiều trẻ em ở trung tâm thành phố không đến lớp được là do bị sâu răng. Nguyên nhân dẫn đến sâu răng là do nước ngọt và thiếu nha sĩ. Nó làm cho sức khỏe kém, gây ra bênh béo phì và có thể sẽ nặng hơn là bị bệnh tiểu đường. Theo tôi, đây là một điều đáng buồn khi mà nước Mỹ chi hàng tỉ đôla cho một cuộc chiến nhưng không cung cấp giáo dục về y tế và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

Quan điểm của tôi là chúng ta cần nhiều loại giáo dục và trí thông minh khác nhau để sống tốt trong thời đại hiện nay. Mặc dù tôi không cho là sự thông minh tài chính là cái quan trọng nhất, nó thực sự có ảnh hưởng đến những cái quan trọng khác.
KHÔNG PHẢI AI CŨNG CẦN ĐẾN SỰ THÔNG MINH TÀI CHÍNH

Nếu bạn đủ may mắn để được thừa hưởng một gia tài, bạn không cần có quá nhiều sự thông minh tài chính, miễn là bạn có tiền để mướn những người như vậy. Nếu bạn dự định sẽ đám cưới vì tiền, một lần nữa, bạn cũng không cần có quá nhiều sự thông minh tài chính. Hoặc nếu bạn có tài năng bẩm sinh, cuộc sống sẽ tự nó mang tiền đến cho bạn từ khi còn rất trẻ – trừ khi bạn là một MC Hammer khác.

Cũng vậy, bạn cũng không cần quá nhiều sự thông minh tài chính, nếu kế hoạch của bạn là làm việc cho Chính phủ và lãnh hưu trí trọn đời hay là làm cho một công ty của Thời đại Công nghiệp như General Motors, nơi vẫn còn tồn tại kế hoạch hưu trí lợi ích xác định mà nó sẽ trả lương và chăm sóc y tế trọn đời.

Nếu bạn cũng giống như đa số mọi người, bạn vẫn cần một số loại thông minh tài chính để tồn tại trong thời đại hiện nay, ngay cả khi kế hoạch của bạn là sống dựa vào trợ cấp An sinh xã hội và Chăm sóc y tế. Thực tế thì bạn có thể sẽ cần rất nhiều sự thông minh tài chính nếu bạn định sống dựa vào một số tiền ít ỏi như vậy.
NHỮNG AI CẦN ĐẾN SỰ THÔNG MINH TÀI CHÍNH NHIỀU NHẤT

Sau khi nghiên cứu Kim tứ đồ sau, bạn sẽ dễ dàng thấy hơn những ai cần đến sự thông minh tài chính nhiều nhất.

Những ai chưa đọc qua cuốn sách thứ hai trong bộ sách Dạy con làm giàu, tôi sẽ giải thích sơ qua. Kim tứ đồ đề cập đến bốn nhóm người khác nhau trong thế giới tiền bạc.
L là những người làm công
T là những người có cơ sở làm ăn nhỏ, người làm tư, hoặc người làm chuyên môn
C là chủ những doanh nghiệp lớn với 500 nhân viên hoặc hơn

Đ là những người đầu tư

Đối với những người nằm trong nhóm L, có thể họ nghĩ rằng mình không cần nhiều đến sự thông minh tài chính. Điều này cũng đúng cho những người trong nhóm C.

Là một giáo viên, phần lớn cuộc đời người cha nghèo của tôi nằm trong nhóm L. Ông không đánh giá cao tầm quan trọng của thông minh tài chính mãi cho đến khi ông mất việc và bước vào thế giới kinh doanh. Trong vòng chưa đến một năm, tiền tiết kiệm và tiền để dành khi về hưu của ông ta hết sạch. Nếu không nhờ có trợ cấp An sinh xã hội và Chăm sóc y tế, có thể ông đã gặp rắc rối tài chính nghiêm trọng.

Mẹ tôi là y tá nên bà muốn tôi trở thành bác sĩ. Bà biết rằng tôi muốn giàu có và những người giàu nhất mà bà biết là bác sĩ. Bà muốn tôi đứng trong nhóm T. Rõ ràng những lời khuyên đó chỉ đúng khi mà chi phí bảo hiểm cho những sơ suất nghề nghiệp chưa tăng cao như hiện nay. Cũng vì là y tá, bà thấy không cần thiết phải có quá nhiều sự thông minh tài chính. Giải pháp của bà dành cho tôi đơn giản là kiếm một công việc trả lương hậu hĩnh. Như bạn biết, nhiều người có công việc lương cao nhưng vẫn không có nhiều tiền.

Nếu bạn muốn trở thành một doanh nhân ở trong nhóm C hay là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nhóm Đ, thông minh tài chính là tất cả. Đối với những người đó, thông minh tài chính là cần thiết bởi vì nó chính là cái đem lại tiền cho họ. Càng thông minh về tài chính, thu nhập của họ càng cao.

Người cha giàu đã nói với tôi: “Một bác sĩ thành công có thể vẫn nghèo. Một thầy giáo thành công cũng có thể vẫn nghèo. Nhưng chẳng có một doanh nhân hay nhà đầu tư nào thành công mà nghèo cả. Thành công của những người trong nhóm C và Đ được đo lường bằng tiền. Đó là lý do tại sao thông minh tài chính lại quan trọng đến như vậy.”

TÓM TẮT

Sau năm 1971, đồng đôla trở thành một đơn vị thanh toán. Năm 1974, các doanh nghiệp dừng việc trả lương cho nhân viên trọn đời. Do ảnh hưởng của hai sự thay đổi lớn này, thông minh tài chính trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mặc dù sự thông minh tài chính quan trọng đối với tất cả mọi người, nó thậm chí còn quan trọng hơn đối với một số người nhất định, đặc biệt là ai dự định phát triển nghề nghiệp trong nhóm C và Đ.

Một trong những lý do trường học không dạy cho sinh viên nhiều về tiền là bởi vì hầu hết các giáo viên là những người thuộc nhóm L và vì thế trường học đào tạo ra những người thuộc nhóm L và T. Nếu bạn muốn thoát khỏi nhóm L và T thì năm loại thông minh tài chính là cần thiết và bạn sẽ không học được chúng ở trường.

Tóm lại, năm chỉ số IQ tài chính đó là:

1. IQ tài chính #1: Kiếm nhiều tiền hơn.

2. IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn.

3. IQ tài chính #3: Lập ngân sách cho tiền.

4. IQ tài chính #4: Tạo đòn bẩy cho tiền.

5. IQ tài chính #5: Cải thiện thông tin tài chính.

Thông minh tài chính là cái chúng ta dùng để giải quyết những vấn đề tài chính cụ thể và chỉ số IQ tài chính đo lường, hay nói cách khác là lượng hóa, khả năng đó của chúng ta.

Và bây giờ, hãy tiếp tục với IQ tài chính #1: kiếm tiền nhiều hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.