Hãy Cười Lên Các Con

NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU TIÊN



Cũng như phần lớn các sáng kiến của ba mẹ, Hội đồng Gia tộc có lý do ra đời và tồn tại của nó, và cho dù có nhiều lúc các buổi họp tạo cơ hội cho các cuộc tranh luận nảy lửa, nhưng Hội đồng đã giúp đi đến những kết quả thực tiễn. Ban Thu mua, được bầu rất thường kỳ, phụ trách việc mua thực phẩm, quần áo, vật dụng chơi thể thao, và đồ dùng trong nhà. Ban Tiết kiệm chịu trách nhiệm kiểm tra và thu phạt 1 cent (1 đô – la có 100 cent) những ai lãng phí điện nước. Ban Đôn đốc có nhiệm vụ thanh tra xem các công việc có được hoàn tất như qui định không. Khen thưởng cũng như quy lỗi được đề đạt lên Hội đồng để Hội đồng biểu quyết hình thức phát thưởng và trừng phạt. Và không như ba dự đoán, chưa bao giờ có ai đề nghị mua ngựa non hoặc xe hơi thể thao.

Ban Thu mua đã tìm ra được một cửa hàng lớn chịu bán hàng sỉ cho chúng tôi, từ quần áo lót đến găng tay chơi bóng chày. Ban này cũng liên hệ mua được từng xe tải nhỏ đồ hộp trực tiếp từ xưởng sản xuất.

Hội đồng cũng chiếu theo đấu giá mà giao các việc đột xuất.

Lilli lên tám tuổi khi bỏ thầu giá rất lỗ, chỉ có 47 cent, để dành công việc quét sơn bức chắn dài và cao của sân sau. Bởi vì đây là giá rẻ nhất nên Lilli được giao công việc này.
Mẹ cản ba:

Con nó còn nhỏ quá, làm sao quét nổi. Anh đừng cho con làm.

Ba không đồng ý:

Đừng vậy mà em! Phải để cho con hiểu kiếm được đồng tiền không phải dễ, như vậy nó mới biết tiết kiệm. Con nó cũng cần hiểu thế nào là chữ tín, đã nhận làm thì không được bỏ cuộc. Em yên tâm đi, con nó làm được mà!

Lilli muốn có tiền để thêm vào tiền để dành mua đôi dành trượt pa–tanh, vì vậy em cam đoan với ba là em sẽ hoàn tất công trình quét sơn ấy.

Ba bảo Lilli:

– Nếu con đã nhận làm thì phải làm cho xong nhé!

Dạ, con sẽ không bỏ dở mà, con hứa!

Như vậy là con đã tự ký một bản hợp đồng tinh thần rồi đó!

Lilli mất mười ngày mới hoàn tất công trình. Em đã phải lao động vào mỗi buổi xế trưa sau giờ học ở trường và cả những ngày cuối tuần. Tay em bị phồng rộp, có những tối em lăn trở không ngủ được vì mệt và đau tay. Ba cũng mất ngủ theo vì thương em.

Mẹ cứ càm ràm ba:

Mình phải ngăn con lại. Em chỉ sợ con nó kiệt sức hoặc xuống tinh thần.

Ba vẫn khăng khăng:

Không được. Có cực khổ như vậy con nó mới hiểu được giá trị đồng tiền và hiểu được người ta chỉ trả công lao động khi hoàn thành công việc mình đã nhận.

Mẹ tức quá nói với ba:

Mình nói cứ như nhà lý thuyết Shylock ấy!

Nhưng ba vẫn không khoan nhượng.

Khi Lilli làm xong, em đến gặp ba, vừa khóc vừa chìa bàn tay phồng rộp của em ra cho ba thấy.

Con đã làm xong rồi, ba xem lại có đúng chuẩn chưa. Nếu được rồi ba cho con lãnh 47 cent.

Ba đếm tiền đưa cho em rồi bảo:

Con cưng, đừng khóc nữa con. Rồi con sẽ hiểu ba làm như vậy để giúp con có bản lãnh. Bây giờ con về phòng, lật gối lên sẽ thấy là ba luôn ở cạnh con.

Đúng thế, dưới gối ngủ của Lilli ba để sẵn cho em đôi giày trượt pa–tanh mới tinh.

*

Fred là trưởng ban Tiết kiệm chuyên trách việc thu phạt.

Tối nọ, ngay trước giờ bắt buộc đi ngủ, Fred phát hiện có một vòi nước bị bỏ quên không tắt và nước nóng đã chảy đầy bồn tắm.

Jack đã ngủ say cả giờ đồng hồ rồi nhưng vẫn bị Fred dựng dậy:

Dậy, dậy, đi tắm ngay cho khỏi phí nước.

Nhưng em tắm trước khi đi ngủ rồi.

Anh biết, nhưng ai bảo em quên tắt nước, mình không thể bỏ phí chỗ nước nóng tốt như vậy.

Jack hỏi ngược lại:

Vậy sao anh không tắm nước ấy đi?

Anh chỉ được tắm vào buổi sáng. Trong chương trình đã quy định như vậy, em quên rồi sao.

Thế là tối đó Jack đã tắm tới hai lần.

*

Ngày nọ, ba ôm về nhà hai máy chạy dĩa hát và hai chồng dĩa. Ba huýt sao tập hợp “quân” ngay khi mới về đến cửa. Bọn tôi chạy đến đỡ các thứ trên tay ba. Ba bảo:

Ba có một bất ngờ thật tuyệt dành cho các con đây! Hai máy chạy dĩa và cả dĩa nữa này.

Nhưng nhà mình đã có máy quay dĩa rồi mà ba.

Ba biết, cái máy cũ vẫn để ở nhà dưới, còn hai cái máy mới này để trên lầu. Tuyệt phải không các con.

Tại sao tuyệt hả ba?

Tại vì kể từ nay chúng ta sẽ cố tiết kiệm một chút “thời gian lãng phí không tránh khỏi”. Mình sẽ để hai cái máy này trong phòng tắm, một cái trong phòng tắm nam và một trong phòng nữ. Ba tin chắc là nhà mình là nhà duy nhất trong thành phố này có máy hát đĩa trong mỗi phòng tắm! Mỗi khi có ai đi tắm hay đánh răng thì mở máy hát lên.

Để làm gì hả ba?

Ba nhại:

Để làm gì, làm gì? Tại sao thế này, tại sao thế nọ. Tại sao việc gì các con cũng đòi phải có lý do hết vậy?

Ernestine kiên nhẫn giải thích:

Thật ra không phải việc gì cũng cần phải có lý do. Nhưng với ba thì thường việc gì cũng có lý do. Vì vậy khi ba nói đến “thời gian lãng phí không tránh khỏi” và máy chạy dĩa, thì việc nghe nhạc khiêu vũ chắc chắn không thể là lý do.

Ba đành thừa nhận:

Đúng vậy, máy không phải để nghe nhạc khiêu vũ. Nhưng rồi con sẽ thấy thích thú như nghe nhạc vậy, mà lại còn có cơ hội học hỏi nữa.

Chị cả Anne hỏi:

Vậy mình sẽ nghe cái gì vậy ba?

Tuyệt lắm con ạ! Mình sẽ nghe những bài học tiếng Pháp và tiếng Đức. Các con không cần phải lắng nghe như đang ngồi trong lớp học đâu.Các con chỉ việc cho máy chạy trong khi tắm hoặc đánh răng, rồi dần dần sẽ quen tai thấm nhuần vào trí nhớ thôi.

Cảm ơn ba, tụi con không cần đâu.

Ba không khi nào có đủ kiên nhẫn, tâm lý như một nhà ngoại giao nên mau chóng nổi nóng quát lên:

Các con không được cãi ba. Ba đã tốn hết 150 đô–la để mua những thứ này. Bộ các con tưởng để giỡn chơi cho mình ba đó hả? Các con thừa biết là ba nói tiếng Pháp và tiếng Đức giỏi đến mức người ta lầm tưởng ba là người Pháp hoặc Đức mà.

Riêng câu sau này, thì ba khá lộng ngôn. Đúng là suốt đời ba đã luôn học ngoại ngữ, nhưng nếu như ba nói tạm được tiếng Đức thì ba chưa bao giờ nói được tiếng Pháp. Mỗi lần đi làm việc bên Pháp là mẹ phải đi theo để làm thông dịch viên cho ba. Mẹ rất có năng khiếu học ngoại ngữ.
Ba nói tiếp:

Dĩ nhiên là ba có mua những thứ này cho ba đâu, mặc dù ba rất thích có một máy riêng cho mình để học ngoại ngữ. Ba mua tất cả những thứ này để làm quà riêng cho các con! Kể từ nay, nếu sáng nào ba không nghe máy chạy trong thời gian từ lúc các con thức dậy đến lúc các con xuống nhà ăn sáng, thì phải báo cho ba biết lý do vì sao không mở máy.

Bill cố cãi:

Nhưng cũng có lúc máy phải ngưng chạy, thí dụ lúc con đang tắm mà đĩa hết thì làm sao con thay đĩa mới được.

Nếu con biết áp dụng nguyên tắc tiết kiệm động tác như ba dạy thì con sẽ có đủ thời gian bước ra bước vô bồn tắm để thay đĩa hát.

Mà quả đúng vậy! Ba biểu diễn cho tụi tôi coi cách tắm tiết kiệm thời gian. Ba ngồi vào bồn tắm, dùng tay trái lấy xà–bông. Rồi ba đặt tay phải lên vai trái, xát xà–bông dọc xuống mặt trước cánh tay trái, rồi trở lên mặt sau cánh tay trái với nách trái, rồi lại xuống bên hông ra mặt ngoài chân trái tiếp tục ngước lên mặt trong chân trái. Sau đó chuyển bánh xà–bông qua tay trái và làm y như thế với bên phải… Sau đó xát xà–bông theo vòng tròn vòng ngực bụng và lưng, xát vô kẽ ngón chân tay, chuỗi xuống nước xả lại là tắm xong. Ba dạy đám con trai ngay trong phòng tắm, còn đám con gái ba dạy khi ngồi trên thảm trong phòng sinh hoạt.

Kết quả là theo cách ba dạy, chúng tôi không mất nhiều thời gian khi tắm cũng như mau chóng nói kha khá tiếng Pháp và Đức. Trong suốt mười năm ở Montclair, hai cái máy không ngừng chạy ở lầu hai của căn nhà chúng tôi. Khi đã nói khá rồi, chúng tôi thường sử dụng tiếng Pháp và Đức khi bàn luận trong bữa ăn tối. Những lúc chúng tôi nói tiếng Pháp thì ba bị bỏ ngoài cuộc.
Ba than:

Các con nói tiếng Đức không đến nỗi tồi đâu, ba hiểu được tất cả những gì các con nói. Nhưng nói tiếng Pháp dở tệ, chẳng ai hiểu các con nói gì ngoại trừ chính các con. Ba nghe như các con nói tiếng gì chứ không phải tiếng Pháp hay tiếng La tinh.

Chúng tôi khúc khích cười. Ba tức mình quay sang mẹ:

– Không phải sao mình?

Mẹ trả lời một câu rất ư là tâm lý:

Mình nói đúng đấy! Em nghĩ là nghe các con nói chẳng ai nhận ra các con là người Pháp. Tuy nhiên em cũng thường hiểu được các con nói gì bằng tiếng Pháp.

Ba đĩnh đạc tự biện hộ:

Tại mình học tiếng Pháp ở Mỹ với giọng Mỹ, trong khi anh học tiếng Pháp đúng giọng Pháp vì anh học nó trên đường phố ở Paris.

Có lẽ vậy! Có lẽ đúng như mình nói đó, mình ạ!

Ngay tối mà mẹ nói với ba như vậy, ba mang máy từ phòng tắm của nam về phòng ba mẹ và chúng tôi nghe ba cho chạy máy rất khuya những bài học tiếng Pháp.

*

Ít lâu sau khi xảy ra chuyện đó, ba được mời làm kỹ sư tham vấn cho công ty cơ khí Remington chuyên sản xuất máy đánh chữ. Nhờ phương pháp tiết kiệm động tác thừa do ba đề ra, một cô thư ký tốc ký của công ty đã đoạt kỷ lục thế giới về đánh máy nhanh.

Trong một bữa ăn tối, ba giải thích cho chúng tôi nghe là ba đã dạy cô ấy bằng cách bôi màu vào đầu ngón tay cô ta và quay phim cho cô ấy thấy động tác nào cần phải bỏ để tiết kiệm thời gian. Rồi ba kết luận:

Bất kỳ ai cũng có thể học được đánh máy thật nhanh. Ba đã nghĩ ra một phương pháp giúp học thuộc bàn phím chỉ trong hai tuần. Đảm bảo là thành công.

Tụi tôi thấy ngay ba đang có ý đồ gì đó.

Ba nhắc lại:

Hai tuần thôi. Ngay cả một đứa trẻ, chỉ cần học với ba trong hai tuần là biết đánh máy.

Bill hỏi ba:

Vậy ba có biết đánh máy không ba?

Ba biết cách dạy người khác trong hai tuần là người ấy biết đánh máy. Ai cũng có thể học được nếu tuân theo đúng lời ba dạy.

Ngày hôm sau ba mang về nhà một máy đánh chữ hiệu Remington mới tinh, màu trắng, không một vết trầy, một con dao nhíp và một đồng hồ hiệu Ingersoll. Ba đặt tất cả các thứ lên bàn con trong phòng ăn.

Martha hỏi xin:

Con đánh thử được không ba? Anna hỏi:

Tại sao máy màu trắng vậy ba. Mấy cái máy mà con thấy đều màu đen hết. Máy này coi rất đẹp nhưng sao lại màu trắng hả ba?

Ba giải thích:

Màu trắng thì khi quay phim sẽ hiện rõ và đẹp. Với lại ai thấy máy màu trắng cũng thích dùng. Đừng hỏi ba tại sao như vậy, bởi vì điều đó có tính tâm lý.

Tụi tôi đứa nào cũng thích thử máy, nhưng ba không cho ai đụng vào máy cả. Ba bảo:

Đây là một thử nghiệm. Ba nghĩ là ba có khả năng dạy cho các con học đánh máy chữ chỉ trong vòng mười lăm ngày. Ai muốn thử sẽ được phép sử dụng cái máy màu trắng tuyệt đẹp này. Người đánh nhanh nhất sẽ được nhận nó làm phần thưởng, hai người đánh nhanh kế tiếp, tính theo tuổi, sẽ được thưởng con dao nhíp và cái đồng hồ này.

Ngoại trừ hai bé út chưa biết nói, còn lại ai trong chúng tôi cũng muốn thử sức.

Lilli hỏi:

– Con làm người đầu tiên được không ba?

Không ai được động đến máy trước khi ba bảo “tập đánh đi con”. Đầu tiên để ba chỉ các con xem máy vận hành như thế nào đã.

Ba lấy một tờ giấy:

Các con nhét tờ giấy vô đây nè, quay ru–lô này, đẩy ru– lô tận cuối dòng chữ, như thế này này.

Sau đó ba dùng hai ngón tay ngập ngừng gõ từ đầu tiên xuất hiện trong đầu ba: tên của ba.

Bill hỏi:

Phương pháp của ba là vậy đó hả ba?

Không. Lát nữa ba sẽ chỉ phương pháp của ba.

Ba có tự ứng dụng nó không ba?

Ba biết dạy nó, con trai à.

Nhưng ba có biết tự ứng dụng nó không?

Ba phát cáu quát rầm lên:

Ba biết cách dạy nó. Chỉ trong vòng mười lăm ngày là một đứa trẻ con cũng biết đánh máy chữ dưới sự chỉ dẫn của ba. Ba vừa mới huấn luyện một cô đạt kỷ lục thế giới. Con có hiểu ba nói gì không hả? Hình như bản thân ông thầy dạy danh ca Caruso[2] hát đã không biết hát một nốt nhạc nào cả. Giải thích như vậy con đã vừa ý chưa?

[2] Caruso là một danh ca opéra

Bill lí nhí:

Dạ hiểu!

Không còn ai hỏi gì nữa chứ?

Dĩ nhiên là không còn câu hỏi nào nữa.

Sau đó ba đưa mỗi đứa một bảng vẽ phím và bảo:

Việc đầu tiên là các con học thuộc bàn phím: AZERTYUIOP. Đó là những chữ ở dòng trên cùng. Phải học thuộc lòng. Học xuôi rồi học ngược cho đến khi mắt nhắm các con vẫn nhớ. Như thế này này…

Ba nhắm mắt phải nhưng mắt trái vẫn hí- hí vừa đủ để đọc:

AZERTYUIOP. Các con thấy chưa… Ngay cả khi ngủ cũng thuộc nó. Đó là bước đầu tiên.

Nhìn vẻ thất vọng của chúng tôi, ba nói tiếp:

Coi nào, ba thấy các con đang tiến lại gần cái máy. Các con muốn thử cái máy trắng tuyệt đẹp này, phải không?
Ba lách cách đánh thử vài chữ:

Coi nè, êm như ru đó! Chúng tôi đồng ý thử.
Như vậy nè, ngày mai hoặc chậm lắm là sau ngày mai các con đã có thể bắt đầu sử dụng máy, nếu các con thuộc bàn phím. Đầu tiên các con học thuộc bàn phím. Sau đó các con học ngón tay nào được dùng để đánh chữ nào. Cuối cùng thế nào các con cũng đạt được cái mình muốn, cũng như Moby Dick[3] vậy đó. Sẽ có một người chiến thắng mà.

[3] Mobby Dick là tên một nhân vật đã bỏ cả cuộc đời để đạt bằng được mục đích

Sau khi đã thuộc bảng vẽ bàn phím, đầu ngón tay chúng tôi được đánh dấu màu. Thí dụ ngón út màu xanh dương, ngón trỏ màu đỏ, v.v… Các phím trên bảng vẽ cũng được tô màu tương ứng theo ngón tay gõ chúng. Thí dụ, các phím chữ A, Q và W đều được đánh bằng ngón út thì sẽ được sơn màu xanh dương như ngón út.
Ba bảo:

Các con chỉ việc tập cho đến khi mỗi ngón tay quen với phím tương ứng với nó. Quen được một cái là ba cho các con thử đánh trên máy ngay.

Chỉ cần hai ngày là tụi tôi đã quen việc dùng ngón nào cho phím nào.

Ernestine là người tập quen tay xong trước nhất, và là người đầu tiên được ba cho ngồi trước máy đánh chữ. Ernestine leo lên ghế ngồi, rất tự tin, và chúng tôi bu quanh.
Ernestine bỗng la lên:

Ủa, ba! Cái này đâu có giao hẹn trong luật chơi! Ba che hết các phím rồi! Con đâu thấy đường mà đánh trúng!

Ngày nay các màng che bàn phím rất thông dụng tại các lớp dạy đánh máy chữ, và chính ba là người đã sáng chế ra nó và cho hãng Remington sản xuất hàng loạt.

Ba giải thích cho Ernestine hiểu:

Con không cần thấy. Con chỉ việc hình dung trong đầu là những phím đều tô màu và con đánh như con tập đánh trên bảng vẽ vậy.

Ernestine bắt đầu đánh, ban đầu chậm sau đó quen tay nhanh dần lên. Các ngón tay như nhảy trên các phím theo phản xạ. Ba đứng phía sau, một tay cầm một viết chì, tay kia cầm bảng vẽ bàn phím mẫu. Mỗi lần Ernestine đánh sai là bị ba dùng cây viết chì gõ vào đầu một cái.
Ernestine than:

Ba đừng gõ vào đầu con nữa, đau lắm, ba ạ! Con không thể tập trung vào đánh khi ba cứ lăm le cây viết trên đầu con như vậy.

Ba cũng mong là con đau! Như vậy đầu con sẽ ra lệnh cho ngón tay con không đánh sai nữa!

Ernestine tiếp tục đánh. Cứ khoảng năm chữ là Ernestine lại đánh sai và cây viết chì được gõ xuống đầu Ernestine kêu đánh “cốc” một cái! Nhưng dần dần các tiếng “cốc” ít đi và cuối cùng ba bỏ cây viết chì xuống.
Ba bảo:

– Được lắm, Ernestine! Ba tin là con sẽ thành công đấy.

Chỉ sau hai tuần đáng nhớ, tất cả những ai trên sáu tuổi, và cả mẹ nữa, cũng đánh máy được. Ba cũng khoe là ba đánh được. Dĩ nhiên là chúng tôi không thể đánh nhanh bằng thư ký chuyên nghiệp bởi tốc độ tối đa chỉ có được qua sự thực hành thường xuyên, tuy nhiên chúng tôi đánh đúng kỹ thuật và khá nhanh.

Ba định đăng ký Ernestine như một thần đồng tham gia kỳ thi tranh giải đánh máy chữ tốc độ, nhưng mẹ cản nên Ernestine không được đi thi nữa.

Ba giải thích với mẹ:

Không phải anh muốn khoe con mình đâu, anh rất muốn cho mọi người thấy: khả năng làm được thao tác nào đó là nhờ vào nghiên cứu quy trình thao tác, rồi đề ra phương pháp thực hành phù hợp để dẫn tới thành công.

Mẹ dịu dàng nhưng cương quyết không đồng ý:

Dẫu sao em vẫn nghĩ việc đó không hay lắm mình à. Ernestine có tính bộp chộp và mấy đứa con nhà mình vốn hãnh tiến, luôn thấy mình giỏi nên em không muốn các con mình thêm cơ hội để vênh mặt lên.

Ba đành nhượng bộ mẹ, nhưng với điều kiện phải để ba quay phim mỗi đứa: cách gõ tay lên bảng vẽ bàn phím với ngón tay và các phím tô màu tương ứng với nhau, sau đó đánh trực tiếp lên bàn phím thật. Ba bảo để làm tư liệu. Thật ra, một tháng sau phim được đưa vào chương trình phim thời sự với đầy đủ chi tiết, chỉ thiếu có cảnh cây viết chì đe doạ bổ xuống đầu tụi tôi khi đánh sai. Ngày nay, nhiều đứa trong chúng tôi vẫn còn giữ phản xạ rụt đầu lại mỗi lần lỡ đánh sai vào phím lùi.

*

Ba cho rằng bữa ăn là một việc gây “lãng phí thời gian không tránh được”, vì vậy ba quyết định giờ ăn cũng sẽ là giờ học thêm kiến thức. Ba đề ra nội quy là không ai được cất tiếng nếu không được nói gì liên quan đến một đề tài có sức “tạo chú ý chung”. Dĩ nhiên ba là người quyết định đề tài nào là đề tài “tạo chú ý chung”. Và cũng bởi vì ba cho là tất cả những gì ba nói đều “tạo chú ý chung” nên rút cục khó mà tranh cãi với ba.

Chị cả Anne vừa mới nói:

Lớp tụi con có một tên con trai dốt lịch sử khủng khiếp. Ernestine hỏi luôn:

Anh ấy có đẹp trai không?

Ba la ngay:

Chuyện đó không tạo chú ý chung. Martha phản đối:

Đâu có, con cũng muốn biết anh ấy có đẹp trai không?

Nhưng việc ấy chẳng làm ai khác quan tâm! Nếu như trong giờ lịch sử mà một học sinh có ba đầu thì mới đáng để mình chú ý.

Mỗi khi bắt đầu bữa ăn tối, đầu bàn bên này mẹ bắt đầu múc thức ăn cho các con, thì đầu bàn bên kia ba cũng bắt đầu kể cho các con nghe về đề tài đáng chú ý trong ngày:

Hôm nay ba gặp một kỹ sư vừa mới từ Ấn Độ về. Các con có biết ông ấy kể cho ba nghe những chuyện gì không? Ông ấy cho rằng tuy Ấn Độ là một nước có diện tích rất lớn nhưng lại là nước có nền công nghiệp rất tụt hậu so với bề rộng diện tích.

Như vậy để cho chúng tôi hiểu là trong buổi ăn, một chuyện nhỏ nhặt nhất cũng được ba coi là “tạo chú ý chung” nếu như nó liên quan đến Ấn Độ, trong khi đó mọi chuyện liên quan đến các nước kề cận như Siam (Thái), Persia (Iraq), Trung Hoa (China), hoặc Mông Cổ (Mongolia) sẽ được ba coi là đề tài không mấy “tạo chú ý chung”. Và dĩ nhiên những gì đang xảy ra tại Montclair, bang New Jersey, thì lại càng hoàn toàn không thuộc đề tài “tạo chú ý chung”.

Có lúc, đề tài trong ngày là phân tích động tác, thí dụ động tác cần phải làm để dọn bàn sau khi ăn. Những đề tài phân tích luôn “tạo chú ý chung”.

Ba nêu vấn đề:

Nên xếp chén dĩa thành chồng để có thể mang một lúc thật nhiều vào nhà bếp rồi mới rửa, hay nên mang ít một vào nhà bếp để vừa rửa vừa xếp thành chồng? Sau bữa ăn mình sẽ thí nghiệm luôn, các con sẽ chia thành hai nhóm, một nhóm sẽ làm kiểu thứ nhất, và nhóm kia làm kiểu thứ hai, ba sẽ nhìn xem nhóm nào nhanh hơn nhóm nào.

*

Ba chỉ cho chúng tôi một loạt mẹo để tính nhẩm thật nhanh. Các cách ba chỉ quá phức tạp nên không thể kể hết ra đây được. Chỉ cần đưa ra hai thí dụ tiêu biểu sau đây:

Muốn nhân 44 với 44, đầu tiên xem 44 lớn hơn 25 là bao nhiêu (44 – 25 = 19), kế đó xem 44 nhỏ hơn 50 là bao nhiêu (50 – 44 = 6), kế tiếp lấy 62 = 36, phối hợp 19 với 36 thành chuỗi ra kết quả là: 44 x 44 = 1936.

Muốn nhân 46 cho 46, đầu tiên xem 46 lớn hơn 25 là bao nhiêu (46 – 25 = 21), kế đến 46 nhỏ hơn 50 là bao nhiêu là bao nhiêu (50 – 46 = 4), sau đó lấy 42 = 16, phối hợp 21 với 16 thành chuỗi ra kết quả là: 46 x 46 = 2116.

Trong bữa ăn tối nọ ba bảo:

Để ba chỉ cho các con tính nhẩm toán nhân những số có hai chữ số với nhau.

Anne chê:

Việc đó không thuộc đề tài “tạo chú ý chung”. Ernestine góp ý:

Hay là ba dạy tụi con cách nhân một số có hai chữ số với một con bê hai đầu đi.

Ai coi việc này không thuộc đề tài tạo sự chú ý chung thì được phép ra khỏi bàn ăn ngay bây giờ, nhưng ba cũng nhắc là hôm nay có bánh nhân táo tráng miệng đấy!
Dĩ nhiên chẳng ai chịu rời bàn.

Bây giờ mọi người thấy đáng chú ý rồi phải không, vậy nghe ba giải thích nè.

Ba giải thích cách tính như vừa đưa thí dụ ở phần trên.

Ban đầu cách tính này hơi khó vì phải nhớ luỹ thừa của tất cả các số từ 1 đến 25. Nhưng ba giảng rất từ từ nên chỉ cần hai tháng là các anh chị lớn bắt đầu nắm hết các mẹo.

Trong khi mẹ cắt thức ăn chia cho tụi tôi (ba đôi khi dùng dao đẽo gỗ thành đồ chơi cho tụi tôi nhưng ở bàn ăn thì không bao giờ ba chịu cầm đến con dao, đó là phần việc của mẹ – Bà Chủ – theo như ba gọi) thì ba không ngừng nã những câu đố tính nhẩm:

19 nhân 17?

323.

Chính xác. Giỏi lắm, Bill! 25 nhân 52?

2704.

Chính xác. Giỏi lắm, Martha!

Thời đó Dan mới lên năm, còn Jack mới lên ba. Một tối nọ, trong lúc ăn tối ba hỏi liên tục Dan về luỹ thừa hai của các số tính đến 25. Đây chỉ là thử trí nhớ chứ không có tính nhẩm.

15 nhân 15? Dan đáp:
225

16 nhân 16?

Jack đang ngồi trên ghế cao em bé cạnh mẹ, nhanh nhẩu trả lời trước tất cả các anh chị.

– 256

Mới nghe ba bắt đầu bực vì tưởng anh chị lớn nào đó đang nhắc Dan:

Ba đang hỏi Dan. Các anh chị lớn để yên cho em nó trả lời…

Ba bỗng ngừng nói vì chợt nhận ra ai vừa trả lời.

Ba nhẹ nhàng hỏi Jack:

– Con vừa nói gì vậy, Jack cưng?

– Dạ, 256.

Ba lôi trong túi ra một đồng xu rồi nghiêm túc hỏi Jack:

Có phải con nghe ba hỏi các anh chị rồi con nhớ luôn các luỹ thừa hai hả con? Coi nè, Jackie, nếu con nói trúng 17 nhân 17 là bao nhiêu thì ba cho con đồng xu chói sáng này nghe.

Jack đáp:

– Con biết mà ba. 289!

Ba cho Jack đồng xu rồi rạng rõ nét mặt quay sang mẹ, lại bảo:

– Lillie, tụi mình phải chăm sóc kỹ thằng cu này!

*

Lên mười một tuổi, Martha trở thành người giỏi nhất nhà về tính nhẩm. Ba vẫn còn tiếc việc mẹ không cho Ernestine đi thi đánh máy tốc độ. Vì vậy lần này ba cố thuyết phục mẹ cho ba dẫn Martha đi New York thi làm toán với máy tính mới được phát minh.

Ba bảo mẹ:

Nhỏ này không bộp chộp. Anh chịu nghe lời mình và chỉ cho làm phim trong vụ máy đánh chữ. Nhưng tính nhẩm thì làm sao quay phim được. Mình phải cho con đi New York với anh.

Thế là Martha đứng trên bục phát biểu tại Hội chợ triển lãm các máy tính và cho kết quả của các bài tính được đề ra còn nhanh hơn các máy tính được chuyên gia sử dụng nữa. Dĩ nhiên ba đứng bên cạnh Martha trong suốt cuộc thi. Đến lúc cuối cuộc thi, sau khi tiếng vỗ tay khen ngợi Martha vừa dứt thì ba khiêm nhường nói với cử tọa:

Chuyện nhỏ thôi mà! Ở nhà tôi còn một cháu giỏi gần bằng cháu này. Tôi cũng muốn cho cháu ra thi lắm nhưng bà nhà tôi bảo là cháu còn nhỏ quá. Thôi để sang năm, lúc cháu lên bốn tuổi vậy…

Chúng tôi bắt đầu nghĩ ba đúng là một thầy dạy giỏi và biết rõ những điều mình đang dạy. Tuy nhiên có một lần tụi tôi bắt quả tang ba sai.

Ngày nọ ba bảo tụi tôi:

Để ba xây một bồn nước cho chim uống. Ai muốn coi ba làm thì về nhà ngay sau giờ học. Cha con mình sẽ xây nó vào buổi chiều.

Lúc ấy ba đã bỏ nghề xây dựng từ lâu lắm rồi để chuyên tâm vào việc nghiên cứu, phân tích các bước trong quy trình sản xuất và đề ra giải pháp tiết kiệm thời gian lao động. Nhưng chúng tôi biết ba đã từng là một chuyên gia về xây dựng và đã viết một quyển sách được nhiều người đọc về xây bê-tông.

Ngày hôm sau, ba làm một cái hộp, trộn xi-măng với vẻ thành thạo, rồi đổ khuôn bê-tông. Ba bảo:

Mình sẽ để bê-tông khô trong một thời gian, rồi mình sẽ tháo khuôn ra.

Sau đó ba có việc phải đi xa mất mấy tuần. Vừa về đến nhà ba mặc quần áo bảo hộ vô, huýt sáo tập hợp rồi dẫn tụi tôi ra sân.

Ba bảo:

Trong suốt thời gian xa nhà ba luôn nghĩ về cái bồn này! Bây giờ chắc bê-tông đã khô được rồi.

Fred hỏi:

Chim có đáp xuống đó uống nước không ba?

Chắc chắn là vậy, Freddy à! Tụi nó sẽ bay hàng cây số đến uống nước trong bồn của chúng ta xây đó! Đến chiều thứ bảy thế nào tụi nó cũng xếp thành dãy dài cho mà coi!

Nói rồi ba vừa cúi người xuống chuẩn bị gỡ khuôn, vừa nói tiếp:

Tất cả các con tránh ra nghe. Hãy coi tác phẩm tuyệt vời này. Hãy lấy khăn chuẩn bị cho chim đi tắm nghe!
Tụi tôi nín thở chờ đợi.

Nhưng ba vừa mới gỡ khuôn bê-tông ra thì một tiếng kẽo kẹt rùng rợn vang lên và một đám bụi xi-măng cát và lõi sắt tung tóe đổ dưới chân chúng tôi.

Ba đứng lặng người vì thất vọng. Nhìn ba buồn như vậy tụi tôi cũng thấy buồn theo.

Lilly nói một câu rất dễ thương để an ủi ba:

Không sao đâu, ba! Tụi con biết là ba đã cố hết sức rồi mà!

Ba nghiêm nghị quay sang Bill:

Bill, có phải con đã…

Dạ, đã làm sao, ba?

Đã đụng đến đây không?

Dạ không có đâu, ba!

Ba cúi xuống, hốt một đám cát và xi-măng vụi lên tay.

Ba lẩm bẩm:

– Nhiều cát quá!

Rồi, quay sang Bill, ba xin lỗi:

Lỗi tại ba, Bill à. Tại ba bỏ nhiều cát quá. Ba tin là con không đụng đến cái bồn này. Cho ba xin lỗi đã nghi oan con nghe.

Nhưng ba không phải là người chịu xuống tinh thần lâu.
Ba nói thêm:

Đúng là không thành công. Nhưng các con cũng đã thấy những tòa nhà ba xây được đánh giá là đẹp và vững chãi nhất thế giới, phải không. Và còn những cây cầu, những con đường, những con kênh hằng cây số…

Dan ngắt ngang hỏi ba:

Bộ xây bồn nước cho chim uống khó hơn xây nhà lớn hả ba?

Ba lại xìu xuống, đá một cái vào cái lõi sắt rồi quay vào nhà. Vừa đi ba vừa lầm bầm nhắc lại:

– Nhiều cát quá!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.