Hãy Cười Lên Các Con

CHUYỆN NHỎ THÔI MÀ!



Ba cho rằng phương pháp trị bệnh tốt nhất là làm ngơ.

Ba bảo:

Chúng ta không có thì giờ dành cho những chuyện nhỏ nhặt ấy. Nhà ta quá đông. Một người bị ốm sẽ làm trì trệ công việc của cả nhà. Các con là con cháu của những “người đi khai hoang” kiên cường. Tổ tiên đã truyền lại cho các con sức khỏe, vì vậy tự các con có nhiệm vụ giữ gìn nó. Không được nêu lý do gì cả, ba muốn các con phải luôn khỏe mạnh.

Ngoại trừ các bệnh truyền nhiễm là sởi và ho gà, chúng tôi rất vâng lời ba về khoản này. Hiếm khi chúng tôi mời bác sĩ đến nhà. Mỗi lần có bác sĩ đến, đó là vì mẹ sinh em bé.

Có lần bà nội đến ở chung với chúng tôi một thời gian. Nội có phương pháp riêng để gạt bệnh tật tránh xa. Nội sinh ra ở bang Maine, nơi mà theo nội chỉ có mùa đông, tháng 7 và tháng 8. Nội tự cho mình là người chuyên trị cảm lạnh.

Bí quyết phòng ngừa bệnh của nội là cái túi màu trắng bỏ đầy long não đeo trước ngực. Ngực của nội là một cái kho rộng cất giữ không chỉ có long não, mà còn nào là kiếng, khăn tay, và nếu cần có cả tấm trải giường nội đang khâu.

Mỗi năm, khi mùa lạnh tới, nội may mười hai cái túi giống y hệt nhau, bỏ long não vào rồi đem phân phối cho mỗi đứa chúng tôi.

Nội dặn chúng tôi:

Các cháu phải nhớ lời nội dặn nghe không. Phải đeo cái túi này suốt ngày trong người đó. Nếu đứa nào mà mang cảm cúm về nhà thì đó là do lỗi của chính mình và sẽ bị nội đánh cho tét mông đấy.

Nội luôn đe đánh cho tét mông. Nội bảo nội thuộc trường phái “thương cho roi cho vọt”.

Dụng cụ trừng phạt của nội là một cây roi cắt từ bụi lilas vườn trước nhà và luôn cất một cành trên nóc tủ. Nội đe lũ cháu:

Nội bảo cho các cháu biết, các cháu sẽ được nội cho ăn roi nếu hư. Mẹ các cháu sẽ chẳng bao giờ đánh các cháu. Bố các cháu thì quá bận, nhưng còn bà nội thì sẽ quất nát đít các cháu đấy.

Đe rồi nội quất cây roi nghe vun vút, một sức mạnh bất ngờ từ một bà lão như nội. Phần lớn thời gian, nội chỉ quất vào không khí, nhưng thỉnh thoảng nội cũng vô tình quất trúng vô bắp chuối chúng tôi, và những lúc ấy để nội khỏi thất vọng, tụi tôi rên là như đang bị tra tấn. Cũng có lúc nội quất roi trong không khí mạnh đến nỗi gãy cả cây roi.
Nội bèn quát lên:

Đó, các cháu thấy không! Các cháu hư đến nỗi nội phải đánh gẫy cả roi. Chạy mau ra vườn bẻ cho nội một cây roi khác coi. Bẻ một cây thiệt bự vào. Chạy mau đi!

Những lần thật hiếm hoi mà có đứa nào trong chúng tôi bệnh liệt giường thì cả nội lẫn ba đều bảo: cứ mặc kệ rồi bệnh sẽ khỏi.

Nội bảo:

– Cứ để cháu nằm yên thì bệnh sẽ tự nhiên hết.

Ba gật gật đầu đồng ý với lời nội dạy. Mẹ cũng nghe lời nội, nhưng mẹ vẫn dành nhiều thời gian cho đứa con bị bệnh.

Mẹ dịu dàng bảo:

Nè cưng, con khoác cái áo len đẹp này của mẹ vào. Có hình, keo, kéo để con cắt dán nè. Con có muốn ăn chút gì không? Mẹ xuống bếp làm rồi mang lên cho con nghe. Trong khi con ăn mẹ sẽ đọc chuyện cho con nghe.

Một ông anh họ mang bệnh sởi đến nhà, thế là tất cả tụi tôi bị lây cùng lúc, ngoại trừ Martha. Hai buồng ngủ trên lầu, một cho con trai và một cho con gái, được làm thành buồng bệnh. Chúng tôi cùng bị mất ba ngày ngứa ngáy, nóng sốt, khó chịu. Mẹ đắp kem cho tụi tôi đỡ ngứa và đắp khăn cho tụi tôi hạ sốt. Bác sĩ Burton, bác sĩ gia đình chúng tôi, người đã đỡ cho phần lớn bọn trẻ nhà Gilbreth chào đời luôn đoan chắc là không có gì đáng lo. Bác sĩ là người luôn nói thẳng và rất hạp với ba.

Bác sĩ bảo:

Gilbreth này, tôi đồng ý với ông là các con ông ít khi đau ốm vặt. Nhưng một khi chúng cùng đổ bệnh thì chúng làm đảo lộn dữ liệu thống kê của toàn bang New Jersey đó!
Ba hỏi lại:

Tại sao vậy ông bộ xương?

Tại vì mỗi tuần tôi phải báo cáo lên trên số trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm. Thường thì tôi chỉ có hai bệnh nhân sởi mỗi tuần. Khi mà tôi báo cáo có tới mười một bệnh nhân sởi trong một ngày thì chắc cơ quan y tế phát lo hoảng lên, rồi cho cô lập Montclair và đóng cửa tất cả các trường học ở đây lắm!

Ba trấn an:

Có lẽ các con tôi chỉ bị nhẹ thôi. Ông biết đấy, ông bộ xương, các con tôi thuộc giống nhà nòi, con cháu các “người đi khẩn hoang” cường tráng mà.

Tôi chỉ biết sởi là sởi, và các con của ông đang bị bệnh sởi.

Biết đâu chừng những người khẩn hoang cũng bị bệnh sởi vậy!

Có lẽ thế. Những “người đi khẩn hoang” cũng có thể bị viêm hạch amygdale, như các con ông đang bị vậy. Hạch viêm to lắm đó, ông phải cho các cháu cắt đi.

Tôi đã cắt amygdale đâu.

Bác sĩ Burton bèn ra lệnh cho ba:

Đâu, ông hả miệng cho tôi coi nào. Ba cãi:

Tôi đâu có sao đâu.

Trời ạ. Đừng có làm tôi mất thời gian nữa. Hả miệng ra! Nói “Ah” coi nào! Ah… Ah…

Ba hả miệng nói:

– Ah…

Bác sĩ Burton lắc đầu ngán ngẩm:

Đúng y như tôi đoán. Amygdale của ông cũng cần phải cắt. Đáng lý ra ông phải cắt nó từ mấy năm nay rồi. Ông không chịu nhận nhưng tôi chắc chắc là ông thường hay bị đau họng. Vào lúc này ông cũng đang bị đau họng phải không?

Ba cãi:

Đâu có đâu. Trong đời tôi chưa hề bị bệnh ngày nào cả.

Được thôi, cứ việc giữ cái amygdale của ông nếu ông muốn. Nhưng của các con ông thì phải cắt đó.

Để tôi bàn với bà nhà tôi cái đã.

Một khi cơn sốt do bệnh sởi hạ xuống thì chúng tôi cảm thấy rất thoải mái dù vẫn phải nằm trên giường. Chúng tôi hát hò, kể cho nhau nghe những chuyện không hề có kết cuộc, chúng tôi đố nhau, hoặc dùng gối đánh nhau. Ba thường cùng hát hò và chơi với chúng tôi, ngoại trừ trò đánh nhau bằng gối vì không cân sức. Không phải ba hết tin thuyết “cứ để mặc kệ tự khắc bệnh sẽ khỏi”, mà bởi vì thiếu tụi tôi ba cảm thấy chịu không nổi.

Một bữa nọ, sau bữa cơm tối, ba vô phòng tụi tôi và ngồi một góc. Tụi tôi thấy mặt ba nổi đầy ban.

Chị cả Anne hỏi:

Ba bị sao vậy, ba? Mặt ba đầy ban đỏ. Ba mỉm cười, ra vẻ thiểu não:
Con nói gì vậy, Anne. Ba vẫn khỏe mà!

Không lẽ ba bị lây bệnh sởi rồi hả ba?

Ba khỏe mà! Ba thấy vẫn khỏe mà! Tụi tôi cùng la lên:

Ba bị bệnh sởi rồi! Ba bị bệnh sởi rồi!

Ba vẫn mỉm cười ngồi im, nhưng tiếng la hét, ồn ào của tụi tôi khiến nội sang coi có chuyện gì.

Nội hỏi:

Có chuyện gì vậy các cháu? Nội quay sang nhìn ba:
Trời đất! Frank, sao mặt con nổi đầy ban vậy? Rồi nội lấy kiếng ra săm soi, sau đó nội la ba:
Frank Gilbreth, mẹ không ngờ con còn nghịch tinh hơn các con của con nữa. Mực đỏ! Con vẽ mực đỏ lên mặt. Con còn giả bộ như sắp chết nữa! Mực đỏ!

Ba lí nhí:

– Con giỡn chơi thôi mà!

Nội lầm bầm đi ra:

Giỡn chơi! Già đầu mà như con nít. Ba có vẻ mắc cỡ.

Bọn tôi xúm lại hỏi:

Ba vẽ mực đỏ thật hả ba? Vậy là ba lừa được tụi con rồi! Ba lầu bầu:

Nhưng ba không qua mắt được bà. Nội các con còn tinh lắm!

Tuy Marth dường như được miễn nhiễm tự nhiên với bệnh sởi nhưng vẫn không được vào thăm tụi tôi. Martha cũng không được đi học vì trường sợ lây bệnh. Vậy mà hai tuần được làm “con một” lại khiến Martha khổ sở đến ăn mất cả ngon. Cuối cùng, chịu hết nổi, Martha lẻn vào “phòng bệnh” thăm tụi tôi.

Chị cả Anne la:

Em biết là bị cấm vào đây rồi mà. Lỡ bị lây bệnh thì sao? Martha òa lên khóc:

Em muốn bị bệnh. Đúng vậy, em muốn bị bệnh như mọi người!

Em không muốn nói là em nhớ mọi người đó chớ? Lúc này em có cả ba lẫn mẹ cho riêng mình em trong bữa ăn tối mà.

Martha thút thít bảo:

Ba hết vui rồi. Lúc nào ba cũng cau có. Ba bảo bữa ăn êm ả quá, chẳng vui gì cả.

Ernestine góp ý:

Em thưa với ba là câu ba nói đó không thuộc đề tài “tạo chú ý chung”.

Sau lần gia đình bị trận dịch sởi đó, ba bắt đầu áp dụng nguyên lý tiết kiệm động tác lao động trong ngành giải phẫu, để cố gắng rút ngắn thời gian mổ.

Ba bảo:

Các bác sĩ cũng không khác mấy với cái máy khéo tay, nếu có khác là các bác sĩ khéo tay hơn máy. Nếu như tôi có thể nghiên cứu động tác của các bác sĩ, tôi sẽ giúp các bác sĩ tiết kiệm thời gian. Tiết kiệm thời gian trong một ca mổ cũng có nghĩa là chuyện sống còn cho bệnh nhân.

Ban đầu các bác sĩ không mấy hứng thú với đề nghị của ba. Một bác sĩ bảo:

Tôi không nghĩ là việc nghiên cứu đó đem lại kết quả. Chúng tôi không mổ trên hình nộm. Chúng tôi mổ người thật. Mà đã là người thì không ai giống ai, vì vậy không một quy trình định sẵn nào có thể ứng dụng cho tất cả mọi bệnh nhân được.

Ba vẫn cố thuyết phục:

Tôi tin chắc là sẽ có kết quả. Tôi chỉ cần được phép quay phim các cuộc mổ, rồi sau đó các ông sẽ thấy.

Cuối cùng ba cũng được phép lắp đặt dụng cụ quay phim trong phòng mổ. Sau khi phim được rửa, ba chiếu cho cả nhà xem ở phòng khách để thấy ba đã làm thế nào.

Trên phim, ở nền phía sau, có một màn hình chia thành từng ô để canh các vị trí, một cái đồng hồ to phía trên có ghi chữ Gilbreth và có cây kim quay hết một vòng là một giây. Các bác sĩ và các điều dưỡng mặc áo blu trắng có mang số trên mũ để nhận dạng. Bệnh nhân nằm trên bàn mổ được để ở cận cảnh. Phía trái, người ta thấy một cái gì đó được phủ khăn trải giường màu trắng sừng sững như một trái núi tuyết. Khi trái núi quay lại, tay cầm đồng hồ tính giờ, mỉm cười với máy quay phim thì chúng tôi nhận ra đó chính là ba.

Xem phim, chúng tôi có cảm tưởng là các bác sĩ đang mổ một cái gì đó ở bụng, rất phức tạp. Nhưng ba thì không ngừng bình phẩm khi chạy máy chiếu phim.

Coi ông số 3 kìa, tại sao ông ta để thõng tay trái mà không sử dụng nó để tăng tốc độ nhanh gấp đôi. Còn cô số 6 nữa, quay đi quay lại lấy dụng cụ tốn thời gian quá.

Kết quả là sau khi xem phim, các bác sĩ đã đổi cách làm để tiết kiệm được 15% thời gian mổ, tức rút bớt được 15% thời gian gây mê và như vậy bớt được lượng thuốc gây mê, giúp bệnh nhân đỡ bị tác dụng phụ của thuốc. Ba vẫn chưa hài lòng. Ba nói cần phải chụp thêm năm, sáu phim kiểu như vậy thì mới có thể phân tích loại bỏ các động tác thừa. Cái khó là các bệnh nhân không chịu cho chụp phim, bệnh viện thì không dám cho quay phim nếu bệnh nhân từ chối, vì sợ bệnh nhân kiện bệnh viện.

Mẹ an ủi ba.

Không sao đâu mình. Thế nào mình cũng có cơ hội để muốn quay phim gì thì quay mà.

Nhưng tính ba rất ghét phải chờ. Bỗng ba chợt nảy ra một ý.

Ba bàn với mẹ:

Anh nghĩ ra rồi! Anh nghĩ ra rồi! Bác sĩ Burton bảo các con cần phải cắt amygdale. Anh sẽ sắp xếp một phòng mổ ngay tại nhà mình để bác sĩ Burtin mổ cho các con. Anh sẽ quay phim cuộc mổ đó!

Mẹ không sốt sắng lắm:

Em nghĩ đem con ra thí nghiệm như vậy không hay lắm đâu.

Tại bác sĩ Burton nói các con cần phải cắt amygdale anh mới sẵn dịp quay luôn chứ! Dĩ nhiên phải hỏi bác sĩ coi quay phim có cản trở gì cuộc mổ không, có làm ông ta cuống tay không. Nếu có, đương nhiên sẽ không quay phim gì cả.

Mẹ bảo:

Em nghĩ trong việc này không có điều gì làm ông ấy cuống tay cả.

Ba nói tiếp:

Dẫu sao anh vẫn thấy mình có lỗi nên anh cũng sẽ cắt amygdale cùng với các con.

Em cũng thấy như mình và cũng muốn cắt amygdale, chỉ tiếc là em đã cắt chúng hồi nhỏ rồi.

Bác sĩ Burton chịu mổ trước máy quay phim:

Tôi sẽ để dành mổ ông sau cùng, ông “dân đi khai hoang” ạ. Từ lúc thấy những hạch amygdale to tướng của ông tôi không tài nào làm ngơ khi chưa cắt được chúng.

Thôi cái trò dụ khị đó đi, ông bộ xương ạ. Được rồi, ông sẽ mổ cho tôi khi các con tôi khỏi lại sau mổ.

Bác sĩ quyết định bắt đầu với chị cả Anne, rồi cứ thế tiếp tục dần xuống các em nhỏ hơn: Ernestine, Frank, Bill và Lillian. Marth là chị lớn duy nhất không phải mổ; còn những em nhỏ hơn Lillian thì chưa đủ tuổi để cắt amygdale.

Buổi tối trước hôm mổ cắt amygdale, Martha được gởi đến nhà bác Anne, chị hai của ba.

Ba bảo:

Ba không muốn con luẩn quẩn làm vướng chân vướng tay. Các chị và em con sẽ không được ăn uống sau mổ, nên con ở nhà sẽ làm mấy đứa nó thèm khi thấy con được ăn.

Martha vẫn chưa hết hậm hực việc chúng tôi bỏ bê khi nó lẻn vô thăm chúng tôi bị sởi. Vì vậy Martha trêu tụi tôi:

Bác Anne luôn làm sẵn bánh ngọt nhân táo cho bữa ăn sáng (chúng tôi biết thừa chuyện đó). Bác ấy còn có bánh để sẵn, bất cứ lúc nào muốn ăn thì ăn (đáng tiếc thay, điều này cũng đúng nữa). Ngày mai, trong khi mọi người phải lên bàn mổ thì Martha này sẽ được chén đầy một bụng bánh trái, em sẽ ăn giùm phần của mọi người luôn nhé!

Sáng hôm sau, năm tên được chọn để cắt hạch amygdale cho cuộc “nghiên cứ phân tích động tác” được tập họp trong phòng khách. Đúng như Martha nói, bụng chúng tôi trống rỗng vì phải nhịn ăn. Bụng không ngừng phản đối, cứ rột rẹt sôi lên từng đợt. Chúng tôi nghe tiếng kéo giường trên lầu và hiểu rằng các phòng ngủ lại được làm thành phòng bệnh. Trong phòng làm việc của ba, ông Coggin, người chuyên quay phim cho ba, đang chuẩn bị máy quay phim và màn hình phân ô, cô điều dưỡng và bác sĩ Burton đang chuẩn bọ bàn và đèn mổ.

Ba bước vào phòng khách, một lần nữa ăn mặc như một núi tuyết:

– Mọi thứ sẵn sàng rồi, vào đây con, Anne.

Ba vỗ vào lưng cô con gái đầu lòng của mình một cái rồi mỉm cười động viên chúng tôi:

Chuyện nhỏ thôi mà! Chỉ mấy phút là xong thôi! Cứ nghĩ đến sau này xem phim sẽ thấy mặt mình như thế nào trong khi gây mê thì hứng thú lắm đó.

Nói vậy chớ khi ba đi với chị cả Anne ra khỏi phòng khách, chúng tôi thấy tay ba run run (chuyện này chưa từng thấy) và mồ hôi bắt đầu làm ướt áo blu trắng của ba. Mẹ ở lại với chúng tôi. Ba có rủ mẹ vô phòng mổ nhưng mẹ nói mẹ sẽ không chịu nổi. Một thời gian sau, chúng tôi nghe tiếng ba và cô điều dưỡng nặng nhọc di chuyển trên lầu, tôi hiểu là Anne đã được mổ xong và được đưa về giường nằm.

Ernestine thì thầm:

Chị biết là đến lượt chị, và chị không thể nói là chị không sợ. Nhưng chị đói quá nên chỉ nghĩ đến Martha đang được ăn bánh. Sướng thiệt!

Bill bồi thêm:

– Còn được ăn bánh bích quy nho khô nữa chứ!

Lilli hỏi mẹ vì mẹ đã có kinh nghiệm về mổ amygdale:

Mổ xong tụi con có được ăn bánh táo và bánh quy không mẹ?

Mẹ bảo:

– Nếu con muốn.

Ba lại bước vào phòng. Áo ba ướt đẫm mồ hôi như thể tuyết tan.

Ba bảo:

Xong rồi. Chuyện nhỏ. Ba chắc chắn phim sẽ rất đẹp. Anne ngủ say như em bé vậy. Đến lượt con đó, Ernestine. Mình đi thôi, con.

Lần này Ernestine than kiểu khác:

– Chị hết đói rồi, chỉ còn sợ mà thôi.

Cô điều dưỡng để miếng gòn tẩm thuốc mê ngay mũi Ernestine và điều cuối cùng Ernestine nhớ được là cảnh ông Coggin loay hoay với máy quay phim của ông ta. Ernestine tự nhủ: ông ta phải quay hai vòng trong một giây. Mình thử đếm xem có đúng không. “Và một, và hai, và ba, và bốn…” Ba vẫn bảo phải đếm như vậy mới đủ một giây, phải cho chữ “và” thêm vào mỗi con số mới đủ thời gian một giây. “Và một, và hai, và ba…”

Đếm tới đó Ernestine mê đi. Bác sĩ Burton khám họng Ernestine:

Trời ạ! Gilbreth, tôi đã bảo ông là Martha không cần cắt amygdale mà.

Ba cãi:

Đây đâu phải là Martha, là Ernestine mà!

Ông có chắc chắn không vậy?

Dĩ nhiên là chắc chắn rồi, khỉ già ạ. Con tôi mà tôi không biết sao?

Bác sĩ Burton vẫn khăng khăng:

Ông coi kỹ đi. Không phải Martha sao?

Bộ ông muốn nói là tôi không nhận biết được các con gái của tôi sao?

Tôi không muốn nói gì ông hết. Nhưng nếu không phải là Martha thì chúng ta đã lầm rồi.

Ba gầm lên:

Chúng ta! Chúng ta! Tôi không có lầm. Còn ông thì tôi không biết.

Bác sĩ Burton đáp:

Tôi chỉ nhận biết các con ông qua amygdale của các cháu thôi. Tôi tưởng là các amygdale này của Martha, tức là chúng chưa cần phải cắt bỏ.

– Không thể thế được!

Giọng ba bắt đầu đầy đe dọa:

Ông không muốn nói là ông đã gây mê bé con của tôi một cách vô ích à?

Đúng thế đó, Gilbreth ạ. Tôi rất tiếc nhưng việc đã lỡ rồi. Thật là một lầm lẫn tai hại, nhưng cũng tại ông có cả một bọc con nên tôi nhìn đứa nào cũng như đứa nào.

Ba đấu dịu:

Thôi được rồi, Burton. Tôi xin lỗi là đã nổi nóng. Bây giờ mình phải làm gì đây?

Tôi cũng vẫn cắt chúng. Trước sau gì rồi cũng đến lúc phải cắt chúng nên đã gây mê rồi thì làm luôn. Cái đáng ngại nhất là nỗi sợ hãi lo lắng trước khi mổ, con bé đã bị rồi không nên để cháu nó lại lo sợ lần nữa.

Đúng lúc bác sĩ Burton cúi xuống bắt đầu mổ cho Ernestine thì Ernestine theo một phản xạ vô thức tống đầu gối vào quai hàm ông bác sĩ. Ông bèn bảo:

Thôi được rồi, Ernestine, nếu đó đúng là tên cháu thì cho ta xin lỗi cháu.

Thật ra các amygdale của Ernestine không phải không sưng mà vì chúng lẩn tuốt trong sâu nên sưng to hơn bác sĩ

Burton tưởng, khiến ông phải vất vả lắm mới cắt hết được.
Ông Coggin suýt nôn ra vì hãi sợ.

Ba thì luôn miệng giục ông Coggin:

Quay đi, đừng có đứng đực ra như thế, nếu không tôi cho mổ cả amygdale của anh luôn đó, tự tay tôi sẽ mổ anh đó. Quay phim đi, quay đi nào!

Thế là ông Coggin quay.

Mổ xong, ba và cô điều dưỡng đưa Ernestine về giường. Sau đó ba trở xuống phòng khách đón Frank lên và bảo mẹ cho ai đó sang bác Anne đưa Martha về. Ba cau có:

Ăn với chưa ăn, cho mổ luôn. Anh không muốn có thêm một ngày như thế này nữa.

Frank, Bill và Liliane lần lượt được mổ. Cuối cùng, Martha cũng về đến nhà, la hét, dãy dụa, bụng đầy bánh trái. Martha gào lên với bác sĩ Burton:

Bác sĩ bảo cháu không phải cắt mà, cháu không muốn cắt đâu!

Trước khi được khênh lên bàn mổ, Martha dẫy một cái, đá trúng bụng bác sĩ Burton khiến ông đau đến nghẹn thở.
Kịp khi trở lại được, bác sĩ than với ba:

Lần tới mà đến nhà ông tôi phải mang áo giáp! Rồi bác sĩ quay sang bảo cô điều dưỡng:

Cho thêm một ít thuốc mê cho Martha nằm yên, nếu đó đúng là tên cháu nó.

Martha vừa nấc cụt, vừa la:

Tên cháu đúng là Martha, bác sĩ mổ lầm người rồi. Ba đắc thắng:

Tôi nói đúng chưa, nó chính là Martha mà.

Bác sĩ Burton đành chịu:

Tôi biết rồi, thôi không bàn cãi nữa. Đúng là Martha, nhưng tôi gọi tên các amygdale của cháu là Ernestine. Nào mở miệng ra, Martha cưng, để bác cắt amygdale của Ernestine. Quay phim đi ông Coggin. Phim ông quay có thể là phim đầu tiên quay một người bắt đầu mất trí đấy!

Xế trưa hôm đó, khi tỉnh dậy chúng tôi đứa nào cũng đau khủng khiếp, riêng với Martha còn tệ hơn, gần như sắp chết.

Nội không ngừng ca cẩm, chả là nội cưng Martha nhất nhà mà:

Thật là bậy, đáng lý không được để cho cháu ăn no như vậy rồi bắt cháu mổ! Nội không cần biết lỗi của ai, của ba cháu hay của bác sĩ, chẳng lẽ nổi tẩn cho nát mông cả hai người.

Trong thời gian chúng tôi dưỡng bệnh, ba gần như ở luôn bên cạnh lũ con. Ba cố giúp chúng tôi coi thường cái đau. Ba bảo chúng tôi không còn là em bé nên phải tỏ ra không cần được vỗ về:

Không có nhõng nhẽo. Ba đã đứng coi con được như thế nào rồi, phải không? Chỉ cắt có chút xíu ở họng các con thôi mà! Ba không hiểu tại sao các con rên rỉ như vậy! Bộ các con quên chuyện cổ tích chú bé người Spartiate đã không hề mở miệng rên la trong khi con cáo nhai nuốt ruột chú bé ấy à!

Cũng chính vì sự đau đớn của chúng tôi và muốn cho chúng tôi thấy tinh thần dũng cảm kiểu chú bé người Spaitiate như thế nào, ba quyết định không gây mê mà chỉ gây tê khi ba mổ amygdale. Cả nội, mẹ và bác sĩ Burton đều la làng. Nhưng ba bỏ ngoài tai hết, ba đã quyết như thế.

Ba khăng khăng:

Chuyện nhỏ thôi mà! Tôi muốn nhìn ông làm thế nào trong suốt cuộc mổ đấy Burton ạ!

Đúng ngày chúng tôi có thể ra khỏi giường, ba và mẹ lên xe đến phòng mạch bác sĩ Burton. Mẹ nài nỉ ba đi tắc-xi. Mẹ không biết lái xe và mẹ e lúc mổ xong ba không còn sức lái xe về nhà. Ba không chịu, còn cười mẹ quá lo xa.
Ba bảo chúng tôi:

Ba mẹ sẽ về nhà chỉ trong một giờ nửa thôi. Chờ ba về ăn cơm trưa. Ba đói muốn chết đây.

Nói rồi ba bóp còi xe chứng tỏ quyết tâm của mình và rồ máy lái Xế Điên đi.

Hai giờ sau một chiếc tắc-xi đỗ xịch trước cửa nhà. Bác tài xế bước xuống mở cửa xe. Mẹ bước ra, mặt tái xanh, mắt đỏ hoe. Sau đó mẹ và bác tài xế kéo ra khỏi xe một khối bèo nhèo, rên rỉ. Nón của ba bóp méo và đội lệch, mặt ba sạm đi và chảy dài ra. Ba không khóc nhưng mắt ba đỏ kè. Ba không còn gượng cười nổi nữa.

Sau đó mẹ và nội đỡ ba lên phòng. Chúng tôi nghe tiếng ba rên rỉ trong suốt thời gian leo lên cầu thang.

Đến chiều tối mẹ kể lại cho chúng tôi nghe toàn bộ sự việc, trong khi đó ba ngủ say sau khi uống viên thuốc ngủ cho đỡ đau. Trong suốt cuộc mổ mẹ ngồi trong phòng đợi của bác sĩ Burton. Ba cảm thấy rất khỏe khi thuốc tê còn tác dụng. Sau khi mổ xong một bên, ba còn kẹp hạch amygdale được cắt rời ra khoe với mẹ:

Mình coi nè, một cái ra rồi, một cái nữa cũng sắp thôi. Mình coi đó, Lillie, anh không đau chút nào, cứ trơ ra như khúc gỗ ấy!

Sau đó, lần này dài như bất tận, ba lại trở ra lấy nón và áo khoác. Ba vẫn mỉm cười nhưng không còn được tươi như lần trước nữa.

Ba bảo mẹ:

Xong rồi, mình ạ! Hầu như không đau. Mọi chuyện tốt đẹp! Mình về đi, anh đói lắm rồi!

Trong lúc mẹ vẫn lo lắng nhìn ba coi ba ra sao, thì ba như sụm xuống vì thuốc tê bắt đầu hết hiệu lực.

Ba bắt đầu rên rỉ:

Anh bị ám sát, Lillie à! Burton, ông ra đây coi, phải tôi bị xuất huyết không vậy?

Bác sĩ Burton chạy ra. Ông tỏ ra thông cảm với cái đau của ba bởi vì bản thân bác sĩ cũng đã từng bị mổ amygdale.

Bác sĩ Burton an ủi:

Rồi sẽ tốt thôi, “dân đi khai hoang” ạ, chỉ tại ông chọn con đường đau khổ nhất đó thôi.

Rõ ràng là ba không thể lái xe được nên mẹ phải kêu tắc-xi chở về nhà.

Đến chiều tối công ty sửa xe phải cho kéo chiếc “Xế Điên” về nhà. Bác thợ giải thích:

Tôi định lái nó về đây nhưng tôi không tài nào làm nó chạy được. Máy có nổ, nhưng mỗi lần rồ ga thì nó chỉ khục khặc rồi nảy lên mà không chịu chạy. Đây là chiếc xe kỳ lạ nhất, tôi chưa từng thấy như vậy bao giờ cả!

Mẹ nói với bác ấy:

Tôi nghĩ chỉ có ông nhà tôi mới làm cho nó chạy được thôi!

Ba nằm liệt giường suốt nửa tháng và đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy ba bị bệnh. Ba không thể hút xì gà, không ăn, không nói. Chỉ có mắt ba là vẫn còn bốc lửa mỗi khi có ai chọc cho ba bực mình. Mắt ba đã thực sự bốc lửa khi một bữa xế trưa nọ Bill hỏi là ba có được mổ cắt amygdale theo kiểu chú bé người Spartiate không.

Ba chỉ có giọng trở lại vào cái ngày mà ba giận đến mức nhảy bổ ra khỏi giường. Bữa đó ba đang nằm tựa trên gối cao để đọc thư từ. Trong số đó có lá thư của ông Coggin, người chuyên quay phim cho ba: “Thưa ông Gilbreth, tôi rất tiếc là trong lúc quay phim tôi đã quên không mở nắp ống kính. Vì vậy đã không quay được cảnh nào cả. Tôi rất tiếc. – Tái bút: tôi xin từ chức.”

Ba tung chăn, nhảy ra khỏi giường, vớ lấy cái áo khoác ra ngoài quần áo ngủ. Và lần đầu tiên, sau ngày mổ cả nửa tháng, tụi tôi nghe được tiếng ba gầm lên:

Hừ… m… anh sẽ truy đuổi hắn ta đến tận chân trời góc bể, Lillie ạ. Anh sẽ moi các amygdale của hắn ta ra với cái đồ khui rượu vang, như anh đã đe hắn. Không phải hắn ta từ chức mà là anh đã đuổi hắn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.