Hãy Cười Lên Các Con

NHỮNG ĐỨA CON ĐÁNG YÊU



Hầu như mỗi năm lại có một em bé chào đời trong nhà Gilbreth. Ba và mẹ đều thích có nhiều con. Khi ba đưa ra con số một tá là mẹ đồng ý ngay.

Lần đầu tiên ba đề cập đến con số một tá là đúng vào ngày ba mẹ làm lễ cưới. Lúc ấy ba mẹ đang ngồi trên xe lửa đi hưởng tuần trăng mật. Mẹ đang cố lấy vẻ bình thản như hai người đã lấy nhau từ lâu rồi. Lý ra mẹ đã thành công nếu như ba không trầm trồ reo lên khi mẹ bỏ mũ ra:

Ồ bà xã, sao anh không để ý là tóc em đỏ hung hung nhỉ!

Các hành khách đều kín đáo nhìn. Mẹ ngượng chín người và giả bộ xem báo. Ba nín khe ngồi xuống cạnh mẹ.

Đợi đến khi tàu chuyển bánh ba mới rù rì:

Anh xin lỗi. Lý ra anh không nên làm mọi người chú ý như vậy. Tại anh quá tự hào có em làm vợ nên anh muốn mọi người phải nhìn em và biết em là vợ anh.

Không sao đâu anh. Em rất sung sướng là em đã đem lại niềm tự hào cho anh.

Chúng mình sẽ có một cuộc sống tuyệt vời, Lillie ạ! Một cuộc sống tuyệt vời và những gia đình tuyệt vời. Một gia đình thật lớn và một gia đình đầm ấm.

Mẹ mỉm cười:

Chúng mình sẽ có thật nhiều con, đầy từ hầm nhà đến gác xép, anh nhỉ.

Ờ, từ sàn nhà đến trần nhà, em ạ.

Mẹ đặt tờ báo xuống để ba mẹ có thể nắm tay nhau dưới tờ báo. Mẹ hỏi ba:

Anh định sẽ là bao nhiêu. Áng chừng đi.

Áng chừng rất nhiều, em ạ!

Nhiều nhiều, anh hả!

Ba quyết định:

Hay là một tá đi.

Đúng một tá. Không ít hơn anh nhỉ.

Đúng đấy em. Ít nhất là một tá.

Con trai hay con gái, hả anh? Ba thì thầm:

Con trai sẽ tốt hơn. Một tá con trai. Nhưng… con gái cũng tốt, anh nói thật đấy…

Mẹ bàn:

Em ưng có đều sáu trai sáu gái. Anh nghĩ sao?

Tùy ý em. Mình sẽ dàn xếp sao cho đúng như ý em. Rồi ba lấy sổ tay ra trịnh trọng ghi vào:
Đừng quên sinh đủ sáu trai sáu gái.

Và thế là ba mẹ đã có đủ sáu trai sáu gái trong mười bảy năm. Ba có phần thất vọng là không sinh đôi, sinh ba hay sinh tư. Theo ba, phương cách tốt nhất để có một gia đình đông con là sinh một lứa thật đông. Giải quyết một lần cho gọn ấy mà.

Một năm sau lễ cưới, trong khi mẹ đang mang bầu đứa con đầu, ba tâm sự với mẹ là ba bị ám ảnh là ba sẽ chỉ có con gái.

Mẹ hỏi ba:

– Nếu chỉ toàn con gái anh có buồn không?

Ba có vẻ ngạc nhiên như thể câu hỏi của mẹ là thừa, nhưng ngay lập tức ba làm mặt vui:

– Sao lại buồn, con nào chẳng là con.

Sở dĩ ba tin là sẽ chỉ có toàn con gái bởi vì ba rất tự hào về dòng họ Gilbreth của mình, ba luôn bị ám ảnh ba là người cuối cùng trong dòng họ (cũng vì tự hào về dòng họ Gilbreth nên ba thích có con trai để nối dõi).

Khi chị cả Anne được sinh ra ở New York, ba không hề buồn bởi ba đã chuẩn bị tư tưởng sẽ là con gái. Chưa từng thấy người cha nào vui như ba. Ba như cuồng lên vì có con đầu lòng. Đó là con gái chớ nếu con trai chắc ba vui đến cỡ nào.

Từ lâu ba đã có nhiều giả thuyết về cách nuôi dạy con nên khi có chị cả Anne là ba đem áp dụng ngay. Ba tin là trẻ em, cũng như loài khỉ, khi sinh ra đã có phản xạ sinh tồn, nhưng vì cha mẹ cứ úm con, che chở con nên làm thui chột phản xạ sinh tồn đó.

Ba tin rằng để cho một trẻ em cảm thấy được an toàn và được thương yêu trong vòng tay gia đình, cần phải nuôi trẻ bên cạnh cha mẹ. Vì vậy ba cho đặt nôi của Anne trên bàn làm việc của ba trong phòng ngủ của ba mẹ và ba nói mọi chuyện với Anne như với người lớn, từ kỹ thuật xây bê-tông; một nhà chứa các ca-nô; “hiệu suất”; cho đến các cô em gái sau này của Anne.

Bà vú nuôi người Đức luôn càm ràm:

Em nó chưa hiểu những lời ông nói đâu. Ba cãi:

Vú mà biết cái gì. Vú phải nhớ là luôn nói tiếng Đức như tôi dặn với Anne đó nghe. Tôi muốn cháu nó học cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức đấy.

Một em bé mới hai tuần tuổi hiểu sao được tiếng Đức chớ?

Vú không cần phải lo chuyện đó. Tôi dặn vú nói tiếng Đức thì vú cứ việc nói.

Ba công kênh Anne lên vai rồi bảo:

Ngồi cho chắc chắn đi con. Con cứ tưởng tượng mình là một con khỉ con đang bám vào cây để sinh tồn. Bám cho chắc vào.

Bà vú la lên:

Ông coi chừng té cháu. Cháu mới có hai tuần tuổi làm sao biết bám được. Coi chừng té cháu, xin ông cẩn thận cho.

Ba nổi cáu:

Dĩ nhiên là tôi cẩn thận rồi. Dĩ nhiên là cháu chưa biết bám, đó chẳng qua là tại vú và mẹ bé úm cháu kỹ quá, làm thui chột bản năng sinh tồn của cháu thôi. Nào con Anne, cho vú thấy con biết bám mà.

Anne không thể bám được. Thay vì bám vào vai ba, Anne ọc một ít sữa lên vai ba.

Ba bảo:

Sao con lại làm kỳ vậy? Con làm ba thất vọng quá đi. Nhưng không sao, con cưng. Ba biết là lỗi không phải tại con. Vì suốt ngày cứ bồng ẵm, đu đưa con, làm như vậy bất kỳ ai cũng bị ọc sữa thôi.

Mẹ phải can thiệp:

Thôi, mình đưa con cho em. Hôm nay con tập thể dục như thế cũng đủ rồi.

Tuần sau, ba bàn với mẹ cho ba thử xem trẻ em được sinh ra có bản năng bơi không:

Khi ta quăng một con khỉ con xuống dòng sông thì tự động con khỉ sẽ bơi. Đó là cách khỉ mẹ dạy khỉ con bơi. Để anh thử bỏ Anne vào bồn tắm. Anh đảm bảo không để chuyện gì xảy ra với con cả.

Bà vú la lên:

Ông có điên không vậy. Bà Gilbreth, bà không để cho ông ấy làm em bé bị chết đuối chớ!

Ba la:

Bà yên đi nào, có thể bà sẽ học được thêm một điều mới đấy.

Anne rất thích bồn tắm. Nhưng Anne không bỏ ra một chút cố gắng nào để bơi và ba đành công nhận thử nghiệm của mình đã thất bại.

Đợi lúc mẹ đi đủ xa để không nghe rõ, ba quay sang bảo bà vú:

– Nếu là con trai chắc chắn sẽ được.

Bàn làm việc kê cạnh giường ngủ, trên có đặt nôi của Anne, luôn đầy ắp giấy tờ: từ báo kỹ thuật cho đến những bản in nháp của cuốn sách ba viết mà mẹ đang sửa (đó là cách mẹ tiết kiệm “thời gian lãng phí không tránh được”). Buổi tối, sau khi đèn đã tắt, ba có thể đưa tay vào nôi, xoa tay em bé. Có những lần mẹ chợt thức giấc, thấy ba đang đứng cạnh nôi thì thầm:

Ú… òa… ú… òa… con gái rượu của ba… con gái xinh của ba…

Mẹ cố nín cười, hỏi ba:

Có chuyện gì vậy mình? Ba đằng hắng:

À không có gì. Anh chỉ đang bảo nhỏ to mồm này là nó ồn ào còn hơn cả một bầy khỉ nữa.

Và cũng tức cười như vậy phải không mình?

Đúng vậy, em à!

*

Sau Anne là Mary, Ernestine rồi Martha. Lúc này ba đã cam phận và luôn bảo có một tá con gái vẫn tốt như thường. Ba thường nói đùa ba có cả một hậu cung. Mỗi khi có khách ba đều cho Anne, Mary và Ernestine ra chào, sau đó ba bế Martha lên và khoe với khách:

Và đây là mô-đen mới nhất đây. Xem hoàn hảo chưa nào, hoàn hảo đến tận móng tay luôn. Chưa hết đâu! Chúng tôi đang chờ mô-đen 1911 đó, chỉ chừng một tháng nữa là có thôi (ý nói mẹ sắp sinh)

Mặc dù nhìn bụng bầu của mẹ thì ai cũng biết nhưng ba vẫn thích khoe như vậy. Ba không hiểu sao mẹ lại mắc cỡ khi ba khoe ra.

Ba bảo:

Anh không hiểu tại sao em mắc cỡ. Có con là điều em đáng tự hào mà!

Dĩ nhiên là đáng tự hào, nhưng không việc gì phải rêu rao ầm lên như thế.

Nói vậy chứ mẹ hiểu ba không thể ngăn nổi mình luôn nói về các con mình, những đứa con đã ra đời cũng như sắp ra đời.

Bất kể sự phản đối của mẹ, ba vẫn quyết định đặt tên cho đứa con thứ năm là Lillian. Mẹ rất ghét tên của mẹ và đã không chịu cho ba dùng đặt tên cho bốn cô con gái đầu.

Nhưng lần này ba bảo:

Mình đừng lẩm cẩm như vậy. Hết tên để đặt cho con rồi, phải lấy tên Lillian thôi. Anh muốn con mang tên của mình.

Nếu là con trai thì sao?

Ba càu nhàu:

Con trai. Có ai đòi con trai đâu.

Sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ có con trai thôi. Như mẹ em đó.

Bà ngoại sanh sáu con gái đầu rồi mới sanh ba con trai út.

Ba thở dài:

Nhưng ba em không phải là người cuối cùng trong dòng họ như anh.

Và cái gì đến đã đến.

Khi bác sĩ Hedges bước ra khỏi phòng (lần nào mẹ cũng sanh ở nhà) và báo là mẹ tròn con vuông, ba bảo sẽ đặt tên đứa thứ năm này là Lillian.

Bác sĩ lịch sự đáp:

Tên hay đấy. Dĩ nhiên khi cháu lớn lên có thể đám bạn trai cùng lớp sẽ trêu cháu có tên con gái, nhưng không sao…

Ba lẩm bẩm:

Ờ phải, tôi chưa bao giờ nghĩ là…

Ba bỗng nhận ra:

Bác sĩ vừa nói sao? Con trai à? Bác sĩ Hedges mỉm cười:

Tôi rất tiếc đã không giúp ông được toại nguyện. Ông vẫn nói với mọi người là ông rất thích có đứa con gái thứ năm cho hậu cung của mình, nhưng lần này là…

Bác sĩ chưa nói hết câu thì ba đã gạt ông sang một bên và nhảy bổ vào phòng nhìn cậu con trai đầu lòng đang say ngủ trong chiếc nôi. Chiếc nôi cũ kỹ vẫn để trên bàn giấy và chất đầy các bản thảo như thường lệ (Ba mẹ luôn canh để sách của ba viết được in đúng lúc mẹ “phải lãng phí thời gian không tránh được”).

Ba cúi nhìn con trai, giọng gần như nghẹn đi vì vui sướng:

Giống ba y như đúc, con trai ạ! Không một mảy may nào không giống ba. Ôi, Lillie, em làm sao tuyệt quá vậy.
Mẹ thì thầm hỏi ba:

– Anh có toại nguyện không?

Ba đáp:

Toại nguyện quá đi chứ! Rồi ba nói tiếp:

Mình biết không, trước đây anh không dám nói thật vì sợ mình buồn, chớ anh rất thèm có con trai để nối dõi.
Mẹ trêu ba:

Anh muốn dùng tên em đặt tên cho con mà. Bây giờ có con trai không tiếc sao?

Nhưng ba đã quay sang nói với cậu con trai mới đẻ của mình, giọng đầy tự hào:

Này cậu Frank Bunker Gilbreth junior[11], bây giờ tôi cần đi gọi vài cú điện thoại cũng như gửi điện tín báo tin mừng. Tôi cũng cần mua đồ chơi cho con trai. Tất cả những thứ có đầy trong nhà này là đồ chơi con gái. Trong khi tôi đi vắng cậu phải ngoan và chăm sóc mẹ cậu đấy. Kể từ bây giờ cậu có trách nhiệm lo cho mẹ cậu mỗi khi tôi vắng nhà đấy.

[11] Người Mỹ có thói quen đặt tên con trai đầu lòng là tên của cha kèm với junior (con).

Quay sang mẹ, ba bảo:

Anh sẽ quay lại ngay, Lillie à. Mẹ trêu ba:

Tạm biệt, cựu-người- cuối- cùng của dòng họ Gilbreth!

Ba giả tảng như không nghe.

Khi ba ra tới phòng ngoài, mẹ nghe tiếng ba gọi lớn:

Anne, Mary, Ernestine, Martha đâu cả rồi! Các con có biết tin gì không? Các con có em trai rồi đó! Frank Bunker Gilbreth junior. Nghe kêu không các con? Em giống y chang ba. Một trăm phần trăm con nhà nòi Gilbreth. A-lô, a-lô… cho tôi gọi đường dài, cám ơn… là con trai, dạ con trai, mẹ à…

“Nặn” ra được một mụn con trai rồi, ba chắc mẩm những đứa sau cũng sẽ là con trai.

Ba vừa nói với mẹ vừa làm bộ dữ dằn nhìn mấy đứa con gái:

Mấy đứa con gái đầu chỉ để làm nháp thôi. Tuy nhiên mình vẫn có thể giữ mấy con vịt giời này để sau này có người phụ nấu ăn, rửa chén bát, giặt giũ và khâu vá quần áo cho cánh đàn ông.

Đám con gái nhào đến vật ba ngã xuống thảm. Martha, nhỏ nhất, dùng túi áo ba làm bậc thang leo lên bụng ba, còn ba cô chị thì thọc lét khiến ba cười rung cả người làm Martha sém té.

*

Đứa con thứ sáu được sinh ra vào năm 1912. Đúng như ba tiên đoán, lần này cũng là con trai. Ba đặt tên là William (theo tên của ông ngoại và của một cậu). Ba khoe với mẹ:

– Vậy là chúng ta có được nửa tá đầu rồi đấy, em à!

Lần này ba đã coi chuyện có con trai là bình thường nên có ai hỏi thăm em bé là trai hay gái, ba trả lời thật tỉnh:
– Chúng tôi có thêm một cháu trai.

Mẹ sinh sáu đứa đầu đều tại nhà, vì mẹ muốn giúp ba cho đến lúc sinh. Sau khi sinh em bé mẹ phải nghỉ hoàn toàn trong 24 giờ. Tuy nhiên mẹ đã chuẩn bị đâu vào đó nên nhà vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường trong ngày mẹ sinh em bé. Trong mười lăm ngày kế tiếp khi mẹ bị bắt buộc phải ở cữ, sáng sáng chúng tôi diễu hành trước mặt mẹ để mẹ tự tay cột ruy-băng tóc cho con gái và xem con trai có chịu tắm rửa sạch sẽ không. Buổi chiều từ trường về, chúng tôi lại qua phòng ba mẹ chơi với em bé trong khi mẹ đọc cho chúng tôi nghe chuyện Năm Bé Hột Tiêu mà ai cũng thích, kể cả mẹ.

Đến khi có nội qua ở, mẹ quyết định đi sinh ở bệnh viện, nhờ nội trông nom tụi tôi và công chuyện nhà. Bệnh viện không cho ba ở lại với mẹ. Sáu giờ sau khi mẹ nhập viện, một cô nữ hộ sinh từ bệnh viện gọi điện thoại đến nhà báo tin mẹ đã sinh em bé.

Ba ngạc nhiên thưa với nội:

– Kỳ này nhà con phá kỷ lục sanh nhanh rồi đó!

Nội hỏi mẹ sinh con trai hay con gái.

Ba quả quyết:

– Nhờ ơn trời, chắc chắn là một cu tí nữa rồi, mẹ à!

Vài phút sau, một cô nữ hộ sinh khác gọi điện lại xin lỗi, người sinh con trai là một bà Gilbert chớ không phải bà Gilbreth.

Ba vội hỏi:

Vậy nhà tôi sao rồi?

Bà nhà đã rời bệnh viện rồi.

Ủa, vậy nhà tôi sinh con trai hay con gái, sao không kêu tôi đi đón mà đã về rồi, về bằng gì?

Dạ không thấy hồ sơ ghi gì hết.

Ba bắt đầu cuống:

Vậy nghĩa là sao?

Hình như bà nhà đã về trước khi sinh em bé! Ba vội thưa với nội:

Có người khác đòi đứa bé hồi nãy. Còn nhà con hình như chưa sinh thì đã về. Để con đi đón coi sao.

Ba chưa kịp đi thì mẹ đã về tới nhà, tay xách va-li đựng quần áo tã lót.

Nội la quá chừng:

Trời đất! Con khùng rồi sao, Lillie? Bụng bầu bì như vậy mà dám đi một mình, tay còn xách nặng nữa chớ!. Đưa va-li đây cho mẹ. Con lên lầu nằm nghỉ mau đi. Thiệt hết biết! Lớn rồi, làm việc gì cũng phải suy nghĩ một chút chớ! Mà tại sao con không ở bệnh viện nữa vậy?

Dạ, con bực với mấy cô nữ hộ sinh quá, mẹ à. Mấy cô ấy không chịu cho con viết lách hoặc sửa bản in thử của anh Frank. Có cô còn cất luôn cả viết của con nữa. Con chưa bao giờ có một ngày tệ hại như vậy.

Ngày hôm sau Lilli chào đời trong phòng ba mẹ, nơi mẹ có đầy đủ bút viết, bản thảo để sửa trong tầm tay của mình.
Ba an ủi mẹ:

Không sao đâu mình. Anh cũng bắt đầu hơi chán có con trai rồi. Nhỏ này sẽ mang tên em nghe.

*

Mấy anh chị lớn bắt đầu tự hỏi em bé từ đâu đến. Đáp án duy nhất là mẹ luôn bị bệnh và phải nằm nghỉ tại giường mỗi khi có em bé đến nhà. Khoảng bốn tháng sau khi sinh, mẹ bị cảm lạnh nên lên phòng ngủ sớm. Chúng tôi chắc mẩm là là ngày mai mình sẽ có thêm một em bé.

Thức dậy, chúng tôi chạy ào vô phòng ba mẹ, miệng reo hò:

– Em bé đâu? Em bé đâu?

Ba đưa tay chỉ vào Lilli đang nằm trong nôi:

Cái gì mà ồn ào quá vậy, các con? Các con sao vậy? Em bé nằm trong nôi chớ đâu mà hỏi!

Nhưng tụi con muốn coi “mô-đen mới nhất” kia. Thôi mà ba, đừng trêu tụi con nữa. Em bé đâu rồi, ba? Mình đặt tên em bé là gì hả ba? Ba dấu em bé ở đâu rồi?

Chúng tôi bắt đầu nhìn xuống gầm giường ba mẹ, kéo ngăn kéo tủ ra tìm.

Mẹ bắt đầu hỏi:

Các con làm gì vậy? Làm gì có em bé nào đâu. Đừng lục tung đồ của ba như vậy. Trời ạ, tại sao các con nghĩ là nhà mình có thêm em bé nữa chớ?

Chị cả Anne hỏi:

Mẹ bị bệnh phải không?

Ờ, mẹ bị cúm.

Mỗi lần mẹ bị bệnh nhà mình lại có em bé mà.

Nhưng đâu có phải mỗi lần mẹ bị bệnh là mỗi lần có em bé đâu. Mẹ tưởng các con biết chuyện này mà.

Ernestine quay sang hỏi ba:

– Vậy khi nào em bé tới nhà, hả ba? Tụi con thấy mẹ bị bệnh khi em bé tới nhà. Ba giải thích cho tụi con nghe đi ba.

Chúng tôi chưa bao giờ thấy ba lại bối rối đến thế.

Ba quay sang mẹ:

Anh muốn giải thích cho các con nghe lắm nhưng anh có cuộc hẹn phải đi ngay. Để mẹ giải thích cho các con nghe.

Mẹ tỏ vẻ thông cảm:

– Em biết, mình cứ đi đi.

Ba chạy vội xuống cầu thang rồi ra khỏi nhà. Ba cũng không dừng lại trong phòng ăn để uống một tách trà như mọi khi.

Mẹ nói với chúng tôi:

– Các con hỏi mẹ như vậy tốt lắm.

Mẹ nói thế nhưng coi nét mặt mẹ thì không thấy tốt chút nào.

Các con lại ngồi đây nghe mẹ giải thích này! Đầu tiên mình nói về con cò nhé. Chắc các con đâu có tin là cò mang em bé đến nhà như người ta vẫn nói phải không?
Dạ tụi con không tin từ lâu rồi ạ.

Thật ư?

Mẹ có vẻ ngạc nhiên.

Tốt lắm. Vậy các con còn biết gì nữa?

Dạ… phải cưới nhau mới có em bé và còn… phải có thật nhiều nước nóng… rồi bác sĩ làm gì đó khiến mẹ phải la lên trước khi có em bé.

Mẹ lo lắng hỏi:

Nhưng đâu có la to quá phải không các con. Không to quá và cũng không nhiều lần quá, phải không?

Dạ phải, không to quá và cũng không nhiều quá.

Tốt. Bây giờ mẹ con mình nói sang chuyện hoa và ong nhé…

Sau khi nghe mẹ kể xong, chúng tôi biết được nhiều điều về thực vật học, một ít về loài ong, nhưng vẫn mù tịt về cách em bé ra đời. Mẹ không thể giải thích cho chúng tôi hiểu rõ.

Khi chỉ còn tụi tôi với nhau, chị cả Anne kết luận:

Chị không biết mẹ bị gì nữa. Đây là lần đầu tiên mẹ không thể giải thích cặn kẽ cho tụi mình hiểu. Còn ba nữa, ba chạy vội đi y như có ai báo tin tìm ra được hũ vàng vậy đó!

Sau đó, chúng tôi đem ra hỏi bác Tom Grieves. Bác mắng cho chúng tôi một trận:

– Cái lũ tiểu quỉ này! Hết chuyện để hỏi sao mà hỏi chuyện đó.

Thế là ba cứ tưởng là mẹ đã giải thích mọi chuyện. Còn mẹ thì nghĩ mẹ đã giải thích đầy đủ với câu chuyện hoa và ong. Riêng chúng tôi vẫn tự hỏi em bé từ đâu ra.

*

Fred được sinh ra khi chúng tôi đang nghỉ mát ở Nantucket, bác sĩ chưa kịp đến, bà hàng xóm sang phụ.

Bà ta còn cuống hơn cả ba mẹ nữa.

Bà ta luôn miệng:

Bà đừng vội sinh trước khi bác sĩ tới nghe! Mẹ phải ôn tồn trấn an bà ấy:

Vâng, tôi sẽ cố. Bà đừng cuống như thế. Bà cứ bình tĩnh, thư giãn đi nào. Mời bà ngồi xuống cạnh tôi đây này.
Ba sốt ruột hỏi bà hàng xóm:

Bây giờ ai sinh đây, bà hay nhà tôi. Bà cuống lên như thể làm sao phụ được.

Nói rồi ba bỏ đi đun thật nhiều nước nóng (mà phần nhiều sẽ không được dùng đến).

Và thế là Fred, đưa thứ tám, được sanh ra vừa lúc bác sĩ tới.

Kế đó là Dane và Jack. Rồi đến Bob và Jane.

Dan và Jack ra đời rất bình thường. Nhưng Bob ra đời sớm hơn dự đoán. Lúc ấy bác Tom không kịp thay đồ mà cứ vác bộ pi-ja-ma đạp xe chạy đi mời bác sĩ đến nhà khiến cả Nantucket biết là nhà có em bé. Và một lần nữa em bé lại ra đời cùng lúc với bác sĩ đến nhà.

Đến lúc này ba mẹ gần như cạn nguồn tên đặt cho các con. Mẹ chợt reo lên:

Robert! Đúng rồi, đặt tên con là Robert đi.

Tại sao lại là Robert? Ai là Robert vậy?

Ba nhìn mẹ qua mục kỉnh khiến mẹ đỏ mặt:

Chẳng là ai cả. Chẳng qua em chợt nghĩ ra như vậy thôi!

Ba bắt đầu trêu mẹ:

Anh biết hồi còn đi học em có một cái đuôi thật dài đi theo, nhưng ai là Robert vậy cà? Anh nhớ hình như có lần em nhắc tên anh chàng này. Phải cái anh chàng mặc áo gió tay cầm cây mandoline chụp trong tấm hình em còn giữ đó không? Hay là anh chàng mà các dì mô tả là chuyên cà lăm mỗi khi gặp em?

Tụi tôi hùa theo ba trêu mẹ:

Mẹ ơi, tên Robert hay tuyệt mẹ ạ. Tại sao mẹ không đặt tên cho con là Robert hả mẹ? “Thưa cô, tôi có thể mang sách giùm cô không?” “Ôi, anh Robert, anh nói chuyện thật hay đó!”

Ba biết thừa đó là tên nhà thơ Robert Browning mà mẹ rất thích, nhưng vẫn không bỏ qua dịp này để trêu mẹ. Ba ngâm nga như đang đóng vai nàng Juliet:

Ah! Robert! Phải chi em được nếm mật ngọt từ môi anh! Mẹ làm mặt lạnh đe ba:

Mấy cha con giỡn đủ chưa! Còn muốn chơi trò khơi lại chuyện xưa kia thì em nhắc là trò chơi này không chỉ có một phe đâu nghe. Em nhớ là …

Tới đây ba vội chịu thua:

À không đâu, mấy cha con không hề muốn phá hỏng kỷ niệm về một mối tình hồng nào đó của tuổi hoa học trò cả. Sao các con, tất cả đồng ý với tên Robert chớ?
Dĩ nhiên tất cả chúng tôi đồng ý.

Với Bob, đứa con thứ mười một, tính ra nhà có sáu trai và năm gái. Nhà chúng tôi bắt đầu chia phe. Lũ con trai và ba dĩ nhiên thích có thêm một em trai. Nhưng đám con gái thì thích có em gái để cân bằng. Còn mẹ, tuy muốn làm ba vui lòng, nhưng thật lòng mẹ thích út gái cho dễ thương. Cuối cùng mẹ được toại nguyện, Út Mười Hai là gái.

Thứ mười hai, Jane, được dự đoán chào đời vào hè năm 1922, tức lúc chúng tôi đang nghỉ tại Nantucket. Lần này để tránh việc bác sĩ và em bé cùng đến nhà một lúc như hai lần trước, mẹ quyết định đi sinh ở bệnh viện Nantucket.

Mười ngày mẹ nằm viện là mười ngày ba khổ sở đứng ngồi không yên. Ba cau có bảo ba không tài nào làm việc được khi không có mẹ ở bên cạnh. Những lần ba phải đi làm việc ở xa, không có mẹ bên cạnh thì khác, lúc ấy ba bận rộn với công việc. Nhưng khi ba về đến nhà thì ba luôn có mẹ làm việc chung với ba. Vì vậy trong lúc mẹ nằm viện, ba luôn tìm cách vào bệnh viện với mẹ.

Mỗi khi tụi tôi phàn nàn bị ba bỏ bê, ba lấy cớ là ba cần làm quen với cô con gái út mới sinh.

Mỗi khi đi, ba dặn chị cả Anne:

Anne à, ba không đi lâu đâu. Trong lúc ba đi vắng con chịu trách nhiệm về cả nhà đó nghe.

Nói xong ba leo lên chiếc Xế Điên, và phải đợi suốt mấy giờ đồng hồ liền tụi tôi mới được gặp lại ba.

Chưa bao giờ ba cẩn thật ăn mặc thật diện như vậy, túi còn cài hoa nữa.

Tụi tôi trêu ba:

Ba đi đâu mà diện thế? Đi ăn đám cưới hả ba? Ba cười tươi rói:

Còn phải nói. Ba các con luôn bảnh trai mà, phải không các con? Ba muốn gái út có ấn tượng tốt về ba mình. Mình đặt tên em là gì nhỉ, Jane chăng?

Bệnh viện, ba ngồi cạnh mẹ và lên kế hoạch cho mùa thu:

Anh muốn mình nghỉ ở đây cho tới khi mình thiệt khỏe… Mình cần nghỉ mà. Kể từ khi sanh con đầu lòng, đây là lần đầu tiên mình được nghỉ.

Rồi ba nói tiếp một hơi:

Anh sẽ rất vui khi em về nhà! Anh chẳng còn tâm trí làm việc gì cả khi em không có ở nhà…

Điều mẹ thích nhất ở bệnh viện mà mẹ chưa hề nói ra, đó là ở bệnh viện được thoải mái la khi đau đẻ.

Ngày ba đưa mẹ và Jane về nhà, ba kêu chúng tôi ra xếp thành hàng trước cửa nhà. Ba đi duyệt qua như một ông tướng đi duyệt binh rồi tự hào nói với mẹ:

Mình thấy không, Lillie, mình đã hoàn tất công việc rồi đó! Mình có nghĩ ra không? Kể từ sang năm nhà không cần có nôi nữa. Trong hai năm nữa tìm khắp nhà sẽ không thấy có tã lót hay bình sữa nữa. Không biết mình đã tích lũy bao nhiêu bình sữa từ đó tới giờ. Em có nghĩ đến lúc trong phòng chỉ có hai vợ chồng mình, không còn em bé nào nữa? Và mình có thể ngủ thẳng giấc tới sáng mà không cần để đồng hồ thức mỗi hai giờ cho con bú. Nghĩ lại có phần vui nhưng cũng có phần tiêng tiếc…

Mói rồi ba ôm lấy mẹ, mắt mẹ ngân ngấn nước mắt.

Cũng trong mùa hè đó, có lần khách tới chơi, ba huýt sáo tập hợp đàn con rồi giới thiệu với khách:

– Đây là cháu Anne, chị cả.

Anne bước lên bắt tay chào khách. Cứ thế lần lượt từng đứa bước lên chào khách.

Cuối cùng ba ẵm Jane ra khoe:

– Còn đây là mô-đen cuối cùng.

Giọng ba không còn hồ hởi như những lần trước, bởi vì đây thật sự là lần cuối.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.