Hãy Cười Lên Các Con
NGỰA PHI ĐƯỜNG XA
Còn nhiều món quà bất ngờ khác nữa. Những hộp kẹo của nhà Page&Shaw, búp bê và đồ chơi, máy ảnh của Đức, tất vớ len từ Tô Cách Lan, một tá gà giống “Plymouth Rock”, và hai chú cừu thong dong gặm cỏ ở sân trước. Tuy nhiên hai chú cừu này đã sớm được phóng sinh vì tiểu yêu tụi tôi cứ xúm vào vuốt ve và cưỡi chúng. Có lẽ chưa có con vật bốn chân nào trên đời lại được “yêu thương” quá đáng như vậy. Ba bảo:
Nếu ba mang con vật khác về nhà chắc Hội Bảo vệ Động vật sẽ đưa ba ra tòa và bắt phạt ba làm công ích quá! Chưa bao giờ ba cảm thấy mình có lỗi như vậy trước mặt mấy con cừu này!
Ngày ba mua căn nhà ở Montclair, ba tả chúng tôi nghe nó như một căn nhà tồi tàn ở khu phố ổ chuột. Ban đầu chúng tôi nghĩ là ba nói đùa nhưng ba nói riết chúng tôi tin là ba nói thật, căn nhà hẳn rất tồi tàn. Ba bảo:
Nuôi một gia đình đông con như thế này tốn kém lắm! Tiền mua thức ăn, mua quần áo, trả tiền bác sĩ khám chữa bệnh, tiền chữa răng, tiền kem và biết bao nhiêu thứ tiền khác. Ba rất tiếc nhưng ba không thể mua nhà đẹp hơn được, chúng ta đành liệu cơm gắp mắm thôi!
Lúc đó nhà cũ của chúng tôi ở Providence, thuộc bang Rhode Island. Ba lấy xe chở mẹ và chúng tôi đi xem nhà mới. Trên đường đi, ngang qua một căn nhà gần như sắp đổ, ba chỉ tay vào nó và bảo:
Nhà mới của mình cũng cỡ này đó các con, có lẽ tệ hơn vì kính cửa bể nhiều hơn và sân cũng nhỏ hơn.
Đến Montclair, ba chở chúng tôi đi qua những khu ổ chuột tệ nhất thành phố và cuối cùng dừng lại trước một căn nhà bỏ hoang, nó mục nát đến nỗi có cho bà phù thủy thì bà ấy cũng chê. Ba bảo:
Đến rồi đó, các con! Mọi người xuống xe đi. Mẹ hỏi ba:
Mình không nói đùa đó chứ?
Sao mình nói vậy, em không thích nó sao? Mẹ nhẹ nhàng đáp:
Nếu mình đã thích nó thì em cũng thích? Nhưng Ernestine la lên phản đối:
Căn nhà này trông như một cái ổ chuột. Đúng vậy, một chuột không hơn không kém. Ba la:
Không ai hỏi ý kiến cô, cô bé ạ. Tôi đang nói chuyện với mẹ cô. Trẻ con không được nói leo.
Ernestine vẫn cố nói:
– Nhà của ba thì mình ba ở đi!
Ernestine biết là mình đang đi quá lố nhưng cô tủi thân nên vẫn nói:
Ba giữ nhà cho ba đi. Con sẽ không động đến nó đâu, dù là một bước nhón chân.
Martha cũng bồi thêm:
Cả con cũng vậy. Không đụng tới dù có đeo găng tay, cầm kẹp gắp đi chăng nữa.
Mẹ an ủi:
– Yên nào các các con! Ba biết cần làm gì hơn các con mà!
Đến lúc này Lilli òa lên khóc, mẹ quay sang chúng tôi, cười thật tươi nói tiếp:
Mình chỉ cần quét sơn lại, bít các lỗ hổng là các con thấy nhà đẹp ngay ấy mà!
Ba bắt đầu mỉm cười. Ba lục túi lấy ra quyển sổ thường ngày của ba, lật từng trang coi rồi bảo:
Thôi rồi, ba lộn địa chỉ! Cả nhà leo lên xe đi. Ờ, ba cũng thấy lạ, sao căn nhà này có vẻ xuống cấp mau quá so với lần trước ba đến coi nó!
Rồi ba chở chúng tôi đến nhà số 68, đường Eagle Rock Way. Đó là một căn nhà cổ nhưng rất đẹp, kiểu Taj Mahal với mười bốn phòng, một nhà để xe hai tầng, một nhà kính để trồng hoa, một chuồng gà, một vườn nho, nhiều cây hồng và cả tá cây ăn trái.
Lần này chúng tôi lại nghĩ bị ba xí gạt. Bở vì căn nhà quá tuyệt! Nhưng ba quả quyết:
Không đâu, ba nói thật đó, đây là nhà mới của gia đình mình, ba không nói trước vì ba sợ các con… thất vọng. Vậy các con có ưng nó không? Cho ba xin lỗi nghe!
Dĩ nhiên là tụi tôi ưng rồi, quá ưng nữa là khác.
*
Ba mua chiếc xe hơi trước khi chúng tôi dọn sang nhà mới. Đó là chiếc xe hơi đầu tiên của nhà chúng tôi, và vào thời bấy giờ thì xe hơi là món hàng thời thượng. Dĩ nhiên ba khiến chúng tôi một lần nữa phải bất ngờ. Ba làm bộ dẫn chúng tôi đi dạo và dẫn vô một cửa hàng bán xe hơi, nơi ba gửi chiếc xe mới mua.
Tuy ba kiếm sống bằng cách chế ra máy móc và phân tích những động tác vận hành các máy móc ấy sao cho có hiệu quả tốt nhất, ít mất thời gian nhất, nhưng hỡi ôi… ba chưa bao giờ hiểu được rõ cơ chế vận hành chiếc xe của chính mình. Nó là một chiếc xe hiệu Pierce Arrow màu xám bạc, kềnh càng, có cái còi thiệt lớn mà ba luôn dùng mỗi khi qua mặt xe khác. Nắp xe phía trước vuông và dài, mỗi khi trời lạnh, phải giở lên để mồi xăng cho xe nổ máy.
Ba thấy chiếc xe này khi nó còn ở xưởng chế tạo. Ba mê nó liền, y như một mối tình sét đánh. Nhưng tiếc thay nó là tình yêu đơn phương, và chẳng hề được đáp lại. Ba đặt tên cho nó là “Xế Điên”[6], ba bảo có điên mới dám mua và bảo dưỡng một chiếc xe hơi trong khi có con đông như ba.
[6] Nguyên văn tiếng Anh là Foolish Carriage.
Máy xe thường cự nự mỗi khi ba quay cần khởi động, nó khạc dầu nhớt vô mặt ba khi ba xem xét ruột gan nó, nghiến ken két khi ba đạp thắng, gầm lên ghê rợn mỗi khi ba sang số. Cũng có lúc ba khạc, nghiến răng và gầm gừ lại với nó nhưng lần nào ba cũng thua nó.
Thật ra ba lái xe không giỏi chút nào. Ba cho xe chạy rất nhanh, cả nhà ai cũng khiếp sợ, nhất là mẹ. Mẹ luôn ngồi ghế trước với ba, tay ôm hai đứa út và áp út, tay bấu chặt lấy tay áo của ba, có khi mẹ hãi quá nhắm nghiền cả mắt lại. Cứ mỗi lần ba vòng xe, mẹ lại đưa người ra che chắn cho các em như thể các bé sắp bị nghiền nát tới nơi. Mẹ luôn nhắc chừng ba:
– Frank, cho xe chạy chậm lại đi anh.
Tay lái xe ở bên phải, nên ngoài mẹ và hai em bé, bọn tôi thay phiên nhau một đứa được ngồi băng trước, bên tay trái của mẹ để quan sát đường phố và la lên báo cho ba biết có thể qua mặt một xe khác. Khi ấy mười một bàn tay – kể cả tay của mẹ và các em bé – đều thò ra từ ghế trước, ghế sau, ghế ngang. Chúng tôi đã từng thấy ba làm móp các chắn bùn ở xe, chẹt cổ mấy con gà lỡ chạy qua đường, húc đổ các cây lâu năm, trả tiền phạt cho các ông cảnh sát công lộ, vì vậy chúng tôi muốn tránh không để có sự cố nào xảy ra.
Việc xếp một đứa ngồi băng trước để quan sát là ý kiến của ba, còn lại do chúng tôi tự sáng tạo. Một tên quan sát bên phải, một tên bên trái, còn một tên quỳ gối trên băng quan sát phía sau.
Ba, có một xe bên trái.
Ba, có hai xe bên phải.
Ba, có một xe mô-tô phía sau.
Ba bực mình quát lên:
– Ba thấy rồi, bộ các con không tin tưởng vào ba sao?
Nói vậy chứ không phải vậy, ba thiệt tình không mấy để ý trong khi lái xe.
Ba đặc biệt rất thích còi xe, nó luôn gầm lên “Ca-dou-kah”. Làm cách nào mà ba có thể phối hợp động tác để cùng một lúc xoay tay lái, nhấn ga, bóp còi, miệng hút xì gà, quả là phải ngả nón bái phục tài nghệ của ba, nhà chuyên gia “phân tích động tác”!
Mới mua xe xong, ba dẫn từng đứa chúng tôi đến bên xe, mở nắp trước, bảo thò đầu vô coi con chim đậu nơi máy xe. Trong khi tụi tôi còn mải tìm, ba len lén leo lên xe bóp còi:
– Ca-dou-kah! Ca-dou-kah!
Bọn tôi đứa nào cũng giật mình, nhảy dựng lên, còn ba thì cười lăn ra đến chảy cả nước mắt.
Đã thế ba còn trêu nữa chớ:
Sao, con có thấy con chim nhỏ chưa?… Hà! Hà!… Ba thấy con nhảy cao cũng ít nhất cũng đến nửa thước… Hà! Hà!
Chuyện tưởng đã qua đi theo thời gian. Cho đến một lần cả nhà đi chơi xa. Chuyến đi khá mệt, trên đường về, xe bắt đầu sủa, ho khạc rồi tắt máy. Ba vừa thèm ngủ, vừa mệt, người ướt đẫm mồ hôi. Tụi tôi phải xuống xe để ba đánh vật với nó, ông lôi túi đồ nghề ra, xắn tay áo lên, mở nắp xe rồi thò đầu vô xem. Ba luôn tránh nói tục trước mặt chúng tôi nhưng lần này những lời ấy không ngừng tuôn ra hàng tràng, nhanh như tên bắn.
Chúng tôi mải nhìn ba ướt đẫm mồ hôi đang cúi sát nửa người lọt vào thùng xe, nên không ai để ý đến Bill đã lẻn vào ngồi nơi băng ghế trước.
Ca-dou-kah! Ca-dou-kah!
Ba giật bắn người, mạnh đến nỗi chúi đầu vào trong thùng máy, chỉ còn thấy chân của ba chổng lên trời, đầu ba đụng cái cộp vào nắp thùng xe, cổ tay ba va vào ống chuyển nước nóng bị phỏng nghe xèo xèo.
Kịp khi ba chui ra được, ba xoa xoa mái tóc dính đầy nhớt, thổi phù phù trên cổ tay bị phỏng. Mặt ba tái đi vì giận, ba hét lên như thể đã dành những tiếng tục này từ thủa nào:
– Mẹ k…! Đứa nào nghịch vậy?
Mẹ cũng la lên một câu mà tụi tôi chưa hề nghe mẹ nói bao giờ:
– Quỷ thần ơi!
Duy nhất có Bill, tuy mới sáu tuổi nhưng luôn gây ra chuyện, là dám cười, dù tiếng cười có vẻ gượng gạo và hỏi:
– Ba có thấy con chim nhỏ không ba?
Ba tóm lấy Bill, nhóc nín cười nhưng vẫn cố vớt vát:
Con đã xí gạt được ba, phải không ba? Ba rít lên:
Muốn xem chim nhỏ thì có lúc có nơi chứ! Cũng như ăn đòn cũng có lúc có nơi đó con!
Bill vẫn cố vớt vát kéo dài lùi thời điểm chịu phạt:
Con thấy ba nhảy cao ít nhất cũng nửa thước đó ba! Mặt ba dãn ra và dịu lại, ba buông Bill ra:
Ờ, con nói đúng đó! Con đã xí gạt được ba và ba cũng nhảy cao cả nửa thước…
Đúng là ba hiểu các con mình và rất chịu chơi. Nhưng phải đến sáu tháng sau ba mới thực sự thấm và chuyện Bill trở thành một giai thoại nhà Gilbreth, ba luôn đem ra kể mỗi khi nhà có khách. Và những lúc ấy không ai cười to bằng ba và Bill, tác giả của chuyện.
*
Mỗi khi muốn đưa cả nhà đi chơi, ba lại huýt sáo tập hợp rồi hỏi:
– Có ai muốn đi xe chơi một vòng không nào?
Câu hỏi hoàn toàn cho có. Bởi vì ba đi chơi là cả nhà đi chơi. Và chúng tôi đồng thanh reo lên: Dạ có!
Tuy chúng tôi sợ nhưng thật sự lại thích được đi dạo bằng xe với ba. Vì lẽ, tuy ba lái xe gây đứng tim nhưng những bi kịch do ba tạo ra luôn gây phấn khích, y như mình đi xem xiếc được các nghệ sĩ ảo thuật mời lên cùng tham gia tiết mục, như làm người bị cưa đôi ra chẳng hạn, hoặc hồi hộp trước khi nhảy cầu ở hồ bơi.
Đi dạo bằng xe cũng có nghĩa là được gần ba mẹ. Hên hơn nữa là được ngồi bên ba mẹ ở băng trước. Tụi tôi quá đông còn ba mẹ chỉ có hai, nên chúng tôi không được gần ba mẹ nhiều như chúng tôi vẫn thèm muốn. Vì vậy, mỗi lần đi xe, chúng tôi lại tự xoay tua để mỗi đứa được ngồi cạnh ba mẹ một lúc.
Ba bảo chúng tôi sửa soạn trong khi ba chạy xe ra cổng. Ba coi việc đó là sự đương nhiên. Ba chưa hề bao giờ nghĩ là Xế Điên có đồng ý cho ba chạy qua cổng hay không. Là một người lạc quan, ba luôn tin chắc rồi đến một ngày chất xám của con người sẽ chiến thắng khối sắt vô tri. Vì vậy, ba luôn bình thản khi ngồi vào Xế Điên.
Trong khi tiếng máy khạc nổ không ngừng phát ra từ nhà để xe, cả nhà náo loạn y như một tòa soạn trước lúc ra số báo đặc biệt.
Sẵn sàng có nghĩa là tay và mặt đã rửa sạch, tóc chải thẳng, quần áo sạch sẽ, và giày lau bóng. Không nên trễ nải bởi vì rồi ba cũng lôi được xe ra cổng, càng không nên bẩn thỉu bù xù bởi vì ba luôn kiểm tra từng đứa một trước khi cho lên xe.
Ngoài ra mỗi chị lớn lại chịu trách nhiệm về một em nhỏ hơn. Anne lo cho Dan, Ernie lo cho Jack, Martha lo cho Bob. Không chỉ trong lúc đi chơi mà suốt cả ngày. Chị lớn phải để ý cho các em nhỏ mặc quần áo tề chỉnh trước lúc đi học, dọn giường trước khi dậy, bỏ đồ dơ ra giặt, có mặt đúng giờ ăn, và ký tên vào bản công tác ba dán trong nhà tắm.
Chị Anne ngoài việc lo cho Dan, còn phải chịu trách nhiệm về hành vi và bề ngoài của tất cả tụi tôi. Mẹ dĩ nhiên lo cho út Jane. Những ai ở nhóm giữa như Frank, Bill, Lilli và Fred thì được ba mẹ cho là đủ sức tự lo nhưng chưa đủ sức để lo cho em. Riêng ba, vì lý do tiện ích (của ba), ba tự xếp mình vào nhóm giữa.
Người thực sự chịu trách nhiệm cho sự vận hành êm ru của toàn bộ máy gia đình, dĩ nhiên là mẹ. Mẹ chưa hề la mắng ai, chưa hề lớn tiếng hét hò, chưa hề nổi cáu. Mẹ chưa hề đánh hoặc phạt con nào. Nhưng, mẹ là chuyên gia về tâm lý nên luôn đạt kết quả tốt hơn ba. Nếu như ba là người luôn rủ cả nhà đi chơi thì mẹ chưa hề rủ. Đó là mẹ có lý do của mẹ: các chuyến đi dạo bằng xe luôn là chuyến xe bão táp!
Trong lúc sửa soạn, mẹ đi từng phòng một giải quyết các vụ cãi vã, ngăn những cái thụi được tung ra, lau các giọt nước mắt tức bực, cài lại cúc áo quần cho các con.
Mẹ, nó lấy áo của con!
Mẹ, con có thể ngồi băng trước với mẹ không? Con chưa bao giờ được ngồi băng trước!
Cuối cùng chúng tôi cũng tập hợp xong. Mẹ điểm danh:
Anne, Ernestine, Martha, Frank…
Chúng tôi thường phản đối việc điểm danh viện cớ là gây lãng phí thời gian và sức lao động. Trong gia đình Gilbreth không có việc nào bị lên án gắt gao hơn là việc lãng phí thời gian và sức lao động. Nhưng ba mẹ nhất định điểm danh bởi vì ba mẹ luôn nhớ đã hai lần bỏ quên con.
Lần đầu ở Hoboken, trên một thuyền du lịch xuyên Đại Tây Dương mang tên Léviathan. Ba dẫn chúng tôi tham quan du thuyền trước khi nó nhổ neo ra khơi. Khi xuống tàu ba đã quên điểm danh. Chỉ mãi đến khi cầu tàu được rút lên, tàu chuẩn bị nhổ neo thì ba mẹ mới phát hiện ra thiếu mất Dan. Thế là con tàu phải lùi giờ nhổ neo chậm lại 20 phút để tìm ra Dan đang nằm ngủ quên trên chiếc ghế ở boong tàu.
Lần thứ hai còn đáng sợ hơn. Cả nhà đi từ Montclair sang New Bedfort, ở bang Massachuse s, và để quên Frank trong một quán ăn ở thành phố New London. Mãi đến khi gần tới New Bedffort ba mẹ mới phát hiện.
Ba vội vã quay đầu xe, nhấn hết ga chạy về New London, bất kể luật đi đường. Tới tối xe mới tới New London, quán ăn ban sáng tụi tôi ghé ăn nhấp nháy ánh đèn màu khác hẳn vẻ đàng hoàng ban sáng.
Ba để cả nhà ngồi trên xe, chạy vào quán tìm Frank (chúng tôi luôn được dặn ở tại chỗ nếu bị lạc, không được đi đâu khác).
Mắt còn bị chóa ánh đèn, ba ghé vô từng bàn được ngăn vách tạo sự riêng tư cho thực khách. Ba gặp một cô gái trẻ đang nhâm nhi ly rượu uých-ki (Whisky). Ba nhìn cô ta, hơi ngỡ ngàng. Cô ta bèn mời:
– Chào cưng! Đừng ngại. Cưng đang tìm một cô em hả?
Ba mất đi sự tự tin thường ngày. Ba bối rối vì chưa hề nghĩ sẽ phải gặp tình huống như thế này:
À không. Tôi đang tìm một chú nhóc.
Ô vậy ư, xin lỗi cưng nghe!
Cuối cùng ba cũng tìm ra Frank đang được con gái ông chủ quán cho ăn tối trong nhà bếp.
Hai kinh nghiệm xương máu này giải thích tại sao ba mẹ không chịu bãi bỏ việc điểm danh.
Thế là chúng tôi đứng xếp hàng ngang trước cửa nhà trong khi ba kiểm tra thật kỹ từng đứa một. Ba hỏi:
– Các con đàng hoàng chưa?
Rồi ba giúp mẹ và các em bé leo lên xe ngồi cạnh ghế của ba. Sau đó ba chọn đứa nào ngoan nhất cho ngồi băng ghế trước để quan sát bên trái. Những tên còn lại tự sắp xếp chất lên băng ghế sau, vì vậy chuyện chí chóe dành chỗ ngồi là chuyện không tránh khỏi.
Rốt cuộc rồi chúng tôi cũng lên đường.
Mẹ ngồi cạnh ba, ôm hai em bé ngồi trong lòng mẹ. Nhìn mẹ thật rạng rỡ với mái tóc búi lên theo kiểu Pompadour còn chừa mấy lọn lóc loăn xoăn phủ sau ót. Khi xe còn trong thành phố thì ba giữ đúng tốc độ không chạy nhanh nên có vẻ yên tâm ngồi bên ba và thích thú ngắm cảnh hoặc bàn chuyện với ba. Tuy nhiên mẹ vẫn không quên lắng nghe những gì đang xảy ra ở băng sau với lũ nhóc.
Vả lại đúng là mẹ có lý do để luôn để mắt đến đám con, bởi vì xe càng chạy chúng tôi càng lộn xộn và càng lục đục đến nỗi ba phải quát hỏi:
Có chuyện gì phía sau vậy? Quay sang Anne, ba hỏi:
Ba đã giao cho con trách nhiệm trông các em rồi mà. Anne cau có cãi:
Có Trời mới dàn xếp được tụi nó!
Nè cô Hai, cô nghĩ là cô lớn đến mức ông Trời phải giúp cô sao. Ba bảo yên là các con phải yên nghe chưa?
Dạ, con cũng nói các em như vậy nhưng có ai chịu nghe lời con đâu!
Ba không muốn nghe “tại”, “bị” gì cả. Con là chị cả nên con có trách nhiệm ổn định trật tự. Kể từ bây giờ ba không muốn nghe thêm tiếng gấu ó nào nữa. Nếu không tất cả quay về nhà đó!
Đến lúc đó thì đa số trong chúng tôi cũng thật sự muốn quay về vì quá oải với sự chật chội, nhưng không tên nào dám nói.
Mọi rối loạn tạm yên ắng. Ngay cả Anne cũng được thư giãn, quên đi một lát trách nhiệm làm chị cả. Nhưng không bao lâu sau mọi việc lại tiếp diễn: những cái đạp, cái cấu véo, xô đẩy. Chị cả Anne rít lên:
Ernestine! Em có thôi ngay không hả! Ernestine cãi lại:
Chị ngồi lấn hết cả chỗ của em! Em chỉ mong chị ở nhà phứt cho rồi.
Bộ em tưởng chị mong ngồi ở đây lắm hả. Mong ước của em chỉ bằng phân nửa của chị thôi!
Anne đã rất thành thật khi phát ra câu tuyên bố đó, có lẽ đây là một trong những lúc mà Anne ước gì mình bé lại được như trước.
Chẳng mấy chốc những người đi trên xe khác bắt đầu trêu:
Coi kìa, đám xiếc! Làm sao ông ta có thể nuôi hết đám nhỏ này!
Mẹ ngồi thật thẳng nhìn ra trước giả tảng không nghe thấy gì hết. Nhưng ba thì rất thích thú. Ba nói với họ:
– Mua sỉ theo lố một tá giá bao giờ cũng rẻ hơn mua lẻ.
Ba là người rất khoái diễn kịch, pha trò, nên bao giờ ba cũng canh để những cuộc đấu võ mồm như vậy xảy ra lúc xe phải chạy chậm lại chờ đèn xanh. Đến khi đèn xanh bật lên là ba sang số, nhấn ga, chạy vù lên để lại đám bụi mù cho xe bị qua mặt.
Chỉ có một lần mẹ nổi nóng khi nghe một người trêu:
Coi kìa, coi tụi nhỏ dễ thương trong bộ đồng phục chưa! Chắc lũ trẻ này ở trại giáo dục ra.
Ba luôn cho tụi tôi mặc áo quần giống nhau.
Ba định diễn vai một giám thị dắt trẻ trong trại đi chơi:
Các cháu được đi tham quan mới về…
Mẹ ngắt ngang ba:
– Thôi đủ rồi!
Hiếm khi mẹ làm như vậy nên ba ngạc nhiên, lo lắng hỏi:
Có chuyện gì vậy em, Lillie?
Đây là lần cuối cùng! Giọt nước tràn ly rồi đó!
Chuyện gì mà lần cuối. Cái gì mà giọt nước tràn ly. Em trả lời anh đi nào, Lillie.
Anne cũng nghẹn ngào về phe với mẹ:
Ba không thấy họ nghĩ tụi con từ trại ra sao?
Ba thấy! Thành thử ba mới định trêu họ đó mà!
Nói xong ba phì cười. Đám con trai bắt đầu quậy, đứng lên chào hết bên này đến bên kia như trong rạp xiếc. Chỉ có đám con gái là biết mắc cỡ cúi rạp xuống, cố thu nhỏ mình lại. Mẹ nghiêm giọng ra lệnh:
– Bill, Frank, Fred ngồi xuống!
Mọi người cứ nhìn sang xe chúng tôi mà tủm tỉm cười.
Mẹ nói với ba:
– Không giỡn nữa!
Đi một đoạn ba mới lắng xuống và hiểu ra tại sao mẹ giận. Hiểu ra rồi, ba có phần lo lắng và xin lỗi mẹ:
– Lillie à, anh chỉ đùa cho vui một chút thôi mà!
Mẹ dịu dàng đáp:
– Em hiểu mà, không sao đâu anh!
Nhưng Ernestine không phải là người chịu bỏ qua cơ hội:
Lần tới tụi con không chịu quàng khăn che bụi giống nhau nữa đâu!
Ba luôn nghe mẹ nhưng chẳng bao giờ chịu nghe các con gái của ba:
Cái gì! Các con có biết là mua lẻ khăn che bụi riêng cho từng đứa mắc tiền hơn mua sỉ nguyên lố nhiều lắm không hả? Bộ tiền mọc như lá trên cây sao mà nói…
Lần này mẹ ngắt lời ba:
– Thôi, không cho các con quàng khăn che bụi nữa anh.
Hiếm có khi nào ba mẹ không đồng ý với nhau như thế này, nên lũ con vội dỏng tai căng mắt xem sự thể diễn biến ra sao.
Vô ích thôi! Vì ba đã mỉm cười đồng ý với mẹ:
Xin tuân lệnh bà chủ! Lillie, anh vẫn luôn công nhận em là bà chủ trong nhà mà.
*
Hồi đó chưa có bảng chỉ đường rõ ràng như bây giờ nên ba thường bị lộn đường. Những lúc đó mẹ rất tâm lý. Một khi mẹ thấy là hết cách thì mẹ mở tủ lạnh nhỏ mang theo, lấy ra bình sữa cho Jane bú. Ba hiểu đã đến giờ dừng xe để ăn.
Ba bảo mẹ:
Anh hiểu rồi, Lillie. Giờ ăn đến rồi. Trong lúc ăn anh sẽ định lại vị trí xem mình đang ở đâu. Em đã chọn một chỗ rất đẹp để mình dừng xe ăn dã ngoại.
Trong bữa ăn ba nhìn chung quanh tìm xem có gì lý thú không. Ba rất có khiếu sư phạm và ba luôn cho rằng không nên bỏ phí thời gian, dù chỉ là một giây một phút. Ba thường bảo “ăn là sự lãng phí thời gian không tránh được”.
Nhìn thấy một ổ kiến, ba sẽ kể cho chúng tôi nghe là trong đàn kiến có kiến thợ tương đương như người nô lệ vậy. Ba bảo mỗi đứa nằm bò xoài xuống quan sát cách các con kiến đi tới đi lui cõng trên lưng những mẩu bánh mì xăng-uých.
Ba giải thích:
Các con coi kìa, các con kiến không ngừng làm việc và chẳng bỏ phí mảnh vụn nào cả. Các con để ý coi kiến làm việc theo tinh thần tập thể đến chừng nào. Coi cách bốn con kiến ghé vai cùng khênh mảnh vụn thịt kìa. Đây quả là một bài học rất hay về các bước trong quy trình làm việc.
Hoặc ba chỉ cho chúng tôi xem một bức tường đá thiên nhiên, giúp cho chúng tôi nhận ra đó là một mô hình của nghệ thuật kiến trúc tự nhiên bằng cách kể cho chúng tôi nghe rằng trước kia bức tường này từng là một tảng đá phủ bởi băng tuyết, đến khi quả đất nóng lên khiến băng tan ra để lại bức tường đá như hiện nay.
Nếu như gần chỗ chúng tôi dừng xe có một nhà máy thì ba sẽ chỉ cho chúng tôi nhận ra cách người ta dùng một sợi dây dọi để căn cho các ống khói nhà máy được xây thẳng tắp, hoặc cách người ta căn vị trí trổ các cửa sổ sao cho ánh sáng chan hòa trong nhà máy. Khi nhà máy hụ còi tan tầm thì ba rút đồng hồ tính giờ (mà ba luôn mang theo) ra đo thời gian từ lúc còi tỏa khói tức bắt đầu hụ, cho đến khi tiếng còi hụ vọng lại được đến tai chúng tôi.
Ba bảo:
Các con lấy sổ tay và bút viết ra ghi lại những điều ba chỉ cho các con cách tính vận tốc âm thanh.
Ba luôn nhắc nhở chúng tôi không ngừng quan sát bằng tai và mắt.
Ba bảo:
Các con xem kìa, các con thấy gì nào? Đúng, ba biết là các con thấy một cái cây. Nhưng hãy quan sát nó xem nào. Hãy tìm hiểu nó. Bây giờ các con thấy gì nào?
Nhưng chính mẹ mới là người làm bật những điểm nhấn trong lời giảng dạy của ba, khiến chúng tôi không thể nào quên những kiến thức ba mẹ đã chỉ dạy. Nếu như ba chỉ cho chúng tôi nhận ra cơ hội nghiên cứu dây chuyền hoạt động và ứng dụng tinh thần làm việc tập thể của loài kiến; thì mẹ lại gợi cho chúng tôi thấy hình ảnh của một xã hội kiến phân hóa rất cao, dưới sự chỉ huy của một bà kiến chúa già nua phốp pháp có cả vạn nô lệ phục dịch, ngày ngày dâng bữa sáng đến tận giường cho bà. Nếu như ba dừng xe lại giải thích cho chúng tôi cách xây dựng một cây cầu, thì chính mẹ nhận ra người thợ xây mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh, ngất nghểu trên giàn giáo xây dựng cao tít. Chính những nhận xét của mẹ đã khiến chúng tôi nhận thức được độ cao đến chóng mặt giữa công trình kiến trúc và sự nhỏ bé cực kỳ của những con người đã xây lên được công trình cao tít ấy. Nếu như ba chỉ cho chúng tôi quan sát một thân cây vặn vẹo nằm rạp xuống, thì mẹ lại là người giúp chúng tôi hiểu ra chính sức gió không ngừng thổi theo năm tháng đã để lại dấu vết trên thân cây ấy.
Và chúng tôi cứ thế say sưa nuốt các lời của mẹ và ghi chúng vào trí nhớ, còn ba thì nhìn mẹ như thể ba may mắn đã lấy được người vợ tuyệt vời nhất trên hành tinh này.
Trước khi rời khỏi chỗ dừng chân ăn dã ngoại, ba luôn bắt chúng tôi phải nhặt hết rác như giấy gói bánh, mảnh vụn, bỏ tất cả vô giỏ mang về nhà.
Ba luôn bảo:
Ba không chấp nhận được những ai đi cắm trại xong rồi xả rác ra chỗ cắm trại. Chúng ta cần nhớ môi trường là tài sản của cộng đồng, do đó chúng ta không được xả rác dù đó chỉ là một miếng vỏ táo.
Cả ba lẫn mẹ đều cho là đi vệ sinh ở các nhà vệ sinh công cộng là không “an toàn”, vì các nơi ấy dễ lây bệnh. Ba mẹ chưa hề giải thích cho tụi tôi biết những bệnh ấy tên là gì, nhưng có điều chắc chắn là ba mẹ bảo các bệnh ấy rất lây lan và nguy hiểm. Ba mẹ còn bảo đem bệnh phong cùi so sánh với các bệnh ấy thì bệnh phong cùi chỉ nặng ngang bằng một bệnh cúm xoàng. Ba luôn lấy giấy lót tay mỗi khi phải xoay núm cửa một phòng vệ sinh công cộng, rồi còn những động tác đầy thận trọng kế tiếp là cả một “sự lãng phí thời gian không thể tránh được”.
Bởi vì ba mẹ không cho dùng phòng vệ sinh ở các trạm xăng nên chúng tôi chỉ còn cách vô rừng. Có phải tại sự căng thẳng do cách ba lái xe gây ra? Hay tại mười bốn con người cộng lại sẽ có mỗi người một thói quen. Chỉ biết là hễ có chỗ nào có lùm bụi là tụi tôi lại phải xin ba cho dừng xe lại!
Ba thở dài ngao ngán:
Mấy con cún cũng không bị các cây quyến rũ như các con!
Để nói cho tế nhị, ba dạy tụi tôi hai câu: “Đi thăm bà
Murphy” hoặc “Để xem lại bánh xe sau”, đều cùng có nghĩa là ra lùm cây làm chuyện ấy.
Sau một bữa ăn dã ngoại thế nào ba cũng hỏi:
– Ai muốn đi thăm bà Murphy?
Dĩ nhiên ngay lúc ấy chẳng ai muốn cả. Nhưng chỉ cần ba cho xe chạy khoảng 20 cây số là sẽ có ai đó xin ba cho dừng xe. Thế là mẹ sẽ dẫn đám con gái đi về một phía và ba dẫn đám con trai đi về phía bên kia. Ba ngán ngẩm than:
Ba biết từng mẫu thực vật và động vật hiện diện từ Bangor đến Washington!
Trên đường về nhà, trời đã tối, thường Bill sẽ lách ra ngồi ngay sau ba. Mỗi khi xe tới khúc vòng, Bill sẽ chồm ra trước bíu lấy ống tay áo của ba. Bill có tài giả giọng tuyệt vời và Bill sẽ giả giọng mẹ thì thầm với ba y như mẹ vẫn làm:
Chậm lại, Frank. Anh cho xe chạy chậm lại. Ba tưởng là mẹ nói nên giả ngơ.
Có lúc Bill quá trớn nên giả giọng mẹ khi xe chạy nghiêm chỉnh đúng tốc độ 30 cây/giờ khiến ba bực mình quay sang mẹ:
Anh chạy có 20 cây số thôi mà, Lillie!
Ba luôn tự động bớt 10 cây số khi ba nói với mẹ.
Mẹ ngạc nhiên:
– Nhưng em có nói gì đâu, mình!
Ba quay phắt lại và bắt gặp tụi tôi đang rúc rích cười. Ba biết ngay thủ phạm là Bill nên phát nhẹ Bill một cái, sau đó thì vò đầu Bill bởi vì thật ra ba rất hãnh diện về tài giả giọng của Bill. Ba vẫn khoe mỗi khi Bill giả giọng chim hót thì chính ba không dám ngước mắt nhìn e làm chim sợ bay mất.
Nhiều lúc khi xe đang chạy trong đêm, chúng tôi cất tiếng hát bè ba bốn thì ba mẹ cũng hát phụ họa. Ba giọng nam trầm còn mẹ giọng nữ cao. Và cứ thế những bài dân ca không ngừng nối tiếp nhau.
Những lúc ấy ba thoải mái ngồi dựa vào lưng ghế, còn mẹ tựa đầu vào vai ba như thể mẹ đang lạnh cần hơi ấm của ba, hai em bé đều ngủ say. Mẹ quay nhìn chúng tôi và bảo:
– Đây là lúc hạnh phúc nhất trên đời!
Chúng tôi đều cảm nhận được câu nói trìu mến của mẹ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.