Hãy Cười Lên Các Con

VÒNG ĐỜI



Lúc chị cả Anne tốt nghiệp trung học, ba tin chắc là các thiếu nữ thời đại mới, với đôi môi luôn tô son đỏ thắm và đôi vớ mỏng dính, đang âm thầm nhưng thẳng tiến đến các cuộc hẹn hò với quỷ dữ.

Một thế hệ trẻ sôi nổi bùng cháy. Đây là thời đại của các chàng trai lấy danh hiệu các “tù trưởng”[12] với lồng ngực lép kẹp và đầu gối xương xẩu. Các cô gái bắt đầu cắt tóc ngắn, còn các chàng trai dùng bi-dăng-tin bôi tóc bóng nhoáng. Sinh viên trở thành những người hùng dân tộc và tính từ “thuộc về giới sinh viên” trở thành cụm từ được đánh bóng trong tự điển ngôn ngữ Hoa Kỳ. Các ca khúc thịnh hành thuộc kiểu Tôi và bạn trai tôi… Chiếc xe được ưa chuộng là xe Ford mô-đen T trên viết đầy các câu như “Các nàng mái tơ ơi, đây là cành đậu của các nàng”, hoặc “bốn bánh, không thắng”… Thời đại của nhạc Jazz cũng bắt đầu.

[12] Nguyên văn “sheik”, là các tù trưởng Ả Rập.

Nếu như mọi người đều hóa rồ thì đó là chuyện riêng của họ. Nhưng ba không chấp nhận để cho các cô con gái của mình cũng bị kéo theo như vậy, ít nhất ba cũng chống trả tới cùng.

Ba luôn hỏi:

Các cô gái trẻ ngày nay mắc chứng gì vậy? Không lẽ các cô không biết đám con trai tóc bóng nhẫy thèm muốn cái gì các cô? Các cô không biết chuyện gì sẽ xảy đến với các cô khi các cô ra cứ đường với vớ mỏng dính, và váy ngắn lồ lộ đến mức phái nam không còn gì để tưởng tượng, mơ ước nữa.

Chị Anne giãi bày:

Nhưng bây giờ ai cũng mặc vậy mà ba. Ai cũng vậy trừ có con và Ernestine. Tụi con trở thành không giống ai trong các sinh viên đại học. Ba tin đi, nếu ai cũng mặc giống như nhau thì đâu có lý do gì khiến tụi con trai để ý riêng một mình ai nữa mà ba phải lo.

Ba la liền:

Đừng dạy khôn ba về chuyện phái nam nghĩ như thế nào. Ba biết hết những gì tụi con trai để ý và thèm muốn. Ba thấy rõ chuyện giới trẻ ở đại học ra sao. Chẳng qua là bình mới rượu cũ mà thôi[13]. Con gái nhà tử tế không ai ăn mặc như vậy.

[13] Nguyên văn là “dùng từ ngữ mới nói chuyện cũ”.

Đám con gái quay sang mẹ tìm đồng minh nhưng mẹ lại ủng hộ ba:

Ba nói đúng đó các con. Đàn ông không tôn trọng các cô con gái ăn mặc hở hang, tính nết dễ dãi đâu. Họ thường chạy theo ve vãn các cô đó, nhưng khi lấy vợ, thì họ chỉ lấy những cô mà họ tôn trọng.

Chị cả Anne lầm bầm:

Vậy thì con và Ernestine là hai đứa được tôn trọng nhất trường đó! Đám con trai trong lớp con tôn trọng con đến mức không nhận ra sự hiện diện của con nữa. Con ước gì họ bớt tôn trọng con và chịu rủ con đi chơi thì con mới trở thành ngôi sao trong trường.

Ba càng gắt lên:

Ngôi sao! Lúc nào cũng là chữ “ngôi sao”! Cứ như là câu thần chú vậy, Giới trẻ bây giờ chỉ còn biết có từ này thôi! Chẳng ai còn để ý tới “thông minh”, “trí tuệ”, hay “duyên dáng”, hay “quyến rũ”. Không đâu, thưa quí vị. Các cô gái chỉ còn muốn mình là những bộ xương khô, ngực lép kẹp và “ngôi sao”! Và hầu như tất cả chấp nhận bán linh hồn cho quỷ dữ để được trở thành “ngôi sao”!
Ernestine cũng than:

Tụi con là hai đứa duy nhất trong trường không được nhà cho mang vớ lụa. Phải chi tụi con được mang vớ lụa. Chúng đâu có gì tệ như mặc váy ngắn hay đi giày cao gót đâu.

Ba quát lên, tay đập bàn:

Ba bảo không là không. Nếu không nghe, ba cho hai đứa vô tu viện bây giờ! Ba nói là làm đó, nghe rõ chưa?

Vũ khí “tống vào tu viện” trở thành câu đe dọa cửa miệng của ba đối với hai cô con gái đầu lòng. Ba còn cố ý mang về nhà những tờ bướm giới thiệu các trường học trong tu viện do các bà xơ quản lý. Những khi ba chắc chắn Anne và Ernestine đang ở gần để nghe ba nói thì ba làm bộ bàn với mẹ:

Có một tu viện ở Albany. Tường rào cao gần bốn mét và các xơ bảo đảm bắt các học viên đi ngủ lúc chín giờ tối. Anh nghĩ tu viện này tốt hơn tu viện ở Boston tường rào chỉ cao ba mét.

Chị cả Anne nhận thấy là ba sẽ không chịu thay đổi ý kiến, nên quyết định đặt ba mẹ vào sự đã rồi. Anne tự cho mình trách nhiệm phải đi tiên phong để giúp các em mình. Anne ớn lạnh khi nghĩ đến cô em út lớn lên vẫn phải đi vớ len, mặc váy dài trông không giống ai.

Một hôm, Anne bàn với Ernestine:

Chị chấp nhận bị ba gởi đến tu viện, kể cả tu viện Albany có tường rào cao gần bốn mét.

Nói xong Anne rút vào phòng tắm con gái. Tay cầm chiếc kéo. Khi Anne trở ra, mái tóc đã bị cắt nham nhở như chó gặm nhưng được cái là rất ngắn. Anne rón rén bước vào phòng Ernestine hỏi:

Coi chị thế nào? Chị tự cắt đó, coi được không? Ernestine hết hồn la lên:

Trời đất! Chị ra khỏi phòng em đi, kẻo em lãnh đạn lây đó.

Chị biết chị sẽ lãnh gì khi ba thấy tóc chị như thế này. Nhưng em nói thật đi, em thấy tóc chị thế nào?

Em chưa hề thấy một mái tóc nào trên đời lại giống như thế này. Em rất thích tóc ngắn, nhưng nói thật tóc chị y như mới được tông-đơ gặm thành đầu đinh vậy. Chắc chị phải ra tiệm nhờ cắt lại quá.

Em thật là…, không chịu đỡ chị gì hết trơn! Chị làm chuyện này cũng chỉ vì các em thôi.

Vậy thì chị đừng làm gì khác nữa cho em nhờ. Em không muốn tóc em giống chị đâu. Đừng phí công lôi em ra làm vật hi sinh, em không xứng đáng đâu. Nhìn tóc chị em thấy sự hi sinh của chị quá lớn đó. Nhất là mái tóc này theo chị suốt trong những ngày tới.

Nhưng em vẫn đỡ khi ba thấy tóc của chị chớ? Em cũng sẽ tự cắt tóc như chị nhé?

Em sẽ đỡ chị hết sức nhưng em không tự cắt tóc đâu, em muốn cắt ở tiệm cơ. Điều em đang lo là ai sẽ “đỡ” ba đây? Em nói thật đó, phải tìm người “đỡ” ba khi ba thấy mái tóc của chị!

Anne thở dài đánh sượt:

Chắc chắn tối nay chị tiêu rồi! Nhưng là chị cả nên chị phải đi đầu để giúp các em.

Hai chị em ngồi trốn trong phòng mãi cho đến khi cả nhà ngồi vào bàn mới dám xuống. Mẹ sững sờ đến mức đánh đổ muỗng súp mẹ đang múc vô chén cho mọi người:

Anne! Mái tóc đẹp của con đâu rồi? Con nhìn con kìa!

Dạ con đã nhìn thấy rồi! Mẹ đừng bắt con nhìn nữa kẻo con hết muốn ăn gì nữa.

Mẹ òa khóc, bảo:

– Chính con mới làm mẹ hết muốn ăn rồi.

Ban đầu ba không để ý, mãi đến khi mẹ khóc ba mới hỏi:

Có chuyện gì vậy? Các con làm gì mẹ buồn vậy? Bữa ăn mà cũng không yên sao…

Nói tới đó ba ngưng ngang khi kịp nhìn thấy mái tóc của Anne. Ba quát lớn:

Con làm cái trò gì thế hả? Lên phòng tháo mái tóc giả đó ra ngay! Thiệt hết chuyện rồi, đeo tóc giả làm cho cả nhà hết cả hồn, lại còn làm cho mẹ con khóc nữa! Con không biết xấu hổ à?

Ernestine giữ lời hứa, lên tiếng bênh vực Anne:

Thưa ba, con thấy tóc cắt ngắn như vậy rất tiện! Tiết kiệm thời gian nữa, chỉ mất 15 giây là chải xong cái đầu.
Ba quát:

Có còn cái gì nữa đâu mà chải! Mẹ vẫn khóc:

Sao con lại làm như vậy chớ? Thật uổng mái tóc đẹp của con.

Ba la tiếp:

Con không nghĩ tới ba mẹ thì cũng nghĩ tới con chớ, tóc con đang đẹp như vậy. Ba muốn tóc con mọc ra trở lại, mọc thật nhanh rõ chưa?

Anne cố chống đỡ nhưng trước phản ứng quyết liệt của ba mẹ như vậy, Anne cũng òa ra khóc:

Ba mẹ chẳng chịu hiểu con! Con chỉ muốn chết thôi. Nói xong, Anne vừa khóc vừa chạy lên phòng.
Ở dưới nhà chúng tôi vẫn nghe tiếng chị khóc nức nở.

Mẹ nói với ba:

Tội nghiệp con nó, mình ạ. Nó nghĩ ba mẹ không thương nó. Mình hơi nặng lời với con đó!

Ba ôm đầu:

Mình nói có phần đúng! Thực ra cắt tóc ngắn cũng không mấy quan trọng. Ernestine nói đúng đó, tóc ngắn tiết kiệm thời gian chải đầu. Tại anh thấy mình buồn nên mất bình tĩnh.

Mẹ cũng nhận:

Em cũng không bài bác gì mấy chuyện cắt tóc ngắn. Chẳng qua em thấy mình không bằng lòng nên em…

Đến lúc ăn tráng miệng, Anne xuống, mắt còn đỏ hoe và tóc thì dựng đứng. Anne lẳng lặng ngồi vào bàn, cầm dao nĩa ăn ngon lành. Ít phút sau Anne vui vẻ thưa với mẹ:

Ngon quá mẹ ơi. Nếu mẹ cho phép, con ăn thêm nghe. Tối nay con đói quá.

Mẹ dịu dàng bảo:

Con cứ ăn cho no đi, con cưng. Ba cũng nói thêm:

Ba thích con gái chịu ăn.

Cuối tuần mẹ dẫn nguyên đám con gái đến tiệm mà ba vẫn quen cắt tóc trong tòa nhà Claridge ở Montclair.

Mẹ nói với bác thợ cắt chính:

Bác cắt lại tóc của cháu này, và cắt ngắn tóc của các cháu còn lại.

Bác thợ hỏi lại:

Có cắt theo kiểu đặc biệt nào không, thưa bà Gilbreth?

Kiểu bình thường thôi bác ạ, càng ngắn càng tốt.

Thế còn tóc của bà? Có cắt luôn không?

Đám con gái phản đối ngay lập tức:

Bác nói sao? Ai lại cắt tóc của mẹ chúng cháu bao giờ! Mẹ làm bộ suy nghĩ:

Coi nào, có thể cắt ngắn coi cũng rất “sang” đó. Lại tiết kiệm thời gian nữa, các con nghĩ sao?

Ernestine nhất định không chịu (đó cũng là ý của tất cả đám con):

Không được đâu, nhìn sẽ khủng khiếp lắm! Mẹ là mẹ, đâu phải là đám con gái mới lớn choai choai đâu!

Mẹ quay sang nói với bác thợ cắt:

Thôi, cứ tạm như vậy đi bác. Tôi không cắt tóc đâu. Năm cái đầu tóc ngắn trong nhà cũng quá đủ cho hôm nay rồi.

Sau khi chịu nhượng bộ cho khoản tóc ngắn, ba nhất định không chịu nhượng bộ cho bất kỳ thay đổi nào khác về trang phục. Tuy nhiên Anne và Ernesstine cũng nhất quyết. Chị cả Anne đã xin được chỗ làm thêm trong căng-tin đại học và để dành tiền mua sắm vớ lụa, hai váy ngắn và bốn áo lót mỏng. Anne đem về nhà mở cho cả nhà xem và thưa với ba mẹ:

Con không muốn giấu giếm lén lút. Nếu ba mẹ vẫn không chịu thì con sẽ mang ra trường thay. Con không chịu mặc áo lót dài lỗi thời nữa.

Ba quát lên:

Con trả tất cả những thứ này đi. Ba thật sự ngượng khi nhìn thấy chúng và không muốn có chúng ở nhà này.

Ba cầm lấy một cái áo lót, giơ ra trước mặt, quai ngang vai, áo chỉ dài tới eo của ba và mỏng suốt.

Ba ngạc nhiên hỏi:

Con muốn nói phụ nữa bây giờ chỉ mặc có thế này bên trong thôi hả? Hèn chi mà…mà… Thôi, bây giờ ba hiểu tại sao ngày càng có nhiều mục chó cán xe trong báo chí! Con mau đem trả ngay mấy thứ này dùm ba đi!
Anne nói:

– Những thứ này con mua với tiền của con kiếm ra mà.

Con không muốn là đứa con gái duy nhất trong lớp còn mặc áo lót dày và dài nữa.

Ba không tin là tất cả con gái trong lớp con đều mặc thứ áo “có mà như không” này. Ngoài ba mẹ ra còn có những bậc cha mẹ khác còn tỉnh táo chớ, không lẽ chỉ có ba mẹ thôi sao?

Tuy ba lắc đầu nhưng cũng thấy ba bắt đầu mềm lòng.

Anne thừa thắng xông lên:

Con không hiểu có gì mà ba chê mấy cái áo này. Đâu có thấy gì đâu.

Chính những cái nó cho thấy làm ba ngượng.

Tới đây Ernestine xen vào:

Trong trường, ngoài chị Anne và con ra chỉ có mỗi một nhỏ không mặc loại áo này. Nếu ba không tin ba cứ đến thử coi.

Ba đỏ mặt:

– Thôi khỏi! Ba tin các con.

Mẹ vớ lấy cái phao Ernestine vô tình đưa ra:

Mẹ rất vui là hãy còn một cô gái biết suy nghĩ phải trái ngoài hai con ra. Cô bé chắc hẳn rất duyên dáng. Bé đó có quen với nhà mình không con?

Ernestine thưa:

Không đâu mẹ, nhỏ đó hoàn toàn không mặc áo lót nào cả. Nếu ba không tin thì…

Ba lại đỏ mặt ngắt ngang:

Thôi khỏi… Rồi ba lẩm bẩm:
Mặc kiểu này mỗi lúc bắt chéo chân hay có chút gió thổi nếu không bị phạt vì xúc phạm thuần phong mỹ tục thì cũng bị sưng phổi.

Ba cầm một cái vớ lên luồn tay vào coi:

Mặc cái này cũng như bằng không, mỏng y như cánh con chuồn chuồn. Còn cái mũi tên này làm cái gì, sao không chỉ đi đâu mà chỉ thẳng “sáu giờ” như vầy?

Ba ơi! Đó không phải là mũi tên mà là nẹp giữ cho vớ không bị tụt xuống. Mà chỉ thì chỉ, có gì mà ba chê?

Ba chỉ hỏi là tại sao lại có các mũi tên giống như kim đồng hồ, đã thế không chỉ 5 giờ thiếu 25 hay 3 giờ thiếu 15 mà chỉ chỉ sáu giờ đúng! Cứ đà này có ngày các con đòi ba cho phép tô mặt cho coi.

Ernestine cố vớt vát:

Bây giờ ai cũng trang điểm hết đó ba. Người ta gọi là dồi phấn thoa son chớ đâu có gọi là tô mặt đâu ba.

Ba mặc kệ người ta gọi nó là cái gì. Trong nhà này không có thứ phụ nữ tô mặt. Các con nhớ cho kỹ đó. Ba cho mặc áo lót, đi vớ, cắt tóc ngắn, nhưng tô mặt là cấm đó nghe. Nghe rõ chưa?

Thưa ba, rõ!

Và ba cũng cấm đi giày cao gót hoặc giày gót nhọn. Ba không muốn trả tiền bác sĩ đâu nghe.

Anne và Ernestine chấp nhận triết lý thà có một chút còn hơn không có gì, nên áp dụng chiến thuật mỗi lần một chút.

Nhưng quả thật ba đã nhượng bộ đến bước cuối cùng rồi. Ngay chính mẹ cũng đồng tình với ba khi mấy cô con gái vòi vĩnh:

Mẹ và các dì cũng chưa bao giờ trang điểm hết các con à! Thật ra mẹ không coi đánh phấn là cần thiết.

Không lẽ mẹ thích mấy đứa tụi con bày mấy cái tàn nhang như vầy sao?

Thì có sao, coi tự nhiên càng đẹp chớ sao. Còn vụ giày, các con thử nghĩ trong khi ba diễn thuyết về giảm bớt mệt nhọc trong lao động mà các con của ba lại làm khổ chân vì muốn đẹp thì còn ai tin ba các con nói nữa chớ.

Ba để mắt thật sắc coi các cô gái có tuân lời không. Mỗi lần có cô nào coi đẹp hơn thường ngày là ba lại khịt mũi ngửi xem có mùi phấn son gì không.

Có lần má của Ernestine đỏ hồng sau khi chơi tennis về, ba gọi lại:

Lại đây, cô! Tôi đã dặn không được thoa phấn mà! Để ba coi nào. Các cô bây giờ không còn nghe lời ba nữa rồi phải không? Bây giờ muốn các cô để ý nghe là phải bôi tóc cho bóng loáng, mặc quần ống loe phải không?
Nhưng con đâu có thoa phấn đâu ba.

Được rồi, nếu sai lời ba gởi vào tu viện thì đừng có trách nhé!

Tu viện nào, ba? Cái có tường rào cao 3 mét hay cái 4 mét?

Đừng có hỗn!

Ba lấy khăn tay của ba ra, bảo Ernestine nhổ nước bọt vào đó, rồi lau lên má Ernestine coi có phấn không.

Không có phấn! Tốt! Ba xin lỗi đã không tin lời con. Nhưng phòng xa vẫn tốt hơn. Nhớ không được thoa phấn, rõ chưa?

Dạ!

Ba vẫn khoe ba có thể ngửi thấy mùi nước hoa dù mùi nhẹ nhất và tìm ngay ra thủ phạm:

– Ernestine, có phải cám ơn con vì nhờ con nhà có mùi này không đó?

Mùi gì, ba?

Còn mùi gì nữa! Con dám cãi lời ba dùng nước hoa hả?

Có sao đâu ba, xức một chút cho thơm mà ba.

Ở đó mà có sao đâu, con làm hỏng không khí tươi mát trong nhà rồi. Có đi rửa sạch ngay không hay đợi ba tự tay rửa cho con hả? Bộ con không biết bộ đàn ông con trai nghĩ thế nào về các cô gái xức nước hoa sao?

Ernestine lầm bầm:

Điều duy nhất con biết đó là một người đàn ông nghĩ gì, và ông ấy bắt con phải rửa sạch.

Ba quát:

Nghĩ thôi chưa đủ đâu. Người đó còn quả quyết nữa kìa. Và người đó nói thẳng với con điều đó. Đi rửa sạch mau.

Chuyện quần áo chỉ là đề tài tranh cãi, chuyện làm ba bực mình là nhạc jazz. Tuy ba vẫn còn bắt tụi tôi nghe dĩa học ngoại ngữ Pháp, Đức, Ý, nhưng nghe hết thời gian quy định là tụi tôi chuyển sang các dĩa nhạc: Tôi mãi thổi bọt bóng, Tôi phải thăm bạn gái tối nay, Tôi chẳng hề thăm bạn gái… Chẳng những hát theo, tụi tôi còn bắt chước ca sĩ nhảy nhót, lăn ra sàn.Thật ra ba không ghét nhạc jazz. Ba còn bảo nhạc jazz nghe cũng được. Nhưng cái ba chê là nội dung của phần lớn bài hát. Ba luôn chế giễu:

Da-da di-da-da-da… Phải chi các con chịu tập luyện tư duy như nghe nhạc suốt như thế này thì tốt biết mấy. Nào nghe thêm chút nhạc jazz nữa nào… Da-da di-da-da-da… Các con nghe thử dĩa này: Tôi yêu nàng cả trăm lần trong một đêm…

Ba chỉ chế thôi, làm gì có dĩa đó!

Một hôm chị cả Anne về nhà khoe có người chịu mời chị đi dự dạ vũ trong trường. Coi chị thật hớn hở nên ba mẹ cũng vui theo. Chị reo lên:

Con đã nói rồi, con mặc đúng thời trang là có người theo ngay. Hôm nay Gioe Scales mời con thứ sáu này đi dự dạ vũ đó.

Mẹ mỉm cười:

Cậu ta thật dễ thương đó! Ba cũng mỉm cười:
Tốt lắm! Cậu ta có được không?

Hơn cả được nữa đó ba, Gioe là trưởng nhóm cổ vũ[14] của trường, và có xe hơi.

[14] Nguyên văn “cheerleader”.

Ba trêu:

Chà tới hai tiêu chuẩn lận đó! Chỉ còn thiếu cái áo lông thú nữa là cậu ta chắc chắn được ghi vào sổ sinh viên “sao” của trường rồi đó!

Nhưng Anne mải vui không nhận ra ba đang trêu nên vội vã nói tiếp:

Dạ ba của Gioe hứa sẽ thưởng áo nếu Gioe thi đậu đại học Yale.

Ba chỉ trích ngay:

Ngày xưa một ông bố hứa thưởng cho con trai một cái đồng hồ thôi nếu đến lúc trưởng thành cậu ta mới hút thuốc, còn bây giờ chỉ lên lớp thôi mà cũng được thưởng cả một cái áo lông thú. Thiệt hết biết xã hội này đi về đâu nữa.
Ba lật sổ ra coi rồi bảo:

Được. Thứ sáu này ba rảnh. Anne nghi ngờ hỏi lại:
Để làm gì ba?

Để đi với con chớ làm gì. Bộ con tưởng ba để cho con đi tối một mình với con trai sao?

Ôi ba ơi! Anh ta sẽ cho con là em bé mất!

Mẹ liền lên tiếng:

– Cậu ta sẽ nghĩ là gia đình mình có nền nếp. Mẹ tin chắc nếu bây giờ mẹ gọi điện thoại báo mẹ cậu ta biết có ba con đi kèm thì mẹ cậu ta sẽ vui đó!

Bộ ba mẹ không tin vào con gái của mình sao?

Dĩ nhiên là ba tin! Ba tin tất cả con gái của ba. Nhưng ba không tin cái tên “trưởng nhóm” ấy. Nghe cho kỹ đây: hoặc có ba đi kèm hoặc con ở nhà.

Mẹ an ủi:

Con có muốn mẹ gọi điện thoại báo cho mẹ cậu ấy biết không?

Như đã nói, Anne rất thấm nhuần triết lý thà có một chút còn hơn không có gì nên cũng đã chuẩn bị tư tưởng là thế nào ba cũng đòi đi kèm đành chịu vây:

Dạ thôi, để con tự giải thích được rồi. Con chỉ không biết anh ta sẽ nghĩ sao đây.

Ba vẫn trêu:

Cậu ta sẽ tức chết đi được vì có người cha này trả giùm tiền nước uống cho cậu ta.

Con sẽ bảo Gioe mình đi xe của anh ta hay xe của mình, ba?

Xe của cậu ta hở? Ba đã thấy nó bao giờ đâu. Tuy vậy ba cũng có thể đoán ra nó thuộc loại không có chắn bùn, không có mui xe, không có cửa. Thà chết còn hơn là để người ta thấy ba ngồi trong những chiếc xe như vậy, cho dù là ba đi dự hội hoá trang với tư cách là “trưởng nhóm” đi nữa. Dĩ nhiên là mình đi Xế Điên rồi.

Anne chậm rãi nói như một bà già:

Đôi khi làm chị cả thật khổ. Con nghĩ Ernestine, Martha và Lillian sẽ không phải qua các ải như con. Không biết lúc ấy các em có hiểu ra nhờ công của con các em mới thoải mái như vậy.

Tối hôm Anne lần đầu tiền đi chơi tối với bạn trai, cả nhà đứng sau cửa sổ quan sát. Đám trẻ thì háo hức vì có mấy khi có một “ trưởng nhóm” đến nhà.

Đúng như ba dự đoán, anh bạn trai đầu tiên của chị cả Anne đi một chiếc xe Ford mô-đen T, có kẻ một dòng chữ. Từ xa đã có thể nghe tiếng xe vì nó được gắn một cái còi cứu hoả liên tục hú. Khi xe chạy với tốc độ vừa (điều này hiếm khi xảy ra) thì còi hụ nghe đã đủ chói tai rồi, nhưng khi Gioe nhấn ga tăng tốc thì tiếng còi hụ trở nên đinh tai điếc óc, gần như nó hoá rồ.

Khi chiếc xe tới khu nhà chúng tôi thì tiếng còi hụ khiến cho các cửa sổ hàng xóm mở ra, các em bé mới sinh khóc thét lên, còn các chú cẩu vừa sủa ẳng ẳng vừa cúp duôi chạy mất.

Tiếng còi hụ và tiếng máy xe đủ để báo Gioe đã tới. Nhưng vẫn chơi đúng luật, Gioe vẫn tắt máy xe, tiếng còi ngưng ngay tức khắc, rồi nằm dài trên băng ghế Gioe bấm còi một lần, rối bấm tiếp cho đến khi Anne ra cửa mời:
Vào nhà đi, Gioe!

Được rồi, bé! Ông già đã xong chưa?

Đứng sau tấm màn ở văn phòng mình, ba quan sát kẻ mới tới.

Ba nói nhỏ với mẹ:

Trời đất! Lillie lại đây mà coi nè…, thằng nhỏ chỉ đứng tới vai con Anne nhà mình.

Tay “nhóm trưởng” mặc một áo gió vằn vện đen vàng, quần ống loe vải oxford xám, nơ cà vạt có thun và một cái nón hình tam giác màu nâu ngất nghểu như con tàu đậu trên trán.

Gioe gào lớn:

Bé và anh và ông già cùng đi dự dạ vũ, rõ chớ? Ba lầm bầm:

Tối nay ta mà nghe cậu nói câu “ông già” thì cậu cũng sẽ rõ đó!

Mẹ suỵt ba:

Nói nhỏ thôi mình, kẻo cậu ta nghe thấy đó!

Coi nó viết gì trên xe kìa: Nhảy vô đi, cá mòi, đây là cái hộp của cá đó.

Anh đừng lo, anh đi xe của anh mà, đâu có đi xe đó đâu mà sợ câu đó.

Nhờ Trời chúng ta không đến nỗi như vậy. Em chịu khó tiếp nó trong khi anh ra bỏ mui chiếc Xế Điên kẻo người ta lại tưởng nó là con của mình thì chết!

Mẹ vô phòng khách đúng lúc Gioe đang chỉ cho Frank và Bill thấy cơ chế hoạt động của nơ cài:

Kiểu nơ này gọi là Guillaume Tell[15]. Mình căng nó ra nó sẽ bắn trở lại trái khế.

[15] Nhân vật nổi tiếng về tài bắn cung, có lần bị thách bắn trái táo để trên đầu con trai mình.

Frank và Bill cứ trố mắt ra ngạc nhiên:

Anh là “trưởng nhóm” đầu tiên tụi em gặp. Anh có thể biểu diễn cách hô cổ võ không?

Gioe bèn đưa tay làm loa nơi miệng, hét lên với giọng vỡ tiếng khiến mẹ phải rùng mình vì chói tai: Ahoo, rah, ray và hổ gầm. Tôi muốn nghe các bạn hô ray ray rah, sẵn sàng.

Rồi Gioe quỳ gối, cổ tay quay mòng mòng như một con sóc bị nhốt trong lồng rồi hét lên chói tai: rah ray ray….

Đúng lúc đó ba bước vô phòng khách và nhìn cảnh đang diễn ra, môi ba bĩu ra, tay ba chống nạnh. Khi anh chàng “nhóm trưởng” biểu diễn xong, ba đến bên mẹ thì thầm:

Xế Điên không chịu nổ máy, không thể trách nó được. Bây giờ anh phải làm sao?

Mình có thể đi xe cậu ta.

Coi anh có giống con cá mòi muốn nhảy vô hộp của nó không?

Giống con cá voi thì đúng hơn. Hay mình gọi xe tắc-xi đi.

Ba vẫn thì thào:

Coi bộ vó thằng nhỏ kìa, nó không tới vai con mình nữa. Chắc nó không dám giỡn mặt con mình đâu, con mình cho nó nốc-ao ngay thôi.

Ba đến bên Anne và Gioe bảo:

Nè, các bạn nhỏ, tôi nghĩ các bạn sẽ không phiền nếu tôi không đi chung với các bạn được.

Dạ không phiền đâu, ba. Phải không, Gioe?

Ba trêu:

Lại hoan hô với cậu rah ray ray và hổ gầm, phải không? Gioe không hề che dấu vẻ nhẹ nhõm ra mặt:
Dạ. Thôi đi nào, bé! Nếu không mình trễ giờ đó!

Ba giao hẹn:

– Anne à, con không được về trễ hơn 12 giờ khuya đó.

Nếu không ba sẽ đi kiếm đó, rõ chưa?

– Dạ!

Anne mỉm cười nói tiếp:

– Xế Điên đã cứu bồ con!

Ba cũng mỉm cười nói thêm:

– Đúng vậy, và cả…

Mắt nhìn sững vào Gioe Scales, ba nói tiếp:

… kích thước của một thứ khác nữa… Gioe không hiểu, chỉ biết giục Anne:
Thôi đi nào, bé! Kẻo bà tiên lại biến tất cả thành chuột nhắt và trái bí ngô bây giờ.

Rồi đôi bạn trẻ cặp tay nhau đi, tuy vậy Gioe cũng biết ngả nón chào ba mẹ trước khi đi.

Ba hỏi mẹ:

Nè mình, có phải nó nói móc anh là trái bí ngô không vậy?… Thằng nhỏ thiệt… anh phải bẻ cổ nó mới được!

Đâu có mình, nó nói chung chung vậy mà.

Và chúng tôi nghe tiếng còi xe khủng khiếp xa dần.

*

Một khi cổng đã mở, Anne bắt đầu được ra ngoài nhiều hơn, kế đến là Ernestine và Martha. Mỗi khi rảnh ba đi theo hộ vệ. Mặc dù ba không ngán thước tấc thiếu trung bình của Gioe Scales nhưng ba cũng không mấy tin tưởng mấy anh chàng sinh viên chơi bóng bầu dục hoặc các “tù trưởng” khác khá bự con. Các chàng bắt đầu theo đuôi các con gái của ba ngày càng nhiều, thiếu điều cắm trại nơi bãi cỏ trước nhà. Những khi bận ba giao nhiệm vụ lại cho Frank và Bill.

Ernestine phản đối:

Có ba đi theo đủ rồi, bây giờ có thêm cậu em trai đi theo nữa là hết nói luôn! Không hiểu tại sao mấy tên con trai còn chịu mời tụi con.

Ba trả lời:

Ba hiểu rõ tại sao tụi con trai vẫn mời các con, vì thế mà ba bắt Frank và Bill đi theo. Ba rất sẵn lòng để mấy tên “tù trưởng” đi khảo sát các vùng hoang mạc khác ngay.

Frank và Bill cũng không mấy thích vai trò giám sát này.

Frank than:

Con y như kỳ đà cản mũi đó, ba! Ba đáp:

Thì đúng đó là cái ba muốn con làm mà. Ba không mong con ra tay giải cứu các chị con khỏi các tên vai u thịt bắp ấy. Nhưng ít ra con có thể chạy đi kiếm cảnh sát.

Các cô con gái than thở cầu cứu với mẹ. Vô ích, mẹ luôn là đồng minh của ba.

Chị cả Anne than:

Theo con ba đa nghi quá. Mẹ la liền:

Không đến phần cô nhận xét, cô Hai. Đây không phải là đa nghi. Không phải vì các bậc cha mẹ khác không hoàn thành trách nhiệm quan tâm đến con cái họ mà ba mẹ cũng phải bắt chước theo họ để bỏ bê con cái mình.

Những lúc đi theo hộ vệ như vây, ba ngồi vào bàn sát tường, thật xa ban nhạc, lấy hồ sơ trong cặp ba mang theo làm việc. Ban đầu chẳng ai dể ý đến ba, có lẽ họ nghĩ không để ý sẽ làm ba chán phải tự đứng lên bỏ đi thôi. Nhưng riết rồi họ lại coi ba như một thứ nội thất không thể thiếu. Các chàng trai và các cô gái dần dần bắt chuyện với ba hoặc mang nước uống lại mời ba. Chẳng có ai, kể cả các “ tù trưởng”, tiếp xúc với ba mà không quý mến ba. Còn ba cứ ra đến bên ngoài là ba không tránh khói thu hút người khác.

Một tối nọ, chị cả Anne chỉ ba đang được đám đông vây quanh nói với Ernestine:

– Coi kìa, ba mới là cái đinh của tối nay, em nghĩ sao?

Em nghĩ ba luôn là kỳ đà, nhưng thành thật mà nói ba rất sáng giá!

Chị thấy vậy mà hay đó.

Nghĩa là sao, em chưa hiểu?

Nghĩa là rồi ba sẽ hiểu giới trẻ và sẽ thấy chuyện theo hộ vệ chỉ tổ làm ba mất thì giờ. Thật ra vắng mẹ, ba rất buồn chán nên rồi ba sẽ tự động không đi theo chị em mình nữa đâu.

Mọi việc đúng theo dự đoán của chị cả Anne.

Một lần ba bảo:

Thôi, ba chán làm vú em lắm rồi! Nếu các con muốn đi thì cứ đi một mình đi.

Anne mỉm cười:

Ba thấy đó, mấy tên con trai đâu có gì đáng ngại, phải không?

Làm sao ba biết được đáng ngại hay không? Dĩ nhiên trước mặt ba chàng nào chẳng tỏ ra đàng hoàng. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Cái ba ghét là mọi người coi ba như một thằng hề vô hại, đám con trai thì vỗ lưng ba, đám con gái thì rủ ba khiêu vũ.

Ba quay sang mẹ:

– Anh biết là không phải lỗi tại em, bà chủ a! Nhưng phải chi mình có con trai đầu lòng thì khoe biết mấy!

Kể từ đó điện thoại là phương tiện duy nhất ba tiếp xúc với các “tù trưởng”.

Có lần, ba làu bàu sau khi trả lời điện thoại:

Không biết tên ngốc nào mới gọi đến xin gặp Ernestine nhà mình. Chắc có ngày phải xin cắt máy điện thoại quá! Máy tên nhóc này làm anh phát điên lên được! Phải chi tụi nó làm ong hút mật các bông hoa nhà khác thì khoẻ biết mấy!

Libby Holton, vửa mới cùng gia đình từ Missisipi dọn đến ở Montclair, là bạn gái cùng lớp với chị cả Anne.

Libby đẹp, chín chắn so với bạn cùng tuổi, và thời trang siêu phẳng không hề ảnh hưởng vóc dáng của chị ấy, Libby trang điểm rất đậm, mặc váy ngắn nhất trường và đi giày gót nhọn cao nhất trường. Libby đúng là mẫu con gái có bề ngoài mà ba không muốn các con gái mình giống.

Libby rất duyên dáng và là “sao” trong trường. Libby kết bạn với chị cả Anne. Một hôm Anne xin phép ba mẹ mời Libby về nhà ăn cơm. Libby được xếp ngồi chỗ danh dự bên tay phải của ba, ấy thế mà chị ấy lại xức nước hoa thơm lừng. Ngay khi chị ấy bước vào nhà là mùi nước hoa toả khắp nhà. Biết ba rất ghét con gái thoa phấn xức nước hoa nên chúng tôi nơm nớp lo ba sẽ bắt chị ấy đi rửa sạch.

May mắn là ba chỉ ghét con gái mình xức nước hoa, còn con người khác làm thì ba mặc kệ.

Ngay cả khi Libby được giới thiệu với ba, ba cười rất tươi khen:

Cháu vừa xinh vừa thơm quá. Bác rất vui khi có cháu ngồi gần.

Libby reo lên:

Ôi, Anne Gibreth! vậy mà bạn giấu kỹ nhé! Bạn không hề cho tôi biết ba bạn thiệt đẹp trai và còn ga-lăng hết ý nữa!

Bill lầm bầm:

– Ôi, ôi!

Libby quay sang Bill, nháy mắt mỉm cười:

Chị khen ba em vậy có gì sai quấy không? Bill lặp lại, nhưng lần này với giọng vui vẻ:
Ôi, ôi!

Trong suốt bữa ăn, Libby và Anne chăm sóc ba cực kỳ chu đáo. Cả nhà chờ xem có chuyện gì xảy ra. Cả ba cũng vậy. Khi ba ăn xong định đứng lên thì Anne đằng hắng:

Thưa ba, có chuyện này con muốn xin ba từ lâu rồi. Ba mỉm cười trêu:

Và bây giờ sau khi khen nịnh, chăm sóc, trái lê đã chín muồi rồi phải không…? Thế nào các cô nói đi, các cô muốn gì nào?

Trưa nay ba có thể tự cho mình nghỉ phép để dạy tụi con học lái xe không, ba? Tụi con sắp tới tuổi được cấp bằng lái xe rồi, trong nhà có thêm một người biết lái xe cũng tốt lắm chứ? Phải không ba?

Có vậy thôi hả? Các cô đâu cần chăm sóc tôi cho dữ rồi đòi hỏi có bấy nhiêu thôi hả. Vậy mà tôi cứ sợ các cô đòi tôi cho phép đi nghỉ mát một mình ở Coney Island chớ, hay thứ gì na ná như vậy!

Nói rồi ba nhìn đồng hồ:

Để ba cho nhớt vào máy xe. Mười hai phút nữa là xe sẽ được đưa tới cửa.

Libby và Anne reo lên bá cổ ba:

Anne thì thào:

Con không ngờ ba lại chịu. Libby cãi:

Mình đã bảo bạn mà, ba bạn sẽ chịu mà.

Nói rồi Libby hôn đánh chụt lên má của ba, để lại dấu son hồng. Sau đó cả hai cô gái nhảy chân sáo ra khỏi nhà.
Ba trợn mắt nói với mẹ:

Mình thấy chưa, Lillie. Anh nghĩ là anh đã đến tuổi hết thời rồi. Khi mà bạn gái của con gái mình hôn mình có nghĩa là mình vô hại, cũng có nghĩa là mình già lão quá rồi.
Mẹ giả làm mặt nghiêm:

Điều mà em hiểu là mình có thể bắt đầu thoa tóc và mặc quần ống loe cho đúng mô-đen rồi đó! Nhưng trước tiên hãy chùi sạch vết son môi đi đã!

Ba lơ đãng mỉm cười, rồi dùn gối cho ống quần quăn lại kiểu quần vải oxford của các “tù trưởng”:

Để anh ra sơn lên Xế Điên câu: “Bốn bánh, không thắng, chiếc xế mà bạn thích nhất!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.