Hãy Cười Lên Các Con

GIỜ ĐÃ ĐIỂM



Tất cả tụi tôi không ai biết là tim ba có vấn đề từ lâu rồi.
Và bây giờ bác sĩ Burton nói với ba là ba sắp chết.

Chúng tôi chỉ nhận ra là ba gầy đi trông thấy. Lần đầu tiên sau 25 năm, ba nặng dưới 100 ký. Ba đùa là thật tức cười khi bây giờ nhờ bụng nhỏ đi ba đã có thể nhìn thấy trở lại bàn chân mình. Tay ba bắt đầu run run và da mặt ba sạm lại. Đôi lúc, khi ba đang chơi bóng chày với các anh chị lớn hay lăn trên sàn nhà làm ngựa cho hai út Bob và Jane thì ba đột ngột ngưng ngang, ba bảo chơi vậy đủ rồi và ba lảo đảo bỏ đi.

Ba được 55 tuổi và chúng tôi những tưởng ba bắt đầu già đi. Không bao giờ chúng tôi lại ngờ được ba có thể ra đi trước khi ba chán ghét cuộc sống.

Trước khi Bob và Jane chào đời, ba đã được bác sĩ cảnh báo có thể đột tử do tim có vấn đề. Ba đã bàn bạc với mẹ mọi khía cạnh về khả năng mẹ trở thành goá phụ với một tá con trên tay.

Ba tâm sự với mẹ:

Anh không chắc là các bác sĩ nói có đúng không. Mẹ biết ba cần nghe những gì nơi mẹ:

Mình mới có mười đứa. Em không thấy chăm sóc mười hai đứa con thì có gì khác với mười đứa. Vả lại em luôn thích làm xong những gì mình đã lên kế hoạch làm.

Bệnh tim cũng là lý do khiến ba huấn luyện tụi tôi một cách sống có hệ thống và bài bản như vậy. Chính vì căn bệnh tim mà ba đã sắp xếp tổ chức cuộc sống của chúng tôi trên một nền tảng hiệu quả để chúng tôi có thể tiến bước trên đường đời một cách tự lập, không cần phải ai thường xuyên theo dõi. Các anh chị lớn cũng được huấn luyện để có trách nhiệm với các em út. Ba biết rõ là nếu ba bất chợt nằm xuống thì gánh nặng sẽ đè lên vai mẹ, do đó ba cố hết sức chuẩn bị cho gánh nặng đó càng nhẹ càng tốt.

Và thế là một hôm bác sĩ Burton nói với ba:

Có thể là ngày mai, nhưng cũng có thể là sáu tháng nữa. Tối đa là một năm, nếu ông chịu ngưng hoàn toàn công việc, chỉ nằm nghỉ trên giường thôi.

Ba đáp:

Ông tưởng là ông hù được tôi. Từ ba năm nay các ông luôn bảo tôi ngưng làm việc. Tôi không tin các ông đâu. Tôi vẫn còn trẻ mà, vả lại tôi quá bận để có thể nghỉ ngơi.
Bác sĩ Burton mỉm cười:

Vẫn luôn là “người đi khai phá”. Ba nhắc lại:

Đừng có hù tôi. Tôi mới là người đi đưa đám ông đó.

Nói vậy chớ về đến nhà ba liền viết một lá thơ gởi cho bác sĩ Myrtel Canavan, chuyên gia về thần kinh, ở Boston:
Cô bạn tử thần của tôi,

Nếu có ngày tôi chết, hoặc khi tôi chết, tôi mong bộ não của tôi được gởi tới Đại học Y ở Havard để làm mẫu nghiên cứu theo chương trình hôm trước bạn đã kể cho tôi nghe. Tôi mong là bạn sẽ giúp tôi làm mọi thủ tục cần thiết. Nón tôi cỡ 7,8 nếu như bạn cần biết kích cỡ để chuẩn bị bình đựng bộ não của tôi. Nhưng mong bạn chớ coi lá thư này có nghĩa là tôi sắp ra đi tới nơi. Tôi chưa chịu đi đâu. Tôi để lại một bản sao của lá thư này cho nhà tôi, Lillie, để cô ấy xử sự khi thời điểm ấy xảy ra. Khi ấy nhà tôi sẽ thông báo với bạn. Lần tới tôi có gặp bạn, bạn đừng săm soi cái đầu tôi với cái nhìn của một chuyên gia nhé!

Lá thư được gởi đi xong, ba gạt ra khỏi bộ nhớ mọi suy nghĩ về cái chết. Một hội nghị quốc tế của các cường quốc về tổ chức quản lý kinh tế sẽ được tổ chức trong tám tháng nữa tại Anh và Tiệp. Ba là một trong những diễn giả được mời tới diễn thuyết tại hội nghị và ba đã nhận lời. Sự phát triển kỹ nghệ hậu chiến ngày càng lệ thuộc vào việc nghiên cứu quy trình sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế tối đa. Ba mẹ ngày càng có nhiều khách hàng không kịp phục vụ. Ba đi suốt từ xí nghiệp này sang xí nghiệp khác để nghiên cứu rồi thiết lập quy trình sản xuất tối ưu, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm thiểu mệt mỏi cho người lao động, vừa tăng năng suất.

Một hôm ba đi bộ từ nhà ra trạm xe lửa Lakawana, cách nhà khoảng một dặm để đón xe lửa đi New York. Chỉ còn vài phút nữa khi con tàu lăn bánh thì ba gọi điện thoại cho mẹ:

Bà chủ nè, trên đường đi anh chợt nghĩ ra một cách để giảm được số các động tác đóng gói xà-bông cho công ty của anh em nhà Lever. Mình nghĩ sao, cách đó như thế này nhé…

Mẹ nghe một tiếng ầm, rồi đường dây im tiếng. Mẹ cố lắc lắc dây.

Tiếng cô trực tổng đài điện thoại vang lên:

Tôi rất tiếc. Người đang gọi dây nói cho bà đã ngưng gọi.

Khi ấy út Jane mới lên hai. Chị cả Anne đang ở trường dự kỳ thi cuối năm thứ nhất.

Đó là một buổi sáng thứ bảy. Các em út đang chơi đùa trong sân trước nhà. Các anh chị lớn trong ban Mua bán đang mua đồ cho nhà ở trên trung tâm thành phố. Sáu hay bảy bác hàng xóm gì đó mang xe lên đón họ nhưng không nói có chuyện gì xảy ra:

Mẹ các cháu gọi các cháu về ngay. Có tai nạn mới xảy ra. Lên xe đi để các bác đưa về nhà cho nhanh.

Về đến nhà chúng tôi hiểu ngay tai nạn đó là gì. Mười lăm hay hai chục chiếc xe đang đậu nối đuôi nhau trước cửa nhà, trên lối đi, và cả trên thảm cỏ nữa. Mẹ ư? Không thể nào vì các bác hàng xóm bảo mẹ cho gọi về mà. Ba ư? Không, không thể nào tai nạn có thể xảy ra với ba. Có ai bị té xe đạp giữa đường nên bị chẹt ư? Dám lắm. Tất cả các con gái đều chạy xe đạp rất cừ. Cả Bill cũng vậy, nhưng Bill luôn chạy xe rất mạo hiểm.

Chúng tôi nhảy vội ra khỏi xe và chạy về nhà. Jackie đang ngồi trên sân gần lối đi. Mặt em ướt nhem nước mắt. Em nức nở:

– Ba chết rồi!

Ba là một phần của tất cả chúng tôi, và ba chết đi khiến một phần trong chúng tôi chết đi.

Người ta mặc cho ba bộ quần áo ba mặc trong quân đội và chúng tôi bước vào nhìn mặt ba. Mắt ba nhắm nghiền, mặt tuy thư thái nhưng thật quả quyết như thể ba đã kiên cường chống chọi với thần chết.

Mẹ tìm ra bản sao lá thư ba gửi cho bà bạn bác sĩ, và bộ não của ba được gửi đến trường đại học Havard. Sau khi hoả táng, mẹ một mình mướn một chiếc thuyền ra Đại Tây Dương. Ở một nơi nào đó, đứng nơi mũi thuyền, mẹ thả tro ba xuống biển khơi. Ba đã muốn như thế.

Mọi việc diễn ra trước hôm ba phải sang châu Âu diễn thuyết tại hội nghị như đã hứa ba ngày. Đó là một ngày cuối năm 1924.

Sau khi ba ra đi, có cái gì đó thay đổi nơi mẹ. Cả về dáng vẻ lẫn phong cách. Trước khi lấy chồng mẹ phụ thuộc vào các quyết định của ông bà ngoại. Sau khi lấy chồng, mọi quyết định do ba. Chính ba sẽ quyết định có một tá con và tất cả sẽ theo ngành phân tích quy trình sản xuất của ba. Nếu như ba thích nghiên cứu về đan giỏ lác hay về nhân trắc học thì mẹ cũng sẵn sàng sát cánh bên ba.

Chừng nào ba còn sống, mẹ còn sợ đủ thứ, từ tốc độ, máy bay đến ra khỏi nhà một mình trong đêm tối. Mỗi khi có sấm sét, mẹ trốn vào phòng, bịt tai lại. Khi có chuyện gì xảy ra không như ý trong bữa ăn có khách, mẹ ngân ngấn nước mắt. Tuy diễn thuyết thành công trước đám đông nhưng lòng mẹ luôn lo lắng mỗi khi phải nói trước đám đông.

Thế mà bây giờ, khi ba đã đi xa, mẹ không còn biết sợ là gì nữa, bởi vì một trong những điều mẹ sợ nhất đã xảy ra. Không một lần nào chúng tôi thấy mẹ khóc.

Hai ngày sau khi ba đi xa, trong nhà vẫn còn phảng phất mùi hoa mọi người đem tới, mẹ cho họp Hội đồng Gia tộc. Mẹ ngồi vào ghế Chủ tịch trước đây ba vẫn ngồi, bên cạnh cũng có một bình nước lạnh như ba, bây giờ mẹ coi đó là chuyện tự nhiên.

Mẹ bảo với chúng tôi là nhà không còn nhiều tiền mặt bởi vì phần lớn tài sản ba mẹ đã đầu tư vào các dự án đang làm. Ông bà ngoại đòi mẹ cho chúng tôi về ở với ông bà ở California.

Chị cả Anne xin phép mẹ cho nghỉ học đại học để đi làm. Erestine vừa mới lãnh bằng tốt nghiệp trường Kỹ thuật ngay trước ngày ba đi xa cũng xin đi làm thay vì vào đại học học tiếp.

Mẹ nói bằng một giọng uy quyền khác với vẻ dịu dàng thường ngày:

Còn một giải pháp khác ngoài chuyện các con bỏ học để đi làm. Các con cũng biết ba muốn tất cả các con của ba học xong đại học. Giải pháp mẹ sẽ đề ra đòi hỏi tất cả chúng ta phải đồng lòng chịu cực, nhưng bù lại các con không phải bỏ học, gia đình mình vẫn sống đoàn tụ ở trong căn nhà này. Đó là mẹ vẫn tiếp tục mở công ty, tiếp tục công việc của ba. Các con cũng biết mẹ có thể làm được. Tuy nhiên gia đình mình phải sống tiết kiệm lại. Có thể phải cho bà bếp nghỉ việc.

Thế còn bác Tom. Đừng mẹ a, cho bác ấy nghỉ việc bác ấy biết đi đâu, bác ấy đã sống với mình lâu quá như là người trong nhà rồi mà.

Dĩ nhiên bác Tom vẫn ở với mình như người trong nhà. Nhưng phải bán một số thứ trong nhà, như Xế Điên chẳng hạn. Nếu chịu cực một chút, giảm bớt chi tiêu chắc chắn tất cả các con sẽ đủ tiền học xong đại học như ước nguyện của ba. Các con có muốn thử không, các con có tự chăm sóc nhà cửa, các anh chị lớn chăm sóc các em út trong lúc mẹ vắng nhà không?

Mẹ đi đâu?

Nếu như các con làm được mọi việc mẹ vửa nói thì mẹ sẽ thay ba đi diễn thuyết tại hội nghị ở Luân Đôn và Praha như họ đã mời ba. Ba đã mua vé sẵn rồi. Mẹ chắc chắn là mẹ làm được. Nhưng phải tuỳ thuộc vào các con có chịu không.

Mẹ đập tay xuống bàn đầy quả quyết y như ba vẫn làm.

Ernestine và Martha lên lầu giúp mẹ xếp hành lý. Chị cả Anne vào bếp lo bữa ăn cho cả nhà. Frank và Bill lên phố kêu người mua xe.

Lilli dặn vói theo:

Các anh nhớ bảo họ cho xe cẩu đến kéo Xế Điên về ga-ra của họ nghe. Ngoài ba ra, Xế Điên chẳng chịu nổ máy đâu.

*

Có lần một người đã hỏi ba:

Tại sao ông cứ thích tiết kiệm thời gian chứ? Ông định làm gì với thời gian tiết kiệm được?

Ba trả lời người ấy:

Để làm việc, nếu đó là điều ông thích, để nghiên cứu khoa học, hoặc để làm nghệ thuật, để phụng sự cái đẹp, để vui thú, hoặc…

Ba nhìn người ấy qua gọng kỉnh, nheo mắt lại hóm hỉnh:

– Hoặc để chơi bi, nếu như lòng ông muốn thế!

ooO HẾT Ooo


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.